DUYÊN HAY NGHIỆP
ngày 11.05.24
Học viện Võ Thuật Thần Phong và Tôi
Năm 1968 tôi gia nhập Không Quân (KQ) và được gửi đi khám sức khỏe trong Bộ Tư Lệnh (BTL) KQ ở Tân Sơn Nhất. Những ngày ra vô khám sức khỏe trong BTL, tôi thường đi qua Khu Gia Binh, trên con đường ngang rất ngắn, trước mặt những quán ăn nhỏ, gần sân đá banh thuộc BTL, thấy có một võ đường đề chữ Thần Phong!
Vì bản tính ưa chuộng võ thuật nên tôi tìm cách tới xem. Lúc đó còn lắm rụt rè nên chỉ đứng ngoài cửa nhìn vào, thấy mọi người tập luyện rất hăng hái, tiếng la hét của các võ sinh pha trộn với tiếng hướng dẫn của các Võ sư Hàn, Việt vang rền, tôi mỉm cười, thấy vui vui. Lúc đó tôi đã là đấu thủ có hạng trong bộ môn Thiếu Lâm Bắc Phái nên không nể trọng các đòn chân của Thái Cực Đạo là mấy! Dù vậy, tôi bỗng có ý nghĩ “tập võ Thái Cực Đạo cho biết” khi có điều kiện.
Không biết từ ngày tháng nào, cơ hội nào tôi gia nhập Thần Phong, nhưng chắc phải là sau khi xong giai đoạn 1 quân sự ở Quang Trung về, trong khi chờ đợi nhập khóa học Sinh ngữ. Mỗi ngày đều phải ra vào trình diện rất nhàm chán nên tôi bỗng nghĩ hay là xin phép tập võ trong thời gian đợi chờ. Tôi không nhớ rõ tôi đã xin với ai nhưng được chấp thuận và cho ở luôn trong căn cứ cho tiện vì gia đình tôi ở tận Bình Tuy (phía nam của Phan thiết). Tôi được sắp xếp học lớp với Huấn Luyện Viên Phan Văn Đức. Mỗi lần vào lớp, tôi hay la cà xin đấu với các anh em mang đai nâu và đai đen vì tôi nghĩ chỉ có họ “may ra mới đủ sức” đấu với tôi.
Mỗi lần được đấu tôi hay sử dụng võ tự do, “chỏ gối” loạn xạ làm bầm chân, tím thịt các huynh đệ nên bị phàn nàn tới tai thầy Đức. Rồi một ngày đẹp trời nọ, khi tôi mang võ phục đến trường thì “được mời lên văn phòng”. Thầy Đức và tôi khoảng tuổi với nhau và cũng có chút nể trọng “sĩ quan Pilot” nên chỉ nói nhỏ nhẹ “anh học võ Thái Cực Đạo không nên sử dụng võ khác đấu với anh em. Nếu cứ tiếp tục không ai đấu với anh nữa đâu”.
Sau lần đó, tôi có bớt lại nhưng trong lòng vẫn không phục đòn chân của Thái Cực Đạo. Mãi cho tới khi các tuyển thủ KQ khắp nơi quy tụ về Võ đường để tập cho giải Toàn Quân, Toàn Quốc… tôi bị anh Châu đá ngang, anh Vạn đá móc gót mười lần “dính” gần đủ mười lần, tôi mới bắt đầu thực sự nghiên cứu đòn chân Thái Cực đạo, nhất là hai đòn “tâm đắc” này. Dĩ nhiên tôi cũng rất tâm phục đòn chân của anh Đức, nhất là đòn đá bay.
Tôi chuyên cần tập luyện và nhảy cấp rất nhanh dù còn phải học sinh ngữ, đi du học và trở về thi huyền đai cuối năm 1970. Trong bảng kết quả kỳ thì, riêng tôi bị Thầy Đức phê bình “cần sự kiên nhẫn và khiêm nhường”! Đơn vị tôi đóng tại TSN nên cho tôi có điều kiện tiếp tục tập luyện ở Võ đường dù không đều đặn vì chiến sự. Năm 1972, tôi thi nhị đẳng ở võ đường mới, là Base Exchange (BX) bỏ lại của KQ Mỹ. Chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, tôi bay hành quân liên tục nên không còn đủ sức tập luyện thường xuyên nữa; chỉ lâu lâu mới xách bộ đồ tới ngó mặt anh em, thầy bạn.
Năm 1974 có phong trào tập võ tại đơn vị, tôi được cấp trên chỉ định dạy võ – dù vẫn phải bay hành quân 3 ngày một tuần – cho toàn thể nhân viên Không đoàn 53 Chiến Thuật mỗi sáng trước sân Không đoàn cùng với các HLV phụ khác. Những tháng đầu tiên có cả ba bốn trăm người, toàn bị bắt buộc nên không có sự hào hứng lắm. HLV phải gào thét – giữa một không gian mông mênh tràn ngập âm thanh của một phi trường quân sự bận rộn trong thời chiến – khan cả cổ, mỏi cả miệng cũng chẳng ăn thua gì. Dần dà, những “võ sinh ưu tú” này như “cóc bị bỏ đĩa”… học ít, phá nhiều, mánh mung đủ cách nên thầy cũng nản mà trò cũng bất cần… dần dà thưa thớt cho tới đầu năm 1975 coi như “vắng bóng sân trường”.
12g30 trưa 29/4/75, tôi may mắn bay ra khỏi Saigon trên chuyến C130 cuối cùng đi thẳng qua Utapao, Thái Lan. Chặng đường tỵ nạn từ Utapao đến Orote Point đến Trại Anderson ở Guam rồi đến trại tỵ nạn Eglin AFB, Florida, Hoa Kỳ… Thứ Bảy, ngày 26/5/75, tôi và hai em trai ra khỏi trại tỵ nạn về San Antonio, Texas dưới sự bảo trợ của bà Mẹ nuôi, người tôi đã gặp khi học bay ở Mỹ năm xưa. Chủ Nhật theo bà đi lễ nhà thờ, Thứ Hai đi làm thợ vịn bán thời gian, sửa chữa nhà cửa cho một người bạn đạo mà bà đã gửi gắm sau khi tan lễ hôm qua. Bà mẹ nuôi là một bà già Mỹ trắng rất tốt bụng, là một góa phụ, vợ của một cố Trung tá KQ tử trận ở đệ nhị Thế chiến. Bà với người con trai lớn cũng góa vợ chỉ sống tạm đủ vào tiền hưu bổng và số tiền cho thuê nông trại; vì vậy, ngoài nhà ở, chúng tôi phải tự lực cánh sinh ngay từ ngày Thứ Hai…
Những ngày không đi làm, và những buổi chiều dài lê thê… nhớ cha mẹ, lo lắng cho sự an nguy của đại gia đình, và không có một chút ý niệm gì cho tương lai. Tôi là một người được cho là gan dạ nhưng cũng không cầm được nước mắt mỗi khi nhớ tới, nghĩ về! Để hóa giải bớt những muộn phiền này, tôi thường ra phía sau vườn tập luyện võ thuật để khuây khỏa khi có dịp. Ông con bà mẹ nuôi thấy tôi thích tập võ, nó chỉ cho tôi một võ đường gần nhà. Một buổi chiều sau khi đi làm về, tôi đi bộ tới. Thấy học trò tập luyện gần giống như môn Thái Cực Đạo tôi biết nên hỏi thăm vị Võ Sư (VS) Giám đốc. Ông tên Guidry, mang 3 đẳng Shodokan Taekwondo – một chi phái khác của Taekwondo nguyên thủy. Tôi trình bày hoàn cảnh của tôi. Ông bảo nếu muốn tập ông rất welcome, miễn phí. Tôi được ông tặng một bộ võ phục cũ của ông ta với một đai đen trơn.
Thế là tôi đã có nơi để xả bớt những nỗi buồn tha hương. Với căn bản và khả năng sẵn có, tôi am tường mau chóng những bài quyền Shodokan và giúp chỉ dẫn những học trò mới. Sau một tuần lễ, tôi được ông Giám đốc đề nghị giúp dạy lớp căn bản 3 buổi tối và đồng ý trả lương $10/tuần. Tôi rất vui và phấn đấu hơn. Với cương vị mới, tôi nhanh chóng hòa hợp với mọi người chung quanh và được ông Giám đốc cũng như võ sinh dành cho nhiều cảm tình đặc biệt, trừ 2 người. Đó là hai Huấn Luyện Viên (HLV) khác, một Mỹ đen hai đẳng và một Mễ to dềnh dàng mang một đẳng. Lúc mới gặp cũng ngại ngần nhưng nhìn cách dạy, cách tập của hai ông thần thì tôi yên tâm lắm.
Thực ra khả năng kỹ thuật đòn chân của hai anh chàng này không hơn đai xanh đậm của Thần Phong năm xưa là bao nhiêu. Có vài lần tôi tế nhị giúp bổ khuyết những yếu điểm nhưng họ có vẻ không phục. Họ rất chuộng dùng đòn tay như đánh Quyền Anh. Chuyện đố kỵ thì ở đâu cũng có, dân tộc nào cũng thế; cho nên chỉ được hơn tuần sau thì xảy ra chuyện. Hai ông HLV đều rủ tôi đấu giao hữu. Tôi nói riêng với hai ông thần là tôi không muốn HLV đấu trước mặt võ sinh. Hai ông nói ở đất nước này thầy trò đấu với nhau là chuyện thường. Dù vậy tôi vẫn rất ngại. Nếu có lỡ tay lỡ chân với nhau trước mặt học trò sẽ rất khó coi. Chuyện tới tai ông Giám đốc. Có lẽ ông Giám đốc cũng muốn thấy khả năng thực sự của tôi ra sao nên khuyến khích đồng tình và ra sàn đấu đứng xem. Ở thế không thể từ chối được tôi đành chấp nhận thử thách. Thật tình tôi không nao núng trong việc thử sức với hai tay này vì năm xưa đã dày kinh nghiệm trên đấu trường.
Anh Mễ xin đấu trước. Vừa cúi chào xong thì anh ta xông tới tấn công mạnh mẽ. Tôi mỉm cười, dùng sự nhanh lẹ của đôi chân cố tình tránh né làm anh ta cứ đánh vào không khí. Có lẽ tức bực quá nên càng đánh sảng, cứ nhắm mặt tôi mà thụi quyền anh. Tôi cảnh cáo nó, đấu Taekwondo không được dùng tay đánh vào mặt. Hơi thở nó đã nặng nề, cứ làm thinh làm thế xáp lá cà thụi lia lịa vào tôi… nhưng tôi lại di chuyển lẹ làng cho nó đấm không khí tiếp tục. Khi nó gầm lên lăn xả vào… tôi quyết định giải quyết chiến trường. Chờ thằng con xông tới, tôi không né nữa mà co chân trái lên dùng đầu gối cản sức tới của nó, tay trái đánh nhứ vô mặt cùng lúc chân trái đặt xuống, chân phải nhanh lẹ đá móc gót (học của anh Vạn)… nếu tôi không lưu tình dùng mũi bàn chân thay gót, chắc thằng con đã đo ván hoặc ít nhất cũng mất mấy chiếc răng. Dù vậy, lỗ mũi nó cũng đã ăn trầu! Cả lớp vỗ tay! Thằng Mễ chưa kịp xông tới thì thằng Mỹ đen cản nó lại, la lên giận dữ: “Tại sao mầy vừa nói đấu Thái Cực Đạo không được đấm vô mặt mà mày làm?” “Bảo đảm với mầy tao vừa quẹt mũi bàn chân phải của tao vào má nó”, tôi nói… nhưng thằng Mễ to tiếng, “Mầy đấm trúng mũi tao trước khi quay gót”. “Vậy mầy có muốn tao thử lại cho mầy xem không?”. Thằng Mễ chưa kịp trả lời, thằng đen vọt miệng “tao muốn thử đòn chân của mầy”. Tôi ngó ông Giám đốc ngầm hỏi ý kiến và ông ta gật đầu nói, “đấu giao hữu đừng để mất hòa khí”.
Thằng đen không nói thêm một lời, thủ bộ đợi chờ, hai con mắt tròng trắng nhiều hơn tròng đen ngó chòng chọc vào tôi. Tôi thủ bộ với tiếng hét “ki-ai” để thị oai làm mọi người giật mình. Thằng đen tức tốc ra đòn mạnh bạo. Đôi chân nó di chuyển khá nhuần nhuyễn. Tôi nhủ lòng phải cẩn thận hơn, rồi lại dùng tài tránh né để thăm dò lối đánh của đối thủ… Quái lạ, lũ này học và dạy Thái Cực Đạo mà dùng tay như dân Quyền Anh, chân thì đá không cao hơn bụng! Dù vậy cú đá ngược chân phải của nó cũng khá thần tốc, còn chân trái rất giới hạn, chỉ đá phang ống… yếu xìu! Nó hay xông vô đấm liên hoàn xong là đá ngược; hễ tôi lùi thì chân trái nó phang ống với theo! Tôi nghĩ nhanh trong đầu “phải dạy cho thằng này bài học lễ độ ngay lập tức”. Tôi đợi nó đá phang, đưa ống chân trái lên chịu, thằng con đau quá nhăn mặt, chưa kịp lùi thì đã lãnh trọn cú đá lết ngang chân trái (học của anh Châu) thẳng vô ngực làm hắn ngã ngồi ra đằng sau. Mọi người cùng ồ lên một lúc làm thằng đen lúng túng. Tôi đưa tay đỡ nó dậy nhưng thằng đen đã làm ngơ, tự đứng lên. Tôi ngõ lời xin lỗi đã lỡ chân! Guidry đứng dậy biểu cả ba người bắt tay nhau và tuyên bố chấm dứt buổi tập. Thằng đen bắt tay lấy lệ mà mắt thì lườm tôi dữ dằn!
Sau khi tan lớp, ông Giám đốc giữ tôi lại để nói cho tôi biết nên cẩn thận, đề phòng và cũng bảo đảm chỗ dạy lâu dài cho tôi nếu tôi chịu dự thi “tái giám định” 2 đẳng với đại tôn sư Haeng Ung Lee, Chủ tịch hệ thống American Taekwondo Association (ATA), vào tháng sau tại võ đường! Ông Giám đốc nói “HLV của võ đường đòi hỏi phải có văn bằng đai đen chứng minh” (lúc chạy loạn tôi chỉ đi mình không); và đề nghị tôi dự giải Võ Thuật mở rộng ở Houston vài tuần sau, ông sẽ bao tất cả chi phí.
Tôi nghĩ cũng là một dịp học hỏi thêm ở xứ người nên đồng ý. Nhưng, kết quả giải thi đấu của tôi lần đó rất thê thảm vì bị loại với thành tích nặng đòn làm đối thủ bị đo ván. Dù vậy ông Giám đốc nói với tôi là ông ta rất phục và hãnh diện về khả năng của tôi, khuyến khích tôi đừng nản lòng. Cả đoàn võ sinh đi cùng chuyến xe cũng tỏ vẻ thán phục.
Sau khi thi lại 2 đẳng, tôi may mắn được ông Haeng Ung Lee chỉ điểm thêm về kỹ thuật cũng như quyền ITF cao đẳng trong một thời gian ngắn; và được ông Giám Đốc cho dạy các lớp đai màu cấp cao với số lương $20/tuần, ngoài giờ làm việc thợ vịn bữa có bữa không. Rồi vì sự sinh tồn của ba anh em, chúng tôi buộc lòng phải từ giã bà Mẹ nuôi và dọn đi thành phố khác làm nông trại. Làm nông trại chịu không nổi lại dọn về lại San Antonio làm đủ ngành nghề. Tôi lại trở lại võ đường và được ông Guidry vui vẻ tiếp nhận. Cho đến cuối tháng 12/75, nghe theo lời mời gọi của bạn bè cựu KQ, tôi từ biệt ông Guiddry và võ đường, để hai chú em nhỏ ở lại San Antonio với bạn bè và lên đường đi Tulsa, Oklahoma học ngành cơ khí hàng không với trợ cấp toàn phần của chính phủ. Trong thời gian học tập ở đây, tôi lại tìm tới một trường Thái Cực Đạo trong vùng. Ở đây tôi phụ dạy để khỏi phải trả học phí và được Võ Sư Giám Đốc Syun Kang dạy thêm những bài quyền và kỹ thuật cao đẳng. Và cũng ở nơi này, lần đầu tiên tôi thắng giải nhất huyền đai hạng nhẹ khi tham dự giải vô địch Oklahoma mở rộng. Trong lần tranh giải này, tôi gặp lại Cường, một đấu thủ có hạng của Thần Phong trước năm 1975, từ tiểu bang Iowa xuống tham dự tranh giải.
Chương trình học cơ khí rất nặng nề và thời gian hai năm thấy dài đăng đẳng trong khi không biết tương lai sẽ đi về đâu… 6 tháng sau tôi bỏ cuộc… trở lại San Antonio, dạy bán thời gian cho ông Guidry. Cũng trong thời gian này tôi thường xuyên được ông Chủ tịch Haeng Ung Lee đặc biệt dạy thêm những kỹ thuật mới của Võ phái ATA mỗi khi ông về chấm thi hoặc huấn luyện đặc biệt cho võ sinh võ đường. Và cũng trong khoảng thời gian này tôi vui mừng gặp lại Võ sư Trần Văn Lạc khi Lạc mở Câu Lạc Bộ Võ Thuật Thần Phong đầu tiên, dạy cho Mỹ và vài học viên người Tàu. Tinh thần Thần Phong này làm tôi hãnh diện và nuôi mộng làm sống lại phong trào Võ Thuật Thần Phong tại xứ người khi điều kiện cho phép.
Sau khi dong ruổi khắp nơi, tôi về Hayward Bắc California năm 1977. Tôi mò tới tập luyện với một trường ATA do một võ sư 3 đẳng người Mỹ trắng, ông Monday điều hành. Và ngày 4 tháng 11, 1977 được phép của võ sư Giám Đốc, tôi thành lập Câu Lạc Bộ Thần Phong tại võ đường này, chỉ tập 2 ngày cuối tuần khi trường không hoạt động. Và tôi chỉ được phép thâu nhận học viên người Việt Nam. Lúc bắt đầu chỉ có 5 em, dần dà các gia đình người Việt ở các vùng lân cận biết đến và bắt đầu cho con em tham gia. Tôi thành lập đội đá banh, đội quần vợt, và đội bóng chuyền ngoài giờ tập. Tất cả là võ sinh hay không tôi đều hướng dẫn các em trong các môn bằng tinh thần huynh đệ Thần Phong. Trong năm 1977, tôi tham dự giải Vô địch Taekwondo tiểu bang California và thắng giải huyền đai toàn hạng kiêm luôn giải nhất toàn đội huyền đai do United States Taekwondo Union (tiền thân của USAT bây giờ) tổ chức. Cuối năm 1977, khi số võ sinh hơn 20 người, tôi bắt đầu nghĩ chuyện làm sống lại Thần Phong hải ngoại… và vì thế, tôi xin giấy phép thành lập Hội Võ Thuật Thần Phong (Than Phong Martial Arts Association).
Năm 1978, ông Monday giới thiệu và được sự đồng ý của ông Chủ tịch Haeng Ung Lee, tôi thi đậu 3 đẳng. Rồi tiếp tục tập luyện thi 4 đẳng với ông H.U. Lee ở Sacramento, CA năm 1981. Đến tháng 8/1981, tôi dọn về Houston và mở trường Thần Phong đầu tiên; người học trò đầu đàn, HLV Trần Văn Tân cùng huynh đệ dời lớp Thần Phong ở Hayward về Oakland. Năm 1983, vì mưu sinh tôi đành đóng cửa Thần Phong Houston và dọn về San Jose và lại mở trường Thần Phong ở đây. Sau đó, tiếp tục mở trường thêm ở Santa Clara cùng với Võ sư Phan Hồng Hổ, rồi thêm chi nhánh Oakland sau khi HLV Trần Văn Tân dọn xuống Los Angeles.
Năm 1986, tôi thi 5 đẳng với ông Trần Thanh Điền, chủ tịch Tổng Hội Võ Đạo Việt Nam ở San Jose. Tháng 9/1989, khi VS Phan Văn Đức từ Việt Nam sang San Jose định cư, tôi nhường Hội Võ Thuật Thần Phong cùng với trường võ thuật San Jose, giữ chức Phó Chủ tịch. Tôi về điều hành trường Thần Phong Oakland. Và VS Phan Hồng Hổ điều hành trường Santa Clara. Năm 1991, tôi dự thi 6 đẳng với Tổng Hội Võ Đạo VN ở Santa Ana ở Võ đường Đặng Huy Đức. Sau khi thi xong tôi và gia đình VS Hổ không hẹn mà cùng dọn về Houston, TX. VS Hổ mở trường Thần Phong dạy trong tuần và tôi dạy cuối tuần vì lái xe khá xa. VS Hổ là một VS có nhiệt huyết và nhiều khả năng, đã đào luyện được nhiều huyền đai Thiếu Niên Thần Phong làm rạng danh võ phái trong các giải Taekwondo địa phương và tiểu bang, rất có nhiều tiếng thơm ở Vùng Bellaire. Năm 1993, tôi mở trường Thần Phong Kingwood, thị trấn phía bắc Houston. Năm 2000, tôi được Thầy Đức, nhân danh Tổng hội Thần Phong, thăng 7 đẳng trong dịp Lể Kỹ Niệm 34 năm thành lập tại San Jose. Đến tháng 8/2003, tôi khai trương trường Thần Phong ở Spring, TX.
Năm 1992, VS Phan Văn Đức đã tự ý đổi tên Hội Võ Thuật Thần Phong thành Thần Phong Intercontinental Martial Arts Federation khi phát triển xuyên quốc gia. Năm 2000, đổi lại tên The Planet Martial Arts Federation. Theo VS Đức, 2 chữ đầu của The Planet biểu hiệu cho hai chữ Thần Phong. Cuối tháng 4/2009, VS Phan Văn Đức đột ngột qua đời tại San Jose, tôi được Hội Đồng Võ Sư, huynh đệ đồng môn suy cử Quyền Chủ tịch Thần Phong cho tới khi có Đại hội bầu cử. Tháng 6/2009, tôi về Saigon, quy tụ một buổi họp mặt cho 50 huynh đệ đồng môn từ 3 đẳng trở lên, gồm có các VS niên trưởng và cựu Võ sư, HLV Thần Phong. Trong số những anh em này, có một số huynh đệ đang là Giám đốc của các câu lạc bộ Taekwondo dù không chính thức mang tên Thần Phong vì chính kiến chưa được giải tỏa.
Trong buổi họp mặt này tôi cũng thảo luận với tất cả huynh đệ về đường hướng của Thần Phong cũng như việc bảo tồn và phát triển Thần Phong trong tương lai. Anh em ai cũng rất vui vẻ và phấn khởi trong niềm hy vọng. Tháng 8/2009, tôi được ông Chủ tịch Tổng Hội Võ Đạo VN, Trần Thanh Điền truy thăng 8 đẳng cùng với một số võ sư cao cấp khác.
Năm 2010, nhân chuyến thăm viếng và tập huấn tại Tổng Cục Thái Cực Đạo Thế Giới, Kukkiwon, ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc tôi đã gặp người thầy khả kính của Thần Phong Martial Arts Academy năm xưa là Đại Võ sư Byung Woon Kim – đương kim Chủ tịch Hội Đồng Kỹ Thuật thuộc Tổng Hội World Taekwondo Federation – ông vui mừng xác nhận sự lớn mạnh của Thần Phong và đề nghị nên đổi tên thành Thần Phong International Martial Arts Federation cho hợp lý và khiêm nhường hơn là chữ “The Planet”. Vì thấy đề nghị rất hữu lý của một tôn sư, lại phù hợp với tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo của Võ phái nên tôi đã đưa ra thảo luận tại Đại Hội Thần Phong Thế Giới và Kỷ Niệm 45 Năm thành lập võ phái tại Kingwood, TX tháng 12/2011, và được sự đồng thuận của tất cả võ sư, HLV từ Việt Nam, Úc châu, Canada, và nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ hiện diện. Trong kỳ Đại Hội này, vì chưa chuẩn bị được nhân sự cũng như tài liệu của Võ phái nên Đại Hội đã đề nghị một Nhóm Hoạt Động gồm tất cả các Võ Sư Giám Đốc đương nhiệm cùng với các Võ sư niên trưởng để hoàn chỉnh tài liệu cần thiết và chuẩn bị nhân sự để bầu một Ban Chấp hành chính thức cho Tổng Hội Võ thuật Thần Phong Thế Giới vào kỳ Đại Hội sớm nhất.
Hiện nay tài liệu đã xong nhưng nhân sự vẫn đang truy tìm. Kỳ Đại Hội Thần Phong sớm nhất có lẽ sẽ phải đợi đến Lễ kỷ niệm 50 thành lập Thần Phong do Thần Phong Úc châu tổ chức tại Melbourne, Australia. Rất mong có sự tham dự đông đủ của toàn thể huynh đệ đồng môn gồm các niên trưởng hiện tiền, khỏe mạnh. Tôi quan niệm, Thần Phong là của chung tất cả huynh đệ đồng môn, không là của riêng của bất cứ nhân sự nào, phe nhóm nào. Tất cả chúng ta đều có bổn phận và trách nhiệm ngang nhau trong việc bảo vệ thanh danh, truyền thống tốt đẹp và góp phần vào việc xây dựng một võ phái hùng mạnh chung quanh năm chữ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín và tinh thần “không bỏ anh em, không quên bạn bè” của người sáng lập. Tôi thường nói với tất cả huynh đệ đồng môn “Tất cả chúng ta ai cũng sẽ ra đi nhưng tinh thần Thần Phong phải được tồn tại với thời gian.”
Riêng bản thân tôi, để tạo sự chính danh và dễ dàng hướng dẫn Võ phái Thần Phong đi theo đà thăng tiến của Taekwondo Thế Giới, tôi trình luận án và thi 8 đẳng với Tổng cục Taekwondo Hoa Kỳ (USAT) nhân kỳ đại Hội Võ Thuật Thế Giới tổ chức tại Las Vegas từ ngày 22-25 tháng 2, 2011.
Lần thi này cũng là một thử thách vì Tổng Hội đòi hỏi tôi phải thi tất cả các môn như các cấp đẳng thấp. Tôi đã bỏ rất nhiều thời gian khổ luyện chuẩn bị cho kỳ thi. Rất may mắn tôi đã vượt qua được thử thách mà theo tôi nghĩ đó là thử thách cuối cùng cho đời võ nghiệp của tôi. Tôi đã vượt qua được thử thách với những lời ca ngợi và khích lệ từ Ban Giám Khảo. Sau khi thi đậu, tôi chính thức trở thành Commissioner thuộc Hội đồng Võ sư của USAT-MAC đặc trách Huấn Luyện Quyền Thuật bổ túc (poomsae seminar instructor) cho Tổng Hội. Trước đó, tôi cũng được bầu vào Hàn Lâm Viện Võ Thuật Hoa Kỳ 2004; Võ sư xuất sắc năm 2004-2005; Coaching Staff member của Hội Võ Thuật Hoa Kỳ năm 2005; Trọng tài trong giải World Cup (có 38 quốc gia tham dự) của hệ thống International Taekwondo Federation (ITF) tổ chức tại Orlando, Florida năm 2004; được bầu làm Giám đốc Taekwondo Texas từ 2005-2009.
Tôi thường dạy học trò của tôi “phải tự mình khổ luyện và bền tâm vững chí để đạt tới những thành quả trong đời”, tôi cố gắng bằng tất cả khả năng mình để đạt được những gì tôi có hôm nay; vì thế, tôi luôn luôn ngẩng cao đầu khi nói ra những lời khuyên nhủ mà không một chút lấn cấn trong tâm. Tất cả những thành quả đạt được cho bản thân cũng là do tinh thần Thần Phong mà có. Xin được khiêm nhường đưa ra cốt để làm gương sáng cho các môn đệ noi theo sau này và xin kính dâng lên hương hồn của vị sáng lập Võ phái Thần Phong, cựu Chuẩn tướng Lưu Kim Cương đã nằm xuống cho lý tưởng độc lập, tự do của toàn dân Việt Nam.
Kingwood, cuối tháng 4/2013