Cùng với tiếng hát Phương Dung vào những năm đầu thập niên 1960, bài hát Những Đồi Hoa Sim của nhạc sĩ Dzũng Chinh đã đạt tới được những kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Không có thống kê chính thức về số lượng phát hành, nhưng nhiều người kể lại rằng dĩa nhựa có bài hát Những Đồi Hoa Sim với tiếng hát Phương Dung (1 dĩa có 4 bài) của hãng Asia Sóng Nhạc có thể xem là dĩa bán chạy nhất từ trước đến nay. Từ thành công của Những Đồi Hoa Sim, ngay sau đó có thêm nhiều ca khúc khác nhắc đến loài hoa sim tím được ra mắt.
Năm 1949, tại Thanh Hóa, từ nỗi đau đơn vô cùng vì mất đi người vợ yêu thương, nhà thơ Hữu Loan sáng tác một bài thơ mang tên Màu Tím Hoa Sim. Khi đó ông làm thơ là để cho riêng mình, cho nỗi đau không thể diễn tả bằng lời, và có lẽ là lúc đó ông cũng không thể ngờ được rằng tác phẩm của mình lại được yêu thích nhiều đến như vậy suốt hơn 70 năm qua.
Dù ở nơi mà bài thơ được sáng tác, bài thơ bị coi là thứ văn chương ủy mị, tác giả đã bị kết tội và bị kỷ luật, nhưng những vần thơ lay động lòng người đó vẫn được truyền đi rộng rãi trong công chúng bằng những bản chép tay, vào đến miền Nam, rồi sau đó được hàng loạt nhạc sĩ phổ nhạc, nổi tiếng nhất là nhạc sĩ Phạm Duy với bài hát Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, và nhạc sĩ Dzũng Chinh với Những Đồi Hoa Sim.
Ngoài ra nhạc sĩ Duy Khánh và Song Ngọc cũng có phổ nhạc cho bài thơ này, cùng lấy tên bài hát trùng tên với bài thơ là Màu Tím Hoa Sim, nhưng ít được biết đến hơn. Nhạc sĩ Hồng Vân cũng dựa vào câu chuyện đồi sim của Hữu Loan để viết thành ca khúc Chuyện Người Con Gái Hái Sim. Ngoài ra, sau năm 1975 nhạc sĩ Anh Bằng đã phổ thành ca khúc mang tên Chuyện Hoa Sim cũng rất được yêu thích với giọng hát Như Quỳnh.
Đối với bài Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, dù nhạc sĩ Phạm Duy đã bắt đầu phổ nhạc ngay từ thời điểm bài thơ vừa mới ra đời, nhưng phải đến năm 1971 thì bài hát mới được phát hành. Vì vậy có thể nói Những Đồi Hoa Sim của nhạc sĩ Dzũng Chinh là bài hát nhạc vàng đầu tiên nhắc đến hoa sim.
Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt.
Vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai.
Mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến.
Ai hẹn được ngày về rồi một chiều mây bay.
Từ nơi ᴄhᎥếп trường Đông Bắc đó,
lần ghé về thăm xóm hoàng hôn tắt sau đồi.
Những chiều hành quân ôi những chiều hành quân
tím chiều hoang biền biệt.
Một chiều rừng mưa được tin em gái mất chiếc thuyền như vỡ đôi.
...
Không như bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy đã bám sát theo từng câu thơ của thi sĩ Hữu Loan để phổ nhạc, nhạc sĩ Dzũng Chinh chỉ mượn ý thơ, mượn hoa sim và chuyện tình bi thương có thật vào thời chiến để sáng tác ca khúc đã trở thành một trong những bài nhạc vàng tiêu biểu và nổi tiếng nhất.
Sau năm 1975, Những Đồi Hoa Sim luôn nằm trong danh sách bài hát bị cấm suốt 45 năm. Đến năm 2020, bài hát này bất ngờ được cấp phép hát chính thức ở trong nước. Nhưng dù bị cấm hay không thì Những Đồi Hoa Sim vẫn luôn luôn được yêu mến suốt gần 60 năm qua.
Nhạc sĩ Dzũng Chinh tên thật là Nguyễn Bá Chính, sinh năm 1941 tại Nha Trang. Năm 1965, ông vào quân ngũ, theo học khoá Hạ sĩ quan trừ bị tại trường Hạ sĩ quan Đồng Đế – Nha Trang, sau đó là khóa Sĩ quan đặc biệt và tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn uý trừ bị. Giữa năm 1968, ông được thăng cấp Thiếu uý. Cuối tháng 2 năm 1969, Trung đội ông có nhiệm vụ chốt ở chân núi Chà Bang, Ninh Phước và hy sinh tại đây vào ngày 1/3/1969 khi mới 28 tuổi.
Trong cuộc đời ngắn ngủi đó, dù sáng tác không nhiều, tuy nhiên chỉ với những ca khúc như Những Đồi Hoa Sim, Tha La Xóm Đạo, Lời Tạ Từ và Đêm Dài Chưa Muốn Sáng, tên tuổi nhạc sĩ Dzũng Chinh xứng đáng có một vị trí trang trọng trong dòng nhạc vàng.
Có một điều có lẽ ít người để ý đến, đó là nhạc sĩ Dzũng Chinh đã qua đời cách đây trên 50 năm (1969), là đã quá thời hạn bảo hộ tác quyền nếu chiếu theo công ước Bern. Công ước có giá trị tầm quốc tế này quy định thời hạn bảo hộ bản quyền tác phẩm văn học – nghệ thuật sẽ là suốt cuộc đời của tác giả cộng với 50 năm sau khi tác giả qua đời. Điều đó có nghĩa là từ năm 2019 đến nay, những ca khúc bất hủ kể trên của nhạc sĩ Dzũng Chinh sẽ thuộc về tất cả mọi người, ai cũng có quyền hát, thu âm và thậm chí là kinh doanh mà không cần phải trả tiền tác quyền.
Bài: Đông Kha
Nguồn: Nhạc Xưa