Viet Book Fest 2024: Ngày Hội Văn Hóa Dành Cho Ba Thế Hệ Người Việt Quận Cam

Viet Book Fest 2024: Ngày Hội Văn Hóa

Dành Cho Ba Thế Hệ Người Việt Quận Cam

Các tác giả ký tặng sách tại VietBookFest 2024 @Viện Bảo Tàng Bower Museum

Santa Ana, Quận Cam (VB) – Ngày Chủ Nhật 5 tháng 5 là ngày lễ độc lập Cinco de Mayo của người Mễ. Tại khuôn viên ngoài trời Viện Bảo Tàng Bowers trung tâm thành phố Santa Ana, cộng đồng gốc Mễ tổ chức một lễ hội truyền thống rộn ràng, đầy màu sắc văn hóa. Cũng trong ngày này, tại địa điểm này, đi vào bên trong sảnh đường của viện bảo tàng, khách thăm viếng nhận thấy có một lễ hội văn hóa khác không hề thua kém về mức độ thu hút. Không phải của người Mễ, mà là của người Việt. Hội Chợ Sách “Viet Book Fest” lần thứ 3 do Hội Văn Học và Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) thực sự là một ngày hội văn hóa của nhiều thế hệ trong cộng đồng gốc Việt ở Mỹ.

 
Nhận xét đầu tiên về Viet Book Fest năm nay là những người tham dự thuộc nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi. Từ những em bé ở độ tuổi mẫu giáo cho đến những mái đầu bạc. Từ những thiện nguyện viên ở độ tuổi học trò cho đến những tác giả thuộc nhiều thế hệ. Đặc biệt phải nhắc đến sự tham dự từ đầu đến cuối của ông chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Viện Bảo Tàng Bowers, Tiến Sĩ Sean O’Harrow. Ông là người có nửa dòng máu Việt đầu tiên (mẹ ông là người Việt) đảm nhận vai trò lãnh đạo cao nhất của viện bảo tàng. Ông có mặt từ sớm, tham gia và đặt câu hỏi trong các cuộc hội luận, cho thấy ông theo dõi sát sao sự phát triển của nền văn học Việt tại Hoa Kỳ.

hình-1-viet-book-fest-vaala-&-bowers-museum

Từ trái: Giáo Sư Thúy Võ Đặng (VAALA), Tiến Sĩ Sean O’Harrow ( President- Bowers Museum), Bà Thủy Nguyễn (CFO- Bowers Museum), cô Y Sa Lê (VAALA), Tiến Sĩ Tianlong Jiao (Vice President- Bowers Museum)


Trong phần phát biểu khai mạc, cô Y Sa Lê- Giám Đốc Điều Hành VAALA- nhắc lại sứ mạng của tổ chức trong suốt hơn 30 năm hoạt động: kết nối và phong phú hóa các cộng đồng thông qua nghệ thuật và văn hóa Việt Nam. Viet Book Fest là một trong những sự kiện thường niên được VAALA tổ chức. Với ba cuộc hội luận và phần Chợ Sách, Viet Book Fest năm nay giúp độc giả khám phá những câu chuyện và kinh nghiệm sống của người Việt qua những tác phẩm mới của các nhà văn gốc Việt.

Khi được mời phát biểu, Tiến Sĩ Sean O’Harrow kể rằng cha ông- một người Ireland, một trong những giáo sư ngôn ngữ Việt đầu tiên của Hoa Kỳ- từng than phiền rằng thế hệ trẻ gốc Việt ở Mỹ nói tiếng Việt không chuẩn! Ông tin rằng Viet Book Fest đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam ở Mỹ. Sứ mạng của Viện Bảo Tàng Bowers là triển lãm và gìn giữ di sản văn hóa của những cộng đồng sắc tộc khu vực Thái Bình Dương, trong đó các dân tộc Châu Á Thái Bình Dương. Viện bảo tàng cũng muốn giới thiệu văn hóa của các cộng đồng di dân đã đến lập nghiệp tại Quận Cam, góp phần làm nên sự thịnh vượng của địa phương này. Cộng đồng gốc Việt là một trong những cộng đồng quan trọng của Quận Cam, vừa mới kỷ niệm 49 năm lịch sử tị nạn của mình. Trong bối cảnh như vậy, việc viện bảo tàng trở thành địa điểm tổ chức Viet Book Fest là hoàn toàn phù hợp với tôn chỉ.

Viet Book Fest 2024 có ba buổi hội luận. “Định Hình Cộng Đồng: Tiểu Thuyết Truyện Tranh và Truyện Tranh Thiếu Nhi” là chủ đề của cuộc hội luận đầu tiên. Bốn tác giả truyện tranh LeUyen Phạm, Thiện Phạm, Việt Thanh Nguyễn, và Minnie Phan trình bày về những tác phẩm của mình, cũng như chia sẻ những mẫu chuyện vui buồn của nghiệp cầm cọ-cầm viết, qua sự điều hợp của Giáo Sư Thúy Võ-Đặng. Gây ngạc nhiên nhất có lẽ sự góp mặt của Nguyễn Thanh Việt, tác giả của cuốn tiểu thuyết trinh thám đoạt giải Pulitzer “The Sympathizer”. Ông giải thích lý do trở thành người viết truyện tranh thiếu nhi: vì cô con gái yêu của mình. Cuốn truyện tranh tựa đề “Simone” mà ông giới thiệu cũng là tên của cô bé, ngồi trên lòng bố hầu như trong suốt cuộc hội thảo. Cô còn sốt ruột hỏi bố chừng nào thì cô được ký tặng sách cho bạn của mình. “Simone” được họa sĩ Minnie Phan minh họa, được xuất bản trong tháng 5, kể về cô bé Simone có cuộc sống bất ngờ bị đảo lộn bởi một vụ cháy rừng. Tác giả LeUyen Phạm giới thiệu cuốn truyện tranh mang tựa đề “Lunar New Year Love Story” (Chuyện Tình Ngày Tết Nguyên Đán). Tác giả Thiện Phạm trình bày về tác phẩm “Family Style: Memories of an American from Vietnam” (Cơm Gia Đình: Ký Ức Của Một Người Mỹ Từ Việt Nam), cuốn truyện tranh phản ánh sự quan trọng của ẩm thực trong hành trình tìm kiếm “Giấc Mơ Mỹ” của một gia đình Việt.

hình-2-viet-book-fest-hôi-luận-1-ảnh-việt-báo

Hội Luận 1. Từ trái: GS Thúy Võ Đặng, các tác giả Thiện Phạm, Leuyen Phạm, Việt Thanh Nguyễn, Minie Phan. (Ảnh: Việt Báo)


Hơn 100 khán giả thích thú lắng nghe những chia sẻ của các tác giả. Ông Nguyễn Thanh Việt nhắc đến cô bé Simone trong truyện cùng gia đình đối phó với nạn cháy rừng, thấy những người mặc áo tù tham gia chữa lửa. Bé hỏi mẹ họ là ai? Tù nhân là gì? Mẹ cháu giải thích họ là những người đã từng làm một điều gì xấu; nhưng hiện nay họ lại đang làm điều tốt (chữa cháy). Trẻ con là vậy, luôn luôn nhận xét, đặt câu hỏi. Vấn đề là cha mẹ, người lớn tìm câu trả lời nào cho phù hợp, mang tính giáo dục và định hình nhân cách của trẻ con.

Ông Sean O’Harrow đặt câu hỏi rằng trong cộng đồng gốc Việt, cha mẹ thường chỉ muốn con mình trở thành bác sĩ, kỹ sư hơn là nghệ sĩ; vậy các tác giả đã trải qua những khó khăn như thế nào để thực hiện giấc mơ nghệ thuật?

Họa sĩ minh họa Minnie Phan kể rằng cô là một học sinh hết sức tầm thường ở trung học. Khi bắt đầu phải chọn ngành học cho đại học, cô không thấy có một hứng thú nào với những nghề ba mẹ mình đề nghị. Cho đến khi giáo viên mỹ thuật đề nghị cô tham gia một chương trình mỹ thuật trong mùa hè, Minnie được chương trình tặng học bổng để tiếp tục học ngành mỹ thuật. Cô về khoe với mẹ. Mẹ cô nói:”Ồ!  Nhiều tiền quá, mình có thể dùng để mua thực phẩm được không?!” Tốt nghiệp trung học, cô được một đại học cho học bổng toàn phần để học mỹ thuật. Cô lại khoe với mẹ: “Con đi học “art” đây!” Mẹ cô hỏi lại: “Mày học cái gì vậy?” Cha mẹ cô chưa bao giờ chi một đồng nào cho chuyện đi học mỹ thuật của cô; và vẫn luôn mong có ngày cô sẽ bỏ cái nghề này. Đến khi cô tốt nghiệp, Minnie lại về báo cho mẹ; bà hỏi chừng nào cô về lại sống chung với gia đình. Minnie trả lời: “Mẹ, con sẽ đi làm họa sĩ!” Mẹ ngạc nhiên: “Cái gì? Con sẽ sống một mình ở Oakland? Con là một thiếu nữ. Mà thiếu nữ thì không thể sống một mình mà không có một ông chồng!...” Năm 22 tuổi Minnie khởi đầu giấc mơ nghệ thuật như vậy. Cô cương quyết không bao giờ từ bỏ giấc mơ của mình. Cô thuyết phục mẹ rằng cha mẹ đã hy sinh cả cuộc đời để đem cô sang đây, tạo điều kiện cho cô thực hiện giấc mơ của mình. Đây chính là ước mơ lớn nhất của đời cô.

Hình-3-vietbook-fest-hội-luận-2-ảnh-việt-báo
Hội Luận 2. Từ trái: Nhà báo Anh Đỗ, các tác giả Christina Vo, Brandon Hoang, Carolyn Huynh. (Ảnh Việt Báo)

Tác giả Thiện Phạm kể mình cũng là một học sinh trung học bình thường, chỉ mê học mỹ thuật. Anh có một người anh học bác sĩ, điều này tạo thêm áp lực về chuyện nghề nghiệp của anh. Tuy nhiên, bố mẹ cũng không ép buộc nhiều, nói rằng miễn anh có được một nghề nghiệp toàn thời gian là được. Rồi anh cũng tốt nghiệp, đi vẽ truyện tranh. Anh luôn mong muốn có dịp làm cho cha mẹ hãnh diện về mình. Khi có được cuốn sách đầu tay, anh đem về khoe mẹ, nhưng bà không tỏ vẻ hào hứng lắm. Cho đến một ngày, mẹ xem chương trình truyền hình SBTN, thấy có một phóng sự giới thiệu về anh. Bà vui mừng gọi cho anh: “Thiện! Mẹ hãnh diện về con!” Bà mời anh về nhà ăn cơm, và còn khoe chuyện này với ông anh bác sĩ. Anh Thiện nói rằng đó là một trong những giây phút vui sướng nhất của cuộc đời mình!

Tác giả LeUyen Phạm kể gia đình cô có 5 anh chị em, tất cả đều có nghề nghiệp là kỹ sư, bác sĩ… Bản thân cô cũng bắt đầu theo học tại UCLA ngành luật. Đến một ngày nọ, cô lấy một lớp họa để thư giãn, vì từ nhỏ cô đã thích vẽ. Khi cô nộp bài tập vẽ của mình, giáo viên ngạc nhiên, hỏi rằng cô đã copy tác phẩm này ở đâu. Cô rất tức tối, nói rằng mình không hề copy của ai cả, và cương quyết làm cho ra lẽ. Sau đó, cô được trưởng khoa mỹ thuật mời lên gặp. Cô hồi hộp đến, và được trưởng khoa nói rằng cô đã chọn lầm ngành học, ngành luật không phải là ngành của cô! Trường cấp học bổng toàn phần để cô theo học ngành hội họa. Và khi cô chính thức bước vào lớp học mỹ thuật đầu tiên, cô mới cảm thấy mình đang sống với con người thực của mình! Một minh họa tuyệt vời nhất cho “Giấc Mơ Mỹ!”

LeUyen còn kể thêm rằng việc trở thành một tác giả viết truyện tranh ban đầu cũng không làm hài lòng mẹ cô. Bà dường như không quan tâm đến những cuốn sách mà cô viết và vẽ. Mãi cho đến khi cô đem một cuốn sách về, bảo với mẹ rằng trong đó cô viết về mẹ và bà ngoại. Thế là bà mừng rỡ, đem sách đi khoe khắp nơi rằng con gái đã viết về mình trong này. Sự hòa giải giữa gia đình và giấc mơ nghệ thuật như vậy giống như một câu truyện tiểu thuyết kết thúc có hậu.

HÌnh-4-viet-book-fest-hôi-luận-3-john-quintos

Hội Luận 3. Từ trái: nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc, nhà văn Đặng Thơ Thơ, nhà thơ Nguyễn Hoàng Nam, và GS Trần Chấn Trí. (Ảnh: John Quintos @johnagassi) 


Cuộc hội luận thứ hai có chủ đề "Bùng Thoát: Những Tác Giả Trẻ Kể Chuyện", được điều hợp bởi nhà báo Đỗ Bảo Anh, giúp độc giả khám phá những góc nhìn và trải nghiệm độc đáo tạo nên đề tài cho các tác giả trẻ. Tác giả Brandon Hoàng giới thiệu tiểu thuyết đầu tay “Gloria Buenrostro Is Not My Girlfriend” (Gloria Buenrostro Không Phải Bạn Gái Của Tôi). Cuốn “The Fortunes of Jaded Women” (Định Mệnh Của Chị Em Họ Dương) của tác giả Carolyn Huỳnh lấy bối cảnh ngay khu Little Saigon, Quận Cam. Trong hồi ký song ngữ “My Vietnam Your Vietnam” tác giả Christina Võ viết cùng với cha cô, bác sĩ Nghĩa Võ, kết nối những câu chuyện xoáy vào các chủ đề về bản sắc và di sản. Các tác giả có dịp trình bày về hoàn cảnh, thời gian sáng tác, được nghe ý kiến của một số độc giả về tác phẩm của mình. Tác giả Carolyn Huỳnh cho biết đang bắt đầu thực hiện công việc chuyển ngữ tác phẩm của mình sang tiếng Việt.

Cuộc hội luận thứ ba có chủ đề “Tiếng Việt Còn: Xuất Bản và Gìn Giữ Văn Chương Tiếng Việt”. Đây là buổi hội luận duy nhất bằng tiếng Việt, cho nên thu hút nhiều độc giả trung niên, độc giả thuộc thế hệ người Việt tị nạn thứ nhất. Buổi hổi thảo dưới sự điều hợp của Giáo Sư Trần C. Trí. Nhà văn Đặng Thơ Thơ, nhà thơ Nguyễn Hoàng Nam, nhà biên khảo văn chương Bùi Vĩnh Phúc chia sẻ về thế nào là một tác phẩm văn học có giá trị, về vai trò của phê bình văn học, cũng như làm thế nào để duy trì việc đọc và viết tiếng Việt tại hải ngoại.

Nhà thơ Nguyễn Hoàng Nam đã minh họa “tác phẩm văn học có giá trị” bằng cuốn sách Lũ Người Quỉ Ám (Dos Toievski) được dịch sang tiếng Việt và xuất bản trước 1975 tại Sài Gòn, cùng một số cuốn sách cũ khác bị xe bìa. Ông giải thích rằng những tác phẩm này sau 1975 đã bị nhà cầm quyền cộng sản tịch thu, đem đi đốt. Nhưng một số người vẫn dấu và giữ lại được. Hiện nay, thế hệ trẻ trong nước đang tìm cách sưu tập lại những tác phẩm này, một số em là con cháu của chính những người từng ra lệnh đốt sách.

Hình-5-viet-book-fest-simone-ký-tặng-sách-anh-việt-báo
Bé Simone ký tặng sách cùng bố Nguyễn Thanh Việt. (Ảnh Việt Báo)

Nhà văn Đặng Thơ Thơ đã trình bày hết sức sống động, lôi cuốn vừa cuốn tiểu thuyết vừa xuất bản “AI” của mình. Cử tọa bị thu hút bởi một tác phẩm văn học đầy ẩn dụ, nhiều biểu tượng, kết hợp những thủ pháp trong văn học với âm nhạc. Với chủ đề chính là sự “mất tích”, tác giả biến tác phẩm thành một trò chơi trốn tìm, trong đó tác giả trốn trong những ẩn dụ để người đọc tự khám phá.

Nhà văn Đặng Thơ Thơ cho rằng một cuốn tiểu thuyết hay phải có chủ đề tư tưởng, phải có tính phổ quát, phải gợi ra cho người đọc những suy nghĩ mới. Ông Bùi Vĩnh Phúc nói nhiều đến khái niệm về phê bình văn học, vai trò của những nhà phê bình trong một nền văn học nghệ thuật quốc gia. Theo ông, để một quốc gia có được một nền văn học có giá trị, cần phải có cả những nhà phê bình chuyên nghiệp, kết hợp với việc nâng cao trình độ thưởng ngoạn của độc giả. Những chia sẻ này có lẽ đúng với mọi loại hình nghệ thuật khác.

Cử tọa cho rằng thời gian 90 phút là quá ngắn cho một đề tài mang tầm vóc lớn như thế này. Họ mong VAALA sẽ tổ chức những buổi hội luận như vậy với thời gian dài hơn, bên ngoài sự kiện Viet Book Fest.

Đến với Viet Book Fest 2024, nhiều người sẽ nhớ mãi hình ảnh cô bé Simone ngồi trên lòng cha mình, nhà văn Nguyễn Thanh Việt, cùng tham gia ký tặng sách. Hay là hình ảnh hàng trăm người đọc thuộc nhiều lứa tuổi, mọi thành phần sắp hàng dài hết sảnh đường để được các tác giả ký tặng, để được trò chuyện một vài câu với những tác giả mà mình yêu thích. Cũng có thể là hình ảnh những thiện nguyên viên trẻ tuổi có mặt khắp nơi trong sự kiện văn hóa Việt này. Những hình ảnh này minh chứng rằng Viet Book Fest đã thực sự trở thành ngày hội văn hóa của người Việt tị nạn thuộc ba thế hệ. Viet Book Fest cho thấy thế hệ trẻ gốc Việt nay đã vượt qua được những ràng buộc cơm áo gạo tiền của thế hệ đi trước, để cộng đồng Việt nay có thể vươn lên với giấc mơ văn học nghệ thuật trên đất nước Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

 
Doãn Hưng/VB  ( VB)

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %06 %168 %2024 %23:%06
back to top