Có lẽ tôi là một người theo đạo thờ cúng tổ tiên, vì trong nhà có một bàn thờ với hình ảnh những người thân trong gia đình đã khuất để vào các dịp giỗ tết thắp nhang tưởng nhớ. Bố mẹ tôi là Phật tử đã quy y, có pháp danh nhưng bố tôi là người rất ít đi chùa, ông có thể được gọi là một cư sĩ vì ham đọc sách nghiên cứu về Đạo Phật.
Khi còn nhỏ, đến tuổi đi học, tôi được gửi vào học “bán trú” tại trường Puginier ngoài Hà Nội năm 1952. Vì là bán trú nên buổi trưa ăn tại trường, rồi ở lại ngủ trưa để chiều vào lớp tiếp.
Khi còn nhỏ, đến tuổi đi học, tôi được gửi vào học “bán trú” tại trường Puginier ngoài Hà Nội năm 1952. Vì là bán trú nên buổi trưa ăn tại trường, rồi ở lại ngủ trưa để chiều vào lớp tiếp.
Trường Puginier, Hà Nội
Ngôi trường được mang tên Đức Cha người Pháp, Paul Puginier. Trường được thành lập qua sự giàn xếp với Đức Giám Mục Sài Gòn để dòng La San được mở trường tại Hà Nội từ năm 1897.
Lần đầu đến trường quả là thật đầy bỡ ngỡ. Là trường dòng nên mọi sinh hoạt đều mang hình thức tôn giáo, trước hết là việc đọc kinh. Trường có lệ đọc kinh trước mỗi buổi học, không những thế, trước bữa ăn trưa cũng phải đọc kinh.
Một đứa trẻ “ngoại đạo” như tôi làm gì biết được lời kinh nên chỉ mấp máy miệng chứ đâu có thuộc câu nào. Các sư huynh La San lại rất nghiêm khắc nên một cậu bé như tôi biết thân phận mình nên cứ bắt chiếc, ai sao mình vậy, giả vờ như… đọc kinh!
Sư huynh Lasan phụ trách tại trường Puginier
Học trò lại còn có cả những “đứa con lai”, cha Pháp mẹ Việt. Những bạn học thuộc nhóm “Tây lai” rất ngổ ngáo, vô kỷ luật, coi trời bằng vung. Chúng tôi, những trẻ người Việt, chỉ dám nói nhỏ với nhau: “Tây lai ăn khoai cả vỏ, ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột”! Chỉ thì thầm thôi chứ đâu dám nói lớn.
Học trò trường Puginier với Sư huynh La San
Cũng may, tôi chỉ học ở Puginier có một năm rồi theo gia đình từ phi trường Gia Lâm bay thẳng vào Đà Lạt năm 1953. Chúng tôi vào Nam trước đợt di cư của một triệu người miền Bắc năm 1954 vì bố tôi phục vụ trong Ngự Lâm Quân của vua Bảo Đại ở vùng Hoàng triều Cương thổ.
Đến năm Đệ Ngũ, một lần nữa gia đình tôi lại chuyển về Ban Mê Thuột theo bố cho đến hết năm Đệ Nhị. Vào tuổi mới lớn nên tôi bắt đầu mơ mộng, học thổi sáo rồi lại học thêm đàn. Tôi còn “sáng tác” một bài hát nhân dịp Noel với những ca từ rất chi là “người lớn”:
“Đêm nay đêm Noel
Chuông nhà thờ vang rền
Bàn tay em trong tay
Ta cùng nhau đi lễ.
“Đi trong đêm Noel
Sương lạnh loang ánh đèn
Mình tung tăng bên nhau
Noel về có hay…
Bản nhạc viết theo điệu tango-habarena được kết thúc với điệp khúc:
“Đêm Noel quỳ trước thánh giá
Con kính xin mẹ từ bi
Cho nhân gian thôi hết hận biệt ly!
Con van lơn cầu xin trời cao
Cho nhân duyên vũng bền như ánh sao!
Nhà thờ xứ Ban Mê là hình ảnh gợi hứng cho nhạc phẩm đầu đời. Khi đó thật tình “chưa có một mối tình vắt vai” nhưng “chàng nhạc sĩ tương lai” đã tưởng tượng ra một mối tình… ngang trái, biệt ly. Thật đúng là một khúc nhạc tình dựa hơi “Chúa giáng sinh” dù “tác giả” chỉ là một kẻ ngoại đạo.
Nhà thờ Thị xã Ban Mê Thuột (Ành Reppel, 1960s)
Kể cũng hơi lạ, một kẻ ngoại đạo như tôi không hiểu tại sao lại gắn bó với Đức Chúa Trời như vậy. Chưa hết, khi về Sài Gòn dậy tại trường Sinh ngữ Quân đội, định mệnh run rủi khiến tôi lại thuê nhà ngay trong xóm đạo Tân Sa Châu ở khu Bùi Thị Xuân gần Lăng Cha Cả.
Xóm đạo nằm ngay bên cạnh nhà thờ Tân Sa Châu và người dân sinh sống tại đây đa số là người công giáo, quê ở Phát Diệm, họ từ Bắc di cư vào Nam năm 1954. Cuộc sống trong xóm đạo thật lạ, các gia đình thuờng tổ chức những buổi đọc kinh vào buổi tối.
Tiếng cầu kinh vang lên trong xóm khiến người ta có một cảm giác thánh thiện giữa một cuộc đời đầy bon chen vì miếng cơm, manh áo. Dĩ nhiên tôi không tham dự những buổi cầu nguyện nhưng các con tôi cũng có mặt trong số những tín đồ ngoan đạo đó. Lâu ngày, chúng còn thuộc cả kinh!
Trẻ con chơi với nhau nên rất dễ bị thu hút vào những hoạt động tâm linh, và nhất là sau buổi cầu nguyện lại được gia chủ thết đãi bằng những món giản dị như củ khoai, quả chuối. Bảo những buổi cầu nguyện có tính cách “dẫn dụ con nít” là không đúng vì bọn trẻ con đa số đều xuất thân trong những gia đình kính Chúa.
Hồi tôi còn đi học tập, con gái lớn của tôi đã từng nói với bạn bè trong xóm rằng nếu cầu nguyện mà bố được về sớm thì chắc cháu sẽ... “theo đạo” để bày tỏ lòng biết ơn với đấng bề trên.
Điều đó phải hiểu là xuất phát từ đức tin tuyệt đối. Sau này, khi đã trưởng thành, cháu trở thành một Phật tử “thuần thành” đến độ... ăn chay trường!
Cô con gái út của tôi, trước khi lập gia đình đã học giáo lý và chịu đầy đủ những quy định của đạo Công giáo vì người chồng tương lai thuộc gia đình “đạo gốc”. Về chuyện này, tôi không hề có ý kiến phản đối vì nghĩ rằng chọn lựa cho mình “đức tin” là quyền tự do tuyệt đối của mỗi người, dù đó là con hay cháu mình cũng không nên can thiệp.
Cũng có thể, chuyện ngày xưa sinh sống trong một xóm đạo đã vô tình ảnh hưởng đến suy nghĩ của cháu trong quyết định... theo đạo. Kinh nghiệm bản thân của tôi cũng cho thấy tín ngưỡng là một vấn đề tùy thuộc vào suy nghĩ của từng người.
Nhà thờ Tâm Sa Châu, Lăng Cha Cả, Sài Gòn
Hồi đi du học năm 1971 tôi cũng đã từng có một ấn tượng rất mạnh về việc những người Mỹ “ngoan đạo” tiếp cận những sĩ quan Việt Nam xa nhà. Họ được gọi là “sponsors”, cứ mỗi ngày Chủ Nhật lái xe đến tận nơi ở của các sinh viên trong căn cứ Lackland để mời gọi những người xa nhà đến các buổi lễ tại nhà thờ.
Cuối tuần đối với sinh viên có nhiều cách để “giải trí”: xuống San Antonio bát phố hay đi chơi xa đến tận bên giới Laredo gẩn Mexico để “tìm của lạ” từ các cô “gái Xì” mà ngày nay người Việt tại Mỹ gọi là “gái Mễ”. Sự lựa chọn cuối tuần còn có một cách “lành mạnh” là đi theo những người, được gọi là “ngoan đạo”, đến nhà thờ ngày Chủ Nhật.
Tôi cũng đã có vài lần tham dự những buổi nhóm họp ở nhà thờ và nghe “giảng đạo”. Hết buổi giảng, sponsors còn đưa đến những nơi nổi tiếng của địa phương hay về nhà thưởng thức những bữa ăn gia đình. Họ tự nguyện làm những điều đó, hoàn toàn không vụ lợi hoặc tính toán!
Hình chụp với “sponsors” đi nhà thờ ngày Chủ Nhật (San Antonio, Texas, 1971)
Trước khi chấm dứt tạp ghi nhân mùa Giáng sinh, mời các bạn thưởng thức bài hát “Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo” do Trần Thiện Thanh sáng tác qua giọng ca của Duy Quang:
“Lạy Chúa tôi con người không đạo
Nhưng tin có Chúa ở trên cao
Con nghe trong đêm Việt Nam tối tăm
Những mìn bom hoen dấu
Lạy Chúa trên cao Chúa ở nơi nào
“Lạy Chúa tôi tuy người không đạo
Nhưng yêu nhớ lắm nhạc chuông khuya
Khi con bơ vơ chắp tay nguyện cầu
Cho người thương còn xa mãi xa
Mà suốt đêm dài ánh sáng chưa qua...”
Nguồn: Nguyễn Ngọc Chính