Những "chú kiến" nhỏ trên đường phố
Lần đầu tiên tôi phải làm “quản đốc” xây dựng vì bố vợ làm nhà. Suốt đời sống dựa, nay tự mua được xe gạch Hương Canh sát giá, thấy mình thật oai hùng. Nhưng về đến ngõ “ruột gà” mới ngã ngửa: ôtô không vào được, tiền thuê cửu vạn bốc xe gạch đi cả cây số thì “phá sản”. Tôi phân bua, cô chủ hàng Vật liệu xây dựng (VLXD) khoảng 30 tuổi béo như Bao Công, bật cửa Cabin nhảy ụych xuống đất cười, nói: “hàng của em chất lượng, giá rẻ vận chuyển đến tận công trình, lần sau mua hàng, đến nhá!”. Lập tức “con” Camaz lùi đuôi, dựng mốc đổ gạch xuống mép đường. Và như trong phim, từ đâu 7- 8 chiếc xe cải tiến hai càng cùng những người đàn ông thoăn thoắt quay đầu, chống xe, bốc xếp, đóng bẩng và túm hai càng, chạng chân, cắm đầu vun vút lao đi. Họ rẽ ngoặt, tăng giảm tốc độ, tránh ổ gà, mồm tự hú còi cực kỳ điệu nghệ. Họ di chuyển 4-5 tạ gạch đồ sộ trong ngõ cứ những các “nghệ sỹ”. Cô chủ “Bao Chửng” tựa ghế, chéo chân làm bàn, ghi sổ, đánh dấu từng chuyến, từng người, mồm phì phèo thuốc lá. Chừng một tiếng xe gạch đầy đã chuyển đến tận nơi. Mồ hôi quyện bụi gạch bám vai áo, tóc tai những bác phu xe quê mùa. Họ nhận tiền, dựng cao càng xe bám nhau chạy bon bon trên phố chiều lẫn tiếng cười mãn nguyện của cuộc mưu sinh lương thiện.
Những người đàn ông kéo xe cải tiến hai càng ấy dễ đến nghìn người đang có mặt khắp thành phố ở bất cứ nơi nào có xây, sửa nhà, đổ rác cứng, phế thải... Họ được tổ chức do các chủ bán VLXD quản lý, điều hành.
Trong muôn vạn nghề của thời Kinh tế thị trường, với đại công nghiệp máy tính, kỹ thuật số thì vẫn còn một nghề thô sơ cách hàng thế kỷ nay đã hồi sinh giữa lòng thành phố.
Mồ hôi đổi lấy nụ cười
Ngà, cách đây 4 năm là con một gia đình thợ xây ở Phường Dịch Vọng - Cầu Giấy nhưng giờ cô đã là một chủ buôn bán VLXD với hàng tỷ đồng vốn. Cũng bởi nhu cầu, kiến thiết của nhiều giới trong xã hội đang tăng vùn vụt, từ một phụ xây, chỉ trỏ cô đã thành một chủ buôn. Và bán hàng chiều khách thì phải phục vụ tân nơi.
Ngõ ngách Hà Nội thì bé, phố phường cấm xe to thế là các chủ buôn VLXD phải “tái sinh” những chiếc xe kéo tay. Mỗi chủ có 1- 2 tổ xe, mỗi tổ 10-15 người. Dân kéo xe phải “thiện chiến” cơ động và trung thực. Hội, một tay xe chuyên nghiệp người Đan Phượng - Hà Nội nói: Vào nghề đơn giản - có sức khỏe, nhờ người “bảo lãnh” với chủ hàng và có một chiếc xe 2 càng... Đó là xe cải tiến thùng gỗ, dung tích chừng nửa m3, 1 trục sắt ngang nối 2 bánh dã chiến và 2 càng dài 1,6m, lắp 2 ổ bi ngoại, nan hoa tốt, vành bánh căng tròn, thế là đủ chất lượng cho một đoạn đường khó nhọc. Mua nó thì lên Trạm Trôi, Hà Tây cũ, giá 1.700.000đ đến 2.000.000đ/ chiếc tùy loại. Hoặc mua ngay tại số 86 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội.
Buồn vui của nghề cũng dản dị như chính cái xe vậy, kiếm tiền chủ yếu bằng mồ hôi, cơ bắp. Ông Bẩy - tay kéo già đời qua nhiều nghề nhận xét: So với bốc vác, xe thồ, xây dựng và xích lô thì nghề xe tay nặng nhọc nhất. Với 3- 4 tạ hàng, chỉ có 2 ổ bi hỗ trợ, còn lại là sức người. Địa bàn là ngõ, ngách. Mà, ngách Hà Nội thì xe đạp cũng khó tránh nhau. Cầu cống, dốc, ổ voi, tất cả đều dùng sức mà vượt. Vì vậy người kéo luôn phải cúi mặt lấy đà, mắt khẽ ngước, miệng hú thay chuông, đường xa, lắm dốc, nhiều hố, các xe phải “đá nhau” (là đi từng nhóm, dùng sức tập thể vừa kéo vừa đẩy). Chuyến hàng dài nhất cũng chỉ 2km, nhưng chỉ 2, 3 chuyến thì dù trời lạnh đến đại hàn mồ hôi cũng vã như tắm. Tổ kéo nhà ông Tiến (Hoàng Quốc Việt), có thanh niên 19 tuổi, sau 3 năm kéo xe, nay lưng gù, vai nhọn như mũi tên, tay dài như tay vượn.
Hàng năm, cao điểm của nghề là tháng 10 đến cuối năm, ai cũng lo xây, sửa nhà đón Tết, các phu xe căng mình “chạy sô”, có ngày một người chạy 25 chuyến. Nhiều lúc mệt, cố làm không phải vì tiền mà vì đáp ứng thời gian cho chủ.
Và những rủi ro
Có bác kéo xe nặng, ngoài hai tay còn phải buộc dây quàng qua vai lấy thêm lực kéo. Lên dốc, sức kiệt, xe lùi quật ngã cả người, gẫy chân, vỡ đầu. Chuyện chở nặng, quá tải va vào phương tiện khác hỏng xe, đền người, đền hàng cũng không hiếm. Mà cái nghề này, nhiều khi phải đi làm ban đêm, để tránh phương tiện. Ban ngày thì chỉ có đi vào buổi trưa, chứ nếu đường đông lớ ngớ, gây tắc đường có mà bị phạt, thu giữ xe như chơi, kéo xe cả tháng chả đủ tiền bù lại. Nói như ông Bẩy: để kiếm sống thì nghề nào cũng có rủi ro, tai ương, làm người tránh sao được. Điều quan trọng là gắn bó với nghề lương thiện, không trái đạo đức, phù hợp khả năng, điều kiện, cho mức thu nhập ổn định, đủ sống và giữ được tình người là tốt!
Kéo xe là nghề sẵn việc cho người lao động tỉnh lẻ tại Hà Nội mà dân lao động chân tay ai cũng thèm, vì ngoài nhu cầu xây dựng của xã hội, họ được chủ hàng kiếm việc, phân công nên không bị cạnh tranh, may rủi. Nghề kéo xe tay có nhiều điểm an tâm hơn xích lô, “xe ôm”, phụ nề, bốc vác, không bị cấm đường và tranh cướp, nên nghề này lúc nào cũng thư thái. Thu nhập theo chuyến với giá thấp nhất từ 30-50 nghìn đồng/chuyến tùy theo nặng nhẹ, xa gần mà tính. Bình quân mỗi người được 3 đến 5 triệu đồng/tháng, trừ ăn uống thuê trọ (trọ phòng tập thể) khoảng gần 2 triệu, còn lại đem về quê.
Cuộc sống hiền hòa đó đã thắp lên những ngọn lửa tình người cảm động. Đó là ở phường Dịch Vọng (Cầu Giấy). Ngày nào người ta cũng thấy người đàn bà hỏng một mắt kéo xe cùng người đàn ông mù hai mắt đẩy phía sau. Họ sống kín đáo, lặng lẽ, tình cảm, chiụ khó và cẩn thận, có sức khoẻ nên thu nhập không kém đồng nghiệp. Cuộc sống chắt chiu giúp họ nuôi dược 2 con ăn học và mẹ già chốn quê đủ sống.
Tình yêu lao động chân chính và nghị lực đã không biến họ thành những kẻ trông vào sự bố thí xã hội hay phải làm những việc trái đạo đức. Có lẽ chỉ nghề kéo xe tay mới có thể bao dung được những mảnh đời như thế.
Nguyên Thy sưu tầm