Memorial Day (Ngày lễ chiến sĩ trận vong tại Mỹ 2023)
Memorial Day là ngày lễ của Mỹ, được tổ chức vào ngày thứ Hai cuối cùng của tháng Năm, để tưởng niệm những người đã hy sinh khi phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ.
Trước đây là Decoration Day, ngày này được bắt nguồn từ những năm sau cuộc Nội chiến và chính thức trở thành ngày lễ liên bang vào năm 1971. Rất nhiều người Mỹ kỷ niệm ngày Memorial Day bằng việc tới thăm các nghĩa trang hoặc các đài tưởng niệm, tổ chức các buổi đoàn tụ gia đình và tham gia vào các cuộc diễu hành.
Một cách không chính thức thì Memorial Day cũng đánh dấu ngày bắt đầu của mùa hè.
Memorial Day is an American holiday, observed on the last Monday of May, honoring the men and women who died while serving in the U.S. military.
Originally known as Decoration Day, it originated in the years following the Civil War and became an official federal holiday in 1971. Many Americans observe Memorial Day by visiting cemeteries or memorials, holding family gatherings and participating in parades.
30/05/1868: Ngày Tưởng niệm được tổ chức tại Mỹ
Vào ngày này năm 1868, theo tuyên bố của Tướng John A. Logan thuộc Đại Quân Cộng hòa (Grand Army of the Republic), Ngày Tưởng niệm (Memorial Day) lớn đầu tiên sẽ được tổ chức nhằm vinh danh những người đã hy sinh “để bảo vệ đất nước của họ trong cuộc nổi loạn mới đây.” Một số người gọi đây là Ngày Trang trí (Decoration Day) xuất phát từ việc những người tham dự buổi lễ tôn vinh người chết trong Nội chiến Hoa Kỳ bằng cách trang trí mộ phần của họ bằng hoa. Trong Ngày trang trí đầu tiên, Tướng James Garfield đã có bài phát biểu tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington, sau đó 5.000 người tham dự đã đặt hoa trên phần mộ của hơn 20.000 binh sĩ Nội chiến được chôn cất tại nghĩa trang.
Ngày Tưởng niệm 1868 được lấy cảm hứng từ những buổi tưởng niệm tổ chức ở nhiều địa phương khác nhau trong ba năm kể từ khi Nội chiến kết thúc. Thực tế, có khá nhiều thành phố tự xưng là nơi đã tạo nên truyền thống Ngày Tưởng niệm, bao gồm Columbus, Mississippi; Macon, Georgia; Richmond, Virginia; Boalsburg, Pennsylvania; và Carbondale, Illinois. Năm 1966, chính phủ liên bang, theo chỉ thị của Tổng thống Lyndon B. Johnson, đã tuyên bố Waterloo, New York, là nơi chính thức khai sinh Ngày Tưởng niệm. Họ chọn Waterloo – nơi tổ chức lễ kỷ niệm lần đầu tiên vào ngày 05/05/1866 – vì thị trấn này đã biến Ngày Tưởng niệm trở thành một sự kiện cộng đồng hàng năm, khi mà mọi hàng quán đều đóng cửa và các cư dân cùng nhau trang trí phần mộ của những người lính bằng hoa và cờ.
Cuối thế kỷ 19, nhiều cộng đồng trên khắp nước Mỹ đã bắt đầu kỷ niệm Ngày Tưởng niệm, và sau Thế chiến I, người ta bắt đầu tôn vinh những người ra đi trong tất cả các cuộc chiến của nước Mỹ. Năm 1971, Quốc Hội tuyên bố Ngày Tưởng niệm là một ngày lễ cấp quốc gia, được tổ chức vào thứ Hai cuối cùng của tháng 05.
Từ Nghĩa trang Quốc gia Arlington tại thủ đô Washington DC cho đến Nghĩa trang Quân đội tại San Bruno, California đâu đâu cũng thấy cờ và hoa. Các tổng thống Mỹ thường có mặt tại Nghĩa trang Arlington theo truyền thống.
Tôi thường ghé Nghĩa trang Quân đội San Bruno, phía nam của thành phố San Francisco. Hàng ngàn bia mộ sơn trắng nằm ngay hàng thẳng lối và uốn lượn theo sườn đồi. Tất cả cùng một thước tấc. Quan hay lính khi chết thì đều là tử sĩ, không còn chức tước gì cả. Tất cả nằm ngay ngắn, bình đẳng bên nhau.
Cuối tháng Năm trời thường nắng đẹp nhưng luôn lộng gió. Ở đây thật yên tĩnh, chỉ nghe tiếng phần phật của hàng ngàn cây cờ nhỏ do các hướng đạo sinh cắm trước mỗi ngôi mộ. Nếu tò mò đọc mộ bia thì sẽ thấy rất nhiều người đã hy sinh trong Thế Chiến thứ 1, Thế Chiến thứ 2, rồi Chiến tranh Triều Tiên.
Và ở dưới bóng râm của mấy cây lớn là nơi yên nghỉ của những thanh niên Cali đã bỏ mình trong cuộc chiến Việt Nam. Họ thường sinh từ 1944 đến 1946, và mất trong khoảng 1965-1966. Tất cả đều ở độ tuổi đi học.
Nếu cho đến hôm nay, 48 năm sau khi cuộc chiến đã chấm dứt mà vẫn có người còn oán trách người Mỹ bỏ rơi miền Nam VN thì họ nên đứng trước những ngôi mộ này và suy nghĩ. Chỉ cần 5 phút, mọi oán hận sẽ bay theo gió trong tiếng phần phật của hàng ngàn cây cờ…
Thanh San
Sưu tầm và tổng hợp từ nhiều nguồn
Hình minh họa