Gu âm nhạc thể hiện tính cách của bạn

Gu âm nhạc thể hiện tính cách của bạn

Hãy nói bạn thich nghe nhạc gì, tôi sẽ dự đoán được tính cách của bạn. (minh họa: Unsplash)

Người hướng nội có thể hướng ngoại chút ít theo thời gian nếu đổi gu âm nhạc, nhưng cuối cùng họ vẫn là người hướng nội. Âm nhạc không thể thay đổi tính cách của họ. Vì sao? Hãy nghe giới khoa học giải thích trên Washington Post.

Tính cách quyết định xu hướng nghe nhạc

Sở thích có thể thay đổi theo thời gian, nhưng nghiên cứu cho thấy mọi người có xu hướng đặc biệt yêu thích một thể loại âm nhạc nào đó từ lúc còn bé. Nhưng bạn có khi nào tự hỏi tại sao mình lại yêu thích một thể loại âm nhạc cụ thể không?

15 tác dụng kỳ diệu của âm nhạc cho sức khỏe đã được khoa học chứng minh -  BlogAnChoi

Một nghiên cứu mới cho thấy câu trả lời nằm trong tính cách của bạn, dù các yếu tố khác cũng đóng một vai trò nào đó. Nhiều người có xu hướng hình thành bản sắc âm nhạc ở tuổi vị thành niên, cùng với thời điểm họ bắt đầu khám phá bản sắc xã hội của mình. Sở thích có thể thay đổi theo thời gian, nhưng nghiên cứu cho thấy chúng ta yêu thích một thể loại âm nhạc ngay từ thời niên thiếu và ghi nhớ chúng vào đầu, từ năm lên 10 đến 30 tuổi, với đỉnh cao ghi nhớ là tuổi 14.

Các nhà nghiên cứu cho biết, sở thích âm nhạc thường được xác định theo thể loại nhạc ưa thích, nhưng để hiểu chính xác hơn về sở thích phải dựa vào “thuộc tính âm nhạc” (musical attribute).

Nghiên cứu cho thấy chúng ta yêu thích một thể loại âm nhạc ngay từ thời niên thiếu. (minh họa: Unsplash)

Mô hình phác thảo ba chiều của thuộc tính âm nhạc là “sự kích thích, giá trị và chiều sâu”. Theo nhà nghiên cứu David M. Greenberg thuộc Đại học Bar-Ilan và Đại học Cambridge và các đồng nghiệp, sự kích thích có liên quan đến lượng năng lượng và cường độ trong âm nhạc. Những bài hát punk và heavy metal như ‘White Knuckles’ của Five Finger Death Punch có sự kích thích cao. Còn giá trị là một phổ, đi từ cảm xúc tiêu cực đến tích cực.

Các bài hát rock và pop sôi động như ‘Razzle Dazzle’ của Bill Haley & His Comets có giá trị cao. Độ sâu chỉ ra cả mức độ phức tạp về cảm xúc và trí tuệ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy âm nhạc của rapper Pitbull có độ sâu thấp còn nhạc cổ điển và jazz thường có độ sâu cao”.

Greenberg nói thêm: “Các thuộc tính âm nhạc cũng có mối quan hệ thú vị với nhau. Độ sâu cao thường tương quan với giá trị thấp hơn, vì vậy nỗi buồn trong âm nhạc cũng gợi lên chiều sâu. Chúng ta thích âm nhạc của những nghệ sĩ có tính cách tương đồng với chúng ta. Khi nghe nhạc của họ, chúng ta bị thúc đẩy bởi sự giống nhau của nghệ sĩ đó với chính mình”.

Sở thích có thể thay đổi theo thời gian, nhưng nghiên cứu cho thấy mọi người có xu hướng đặc biệt yêu thích một thể loại âm nhạc nào đó từ lúc còn bé. (minh họa: Unsplash)

Những người được hỏi cho biết nhạc của David Bowie thể hiện “sự cởi mở và thần kinh cao” trong khi Marvin Gaye thể hiện “sự dễ chịu cao”. Greenberg nói: “Sự tương đồng giữa tính cách của người nghe và nghệ sĩ sẽ giúp dự đoán xu hướng thích âm nhạc của nghệ sĩ đó”.

Nhóm nghiên cứu của Greenberg kết luận: “Nói chung, biết tính cách của mỗi cá nhân sẽ dự đoán được gu âm nhạc của người đó”. Greenberg và các đồng nghiệp phát hiện một điều thú vị: Bất chấp sự khác biệt về văn hóa xã hội, những người được hỏi trên khắp thế giới thể hiện sự nhất quán về tính cách trong mối tương quan với thể loại âm nhạc phương Tây họ thích. Ví dụ, người hướng ngoại thích âm nhạc đương đại lạc quan; người cởi mở thích âm nhạc phức tạp hoặc tinh tế. Kiểu nhận thức cá nhân và cách chúng ta suy nghĩ cũng có thể dự đoán loại nhạc chúng ta thích.

Nghiên cứu hồi năm 2015 của Greenberg và các đồng nghiệp phân biệt giữa những người hay quan tâm đến các quy tắc và hệ thống (systemizer) và những người hiểu thế giới thông qua suy nghĩ và cảm xúc (empathizer). Ông phát hiện: “Systemizer có xu hướng thích âm nhạc buồn hơn, trong khi empathizer thích âm nhạc mãnh liệt hơn. Ví dụ nhiều chuyên gia công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu yêu thích hệ thống hóa cũng thích âm nhạc mãnh liệt.

 Biết tính cách của mỗi cá nhân sẽ dự đoán được gu âm nhạc của người đó. (minh họa: Unsplash)

Các yếu tố tương tác âm nhạc

Trong khi tính cách là yếu tố quyết định sở thích âm nhạc của chúng ta, còn một yếu tố ít quan trọng hơn là bối cảnh (context). Minsu Park, trợ lý giáo sư nghiên cứu xã hội và chính sách công tại Đại học New York, Abu Dhabi và các đồng nghiệp khi xác định các mốc thời gian của hành vi nghe nhạc, phát hiện chúng ta có xu hướng nghe nhạc thư giãn vào buổi tối và nhạc tràn đầy năng lượng vào ban ngày.

Park nhận định: “Sự phân chia rạch ròi thời gian nghe nhạc này gần như không thay đổi bất kể vị trí văn hóa của bạn và các khác biệt nhân khẩu học. Tuy nhiên, có một sự khác biệt cơ bản giữa những người đến từ các nền văn hóa khác nhau. Ở Mỹ Latinh, nhiều người thích thích nghe ‘âm nhạc kích thích’ hơn so với người ở các khu vực địa lý khác; trong khi ở châu Á, nhiều người thích nghe ‘âm nhạc thư giãn’ hơn so với người ở các khu vực khác”.

Tuổi và giới tính cũng có mối liên hệ với một số thể loại âm nhạc. Nghiên cứu của Greenberg cho thấy những người trẻ tuổi thường thích âm nhạc cường độ cao, còn những người lớn tuổi không thích lắm. Người nghe nhạc êm dịu có nhiều khả năng là phụ nữ và người nghe nhạc cường độ cao thường là nam giới và đến từ Tây bán cầu.

Nghiên cứu cho thấy những người trẻ tuổi thường thích âm nhạc cường độ cao. (minh họa: Unsplash)

Cũng có yếu tố tuổi tác trong việc tương tác với âm nhạc. Một nghiên cứu năm 2013 sau khi kiểm tra dữ liệu từ hai nghiên cứu của hơn 1/4 triệu cá nhân, cho thấy “Thanh niên nghe nhạc thường xuyên hơn đáng kể so với người lớn tuổi trung niên. Trong khi thanh niên nghe nhạc ở nhiều bối cảnh khác nhau, người lớn nghe nhạc chủ yếu trong bối cảnh riêng tư”.

Cuối cùng điều cần biết, là tính cách có thể ảnh hưởng đến sở thích âm nhạc của chúng ta, nhưng những thay đổi về sở thích âm nhạc không thể tạo ra sự thay đổi về tính cách. Ngay cả khi chúng ta cố tình thay đổi thể loại nhạc nghe thường xuyên, tính cách vẫn “mặc định”. Greenberg nói: “Một người hướng nội có thể hướng ngoại chút ít theo thời gian, nhưng cuối cùng bản chất của họ vẫn là hướng nội. Âm nhạc không thể thay đổi tính cách của họ.”

 

Lương Thái Sỹ

*******

Gu âm nhạc nói gì về tính cách của bạn?

Nói cho tôi biết, bạn thích loại nhạc gì, tôi sẽ trả lời về tính cách của  bạn

Trung bình, khoảng 20% quãng thời gian sống của chúng ta chìm trong âm nhạc. Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao bản nhạc này khiến chúng ta cảm động, còn bản nhạc kia thì khiến chúng ta lắc lư nhún nhảy? Hay tại sao nhiều bài hát mà người này thích lại khiến người kia khó chịu?

Và tại sao đối với một số người, chơi một nhạc cụ nào đó tỏ ra vô cùng đơn giản, nhưng với một số người khác, chỉ riêng việc hát đúng tông đã là cả một điều khó khăn? Thực ra, dưới góc nhìn của khoa học, những biểu hiện khác biệt này không phải là sự ngẫu nhiên, mà phụ thuộc rất nhiều vào tính cách của mỗi con người.

5 Thể Loại Nhạc Giúp Tăng Hiệu Suất Làm Việc - YBOX
Theo như một nghiên cứu được David M. Greenberg cùng các đồng sự công bố trên trang plos.org, sở thích âm nhạc của mọi người thường sẽ khác biệt tùy theo 3 lối suy nghĩ khác nhau:

- Nhóm E (Empathisers) có xu hướng quan tâm đến suy nghĩ và cảm xúc của người khác, có xu hướng thích những bản nhạc êm dịu, buồn và có nhiều chiều sâu cảm xúc. 

- Nhóm S (Systemisers) lại tập trung vào những mô hình, hệ thống cũng như các quy tắc quy định thế giới xung quanh họ, thích những bản nhạc mạnh mẽ hơn, thường là hard rock, punk hoặc heavy metal

- Còn những người cân bằng giữa E và S được xếp vào một nhóm khác, nhóm B (Balanced), gu âm nhạc của nhóm này đa dạng hơn rất nhiều so với hai nhóm phía trên.

Bạn thích nhạc gì? Cùng OOPSY đọc xem điều đó nói lên tính cách của bạn như thế nào nhé!

Âm nhạc là gì? Sở thích âm nhạc nói lên tính cách người nghe
1. Nhạc Jazz, cổ điển

Trắc nghiệm tính cách cho thấy, người thích nghe loại nhạc phức tạp, sâu sắc như nhạc Jazz, nhạc cổ điển… thường thông minh, chú trọng tình tiết cuộc sống, họ có chút thâm sâu nên đôi khi khiến người ta khó mà tiếp cận.

2. Nhạc đồng quê

Theo nghiên cứu, người thích nhạc đồng quê, nhạc thịnh hành thông thường khá quy tắc, tác phong làm việc rất bảo thủ, tuy nhiên sống chung với họ lại cho bạn cảm giác chân thành, dễ thân thiết. Những người này đầu óc khá đơn giản, không thích làm phức tạp vấn đề.

3. Nhạc DJ, Disco

Người thích loại nhạc biểu đạt tình cảm mạnh mẽ như nhạc DJ, nhạc disco… thường có tư duy linh hoạt, năng lực điều khiển tâm trạng khá yếu, dễ bị kích động nói ra cách nghĩ của mình.

Người thích nhạc có bố cục hoàn chỉnh như nhạc kịch, nhạc phim thường khá hướng nội, nhạy cảm, có lúc thích sự ủy mị. Kiểu người này nếu gặp phải tiếng xấu gia đình thì tỷ lệ dùng cách tự sát để giải quyết vấn đề cao gấp hai lần so với người khác – đây là kết quả nghiên cứu của nhà tâm lý học Steven Stark ở trường đại học dân lập Wayne (Mỹ). Nguyên nhân do kiểu người có tâm lý “kịch” bị thu hút bởi những ca khúc trong các vở kịch, bộ phim sầu thảm.

4. Nhạc rock, rap

Người thích loại nhạc mạnh như rock hay rap phần lớn lại là thanh thiếu niên và họ có hành vi kích động, xu hướng tình d.ụ.c "hoang dại" hơn những người khác, đây cũng là vấn đề mà các bậc phụ huynh lo ngại. Tuy nhiên, nghiên cứu lại phát hiện rằng, người mê loại nhạc này thực tế khá yếu đuối và dễ xấu hổ hơn người khác.

Đối với những người thích vừa nghe nhạc vừa học tập, làm việc thì nghiên cứu phát hiện, tính cách của họ khá hướng ngoại. Trong “nền” của âm nhạc, họ càng có năng lực tập trung chú ý hơn cả, ngược lại người hướng nội lại bị âm nhạc làm rối tư duy. Theo nghiên cứu của trường đại học Louisiana (Mỹ), người có tính cách hướng ngoại thế này thường thích loại nhạc trầm thấp.

 

Nguồn tham khảo: bestie

 ********

 

Chữa bệnh và phục hồi sức khỏe bằng ‘liệu pháp âm nhạc’

 

Liệu pháp âm nhạc ngày càng được sử dụng rộng rãi để giúp bệnh nhân đối phó với căng thẳng. (minh họa: Jefferson Santos/Unsplash)

Liệu pháp âm nhạc ngày càng được sử dụng rộng rãi để giúp bệnh nhân đối phó với căng thẳng và giúp quá trình chữa bệnh đạt được hiệu quả cao.

Âm nhạc – Liệu pháp

Liệu pháp âm nhạc giúp bệnh nhân quên đi nỗi đau. (minh họa: Jefferson Santos/Unsplash)

“Hãy tập trung vào âm thanh của nhạc cụ,” Andrew Rossetti, một nhà nghiên cứu và trị liệu âm nhạc được cấp phép cho biết khi anh gảy các hợp âm trên một cây đàn guitar Tây Ban Nha cổ điển . “Nhắm mắt lại. Hãy nghĩ về một nơi mà bạn cảm thấy an toàn và thoải mái,” Rossetti nói.

Liệu pháp  âm nhạc là điều cuối cùng mà Julia Justo mong đợi khi cô đến Phòng khám Mount Sinai Beth Israel Union Square để điều trị bệnh ung thư vào năm 2016. Justo là nghệ sĩ đồ họa người Argentina nhập cư đến New York. Âm nhạc nhanh chóng xoa dịu nỗi sợ hãi của cô về việc xạ trị mà cô ấy cần phải trải qua, điều khiến Justo hết sức lo lắng. “Tôi cảm thấy sự khác biệt ngay lập tức, tôi cảm thấy thoải mái hơn nhiều,” cô nói. Theo  The New York Times.

Thật kỳ diệu, Justo khỏi bệnh ung thư đã được hơn bốn năm, vẫn đến bệnh viện hàng tuần trước khi đại dịch bùng phát để gặp ông Rossetti, người có những đoạn guitar nhẹ nhàng và các bài tập giúp cô đối phó với những thử thách đang diễn ra, như giúp ngủ ngon. Thời đại dịch, họ vẫn giữ liên lạc, chủ yếu qua email.

Khả năng chữa bệnh của âm nhạc – được các triết gia từ Aristotle, Pythagoras đến Pete Seeger ca ngợi – hiện đang được chứng thực bởi các nghiên cứu y học. Nó được sử dụng trong các phương pháp điều trị nhắm mục tiêu tới các bệnh như hen suyễn, tự kỷ, trầm cảm. Và hơn thế nữa, bao gồm cả các chứng rối loạn não như bệnh Parkinson, Alzheimer, động kinh và đột quỵ.

Đem âm nhạc vào bệnh viện

Phòng chờ khoa ung thư có nhạc sống, để giúp bệnh nhân bình tâm trong khi chờ xạ trị và hóa trị. Nhạc sống còn có mặt tại khoa sản phụ trong một số đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh và an ủi những đứa trẻ bất hạnh khó qua nổi trong nhà tế bần.

Trước đây các liệu pháp âm nhạc hiếm khi được sử dụng như phương pháp điều trị độc lập, ngày nay càng được sử dụng nhiều hơn để bổ trợ cho các hình thức điều trị sức khỏe. Âm nhạc giúp mọi người đối phó với căng thẳng và tạo khả năng tự chữa bệnh của cơ thể.

Ông Rossetti giải thích: “Với liệu pháp âm nhạc, chúng tôi đang cung cấp cho họ những nguồn lực mà họ có thể sử dụng để tự điều chỉnh, cảm thấy vững tâm và bình tĩnh hơn. Chúng tôi đang tạo điều kiện cho họ tham gia tích cực vào việc chăm sóc bản thân mình.”

Ngay cả trong đại dịch COVID-19, ông Rossetti vẫn tiếp tục biểu diễn nhạc sống cho các bệnh nhân. Ông nói rằng bản thân ông thấy rõ sự gia tăng lo lắng kể từ khi đại dịch bắt đầu, khiến sự can thiệp của âm nhạc, nếu có, sẽ tác động hơn so với thời gian trước khi xảy ra cơn khủng hoảng bệnh tật này.

Mount Sinai gần đây cũng mở rộng chương trình trị liệu âm nhạc, không chỉ cho bệnh nhân mà cả nhân viên y tế, những người phải làm việc căng thẳng để đối phó với COVID-19 từ ngày này qua tháng nọ. Vào giờ ăn trưa, các nhân viên y tế trong bệnh viện được nghe nhạc sống.

Âm nhạc không chỉ là một “chất” gia tăng sự lạc quan. Ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy âm nhạc được chơi trong môi trường trị liệu có những lợi ích về sức khỏe có thể đo lường được. Tiến sĩ Jerry T. Liu, trợ lý giáo sư về ung thư bức xạ tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai, cho biết: “Những người trải qua liệu pháp này dường như ít cần thuốc điều trị lo âu hơn. Đôi khi, nhiều bệnh nhân còn không cần dùng đến thuốc hỗ trợ.

Một đánh giá về 400 bài báo nghiên cứu được Daniel J. Levitin tại Đại học McGill thực hiện vào năm 2013, kết luận rằng: Nghe nhạc hiệu quả hơn uống thuốc trong việc giảm lo lắng trước khi phẫu thuật. “Âm nhạc đưa bệnh nhân đến một ngôi nhà thân thuộc trong chính họ,” Tiến sĩ Manjeet Chadha, Giám đốc khoa ung thư bức xạ tại Mount Sinai Downtown ở New York, cho biết. “Âm nhạc là ‘liều thuốc’ giúp họ thư giãn mà không có bất cứ tác dụng phụ gì.”

Âm nhạc có mặt trong một số đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh và an ủi những đứa trẻ bất hạnh khó qua nổi bàn tay tử thần. (minh họa: National Cancer Institute- Unsplash)

Âm nhạc cũng có thể giúp mọi người đối phó với chứng ám ảnh lâu dài. Ông Rossetti nhớ lại một bệnh nhân bị đống bê tông đổ nát đè bẹp tại Ground Zero vào ngày 11-9. Người phụ nữ ấy, người nhiều năm sau đó được điều trị ung thư vú, cô vô cùng sợ hãi trước thiết bị bằng nhựa nhiệt dẻo đặt trên ngực trong quá trình xạ trị. Thiết bị này “đánh thức” cảm giác bị khối bê tông đè năm nào. Ông Rossetti nhớ lại: “Chính liệu pháp âm nhạc giúp cô ấy vượt qua chấn thương và nỗi sợ hãi mà cô phải đối mặt hàng ngày.”

Tại Mount Sinai Beth Israel, âm nhạc thường được biểu diễn trực tiếp bằng nhiều loại nhạc cụ bao gồm trống, piano và sáo, với những người biểu diễn phải cẩn thận để duy trì khoảng cách xã hội phù hợp.

Âm nhạc giúp phục hồi nhanh sau phẫu thuật

Joanne Loewy, Giám đốc sáng lập của Trung tâm Âm nhạc & Y khoa Louis Armstrong của bệnh viện cho biết: “Chúng tôi sửa đổi nội dung chơi theo nhịp thở và nhịp tim của bệnh nhân. Mục tiêu của chúng tôi là giữ cho tâm trí của bệnh nhân kết nối với cơ thể, khi họ trải qua những đợt điều trị đầy thử thách này.”

Tiến sĩ Dave Bosanquet, bác sĩ phẫu thuật mạch máu tại Bệnh viện Royal Gwent ở Newport, Wales, nói rằng âm nhạc trở nên phổ biến hơn nhiều trong các phòng mổ ở Anh trong những năm gần đây qua bluetooth. Ông nói, nhạc giao hưởng và cổ điển thu sẵn không chỉ giúp bệnh nhân phẫu thuật thư giãn mà còn giúp các bác sĩ phẫu thuật tập trung vào nhiệm vụ của họ. Theo Tiến sĩ Bosanquet, âm nhạc cổ điển không có ca từ gây mất tập trung. Nhưng ông lưu ý rằng nó “chỉ nên chơi trong tình huống căng thẳng thấp hoặc trung bình” chứ không phải trong các hoạt động phức tạp, đòi hỏi sự tập trung cao.

Âm nhạc cũng có thể giúp mọi người đối phó với chứng ám ảnh lâu dài. Hình minh họa. Credit: Pascal Bernardon – Unsplash.

 Âm Nhạc cũng đã được sử dụng thành công để hỗ trợ phục hồi sau phẫu thuật. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet vào năm 2015 báo cáo rằng âm nhạc làm giảm đau và lo lắng sau phẫu thuật và giảm nhu cầu sử dụng thuốc chống lo âu. Thật kỳ lạ, họ cũng phát hiện ra rằng âm nhạc có hiệu quả ngay cả khi bệnh nhân được gây mê toàn thân.

Điều này không gây ngạc nhiên, Edie Elkan, nghệ sĩ hạc cầm 75 tuổi, người lập luận rằng có rất ít nơi trong hệ thống chăm sóc sức khỏe không được hưởng lợi từ việc bổ sung âm nhạc. Lần đầu tiên bà chơi nhạc trong bệnh viện là cho chồng bà, khi ông ấy vừa trải qua một cuộc đại phẫu thuật và đang nằm trong phòng hồi sức. “Bệnh viện nói rằng tôi không thể vào phòng với đàn hạc của mình, nhưng tôi nhất quyết không chịu,” bà nói. Khi tiếng đàn hạc của bà vang lên, các dấu hiệu quan trọng của ông đang ở thấp đến mức nguy hiểm, đã trở lại bình thường.

Ted Taylor, người phụ trách chăm sóc mục vụ tại bệnh viện, cho biết đàn hạc của bà Elkan có thể làm được nhiều việc hơn là xoa dịu cảm xúc. Âm nhạc có thể mang lại sự an ủi tinh thần cho những người đang ở một thời điểm dễ bị tổn thương nhất trong cuộc đời của họ.

 

Trang nguyên

********

 

Diện mạo mới công nghiệp âm nhạc: “Chơi” một mình

Ảnh: Erik Mclean/Unsplash

Thế giới đang thay đổi cực nhanh. Nhiều mô hình truyền thống đang bị thay thế. Nắm bắt xu hướng và chụp thật nhanh thời cơ ngày càng trở thành điều quan trọng hàng đầu quyết định thành bại…

Xu hướng gì đang được đề cập?

Tuần trước, ca sĩ Mỹ Lauren-Spencer Smith đã lọt vào top 5 bảng xếp hạng đĩa đơn của Vương quốc Anh với bản ballad thất tình “Fingers Crossed”. Như “Drivers License” của ca sĩ Olivia Rodrigo, được phát hành vào thời điểm này năm ngoái và lọt vào vị trí số 1, ca khúc của Smith (là lời than thở tiếc thương cho sự kết thúc của một mối quan hệ) đã lan truyền nhanh như lửa và trở thành bản hit trên mạng xã hội TikTok. Nhưng có một điểm khác biệt quan trọng: Trong khi Rodrigo ký hợp đồng với hãng thu âm lớn nhất thế giới Universal Music, Smith không có hợp đồng thu âm nào cả! Thay vào đó, âm nhạc của cô được phát hành bởi một dịch vụ âm nhạc tại Mỹ có tên TuneCore. Nhiệm vụ của bên phát hành chỉ là giúp đưa các bài hát của cô lên những sàn âm nhạc online như Spotify, Apple Music và YouTube với một khoản phí thỏa đáng. Smith vẫn giữ tác quyền bản thu âm chính và nhận 100% tiền bản quyền mỗi lần ca khúc được phát trực tuyến.

Âm nhạc và học tập - những điều thú vị | VIAM

Đầu tiên, Lauren-Spencer Smith – ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Canada chiến thắng tại American Idol – đăng một đoạn clip ngẫu nhiên của bản ghi âm vào Tháng Mười Một năm ngoái (một “phôi thai” của “Fingers Crossed”). Không ngờ, đoạn video 47 giây thu hút được hơn 23 triệu lượt xem! Rất nhiều người hâm mộ “khẩn cầu” Smith sớm phát hành phiên bản phòng thu của bài hát. Smith bày tỏ nỗi vui mừng: “Không thể tin được là tôi đã đạt được mức độ thành công này với tư cách một nghệ sĩ độc lập. Nghe tưởng chừng điên rồ! Lẽ ra, để làm được điều gì đó tôi phải có một thương hiệu âm nhạc lớn đằng sau và một cỗ máy tiếp thị khổng lồ so với khả năng của mình. Nhưng thực tế các bạn đã thấy, tôi không bỏ một xu nào để tiếp thị ca khúc mới mà để tự nó khẳng định mình trên internet. Kết quả rất khó tin! Tất cả mọi người nghe tôi báo tin vui đều hoàn toàn bị choáng ngợp!”.

Smith không phải là người duy nhất của sân chơi mới. Nhiều ca nhạc sĩ khác cũng biết tận dụng cơ hội này của thời đại kỹ thuật số. Thị trường âm nhạc ngày càng có nhiều ca nhạc sĩ chọn cách tự phát hành ca khúc của họ hoặc thực hiện các hợp đồng có lợi với các hãng thu âm độc lập. Album mới nhất “Disco” của ca sĩ Úc Kylie Minogue được phát hành bởi công ty riêng Darenote của cô. Dave và Little Simz, những đối thủ của hai cây cổ thụ Adele và Ed Sheeran tại giải âm nhạc Anh (Brit Awards) năm nay, cũng giành lại toàn quyền sở hữu âm nhạc, kể cả khâu phát hành. Và giải Mercury năm ngoái đã thuộc về Arlo Parks, người ký hợp đồng với thương hiệu độc lập nhỏ Transgressive.

Lauren-Spencer Smith (Facebook nhân vật)

“Độc lập” – như thế nào là “độc lập”?

Người quản lý của Smith, David Ehrlich, thậm chí cho rằng chính các phòng thu lớn đã kìm hãm thành công của cô ấy. “Giải phóng cho nghệ sĩ khỏi sự kềm hãm của các hãng thu âm lớn chính là thế giới mạng! Cơ chế phát hành độc lập đã cho phép điều đó. Nếu bạn viết một ca khúc cảm thấy tuyệt vời, bạn chỉ cần thử đưa một phần giai điệu lên mạng. Và nếu nhận được phản hồi tích cực, bạn hãy mạnh dạn hoàn chỉnh nó và nhân rộng ra trên các dịch vụ âm nhạc như Spotify mà không cần phải theo đúng trình tự, không cần cú huých của một ông lớn và quảng cáo đi kèm”. 60,000 bài hát được tải lên Spotify mỗi ngày, và vẫn tiếp tục tăng lên khi các nghệ sĩ nhận thức rõ hơn về việc dễ dàng phát hành nhạc của riêng họ như thế nào.

Khái niệm “độc lập” của một nghệ sĩ được dùng để chỉ bất kỳ ca sĩ sĩ nào không ký hợp đồng với một hãng thu âm đa quốc gia hoặc chi nhánh của nó. Còn có vài yếu tố khác. Nhiều nghệ sĩ độc lập đã đưa các ca khúc tự thu lên Spotify, YouTube và iTunes thông qua các dịch vụ trung gian như TuneCore, Ditto, DistroKid và CD Baby. Còn những nghệ sĩ “bán độc lập” thì ký hợp đồng với các công ty nhỏ như Awal, Absolute và Believe. Các công ty này hoạt động giống như hãng thu âm, chi kinh phí theo thỏa thuận cho việc tiếp thị, phân phối và quảng bá. Nhưng điều quan trọng là các nghệ sĩ không ký hợp đồng dài hạn và vẫn giữ tác quyền.

Lợi ích của việc học với âm nhạc có thể bạn không biết - Việt Class

Chính hãng thu âm độc lập nhỏ XL Recordings đã giúp thăng hoa sự nghiệp cho Adele. Không có gì bí mật khi các hãng lớn đang bị “xu hướng độc lập” vượt qua. Năm 2020, các phòng thu độc lập nhỏ và các nghệ sĩ tự phát hành ca khúc đã chứng kiến ​​doanh thu của họ tăng 27%, so với mức tăng trưởng chung của thị trường 7%. Ở Anh, khu vực “độc lập” chiếm 26% thị phần và tăng trung bình 1% mỗi năm kể từ 2017. Tính trên toàn cầu, thị phần âm nhạc của các nghệ sĩ độc lập đang ở mức cao nhất mọi thời, chiếm đến 43.1% với tổng giá trị $9.8 tỷ (theo MIDiA Research).

Paul Pacifico, giám đốc điều hành của Hiệp hội Âm nhạc Độc lập (Association of Independent Music-AIM), cho biết: “Các nghệ sĩ tự phát hành và các hãng độc lập có một lợi thế đặc biệt là cực kỳ nhanh nhẹn. Khi họ muốn làm điều gì đó, họ bắt tay vào làm ngay, không cần qua trung gian. Điều này giúp họ đạt được thành công trong lĩnh vực âm nhạc mới rất năng động và cạnh tranh”. Tatiana Cirisano, nhà phân tích và tư vấn âm nhạc tại MIDiA nhận định: “Việc các nghệ sĩ độc lập đứng đầu bảng xếp hạng đã trở nên bình thường. Ngay cả những nghệ sĩ còn vương vấn với hợp đồng thu âm cũng bứt phá ngay khi ra độc lập, đó là điều chưa từng thấy trước đây”.

15 lợi ích không gì thay thế được khi bạn nghe nhạc – Mẹ Tự Nhiên

Dòng chảy của thời đại

Tại sao xu hướng độc lập lại lan nhanh vào lúc này? Trả lời một cách ngắn gọn: chính những ứng dụng chia sẻ video như TikTok đã tạo ra cuộc cách mạng trong cách người nghe khám phá ca khúc mới bằng cách loại bỏ nhiều rào cản truyền thống mà các ca sĩ yếu thế phải đối mặt. Theo thông lệ, việc phổ biến ca khúc mới thường được làm theo trình tự từ trên xuống. Các hãng thu âm lớn sẽ quyết định ký hợp đồng với ai, sau đó sẽ tiếp thị chúng, gửi chúng đến đài phát thanh, đưa CD trên kệ và khán giả nào muốn khám phá ca khúc mới hãy đi vào những nơi đó. Nay, mọi chuyện đã khác, trình tự trên không còn. Tình hình nguy cấp đến nỗi ngành công nghiệp âm nhạc đang rất lúng túng trước cách tiếp cận âm nhạc của người hâm mộ. Nó gần như trực tiếp mà không qua trung gian. Đây chính xác là những gì đã xảy ra với Spencer-Smith.

Thập niên 1980 và 1990, âm nhạc độc lập được xem là một thể loại mang tính nghiệp dư hát trên nền nhạc guitar “vụng về, hỗn tạp, được viết bởi những kẻ nghiệp dư và hát cho những khán giả bình dân trong gia đình hay bạn bè”. Ngày nay, các nhạc sĩ độc lập đã mở rộng sang mọi thể loại, từ hip-hop của Chance The Rapper đến pop của Rina Sawayama. Nhạc rap của Vương quốc Anh luôn độc lập trong 10 năm qua với các nghệ sĩ như Skepta, Dave, Stormzy, Little Simz và Central Cee. Họ đều giữ tác quyền âm nhạc của mình.

Khám phá bí mật sử dụng nhạc tiếng Anh để luyện nghe thuần thục – Nghe  Tiếng Anh PRO

Nina Nesbitt tưởng sự nghiệp âm nhạc đã kết thúc khi cô hết hợp đồng với hãng thu âm lớn Island Records vào năm 2016. “May mắn, cách làm độc lập đã cứu sống và trả lại cho tôi quyền tự do sáng tạo – ca sĩ nói truyền thông vào năm 2019 – Nó cho phép tôi thể hiện bản thân theo đúng cách tôi muốn, thay vì để tối đa hóa lợi nhuận như lúc còn ký hợp đồng thu âm, rồi bị vắt chanh bỏ vỏ. Họ không cho phép bạn thay đổi âm nhạc của mình. Pop là pop, sang thể loại khác là không được!”. Sau khi chật vật để đạt được thành công tại Island Records, năm 2016 cô quyết định chuyển sang Cooking Vinyl, một hãng độc lập nhỏ hơn nhiều; và chứng kiến ​​sự nghiệp cất cánh trở lại. Nesbitt (hiện có 4.6 triệu người nghe hàng tháng trên Spotify) cho biết cô kiếm được nhiều tiền hơn trước đây.

Tuy nhiên, trở thành một nghệ sĩ độc lập thành công không hề dễ. Bạn không chỉ tự sản xuất âm nhạc mà còn phải tự đưa ra tất cả các quyết định về quảng cáo, lưu diễn, chi phí thu video, chụp ảnh và tất cả những thứ khác mà hãng thu âm thường làm. Người hâm mộ cũng sẽ quên bạn nhanh chóng nếu bạn không liên tục phát hành ca khúc mới và có chiến dịch tiếp thị độc đáo cho nó. Vậy các hãng thu âm lớn có nên lo lắng? Không hẳn vậy. Họ vẫn kiểm soát một số khu vực chuyên biệt của thị trường, thậm chí thành lập công ty phụ để cung cấp dịch vụ rẻ tiền cho các nghệ sĩ độc lập. Các ca nhạc sĩ như Stormzy và Lil Nas X là vài trong những nghệ sĩ khai thác sức mạnh của các nhãn hiệu đa quốc gia lớn để đưa sự nghiệp của họ lên một tầm cao mới sau khi thành danh như một nghệ sĩ độc lập. Ngay cả Lauren-Spencer Smith cũng không loại trừ một hợp đồng ký với một hãng thu âm lớn sau thành công của “Fingers Crossed”.

 

Lê Tây Sơn (SGN)

Kim Phượng sưu tâm & tổng hợp

 

TIẾT LỘ TÍCH CÁCH CỦA BẠN QUA GU ÂM NHẠC

 

 
 

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %30 %107 %2022 %21:%09
back to top