Thi Ca Bốn Mùa trong nhạc Phạm Anh Dũng

Thi Ca Bốn Mùa trong nhạc Phạm Anh Dũng
-----------------

Tình ca Phạm Anh Dũng và Văn Thi Hữu - Văn Học Nghệ Thuật - Nhật Báo Văn  Hóa Online
Nhạc Sĩ
PHẠM ANH DŨNG

Nhạc sĩ Phạm Anh Dũng sinh quán tại Duyên Hà, Thái Bình, hiện là Bác sĩ Y Khoa gia đình, đang hành nghề tại thành phố Santa Maria thuộc tiểu bang California. Là một tên tuổi quen thuộc trong làng nhạc Việt ở hải ngoại, qua các tác phẩm đã được phổ biến trên các trang web Hồn Quê, Văn Nghệ Net, Phan Châu Trinh, Ðặc Trưng, Trinh Nữ, Trưng Vương, và qua các bài viết giới thiệu của giới văn nghệ sĩ ký giả trên các báo chí Người Việt, Ðặc san Y Sĩ, Tạp chí Văn Nghệ, và qua các CD's Tình ca Phạm Anh Dũng đã phát hành trong thời gian gần đây. Trên Nguyệt san Dân Chúng (số tháng 6-1992), nhà thơ Nguyên Sa đã nhận định: "Phạm Anh Dũng hội tụ được cả yếu tố âm thanh, phối âm, hòa âm, nhạc khúc, lời ca và cảm xúc, tình tự của giọng ca".

- Mời nghe:
Mùa Hè Tới (Thái Hiền), nhạc và lời Phạm Anh Dũng

Anh đã xuất bản tập nhạc đầu tay trong năm 1991, với tựa đề Tình Khúc Hồi Hương, gồm 12 ca khúc đặc sắc, trong đó có 6 nhạc bản phổ từ thơ của các thi sĩ trong gia đình Y Khoa như Ðinh Tuấn, Phạm Thế Trường... Hình bìa và phụ bản của họa sĩ Mùi Quý Bồng, với lời đề tựa giới thiệu của nhạc sĩ Phạm Duy, đặc biệt là với phần soạn hòa âm cho tây ban cầm của nhạc sĩ Duy Cường.

Nhạc sĩ Phạm Duy trong bài viết "Cảm Tưởng Của Phạm Duy Khi Nghe 12 Tình Khúc Phạm Anh Dũng", tại Thị Trấn Giữa Ðàng, đã ghi lời cảm nhận về giòng nhạc Phạm Anh Dũng qua CD Tình Khúc Hồi Hương: "12 tình khúc của Phạm Anh Dũng, phần nhiều là thơ phổ nhạc, ra đời vào đầu thập niên 90 này, cho tôi cảm tưởng có sự quay về với nhạc tính lãng mạn quý báu sau đúng nửa thế kỷ lạc loài".

Giòng nhạc Phạm Anh Dũng, là của thi ca bốn mùa, của tháng bảy chưa mưa, của gió hè hoàng hôn, của cung đàn đêm thâu, của tiếng gọi thu mơ, của nắng xuân xưa, của mưa đông lạnh, của hư ảo trăng, của sông ngọc… trong CD đầu tay "Ðưa Người Về Phương Ðông", với phần hòa âm và phối khí của nhạc sĩ Duy Cường, qua các tiếng hát của các ca sĩ tên tuổi ở hải ngoại như Duy Trác, Mai Hương, Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Thái Hiền, Quỳnh Giao... Nhà thơ Du Tử Lê, trong một bài viết đăng trên Tạp chí Văn Nghệ (số tháng 6-1993) đã cảm nhận về CD đầu tay của Phạm Anh Dũng: "Hơn ai hết, họ Phạm không chỉ trân trọng với tác phẩm của mình mà ông còn trân trọng với thi ca, với những tiếng hát mà ông cho rằng, nếu không có, cuộc đời ta sẽ buồn tẻ bao nhiêu!".

- Mời nghe:
Nắng Xuân Xưa (Lệ Thu), nhạc và lời Phạm Anh Dũng

Viết nhạc, phổ thơ vào nhạc, đối với anh, là cái đam mê yêu thích nhất mà anh đã miệt mài trong suốt một thập niên qua. Những tác phẩm đầu tay của anh đã được trân trọng giới thiệu đến giới yêu âm nhạc Việt qua 4 CD's đã trình làng - CD Ðưa Người Về Phương Ðông, với 12 sáng tác lời của anh và từ thơ của các thi sĩ Nguyên Sa, Du Tử Lê, Y Dịch, Bích Huyền, Cung Vũ - CD Tình Khúc Hồi Hương, với 12 sáng tác đầu tay của anh, phổ từ thơ của nhiều thi sĩ hải ngoại, qua tiếng hát của chính anh - CD Tình Bỗng Khói Sương, với các tình khúc đặc sắc phổ từ thơ của thi sĩ Phạm Ngọc.

- Mời nghe:
Trẩy Nhánh Sương Mù (Mỹ Tâm), nhạc Phạm Anh Dũng, thơ Phạm Ngọc

Và gần đây nhất, anh vừa cho phát hành CD mới nhất, chủ đề Quên, gồm 12 tình khúc phổ từ thơ của thi sĩ Vương Ngọc Long, với các tiếng hát của Bảo Yến, Quang Minh, Nhã Phương, Hạnh Nguyên, Ðoan Trang, Tấn Ðạt, với phần hòa âm và phối khí của nhạc sĩ Quốc Dũng, trong đó có 5 nhạc bản Quỳnh Ca.

- Mời nghe:
Cho Ban Sơ, và Gió, Nắng, Tình Cờ (Ðoan Trang), nhạc Phạm Anh Dũng, thơ Vương Ngọc Long

Trong suốt hơn một thập niên vừa qua, anh đã cho ra đời trên 200 ca khúc về tình yêu và quê hương, với nhạc và lời của chính anh, với nhiều nhạc khúc rất đặc sắc phổ từ thơ của các thi sĩ tên tuổi và tài tử quen biết trong giới văn nghệ báo chí và trên mạng lưới. Nếu nói, Trịnh Công Sơn với nhạc về thân phận con người, Ngô Thụy Miên với ngữ tình ca và mùa thu yêu đương, Vũ Thành An với những bài Không Tên bất hủ, Võ Tá Hân với giòng nhạc quê hương rất Huế, thì Phạm Anh Dũng là miền thi ca của bốn mùa, và đặc biệt ở Phạm Anh Dũng, là những tác phẩm rất độc đáo và rất riêng trong nét tình "thi mộng" mà anh đã viết về Hoa Quỳnh, là "nhạc Quỳnh" của chỉ ở riêng Phạm Anh Dũng, là những tình ca rất thi vị, của quyện hương yêu nồng nàn, của hư ảo ngất ngây đêm, của trùng trùng lệ ngấn mi em, của luyến thương chan hòa đê mê, của "Quỳnh Em ơi ở mãi trong Anh"… được phổ từ thơ của các thi sĩ Vương Ngọc Long, Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, Phạm Ngọc… qua các nhạc bản Dạ Quỳnh Hương, Quỳnh Lệ, Quỳnh Lan, Quỳnh Thi, Ðêm Nguyệt Quỳnh… với các tiếng hát của các ca sĩ nổi tiếng trình bày.

- Mời nghe:
Gọi Mùa Thu Mơ (Duy Trác), nhạc và lời Phạm Anh Dũng

Thi ca bốn mùa trong giòng nhạc Phạm Anh Dũng, là những "cung điệu tình xuân" dịu êm từ giọt nắng vàng xa xưa nơi quê nhà, là âm vang của tiếng gọi mùa thu mơ mộng, là dạo khúc tự tình của mùa hè sang, là mưa rơi trên cung đàn đêm đông… Trong đó, nhạc bản "Ðêm Ðông Lạnh Trời Mưa Xuống", của ngàn lá rụng trong mưa, của gió lạnh căm căm về, của từng phím nhạc reo buồn, từ CD Ðưa Người Về Phương Ðông, có thể nói, là một trong những tác phẩm tuyệt vời nhất trong giòng nhạc Phạm Anh Dũng. Với âm điệu nhẹ lướt như hoa tuyết rơi trong đêm, với réo rắc lâng lâng của mưa nhòa trên lá khuya, với nhịp ru êm dìu dặt của dương cầm lẻ loi, của "ai đàn trong gió", với "âm điệu buồn xóa nhòa vần thơ", để ngơ ngẩn "rũ tóc buồn" đan kín đôi vai, của "con thuyền không bến" và "tiếng hát lênh đênh" trên sóng tình trên biển đời... Âm vang như vẫn còn reo mãi dư điệu buồn trong tim hồn người thưởng thức. Một tác phẩm tuyệt vời, giá trị, về cung điệu, về ca từ, với tiếng hát ru người của nữ ca sĩ Thiên Phượng. Từng giọt du dương rơi trên cung đàn, của lệ đêm, của mưa đông, của vạt sóng tình sầu, của tóc buồn phủ kín vai… như vẫn còn thầm thì nhỏ hạt trong tâm tư đời… trong trái tim người… của cái ngậm ngùi đầy thi vị từ cơn mộng đã chìm vào mưa… từ gió đông sương mù viễn xứ… từ cuối trời phiêu lãng quạnh hiu… từ dư âm về của những cuộc tình vỡ lỡ xa xưa thuở nào…

- Mời nghe:
Ðêm Ðông Lạnh Trời Mưa Xuống (Thiên Phượng), nhạc và lời Phạm Anh Dũng

 

Trường Ðinh

 

 ------------------

Cảm tưởng của Phạm Duy

Khi nghe 12 Tình Khúc Phạm Anh Dũng

 -----------

Nhạc sĩ Phạm Duy Hoàng Khai Nhân chụp.

Đã lâu lắm rồi, tình khúc Việt Nam không còn chất lãng mạn như trong thời tiền chiến, nghĩa là từ khi Tân Nhạc mới khai sinh, khi cuộc đời còn quá nhiều thi vị, để vừa thấy bóng ai qua thềm (Văn Chung ) thì tâm hồn anh vội vàng đi tìm em (Dương thiệu Tước) hoặc khi trời khuya thanh vắng em ngồi bờ sông thì anh tới bên em để dưới đá ghi lại những lời hôn phối ước chung một lòng son (Lê Thương)!

Thời tình lãng mạn đó, than ôi, như bóng câu qua cửa sổ, vì khi cách mạng ùa tới, tình khúc mượt mà êm dịu như Bến Xuân (Văn Cao) phải đổi thành Đàn Chim Việt, chiến tranh nổi lên và kéo dài thì tình khúc nếu không phải tình ca của người mất trí thì cũng như trái phá con tim mù lòa (Trịnh Công Sơn)! Hoặc chỉ là tình dục với những đôi tình nhân cho nhau lần cuối, trong vũng lầy của chúng ta (Lê Uyên Phương).

12 tình khúc của Phạm Anh Dũng, phần nhiều là thơ phổ nhạc, ra đời vào đầu thập niên 90 này, cho tôi cảm tưởng có sự quay về với nhạc tính lãng mạn quý báo sau đúng nửa thế kỷ lạc loài. Nhạc sĩ và những thi nhân của 12 tình khúc tân-lãng-mạn (néo-romantique) muốn đưa em về giòng sông xưa, về con đường lá biếc, về ngang xóm cũ, về Sài Gòn có phố vắng Duy Tân trong mùa mưa, về với người tình ngồi hong tóc, về với tháng ba, trời ngoan hiền để cùng em nhớ nắng thuở tiền duyên, về mùa thu mơ, nai vàng đạp lá hay về đêm đông lạnh, trời mưa xuống, về với nắng xuân xưa… nhất định phải về, bởi vì:

Em đi chim bặt lời ca
Em về chim hót mặn mà yêu đương

Nhạc điệu của những tình khúc trở về nguồn ân ái xa xưa này cũng đi theo với lời thơ, nghĩa là cũng giản dị, nhưng nồng nàn, không cầu kỳ nhưng nhạy cảm.

Qua biết bao nhiêu năm tháng ngụp lặn trong biển nhạc dữ dằn, có lẽ đây là lúc ta phải trở về với nguồn suối nhạc trong trẻo.Tôi cám ơn Phạm Anh Dũng và các bạn thơ đã giúp tôi trở về với tình cảm trẻ trung rất cần thiết qua những tình khúc này.

Phạm Duy

Thị Trấn Giữa Đàng
Tháng 10,1991

 

TÌNH KHÚC HỒI HƯƠNG (Bìa trước tập nhạc, Mùi Quí Bồng vẽ.

 
CD TÌNH KHÚC HỒI HƯƠNG (thực hiện khoảng năm 1990 trong những điều kiện rất khó khăn và rất giới hạn)
-------------------------

Cuối Năm Nghe Nhạc Phạm Anh Dũng

(Chu Tất Tiến)

Từ khi hội họa được chính thức tôn trọng như một nghệ thuật tôn quý, các họa sĩ thường chọn sẵn cho mình môt trường phái để theo đuổi như Renaissance với Donatello, Leonardo Da Vinci, Sandro Bortinelli, Michael Angelo, Jan Van Eyck; Baroque với Bernini Rembrant;  Neo-classicism với Jacques Louis David, Impressionism với Monet, Van Gogh, Cézanne, và Paul Gaughin; Cubism với Picasso… Cuối thế kỷ 20 lại có Futurism và Motion, rồi Unrealistic với khá nhiều họa sĩ đương đại. Theo chiều hướng đó, các họa sĩ Việt Nam (ở miền Nam) cũng được tự do theo đuổi một đường lối riêng của mình để cho ra đời những tác phẩm độc đáo, ngoài những trường phái trên, đặc biệt là nghệ thuật hội họa mầu nước và vẽ trên lụa.

Tương tự như thế, các nhạc sĩ sáng tác Việt Nam (trừ các nhạc sĩ ở miền Bắc không có tự do sáng tác) cũng tự chọn cho mình một đường lối sáng tác riêng biệt. Với trường phái lãng mạn và viết theo quy tắc cổ điển qua các nhịp điệu Valse, Blue, Tango, hay Slow, có các nhạc sĩ tiền phong của nền tân nhạc như Văn Cao, Phạm Duy, Tô Vũ, Lê Thương, Chung Quân, Anh Việt, Dương Thiệu Tước, Doãn Mẫn, Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Đặng Thế Phong, Đỗ Nhuận, Hiếu Nghĩa, Hoàng Quý, Hoàng Giác, Hoàng Trọng, La Hối, Đan Trường, Lê Trạch Lựu, Ngọc Bích, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Khánh, Lê Mộng Nguyên,.. Các bản nhạc này thường được sáng tác trong thập niên 30 trước chiến tranh Việt-Pháp  nên được gọi là “Nhạc Tiền Chiến”. Thực tế, nhiều bản nhạc đã được sáng tác sau cuộc di cư 1954 cũng được gọi là “nhạc tiền chiến” vì cũng mang âm hưởng lãng mạn, cổ điển như các bản nhạc của thập niên trước. Sau đó là những bản nhạc  mang một chút cách tân của Cung Tiến, Lâm Tuyền, Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Hiền, Nguyễn Mỹ Ca …Riêng nhạc của “Thầy” Nguyễn Văn Đông, một Tiến Sĩ Âm Nhạc Paris, là Thầy của rất nhiều ca sĩ nổi tiếng Saigon, đã mang một âm hưởng đặc biệt, vì ông còn là một đạo diễn cổ nhạc Đông Phương Tử, một kịch tác gia có nhiều thoại kịch đem lại những tiếng cười cùng những giọt lệ trên sân khấu Saigon qua những vở kịch do Kim Cương đóng làm Saigon đẫm lệ.

Điều đáng ngạc nhiên là sau cuộc di cư 1954, âm nhạc Việt lại nổi lên một chiều hướng mới: nhạc phổ thông (Popular hay Pop) gồm những bản nhạc kể lể những nỗi buốn da diết với những mối tình không trọn vẹn. Các nhạc sĩ thuộc trường phái phổ thông này thường sử dụng loại nhạc Rumba, Bolero nhịp nhàng để làm giá nâng đỡ cho các lời hát thật đơn giản như lời kể chuyện bình thường để có thể thấm nhập một cách dễ dàng vào những tâm hồn đơn sơ của người miền Nam. Cùng thập niên đó, các bản nhạc theo thể điệu Slow, Slow Rock, March, hay Paso Doble cũng rất được ưa chuộng. Trong số những nhạc sĩ tiêu biểu của loại nhạc này, người ta thấy có: Anh Bằng, Đinh Trầm Ca, Khánh Băng, Hoàng Nguyên, Nhật Ngân, Trịnh Lâm Ngân, Y Vân, Đỗ Kim Bảng, Phạm Mạnh Cương, Lê Hựu Hà, Phạm Trọng Cầu,Trầm Tử Thiêng, Lê Trọng Nguyễn, Trường Sa, Dũng Chinh, Mạnh Phát, Phạm Thế Mỹ…Nhưng phải nói những bản nhạc phổ thông có lời ca rất mộc mạc, chân thành, có tính chất kể lể của các nhạc sĩ Huỳnh Anh, Lam Phương, Nguyễn Hữu Thiết, Duy Khánh, Hoàng Thi Thơ, Minh Kỳ, Châu Kỳ, Lê Dinh, Thanh Bình, Thanh Trang, Đỗ Lễ, lại được số đông thính giả miền Nam ưa thích vì đã thể hiện giùm họ những điều mà họ nói không được.  Bên cạnh đó, có những tác phẩm mang lời nhạc triết lý cao siêu, muốn tách rời âm hưởng của những bản nhạc mang tính chất phổ thông, nhưng không hoàn toàn cổ điển như của Cung Trầm Tưởng, Từ Công Phụng, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương, Vũ Đức Sao Biển, Vũ đức Nghiêm, Vũ Thành An…lại có những thính giả chọn lọc khác.

Sau 1975, sang đến hải ngoại, một số tác phẩm được sáng tác sau này bỗng đột nhiên xuất hiện và tạo nên một trường phái mới, dung dị hơn và thẩm thấu vào tâm hồn người nghe nhanh hơn. Trong số những nhạc sĩ sáng tác nhiều sau khi định cư ở Mỹ có Đức Huy và Phạm Anh Dũng. Nhạc Sĩ Phạm Anh Dũng, một Bác Sĩ Y Khoa, nhưng có tâm hồn đam mê âm nhạc mạnh mẽ đến nỗi chỉ trong khoảng 2 thập niên, ông đã sáng tác gần 400 bản nhạc, một kỷ lục hiếm có trong làng âm nhạc. Một điều đặc biệt là ông viết nhiều bản nhạc về một loài hoa phù dung, chỉ nở trong một khoảnh khắc ngắn ngủi rồi tàn ngay: Hoa Quỳnh. Những bản nhạc viết về Hoa Quỳnh gồm có: Quỳnh, Đêm Nguyệt Quỳnh, Quỳnh Hoa, Quỳnh Lan, Quỳnh Giao, Quỳnh Như, Quỳnh Mơ,Với Quỳnh, Nụ Quỳnh rướm máu, Như đóa dạ quỳnh, Quỳnh thi, Quỳnh Lệ, Người yêu dấu mang tên một loài hoa, Dạ Quỳnh Hương, Hoài Mong, Da Khúc. Ông cũng thường nói về chữ Tình: Tình Khúc Mùa Xuân, Tình khúc mùa Hạ, Tình Khúc mùa Thu, Tình Khúc mùa Đông. Những bản nhạc của ông không viết trên những “Melody” phức tạp trong khi ngôn ngữ sử dụng trong bản nhạc lại đơn giản nên nhiều bản nhạc của ông đã thẩm thấu vào tâm hồn của hầu hết người nghe. Hai bản nhạc về Mẹ của ông làm người nghe thấy nước mắt tràn mi: Mẹ Ru Con và Mẹ vàng úa. Trong bài “Mẹ Vàng Úa” có những câu làm cho người nghe muốn khóc: “Mẹ già như cây tàn héo. Nhớ con yêu xa quê lâu rồi. Chiều về về qua xóm nghèo. Chiều vàng, vàng trên đường phố. Mẹ già như nắng vàng úa. Gió heo may hiu hiu u sầu. Nhin dòng sông tím lạnh. Lạnh buồn, lạnh tím tâm hồn. Chiều xuân đó, con đi mai vàng thôi nở. Liễu xuân mềm lặng lẽ rũ bên song. Bầy chim bé tiếng hót đã ngưng từ lâu. Mẹ nước mắt chan hòa má nhăn nheo..Một ngày con đã về đến. Đến quê hương nhưng sao vắng mẹ. Chỉ còn một chiếc bình. Trong bình là tro xác mẹ.”

Những lời nhạc trong các tác phẩm của người nhạc sĩ, bác sĩ y khoa này, dù là sáng tác hay phổ nhạc từ thơ, đều được chọn lựa kỹ càng, và sắp xếp theo một trình tự để người nghe thông cảm được ngay tâm hồn nghệ sĩ của tác giả. Trong bài “Nhạc Quỳnh Cuối cùng”, lời nhạc như thanh thoát gợi buồn, nhưng không quá đẫm lệ: “Đêm khuya dăng sầu, Môt vì sao thấp thoáng trong đêm tối mênh mang, Dòng lệ ai tê tái. Thấm ướt không gian buồn.. Rồi từ xa tiếng dương cầm thoảng theo gió ai sẽ hát cung trầm. Tình đến rồi đi mà sao lòng vẫn mong chờ”.

Những bài thơ được ông phổ nhạc là những bản nhạc được trau chuốt từng âm điệu như bài “Nước Chẩy Qua Cầu” (thơ Hoàng Ngọc Quỳnh Giao): “Mai kia nước chẩy qua cầu, nước đau nước khóc ai sầu nhớ thương. Em đi gió quyện mùi hương. Nắng lên suối tóc, còn vương nốt buồn. Lá rơi từng chiếc bên đường. Vàng phai mầu áo đoan trường cung thương. Nhớ luôn mấy độ tà dương. Vấn vương đỉnh ngự dòng Hương ngập ngừng. Mai kia chạnh nhớ câu thề Qua cầu nước chẩy bốn bề vọng âm.”

Bài “Gửi người dưới mộ” (thơ Đinh Hùng) đã xót xa mà được những cung nhạc buồn của Phạm Anh Dũng làm cho người nghe thấy cả khung trời như chơi vơi quá đỗi: “Trời cuối thu rồi em ở đâu? Nằm bên đất lạnh chắc em sầu? Thu ơi đánh thức hồn ma dậy. Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu. Em mộng về đâu? Em mất về đâu? Từng đêm tôi nguyện cầu. Đây mầu hương khói là mầu mắt xưa.”

Trong khi đó, tính lãng mạn trong tâm hồn người nhạc sĩ đã làm rung lên tiếng nhạc: “Em ơi! đêm thơm môt đóa quỳnh. Cùng em hương vương không gian. Cho ta mơ say ngát tình. Quyện mầu xanh thắm môi em.” (Dạ quỳnh hương).

Đôi khi, Phạm Anh Dũng lại thổ lộ nỗi đau không tên về những kỷ niệm xưa như trong bài “Nhớ Saigon”: “Biết đến bao giờ gặp lại người xưa. Thương cho mùa mua qua thành phố vắng. Lang lang miệt mài năm tháng. Bao nhiêu luyến tiếc xa ngàn. Buồn thương vương lên mầu áo….”

Như thế, viết về Phạm Anh Dũng, thật ra không dễ, vì tâm hồn của ông bao la quá, phương diện nào cũng thấy ông chan chứa tình cảm. Với hơn 400 bản nhạc viết trong môt thời gian kỷ lục, Phạm Anh Dũng đã chứng tỏ tuy là em nhỏ trong làng nhạc sĩ, nhưng cũng không thua kém đàn anh mấy, cũng như Trương Vô Kỵ, hậu sinh khả úy mà võ nghệ tuyệt luân, văn võ toàn tài, chiêu nào đánh cũng ác liệt, nhưng lại luôn nhịn nhường. Phạm Anh Dũng, ngoài đời sống thường nhật, là một người khiêm cung, không vì số lượng các bản nhạc mà ông sáng tác, làm cho ông mất đi bản tính yêu người và thích phục vụ tha nhân của một Quân Y Sĩ từng chiến đấu sinh tử bên chiến hào những năm trước 1975. Ngày cuối năm xa quê, nghe nhạc Phạm Anh Dũng, mà tưởng đến một chàng Vô Kỵ Anh Dũng đang hạnh phúc bên Triệu Minh, xứng đáng cho thời gian lao tâm khổ trí bên những cung nhạc phục vụ cho đời.

 

Chu Tất Tiến, Ngày chờ năm Đinh Dậu. 

(trích Việt Báo ngày 26 tháng Giêng 2017)

 

--------------------------------------

 

Đêm xuân, nghe nhạc quỳnh Phạm Anh Dũng

Thursday, January 26, 2012 1:44:41 PM

Lê Hữu

 
“Quỳnh”, họa sĩ Nguyễn Chính
.
Nhẹ bàn chân, hương đêm ơi!
Nhẹ bàn tay, hương yêu ơi!
Dạ lai hương
Phạm Duy.
.
Đêm thơm như một dòng sữa…
.

.Tôi yêu hai chữ “đêm thơm” trong câu hát ấy, câu hát của Phạm Duy.
Nói đúng hơn, tôi yêu kỷ niệm về câu hát ấy. Bài hát nghe được vào một đêm xuân nào trong một quán café ở Saigon, trước năm 1975. Tôi không nghe một mình, mà với người bạn gái. Trong vuông sân nhỏ ở ngoài vườn và trong bóng tối mờ mờ tỏa ra từ những ngọn đèn màu vàng đục, chúng tôi ngồi bên nhau thật im lặng, nghe đêm trôi đi chầm chậm, nghe nhạc trôi đi chầm chậm lẫn trong hương ngọc lan mơ hồ thoảng trong đêm.
Tôi không gặp hai chữ “đêm thơm” ấy trong bài hát nào khác, cho đến một buổi tối, bất chợt tôi nghe tiếng nhạc dạo êm dịu và giọng hát cũng thật êm dịu.

Em ơi, đêm thơm một đóa quỳnh…

Tôi ngồi lặng yên một lúc, nghe hết bài nhạc. Nghe kỹ, và nhận ra một điều. Đã lâu, thật lâu, tôi mới lại có được cảm giác ấy, cảm giác lâng lâng nghe nhạc trôi đi, trôi đi chầm chậm, như những cánh hoa mầu trắng nở chầm chậm trong đêm.
Hai câu hát có hai chữ “đêm thơm” ấy đều là câu nhạc đầu trong hai bài hát nói về những bông “hoa nở về đêm”. Bài hát của Phạm Duy tên là “Dạ lai hương”, bài hát của Phạm Anh Dũng tên là “Dạ quỳnh hương”.
Nếu đấy là một sự ngẫu nhiên thì quả là một ngẫu nhiên khá thú vị.


“Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”

Đêm thơm, hay là hương thơm dìu dịu của đóa quỳnh nào thoảng trong đêm.
Đã có nhiều bài hát nói về hoa quỳnh. Những bài hát quen thuộc và được nhiều người yêu thích vẫn là những bài của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn và Phạm Anh Dũng.
“Cành hoa trắng” của Phạm Duy có một vẻ gì buồn bã, “Người về trong đêm tối / ôm cành hoa tả tơi…”
“Quỳnh hương” của Trịnh Công Sơn lại có nét gì tươi vui, “Quỳnh thơm hay môi em thơm…”
Nghe “Dạ quỳnh hương”, người ta không chỉ nghe được, thấy được vẻ đẹp quyến rũ của hoa thôi mà còn cảm được cái “tình” thầm lặng và vấn vương giữa hoa và người nữa.

Nồng nàn quỳnh hương thơm giữa cánh môi xinh
Lòng ta nghe xôn xao cây lá xanh tình…

Nghe những lời ấy mà “nghe” lòng ngất ngây trong phút giao hòa giữa nhạc và thơ, giữa người và hoa, giữa mộng và thực.

Rồi tình ta như trăng sáng ngát trên cao
Bầy chim uyên lao xao theo gió đêm về…

Nghe những lời ấy mà “nghe” tim rạo rực trong đêm lắng sâu, đêm bát ngát trăng sao.

Ngàn vì sao đua nhau thắp nến lung linh…

Hai chữ “lung linh” trong câu hát ấy thật là đẹp. Trong “Dạ lai hương” của Phạm Duy cũng “ngẫu nhiên” có hai chữ “lung linh” thật là đẹp.

Lung linh, trăng lại về nữa…

Những chữ “lung linh” ấy như mang đến cho ánh sao đêm và bóng trăng khuya một vẻ mơ màng, huyền ảo. Có vẻ như “quỳnh” và “trăng” luôn sánh đôi với nhau. “Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên” (1), người ta muốn được thưởng hoa và thưởng trăng cùng lúc.

Hoa trăng với lại hồn tôi
phút giây hư thực đất trời trôi qua
Đến khi thức dậy nhìn ra
ánh trăng vừa tắt, sắc hoa vừa tàn

(Hoa nở theo trăngTế Hanh)


“Nguyệt quỳnh”, họa sĩ Thanh Luân

“Dạ quỳnh hương” là thoáng hương thơm dìu dịu, là màu trắng tinh khiết của những cánh hoa nở lặng lẽ trong đêm.
Vẻ đẹp của hoa là vẻ thanh cao mà đài các, là vẻ e ấp mà nồng nàn, dịu dàng mà tình tứ, thầm lặng mà quyến rũ.
Khác với hai bài nhạc quỳnh kia, “Dạ quỳnh hương” được phổ từ bài thơ cùng tên của một người làm thơ… cùng tên với loài hoa sắc hương trinh bạch ấy. Hoàng Ngọc Quỳnh, hay Hoàng Ngọc Quỳnh Giao. Như cái tên định mệnh, nhạc phổ vừa xong thì hoa cũng vừa khép cánh. Tác giả bài thơ ấy, người nữ sĩ tài hoa bạc mệnh ấy đã từ biệt thế gian này để đi về một thế giới khác. Hoa đã lìa trần, hoa đã lìa xa người. Mối đồng cảm ấy, mối duyên văn nghệ ấy giữa người thơ và người phổ nhạc bài thơ chỉ như cơn gió thoảng, chỉ như giấc mơ qua, vì cho đến lúc “hoa lìa cành biếc, hồn theo gió vương” (2) hai con người nghệ sĩ ấy vẫn chưa hề có một lần tương kiến.

“… Sau một đêm thức trắng tôi viết xong ‘Dạ quỳnh hương’ và gửi cho Quỳnh,” tác giả bài nhạc kể lại. “Quỳnh rất thích, cho biết vẫn đem ra đàn, hát, và có hứa sẽ gửi tôi nghe bài ấy với tiếng đàn dương cầm sau khi sức khỏe hồi phục (nàng có theo học bốn năm về dương cầm tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế). Chỉ ít lâu sau, tháng Giêng năm 2001, bất ngờ tôi được tin Quỳnh qua đời tại Bỉ. Tôi chưa hề được nghe tiếng đàn của Quỳnh. Tôi cũng chưa gặp Quỳnh bao giờ cả.”

Từng cánh khép lại rồi
hoa lả mềm giấc ngủ
Ôi, phút hoa hiến dâng
hồn tôi không kịp hái
(“Hoa quỳnh”
Lâm thị Mỹ Dạ)

Đóa quỳnh hương khép cánh ấy, Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, cô đã tạt ngang qua cuộc đời này, rồi lặng lẽ biến mất khỏi cuộc đời này. Cô đã yêu biết mấy cuộc đời này. Cô yêu thi ca, yêu âm nhạc, yêu hội họa, yêu trăng sao, yêu cỏ hoa “cây lá xanh tình”. Cô đã có những hạnh phúc ngắn ngủi giữa cuộc sống cũng thật ngắn ngủi.
Ôi cuộc sống thật ý nghĩa nhưng cũng thật vô nghĩa. Và chút duyên tri ngộ, và chút tình mong manh tựa những cánh hoa quỳnh mong manh ấy… “cũng theo hư không mà đi”. (3)

“Dạ quỳnh hương”, một trong số ít những bài nhạc Việt hay nhất viết về hoa.

Chàng nhạc sĩ của hoa quỳnh

Trước năm 1975, chúng ta vẫn có những y sĩ viết văn, làm thơ và có cả những giọng hát thật truyền cảm nữa. Sau năm 1975, chúng ta lại có thêm những người viết nhạc trong giới y sĩ, trong số ấy có Phạm Anh Dũng, vẫn được nhiều người yêu nhạc biết đến như là chàng nhạc sĩ có sức sáng tác thật sung mãn và đa dạng như là “cây đàn muôn điệu”.
Những người y sĩ viết nhạc, làm thơ, hay “lấy thơ ghép nhạc”. Tại sao không? Như Phạm Anh Dũng. Như cô bạn đồng nghiệp của anh, Hoàng Ngọc Quỳnh Giao. Phía sau cánh áo blouse trắng như màu trắng thanh khiết của những cánh hoa quỳnh là trái tim nhân ái, là tâm hồn rộng mở, là lòng yêu cái đẹp. Cùng với “cây đàn muôn điệu” ấy, anh đã dạo lên khúc nhạc êm đềm, đã cất cao tiếng hát ca ngợi thương yêu và cuộc sống kỳ diệu. Cùng với lời ca tiếng nhạc ấy, anh đã vỗ về, đã xoa dịu những nỗi đau và chữa lành những vết thương trong tâm hồn người giữa cuộc sống nhiều hạnh phúc và cũng lắm khổ đau.
Yêu nhạc, yêu thơ và yêu hoa, Phạm Anh Dũng có đến ba mối tình rất thủy chung (nếu không kể mối tình với người bạn đời và cái nghề tay phải gắn liền với chiếc ống nghe mỗi ngày của anh).
– Yêu nhạc: gần bốn trăm ca khúc được sáng tác, hơn mười lăm CD nhạc được phát hành, nguồn nhạc hứng trong tim chàng nghệ sĩ ấy vẫn chưa có lúc nào vơi cạn. Nghe nhạc Phạm Anh Dũng, qua các giọng ca tên tuổi của hai thế hệ cũ, mới và qua mọi thể loại, mọi thể điệu, mọi đề tài, tưởng như anh muốn ôm hết cuộc sống vào lòng vậy.
– Yêu thơ: phần lớn những bài nhạc của Phạm Anh Dũng là những bài thơ của các nhà thơ quen tên được phổ thành ca khúc, cho thấy ở nơi anh tâm hồn yêu thi ca, yêu nghệ thuật. Những sáng tác của Phạm Anh Dũng, cho dù là lấy nhạc ghép thơ hay lấy thơ ghép nhạc vẫn luôn luôn là những bài nhạc rất thơ, luôn luôn là những lời nhạc đẹp tựa lời thơ.
– Yêu hoa: loài hoa chàng “yêu” nhất chắc phải là hoa quỳnh. Không chỉ “Dạ quỳnh hương”, Phạm Anh Dũng còn cho ra đời một series nhạc quỳnh khá độc đáo gồm trên mười bài quỳnh ca.
“Đây là một ‘kỳ tích võ lâm’,” tôi nói với anh như vậy, “chưa từng có trong giới sáng tác âm nhạc.” Phải yêu hoa lắm lắm, phải nặng tình với quỳnh lắm lắm mới dày công thực hiện một chuỗi những bài tình ca về “nữ hoàng của bóng đêm” ấy.
Một CD “nhạc chủ đề” có tên là Quỳnh Ca, là một tập hợp những bài nhạc quỳnh của Phạm Anh Dũng và những bài “thơ quỳnh” của Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, Vương Ngọc Long, Phạm Ngọc, Hoa Cỏ, Trường Đinh… được nhạc sĩ phổ thành ca khúc. Bên cạnh những bài “Quỳnh”, “Với quỳnh”, “Đêm nguyệt quỳnh”, “Dạ quỳnh hương”, “Đóa quỳnh như”, “Như đóa dạ quỳnh” là những bài có cái tựa bắt đầu bằng chữ “quỳnh”, như “Quỳnh giao”, “Quỳnh hoa”, “Quỳnh lan”, “Quỳnh lệ”, “Quỳnh mơ”, “Quỳnh như”, “Quỳnh thi”, nghe như cách đặt tên của một bộ “tranh sưu tập” về hoa quỳnh.
Thật khó mà nói được tôi chấm bức “tranh quỳnh” nào đẹp hơn cả. Mỗi bức một vẻ, bức nào cũng đẹp, cũng được vẽ bằng những nét cọ mềm mại là những lời thơ ý nhạc. Tôi thích nghe “Dạ quỳnh hương” với giọng hát ấm áp và êm dịu của Trần Thái Hòa. Tôi cũng thích nghe “Quỳnh”, nghe nhạc điệu êm êm, buồn buồn để cảm thương cho số kiếp phù du của loài hoa nở và tàn trong đêm.
Quỳnh hoa rũ tàn
mầu trăng úa mờ…
Còn chi nữa quỳnh!
Lệ ta đã cạn
rồi quỳnh tan theo khói sương mờ trong đêm
(“Quỳnh”
Phạm Anh Dũng)

Mỗi người đều có thể tìm thấy một bài nào mình yêu thích trong số những bài “quỳnh ca” ấy. Một bài “tự tình khúc” rất thơ, chẳng hạn.
Em cứ trắng cho hồn luôn trinh bạch
cho tơ vàng nhỏ nhẹ nốt thanh âm
(“Quỳnh giao”
Phạm Anh Dũng & Vương Ngọc Long)

Hay một bài tango dìu dặt, lâng lâng, như khúc nhạc dưới trăng.
Vườn trăng rộ nở
trắng muốt đóa Quỳnh thi…
Đi đâu mà nở vội
Đời thoáng chiêm bao
Tình người như cõi mộng…
(“Quỳnh thi”
Phạm Anh Dũng & Vương Ngọc Long)

“Tình người như cõi mộng”, Phạm Anh Dũng, chắc hẳn anh từng có những giấc mộng êm đềm, như từng có những phút thả trôi, đắm chìm trong thế giới kỳ diệu của âm thanh.

Đêm xuân, thắp một ngọn nến thơm, nhắp một ngụm trà nóng, nghe một bản nhạc quỳnh, thấy “xuân thắm tình nồng” hơn, và thấy yêu mùa xuân hơn.

Cám ơn Phạm Anh Dũng, cám ơn “chàng nhạc sĩ của hoa quỳnh”.

 

Lê Hữu

(1) Kiều, thơ Nguyễn Du
(2) Kiếp hoa, nhạc Dương Thiệu Tước
(3) Ảo ảnh, nhạc Y Vân

********************

NGHE NHẠC QUỲNH PHẠM ANH DŨNG (xin click vào dòng chữ dưới)
Nhạc Quỳnh Phạm Anh Dũng

********************

Tranh Quỳnh Nương 1 – Họa sĩ Thanh Trí

 

Lê Hữu

 

-----------------------------------------

 

GIÒNG NHẠC PHẠM ANH DŨNG

Châu Đình An

Sáng thứ Sáu tuần vừa qua khi tôi mở hộp thư, một niềm vui bất ngờ khi nhận một gói quà. Trong gói quà nhỏ, một băng nhạc cũ “thất lạc” mang tên Bông Bưởi Chiều Xưa của tôi hát với tiếng hát Khánh Ly vào năm 1985.

Lòng chợt bừng vui vì có ai đã nghĩ đến tìm và gửi tặng cho tôi băng nhạc cũ mấy mươi năm về trước qua bài viết “Tìm Trẻ Lạc”. Rồi lại thêm hai dĩa Compact Disc Tình Ca Phạm Anh Dũng với các tiếng hát tên tuổi như Duy Trác, Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Mai Hương, Quỳnh Giao, Thái Hiền, Trọng Nghĩa, một dĩa nhạc khác mang tên Tình Yêu Lên Ngôi với các tiếng hát Thanh Ngọc, Khải Ca, Ý Lan, Diệu Hiền, Hoàng Quân, Quỳnh Lan, Ẩn Lan, Phi Nguyễn, Bảo Yến, Xuân Thanh và Mai Hương, Tuấn Ngọc.Tôi đã dành thì giờ trên đoạn đường lái xe, để nghe hết hai dĩa CD tình ca Phạm Anh Dũng. Giòng nhạc của nhạc sĩ Phạm Anh Dũng sang trọng, nhẹ nhàng và có nét riêng của một phong cách lịch lãm.Trước đây tôi đã nghe đến nhạc sĩ Phạm Anh Dũng, và thỉnh thoảng có nghe nhạc của ông, trong những dịp như ngày Lễ Tình Nhân và những ca khúc của ông giới thiệu đến bè bạn. Nhạc của Phạm Anh Dũng sang trọng quý phái không bởi vì hoà âm, phối âm cả giàn đàn dây theo phong cách Phạm Duy Cường, mà các tiết tấu, cũng như những nốt nhạc mà ông sáng tác, đã đặt vào đúng chỗ của những câu viết.

Bên cạnh những lời và nhạc hoàn toàn từ trái tim và suy nghĩ của Phạm Anh Dũng, tôi thích nhất bài mang tựa “Tháng Bảy Chưa Mưa”.

Phải nói là, tôi nghe đi nghe lại ca khúc này đến cả chục lần. Ca khúc này phổ theo thơ Y Dịch nhan đề là Tiễn Em. Nhưng có lẽ nhạc sĩ Phạm Anh Dũng không muốn bị ngộ nhận trùng tên với ca khúc Tiễn Em của thi sĩ Cung Trầm Tưởng mà nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc, do vậy ông đã chọn tên là Tháng Bảy Chưa Mưa.

Giòng nhạc của ca khúc này mà Phạm Anh Dũng đã viết rất tình cảm và khiến người nghe phải “chao đảo” ngay khi giọng hát tình cảm, trầm ấm, và rất đàn ông của Tuấn Ngọc diễn tả. Những nốt nhạc tài tình của Phạm Anh Dũng phổ vào bài thơ này làm cho Y Dịch, nhà thơ chợt sáng lên trong vòm thi ca. Bài thơ tình cảm, thấm đẫm và lãng đãng chia ly, đau buốt nhưng từ tâm. Và tài nghệ giòng nhạc của Phạm Anh Dũng đã khiến cho người nghe ca khúc này, lặng chìm, sướt mướt và vương vấn một tình yêu sâu sắc nồng nàn.

Cảm ơn nhạc sĩ Phạm Anh Dũng. Cảm ơn người bác sĩ tài hoa. Trong giây khắc, đã để lại cho âm nhạc cách riêng, cho cuộc tình cách chung. Một ca khúc, mà khi ta yêu nhau, sẽ không thể nào quên.

Tháng Bảy Chưa Mưa, nhưng, những giòng nước mắt chia ly của ca khúc, và nét nhạc cho dù nồng nàn như thế, nhưng đã không thể thấm đủ cho những khăn tay hờ hững trên vai khi nghe bài hát này. Như thế, giòng nhạc của Phạm Anh Dũng, là những giòng lệ chảy. Những giòng lệ trôi theo cơn gió, bay vào khung trời cao vút, mênh mang, vô tận, ra đi…

Tháng Bảy Chưa Mưa và nhạc Phạm Anh Dũng đã thổi một làn hơi vào ngọn nến lấp lánh trong một buổi hẹn hò từ giã. Và đâu đó, những giòng lệ hạnh phúc, trên đôi tay nuột nà yêu dấu chắp lại, trên bờ tóc hương yêu cúi xuốngmột bờ mi, và đôi mắt hương đêm miên man tràn ngập yêu thương.

Giòng nhạc Phạm Anh Dũng – nhạc của giòng lệ cho tình yêu.

Châu Đình An
tháng 2, 2013

Tháng Bảy Chưa Mưa (thơ Y Dịch, nhạc Phạm Anh Dũng) Tuấn Ngọc hát, Duy Cường hòa âm, video Hoàng Khai Nhan

 

---------------------------------

 

Kẻ Miệt Mài Đuổi Theo Giai Điệu: Phạm Anh Dũng

(trích từ http://www.dutule.com/)

Tôi không biết Phạm Anh Dũng sáng tác ca khúc từ bao giờ, lúc nào? Nhưng, theo ghi nhận của riêng tôi thì, cùng với sự định hình và, lớn mạnh của tập thể Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ, ở lãnh vực nghệ thuật, những ca khúc của họ Phạm là một đóng góp phóng phú, liên lủy, có dễ cũng nhiều chục năm qua.

Tôi muốn gọi ông là một trong những nhạc sĩ miệt mài trên lộ trình đuổi bắt giai điệu. Phải chăng vì thế mà tính đến hôm nay, họ Phạm đã có trên dưới 300 ca khúc ở tất cả mọi thể loại. Từ những cảm xúc chới với, bập bềnh khi bị bứng khỏi cội gốc đất nước do biến cố tháng 4-1975, Phạm Anh Dũng đã có loạt sáng tác về tâm cảnh tỵ nạn, những năm tháng đầu tiên ở quê người – – Tới những day dứt hoài niệm về một quê hương bên kia biển…

Với thời gian, Phạm Anh Dũng quay trở lại với đề tài tình yêu, một thể tài muôn thuở của nhân loại. Tôi cho là một thiếu sót đáng kể, nếu không ghi nhận rằng, ông cũng là một trong những nhạc sĩ không ngừng tìm đến với thi ca. Như thể, thi ca với âm nhạc của Phạm Anh Dũng là một hôn phối rực rỡ, đằm thắm nhất mà, một hôn phối tốt đẹp có thể có được.

Theo trang nhà của nhạc sĩ Trần Quang Hải thì nhạc sĩ Phạm Anh Dũng đã phổ nhạc thơ của rất nhiều nhà thơ. Điển hình như thơ Đinh Tuấn, Phạm Thế Trường, Nguyên Sa, Đinh Hùng, Phạm Ngọc, Vương Ngọc Long, Trần Ngọc, Hoàng Xuân Sơn, Trường Đinh, Y Dịch, Bích Huyền, Đình Nguyên, Cung Vũ, Trần Mộng Tú, Huỳnh Nguyễn Thanh Tâm, BH, Thơ Thơ, Hồng Khắc Kim Mai v.v…

Trả lời trong một cuộc phỏng vấn của nhà báo Việt Hải, Phạm Anh Dũng cho biết, lý do ông tìm đến với âm nhạc, đơn giản chỉ vì ông thích âm nhạc từ thuở nhỏ “…và đến nay vẫn còn thích,” mặc dù nghề nghiệp chuyên môn của ông thuộc lãnh vực y khoa.

Năm 1991, khi cho in tập nhạc “Tình Khúc Hồi Hương” gồm 12 tình khúc – – Trong số đó có 6 bài phổ từ thơ của các nhà thơ trong gia đình y khoa như Đinh Tuấn, Phạm Thế Trường… Ở phần lời Tựa, cố nhạc sĩ Phạm Duy viết:

“Đã lâu lắm rồi, tình khúc Việt Nam không còn lãng mạn như thời tiền chiến, nghĩa là từ khi tân nhạc vừa mới khai sinh, khi cuộc đời còn quá nhiều thi vị để vừa thấy ‘Bóng ai qua thềm’ (Văn Chung) thì tâm hồn anh vội vàng đi ‘Tìm em’ (Dương Thiệu Tước)…

“12 tình khúc của Phạm Anh Dũng, phần nhiều là thơ phổ nhạc, ra đời vào thập niên 1990 này, cho tôi cảm tưởng có sự quay về với nhạc tình cảm lãng mạn quý báu sau đúng nửa thế kỷ lạc loài…

“Nhạc điệu của những tình khúc trở về nguồn ân ái xưa này cũng đi theo với thơ, nghĩa là cũng giản dị , không cầu kỳ nhưng nhạy cảm…”

Tôi thấy, điều cần nói thêm ở trường hợp Phạm Anh Dũng là, dù cho một bài thơ đã được soạn thành ca khúc bởi một nhạc sĩ nào đó; nhưng khi cuồng lưu cảm xúc trong ông dâng lên tới một độ cao nào đó thì, ông vẫn nhập vào bài thơ. Để tự đó, ông cho bài thơ một chiếc áo, một nhan sắc khác. Chiếc áo, nhan sắc mới ấy, mang tên Phạm Anh Dũng.

Sau tuyển tập nhạc “Tình Khúc Hồi Hương,” những người yêu nhạc Phạm Anh Dũng lại ghi nhận thêm rằng, lần lượt trên dưới 10 đĩa nhạc của họ Phạm, cũng đã được ông gửi tới giới thưởng ngoạn… Mà, những CD được nhiều người yêu thích nhất, có thể kể như “Đưa người về Phương đông, ” “Tình bỗng khói sương,” “Đường về,” “Dạ Quỳnh Hương” v.v…

Khi đề cập tới CD “Đường về” của Phạm Anh Dũng với tiếng hát Xuân Thanh (XT) trong một bài viết hiện có trên Wikipedia (bản Việt ngữ) tác giả Lê Hoàng Thanh viết:

“…Nhạc phẩm kế tiếp “Chia Tay” tự nó đã nói lên nỗi ưu tư của tác giả và người ca sĩ. Phải chăng XT muốn mượn bản nhạc này để diễn tả tâm trạng khi rời quê mẹ, ra đi mà chưa biết rồi sẽ như thế nào … hay cũng có thể muốn nhắc lại mối tình (nào đó) tuy rất gần gũi nhưng đã vội cao bay? Chỉ có tác giả bài thơ (và có thể người ca sĩ) mới hiểu rõ nỗi lòng của mình. Tuy nhiên qua những lời thơ rất nồng nàn trữ tình sau đây đủ cho chúng ta thấy một hình ảnh đau buồn, bùi ngùi cũng như đong đầy nhung nhớ lúc chia tay, nỗi nhớ ngây ngất hương thơm của người yêu:

“Chia tay một giọt lệ thầm
Một bình minh vỡ một trăm năm về
Chia tay một sợi tóc thề
Trong chăn chiếu cũ còn mê hơi người…”

(Chia tay)

Ở một đoạn khác, trong bài viết của mình, tác giả Lê Thanh Hoàng ghi lại một nhận định của giáo sư tiến sĩ Lê Mộng Nguyên như sau:

“… Khi nghe ca sĩ Xuân Thanh trình diễn bài “Nhớ Sài Gòn” do bác sĩ kiêm nhạc sĩ Phạm anh Dũng sáng tác, Giáo sư Tiến sĩ Nhạc Lê Mộng Nguyên đã bình như sau: ‘Cám ơn Ns/Bs Phạm anh Dũng! Nhạc hay, lời hay và giọng ca Xuân Thanh làm nổi bật nỗi buồn xa xứ của chúng ta khi nhớ lại Sài Gòn. Sài Gòn mất cũng như một linh hồn của chúng ta đã mất!’… ”

Là “tình nhân” của thi ca, và cũng là người làm thơ, nên trong ca từ của Phạm Anh Dũng, người đọc dễ dàng bắt gặp nhiều hình ảnh đậm đặc thi tính. Thí dụ:

“Này Sài Gòn yêu thương
Hãy còn đây vấn vương
Nhớ bờ sông nước êm
Ghế đá chốn công viên ….

Và còn nhiều tiếc nhớ
thoáng về trong giấc mơ
Khu đại học hoang phế
mong ngày đó anh về …

Ước đến bao giờ gặp lại người mơ
Đem theo vần thơ lên bờ sông đó
Đêm khuya nghe từng cơn gió
Nơi xa ánh mắt trông chờ
Sài Gòn yêu dấu ngàn năm…”

(Phạm Anh Dũng, trích “Nhớ Saigon”)..

Với tôi, dù ca khúc của Phạm Anh Dũng là một hôn phối tốt đẹp giữa thi ca của các nhà thơ và giai điệu của chính ông – – Hay, ca khúc được làm thành bởi máu, thịt của riêng Phạm Anh Dũng thì, tình khúc của ông, vẫn có được cho riêng nó những bâng khuâng, xao xuyến. Những thiết tha, rung động, đi ra từ trái tim mẫn cảm này.


Du Tử Lê

(Jan. 2013)

NGHE NHẠC: 
Nhớ Sài Gòn (nhạc và lời Phạm Anh Dũng) Quỳnh Giao hát, Duy Cường hòa âm (mp3-192):
https://phamanhdung.files.wordpress.com/2014/02/648b8-nho20sai20gon-quynh20giao.mp3

XEM VIDEO:
Chia Tay (thơ Nguyễn Đức Tùng, nhạc Phạm Anh Dũng) Xuân Thanh hát, Quốc Dũng hòa âm:
https://www.youtube.com/watch?v=bbJhsqcXM4A
Nhớ Sài Gòn (nhạc và lời Phạm Anh Dũng) Xuân Thanh hát, Quốc Dũng hòa âm
https://www.youtube.com/watch?v=r1Hjp4Oz7-g

 

 

Post by Kim Phượng

 

 

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %28 %788 %2023 %13:%04
back to top