“Mùa Xuân Đầu Tiên”, Hai Bài Nhạc Xuân Cùng Tên - Lê Hữu

“Mùa Xuân Đầu Tiên”, Hai Bài Nhạc Xuân Cùng Tên -

Lê Hữu

nstuankhanh
NS Tuấn Khanh (tranh Vũ Quốc)
 
nsvancao
NS Văn Cao (tranh Lê Sa Long)
 
“Mùa Xuân Đầu Tiên” của Tuấn Khanh
 
Em ơi, xuân đến bên thềm rồi!…
 
Nghe câu hát, tưởng nghe được tiếng bước chân rón rén của mùa xuân, nghe được tiếng vạt áo dài lướt thướt của “nàng Xuân” chạm vào những bậc thềm nhà.
 
Mùa xuân đến thật gần. Xuân của đất trời, xuân trong lòng người.
 
Câu hát ấy ở trong bài “Mùa Xuân Đầu Tiên”(1966) của nhạc sĩ Tuấn Khanh, tác giả những bài nhạc quen thuộc với người yêu nhạc ở miền Nam như “Dưới Giàn Hoa Cũ”, “Hoa Soan Bên Thềm Cũ”, “Mộng Đêm Xuân”, “Chiếc Lá Cuối Cùng”…
 
Tôi nhớ, hôm ấy là một ngày cận Tết (1993), bước chân vào một “Cửa hàng kim khí điện máy” (bây giờ gọi là “Siêu thị điện máy”) ở quận 5 Sài Gòn trong không khí rộn rịp người người đi sắm Tết và dàn loa công suất lớn liên tục phát đi những bài nhạc đón Xuân. 
 
Bao nhiêu thương nhớ gom nhặt đầy / anh trở về thăm em
Bao lần ngồi thâu đêm / nghe mùa xuân vừa đến…
 
Câu hát nghe quen quá. Tôi khựng lại, đứng yên một lúc, nghe hết bài hát. Lời ca điệu nhạc quen quen, giọng hát cũng quen quen. Ngẫm nghĩ một chút, tôi như không tin ở tai mình. Đúng là bài “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Tuấn Khanh, và giọng hát ấy đúng là giọng Nhật Trường, không lẫn vào đâu được. Chuyện lạ. Ở đâu lại lọt vào một bài vừa là “nhạc vàng” vừa là “nhạc lính” này? Nghe bài hát, có cảm giác như gặp lại người bạn đi xa trở về sau nhiều năm biền biệt. Đấy là bài nhạc Xuân đầu tiên của miền Nam tôi nghe được ở trong nước từ sau năm 1975.
 
Nhìn quanh, khách du xuân hầu hết là lớp người thế hệ sau, không chắc có ai trong số ấy nghe ra, nhận ra được bài “nhạc vàng” quen thuộc đó.
 
Thật khó mà ngờ rằng, bên cạnh những bài nhạc xuân phổ biến trong nước như “Mùa Xuân Từ Những Giếng Dầu” (Phạm Minh Tuấn), “Trị An Âm Vang Mùa Xuân” (Tôn Thất Lập), “Mùa Xuân Bên Cửa Sổ” (Xuân Hồng & Song Hảo), “Thì Thầm Mùa Xuân” (Ngọc Châu), “Lời Tỏ Tình Của Mùa Xuân” (Thanh Tùng) lại chen vào bài hát, câu hát rất… vô tư.
 
Xin yêu thương đến vơi hận thù/ để tiếng hát hôm nay
Người chiến sĩ mơ say/ bên đàn trẻ bé thơ ngây…
 
“Người chiến sĩ” trong câu hát ấy không phải lính miền Bắc. Người miền Nam nói “vơi hận thù” chứ không nói “hận thù ngút trời”.
 
Bài nhạc ra đời vào thời kỳ cuộc chiến tranh dai dẳng vẫn đang tiếp diễn. Chiến cuộc ngày càng leo thang, càng trở nên khốc liệt, cho nên làm gì có chuyện,
 
Anh say sưa nhịp bước trên hè
Anh nâng niu nụ hoa vừa hé
Đôi môi xinh người em nhỏ bé mộng mơ
 

 
Đấy chỉ là ước mơ của người nhạc sĩ, cũng là nỗi ước mơ của bao người lính chiến. Không riêng gì Tuấn Khanh, nhiều nhạc sĩ miền Nam thuở ấy cùng chia sẻ những khát khao về một ngày hòa bình sẽ tới.
 
Nếu một mai khi hòa bình / anh sẽ trở về như giấc mơ
Từng đêm không còn tiếng súng
Ngủ đi em / ngủ cho yên…
(“Lời Cho Người Yêu Nhỏ”, Trần Thiện Thanh)
 
Đêm không còn tiếng súng, quê mình thôi hết chiến tranh, giấc mơ ấy không chỉ riêng của người lính mà của cả một dân tộc khao khát tự do, mơ ước thanh bình sau bao năm dài quê hương chìm ngập trong khói lửa chiến tranh. Hoặc,
 
Rồi có một ngày / một ngày chinh chiến tàn
Anh trở về quê / vui cùng ruộng nương cùng đàn trâu
Với cây đa khóm trúc hàng cau
Với con đê có chiếc cầu tre / đã bao năm vắng chân anh…
 
Rồi sao nữa?
 
Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa
Rồi anh sẽ đón cha mẹ về
Rồi anh sẽ sang thăm nhà em
Với miếng cau với miếng trầu / ta làm lại từ đầu…
(“Một Mai Giã Từ Vũ Khí”, Ngân Khánh)
 
Ta làm lại từ đầu, bắt đầu từ mùa xuân đầu tiên ấy, tay trong tay đi xây lại những giấc mơ chưa tròn.
 
Mùa xuân trong nhạc Tuấn Khanh là mùa xuân tao ngộ, mùa xuân tương phùng sau những cách ngăn, chia lìa. “Mùa Xuân Đầu Tiên” ấy, gọi cho đúng tên, là “Mùa Xuân Mơ Ước”. Người lính trở về sau chiến tranh trong vòng tay chờ đợi của người mình thương yêu.
 
Hết rồi mùa chia ly, cho tình xuân vừa ý
 
“Mùa Xuân Đầu Tiên” được viết ở thể điệu Boléro quen thuộc với tai nghe nhạc của người miền Nam, lời ca điệu nhạc tươi vui, được nhiều thế hệ ca sĩ trình diễn. Trong nước, từ khi “dòng nhạc Boléro” miền Nam được tái sinh và “lên ngôi”, trong số những bài Boléro Xuân được yêu chuộng mỗi mùa Tết đến Xuân về không bao giờ thiếu bài “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Tuấn Khanh.
 
Mùa xuân ơi, biết tôi yêu đời!
Mùa xuân ơi, nói sao nên lời!…
Anh đâu ngờ bến bờ hạnh phúc là đây
 
Câu hát nghe sao mà tha thiết quá. Chỉ tiếc, mùa xuân ấy không đến, hoặc đến không như mong đợi. Người nhạc sĩ, tác giả những giai điệu vui tươi và những lời tha thiết ấy sớm nhận ra mùa xuân đầu tiên sau ngày dứt chiến tranh không giống như những gì ông viết ra. Ông đã bỏ đi và đã có mùa xuân đầu tiên khác trên xứ người.
 
 
“Mùa Xuân Đầu Tiên” của Văn Cao
 
Điều khá bất ngờ với nhạc sĩ Tuấn Khanh, đúng mười năm sau ngày “Mùa Xuân Đầu Tiên” của ông ra đời, lại có thêm một “Mùa Xuân Đầu Tiên” khác của một nhạc sĩ miền Bắc quen tên, tác giả những ca khúc tiền chiến lãng mạn và những bài hùng ca lịch sử nổi tiếng. Văn Cao, người nhạc sĩ vẫn được người miền Nam yêu nhạc tiền chiến nhắc tên như một “huyền thoại”, đã bao năm ngỡ như “tuyệt tích giang hồ”, nay bỗng nhiên từ phía sau tấm màn quá khứ chầm chậm bước ra. Hơn thế nữa, ông lại còn mang đến cho người nghe một sáng tác mới nhất, cho thấy nguồn nhạc hứng trong ông sau bao nhiêu năm vẫn chưa hề vơi cạn.
 
Nếu Văn Cao biết rằng, bài nhạc ông sáng tác năm 1976 trùng tên với bài nhạc Xuân phổ biến của một nhạc sĩ miền Nam, không chừng ông sẽ đặt tên khác cho bài của mình.
 
 Hai bài nhạc Xuân cùng tên có khoảng cách thời gian 10 năm (Tuấn Khanh viết năm 1966, Văn Cao viết năm 1976), cũng bằng khoảng cách tuổi đời của hai người nhạc sĩ (Văn Cao sinh năm 1923, Tuấn Khanh sinh năm 1933). Trong lúc “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Tuấn Khanh được phổ biến rộng rãi ở miền Nam, “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Văn Cao lại mang số phận không may. Phải đợi đến sau ngày tác giả lìa đời (1995) người trong nước mới biết rằng từng có một bài nhạc Xuân như thế hai mươi năm về trước.
 
“Mùa Xuân Đầu Tiên” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác theo “đơn đặt hàng” của báo Sài Gòn Giải Phóng cho số báo Xuân Bính Thìn, tính đến Xuân năm nay (Xuân Giáp Thìn) vừa đúng bốn con giáp. Bài nhạc Xuân được phát sóng vài lần trên Đài Tiếng Nói Việt Nam rồi… im bặt.
 
Về giai điệu, bài nhạc viết ở thể điệu Valse dìu dặt, trầm trầm từa tựa những bài “Làng Tôi” (1947), “Ngày Mùa” (1948) cùng tác giả. Về ca từ, ý tứ không có gì mới, câu hát lặp đi lặp lại. Cũng là những cánh én báo tin mùa xuân đang về, một ngày nắng mới, tiếng gà gáy trưa, cụm khói bay trên sông, những hình ảnh, âm thanh quen thuộc của làng quê thanh bình. Cũng là những giọt lệ rưng rưng của người vợ hiền, người mẹ già vui đón người chồng người con trở về trong vòng tay ôm.
 
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Nước mắt trên vai anh / giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh
Với khói bay trên sông / gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn
 
Người Việt yêu quê hương mình hơn bao giờ. Một cuộc sống mới ấm êm bắt đầu từ đây.
 
Ôi, giờ phút yêu quê hương làm sao / trong xuân vui đầu tiên
Ôi, giờ phút trong tay anh đầu tiên / một cuộc đời êm ấm
 
Chưa hết,
 
Từ đây, người biết quê người
Từ đây, người biết thương người
Từ đây, người biết yêu người
 
Câu hát nghe tha thiết đến chạnh lòng. Lời tự tình mùa xuân thật ấm áp, thật cảm động. Được sống ở một đất nước như thế thì ai còn muốn đi đâu nữa.
 
Tiếc là mọi chuyện lại không diễn ra suôn sẻ như người nhạc sĩ mơ tưởng. Với người miền Nam, xuân thanh bình, xuân đoàn tụ, xuân yêu thương chỉ là những mỹ từ, thay vào đấy là mùa xuân “chưa vui sum họp đã sầu chia phôi”. Sau ngày “bên thắng cuộc” làm chủ đất nước, người lính miền Nam lầm lũi đi vào những “trại cải tạo” không hẹn ngày về. Từ mùa xuân đầu tiên ấy và những mùa xuân nối tiếp theo nhau, những người vợ vẫn mỏi mòn ôm con đợi chồng, những bà mẹ vẫn mỏi mắt tựa cửa ngóng tin con, có khác chăng là trong chiến tranh và sau chiến tranh.
 
“Mùa Xuân Đầu Tiên” của Văn Cao không được nhà nước hoan nghênh cũng là điều dễ hiểu. Bài hát không đáp ứng được mong đợi, yêu cầu của bên “đặt hàng”. Bài hát không có tiếng reo hò “hồ hởi phấn khởi”, không có những khẩu hiệu ròn rã của “thắng lợi vẻ vang”, không có khí thế bừng bừng của “mùa Xuân đại thắng”. Chiến thắng long trời lở đất mà chỉ phất phơ “khói bay trên sông”, gà gáy te te. Bài nhạc Xuân không chảy xuôi dòng theo mạch cảm hứng sục sôi, bị những bài ca hừng hực khí thế cách mạng trùm lấp, đè bẹp.
 
Đã thế, ca từ lắm chỗ nghe “chung chung”, mơ hồ, lấp la lấp lửng.
 
Từ đây người biết yêu người là thế nào? “Người” là người nào? (cũng tựa“Mùa Thu Chết” là mùa thu nào?). Lại còn yêu với ghét gì ở đây?
 
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về là thế nào? “Mùa Xuân thần thánh” sao gọi là “mùa bình thường” được?
 
Nói chung một vài chỗ chưa ổn, vẽ vời, xa rời thực tế. Chả nhẽ lại yêu cầu tác giả viết lại bài khác, đành tạm gác lại đấy, giải quyết sau vậy. Việc “tạm gác” ấy kéo dài ròng rã đến hai mươi năm. Chuyện lạ là,“Mùa Xuân Đầu Tiên” lại được yêu chuộng, được dịch sang tiếng Nga, được phổ biến rộng rãi trên làn sóng đài phát thanh Moscow; hơn thế nữa, còn được Liên-Xô đưa vào “bảng xếp hạng 200 ca khúc hay nhất thế giới”. Bài hát, nhờ vậy còn tìm được cơ hội để quay ngược về quê hương của tác giả.
 
Bài nhạc Xuân nghe kỹ, lời thì có vui, nhạc lại không mấy vui; nói cách khác, nhạc và lời không sánh đôi. Nhạc điệu đều đều, không vui không buồn, không có những chỗ nét nhạc bay bổng, cao trào, đột phá. Nếu chỉ nghe nhạc mà không nghe lời, người ta không nghe ra cái vui rộn rã của một bản đàn xuân. Đấy không phải là bài nhạc Xuân mà người nghe cảm thấy náo nức, hưng phấn, muốn cất tiếng hát theo như những bài cùng thể điệu Valse tươi vui khác, như “Xuân Và Tuổi Trẻ” (La Hối), “Ly Rượu Mừng” (Phạm Đình Chương), “Xuân Vui Ca” (Văn Phụng), “Bến Xuân Xanh” (Dương Thiệu Tước) hay “Khúc Hát Thanh Xuân” (J. Strauss, lời Việt Phạm Duy).
 
Cái vui trong “Mùa Xuân Đầu Tiên”của Văn Cao chỉ như một nỗi vui âm thầm, còn ngập ngừng, chưa trọn. Phần điệp khúc đôi chỗ nghe rưng rưng, nghèn nghẹn. Bài hát như bộc lộ những tâm tình, như khơi gợi những tình tự dân tộc ở một góc khuất nào trong lòng người Việt Bắc-Nam hai miền.
 
Nhiều người cho rằng nhạc sĩ Văn Cao hẳn lấy làm thất vọng, buồn chán vì bài nhạc ông tâm đắc bị “quản thúc” suốt bao năm. Tôi không nghĩ vậy. Tôi chắc ông cũng chẳng vui, chẳng buồn và cũng chẳng ngạc nhiên. Thứ nhất, từng là một Văn Cao họa sĩ, hẳn ông sớm nhận ra rằng mùa xuân đầu tiên mà ông “vẽ” ra chỉ có cái đẹp của bức tranh treo tường chứ không phải cảnh thực ngoài đời, khiến ông cũng bớt phần nào hứng thú. Thứ hai, ông đã… quen rồi và hẳn cũng đã tiên liệu rồi. Đấy chẳng phải lần đầu, nhiều tác phẩm của ông từng hứng chịu số phận long đong, lận đận. Bài nhạc này, bức vẽ kia, câu thơ ấy bị săm soi có “vấn đề” này nọ. “Mùa Xuân Đầu Tiên” được nhà nước hoan nghênh, tán dương mới là chuyện lạ.
 
 
Ca sĩ trong Nam hầu như không “mặn” lắm với bài “Mùa Xuân Đầu Tiên” ấy, ca sĩ hải ngoại càng không, có hát cũng ít được tán thưởng. Không khó để hiểu vì sao. Thường, người ta chỉ chọn hát những bài phù hợp tâm trạng mình.
 
Hình ảnh quen mắt mọi người nhìn thấy ở Văn Cao là ông già gầy guộc, hom hem, khắc khổ. Đầu cúi gầm, khuôn mặt nhiều nếp gấp như trái táo nhăn, thường lộ vẻ trầm tư, mệt mỏi. Ánh mắt khi sắc lạnh, khi hiền hòa, lúc thẫn thờ, lúc vụt sáng lên. Lúc nói năng thì từ tốn, nhỏ nhẹ. Nơi con người trầm lặng ấy như ẩn giấu sự nhẫn nhục, cam chịu một cách thản nhiên. Sau vẻ mặt lặng yên tưởng như bình thản ấy là một mùa giông bão đã lắng chìm, là bao nhục nhằn, khốn khó đã đi qua.
 
Với người yêu nhạc Văn Cao, ông vẫn là người nhạc sĩ của những “Bến Xuân”, “Suối Mơ”,“Thiên Thai”, của những ước mơ cao vời, bay bổng.
 
“Tôi nói đến Thiên Thai là bởi vì một nơi một cõi nào đó người ta coi như đất hứa, mà cái đất hứa ấy thì không ai tìm được ở trên cõi thế gian này,” ông có lần bộc lộ.(*) 
 
Văn Cao, mãi đến cuối đời ông vẫn chưa thôi những viễn mơ. “Mùa Xuân Đầu Tiên” là viễn mơ, là bài hát cuối cùng, là giấc mơ sau cùng. Câu hát chủ điểm trong bài ấy là Từ đây người biết yêu người. Cả bài nhạc Xuân toát lên một ý chính, gói trọn trong câu sáu chữ này. Giấc mơ sau cùng ấy bị “giam lỏng” suốt bao nhiêu năm. Cho đến năm 2000 thì “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Văn Cao được gọi là “tuyệt phẩm”, “tuyệt tác”. Tiếc một điều, tác giả bài hát lại không còn trên thế gian này để được nghe, được xem những màn trình diễn “tuyệt phẩm” ấy từ đơn ca, song ca, tam ca, tứ ca, vũ công vũ đạo chờn vờn đến những dàn nhạc giao hưởng trên những sân khấu thật hoành tráng.
 
Người nhạc sĩ và bài hát của ông, đều như những cánh chim đã bay một vòng bay quá dài sau những mải miết tìm kiếm một “Bến Xuân”.
 
Nếu có điểm nào giống nhau giữa hai bài “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Tuấn Khanh và Văn Cao, cả hai đều là những “mùa xuân mơ ước”, đều là những giấc mơ ngọt ngào về một ngày hòa bình, một xuân đoàn tụ về trên quê hương.
 
Liệu sau hai bài nhạc Xuân cùng tên ấy, người Việt trong, ngoài nước có còn mơ tưởng đến một “Mùa Xuân Đầu Tiên” nào khác nữa để nối dài thêm những ước mơ.
 
Lê Hữu
 
(*)Phim tài liệu ca nhạc Văn Cao  Giấc mơ một đời ngườiđạo diễn Đinh Anh Dũng, 1992
“Mùa xuân đầu tiên”, Tuấn Khanh – Trung Tâm Asia:
“Mùa xuân đầu tiên”, Văn Cao – Musique de Salon:
©T.Vấn 2024
Lê Hữu đến Hoa Kỳ năm 1994, hiện định cư tại Seattle (WA). Viết truyện và các bài nhận định về văn học, âm nhạc, ngôn ngữ tiếng Việt... Đã xuất bản: Âm nhạc của một thời (2011) (Khảo luận về nhạc Việt trước 1975). Tác phẩm đã xuất bản (trong tủ sách điện tử TV&BH): Ngôn Ngữ Ngậm Ngùi (2016);Âm Nhạc Của Một Thời (2017);
 
 Kim Phượng sưu tầm
 
 
Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %15 %127 %2024 %21:%02
back to top