Bánh ít lá gai
Bánh ít lá gai
Phương Tuyền
Bánh ít lá gai
Nhân dịp sinh nhật của ông xã vừa qua, Phương Tuyền được hưởng ké một món bánh thật ngon do một người chị tự tay làm tặng mừng cậu em thêm tuổi mới. Bánh thật ngon gợi lên sự tò mò về nguồn gốc và cách làm món bánh này.
Bánh có lớp vỏ ngoài đen bóng, lớp nhân đậu xanh quyện với dừa bào sợi thơm thơm mê hoặc. Bánh có độ ngọt đậm hơn so với các loại bánh khác nhưng lại rất thơm và được bọc trong lớp lá chuối .
Nếu như Huế có bánh nậm, bánh lọc thì miền đất võ Bình Định lại ấp ủ trong lòng mình món bánh ít lá gai thơm ngon và độc đáo. Từ lúc nào không biết, bánh ít lá gai không chỉ được xem là món đặc sản mà còn là một nét văn hóa độc đáo của người dân xứ này.
Lá gai được trồng ngày trong vườn nhà chị nên rất tươi. Lá có hai mặt, một mặt xanh, một mặt trắng bạc, hơi thô nhám. Làm bánh thì nên chọn lá mướt, không bị sâu,rửa sạch, luộc chín, để ráo nước, gỡ từng gân lá rồi giã cho nhuyễn và mịn như bột.
Chọn loại nếp mới còn lưu hương thoang thoảng, hạt đều, căng mẩy, không lẫn tẻ, vo sạch, ngâm chừng 4 tiếng rồi đem xay. Bột ấy lại cho vào một cái túi vải, buộc chặt tìm chỗ cao thoáng treo lên cho nước trong bột ra hết.
Tiếp tục trộn lá gai đã giã nhuyễn chung với bột nếp và đường thắng dẻo, một chút muối dằn cho đậm đà sau đó dùng chày quết cho các thức kia quyện chặt vào nhau tạo thành một khối đen tuyền, quánh dẻo. Để bột không dính vào chày, thì thoa một ít dầu mè, dầu phụng vào đầu chiếc chày.
Lấy một ít bột nếp trên bàn tay, tán tròn ra và đặt nhân đậu xanh dừa sợi vào. Gói lại cho chắc. Bánh có thể gói theo nhiều hình dạng như hình tháp, hình vuông hoặc cuộn tròn lại. Đặt bánh đã gói vào xửng hấp chín.
Bánh vừa hấp xong, ăn nóng hổi hoặc để nguội đều ngon. Bánh đen nhánh, bọc kín lấy nhân, khi ăn thật dẻo, thật mịn mà không dính răng, nhai một chút sẽ thấy bột nếp dẻo quánh, đậu bùi ngọt, dừa béo ngậy thêm chút cay của gừng, ngan ngát thơm hương nếp mới quyến luyến hương lá gai. Rồi hương ấy, vị ấy quyện vào nhau tạo nên vị ngon rất khó tả.
Bánh gai thơm thơm nhân đậu xanh với chút dừa bào sợi, lớp vỏ bánh đen và thơm mùi lá gai đặc trưng. Ăn một chiếc thì vẫn chưa đã thèm, tay lại mon men bóc thêm một chiếc nữa. Bánh này mà thưởng thức với trà xanh nóng thì không còn gì bằng.
Vừa ăn bánh, vừa thầm cảm ơn người làm chiếc bánh với tất cả yêu thương để mang lại hoài niệm hương vị quê nhà trên đất khách.
Nguồn Gốc Xuất Xứ Của Bánh Ít Lá Gai Đặc Sản Bình Định
Nếu như Huế có bánh nậm, bánh lọc thì miền đất võ Bình Định lại ấp ủ trong lòng mình món bánh ít lá gai thơm ngon và độc đáo. Từ lúc nào không biết, bánh ít lá gai không chỉ được xem là món đặc sản mà còn là một nét văn hóa độc đáo của người dân xứ Nẫu. Dù đi xa đến đâu, người con Bình Định vẫn không thể nào quên cái vị ngọt thơm của lá gai, của hạt đậu xanh xay nhuyễn được gói khéo léo trong nắm bột dai dai. Giữa thị trường nhộn nhịp của bánh Tây, bánh Tàu, bánh ít lá gai hiện lên như một nốt nhạc trầm trầm mang đầy màu sắc dân gian và mộc mạc. Lâu lâu, người Bình Định vẫn cứ ngâm nga:
“Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi…”
Nguồn gốc và tên gọi
Tương truyền, bánh ít là sự kết hợp giữa bánh chưng và bánh dày. Khi Lang Liêu sáng tạo ra bánh chưng và bánh dày để dâng lên vua Hùng thì nàng công chúa út lại kết hợp hai thứ bánh này lại để cho ra loại bánh độc đáo hơn. Bánh ít là sự kết hợp giữa nhân của bánh chưng và vỏ của bánh dày. Để không trùng lặp với hình vuông và hình tròn của hai loại bánh trên, công chúa út nặn bánh thành hình tam giác. Màu đen của bánh ít là từ lá gai. Nó tượng trưng cho màn đêm thanh bình và yên ả. Ngoài ra, màu đen đại diện cho màu của truyền thống, màu của mộc mạc. Bánh ít vẫn chỉ là bánh ít thôi, không màu sắc rực rỡ nhưng luôn âm thầm tỏa sáng. Về tên gọi, vì bánh do công chúa út ít tạo ra nên về sau, người ta quen miệng gọi là bánh ít.
Hình ảnh của bánh ít lá gai trong cuộc sống thường ngày
Bánh ít lá gai là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người dân Bình Định. Trong bữa buổi trà chiều, sau bữa cơm tối hoặc những bữa cúng giỗ, bánh ít luôn được đặt trên mâm chính một cách trang trọng. Bánh ít giống như một sự bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn đối với tổ tiên trong những buổi cúng giỗ quan trọng của cả làng. Từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng có thể ăn được và yêu mến loại bánh này. Không giống những loại bánh cao sang khác, bánh ít mộc mạc và giản dị vô cùng. Nó gần gũi, gắn bó máu thịt với bao thế hệ con cháu vùng đất võ Bình Định. Bánh ít lá gai đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực ở Bình Định nói riêng, miền Trung nói chung. Cũng vì nó thể hiện được vẻ đẹp, sự khéo léo của bàn tay con người và mang đậm dấu ấn quê nhà.
VTL
Phương Tuyền 07/15/2022