Đây là dịp lễ lớn nhất trong năm của Việt Nam cũng như các quốc gia khác ở Đông Á như: Trung cộng, Nhật Bản,… Vậy ý nghĩa của Tết Nguyên đán là gì? Cùng Nguyễn Kim tìm hiểu thêm nhiều thông tin hữu ích qua bài viết này nhé!
Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt Nam được tính vào đầu năm Âm lịch, Tết Nguyên đán thường có nhiều tên gọi khác nhau như: Tết Cả, Tết Âm lịch, Tết ta, Tết cổ truyền,…
Theo phiên âm của chữ Hán - Việt thì “Tết” theo chữ Hán là tiết, “nguyên” theo chữ Hán sẽ là sự khởi đầu và “đán” là buổi sáng sớm. Do đó, cách đọc đúng nhất phiên theo âm chữ Hán Việt là Tết Nguyên đán.
Thời gian của Tết Nguyên đán được tính như thế nào?
Tết Nguyên đán được tính bắt đầu vào ngày đầu tiên của năm âm lịch, thông thường sẽ muộn hơn Tết Dương lịch từ 1 đến 2 tháng do quy luật 3 năm nhuận 1 tháng của năm Âm lịch. Vậy nên thời điểm bắt đầu Tết Nguyên đán sẽ rơi vào khoảng thời gian từ ngày 21 tháng 01 đến ngày 09 tháng 02.
Tết Nguyên đán diễn ra vào thời điểm nông dân nhàn rỗi, nghỉ ngơi để chuẩn bị tiếp vụ mùa mới. Vì theo truyền thống thì hầu hết mọi người dân Việt Nam đều làm nông do đó những lúc có thời gian rảnh rỗi sẽ có tâm lý phấn khởi, bù đắp những ngày làm việc vất vả.
Nguồn gốc của Tết Nguyên đán là gì?
Nguồn gốc của Tết Nguyên đán hiện nay vẫn có rất nhiều tranh cãi về vấn đề này.
Phần lớn thông tin sẽ cho rằng Tết Nguyên đán có nguồn gốc từ Trung cộng và du nhập vào Việt Nam vào thời điểm 1000 năm Bắc thuộc. Tuy nhiên theo như truyện cổ tích lịch sử Việt Nam truyện “Bánh chưng bánh dày” thì người Việt Nam đã có dịp lễ này từ đời vua Hùng nghĩa là trước 1000 năm Bắc thuộc.
Theo như Khổng Tử có viết rằng “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn người Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó”, từ đó cũng có thể suy luận rằng Tết Nguyên đán là bắt nguồn từ Việt Nam.
Tuy có nhiều tranh cãi xoay quanh nguồn gốc của Tết Nguyên đán là bắt nguồn từ Việt Nam hay Trung cộng nhưng có thể thấy được Tết Nguyên đán ở mỗi nước đều có những nét đặc trưng riêng và đây là dịp lễ quan trọng của người dân mỗi nước.
Ýnghĩa của ngày Tết cổ truyền là gì?
Tết Nguyên đán là thời điểm giao thoa giữa trời và đất
Tết Nguyên đán được xem là thời điểm thể hiện cho sự giao thoa giữa trời đất, thần linh với con người. Tết trong Tết Nguyên đán có nghĩa là tiết (ở đây biểu hiện cho thời tiết) sẽ vận hành theo 4 mùa trong năm Xuân - Hạ - Thu - Đông, một chu trình kết thúc và có nghĩa đặc biệt cho nền kinh tế xưa khi còn dựa vào nông nghiệp là chủ yếu.
Tết Nguyên đán là dịp để tỏ lòng thành kính lên ông bà tổ tiên
Có thể nói đây là dịp quan trọng nhất trong năm mà con cháu trong nhà sẽ tập trung lại để chuẩn bị và dâng lên bàn thờ ông bà tổ tiên những mâm cơm, mâm ngũ quả trang trọng nhất.
Theo quan niệm từ xưa, vào dịp lễ này ông bà tổ tiên sẽ về nhà ăn Tết cùng con cháu và phù hộ cho gia đình mình được mạnh khỏe, hòa thuận hơn.
Tết Nguyên đán là ngày may mắn và hy vọng
Năm mới tượng trưng cho mở đầu mới, vì vậy mỗi dịp Tết đến mọi người thưởng rủ nhau đi chùa để cầu phúc và cầu may mắn cho một năm sắp tới.
Từ xưa đến nay luôn có quan niệm rằng Tết Nguyên đán đến sẽ xua đuổi đi những điều không may của năm cũ và đón nhận những niềm hy vọng tốt đẹp hơn cho năm mới. Vì vậy, đây là thời điểm được nhiều người lựa chọn để mở đầu công việc cho năm và là thời điểm tốt để khởi nghiệp nhờ vào vận khí năm mới.
Tết Nguyên đán là thời gian để gia đình quây quần bên nhau
Không phải gia đình nào cũng được ở gần nhau, vì vậy Tết Nguyên đán chính là thời điểm mà mọi người trong gia đình mong ngóng nhất để được đoàn tụ bên những người yêu thương. Được cùng nhau quây quần bên nồi bánh chưng đêm giao thừa thì đây là điều mà mọi người đều mơ ước.
Ngoài ra, đây là cũng là thời gian để con cháu tỏ tạ ơn cho ông bà, cha mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng bằng tình cảm chân thành nhất hay đơn giản bằng những món quà cho ngày Tết.
Tết Nguyên đán là dịp để bày tỏ lòng thành kính tới thần linh
Từ xưa đến nay, người dân Việt Nam rất xem trọng việc thờ cúng ông bà tổ tiên để cầu phúc cho gia đình. Đây cũng là dịp lễ được mọi người chú trọng nhất, theo tín ngưỡng dân gian thì người nông dân sẽ bày tỏ lòng biết ơn của mình đến thần Mưa, thần Đất, thần Mặt trời,… một năm qua đã giúp đỡ họ.
Tết là sinh nhật của mọi người
“Mừng thêm tuổi mới”: Đây là câu cửa miệng quen thuộc của ông bà, ba mẹ, cô chú khi chúc tết nhau để mừng nhau thêm một tuổi.
Vào dịp này mọi người sẽ gửi đến nhau những lời chúc may mắn nhất, hy vọng một năm mới tốt đẹp hơn. Người lớn sẽ mừng tuổi cho người già và trẻ nhỏ để mong cho các cụ được sống lâu khỏe mạnh, còn các cháu sẽ lớn nhanh, ngoan ngoãn và học giỏi.
Tết Nguyên đán:Những phong tục tập quán của người Việt
Cúng ông Công, ông Táo
Trước Tết Nguyên đán, vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Vào ngày này thì mỗi nhà sẽ dọn dẹp sạch sẽ căn bếp, sau đó chuẩn bị một mâm cỗ gồm trái cây, đồ mặn và phóng sinh một con cá chép. Việc này có mục đích là chuẩn bị cho ông Công, ông Táo lên thiên đình để báo cáo những việc xảy ra trong gia đình một năm qua cho triều đình.
Gói bánh chưng, bánh tét
Vào dịp Tết đến Xuân về là các hàng quán ngoài chợ đầy ắp các sạp bán lá dong, lá chuối, ống nứa để phục vụ cho công việc gói bánh ngày tết. Bởi vì bánh chưng, bánh tét chính là 2 loại bánh truyền thống nằm trong danh sách các món ăn ngày Tết không thể thiếu để dâng lên bàn thờ tổ tiên hoặc làm quà tết cho người hay bạn bè.
Ở một số khu vực hiện nay, người dân vẫn còn duy trì thói quen là vào trước Tết các gia đình trong dòng họ, hàng xóm sẽ tập trung lại với nhau để gói bánh, luộc bánh và trò chuyện xuyên đêm. Thật ý nghĩa khi truyền thống gói bánh chưng, bánh tét ngày Tết vẫn còn được duy trì và truyền lại cho các thế hệ sau này đến tận bây giờ.
Lau dọn nhà, cửa
Với người dân Việt Nam việc lau dọn nhà cửa mỗi dịp cuối năm mang ý nghĩa là sẽ loại bỏ đi những điều không tốt của năm cũ chuẩn bị đón chào điều may mắn và tài lộc cho năm mới. Vì thế mà đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình được cùng nhau dọn dẹp làm mới cho các vật dụng trong nhà mình.
Ngoài ra, để trang trí nhà cửa đón Tết người Việt còn mua rất nhiều loại hoa chưng Tết với nhiều màu sắc và ý nghĩa khác nhau như: Hoa Thủy Tiên, Hoa Đồng Tiền, Hoa Cúc,...
Bày mâm ngũ quả
Một mâm ngũ quả để dâng lên bàn thờ ông bà tổ tiên là nét đặc trưng không thể thiếu trong dịp lễ Tết Nguyên đán, nó bày tỏ cho sự tôn kính và lòng biết ơn của con cháu trong nhà đến bề trên.
Tại mỗi vùng miền sẽ có những cách bày trí mâm ngũ quả khác nhau cũng như các loại trái cây cũng có sự khác biệt. Tuy nhiên tất cả đều mang ý nghĩa chung là cầu mong cho năm mới được may mắn và bình an hơn năm cũ.
Tảo mộ
Đây là phong tục được diễn ra vào những ngày cận Tết Nguyên đán. Vào ngày này con cháu trong nhà sẽ tập trung tại mộ của ông bà tổ tiên đế làm sạch khu mộ cũng như thăm viếng. Phong tục này thể hiện sự kính trọng và đạo hiếu của con cháu đối với ông bà cha mẹ và tổ tiên đã khuất.
Cúng tất niên
Cúng tất niên là nét truyền thống có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam. Đây là nghi lễ quan trọng thường được làm vào ngày 30 Tết để mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình. Đồng thời là cột mốc đánh dấu thời điểm năm cũ qua đi để chuẩn bị đón một năm mới an khang, thịnh vượng hơn.
Xông đất
Sau thời khắc giao thừa đón chào năm mới thì người đầu tiên bước vào nhà sẽ là người xông đất cho gia đình. Theo quan niệm từ xưa đến nay, người xông đất nên là người hợp tuổi với gia chủ để mang lại cho gia đình một năm làm ăn thuận lợi, sức khỏe dồi dào và gia đình hòa thuận.
Chúc tết, mừng tuổi
Năm mới đến tượng trưng cho mỗi người sẽ được thêm một tuổi, do đó mà mọi người sẽ dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất để hy vọng một năm mới nhiều thành công hơn. Thông thường, vào ngày mồng một tết con cháu sẽ đến để mừng tuổi cho ông bà , cha mẹ sau đó những người lớn sẽ lì xì lại cho trẻ con những bao lì xì đỏ cho một năm mới may mắn và học giỏi hơn.
Bài viết đã trình bày ý nghĩa của Tết Nguyên đán là gì và những hoạt động ngày Tết phổ biến của người dân Việt Nam. Hy vọng qua đây các bạn sẽ có thêm thông tin về ngày Tết cổ truyền và chúc các bạn có một cái Tết ấm cúng bên gia đình.
Phương Vy
Những điều cấm kỵ trong ngày Tết âm lịch
Ngày Tết đầu năm, có khá nhiều điều kiêng kỵ. Tránh tắm gội, giặt quần áo và đổ rác vào sáng mùng 1 Tết kẻo của cải bị rửa trôi.
- Kỵ làm vỡ đồ đạc
Đặt tất cả cốc, đĩa, đồ trang trí dễ vỡ, đồ sứ và các vật dụng khác một cách cẩn thận, đặc biệt nếu có trẻ em và vật nuôi trong nhà. Bởi vì đánh vỡ đồ vật sẽ làm hỏng sự giàu có và may mắn của bạn. Tương truyền, nếu bạn chẳng may làm vỡ một cái gì đó, bạn nên bọc nó trong giấy đỏ, sau đó thầm niệm câu "Năm mới bình an", để trên bàn thờ Thần, đợi năm ngày rồi mới vứt bỏ.
- Kỵ tắm rửa và gội đầu vào buổi sáng
Người xưa cho rằng tắm gội vào ngày đầu năm mới sẽ cuốn trôi của cải, tài lộc.
- Kỵ gọi tên đầy đủ để đánh thức
Những người thường nóng nảy nên chú ý, đừng nhờ người khác gọi tên đầy đủ vào ngày đầu năm mới, nếu không điều này sẽ khiến họ bị thúc giục làm việc cả năm.
- Kiêng ăn cháo, thịt, thuốc vào buổi sáng.
Thời trước, người ta ăn cháo vì nghèo, không đủ tiền ăn, nên ăn cháo vào ngày đầu năm mới mang ý nghĩa dẫn đến nghèo khổ quanh năm. Ngoài ra, ngày đầu năm nên tránh sát sinh, không nên ăn thịt. Bên cạnh đó, trừ khi bị ốm, những người khỏe mạnh không thích hợp để uống các loại thuốc bổ như thuốc vitamin vào ngày này.
- Kỵ nấu cơm mới
Mùng 1 Tết phải ăn cỗ Tết còn sót lại trong đêm giao thừa, ngụ ý năm ngoái đồ ăn ăn không hết, năm nay còn có còn thừa.
- Kỵ ngủ trưa
Người xưa có câu nói "không ngủ ban ngày" là khuyên mọi người đừng lười biếng, ngủ trưa ngày đầu năm mới sẽ ảnh hưởng đến vận may sự nghiệp.
- Kỵ giặt ủi
Không giặt quần áo mùng 1 và mùng 2. Tương truyền, hai ngày này là sinh nhật của Thần nước nên không giặt quần áo.
- Kỵ vẩy nước, quét và đổ rác
Theo truyền thống, nhà nào cũng có phước, nếu bạn vẩy nước, quét nhà, đổ rác vào ngày đầu tiên của năm mới, sẽ xua đuổi Thần Tài, của cải và may mắn sẽ bị cuốn trôi. Do đó, bạn không nên vứt rác vào ngày này.
Những điều kiêng kỵ trong ngày mùng 2 Tết:
- Tặng quà nên tặng theo cặp
Con gái lấy chồng về quê chúc Tết thì không nên biếu số lẻ, số lẻ là xui nên lễ vật do con rể mang về phải theo từng cặp.
- Con gái lấy chồng nên mùng 2, mùng 3 về nhà ngoại.
Ngoài ra, con gái lấy chồng thì về quê vào mùng 2, mùng 3, không nên về quê vào mùng 1, mùng 4, mùng 5 tết, nếu không sẽ dẫn đến vận không tốt cho nhà mẹ đẻ.
Những điều kiêng kỵ trong ngày mùng 3 Tết:
- Không đi chúc Tết
Ngày mùng 3 là ngày Xích Cẩu. Xích Cẩu là “Thần thịnh nộ” sẽ mang lại nhiều xui xẻo, vì ngày 3 tháng Giêng âm lịch là ngày hung tinh nên không thích hợp để xuất hành và đi chúc Tết.
Kiêng kỵ ngày mùng 4 Tết.
- Ngày mùng bốn nghênh đón Ông Táo, không nên ra ngoài
Ngày mùng 4 tết là ngày rước thần trong phong tục dân gian, nghênh đón chúng Thần minh, Thần bếp về để bảo vệ gia đình, tương truyền Thần bếp sẽ điểm danh, vì vậy không nên ra ngoài.
Những điều kiêng kỵ trong ngày mùng 5 tết.
- Ngày tiễn nghèo
Rác từ mùng 1 đến mùng 4 tết được coi là “lộc”, nhưng sau ngày mùng 5, rác sẽ trở thành “khí nghèo”. Vì vậy, ngày mùng 5 Tết phải dọn hết rác để “tiễn nghèo”, có thể đem lại may mắn, tài vận.
Những điều kiêng kỵ trong ngày mùng 7 Tết.
- Mùng bảy mọi việc không nên làm
Ngày mùng bảy là "Ngày nhân nhật", mọi người nên tôn trọng nhau, cha mẹ không nên giáo huấn con cái. Ngoài ra, ngày mùng bảy cũng là ngày “thất sát”, mọi việc không như ý, cố gắng đừng đi du lịch xa.
Những điều kiêng kỵ trong ngày mùng chín
- Kỵ phơi quần áo
Ngày mùng 9 Tết, chính là sinh nhật Ngọc Hoàng Đại Đế, vì vậy kỵ phơi quần áo.
Những tục lệ kiêng kỵ trong ngày Tết đã được dân gian lưu truyền từ xa xưa, thực hư không thể nào khảo cứu. Tuy vậy, trên đời có nhiều điều “thà rằng tin là có, còn hơn không tin”. Vì vậy, nên cố gắng chú ý tránh đi những điều kiêng kỵ này, an bình vui vẻ đón năm mới!
Trung Nguyên
Theo Vision Times
Phương Tuyền sưu tầm
***