BỐ TÔI - Viết Hiển

Ngày Hiền Phụ 2024

Bố tôi

Độ này mẹ tôi hay bị đau vai, không biết có phải là hậu quả của lần ngã vừa rồi cách đây hơn một tháng hay không mà thấy mẹ ngày càng yếu. Mỗi lần qua thăm mẹ vào cuối tuần, thay vì ngồi nói chuyện ở ngoài như thường lệ, tôi thường vào phòng và bóp vai cho mẹ. Những lúc đó, tôi lại nhìn lên tấm hình mà mẹ tôi thật trân quý treo ở đầu giường. Hình của bố mẹ tôi, chẳng biết chụp từ năm nào, thật hạnh phúc bên nhau. Tấm hình này có lẽ là niềm an ủi của mẹ tôi từ ngày bố tôi mất vì mỗi lần mẹ nhìn lên đó, tôi thấy khuôn mặt mẹ như sáng lên với ánh mắt thật trìu mến. Những lần như vậy, đầu óc tôi lại miên man về bố tôi, những điều tôi học hỏi từ bố đã ảnh hưởng đến thật nhiều trong cuộc sống, cách suy nghĩ của mình cho dù thời gian sống bên bố thật ngắn ngủi. Nhìn ánh mắt của bố từ tấm hình, tôi chợt nhớ 3 ánh mắt của bố khi nhìn tôi, trong ba giai đoạn của cuộc đời, ba tình huống khác nhau, đã làm tôi hối hận về những suy nghĩ thật nông cạn lúc còn bé, lúc trưởng thành, để rồi bây giờ thật nuối tiếc vì không có cơ hội để xin lỗi và báo hiếu.

Trong gia đình 7 anh chị em, ngoại trừ hai anh lớn đã mất từ ngoài bắc trước 1954, tôi là người sống với gia đình ít nhất, chỉ vỏn vẹn 5 năm kể từ lúc bắt đầu lên trung học. Sở dĩ ít như vậy vì ngay từ lớp sáu tôi đã được bố tôi gởi vào nội trú  với hy vọng là ông con sẽ được hấp thụ một nền giáo dục tốt trong môi trường thật kỷ luật của các cha dòng. Nào dè, chỉ học được đến lớp chín, thằng con bị đuổi vì.. phá kỷ luật. Học tiếp trung học ở ngoài đến 1975 thì mất nước. Học thêm hai năm ở trường dược thì phải sống "lưu vong", xa gia đình vì bị bắt cái gọi là "nghĩa vụ quân sự", nói nôm na là bị bắt lính của chế độ mới, vào năm 1978 và 1981 thì vượt biên một mình đến Pulau Bidong, Mã Lai.

Dạo ấy, vào khoảng cuối năm 1978 đến giữa tháng năm 1981, tôi phải trốn chui trốn nhũi như một tên tội phạm, ra ngoài đường lúc nào cũng lấm la lấm lét, lúc nào cũng sợ bị công an bắt. Muốn đi đâu cũng phải dùng giấy tờ giả với con triện đươc khắc từ củ khoai lang mua từ một người bạn quen thời trung học. Cũng may thời đó không có internet như bây giờ nên không sợ bị truy ra. Tôi như một loài dơi, ngày ngủ, đêm rời khỏi tổ đi kiếm ăn. Nhiều hôm, không biết đi đâu, tôi ngồi trong trung tâm văn hóa Pháp ở đường Đồn Đất, đối diện nhà thương Grall đọc sách cả ngày vì biết rằng trong đó sẽ không sợ bị bắt, có cơ hội luyện lại pháp văn với mấy ông tây và biết thêm về tình hình thế giới bên ngoài qua những tờ báo như Paris Match, Salut les copains...vì lúc đó Việt Nam như bức màn tre, tin tức từ bên ngoài bị cấm đoán.

Những ngày đó, tinh thần tôi thật suy sụp, những triệu chứng mà tôi có lúc đó, sau này khi học về bệnh lý trong trường dược ở bên mỹ, tôi mới biết đó là những triệu chứng của bệnh trầm cảm và đang đi đến giai đoạn bị bệnh tâm thần. Mà không bệnh sao được khi đang học trong trường dược, được những người ngoài bắc hay ví von là “nhất y, nhì dược”,phải tốn bao nhiêu công sức dồi mài kinh sử, phải ganh đua với bao nhiêu thí sinh từ bắc vào nam vì cả nước chỉ có hai trường dược,một ờ Sài Gòn, một ở Hà Nôi, để rồi khi thi đậu được vào mà đành phải bỏ, phải sống vô gia cư vì không có hộ khẩu, rày đây, mai đó,không ai dám chứa chấp chỉ vì tôi trốn nghĩa vụ. Được ví von là “những người con ưu tú nhất của đất nước “ theo lời của ông bí thư Đảng trường ngày người ta làm lễ tiễn đưa chúng tôi vào bộ đội ở trường đại học y dược. Những "tinh hoa" của đất nước này, toàn là thành phần “bất hảo” đối với chế độ vì nếu không phải là con của thành phần chế độ cũ thì cũng là dân Sài Gòn, không có dây mơ rễ má gì với “cách mạng” trong khi những thành phần “không ưu tú”,được ở lại học toàn là con cái của cán bộ.

Thế là đang từ một sinh viên ngày ngày chỉ biết cắp sách đến trường, hồn nhiên vui chơi với bè bạn, tôi trở thành một kẻ nhút nhát, không dám nhìn thẳng vào mặt ai vì nhìn quanh, ai cũng có thể là kẻ báo cáo tôi với công an.

Nỗi sợ này càng đậm nét vì có một lần ngủ ở nhà, chẳng hiểu ai đi tố cáo, họ đến nhà còng tay, bắt tôi đi vào ban đêm. Tôi còn nhớ, họ đọc trát bắt và dẫn tôi đi ngay trước mắt bố tôi, đôi mắt sâu hoắm, thật buồn mà cho mãi đến bây giờ, sau gần 46 năm, tôi vẫn tưởng như mới xảy ra và thỉnh thoảng có những cơn ác mộng về chuyện này. Từ dạo đó, tôi phải sống rày đây mai đó, hết nơi này đến nơi khác vì chẳng ai dám cho tá túc.

Trong cái rủi lại có cái may vì trong thời gian trốn tránh đó, tôi có dịp được gần gủi bố tôi, hai cha con có dịp tâm sự để tôi hiểu biết thêm về bố, những suy nghĩ thật sâu mà cho tới lúc đó, tôi vẫn không nhìn thấy được qua bề ngoài lúc nào nghiêm nghị của bố tôi. Chỉ lúc đó, tôi mới hiểu được ánh mắt thật buồn của bố tôi khi tôi, năm đó mới 5,6 tuổi, sau một lần bị đòn vì phá phách, đã thốt lên là : "trong nhà này con ghét bố nhất". Gần ba năm tâm sự, đọc cả kho tàng sách của bố cộng với những trang nhật ký bố tôi bắt đầu viết từ những năm 1940 mà tôi có dịp đọc được khi lục kệ sách của bố tôi trong những tháng ngày đen tối đó, cho tôi có một cái nhìn về con người của bố tôi, một tấm gương thật sáng mà tôi đã noi theo cho đến bây giờ. Trong tủ sách của bố, ngoài tự lưc văn đoàn và những sách học làm người, tôi đặc biệt để ý đến quyển "người anh cả"và "một người cha" của Lê Văn Trương. Bàng bạc trong hai quyển sách này, tôi thấy hình ảnh của bố tôi trong đó, một người cha, anh thật gương mẫu lúc nào cũng lo lắng thương yêu và hy sinh cho gia đình, các em.Năm 1991, khi mẹ và các chị sang đoàn tụ theo chương trình ODP, tôi đành phải bỏ dỡ chương trình y khoa ở UTMB Galveston cho dù mới vào học được vài tuần để lo cho gia đình một phần cũng do ảnh hưởng bởi tư tưởng của quyển sách này. Lúc đó, nhờ bố tôi đã an ủi, khuyến khích nên tôi đã có thể vượt qua được khoảng thời gian mà tôi nghĩ là đen tối nhất trong cuộc đời của tôi cho đến bây giờ, khi ngồi viết những dòng chữ này. 

Ngày xưa, ông nội tôi là một trung nông ở làng Đồng Bò, huyện Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, gia cảnh chỉ vừa đủ sống để nuôi các con. Để có tiền gởi bố tôi lên Hà Nôi học,ông nội tôi phải bán một số ruộng, vườn vì thấy bố tôi hiếu học. Trong thời gian ở hà thành, bố tôi trọ nhà một người tên Phát, làm trong nhà bếp ở khách sạn Metropole, một khách sạn thuộc loại năm sao thời bấy giờ. Tôi nhớ tên người này vì mỗi năm, cứ vào khoảng 28,29 tết là bố tôi lại đem quà đến biếu chỉ vì nhớ ơn người này đã cưu mang vào những tháng ngày còn hàn vi và nhất là theo lời bố tôi kể, ông ta hay đem về những miếng phô ma từ nhà hàng về để bố tôi tẩm bổ vì biết bố tôi thích đồ ăn Tây. Chỉ vì mấy mẫu phô ma đó mà bố tôi biết ơn, tiếp tục thăm ông ta cho đến khi ông ấy mất.

Thời gian học ở Hà Nội, có dịp học hỏi, tiếp xúc nhiều nên khi học xong, bố tôi xin vào làm việc cho chính phủ pháp, được người ta gọi là thầy phán, những hình ảnh quen thuộc trong tự lực văn đoàn mà sau này mỗi khi đọc, tôi thường nghĩ đến bố.

Thời kháng chiến 45-54, đã từng bị “họ” bắt khi đang làm việc ở Ninh Giang, khi ra được phải để lại vợ tôi và con thơ, “dinh tê” về Hà Nội, trốn tránh cộng sản. Sau này khi việt minh tiêu thổ kháng chiến, Tây chiếm lại Hà Nam, bố tôi trở về làm trưởng ty thông tin tỉnh này, ông nội tôi phải gấp rút gởi mẹ và các chị tôi lên tỉnh vì nếu không, có thể bị cộng sản bắt do bố tôi làm thông tin, hay viết những bài đả phá, vạch trần bộ mặt ghê tởm, tính sát máu của cộng sản.

Năm 1953,tình hình chiến sự gia tăng, lệnh tổng động viên, bố tôi phải “xếp bút nghiên”, gia nhập quân đội. Thời gian này, công chức khi bị động viên có hai sự lựa chọn. Một, theo học khoá sĩ quan và chọn binh nghiệp như là con đường tiến thân. Hai, gia nhập quân đội theo khoá hạ sĩ quan một thời gian, sau đó sẽ trở về làm việc lại. Bố tôi chọn giải pháp thứ hai trong khi một số bạn bè theo con đường binh nghiệp. Tôi còn nhớ trong nhật ký bố tôi viết “chiều đó, trên con tàu rời Quảng Ninh, dưới cái lạnh se sắt trong cơn mưa phùn của mùa đông nơi đất Bắc, lòng tôi lại càng tê tái hơn khi nghĩ đến vợ con còn ở lại quê nhà. Biết bao giờ quê hương mới thanh bình để tôi có thể trở về với gia đình, vợ con.”

Tháng bẩy năm 1954, đại gia đình bố tôi rời miền Bắc vào nam để trốn tránh cộng sản. Thời gian đó, bố tôi vẫn còn ở trong quân đội nên thời gian đầu, sau khi đã thu xếp chỗ ăn ở cho ông bà nội tôi, bố mẹ và các chị,anh tôi sống trong trại gia binh ở trung tâm huấn luyện Quang trung ở Trung Chánh, Hốc Môn. Vì có “nghề” thông tin nên bố tôi dù mang tiếng là là đi quân đội nhưng vẫn làm trong văn phòng thông tin, nhiệm vụ chính là viết bài cho tờ tuần san của trung tâm. Theo lời mẹ tôi kể, thương lắm những khi thấy bố tôi lấy quạt để làm mát tã của các con sau khi phơi vì sợ... nóng mông các con nếu phải dùng liền. Mỗi lần nhắc đến chuyện này, mắt mẹ tôi lại long lanh.

Sau khi giải ngũ, bố tôi trở lại cuộc đời công chức, sáng vác ô đi, tối vác ô về. Dù bận rộn nhưng lúc nào cũng vẫn lo lắng cho chị, em chúng tôi. Tôi còn nhớ, mỗi ngày sau khi ăn tối xong, bố tôi ngồi đọc báo coi các con học, chúng tôi đều phải làm bài vở xong mới được đi ngủ. Công dân giáo dục trong trường chưa đủ, chị em tôi còn phải học thuộc lòng một bài trong quyền “dưới mái học đường “ của tác giả Cao văn Thái mỗi ngày. Bây giờ có con tôi mới hiểu lý do bố tôi bắt chúng tôi phải làm điều này. Dạy con từ thuở còn thơ, bố tôi muốn nhồi nhét vào đầu chúng tôi những mẫu chuyện về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín bàng bạc trong quyển sách bề dày chỉ hơn đốt ngón tay. Quyển sách này đã ảnh hưởng không ít về sự suy nghĩ, cách sử thế của tôi cho đến bây giờ. Đây cũng là điều mà tôi áp dụng khi dạy các con tôi sau này.

Bố tôi và hai chị

Sự hiểu biết của tôi về bố không phải chỉ đơn giản có thế. Sau này khi qua Mỹ, có dịp tìm hiểu thêm từ những người bạn thân của bố, tôi mới thấm thía thế nào là câu ngạn ngữ pháp “dis moi ton amie, je te dirai qui tu es.” mà bố tôi thường nói.Tạm dịch là “hãy nói cho tôi biết về những người bạn của bạn, tôi sẽ cho biết bạn là người như thế nào.” Qua lời kể của các bác, bố tôi là một người liêm khiết, đôn hậu, đối xử tốt với bạn bè và ai cũng quý mến, tôn trọng. Ngược lại, từ bố,tôi có thể biết tính tình những người bạn thân của bố mà tôi được biết. Dường như ai cũng đều có một mẫu số chung, đó là sự thanh liêm,thẳng thắn, tư cách thật đáng ngưỡng phục. Chẳng hạn như bác T. Trong thời gian ở trường sĩ quan Nam Định, dám cãi lại với xếp Tây vì  coi thường người việt nam để rồi bạn bè về sau này ai cũng làm ông này bà kia, thậm chí có người lên cả tướng trong khi bác vẫn lẹt đẹt với chức tá. Chẳng hạn như bác N, dù sau này làm lớn nhưng vẫn quý và nể trọng bố tôi qua cách đối xử. Một vài linh mục như cha L, cha T, cha Tr, giáo sư viện đại học Đà Lạt, đã từng là bạn học, các ngài đều nể trọng bố tôi qua cách nói, khi tiếp xúc. Đặc biệt là cô K tôi, mỗi lần nói chuyện, vẫn có một sự kính nể dù người anh đã mất gần 40 năm. Tôi còn nhớ sau 1975, trong tình trạng "quân hồi vô phèng", chẳng ai còn dám tin ai, dù là người thân, đặc biệt là về tiền bạc. Thế mà dì G, chị em con cô con cậu với mẹ tôi, dám gởi bố tôi 30 lạng vàng Kim Thành 9999 lúc dì bị đánh tư sản chỉ vì dì biết tính bố tôi, không tơ hào của ai dù là một xu.

Hình Bố tôi đứng giữa

Điều quan trọng nhất mà tôi học hỏi được từ bố là sự hiếu thảo đối với ông bà nội. Từ ngày còn bé, tôi nhớ là chiều nào khi đi làm về, bố tôi cũng đều ghé thăm ông, nhiều khi mãi đến tối mịt mới về nhà. Bà tôi mất năm 1962 sau gần hai năm chống chọi với bệnh ung thư. Trong thời gian này, dù bận rộn với công việc, tối về còn trau dồi anh văn để chuẩn bị đi tu nghiệp ở đại học Wisconsin về ngân hàng phát triển nông nghiệp và dạy các con học, bố tôi lúc nào cũng chạy đôn chạy đáo để tìm thầy, tìm thuốc chữa cho mẹ. Thương nhất là, theo lời bố tôi viết trong nhật ký,mỗi lần được thăng thưởng, có thêm tí tiền còm nào đó là lại đi mua nho, táo cho bà tôi tẩm bổ. Sau khi bà tôi mất, bố tôi lại càng để ý và chăm sóc ông tôi hơn. Một điều tôi học được là không bao giờ bố tôi dám cãi ông tôi cho dù nhiều khi ông tôi vô lý. Tư tưởng nho giáo quân, sư, phụ có lẽ đã thấm sâu vào máu huyết của bố tôi.

Những năm sau ngày mất nước, cũng như bao nhiêu người làm cho chính quyền VNCH, bố tôi lâm vào cảnh sa cơ, thất thế. Bệnh tiểu đường của bố tôi do thiếu dinh dưỡng lại lúc nào cũng suy nghĩ, lo lắng cho tôi nên thể trạng ngày càng suy yếu. Mỗi lần nhìn ánh mắt buồn, suy tư của bố tôi khi thấy con trai của mình sống vất vưởng, không có tương lai, lòng tôi buồn khôn tả. Cũng chính vì ánh mắt này mà từ lúc mới qua Mỹ cho đến khi tốt nghiệp, dù có khó khăn, cực khổ như thế nào đi chăng nữa, tôi đã có thể vượt qua khi nghĩ đến bố tôi.

Hùm chết để da, người ta chết để tiếng. Bố tôi chỉ là một người cha bình thường như mọi người cha bình thường khác. “Da”, tài sản, bố tôi lại càng không có vì cảnh nước mất nhà tan. Nhưng đối với chị em chúng tôi, bố tôi đã để lại cho chúng tôi một gia sản thật quý và vô giá là sự hiếu thảo với cha mẹ, tính thẳng thắn, thật thà, đôn hậu, lo lắng cho gia đình bằng lời giảng dạy, và nhất là bằng hành động, cách cư xử mà bất cứ bậc cha mẹ nào cũng mong muốn cho con mình. Giống như Quản Trọng thời Xuân Thu Chiến Quốc đã nói "chung thân chi kế mạc như thụ nhân", "vì lợi ích trăm năm trồng người", di sản tinh thần bố tôi để lại, trong suốt hơn 30 năm dạy sinh viên từ các trường dược khoa ở Houston, tôi đã truyền đạt cho các sinh viên mỗi lần kết thúc khóa học là hãy cố dùng khả năng của mình để giúp người, đặc biệt là những người kém may mắn, nếu họ muốn tỏ lòng cám ơn.

Hôm nay là ngày hiền phụ, còn khoảng 3 tuần nữa là đúng ngày giỗ bố tôi mất cách đây 39 năm. Tôi viết những giòng nhật ký này như một nén hương lòng,lời cảm ơn đến bố tôi về những gì bố tôi đã làm cho mẹ ,chị em chúng tôi và nhất là đối với riêng tôi, không được chăm sóc và lo lắng cho bố tôi những ngày cuối đời, một điều mà tôi cho là bất hạnh nhất trong cuộc đời.

 

Viết Hiển

Ngày Hiền Phụ 2024

 

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %18 %122 %2024 %21:%06
back to top