Truyện

Truyện (261)

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Sed id auctor orci. Morbi gravida, nisl eu bibendum viverra, nunc lectus.

Bữa bún thang mùa Thu - Quyên Di

Bữa bún thang mùa Thu

Quyên Di

Những cụm mây xám lững lờ trôi rồi dường như hạ thấp xuống dần. Đầu óc tôi căng căng và quả tim buồn thổn thức. Tôi thấy tủi thân, mặc dù ai cũng nuông chiều tôi.

Tôi bị cái “chứng” ấy từ khi còn bé tí tị. Cứ mỗi khi bầu trời nằng nặng và u ám thì cái “chứng” ấy lại ve vãn tôi làm cho tôi tủi thân. Nó xúi dại tôi cứ khóc đi. Khóc thì nhẹ người lắm. Có một lần chợt thấy tôi một mình đứng dựa gốc cây xoan mà khóc, chị Bích Khuê ôm lấy tôi, an ủi: “Đứa nào bắt nạt em tôi! Thôi, đừng khóc nữa. Không ai bắt nạt được Chúc đâu. Chị bênh vực Chúc suốt đời.” Tôi không khóc nữa vì được an ủi thật, không phải vì lời chị nói nhưng vì cái ấm áp của chị ấp ủ lấy tôi. Cả đời tôi, những ngày mây xám bỏ bầu trời mà đè nặng xuống ngọn những rặng cây là tôi tủi thân và tôi buồn tôi khóc. Tôi chỉ nín và vơi đi cái buồn khi được một người phụ nữ ôm ấp, vỗ về, an ủi.

Bố tôi biết cái “chứng” ấy của tôi. Bố không gọi là bệnh, nhưng là “chứng.” Bố nói với mẹ: “Không nhớ là khi có mang Chúc, mợ ăn uống những gì, dưỡng thai ra sao mà Chúc nó bị cái “chứng” đa sầu đa cảm ngay từ bé thế này. Tội chưa! Lớn lên tha hồ mà đau khổ vì những chuyện không đâu.”

Hôm nay tôi cũng thấy quả tim thổn thức và tôi sắp khóc. Cái gốc cây xoan kia, mình dựa vào đấy mà khóc thì cũng thoả. Nhưng ngoài cổng bỗng nhiên có tiếng gọi: “Cậu bé kia ơi, ra đây cho tôi hỏi thăm tí nào!” Tôi nhìn ra thì thấy một bà đẹp lắm. Bà vấn khăn nhung, mặc áo dài cũng bằng nhung. Môi bà đỏ thắm, hình như mới nhai xong miếng trầu. Hai má bà cũng hồng hồng, chả biết là bà đánh má hồng hay miếng trầu nồng đậm khiến má bà hồng lên. Đôi mắt bà sáng như hai vì sao.

Hình như cái đẹp cũng chữa tôi khỏi bệnh hay sao ấy. Đầu tôi hết căng căng, quả tim tôi hết thổn thức. Tôi chạy nhanh ra cổng. Bà “đẹp” kia còn đứng bên ngoài hàng rào, đưa tay xoa đầu tôi rồi bẹo má tôi mà nói lẩm bẩm một mình: “Con cậu Chánh xinh giai đáo để.” Rồi bà bảo tôi: “Cháu vào thưa bố là có khách hỏi thăm.” Tôi vâng dạ rồi chạy nhanh vào nhà, suýt vấp chân vào ngưỡng cửa, vừa chạy vừa trình: “Cậu ơi… Cậu… Có cái bà đẹp nào ấy hỏi thăm cậu ở ngoài kia… kìa…” Bố tôi ôn tồn: “Thì cứ từ từ… Làm gì mà cuống lên thế? Ừ, thì đi ra với cậu, hỏi xem bà ấy cần gì.”

Rồi bố tôi lững thững dắt tôi ra cổng trở lại. Chân tôi nhảy cẫng lên mà bố tôi thì cứ thư thả như đi dạo. Bố tôi đấy, lúc nào cũng từ từ… từ từ…

Bà đẹp thấy bố tôi ra thì nhìn ông với tia mắt hơi ranh mãnh. Bố tôi khẽ cúi đầu, hỏi: “Thưa bà, bà cần gì?” Bà đẹp cười khanh khách: “Bà nào! Nhìn kỹ tôi xem.” Bố tôi nhìn kỹ rồi bỗng nhiên reo lên: “Bác Giáo! Bác Giáo! Thật là bác đấy à?” Bà đẹp cười và đáp (bây giờ với giọng nhẹ nhàng): “Thì tôi chứ còn ai nữa! Gớm! Vợ chồng tôi hỏi thăm, đi tìm cậu mợ mãi. Hôm nay mới gặp. Mợ ấy đâu?”

Bố tôi mở cổng đưa bác Giáo vào nhà. Tôi lũn chũn theo sau.

Bố mẹ tôi cắt nghĩa mãi mà tôi vẫn không hiểu rõ liên hệ họ hàng giữa gia đình bác với gia đình tôi ra sao. Cái đầu óc ngu ngơ của tôi khó mà hiểu được những gì có tính hệ thống. Cũng chính vì vậy mà sau này khi học môn Thân Tộc Học ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn do giáo sư Bửu Lịch giảng dạy, càng đọc sách của thầy tôi càng không hiểu, càng nghe thầy giảng, đầu óc tôi càng rối mù.

Đại khái bác Giáo và mẹ tôi có họ với nhau. Bác vai chị, mẹ tôi vai em. Bác Giáo là hoa khôi trong họ. Lớn lên, bác lập gia đình với ông giáo Khôi, họ Vũ Anh. Từ đấy người làng, người họ gọi hai bác là ông bà Giáo.

Người lớn hàn huyên với nhau. Bố tôi thì bình thản ngồi nghe, thỉnh thoảng đưa đẩy mấy câu một cách từ tốn. Còn bác Giáo và mẹ tôi thì lâu lây lại lấy vạt áo chậm nước mắt. Mấy đứa bé chúng tôi thì lấp ló đứng nhìn. Qua câu chuyện tôi biết gia đình bác cũng rời Hà Nội đi tản cư, nhưng không về quê mà lại sống ở thành phố Nam Định. Cuộc sống cũng có phần thong thả.

Nghe chán, tôi bước ra ngoài thì gặp chị Bích Khuê. Không chờ cho chị hỏi, tôi “báo cáo” ngay: “Bà đẹp ấy là bác em đấy. Tên bác ấy là Giáo.” Chị Bích Khuê cười, bảo tôi: “Chị nghĩ Giáo là cách người ta gọi bác ấy thôi, chắc bác ấy hay chồng bác ấy là giáo học đấy.”

Bác Giáo ra về sau khi cho chúng tôi mỗi đứa mấy hào. Chị Bích Khuê cũng được bác cho hào, nhưng chị lễ phép từ chối mà không nhận.

Khoảng một tuần sau, bác Giáo lại đến. Hôm ấy bầu trời cũng nằng nặng, mây xám cũng là đà gần ngọn rặng xoan, đầu tôi cũng căng căng, quả tim tôi cũng thổn thức, tôi cũng tủi thân sắp khóc và cũng đã nhìn thấy cái gốc cây xoan… Bác Giáo đến, mọi sự tan biến cả.

Lần này có thêm bác giai và chị Ngọc Quế, con gái hai bác. Bác giáo Khôi người to lớn, lời ăn tiếng nói cũng to lớn. Bác ấy mà dạy học thì chắc học trò chết khiếp. Ấy thế mà trong câu chuyện của người lớn với nhau, tôi lại biết tính bác rất hiền và nuông học trò. Còn chị Ngọc Quế thì đẹp lắm. “Chị đẹp như cây quế!” Tôi cứ nghĩ thế dù không biết cây quế nó như thế nào.

Chà! Thật là khó khi so sánh hai chị Bích Khuê và Ngọc Quế xem chị nào đẹp hơn chị nào. Chị Bích Khuê đẹp thanh tao với dáng người mảnh mai, còn chị Ngọc Quế đẹp quý phái từ khuôn mặt cho đến điệu đi dáng đứng. Nhưng tôi không mất thì giờ so sánh lâu vì còn mải sung sướng vì có những cô chị đẹp như tiên giáng thế.

Hôm nay ba ông đàn ông nhắm rượu với nhau. Bác Giáo Khôi đem rượu đến. Bác bảo rằng rượu cất từ làng Hoàng Mai. Ông Hồng Châu, bố chị Bích Khuê vừa uống vừa hết lời xưng tụng thứ rượu quý. Bố tôi không nói gì, nhưng vừa uống vừa gật gù ra chiều tán thưởng. Thức nhắm chỉ có lạc rang, bánh đa và mấy bìa đậu phụ mộc chần nước sôi chấm mắm tôm. Thế mà ba ông có vẻ thích thú lắm.

Cánh phụ nữ vào trong bếp, gồm có bác Giáo gái, mẹ tôi, bà Hồng Châu, chị Bích Khuê, chị Ngọc Quế. Chị Liên phải bế em Nga ra vườn vì chả biết sao hôm nay em quấy lắm, thế là không được dự phần làm bếp. Anh Ngọc xin phép ra trước cửa chơi với mấy trẻ hàng xóm. Anh Tuấn vào nhà xứ giúp việc các cha. Mỗi người bận một việc. Việc tôi bận là đi theo chị Bích Khuê. Thế là tôi lọt vào trong bếp, ngồi thu lu một chỗ không dám làm quẩn chân người lớn.

Mẹ tôi bảo: “Hôm nay bà chị phải dạy cho chúng em và hai cháu đây nấu nồi bún thang cho ngon nhé. Cháu Quế ở gần mẹ, chắc cũng học được tí chút rồi, phải không?” Bác giáo nhìn chị Ngọc Quế rồi mắng yêu: “Nào có học được gì. Suốt ngày cái bút, quyển sách. Mà cứ buông ra thì lại gương với lược. Làm dáng thế mà chả biết có cậu nào bằng lòng bưng đi không!” Chị Ngọc Quế nghe thế thì cũng không thẹn thò gì, chỉ phản đối lấy lệ: “Ứ ừ, mẹ cứ nói thế. Con cũng biết bếp núc chứ. Với lại con chẳng muốn lấy chồng. Ở nhà để bố mẹ chiều thích hơn…”

Mẹ tôi can thiệp một cách nhẹ nhàng: “Tuần trước bác dặn em sắm những gì, em tuân lời, hôm nay đủ cả.”

Bác Giáo kiểm kê các thức, kỹ càng như nhà gái kiểm lễ vật của nhà trai hôm đám cưới. Xong xuôi, bác “phán”: “Đủ cả, mợ chu đáo thật… Nhưng còn thiếu cái món này…” Thế rồi bác mở cái làn vẫn xách theo bên mình, lấy ra một nắm nhỏ gói bằng lá sen. Dưới đôi mắt nhìn một cách lạ lùng của mẹ tôi, bà Hồng Châu, chị Bích Khuê và chị Ngọc Quế, bác Giáo mở lá gói, một nắm nhỏ chất gì hồng hồng xam xám mềm mềm lộ ra. Bác cắt nghĩa: “Đây là bí quyết làm cho nồi bún thang ngon, nước dùng ngọt đậm đà mà lại thanh thanh…”

Chị Bích Khuê bạo dạn hỏi: “Bẩm bà, gì thế ạ?” Bác Giáo cắt nghĩa: “Đây là những con sá sùng. Nó có nhiều tên lắm, có những tên nghe đến phát khiếp, nhưng tôi thích gọi nó bằng cái tên “địa sâm.” Nó có một chất ngọt kỳ diệu mà ai đã được mếm một lần sẽ không quên được. Tuy nhiên, cách làm nó để ra một món ăn thì công phu lắm, phải bỏ thì giờ nhiều và cần một đôi tay quen làm những việc tỉ mỉ. Bằng không những hạt cát vẫn còn lẫn trong mình nó thì không ăn được. Nguyên nó sống ở bãi biển, nằm sâu trong lòng cát. Bắt sá sùng phải đào những lỗ thật sâu thì mới bắt được. Tôi phải làm sẵn ở nhà rồi đem lại đây. Ở Nam Định, tôi dò la thì biết mấy hiệu phở nổi tiếng họ nấu nước dùng bằng xương bò nhưng cũng có cho thêm sá sùng vào. Bát phở ngon nhưng đắt hơn bát phở ở những hiệu bình thường rất nhiều.”

Thế rồi, bác Giáo như một vị nữ tướng điều binh, bác cắt đặt mỗi người một việc. Mà không cắt đặt như thế không được, vì chỉ riêng nước dùng thôi đã là bốn nồi. Một nồi luộc gà lấy nước. Một nồi luộc xương lợn; xương được tẩy hết mùi oi, chần qua nước sôi rồi sau đó mới cho vào nồi mà ninh. Một nồi luộc đầu tôm he đã rang khô với tôm khô, cho thêm một ít mực khô nướng và vài ba sợi râu mực. Còn sá sùng thì ninh một nồi riêng. Đích thân “nữ nướng” chăm sóc những nồi nước dùng này. Bác nói: “Nhát nữa, mình pha những thứ nước dùng này với nhau mới thành nồi nước dùng chính thức chan vào bát bún thang.” Vừa luộc gà, bác vừa căn dặn mẹ tôi: “Mợ nhớ cho gà vào nồi luộc, đến khi sôi thì cho vào nửa thìa đường, một thìa muối và hành khô, thêm gừng đã nướng thơm, hạ nhỏ lửa để gà chín thấu bên trong. Sau đó vớt gà ra để nguội, dùng tay xé thịt ức thành sợi nhỏ. Còn da gà thì dùng dao sắc mà thái thành sợi lớn hơn.”

Trong khi đó mẹ tôi được bác cắt cho việc làm trứng tráng. Hai cái lòng đỏ trứng gà trộn lẫn với một cái lòng đỏ trứng vịt. Đánh cho đều rồi đổ vào chảo tráng thật mỏng. Tráng xong lấy ra thật khéo, nhẹ nhàng cuộn lại lỏng tay rồi lấy dao sắc thái chỉ. Làm xong trứng thì mẹ tôi thái giò lụa cũng thành sợi thật nhỏ. Sau đó mẹ giã tôm he đã rang khô cho tơi làm thành ruốc tôm.

Hai chị Bích Khuê và Ngọc Quế phụ trách việc làm rau: Hành chần để cả cây, rau mùi ta và rau răm thái nhỏ. Bác Giáo dặn hai chị không dùng rau húng vì vị nó mạnh quá, làm hỏng cái thanh tao của bát bún thang. Bác cũng dặn hai chị phải nhớ có củ cải phơi khô cho héo. Hai chị còn phải chuẩn bị bún nữa. Chỉ là thứ bún rối thôi, nhưng sợi bún vừa phải, không cứng mà cũng không quá mềm. Hai chị nhất nhất làm theo dưới sự giám sát của bà Hồng Châu, bà vừa giám sát vừa học hỏi. Nhưng chị Ngọc Quế nhìn thì quý phái mà tinh nghịch lắm. Con gà luộc vừa chín tới, được vớt ra, đặt vào một cái đĩa sứ để trên bàn; chị Ngọc Quế đợi lúc bác Giáo vừa quay đi là ngồi bệt xuống sàn bếp, hai chân xếp sang một bên, chắp hai tay đưa lên cao rồi lạy. Về sau tôi hỏi thì hoá ra chị bắt chước bác Giáo, mỗi khi nhà có cúng, giỗ thì có con gà bày trước bàn thờ gia tiên, bác Giáo ngồi bệt dưới sàn mà lạy bàn thờ. Chị Ngọc Quế lạy dẻo lắm. Khi nghe chị Bích Khuê và tôi phì cười thì bác Giáo quay lại. Chị Ngọc Quế đã đứng lên rồi, đang rất chăm chỉ thái rau. Bà Hồng Châu thì không mách tội tinh nghịch của chị Ngọc Quế.

(Hình: FB Quyên Di)

Khi bác Giáo hỏi đến cà cuống và mắm tôm thì bà Hồng Châu nhanh nhẹn thưa: “Hai món này em có sẵn lắm, để trong chạn đây.”

Tất cả đã sẵn sàng. Gần một chục cái bát chiết yêu được bày ra. Những cái bát này được làm bằng sứ trắng ngần, mỏng tanh, vẽ hình một ông lão râu dài, một tay cầm quả đào to, một tay chống gậy, đứng dưới bóng cây tùng cổ thụ. Bộ bát chiết yêu này là bảo vật của gia đình tôi. Đi tản cư mà bố mẹ tôi vẫn cố gắng đem theo. Mỗi lần có khách quý, bố tôi lại dặn mẹ tôi đem bộ bát “tùng-đào-già” ra dùng.

Bốn nồi nước dùng đã được bác Giáo hoà chung với nhau theo một tỉ lệ cũng bí truyền, giờ bác cho mẹ tôi, bà Hồng Châu và hai cô thiếu nữ biết. Bún được lót trong lòng bát, chỉ quá phần thắt nhỏ lại của cái bát chiết yêu một chút. Bác Giáo chan nước dùng vào, thận trọng như cử hành một nghi thức tôn giáo. Bên trên, bác bảo hai cô thiếu nữ rắc rau thơm thái nhỏ rồi bày hành chần, giò lụa thái chỉ, trứng tráng thái chỉ, thịt gà xé nhỏ, da gà thái chỉ thành một vòng tròn. Giữa vòng tròn là một nhúm nhỏ ruốc tôm he. Bát bún thang với đầy đù màu sắc hoà hợp bốc khói thơm nghi ngút. Hai cô thiếu nữ thận trọng bưng cái khay, trên đó chỉ có một bát bún thang lên nhà trên. Vì mỗi lần khay chỉ có một bát bún thang thôi nên hai cô phải lên nhà trên, xuống nhà bếp mấy lần. Cái bàn xếp đầy những bát bún thang thơm, ngon và đẹp. Bên cạnh đó là hai bát nhỏ mắm tôm, hai ba đĩa củ cải ngâm, một đĩa ớt quả xắt nhỏ, đỏ thắm như son và lọ cà cuống có cắm một cái tăm.

Tất cả yên vị. Bố tôi dâng lời kinh nguyện. Gia đình bác Giáo và gia đình ông bà Hồng Châu ngồi nghiêm chỉnh “thông công.”

Bắt đầu bữa ăn mọi người cùng thận trọng nếm từng thìa nước dùng, gắp chút bún lẫn với những “phụ tùng” bên trên, sau khi đã cho vào bát chút mắm tôm và chấm vào một tăm cà cuống. Tất cả cũng lại nghiêm chỉnh như cử hành một nghi thức tôn giáo. Nhưng lưng chừng bữa ăn, không khí bắt đầu vui vẻ, cởi mở hơn. Đánh bạo, tôi hỏi bố: “Cậu ơi, tại sao lại gọi là bún thang hở cậu?” Bố tôi cười, trả lời: “Con nhà thầy thuốc mà lại hỏi như thế. Chúc có thấy bát bún thang giống như một thang thuốc cậu cắt cho bệnh nhân không? Thang thuốc có nhiều vị thuốc trộn chung với nhau, còn bát bún thang thì có rất nhiều món bày biện cạnh nhau, hoà hợp với nhau.” Bố tôi giảng cho tôi nhưng cũng là giảng cho tất cả các con cháu.

Bác Giáo Khôi, vì là ông giáo nên lắm chữ nghĩa. Bác giảng thêm: “Cậu Chánh nói thật đúng. Tuy nhiên cũng còn một cách khác giải nghĩa chữ “thang.” Theo Hán ngữ, “thang” có nghĩa là “canh.” Vua quan hay những nhà giàu có ngày xưa sau một bữa tiệc ê hề rượu thịt thì được nhà bếp bưng lên cho một bát “thang” để ăn cho nó nhẹ bụng. Bát thang ấy nấu cầu kỳ lắm nên người mình cũng gọi thứ bún cầu kỳ này là bún thang. Ấy là bát bún hôm nay còn thiếu món nấm đông cô và quả trứng muối. Hai món này nhiều nhà dùng tới, nhưng bà nhà tôi cảm thấy nó nặng nề sao ấy nên lược đi mà không cho vào.”

Thế là chúng tôi được học thêm một bài học về ngôn ngữ.

Bác Giáo gái nhìn mọi người ăn uống ngon lành, có vẻ mãn nguyện. Bác nói: “Cái món bún thang này rất đặc biệt và cầu kỳ, thỉnh thoảng mới nấu một lần. Thế mà có người lại cho rằng món này nấu vào những ngày đốt tết, bao nhiêu thức ăn ngày tết còn thừa lại thì dồn vào mà nấu. Nói như thế là “phạm thượng” với thần khẩu và không biết điều với các bà nội trợ, những người xem hạnh phúc của mình là làm những món ăn ngon và cầu kỳ cho chồng con thưởng thức. Vả, tục ngữ ta cũng có câu “đầu năm ăn cuốn, cuối năm ăn thang” chứ đâu phải ăn món này vào những ngày đốt Tết.”

Mẹ tôi và bà Hồng Châu thì cứ xuýt xoa khen nước dùng thơm ngon quá và hết lời cám ơn bác Giáo gái đã truyền cho bí quyết nấu nước dùng này.

Ông Hồng Châu vốn là nhà thơ, ứng khẩu đọc hai câu lục bát:

“Thu về dùng bát bún thang,

Ngon sao ngon đến ngỡ ngàng miệng ai.”

Rồi ông hỏi: “Xin hỏi ông Chánh với lại ông Giáo, cái thứ làm cho món nước dùng ngon đến ngỡ ngàng miệng tôi lại có cái tên lạ lùng là “sá sùng.” Cái tên này ở đâu mà ra vậy?”

Trong khi bác Giáo Khôi gãi cằm tìm cách trả lời thì bố tôi đã nói: “Thực ra tên chữ Hán của nó là “sa trùng,” người mình đọc theo âm người Tàu họ nói là “sá sùng.” Sa là cát, trùng là các loại hình thể như con giun. Thành ra sá sùng, sa trùng là loài giun biển, chui dưới cát biển mà làm tổ.”

Cả ông Hồng Châu và bác Giáo Khôi đều đồng loạt nói: “À, ra thế!”

Ông Hồng Châu góp chuyện: “Tôi thì nghe nói cái thứ sá sùng này bổ dương, tốt cho quý ông. Có phải không ông Chánh?” Chả bố tôi là đông y sĩ mà.

Bác Giáo Khôi cười, nói to: “Cậu Chánh nhà tôi thì cần gì cái thứ sá sùng này. Nhà thầy thuốc, thiếu gì những vị bổ dương. Mợ Chánh nhỉ!”

Mẹ tôi xấu hổ đỏ hồng đôi má. (Lúc ấy tôi chả biết tại sao mẹ tôi xấu hổ.)

Bác Giáo gái nói: “Ông Giáo nhà tôi hôm nay nhắm rượu lại ăn bát bún thang có sá sùng nên nói năng tếu táo. Xin ông bà Hồng Châu với cậu mợ Chánh tha lỗi cho.”

Tôi thì chả để ý gì đến cái con sá sùng, sa trùng huyền bí, bổ lung tung kia, vì cứ để ý nhìn hai cô chị xinh đẹp. Chị Bích Khuê thì lim dim hai mắt, hình như chị nhắm mắt ngẫm nghĩ đến cái ngon, cái dịu, cái thanh, cái đẹp của bát bún thang. Chị Ngọc Quế thì hai mắt sáng long lanh, đôi má đỏ au còn miệng thì xuýt xoa khe khẽ vì chị vừa cắn phải (hay là chị cố ý, tôi không biết) một khoanh ớt đỏ như son, vị cay làm cong đầu lưỡi thanh xuân.

*

Sau bữa bún thang ấy cho đến nay, gần bảy mươi năm qua, chưa bao giờ tôi được ăn một bát bún thang ngon như thế, trong một bầu không khí thân mật, ngất ngây như thế.

Chiến cuộc khiến chúng tôi xa cách nhau. Rời quê hồi cư Hà Nội, gia đình tôi không gặp gia đình chị Bích Khuê, nhưng khi vào Nam đôi lần tôi loáng thoáng thấy chị mặc áo dài bằng lụa mỡ gà đi trên đường phố Sài Gòn. Hay là ông nhà thơ Nguyên Sa viết bài thơ “Áo Lụa Hà Đông” vì nhìn thấy chị Bích Khuê tôi:

“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát,

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.”

(Mà tôi nhận vơ như thế thì đã sao!)

Thế rồi tôi bặt tin chị. Chị Bích Khuê à, chị có nhớ ngày xưa, lâu lắm rồi, chị đã hứa với một đứa bé mắc “chứng” tủi thân hay khóc là “chị bênh vực Chúc suốt đời” không? Em bây giờ bị cuộc đời bắt nạt nhiều lần, sao chị không bênh vực em? Hay chị mải nấu bún thang cho một cái miệng phong lưu nào đó thưởng thức và quên mất đứa bé hay tủi thân này?

Còn gia đình bác Giáo Khôi thì vào Nam, cũng ở Sài Gòn. Hai gia đình chúng tôi đi lại thăm nom nhau cũng thường. Một ngày kia, bác Giáo gái đến nhà tôi, dẫn theo chị Ngọc Quế. Mặt chị buồn trông đến não lòng, khuôn mặt chị trắng hơn bình thường còn đôi môi hồng dường như nhợt nhạt. Bác Giáo vào gian bên trong vì gian ngoài là phòng tiếp bệnh nhân của bố tôi. Trong khi chờ bố tôi tiếp xong người khách, hai mẹ con ngồi im lặng không ai nói với ai câu nào.

Khi bố tôi xong việc, bước vào gian trong thì bác Giáo nói với bố tôi một cách nghiêm nghị: “Đấy! Cháu cậu đấy! Cậu liệu mà dạy nó.” Rồi bác kể đầu đuôi câu chuyện. Bố tôi được tiếng là người nghiêm nghị nhất họ nên nhà nào có con cháu cần răn bảo cũng đều đem lên nhà bố tôi.

Tôi biết tò mò là điều rất xấu mà sao vẫn cứ quanh quẩn gần đấy để nghe lóm chuyện. Đại khái thì chị Ngọc Quế yêu một thanh niên kia mà theo lời bác Giáo thì cậu ấy không xứng đáng với chị. Trong khi hai bác sắp xếp cho chị một chỗ khác “rất xứng đáng” để chị nâng khăn sửa túi cho người ta thì chị không bằng lòng.

Bố tôi làm mặt nghiêm, lạnh lùng hỏi chị mấy câu. Chị lí nhí trả lời những gì tôi không nghe rõ. Đợi cho bác Giáo xuống bếp chuyện trò với mẹ tôi, bấy giờ bố tôi mới ân cần nói với chị một cách hiền từ: “Nếu cháu thực lòng yêu người ta, yêu đến độ dám đánh đổi tất cả những gì cho một tương lai an nhàn sung sướng thì cậu cũng khuyên cháu nên trung thành với người ta. Cậu sẽ tìm lời thưa chuyện với bố mẹ cháu. Chỉ có điều… chỉ có điều cháu là thân con gái, liệu mà giữ gìn…” Chị Ngọc Quế vâng dạ mà khuôn mặt vẫn buồn lắm.

Nhìn chị, tôi chỉ mong chị được vui tươi, hạnh phúc mãi. Tôi nhớ đến khuôn mặt chị hôm ba gia đình dùng bữa bún thang: mắt chị lấp lánh như sao, hai má hồng lên, đôi môi mọng đỏ xuýt xoa. Chị hạnh phúc và đẹp một cách nồng nàn.

Tôi không biết những quả ớt của cuộc đời có làm cho chị Ngọc Quế tôi nếm vào mà thấy hạnh phúc không.

Quyên Di

Kim Phượng sưu tầm

Xem thêm...

Niềm Nhớ và… nhớ Tam Kỳ

Niềm Nhớ và… nhớ Tam Kỳ

 

Gần 40 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ gương mặt trái xoan của chị họ tôi.  Chị đẹp, hát hay, khéo tay, nói năng vui vẻ. Bởi vậy chị có bao nhiêu chàng theo đuôi mỗi khi ra đường.  Nhớ có lần tôi đi nhà thờ với chị. Đột nhiên chị bảo tôi, “Chờ chút!”

Chị quay ngược lại phía sau bảo một “cái đuôi”, “Anh làm ơn đừng đi theo tôi nữa. Có được không?” Tôi như con ngố nghĩ thầm, “Làm sao mà chị biết có người đi theo? Mà anh kia đi theo chị làm chi vậy?” Tôi chẳng biết chị đẹp có tiếng trong vùng. Tôi chỉ biết chị làm gì cũng đẹp. Chị bó rau muống bằng lá mía. Bó rau của chị nhìn to và xanh mướt. Chị làm bánh mứt thật ngon với những thứ rẻ tiền như khoai, dừa, thơm, tắc. Chị sửa áo dài của mẹ chị thành cái áo đầm dễ thương. Chị tự cắt tóc loà xoà trên trán và dùng những chiếc đũa làm những lọn tóc xoăn rơi xuống bờ vai…

Biết thân phận con nhà lý lịch hạng thứ 13 bởi cha đi tù cộng sản, chị nộp đơn thi Cao đẳng sư phạm. Vậy mà vẫn không được đi học dù đủ điểm đậu. Chị ở nhà phụ mẹ bán xôi một năm. Rồi chị bị bịnh trầm cảm. Nhớ lần cuối cùng tôi gặp chị. Chị nằm yên lặng trên nền gạch bông trong phòng hơi tối nhưng mát. Mẹ chị bảo chị đang ngủ. Đầu tháng 6, 1985, tôi rời Tam Kỳ vào miền Nam nắng nóng. Cuối tháng 8, một người bạn đến thăm. Trước khi ra về, bạn báo tin chị đã tự vẫn. Năm ấy chị mới 19 tuổi… Bạn về, tôi ngẩn ngơ không tin đó là sự thật. Và tận đến bây giờ, trong những giấc chiêm bao, tôi vẫn thấy chị nhoẻn miệng cười vui vẻ với tôi.

 

Rất lâu tôi không về thăm Tam Kỳ. Dường như mọi thứ đã chìm sâu trong dĩ vãng. Những kỷ niệm đã bị chôn vùi dưới những bề bộn lo toan của cuộc sống. Tôi chẳng có thì giờ để chơi facebook gặp nhau với ai cả. Những ngày tết mới gọi điện thoại thăm một vài cô bạn thân.

Năm 2015 bạn bè Tam Kỳ liên lạc với tôi và rủ về họp lớp. Vì được báo trong thời gian quá ngắn, tôi không thể về được. Bạn bè thương tình gởi cho hình ảnh bạn bè ngày xưa họp mặt vui nhộn. Thế là những kỷ niệm ngày xưa lại ùa về. Rồi hình ảnh của chị lại hiện ra, rồi lại nhớ. Một ngày Tháng Mười 2015, dầu rất bận rộn với công việc ở chỗ làm nhưng chẳng biết tại sao tôi lại nhớ chị đến lạ. Không ngăn được nước mắt, khóc mấy lần….

Rồi một giai điệu cứ lẩn quẩn trong đầu. Phải viết ra, phải hát thành tiếng. Và tôi đã viết bài Nhớ Tam Kỳ như vậy đó. Viết xong thì gởi cho chị em tôi, các anh họ và một vài người bạn thân trong nhạt nhòa nước mắt.

NHỚ TAM KỲ

Nơi phương xa, nhớ về Tam kỳ. 

Nhớ dòng sông lượn lờ, nam thị xã

Nhớ hàng xưa, xinh xắn dáng em ngoan,

Tay lùa hoa vàng, vương trên tóc mai

 

Bao năm qua, nhớ hoài giờ tan trường.

Đường Nguyễn Du tung tăng đàn bướm trắng

Em thơ ngây, đạp xe đi trên phố

Nét hồn nhiên, cho ai đứng ngu ngơ

Chiều Phường Một, em đùa vui trong nắng

Ai làm thơ, mơ dáng em hiền.

 

Em ra đi, lúc mùa thu về

Cúc vàng thôi buông, ban công Huỳnh Thúc Kháng

Tôi chia tay Tam kỳ, sân ga vắng

Lá bàng đong đưa, dường như em vẫy tay.

Chị ra đi vào tháng 7, nhưng đến cuối tháng 8 tôi mới biết tin. Vì vậy trong đầu tôi lúc nào cũng nhớ là chị đã ra đi vào mùa thu. Mấy năm trước đó, anh của chị tìm được ở đâu mấy nhánh cúc vàng đem về trồng dọc theo lan can trên lầu nhà chị. Mùa thu hoa vàng nở đầy trên những mắt lá rũ xuống khỏi lan can gần cả thước. Bao nhiêu cái đầu ngoái nhìn chuỗi cúc vàng buông lơ lửng trong nắng gió thu trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Chị đi rồi hình như hoa cũng không còn nữa. Nhớ lần chị đi chụp hình trong Phường Một với bạn bè và cho tôi xem những tấm hình vui tươi hồn nhiên của chị. Một trong những tấm hình của chị được làm hình mẫu đăng trong một tiệm chụp hình ở Tam Kỳ hồi đó. Có lẽ những hình ảnh đó đã gợi cho tôi ý tưởng để viết bài hát “Nhớ Tam Kỳ”.

Dầu hát không hay lắm nhưng năm 2017 tôi nhờ đứa cháu đàn để hát thu lại. Đang hát thì nghẹn lại không hát được. Đứa cháu không biết tiếng Việt nên không hiểu nội dung bài hát. Nó phải dừng lại mấy lần vì không biết tại sao tôi khóc. Nó hỏi, “Dì có sao không vậy?” Tôi kể cho nó nghe về chị họ tôi. Có lẽ nó hiểu một chút nên đổi lại hoà âm khúc mở đầu nghe có vẻ xa lắng hơn. Tôi để bài hát lên YouTube và gởi cho bạn bè Tam kỳ nghe. Một người bạn nhắn tin, “… Về lại Tam Kỳ một lần đi nhỏ à. Về thăm mộ Bé, gặp lại Tam Kỳ, nhìn đất nhìn người . . . Nhiều năm ở xa, có khi rất nhớ, như có điều gì missing and incomplete. Khi về, chạm lại đất xưa, gặp người gặp mình, sẽ thấy whole again.” Lừng chừng mãi và cuối cùng tôi cũng mua vé để về thăm Tam Kỳ năm 2020. Nhưng Covid tới. Thế là chuyến đi bị huỷ bỏ dường như là vĩnh viễn.

Năm 2022 gặp lại một cô bạn học cùng lớp. Bạn kể về bạn bè những năm tôi xa Tam Kỳ. Ký ức lại quay về rõ ràng như thể chuyện xảy ra hôm qua. Bạn nhắc lại con đường nhà tôi ở ngày xưa và dĩ nhiên là có chị. Tôi nhớ ngày xưa chị có bao nhiêu người theo đuổi và có một vài người trong số đó bây giờ vẫn còn nhớ đến chị. Và cũng trong năm 2022 cậu con trai tôi học đàn bài “A Comme Amour”. Tôi nghe thích quá mà không tìm thấy lời Việt nên ngẫu hứng viết lời Việt cho bài đó và đặt tên là Niềm Nhớ.

Cứ nghe nhạc là lời tuôn ra. Dường như những câu chuyện về chị đã xuất ra thành lời. Tôi cũng có tập tành viết lời Việt cho một vài bài Thánh ca nhạc Mỹ tôn vinh Chúa. Thường thì những bài đó tôi viết rất lâu. Có bài viết đến vài tháng. Nhưng tôi viết bài “Niềm Nhớ” rất mau.  Viết mau đến nỗi cứ tưởng mình nhớ bài này ở đâu. Tôi phải hỏi bác Lâm Viên và cô Vĩnh Phúc để biết chắc là bài “A Comme Amour” không có lời Việt.  Cô Vĩnh Phúc đã gởi cho cái link hát bằng tiếng Pháp. Thế là tôi hát chồng lên đó để thu bài “Niềm Nhớ”.

Dầu biết rằng, đã có bài “Niềm Nhớ” của Trịnh Nam Sơn, tôi vẫn muốn đặt tựa đề của bài hát như vậy. Phải! Đó là những niềm nhớ của tôi và những người biết về chị đã nhớ chị, một người đẹp của Tam Kỳ đã ra đi rất sớm. Những niềm nhớ về những tháng ngày vui tươi hồn nhiên cũng như những ước vọng học hành của chị. Những niềm nhớ cứ còn hoài trong tôi tưởng như không dứt ra được.

Vậy mà tôi đã quên mất bài hát đó! Tháng 5, 2024 tôi về thăm Tam Kỳ. Những chốn cũ của tôi ngày xưa hoàn toàn bị xoá bỏ. Tam Kỳ bây giờ là một thành phố đông đúc chẳng có một chút dấu vết gì của thị xã nhỏ bé của tôi ngày xưa. Nhưng may mắn thay, bạn bè của tôi vẫn còn ở Tam Kỳ. Và tôi đã tìm thấy được một chút Tam Kỳ xưa. Tôi đến thăm mộ chị, nằm chen chúc giữa rất nhiều ngôi mộ khác ở Gò Trời. Tôi cầu nguyện nơi mộ chị và không ngăn được nước mắt rơi. Tôi nghe mình lặp lại những lời cầu nguyện của mẹ chị gởi gắm cho tôi khi biết tôi về thăm Tam kỳ. “… Xin Chúa cho chúng con gặp lại chị nơi nước Ngài vì chị đã một lần mở lòng ra tiếp nhận Chúa…” Tôi cảm thấy thương tiếc chị vô cùng!

Khi về nhà, dầu bận bịu với gia đình và công việc ở chỗ làm, đầu óc tôi vẫn nhớ đến chị. Thương chị nằm nơi đó một mình vì gia đình và họ hàng nhà tôi không còn ai ở Tam kỳ nữa.

Rồi một hôm, khi tôi làm video cho hoa trong vườn nhà, thấy bài “Niềm Nhớ” nổi lên. Tôi ngỡ ngàng khi nghe bài hát. Không nhớ tại sao tôi lại có được ca từ như vậy. Dường như tôi đã viết bài này trong mơ! Tôi phải lục lại những email trao đổi với mọi người để tìm lại những ý tưởng và để viết những dòng này. Xin lưu ý là tôi không dịch bài “A Comme Amour” nhưng chỉ dùng nhạc của bài đó để viết bài “Niềm Nhớ” cho chị Thanh Vân – chị họ của tôi.

Cảm ơn Nhi Sa đã gợi ý đổi một vài chữ để lời đi với nhạc nghe hay hơn nhiều. Mời mọi người cùng nghe và hát bài “Niềm Nhớ” với tiếng đàn guitar của Nhi Sa.

NIỀM NHỚ –  Lời Việt : Thuỷ Như

(Nhạc Pháp: A COMME AMOUR – Paul de Senneville and Olivier Toussaint)

Người hỡi!  Có nhớ ta chăng những hôm đầy mưa?
Người ơi! Có biết ta luôn bâng khuâng những đêm đầy sao?
Còn nhớ, tiếng hát ai vang xa xôi, sáng trong mùa trăng
Thấm trong hồn tôi, giọng hát bay cao, xa ngàn khơi.

Người hỡi!  Có nhớ ta chăng những hôm đầy mưa?
Người ơi! Có biết ta luôn bâng khuâng những đêm đầy sao?
Và ta còn nhớ, tiếng hát ai vang xa xôi, sáng trong mùa trăng
Thấm trong hồn tôi, giọng hát bay cao, xa ngàn khơi.

Ngày ấy, lòng ta vấn vương thương một tiếng cười
Lòng ta ước mong bên một dáng hình
Lòng ta ước mơ đi cùng với người
Lòng ta ước mãi bên người thôi

Tìm trong năm cũ, ngày tháng ấy tươi vui hồn nhiên thật
Giờ ngồi nhớ tuổi thơ vui vô tận
Mình rong ruổi những con đường quen thuộc
Nào đâu biết chia tay biệt ly
Thế gian đổi thay, (lòng vẫn không quên những ngày xưa)

Người hỡi!  Có nhớ ta chăng những hôm đầy mưa?
Người ơi! Có biết ta luôn bâng khuâng những đêm đầy sao?
Còn nhớ, tiếng hát ai vang xa xôi, sáng trong mùa trăng
Thấm trong hồn tôi, giọng hát bay cao, xa ngàn khơi.

Người hỡi!  Có nhớ ta chăng những hôm đầy mưa?
Người ơi! Có biết ta luôn bâng khuâng những đêm đầy sao?
Còn nhớ, tiếng hát ai vang xa xôi, sáng trong mùa trăng
Thấm trong hồn tôi, giọng hát bay cao, xa ngàn khơi.

Nhớ nhiều, ngày xưa cũ vui tươi cùng bao ước vọng
Một mơ ước lang thang tận cuối trời.
Một đôi mắt trong veo rạng rỡ cười.
Ngày xưa cũ không bao giờ phai.

Thủy Như

Như Tuyền sưu tầm

 

Xem thêm...

Chuyện Tình Buồn - Yên Sơn

  • Chuyện Tình Buồn
    Yên Sơn

Viết thay lời tiễn đưa

Nó – Nguyễn Văn B – là bạn dài lâu với tôi kể từ thời “bỏ thuyền bỏ bến bỏ dòng sông” để gia nhập Không Quân. Dù là quen biết nhau lâu dài như thế, tôi và nó không thân cận với nhau cho lắm chỉ vì tính nó rất bốc đồng, ngang ngạnh, thích cãi bướng, lúc nào cũng cho rằng mình đúng trong khi đó, tính tôi lại rất ít kiên nhẫn, dở chịu đựng, hay nổi quạu với những trái ngang.

Chẳng những cùng Đại đội, cùng Trung đội trong giai đoạn học quân sự vỡ lòng ở Quang Trung, khi mãn khoá về ở chung lều vải học sinh ngữ, ra trường cùng lúc, đi Mỹ cùng lúc, vào trường bay cùng thời, ra trường bay cùng lúc tại Keesler, tiểu bang Mississippi. Sau đó chúng tôi mới chia tay, mỗi đứa đi một trường bay khác theo loại máy bay mình chọn. Thế rồi bặt tăm nhau cho tới một ngày, rất tình cờ, tôi tới tham dự buổi sinh hoạt của một đảng phái chính trị ở Houston, tôi gặp lại nó với bí danh “Nguyễn Phan Thành”.

Gần 20 năm sau mới gặp lại nhau nơi đất khách quê người, tình nghĩa bạn bè xưa, chiến hữu cũ đã kéo tôi với nó lại gần với nhau, dù tính tình mới chỉ đầm hơn một chút. Cả hai cùng thích sinh hoạt Cộng đồng. Khi sinh hoạt chung trong Trung Tâm Văn Bút Nam Hoa Kỳ – có trụ sở đặt tại Houston – nó lại dùng bút hiệu “Nguyễn Phan Thành”.

Xin mở ngoặc ở chỗ này để kể một chuyện vui, minh chứng bản tính của nó.

Có lẽ vào khoảng năm 2000, nó rủ tôi cùng đi với nó lên Austin thăm một bạn văn. Anh bạn này đang là Chủ tịch của trung tâm Văn Bút Nam Hoa Kỳ. Trong lúc ăn uống, nó và anh bạn cãi nhau về một khía cạnh chính trị. Cãi càng lúc càng to tiếng, tôi cố giải hoà và nói rằng điều nó cãi không mấy hợp lý, xin bỏ qua. Thế là nó nổi giận đùng đùng, ra lấy xe chạy thẳng về Houston một mình. Báo hại anh bạn Austin phải lấy xe đưa tôi về lại Houston, một đoạn đường 3 tiếng mỗi chiều chạy xa lộ.

Tôi và nó lại… giãn ra cho tới giữa năm 2002. Tôi mở trường võ gần nhà của nó, ở thành phố Spring, TX. Nó tình cờ biết được nên ghé ngang trường võ thăm tôi. Lúc này biết nó đã ly dị với vợ cũ và có vợ mới. Cô vợ mới này, qua tiếp xúc thấy cô rất điềm đạm, có học thức, dễ thân thiện. Thế nhưng, qua lại thăm viếng với nhau mấy lần thì bỗng mất liên lạc. Đến năm 2007, tôi tổ chức Hội Ngộ 38 năm SVSQ Không Quân, khoá Quang Trung Nguyễn Huệ lần đầu tiên, nó xuất hiện ghi danh tham dự. Anh em tay bắt mặt mừng, tiếp tục qua lại chơi với nhau nhưng cũng không thể thân thiết hơn được vì tính khí hai bên vẫn có nhiều dị biệt.

Một lần nữa, tôi lại tổ chức Hội Ngộ lần thứ 44 của nhóm ở Houston nhưng không ai biết nó ở đâu mà tìm. Cho tới một ngày, tôi đang dạy lớp thì nó mang một cô nương rất trẻ và một bé trai khoảng gần 2 tuổi tới võ đường… Nó biểu thằng bé, “Con chào bác đi!” Tôi tưởng nó đưa con dâu và cháu nội của nó đến thăm tôi nên mau miệng, “Nó phải gọi tao bằng ông chứ sao lại là bác?” “Đây là vợ con tao đó!” Tôi chưng hửng, ngó cô nhỏ, cô nhỏ cúi mặt ngó đất.

Nói chuyện qua loa một lúc rồi tôi phải dạy lớp, gia đình nó loanh quanh thêm một lúc rồi từ biệt ra về, hẹn gặp nhau lúc khác.

Khi gặp nhau lần sau, nó cho tôi biết là đã ly dị với bà thứ hai, về VN cưới cô nương này. Cô ấy sinh cho nó thằng cu tý đã gần hai tuổi, mới mang qua Mỹ.

Có một lần, bạn cùng khoá tới thăm Houston, tôi lại kêu gọi anh em đồng môn họp mặt nhà hàng dùng cơm trưa. Trong dịp này, nó trang trọng giới thiệu vợ con nó với mọi người. Nhưng sau lần này, nó lại biệt tăm, không ai tìm được nó khi có dịp họp mặt, kể cả Kỳ Hội Ngộ Kỷ Niệm 50 năm của khoá.

Mấy ngày đầu tháng 4/2020, H., một người bạn cùng khoá với chúng tôi, gọi cho biết là người vợ hứa hôn của nó vừa báo cho biết là nó bị đột quỵ vài ngày qua, đang nằm chờ chết trong bệnh viện! Tôi lại quá bất ngờ, “Vợ hứa hôn có nghĩa là gì? Vậy vợ con của nó đâu?” “Cô nương đem bên Việt Nam qua đã ly dị nó lâu rồi, nó mới gặp lại chị này là bạn học thuở xưa thời Trung Học của nó.” Cả đời làm bạn với nó, nó toàn cho tôi hết ngạc nhiên này tới bất ngờ khác!

Sở dĩ H. gọi cho tôi vì tôi được anh em đồng môn áp đặt làm phát ngôn nhân cho khoá. H. muốn tôi thông báo cho anh em cùng khoá biết tin xấu. Nghĩ đến việc nó hiếm khi sinh hoạt và rất ít liên lạc với anh em cùng với hoàn cảnh hiện tại – dịch Vũ Hán đang ở đỉnh cao – nên ngần ngừ nói với H.:
– Hoàn cảnh bây giờ đâu có làm gì được; hơn nữa không biết bao nhiêu anh em còn nhớ nó?
– Cứ thông báo cho anh em biết vậy thôi.
– OK, tao sẽ viết ngay thông báo.

Tôi viết thông báo thì được một số anh em giới hạn có quen biết nó, gửi thư “góp lời cầu nguyện” cho nó tai qua nạn khỏi. Không một ai, kể cả tôi, có bất cứ một chi tiết nào khác về tình cảnh của nó hiện tại cũng như gia đình và thân nhân của nó, ngoài thông tin giới hạn H. đã nói. Tôi chạnh lòng nghĩ, “Nó đã chọn sống riêng lẻ, lúc cuối đời cũng phải chịu riêng lẻ. Cả xã hội chung quanh đều bị cấm túc tại gia thì có muốn tìm đến nó cũng không thể. Thực tế là vậy. Hoàn cảnh hiện tại của tôi cũng bi đát không kém. Tôi có bà Dì vợ, là người thay mặt Ba Mẹ vợ làm đám cưới cho chúng tôi, thân thiết là vậy mà khi bà nằm xuống vài tuần qua, sau khi dự đám tang riêng tư với gia đình các con Dì ở nhà quàn, vợ chồng chúng tôi cũng không thể – ngay cả mấy con của Dì – tham dự thất tuần cho Dì như đáng lẽ phải có. Ai lỡ ra đi trong lúc này cũng đều cô lẻ như nhau; và đó là một điều đáng ân hận.

Hai hôm sau tôi nhận một cú điện thoại:
– Anh T. ơi! Em là T. đây. Anh có nhớ T. là bạn của NN ở New Orleans mà có lần anh đã tới nhà với họ trong dịp hội ngộ Trung Học PBC không?
– Tôi cố nhớ nhưng nhất thời không nhớ T. là người nào dù vừa trực nhớ lần đi với nhóm bạn học Phan Thiết của NN tới nhà một người, nhưng lâu quá rồi, hẳn chừng cả chục năm hơn.

Tôi đang ngập ngừng thì T nói thêm:
– T. biết bây giờ gặp lại chắc anh nhớ liền.
– Vâng, có gì không T.?
– Dạ em là vị hôn thê cuối cùng của anh B. nè!

Tôi ngớ người một lúc rồi nghe tiếng sụt sịt đầu dây bên kia:
– Dạ em gọi báo anh biết là anh B. em đã “ra đi” rồi. Anh H. có báo anh hôm trước phải không?
– À có! Tôi cũng đã thông báo với anh em cùng khoá và một số anh em có góp lời cầu nguyện. Vâng, chỉ là cầu nguyện vậy thôi chứ không có tin tức người thân nào của nó nên chẳng biết liên lạc với ai.
– Từ đây anh giữ số này của em để biết chỗ liên lạc.
– Rồi bây giờ T. tính sao?
– Em đâu tính sao được! Theo chị P. và thằng Tèo con anh ấy, đồng ý hoả táng rồi đem tro cốt về Chùa gửi chờ tới sau mùa dịch sẽ đem về VN. Em biết là không ai có thể thăm viếng gì được, chỉ báo cho các anh biết vậy thôi. Hơn nữa, những ngày trước khi ảnh bị đột quỵ, ảnh lại nhắc đến anh và những người bạn cùng khoá đang ở Houston.
– …
– Em sẽ là người lo tang lễ cho ảnh vì không thấy chị P. nói gì; còn thằng Tèo – con trai nhỏ của ảnh và chị P., cũng đang ở Houston – hoàn toàn không biết gì để nói.
– Cho tôi số điện thoại của thằng Tèo và bà P.?
– Dạ, em có, anh ghi xuống đi.

Tôi ghi xong số điện thoại rồi hỏi tiếp:
– Tôi có thể giúp gì được cho chị không?
– Dạ, có lẽ nhờ anh giúp viết giùm một bản “Cảm Tạ”.
– Cảm Tạ hay Cáo Phó?
– Dạ “Cảm Tạ” vì Cáo Phó không biết để làm gì. Khi mọi việc xong em sẽ gửi đài phát thanh đọc bản Cảm Tạ này.
– Không “Cáo Phó”, không “Phân Ưu” thì cần gì phải “Cảm Tạ”?
– Dạ, thì bản Cảm Tạ thay Cáo Phó để mọi người có liên quan, liên hệ tới ảnh biết.
– Vậy thì cho tôi những chi tiết cần thiết cho bản “Cảm Tạ”.
– Em sẽ nhắn tin cho anh.

Sau khi cúp với T., tôi gọi P. – bà vợ đầu tiên – không thấy bắt máy. Gọi Tèo (tôi đã gặp nó mấy lần nhưng lâu lắm rồi không biết nó còn nhớ hay không. Thằng con lớn của hai người đang ở VN.) Tèo cho biết đang trên đường tới nhà Ba nó để thu xếp đồ đạc. Nó cho biết là đồng ý hoả táng như mẹ nó và cô T. nói. Thực ra tôi không có gì để nói thêm với nó ngoài những lời chia buồn sáo rỗng. Tôi dặn Tèo có thể gọi tôi bất cứ lúc nào nếu có điều gì cần đến tôi.

Tôi viết thông báo lại lần nữa trên diễn đàn của Khoá. Cho số điện thoại của những người liên hệ với B. để anh em tuỳ nghi liên lạc. Buổi tối tôi nhận được tin nhắn chi tiết của T., tôi thảo nháp bản Cảm Tạ xong gửi lại cho T. để điền vào những chi tiết còn chưa biết.

Mấy hôm sau, T. gọi cho tôi biết là mọi chuyện đã xong. Tham dự tang lễ ngoài T., còn có người vợ đầu tiên của nó và vợ chồng thằng con trai mà thôi. Xong T. đưa tro cốt về Chùa, gửi luôn tất cả chi phí làm thất tuần để nhờ nhà chùa thay gia đình cầu siêu cho nó. Lệnh của tiểu bang cấm tụ tập nên Chùa đóng cửa với bá tánh. T. có nói là khi Chung Thất mà được phép đi lại thì T. sẽ thông báo tôi biết để báo cho bạn bè nếu ai muốn đến tham dự.
Rồi T. tiếp tục kể.

Ngày xưa em với ảnh học cùng trường Trung học PBC ở Phan Thiết. Em biết ảnh rất muốn làm quen với em nhưng không được vì cả hai đều có tính nhút nhát như nhau; nhất là em, dù cũng có cảm tình với ảnh nhưng vì quá mắc cỡ nên không dám mở lời. Mỗi lần thấy ảnh đi theo đàng sau em là em mắc cỡ, sợ quýnh và cố trốn tránh vì không muốn bạn bè đồn đãi lung tung, dù trong lòng cũng có cảm tình với ảnh. Và cứ thế cho đến hết Trung học, ảnh gia nhập Không Quân.

Mới đây ảnh còn nhắc là khi về nước, ảnh nói quyết tâm tìm kiếm em nhưng không được. Không lâu sau, ảnh bắt buộc phải lập gia đình với chị P. vì chị P. có bầu sau một dịp tiệc tùng quá chén.

Mấy năm sau, ở Saigon, trong lúc tình vợ chồng có nhiều trắc trở, ảnh đang chán đời thì gặp một người bạn học chung lớp ngày xưa cho ảnh biết là em cũng đang theo học đại học ở Saigon và “hình như” đang ở trong khu cứ xá Thanh Đa. Ảnh năn nỉ bạn chở đi tìm gặp nhưng không gặp.

Rồi nước mất nhà tan, ảnh theo đoàn người vượt thoát sang Mỹ. Sau bao nhiêu năm trầy tróc xây dựng lại cuộc sống mới, hai anh chị ly dị. Mấy năm sau ảnh tái hôn với một người đàn bà đã có một con riêng. Người này tính tình hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ, đối xử với bạn bè rất chừng mực, thân thiện. Nhưng rồi, chỉ vì tính tình hai người có quá nhiều khác biệt nên đành phải chia tay sau nhiều năm chung sống. Mấy năm sau trong dịp về thăm quê hương ảnh gặp một cô gái trẻ và có con với cô này; ảnh làm đám cưới và đưa cô ta sang Mỹ. Ăn ở với nhau vài ba năm, cô này lại ra toà xin ly dị rồi dẫn con đi biệt tích. Ảnh lại thui thủi sống một mình.

Hơn 10 năm trước, trong dịp ảnh làm trong Ban Tổ chức Hội ngộ Trung Học PBC ở Houston… em và ảnh gặp lại nhau. Ảnh nói lúc đó ảnh vui mừng quá đỗi nhưng khi biết em đang có gia đình êm ấm, ảnh thất vọng tránh xa. Thực ra, lúc gặp lại ảnh em cũng mừng lắm nhưng biết thân phận mình nên cũng chỉ chào hỏi qua loa vậy thôi. Rồi cách đây khoảng 5 tháng, rất tình cờ em gặp anh H. Em biết anh H. rất thân với ảnh nên hỏi thăm về ảnh và xin anh H. số điện thoại của ảnh để có dịp thuận tiện sẽ liên lạc. Anh H. loay hoay mở điện thoại tìm số lỡ tay bấm gọi cho ảnh. Nghe anh H. nói với ảnh em đang có mặt tại chỗ, ảnh mừng quá, biểu hai người chờ ảnh xách xe chạy tới liền.

Thế là em với ảnh cuối cùng cũng đã gặp lại nhau. Kể từ lúc gặp lại nhau, ảnh biết em trong hoàn cảnh đơn chiếc và ảnh cũng lẻ loi một thân trơ trụi… Thế nên, khi bị ảnh tấn công tới tấp khiến em xiêu lòng. Tình cũ nghĩa xưa lại có dịp bừng sống lại, lôi kéo hai tâm hồn cô đơn gắn bó với nhau. Cuộc đời tình ái của em cũng trải qua quá nhiều lận đận nên dễ có sự cảm thông, gần gũi. Từ lúc gặp lại nhau, ảnh cũng vui vẻ hẳn lên và em cũng tưởng hạnh phúc cuối đời đã thật sự gõ cửa tụi em.

Tôi ngắt lời T.
– Vậy T. lập gia đình từ lúc nào?

Sau 30 Tháng Tư, 1975 em bị bắt buộc phải lập gia đình với một người không yêu. Dù đời sống vật chất không cơ khổ như nhiều người khác nhưng cuộc sống vợ chồng chỉ là những oan trái, cay đắng triền miên. Em bị chồng và gia đình chồng ngược đãi tàn tệ đến nỗi em phải xin ly dị. Vài năm sau em may mắn gặp được một người chồng mẫu mực, yêu vợ thương con hết lòng. Chồng của em trước kia có làm việc với Quân Đội Mỹ nên được phía Mỹ bảo trợ; tụi em qua đến Mỹ vào năm 1992 và cuối cùng định cư ở Houston. Tưởng đời sống bình lặng như thế cho tới cuối đời, đâu ngờ hơn năm trước, ông xã em qua đời sau nhiều tháng bệnh nặng, con em đã có gia đình riêng, để lại cho em một nỗi cô đơn trống vắng không biết làm sao bù đắp nỗi.

Gặp lại ảnh trong hoàn cảnh hiện tại em cũng rất vui mừng. Ảnh kể một cách thành thật tất cả những gì anh ấy đã kinh qua trong suốt cuộc đời kể từ ngày rời khỏi mái trường PBC làm cho em thương cảm nhiều hơn. Em nguyện với lòng sẽ thương yêu và cố gắng bù đắp những mất mát cho ảnh cho tới cuối đời.

Cách đây khoảng hơn ba tháng, sau những toan tính tương lai, em nói với ảnh trả căn phòng ảnh đang thuê, dọn về ở với em vì em có sẵn nhà lại chỉ có một mình. Ảnh miễn cưỡng đồng ý và nói chỉ ở tạm một thời gian ngắn rồi sẽ tìm mua một căn nhà nhỏ gọn cho em về ở chung. Ảnh đề nghị em nên bán căn nhà quá rộng của em và nói rõ là ảnh hoàn toàn không cần ở em bất cứ thứ gì ngoài tình yêu. Ảnh nói ảnh có tiền và không muốn mang tiếng bám vào em. Em cũng nói với ảnh, em cũng không đòi hỏi bất cứ đều gì ở ảnh.

Vì thấy tình cảnh đáng thương của ảnh nên em cũng đồng ý thuận theo. Anh ấy dọn tới ở chung không bao lâu thì mua được nhà. Tụi em vừa lo mua sắm, trang trí cho căn nhà mới vừa bàn tính chuyện hợp thức hoá danh nghĩa vợ chồng bằng một cái tiệc nho nhỏ, thân mật mời tất cả anh em bạn bè đến tham dự. Ảnh công nhận đã có lỗi với bạn bè, nhất là những người anh em cùng khoá cũng chỉ vì hoàn cảnh gia đình vợ con của ảnh có quá nhiều vấn đề nên ảnh mặc cảm và tự ái, trốn tránh hết bạn bè là vậy. Ảnh dự định sẽ mời các bạn thân, đặc biệt các anh cùng khoá, hiện đang ở Houston đến tham dự và sẽ nói lời tạ lỗi…

Ai ngờ đâu cách đây mấy hôm, khi đang nằm ngủ, bỗng ho sặc sụa một lúc khá lâu, rồi ảnh nói không xoay người được, không ngồi dậy được… Thấy tình trạng không ổn, em gọi 911 đưa vào bệnh viện cấp cứu; nhưng kể từ lúc đó ảnh đi vào tình trạng hôn mê luôn. Nhà thương và Bác sĩ làm mọi cách nhưng… đành bó tay. Sau cùng Bác Sĩ nói mạch máu trong đầu của ảnh bị vỡ nặng, vô phương cứu chữa. Em gọi báo tình trạng của ảnh cho thằng Tèo và chị P. Chị P. nói nếu không thể cứu chữa được thì đành thôi, sẽ thiêu rồi có dịp đưa tro cốt về VN cho bên gia đình ảnh nhưng hoàn toàn không đề cập gì đến việc chung sự của ảnh. Thế là em tự xoay trở mọi thứ rồi báo cho chỉ và cháu ngày hoả táng.

Nói tới đây thì khóc nghẹn ngào. Tôi khuyên giải rán bảo trọng sức khoẻ, vì dù gì nó cũng đã thong dong ra đi, có được người tri kỷ lo việc hậu sự đã là một phúc phần không nhỏ. Thử tưởng tượng không có T. bên cạnh chắc tình cảnh của nó chắc là thê thảm ghê lắm.

Thành khóc nói:
– Hy vọng dịch bệnh chấm dứt sớm. Nếu ngày lễ Chung Thất của ảnh mà được đi lại tự do, em sẽ nhờ anh mời tất cả quý anh đến tham dự.
– Vâng, tôi cũng hy vọng vậy. Chắc chắn không mời anh em chúng tôi cũng hú nhau đến.

Cúp điện thoại với T., tôi ngồi bâng khuâng nghĩ về mối tình của thằng bạn tôi và người phụ nữ này. Mối tình duyên có chiều dài hơn nửa thế kỷ. Quả thật đây là một trong nhiều mối tình huyền thoại; một nợ duyên lạ lùng và có cái kết hơi bất công. Từ một mối tình câm nín thuở học trò ở một tỉnh lỵ Miền Trung nước Việt, rồi thân phận hai người bị trôi giạt trong dòng đời, mỗi người mỗi ngả với tình duyên ngang trái gập ghềnh, để cuối cùng đoàn tụ với nhau ở một quê hương thứ hai, cách xa nghìn trùng! Chỉ tiếc họ có nhau vỏn vẹn hơn 3 tháng ngắn ngủi.

Nếu T. không kể lại chắc tôi cũng không biết là nó vì tình duyên lận đận nên buồn chán mà xa lánh anh em, bạn bè. Và tự nhiên tôi tỉnh ngộ ra, tình yêu của nó dành cho T. quả nhiên sâu sắc; lấy tên của người trong mộng để làm bút hiệu khi sáng tác văn thơ. Dùng tên của người yêu để làm bí danh sinh hoạt chính trị. Tôi nhớ lại có một lần tôi bất ngờ hỏi nó, “Tại sao mầy là dùng bút hiệu Nguyễn Phan Thành cho thơ và cả bí danh khi sinh hoạt chính trị?” Nó chỉ cười rồi nói một câu trớt quớt, “Tên nào cũng là tên, mầy thắc mắc chi vậy!”

Nhưng nghĩ cho cùng, ít nhất nó cũng được toại nguyện với mối tình đầu cả đời canh cánh bên lòng, dù thời gian quá ngắn cho hai người kịp vun bồi cho một hạnh phúc… xanh xao! Thực ra, ở tuổi chúng tôi, được ra đi nhẹ nhàng, êm thắm trong tình yêu như nó cũng là một ân phước vô cùng mà không phải ai cầu xin cũng được. Chỉ tội nghiệp cho T., nỗi vui hoà hiệp chưa kịp nói thành lời, nụ tình chưa kịp nở hoa, tình duyên lận đận hoàn lận đận, và nỗi cô đơn chắc chắn càng cô đơn hơn trong những ngày tháng thênh thang phía trước.

Thật là một cuộc tình buồn. Cầu mong T. vượt qua và vui sống tiếp quãng đời còn lại. Hãy tự an ủi mình rằng, “Em đã làm tròn bổn phận của một người được anh yêu mến, là người đầu tiên anh yêu và cũng là người cuối cùng anh yêu, dù cả hai chúng ta đã trải qua bao nhiêu cuộc tình không trọn vẹn trong đời. Và em lại là người cuối cùng lo lắng cho anh, cùng tiễn anh về một đời sống khác, nơi không còn những khổ đau, phiền luỵ của kiếp con người.”

B., tao ngồi đây tưởng nhớ tới mầy, tới những kỷ niệm vui buồn trong suốt quãng đời từ ngày chúng mình quen biết – gần 52 năm chứ ít ỏi gì! Những niềm vui tụi mình có với nhau, những buồn phiền tao có ở mầy mà thấy lòng thanh thản. Ở cõi mênh mông nào đó, mầy hãy luôn quan tâm, phò hộ cho T., giúp nàng vượt qua những đớn đau mà mầy vô tình để lại. Tao tin, duyên phận của người với người đều do một nghiệp lực tiền định nào đó chứ không phải vì ngẫu nhiên hoặc vô tình, hữu ý.

Vì mầy ra đi trong lúc đại dịch hoành hành, không ai có thể hiện diện tống tiễn, tao viết bài này, thay mặt anh em đồng đội, chiến hữu của chúng ta nói lời tiễn biệt sau cùng, đưa tiễn linh hồn mầy an vui về cõi Tịnh Độ.

Kingwood, ngày cuối Tháng Tư, 2020

Xem thêm...

CHIẾC LÁ TÌNH MÙA THU- Nguyễn Thị Thanh Dương

CHIẾC LÁ TÌNH MÙA THU

Nguyễn Thị Thanh Dương

Mùa Thu có hàng triệu lá vàng, lá đỏ,
 
             Nhưng em chỉ thương một chiếc lá của anh,
 
             Anh đã trao em lần tình cờ gặp gỡ,
 
             Em sẽ giữ hoài làm kỷ niệm trăm năm.
 
 
 
Tôi thức dậy, trời đã sáng từ lâu. Đêm, trước khi ngủ, tôi thích cuốn blind lên  khung cửa, vì phòng ngủ trên lầu, để khi thức dậy tôi có thể nhìn ra thấy núi và mây xa xa.
 
Tôi vẫn còn cảm giác mệt, đầu hơi choáng váng dù cả ngày hôm qua đã uống mấy lần thuốc cảm. Thời tiết xứ núi lạ lùng, mỗi lần chuyển mùa hay đổi gío tôi hay bị cảm. Mẹ tôi bảo con gái 17 tuổi bẻ gẫy sừng trâu, mà tôi thì yếu đuối nhỏ nhoi .
 
 Ngày xưa, hồi còn ở Việt Nam nhà có nuôi một con mèo cái, nó đã sinh ra ba con mèo con. Một buổi sáng thức dậy mẹ thấy ba con mèo nhỏ non nớt, nằm trong đống tro bếp, ba khuôn mặt xinh xinh và sáu con mắt long lanh như sáu viên bi. Tôi giống như một trong ba con mèo ấy.
 
Mùa Thu đã về, gió hiu hiu lạnh, bầu trời nhiều khi xanh vời vợi không một bóng mây, lá đã bắt đầu chuyển màu và lác đác rơi. Tôi thích một mảnh rừng nhỏ nơi đầu đường nhà tôi trước khi đi ra đường lớn để lên highway, ở đấy có một cái ao nhỏ, mùa hè nước trong xanh mát rượi, mùa Thu mặt ao phủ kín bằng những cánh bèo nhỏ lấm tấm tròn trịa, đến nỗi nếu ai đó vô tình hay không biết, tưởng đó là đất liền, có thể bước xuống ao, cái ao âm u dưới bóng cây ấy. Bên cạnh ao bèo mùa Thu là một cây lê gìa, không biết ai trồng từ bao giờ? Trái chín vàng, to bằng nắm tay, rơi rụng đầy trên thảm cỏ xanh.
 
Những buổi sáng cuối tuần nếu dậy sớm tôi hay chạy bộ qua đây để nhìn những hình ảnh nên thơ này.
 
Tôi chợt ngồi nhỏm dậy, không nghĩ ngợi lan man nữa khi nhớ ra hôm nay là “Thứ bẩy của anh ấy”, một ám hiệu tôi tự đặt cho một người đàn ông mà tôi không quen, không biết tên. Cứ mỗi hai tuần là có một ngày thứ bảy anh đến chợ để mua sắm. Bây giờ là 10 giờ sáng, mẹ tôi đã đến chợ từ trước 9 giờ để mở cửa và sắp xếp những công việc, cũng như để các bà, các cô bỏ mối bánh trái, xôi, chè, những thức ăn nhanh , và bày bán trong chợ của mẹ.
 
Mỗi cuối tuần tôi ra chợ phụ với mẹ, vì cuối tuần bao giờ khách cũng đông hơn ngày thường. Giá như không vì anh ấy thì hôm nay tôi đã ở nhà và gọi chị Duyên đến phụ, chị tôi đã lập gia đình và ở cùng thành phố. Người đang mệt mà được nằm nhà trùm mền nhìn mùa Thu ngoài khung cửa thì ai chẳng thích?
 
Tôi đi thay quần áo và ngắm mình trong gương, không biết anh có để ý đến tôi như tôi đã để ý đến anh? Chỉ biết rằng lần đầu tiên nhìn thấy anh vào chợ, cái dáng cao gầy và khuôn mặt hiền lành sau cặp kính cận, tôi đã mến anh, và bỗng dưng tôi cứ mong chờ anh vào mỗi cuối tuần.
 
Nhưng đều đặn mỗi hai tuần anh mới đến và mua những món đồ bao giờ cũng giống nhau, hầu như không thay đổi như mấy bó rau, miếng thịt, hộp đậu hũ….Nhìn số lượng và các món đơn giản anh đã mua, tôi đoán anh là người độc thân.
 
Từ ngày gặp anh, tôi yêu thích công việc ra chợ đứng trong quầy tính tiền phụ mẹ. Cha tôi mất năm tôi lên 10 tuổi, để kiếm sống mẹ tôi đã sang ngôi chợ này và đảm đang nuôi hai chị em tôi. Chị Duyên vẫn hay đùa ngôi chợ sẽ là của hồi môn cho tôi mai sau khi lấy chồng, tha hồ ấm thân, và chị khuyên tôi đừng có lười biếng mà không ra chợ phụ mẹ mỗi khi rảnh rỗi.
 
Ngẫu nhiên một lần tôi đã biết thêm chút ít về anh, khi anh đang đứng xếp hàng chờ đến lượt tính tiền thì một phụ nữ đã nhận ra anh. Họ vui vẻ chuyện trò, tôi vừa tính tiền cho những người khác vừa lắng tai nghe, dù biết nghe chuyện của người khác chẳng hay ho gì, nhưng tôi tò mò muốn biết về anh. Thì ra chị này từng làm chung một department với anh trước kia ở Hill Base, thuộc thành phố Ogden , họ đều là kỹ sư gì đó.
 
Tôi bước ra hành lang trước hiên nhà và đi xuống những bậc thang gỗ, cả dãy phố này nhà nào cũng có basement và có lầu. Những loài hoa mùa Thu nở đầy sân, bên cạnh cầu thang tôi vừa đi xuống. Hoa đủ loại, đủ màu, vàng, xanh, tím , đỏ…mọc chen bên những tảng đá, được xắp xếp hờ hững một cách nghệ thuật. Tôi lãng mạn và phung phí thì giờ như thế đấy, không thích lấy xe từ trong garage đi thẳng ra ngoài sân, mà ngược lại đi từ ngoài sân mở cửa garage, vì tôi muốn được hít thở  không khí mùa Thu êm dịu trong lành, muốn được nhìn những cánh hoa mỏng manh kia khoe sắc trước khi bị mùa Đông dập vùi trong gío lạnh và tuyết rơi.
 
Lái xe ra tới đầu đường, trước khi quẹo về hướng West để lên highway tôi lại được nhìn khu rừng nhỏ với ao bèo phẳng lặng như còn đang say ngủ, có một chú sóc đang chạy trên bãi cỏ, chắc chú vừa ăn một bữa trái chín no nê trên cành cây lê kia rồi?
 
Ngôi chợ Việt Nam của mẹ tôi nằm ở thành phố West Valley , chỉ nhìn xe đậu bên ngoài, tôi biết chợ đã đông người. Chợ khá rộng rãi, hàng hóa tươi ngon, giá cả lại phải chăng hơn các chợ khác nên càng ngày càng có uy tín và thêm khách. Mẹ tôi nói buôn bán là kiếm lời, nhưng trên hết buôn bán phải thật thà, tôn trọng khách hàng, thì công việc mới bền lâu.
 
Vừa thấy tôi, mẹ đã ái ngại:
 
-         Con đang cảm mà ra đây làm gì! mẹ vừa gọi chị Duyên ra phụ rồi.
 
-         Thôi, đừng làm phiền chị ấy, có ngày cuối tuần ở nhà với chồng con. Chỉ khi nào thật cần thôi mẹ ạ, bây giờ con đã khỏe rồi.
 
Tôi gọi phone nói chị Duyên khỏi cần đến chợ nữa, xong tôi vào chỗ tính tiền để mẹ lăng xăng chạy vòng ngoài, kiểm tra quầy thịt cá, quầy rau, hay trò chuyện với những khách hàng quen biết.
 
Còn tôi, lòng đang phơi phới chờ đợi anh, mỗi khi cánh cửa mở ra có người khách bước vào tôi lại quay ra nhìn và mong là anh vói cái dáng cao cao gầy và ánh mắt hiền hòa sau kính cận.
 
Tôi đã chóng mặt vì nhìn ra cửa nhiều lần. Buổi sáng qua đi, buổi trưa rồi đến buổi chiều, lòng tôi đã mỏi mòn thất vọng. Tôi hoang mang và băn khoăn, anh không đến chợ vì bận rộn hay ốm đau?. Cách đây ba hôm trời bỗng dưng đổ tuyết suốt cả ngày, mùa Đông nhanh nhẩu vô duyên phủ tuyết trắng trên cỏ, thổi gío lạnh qua phố phường. Nhưng hôm sau gío đã thôi không lạnh nữa, tuyết đã tan đi, để trả lại cho mùa Thu không gian của nó. Thế đấy, nên tôi mới bị cảm, và biết đâu anh cũng bị cảm và đang nằm ở nhà quên cả đi chợ như thường lệ?
 
Nhìn gương mặt thẫn thờ của tôi, mẹ tôi ngạc nhiên:
 
-         Con làm sao thế? nếu thấy mệt thì về nghỉ sớm đi.
 
Tôi gượng cười:
 
-         Vâng, con sẽ về bây giờ đây.
 
Chiều nay tôi phải về sớm vì cần đến nhà một đứa bạn. Đúng lúc tôi sắp sửa ra về thì anh đến, bóng dáng quen thuộc của anh lướt qua cửa đã làm tôi đứng khựng lại, không bước ra về ngay được, trái tim tôi rộn rã lên, tôi tiếp tục tính tiền và đợi chờ anh. Anh mua nhanh, hình như cũng đang vội? chỉ một lát sau đã ra chỗ tôi, nghiêm trang và lịch sự trả tiền, bước ra khỏi chợ.
 
Chỉ nhìn thấy anh chốc lát tôi như đã được hồi sinh, lòng nhẹ nhỏm tôi cũng ra về cho kịp giờ hẹn với bạn.
 
Khi tôi ra tới chỗ đậu xe, vô tình mà xe tôi và xe anh nằm cạnh nhau, anh đã xếp xong những món hàng vào trunk xe. Tôi nhìn thấy vài chiếc lá vàng  tươi đang vướng mắc  nơi hai cái gạt nước trên mặt kính xe anh. Tôi buộc miệng nói đùa:
 
-         Anh đi chợ mà mang theo cả mùa Thu nữa kìa.
 
Anh hơi ngạc nhiên khi thấy tôi lên tiếng trước, nhưng anh mau chóng vui vẻ đùa lại:
 
-         Mùa Thu đi theo tôi, chứ tôi không mang theo mùa Thu đâu. Cái xe này đậu ở khu apartment của tôi, dưới những hàng cây, nên lá mùa Thu tha hồ rơi lên xe, có hôm tôi quên không quay đóng cửa kính xe, lá vàng bay cả vào trong ghế ngồi cùng với tôi nữa đấy.
 
-         Những chiếc lá vàng màu thật đẹp anh ạ. Chắc mới vừa rơi rụng sáng nay?
 
-         Có lẽ, vì thành phố Ogden của tôi nổi tiếng là có những con đường mùa Thu lá vàng tuyệt đẹp cho du khách thưởng ngoạn mà. Nào, cô bé xòe bàn tay ra.
 
Vẻ trang nghiêm thường lệ của anh đã biến mất, khi tôi ngỡ ngàng xòe bàn tay ra thì anh đã gỡ từ trên mặt kính xe một chiếc lá vàng nguyên vẹn nhất, tươi nhất, đặt vào bàn tay tôi. Tôi run người lên vì sự đụng chạm ấy. Anh giơ tay thay cho lời chào rồi lên xe ra về mà tôi vẫn còn ngẩn ngơ với chiếc lá kỳ diệu trong tay, kỳ diệu vì chiếc lá đến từ thành phố Ogden của anh, vì nằm trên mặt kính xe anh, vượt đường xa gió lộng đến đây, và vì từ tay anh trao cho tôi trong một tình cờ  như an bài sẵn của định mệnh.
 
Về đến nhà tôi để chiếc lá vàng Thu ấy vào một trang sách, điều bí mật tuyệt vời này chỉ một mình tôi biết, nhìn chiếc lá vàng tôi như nhìn thấy anh. Anh đang sống bên cạnh tôi trong căn phòng , trong từng giấc ngủ.
 
Thì ra anh ở thành phố Ogden đúng như tôi đã dự đóan, vì anh làm ở Hill Base. Từ đấy xuống chợ tôi cũng mất 45 phút hay một tiếng, những người Việt Nam ở Ogden nói rằng ở đó chỉ có một ngôi chợ Việt Nam nhỏ, hàng hóa ít và đắt, nên họ vẫn thích cuối tuần đi chợ xa, xuống thành phố West Valley để mua sắm, và ai đó cũng có thân nhân hay bè bạn ở Salt Lake City nên một công đôi ba chuyện vừa đi chợ vừa đi thăm thân nhân. Chắc anh cũng có lý do tương tự, nên dù độc thân anh vẫn  thường xuyên đi chợ xa như thế?
 
Tôi có đến căn cứ Hill Base một lần, cách đây 2 năm, theo một đứa bạn. Chị nó chở chúng tôi đến Salt Lake   tắm hồ, coi như tắm biển vì hồ rộng và nước hồ mặn như nước biển. Dân xứ núi Utah  vẫn tự hào Hồ Muối là biển. Hồ Salt Lake dài thăm thẳm, dường như đứng ở nơi đâu quanh những thành phố lân cận hồ, đều có thể nhìn thấy hồ là một dải dài xanh mờ chân mây, chân núi.
 
Tắm xong chúng tôi vào gặp bố mẹ nó trong Hill Base rộng mênh mông, ngoài cửa có lính gác, trong base đường xá xe cộ như ngoài phố, làm con bé 15 tuổi là tôi  hoa mắt ngơ ngác, cứ tưởng công sở là một building cao ngất là đủ to lớn lắm rồi.
 
Không biết anh làm khu nào trong Hill? Trong cái thành phố quân sự riêng tư ấy? nếu tôi được vào đấy lần nữa chắc gì đã tìm thấy anh? Những đêm chưa ngủ tôi nằm mơ ước một tương lai, sau này sẽ học kỹ sư và xin vào làm ở Hill Base, chắc tôi sẽ có nhiều cơ hội và thời gian gặp anh, ước mơ ấy không có gì cao xa. Anh ơi hãy đợi!
 
Bây giờ mùa Thu đã chín, mùa Thu rực rỡ khắp Utah . Thành phố nào chả có những con đường lá vàng lá đỏ, nhưng những con đường của thành phố Ogden chắc đẹp hơn? huyền bí hơn? vì hàng cây cao hai bên đường giao nhau, đan kín nhau, rợp trời lá vàng, rợp đất lá vàng, thành một màu u uẩn, đẹp đến rưng rưng. Những người yêu nhau thích hẹn hò vào mùa Thu để cùng đi trên con đường đầy lá vàng. Nếu một ngày nào tôi đi trên con đường đó, thì người hẹn hò đi bên tôi sẽ chỉ là anh.
 
Từ hôm anh tình cờ  trao cho tôi chiếc lá vàng, tôi không gặp anh nữa, anh biến mất thật lạ lùng suốt mấy tuần nay. Người ta vẫn từ thành phố Ogden về đây mua sắm nhưng không có anh. Anh đâu rồi? Tôi ra chợ làm việc mà như kẻ không hồn.
 
Tôi, con mèo nhỏ yếu đuối lại ốm nữa rồi, nhưng tôi không thích nằm ở tro bếp như những con mèo nhỏ tội nghiệp ấy. Tôi không thích nằm nhà quấn mình trong chăn gối ấm êm đợi chờ bình phục. Tôi vẫn ra chợ, mang tiếng là phụ giúp mẹ, nhưng trong lòng tôi chỉ mục đích duy nhất là chờ đợi anh, nếu qủa thật anh bận rộn hay ốm đau rồi anh sẽ khỏi, và anh sẽ đến, như hôm nào đó anh đã đến trễ, trừ khi anh đã đổi đi nơi khác. Tim tôi đau nhói khi nghĩ sẽ không bao giờ gặp anh nữa, nhưng đồng thời tim tôi vẫn kêu lên: “ Không, anh ấy vẫn sống ở Ogden, vẫn đi làm ở Hill Base, mình sẽ gặp anh ấy và sau này mình sẽ vào Hill làm cùng với anh ấy”.
 
Hôm nay tôi sụt sùi mặc chiếc áo len màu tím, đứng trong quầy tính tiền. Mùa Thu phố núi có những ngày lạnh như sắp vào Đông. Sáng nay cái ao bèo nơi khu rừng nhỏ đã phủ đầy lá vàng. Cả khu rừng rũ lá, gió mang lá tới mặt ao, hình ảnh buồn hiu hắt ấy theo tôi trên suốt highway đến ngôi chợ.
 
Cuối cùng anh đã đến sau hơn một tháng trời bặt tăm. Trời ơi, nét mặt anh vui tươi thế kia. Hay anh cũng đang mừng vì đã gặp lại tôi?. Hôm nay anh đẩy xe, chứ không xách cái giỏ gọn nhẹ như mọi khi, chắc anh cần mua nhiều thứ sau  những tuần lễ không đến
 
chợ?.
 
Người tôi nóng bừng lên, chắc chắn không phải vì cơn sốt trong người đang trở mình vì gió. Ôi, chốc nữa anh ra tính tiền, tôi sẽ có lý do để hỏi thăm anh, dù gì chúng tôi cũng đã quen nhau ở bãi đậu xe hôm ấy, và anh đã tặng tôi chiếc lá vàng mùa Thu của thành phố anh. Nhất định tôi sẽ không quên hỏi anh con đường nào đẹp nhất vào mùa Thu của thành phố Ogden , để trong giấc mơ kế tiếp tôi sẽ thấy anh và tôi cùng đi trên con đường đó.
 
Tôi luống cuống tính tiền, chỉ mong mọi người ra về cho nhanh, trả khoảng không gian và thơì gian này cho tôi và anh.
 
Khi rảnh tay được đôi chút tôi mới dáo dác tìm anh, dễ dàng nhận ra dáng anh giữa bộn bề hàng hóa và kẻ qua người lại. Nhưng tôi không tin vào mắt mình nữa khi thấy bên cạnh anh là một phụ nữ trẻ đẹp, anh đẩy xe đi theo cô ấy, hoặc cùng đứng lại chọn hàng, cả hai nói cười vui vẻ, có vẻ như là đôi vợ chồng mới cưới.
 
Tôi tuyệt vọng não nề, chỉ muốn bỏ chạy ra ngoài, ngay lúc này nếu được nằm trong phòng riêng mà khóc chắc sẽ đỡ đau khổ hơn, nhưng tôi cố ngăn cho nước mắt mình đừng rơi ra vì vợ chồng anh đã đến bên tôi. Cô gái móc bóp trả tiền, đúng là tính cách của một người vợ, quán xuyến gia đình. Anh và cô tươi cười quấn quýt, đứng đối diện tôi, anh nhìn tôi thản nhiên, bình thường. Trong ánh mắt anh tôi biết là anh chẳng cần nhớ làm gì cái hôm đã trao tôi chiếc lá vàng tươi ấy, có lẽ anh chỉ coi tôi như một con bé chưa trưởng thành, hay chỉ là sự trao đổi chuyện trò xã giao giữa cô bé bán hàng và người mua, trong lúc tình cờ gặp gỡ . Vậy mà tôi đã coi đó là một kỷ niệm nên thơ đẹp đẽ, tôi đã giữ gìn chiếc lá như một ân tình, một kỷ vật.
 
                                  ************
 
Trận ốm này cả tuần lễ sau tôi mới khỏi, có lẽ vì tâm bệnh nên mới lâu như thế. Tôi không hi vọng chờ mong gì ở anh nữa, và cho tới bây giờ tôi cũng chưa biết tên anh.
 
Mùa Thu có hàng ngàn, hàng triệu chiếc lá vàng, nhưng chiếc lá vàng của anh cho tôi, là mối tình đầu mong manh của tôi, sẽ mãi mãi là chiếc lá mùa Thu đẹp nhất.
 
                           Nguyễn thị Thanh Dương

Xem thêm...
Theo dõi RSS này