CƯỜM KHÔ (CATARACT): DẤU HIỆU VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

 

CƯỜM KHÔ: DẤU HIỆU VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

(CATARACT)

 

Symptoms of Cataracts - Can you still drive? | Jason Gilbert, M.D.

 

Hôm rồi có vị khách đến văn phòng khám mắt, ông cụ nói: "Cô ơi cô xem giùm tôi, ông bác sĩ gia đình nói tôi trong mắt có Cadillac, cô xem xem có phải tôi sắp có Cadillac không nhá".  Tôi mỉm cười trấn an ông cụ vì hiểu ý ông cụ nói gì.  Ông lớn tuổi và hơi bị lãng tai nên bác sĩ đề nghị đi khám mắt để kiểm tra xem có cườm khô (Cataract) trong mắt không mà ông nghe nhầm là Cadillac.  

Trong cuộc đời cùa chúng ta ai đều cũng phải trải qua Sinh, Lão, Bệnh, Tử.  Ai rồi cũng phải già đi.  Mắt nhìn rồi cũng sẽ kém đi.  Nhưng suy cho cùng, khi bác sĩ báo mắt mình có cườm cũng đồng nghĩa là mình đã sống thọ rồi đúng không?  Cườm khô là một bệnh lý lão hóa về mắt thông thường ở người lớn tuổi mà không ai tránh khỏi, và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa trên thế giới.  Xin được chia sẻ với quý vị một số thông tin căn bản về cườm khô để chúng ta hiểu rõ dấu hiệu cũng như cách điều trị sẽ giúp chúng ta phát hiện kịp thời và chữa trị hiệu quả. 

Cườm mắt là gì?

Bệnh cườm mắt là tên gọi chung của hai chứng bệnh dễ mắc ở mắt là cườm khô (đục thủy tinh thể, cườm đá, cườm hạt, cataract) và cườm nước (cườm ướt, cườm nước, thiên đầu thống, glaucoma). Dù có tên gọi chung nhưng cườm khô và cườm nước là hai bệnh hoàn toàn khác nhau, cả về nguyên nhân hay cách điều trị.  Trong bài viết hôm nay, chúng ta chỉ tìm hiểu về cườm khô.  Cườm nước sẽ được chia sẻ vào một dịp khác.

 Medical Definition of Cataract

 

Đục thuỷ tinh thể (cườm khô) là gì?

Thủy tinh thể là một bộ phận nằm ở đằng sau tròng đen của mắt. Nó hoạt động như một “thấu kính” tập trung các tia sáng để tạo hình ảnh sắc nét, rõ ràng. thấy vật thể khi có ánh sáng chiếu vào và đi xuyên qua lần lượt các lớp giác mạc, thủy tinh thể, thủy dịch và đáy mắt.

Khi thủy tinh thể bị đục, ánh sáng không thể truyền vào màng đáy mắt và người bệnh sẽ bị nhìn mờ, thậm chí nếu thủy tinh thể bị đục hoàn toàn hai mắt người bệnh sẽ bị mù lòa.

Bình thường, thủy tinh thể trong suốt. Nhưng khi thủy tinh thể bị đục, khi soi mắt sẽ thấy như có một viên bi mờ màu trắng ở tròng đen. Sự đục mờ ở thủy tinh thể ngăn không cho tia sáng lọt qua, kết quả là thị lực bệnh nhân suy giảm dẫn đến mù lòa. Cườm đá, hay cườm khô là những tên gọi khác của đục thủy tinh thể.

 

 

 

Nguyên nhân đục thủy tinh thể

Cườm đá, hay cườm khô không phải là khối u bất thường trong mắt như nhiều người lầm tưởng. Tình trạng này là do những thay đổi trong thành phần của thủy tinh thể gây đục. Cườm khô thường gặp ở người lớn tuổi do quá trình lão hóa, thoái hóa tự nhiên của thủy tinh thể. Từ tuổi 45 trở lên, các protein trong thủy tinh thể dần bị thay đổi, chúng bắt đầu co cụm lại với nhau thành từng đám nhỏ, gây cản trở đường truyền của tia sáng, khiến hình ảnh thu được không rõ nét.  Trên 80% người mắc bệnh đục thủy tinh thể là người có độ tuổi trên 50.

 

Một số bệnh/tình trạng sức khỏe có thể khiến đục thủy tinh thể tiến triển nặng thêm:

  • Mắc bệnh tiểu đường
  • Viêm mắt
  • Chấn thương mắt
  • Gia đình có người mắc đục thủy tinh thể
  • Sử dụng corticoid trong thời gian dài
  • Tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời thường xuyên
  • Hút thuốc lá
  • Từng phẫu thuật mắt

 

Cataract and Diabetes Are they interrelated

Mắc bệnh tiểu đường có thể khiến đục thủy tinh thể tiến triển nặng thêm

Nguyên nhân thường gặp nhất gây đục thủy tinh thể là do lão hóa. Tuy nhiên, thực tế là càng ngày càng có nhiều người trẻ bị đục thủy tinh thể. Do tác động liên tục từ môi trường ô nhiễm, tia cực tím, cùng tâm lý chủ quan, không chăm sóc đúng cách, đục thủy tinh thể cũng ngày càng “trẻ hóa”.

Triệu chứng của đục thuỷ tinh thể

Cườm khô thường tiến triển rất chậm mà không gây đau đớn cho người bệnh. Ở độ tuổi 60, người bệnh đã có thể bắt đầu bị đục nhẹ nhưng tầm nhìn vẫn chưa bị ảnh hưởng. Sau tuổi 75, hầu hết người bệnh đã không thể nhìn được rõ ràng.

Một số triệu chứng của bệnh đục thủy tinh thể là:

  • Nhạy cảm với ánh sáng mạnh, nhìn thấy quầng sáng bao quanh khi nhìn vào bóng đèn
  • Tầm nhìn bị bao phủ sương mù hoặc một tầng mây mờ trước mắt
  • Khả năng nhìn trong bóng tối bị hạn chế
  • Nhìn mọi hình ảnh đều có màu vàng nhạt
  • Nhìn đôi (hình ảnh bị nhòe thành 2 hình dính liền nhau)
  • Ruồi đậu (chấm đen ở trước mắt, khi di chuyển mắt chấm đen vẫn nằm yên một vị trí ở trước tầm nhìn)
  • Phải thường xuyên thay đổi mắt kính để nhìn rõ

 

Lóa mắt và nhìn mờ về đêm là triệu chứng thường gặp của đục thủy tinh thể

Cách điều trị đục thuỷ tinh thể (cườm khô)

Cườm khô không làm tổn thương mắt mà chỉ làm mờ mắt.  Nếu quý vị cảm thấy hài lòng về thị lực của mình thì không cần phải phẫu thuật đục thủy tinh thể.

Một khi quý vị không còn cảm thấy hài lòng với khả năng nhìn của mình nữa và bác sĩ thấy thị lực sụt giảm đáng kể, bạn nên cân nhắc việc phẫu thuật đục thủy tinh thể. Đôi lúc với bệnh ở giai đoạn đầu, thị lực có thể được cải thiện bằng việc đeo kính. Nhưng khi bệnh tiến triển nặng, thay kính cũng không giúp cải thiện thị lực.

 

 1. Điều trị đục thủy tinh thể bằng thuốc

Đối với đục thủy tinh thể giai đoạn sớm, có thể cho đeo kính, hoặc dùng thuốc nhỏ mắt. Tuy nhiên các loại thuốc nhỏ mắt hiện nay chủ yếu chỉ giúp làm chậm tiến triển của đục thủy tinh thể chứ không điều trị hết đục.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu về một loại thuốc nhỏ mắt trị đục thủy tinh thể có tên là Lanosterol. Tuy nhiên, thuốc vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu lâm sàng và chưa được chấp thuận sử dụng rộng rãi.

2. Phẫu thuật đục thủy tinh thể

Phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo sẽ được chỉ định nếu tầm nhìn của người bệnh quá kém, họ không thể thực hiện được các công việc đơn giản hàng ngày như đọc sách báo, xem tivi, lái xe… Sau phẫu thuật, thủy tinh thể nhân tạo sẽ nằm vĩnh viễn trong mắt đóng vai trò như thủy tinh thể tự nhiên. Tuy nhiên vẫn có khoảng 50% người bệnh bị đục thủy tinh thể thứ phát (đục bao sau- posterior capsule opacificaion) sau vài năm phẫu thuật. Nếu trường hợp đó xảy ra thì bác sĩ có thể dùng laser để xóa các màng mờ đục đó mà không cần phải thay thủy tinh thể nhân tạo lần nữa.

 ZEISS Dense cataract

Cườm khô sau khi phẫu thuật ra khỏi mắt

Trong phẫu thuật đục thủy tinh thể, mắt sẽ được gây tê bằng thuốc nhỏ mắt và tiêm thuốc gây mê cho bệnh nhân. Sau đó thủy tinh thể bị đục sẽ được loại bỏ và được thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo. Sau khi phẫu thuật nên hạn chế tối đa các hoạt động trong tuần đầu tiên và cần phải nhỏ thuốc đều đặn theo chỉ dẫn cũng như tái khám 1 ngày, 1 tuần và 3 tuần sau khi phẫu thuật.

Cataract Surgery: Risks, Recovery, Costs - American Academy of Ophthalmology

Hình dáng thủy tinh thể nhân tạo

Phẫu thuật đục thủy tinh thể không bao giờ thực hiện trên cả hai mắt cùng một lúc. Bệnh nhân thường được phẫu thuật mắt yếu hơn trước để có thể nhìn bằng mắt khỏe hơn trong khi mắt được phẫu thuật bình phục.

Cataract Surgery: What It Is, What to Expect, Recovery

Phẫu thuật giúp thay thế thủy tinh thể bị đục bằng thuỷ tinh thể nhân tạo. Có 2 phương pháp thường được sử dụng hiện nay:

  • Phương pháp mổ Phaco

Bác sĩ chuyên môn sẽ dùng dao rạch một vết nhỏ ở rìa ngoài giác mạc. Tiếp đó, dùng năng lượng siêu âm để chia nhỏ thủy tinh thể bị đục và hút bỏ ra ngoài. Cuối cùng, bác sĩ sẽ đặt thủy tinh thể nhân tạo vào.

Ưu điểm: Vết mổ nhỏ, chi phí điều trị phù hợp. Vì thế, đây là phương pháp được sử dụng rộng rãi để điều trị đục thuỷ tinh thể.

Nhược điểm: Phương pháp này không hiệu quả với các trường hợp nặng.

  • Phương pháp mổ bằng Laser

Khác với phương pháp mổ Phaco, bác sĩ sẽ dùng tia laser để tạo một đường rạch chính xác trên giác mạc.

Ưu điểm: Hiệu quả cho cả người bị đục thuỷ tinh thể nặng.

Nhược điểm: Chi phí khá cao

 

Cuộc phẫu thuật đục thủy tinh thể đa số chỉ mất khoảng 15 đến 20 phút là hoàn thành nếu không có sự phức tạp nào xảy ra trong tiến trình mổ.  Xin xem một video ngắn sau để thấy cườm khô được thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo trong mắt bệnh nhân.

 

 

Phòng ngừa đục thủy tinh thể

Sử dụng kính râm khi ra ngoài

Hãy sử dụng kính râm có tác dụng chống tia cực tím trước khi ra ngoài. Ngoài việc quan tâm đến hình dáng, thiết kế của kính thì bạn nên quan tâm đến các thông số chống tia cực tím của kính mát.

Đội mũ rộng vành

Hãy đội một chiếc mũ vành rộng mỗi khi ra ngoài đường. Điều này giúp mắt giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời với cường độ cao. Do đó có thể ngăn chặn được tia cực tím hiệu quả.

Chế độ ăn uống lành mạnh với trái cây và rau quả

Trái cây và rau quả có nhiều chất chống oxy hóa, giúp duy trì đôi mắt sáng khỏe. Việc chọn một chế độ ăn lành mạnh sẽ cung cấp vitamin và khoáng chất giúp giảm nguy cơ phát triển đục thủy tinh thể.

Ngoài ra, giảm hút thuốc và bia rượu là các yếu tố nguy cơ gây đục thủy tinh thể ở mắt sẽ giúp mắt khỏe hơn.  Cườm mắt có nguy cơ cao dẫn đến mù lòa ở người lớn tuổi, do đó, quý vị cần phải biết được các dấu hiệu sớm của bệnh để được điều trị kịp thời.

 

Your Role In Successful Cataract Surgery - Bruder

Hãy đặt lịch hẹn khám mắt nếu quý vị nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về thị lực như nhìn mờ, nhìn đôi hoặc chớp sáng. Nếu không điều trị sớm, thị lực sẽ giảm dần, gây biến chứng ở thị lực, dẫn đến nguy cơ mù lòa. Khi đục thủy tinh thể đã bước vào giai đoạn muộn, thì phải tiến hành phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo.  

Hy vọng chúng ta có thêm một chút khái niệm về bệnh lý cườm khô, là nguyên nhân phổ biến gây thị lực kém ở người cao tuổi. Cườm khô là dạng mù có thể chữa được. Điều quan trọng là qúy vị phải đi kiểm tra mắt thường xuyên để phân biệt với những bệnh mù do nguyên nhân khác cần điều trị khẩn cấp.  Chúng ta cần nhớ, phát hiện sớm có thể ngăn ngừa bị mù vĩnh viễn.

 

Phương Tuyền

 

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %AM, %05 %599 %2023 %08:%03
back to top