Truyện

Truyện (262)

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Sed id auctor orci. Morbi gravida, nisl eu bibendum viverra, nunc lectus.

Đi chơi Chùa Hương – Chùa Hương Tích

 

ĐI CHƠI CHÙA HƯƠNG

Truyện của NGUYỄN GIỤ HÙNG

GIỚI THIỆU

CHÙA HƯƠNG TÍCH

 Lời mở đầu:

Nội dung câu chuyện được ghi lại theo ký ức của một người xa quê lâu năm nhớ về “những năm tháng ấy” tại quê nhà vào giai đoạn đầu thập niên 1950, trước hiệp định Geneve 1954, ở miền Bắc nước ta.

        Từ sáng sớm tinh mơ, chúng tôi đã thức dậy để chuẩn bị cho chuyến đi chơi chùa Hương hôm nay. Nhìn Thi, ở cái tuổi lăm, mười sáu trăng tròn tôi không thể không nhớ tới bài thơ “Chùa Hương”
          Em tuy mới mười lăm
          Mà đã lắm người thăm
          Nhờ mối mai đưa tới
          Khen tươi như trăng rằm.
      Tôi đứng nhìn Thi mà chợt bật cười nhẹ. Uyên ngửng lên hỏi:
      -  Có chuyện gì mà anh cười vậy?
      -  Không! Tôi vội trả lời ngay.
      -  À, Uyên có nhớ bài thơ “Chùa Hương” của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp không nhỉ?
      -  Em nhớ! Sao anh?
      Tôi mỉm cười, vừa đưa mắt về phía Thi đang lúi húi đi đôi săng-đan da, vừa đọc một đoạn thơ:
          Khăn nhỏ đuôi gà cao
          Em đeo dải yếm đào
          Quần lĩnh áo the mới
          Tay cầm nón quai thao
          Me cười:Thầy nó trông!
          Chân đi đôi dép cong,
          Con tôi xinh xinh quá
          Bao giờ cô lấy chồng?”
      Uyên chỉ mỉm cười, không nói. Thi vẫn được bình yên vì nàng không biết những câu thơ tôi vừa đọc là để dành riêng trêu nàng. Hay nàng biết mình bị trêu nhưng tảng lờ.
 
chua h 2Tháp chuông chùa Hương-Hà Tĩnh.
 
    Để bớt căng thẳng trong công việc, vừa làm tôi vừa kể cho Uyên và Thi nghe một vài câu chuyện vãn về chùa Hương, một thắng cảnh chúng tôi sắp tới.
    Tôi hỏi Uyên và Thi:
    - Anh đố hai cô ở Việt Nam ta có mấy chùa Hương nào?
    Hai người nhìn nhau như hỏi ý. Uyên lên tiếng trước:
    - Em không biết!
    Thi vui vẻ tiếp theo lời chị:
    - Em biết! Hai phải không?
    - Giỏi! Sao em biết? Nói cho anh nghe!
    - Em chỉ đoán thôi! Thấy anh hỏi có mấy chùa Hương thì em đoán ngay là phải có nhiều hơn một.
   Em chọn số hai.
      Tôi và Uyên cùng phá lên cười. Uyên nói:
    - Cô em của chị hơn hẳn chị rồi!
   Dựa theo tài liệu tôi đã đọc, nước ta có hai chùa Hương, một ở tỉnh Hà Tĩnh và một ở tỉnh Hà Đông. Tôi giải thích để Uyên và Thi hiểu thêm về hai ngôi chùa này. Ngôi chùa Hương-Hà Tĩnh cũng được gọi tắt là chùa Hương, nằm trên dẫy núi Hồng Lĩnh, có 99 ngọn núi cao vút, thuộc huyện Can Lộc. Chùa được xây trên núi cao nên thường có mây phủ.
      Để đến chùa Hương-Hà Tĩnh, khách hành hương cũng phải đi thuyền từ hồ Đường rộng lớn, dọc theo suối Hương Tuyền, rồi lên bờ theo đường núi dốc chừng bốn cây số thì tới chùa. Ngày lễ hội được mở vào mùa Xuân, rơi vào ngày 18 tháng Giêng đầu năm. Khách hành hương cũng đông đảo từ các nơi đổ về đây trẩy hội. Ngôi chùa Hương này được xây từ đời nhà Trần, có lẽ vào cùng thời gian vua Trần Nhân Tông vào tu ở chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử. Chùa bị tàn phá dưới thời nhà Minh và thời Pháp thuộc. Sau đó, chùa được xây lại theo kiến trúc cổ nguyên thủy.
      Tại sao lại có chùa Hương thứ hai ở Hà Đông? Cứ dựa theo những tài liệu xưa để lại cho ta biết, vào thời vua Lê-chúa Trịnh, các vua chúa thường có quê ở trong Thanh Hoá nên các cung tần, mỹ nữ cũng thường được tuyển từ miền Thanh-Nghệ ra. Hàng năm các mỹ nhân này từ kinh đô Thăng Long về dự hội chùa Hương ở Hà Tĩnh nơi gần quê nhà nên rất bất tiện vì đường xá xa xôi. Chúa Trịnh liền giao cho một đại sư Phật giáo nghiên cứu dự án và thực hiện việc xây dựng một chùa Hương thứ hai tương tự ở vùng thắng cảnh non bồng của Hương Sơn thuộc tỉnh Hà Đông để các mỹ nhân này có thể bái vọng về mà không phải đi xa.
 
      Với lý do đó, theo cuốn “Hương Sơn Thiên Trù Thiên Phả”, chùa Hương-Hà Đông mà chúng tôi sắp tới thăm, riêng tháp chuông ở nơi đó là một “phiên bản”, tức xây dựng đúng theo khuôn mẫu kiến trúc của chùa Hương ở Hà Tĩnh, được xây dựng vào đời Lê Huy Tông dưới niên hiệu Chính Hòa (1680-1704). (Có những tài liệu ghi thời điểm xây dựng chùa Hương ở động Hương Tích khác nhau). Vì chùa nằm trong động Hương Tích nên còn được gọi là chùa Hương Tích.
      Uyên chen vào câu chuyện:
      - Thế là hai chùa được xây dựng cách nhau tới mấy trăm năm. Chùa Hương đầu tiên ở Hà Tĩnh được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 13, chùa Hương ở Hà Đông được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 17.
      Tôi gật đầu:
      - Ừ, cũng vào khoảng đó.
      Tôi biết chùa Hương-Hà Đông là khu vực có sông Đáy chảy qua. Tôi hỏi Thi:
      - Nào, cô học trò giỏi của anh! Cô cho anh biết, sông Đáy còn gọi là sông gì? Và trong lịch sử của ta đã xẩy ra những chuyện gì trên con sông ấy?
      Uyên nhìn Thi cười cười chờ đợi câu trả lời của cô em. Thi nhanh nhẩu và hí hửng trả lời tôi như một cô học trò “đọc bài” (trả bài) cho thầy:
      - Thưa anh, sông Đáy là một phụ lưu của sông Hồng, còn gọi là sông Hát. Đúng không ạ? Hai Bà Trưng đã nhẩy xuống sông Hát tuẫn tiết để không bị lọt vào tay của quân Mã Viện.
     Uyên nhìn Thi thở phào, vỗ tay nhẹ mấy cái để thay cho lời khen thưởng.
      Tôi giảng thêm cho Thi:
      - Ngay tại cửa sông Hát (Hát môn), thuộc huyện Phúc Thọ ngày nay, nơi đây có đền thờ Hai Bà với hai con voi phục bằng đá và những câu đối kể công lao của Hai Bà trong việc đứng lên khởi nghĩa chống lại giặc Hán, giải phóng đất nước. Cứ dựa theo di tích như những chiến lũy, dấu vết còn để lại tại những nơi không xa địa phận Hương Sơn là mấy, ta có thể kết luận là khu Hương Sơn cũng đã từng là trận địa dưới thời Hai Bà. Giữa huyện Lương Sơn và Mỹ Đức có núi Vua Bà, mà theo dân gian kể lại thì đó là một trận địa quan trọng. Trên những núi của Hương Sơn có loại sâm mang tên “sâm Mã Viện”.
      Ngày xưa, có con đường chiến lược gọi là Thượng Đạo, từ phía Nam đi lên phía Bắc phải đi qua gần vùng này. Nhờ vào địa thế núi rừng hiểm trở, hẳn Hương Sơn đã từng là nơi dừng chân hay đóng quân tạm thời của những đại quân Lê Lợi ra Bắc đánh quân Minh và đại quân Nguyễn Huệ ra Thăng Long đánh quân Thanh. Cũng có thể, xa xưa hơn nữa, quân của Đinh Bộ Lĩnh cũng đã dùng con đường Thượng Đạo này, đã từng qua đây để tiến đánh Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc ở Thanh Oai thuộc tỉnh Sơn Tây (1)
    Thấy mọi người đã sẵn sàng, tôi lên tiếng như ra lệnh:
    - Chúng ta đi thôi!
    Uyên và Thi cùng đáp:
    - Vâng ạ!
    Tôi bỏ thức ăn, trái cây và nước vào ba-lô. Tôi hỏi Thi:
    - Ba-lô em có nặng lắm không? Chia sang ba-lô của anh để anh mang đỡ cho. Hôm nay đi bộ xa lắm đó, lại leo núi nữa.
    - Không nặng anh ạ! 
    Vừa nói Thi vừa nhẩy lên mấy cái như để chứng minh với tôi về lời nói của nàng.
    - Thôi được! Khi nào em mệt, anh sẽ mang đỡ cho.
    - Vâng ạ!
    Thi trả lời tôi với khuôn mặt thật rạng rỡ, cái rạng rỡ vui mừng của “đứa trẻ” sắp sửa được đi chơi xa.
    Chúng tôi dời khỏi nhà, sẵn sàng cho chuyến đi chơi xa đôi ngày mà chúng tôi đã mong đợi và háo hức từ lâu.
 
 
– Nguyễn Giụ Hùng
 
 
Ghi chú:
 
(1) Tài liệu được lược trích từ cuốn “Thắng Cảnh Hương Sơn” của tác giả Trần Lê Văn.
 
 

Mời đọc tiếp Chương I / Phần 1

 

 

Xem thêm...

TÌNH YÊU HỌC TRÒ

TÌNH YÊU HỌC TRÒ

Nàng rất yêu môn toán vì nàng giỏi toán, do đó, với bất cứ thầy, cô giáo nào dạy toán cũng chiếm ngay cảm tình của nàng đầu tiên. Đặc biệt nàng dành cho thầy hơn cô. Đương nhiên thôi, vì âm dương như nam châm thường hút nhau. Và trong số nhiều thầy toán nàng gặp, già, trẻ, đẹp, xấu đủ cả: Người đáng tuổi cha thì nàng yêu như bố, người đáng tuổi anh (bị tội xấu trai, nàng chỉ yêu như anh trai thôi) còn người đồng trang vừa lứa lại đẹp, lại độc thân đương nhiên nàng yêu như… chồng, dù nàng chưa từng là tình nhân.



Và nàng đã gặp người trong mộng, chú tâm đến thầy Sơn dạy toán. Thầy Sơn vừa trẻ lại đẹp trai, giỏi và nhất là thầy chưa có vợ! (nàng điều tra nhanh, chỉ biết chưa có vợ là được, còn thầy có người yêu chưa thì… mặc thầy, nàng không cần biết tới). Nàng đang ở tuổi dậy thì 17 mộng mơ. Tuổi của tình yêu, của trái tim mẫn cảm dễ bật lên cung đàn yêu thương và nàng cứ để tự nhiên cho con tim làm việc!

Dù môn toán khô khan, khô đét nữa là khác, nhưng trong giờ toán, tâm hồn nàng lâng lâng ánh lên đôi mắt long lanh mỗi khi nàng thấy thầy. Giờ toán đến, mặt nàng hớn hở như nở hoa. Nàng phấn chấn vui hẳn lên, yêu cả những con số cộc lốc khô khan như yêu những cụm hoa trong vườn hoa tình ái, trong đó nàng đang dung dăng dung dẻ hái hoa bắt bướm bên cạnh có thầy và được… nắm tay thầy. Chà, tuyệt!

Sau giờ toán, nàng thường làm thơ, những bài thơ con… nhái, chép lại đâu đó trong những tập thơ của thầy Xương, dạy Việt văn, để ca ngợi tình yêu đang lên ngôi trong lòng nàng. Tình yêu ngập tràn, chiếm hữu mọi tâm tư nàng, giúp tâm hồn nàng thăng hoa nhưng lại kéo việc học nàng đi xuống. Nàng bắt đầu lơ là việc học, tâm trí để đâu đâu, mơ mộng viễn vông, thường thẫn thờ thả hồn về chân trời tím.

Đang giỏi toán, nàng tụt dần hẳn đi, kéo luôn các môn khác xuống dốc như cái xe đứt thắng, ngoại trừ môn Việt văn, một điều dễ hiểu nhờ nàng đang nghiên cứu văn thơ miệt mài hết lưu bút ngày xanh đến nhật ký ngày xanh để tô hồng trái tim và giải bày tâm sự nàng.

Minh họa: pexels-tuấn-kiệt

Một hôm, thầy Sơn gọi nàng lên bảng để giải một phương trình toán thầy vừa dạy và cho làm bài tập tại lớp. Nàng lên bảng ngơ ngẩn như đứng trước vành móng ngựa, trơ ra, không giải được toán mà thẫn thờ nghe thầy Sơn… dỗ dành: “Sao bấy lâu em học yếu?”. Thay cho câu trả lời của nàng là những giọt nước mắt long lanh nhẹ nhàng lăn dài xuống má!

Thầy Sơn không phải là gỗ đá, thừa thông minh để nhận thức bấy lâu điều gì đang xảy ra. Lòng thầy cũng mềm đi (thầy còn trẻ mà) trước tấm chân tình của cô nữ sinh thơ ngây trong trắng. Nhưng giữa lớp học, thầy phải tự chủ tỏ ra cứng rắn, tuy vậy lời nói vẫn nhẹ nhàng nói với nàng như lời ru êm ái: “Em không nên như thế. Còn bé, lo học đi, sắp thi Tú tài rồi”. Và nàng về chỗ ngồi úp mặt xuống bàn nức nở giữa bao ánh mắt ngơ ngác của bạn bè trong lớp.

Sau hôm đó, nàng nghỉ nhà hai ngày không đến lớp. Nàng bịnh? Không hẳn. Cái bịnh tương tư vớ vẩn của thời con gái mới lớn đang hành hạ nàng. Cuộn mình trong chăn mỏng, nàng lắng nghe tâm tư thổn thức. Đúng rồi, thời gian này nàng học tụt hẳn đi. Hư quá, và như thế, không xứng đáng là cô học trò đáng yêu để thầy có thể thương được. Nàng không muốn vậy đâu, nhưng sao ngồi trước bài tập, bài học… bóng dáng thầy cứ lung linh ngự trị trong tâm trí đẩy hết chữ nghĩa sang một bên và chiếm hữu tâm hồn nàng.

Những rung động đầu đời của trái tim, của thời con gái mới lớn, nàng không sao giải thích được, nàng chỉ biết là, mỗi khi thầy đứng giữa lớp hay trên bục giảng nàng thấy thầy… vĩ đại làm sao, những bài toán hóc búa, là nữ sinh giỏi toán thế mà đôi khi nát óc nàng vẫn không giải ra, khi trước đây, chỉ sau vài phút suy nghĩ, vài cái nhíu mày nàng giải xong cái rẹt. Nàng xem thầy là thần tượng để nàng tôn thờ, là cái đích để nàng hướng tới và nàng cảm thấy trái tim rung động khi thầy đứng trước mặt và yêu thầy hồi nào không hay.

Nhưng hơn bao giờ hết, hôm nay, nằm nhà, nàng tự hỏi lòng, nàng yêu thầy hay yêu cái môn toán nàng vốn yêu… dính trong người thầy. Có lẽ cả hai. Và sau một hồi suy nghĩ, nàng không thể để môn toán nàng vốn yêu thích và giỏi nữa vuột ra khỏi tầm tay. Nàng không nên phản bội nó, bỏ quên lơ là và như thế sẽ mất luôn thầy. Nàng phải vực dậy, lấy lại khí thế để chinh phục tất cả những gì nàng đã mất và sẽ mất tiếp tục. Suy nghĩ cho là chín chắn, nàng vùng dậy, lôi bài vở ra học, lôi bài tập ra làm. Có học giỏi như vậy mới có thể chinh phục được tất cả, đương nhiên trong đó có thầy Sơn. Rồi nàng lại cắp sách đến trường với một tâm trạng mới, trạng thái mới.

Một thời gian sau, nàng học giỏi hẳn lên lấy lại phong độ cũ. Nàng yêu đời, yêu người và nhất là tình yêu dành cho thầy Sơn càng nồng nàn hơn bao giờ hết. Tuần hai, ba tiết toán, gặp thầy thường xuyên, dù ánh mắt, cử chỉ là cửa ngõ của tâm hồn, đã thổ lộ tiếng nói của trái tim nàng. Nhưng như thế chưa đủ, nàng muốn được kề cận riêng thầy để bộc lộ rõ hơn tình cảm của nàng. Thế là nàng lên kế hoạch một chương trình thăm riêng nhà thầy.

Minh họa: noemi-jimenez-Zir-unsplash

Thầy Sơn sống độc thân, quê ở tận xa xôi một thành phố khác. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm toán, thầy được bổ về dạy trường nàng. Một căn phòng nhỏ thuê trên con đường yên tĩnh sống tạm qua ngày với cơm hàng cháo chợ. Chỉ những ngày cuối tuần, may ra, nếu làm siêng thầy tự nấu vài món đặc biệt để thưởng công cho bản thân, đợi thời gian xin về lại quê nhà.

Mới ra trường, còn trẻ, chưa kinh nghiệm, lại về dạy tại một trường toàn con gái, vốn nhút nhát, hiền lành, thầy Sơn không khỏi bỡ ngỡ, hồi hộp, hoang mang… Sự việc gì sẽ xảy ra đây và đối phó thế nào với đám học trò ranh mãnh mà sách vở thường lên án: nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò này?

Một năm rồi hai năm, những tinh nghịch vụn vặt của đám nữ sinh dưới mái trường cũng để lại trong lòng thầy nhiều kỷ niệm khó quên, nhưng ấn tượng sâu sắc nhất mà mỗi khi về nhà, về phòng vẫn lảng vảng trong lòng thầy đó là ánh mắt của nàng nhìn thầy đắm đuối. Một chút chao đảo trong tâm hồn. Thầy còn trẻ mà, trái tim cũng nồng nàn yêu thương, làm sao thầy không rung động choáng váng trước tấm chân tình của nàng chứ? Nhưng hơn bao giờ hết, thầy biết phải làm thế nào để mọi điều êm đẹp, vì…!

Hôm nay bất ngờ nàng đến thăm với chiếc bánh gatô to tổ tướng do chính nàng làm để khoe tài năng nội trợ. Nàng lại đến một mình không như mọi khi với đám bạn cùng lớp hay vài bạn thân thiết. Nàng bước vào phòng, ngượng ngập ngồi xuống chiếc ghế do thầy mời. Căn phòng nhỏ thôi. Xung quanh trống trải ít đồ đạc. Một chiếc bàn nhỏ thấp lè tè. Một cái tủ áo cũng không lớn. Vài chiếc ghế đẩu và cái cầu thang gỗ dẫn lên gác phòng thầy là nơi để thầy ngủ nghỉ. Đó là giang sơn của thầy Sơn.

Ngồi đối diện với nàng, cả hai đều ngượng ngập. Không ai lên tiếng trước ngoài lời chào hỏi ban đầu. Bốn mắt cứ nhìn nhau, tuy không nói mà đã thổ lộ mọi tâm tư. Thời gian như ngừng trôi. Không gian như lắng đọng. Một cơn gió nhẹ thổi qua, len vào phòng hất mái tóc nàng bay bay. Nắng buổi sáng cũng chen vào toả một thứ ánh sáng yếu ớt như muốn góp phần làm chứng câu chuyện của hai người. Một lúc thật lâu, nàng run run đặt chiếc bánh lên bàn, miệng lí nhí:

-Em làm chiếc bánh đến biếu thầy.

Nói xong, nàng e thẹn nhìn xuống bàn, nơi có ổ bánh đang ngoan ngoãn nằm im theo sự đặt để của nàng. Ổ bánh đơn giản thơm ngon, không màu mè bắt bông khắc chữ cũng giản đơn chơn chất như tình nàng gói gọn mang đến đây. Thầy Sơn đăm đăm e ngại nhìn nàng. Tâm tư đang rối bời với nhiều câu hỏi, phải làm sao để đối phó với tình huống hôm nay. Nếu nàng hay cả thầy chỉ một phút yếu lòng sẽ gây bao hậu qủa khó lường… Thầy không dám nghĩ tiếp nữa.

Nàng bỗng dưng đứng dậy, e ấp nói:

-Em chào thầy, em về.

Thầy Sơn như bừng tỉnh cơn mê, vội vàng đứng dậy và nói:

-Em nán lại đã. Thầy quên rót nước mời em. Đợi thầy tí. Thầy lấy cái này cho em xem.

Nói xong, không đợi nàng trả lời, thầy Sơn rót cho nàng ly nước lọc, rồi quay lưng lên gác một lúc trở xuống chìa trước mặt nàng một tấm ảnh và nói:

-Cô đó!

Nàng ghé mắt nhìn vào tấm ảnh. Đó là một thiếu nữ xinh đẹp trong chiếc áo dài màu xanh lơ đang ngồi bên khóm cúc. Tấm ảnh vô tri nhưng có tác động mạnh làm cho nàng xây xẩm. Trời đang nắng ấm mà nàng cảm thấy như xám xịt, lạnh run. Tất cả đang sụp đổ dưới chân. Mắt nàng cay cay và từ đó ứa ra hai dòng nước mắt nhẹ nhàng lăn dài xuống má. Không nói gì cả, nàng tất tả quay lưng bước ra cửa.


Về đến nhà, không kịp thay áo dài, nàng lăn ra giường úp mặt lên gối khóc nức nở…

Lần này nàng cáo bịnh bỏ học suốt một tuần. Và cuối năm học đó thi Tú tài phần một, nàng bị rớt cái… bịch!

Phần thầy Sơn sau buổi đó, lòng thầy cũng ngẩn ngơ xốn xang không kém. Thầy luôn tự hỏi làm thế có quá đáng với cô học trò nhỏ dành tình cảm cho mình không? Thật ra đối với nàng, đối với tình nàng, thầy cũng thấy lòng xuyến xao. Nàng xinh xắn, học hành không tệ nếu không muốn nói giỏi là khác. Có học kém đi cũng tại thầy làm xao nhãng việc học của nàng thôi. Bao đêm, hình ảnh nàng, khuôn mặt nàng với nét thơ ngây hồn nhiên và nhất là tâm hồn trắng trong, trắng như tờ giấy trắng học trò đã khiến thầy tưởng nghĩ với nhiều đêm thao thức.

Đâu phải thầy không muốn đáp lại tình nàng, đâu phải không… yêu nàng, nhưng đứng trước ngã ba đường, phải chọn một, thầy phải làm sao?! Trước khi ra trường đi dạy, thầy đã có một bóng hình ngự trị. “Cô” và thầy đã hứa hẹn trăm năm. Cũng bởi ngăn cách không gian, “cô” tại quê nhà đang theo đuổi việc học, chỉ một năm nữa ra trường, khi sắp xếp công việc ổn định, được bên nhau là thầy và cô kết hôn.

Thầy đâu thể phụ “cô”. Cùng trong ngành sư phạm, mà nền đạo đức đặt hàng đầu, không cần phải là thầy dạy công dân giáo dục, nhà mô phạm nói chung không cho phép thầy đi quá ranh giới của một nhà giáo, nếu nhà giáo đó có tư cách. Thầy không thể bắt cá hai tay, chả đem lại kết quả gì nếu không muốn nói vuột tất cả mà còn để lại hậu quả không hay. Nhiều đêm suy nghĩ lung lắm, thầy quyết định phải giải quyết như thầy đã làm. Nếu nàng có đau, chỉ đau một lần rồi dứt, giúp nàng ra khỏi cơn mê để chú tâm việc học hành, đó là tương lai của nàng, hơn là kéo cả chùm vào con đường bế tắc phải đau khổ triền miên. Tự đặt câu hỏi rồi tìm giải đáp để thực hiện, nhưng trước những giọt nước mắt với niềm đau của nàng, lòng thầy cũng quặn thắt!

Thời gian lặng lẽ trôi, luôn vô tình thờ ơ với mọi chuyện xung quanh. Nhưng thời gian lại là liều thuốc hay chữa lành mọi tâm bịnh. Nàng bắt đầu nguôi ngoai sau một giấc mộng dài. Nỗi đau về tình yêu bồng bột đầu đời làm cho nàng bừng tỉnh, trưởng thành hơn. Nó như một cơn mê thoáng qua để lại trong lòng nàng một nỗi bâng khuâng, một vết thương không bao giờ phai nhưng lại là kỷ niệm đẹp của nàng đánh dấu thời con gái trước ngưỡng cửa tình yêu.

Rồi mùa tựu trường đến, nàng ghi tên đi học lại. Bắt đầu làm mới cuộc đời. Không thể ngã gục khi tương lai trước mắt còn dài đang chờ đón nàng. Vấp ngã thì tự mình đứng dậy đi tiếp, không cần ai đỡ. Phải tự chọn cho mình một hướng đi và đi tới, không thể quay lưng. Rồi nàng cũng quên nhanh thầy Sơn khi bài vở ngập đầu của mùa thi Tú tài đang chiếm hết thời gian nàng. Và nàng càng quên nhanh khi có bóng dáng của thầy Xương Việt văn đang mở rộng vòng tay ra chào đón nàng.

Minh họa: pexels-tuấn-kiệt

Từ lâu, thầy Xương để ý những bài luận văn nàng viết. Những bài thơ nàng xin. Aha, không chỉ ánh mắt là cửa ngõ của linh hồn mà qua văn thơ người ta có thể đánh giá và hiểu được nỗi lòng cùng tâm sự của người viết, người đọc. Một cảm giác là lạ len lén tâm tư thầy. Từ đó, thầy chú ý nàng một cách đặc biệt và hiểu rõ mọi ngọn nguồn. Cho đến một ngày, khi những cây phượng trong sân trường cùng nở rộ một màu đỏ au, khi tiếng ve sầu cùng cất lên báo hiệu mùa hè đã đến cũng là lúc nàng nhận tin vui thi đỗ Tú tài. Nhân đó thầy Xương ghé nhà thăm nàng, chúc mừng nàng thi đỗ cùng lúc tặng nàng một bài thơ. Bài thơ tỏ tình.

Em như vạt nắng
Trên hàng phượng đỏ.
Trinh nguyên áo trắng
Hồn trong sáng tỏ
 
Hương mùi hoa bưởi
Tóc xõa ngang vai
Hoa mộng em cười
Ngây ngất hồn ai
 
Em là tất cả
Trong trái tim… Thầy
Lòng nghe rộn rã
Yêu em đắm say

Thế là tình yêu lại một lần nữa sống dậy, lên ngôi, đánh thức trái tim nàng bao lâu ngủ yên. Nàng lại xao động và tự hỏi lòng, đây có phải thực sự là tình yêu khi hai tâm hồn hòa điệu, đánh cùng một nhịp, cùng nhìn một hướng? Không như trước đây với thầy Sơn dạy toán, có phải nàng đã lầm lẫn giữa yêu “môn toán”“thầy toán”?! Có phải nàng đã khập khiễng đi trên con đường mòn không phải của tình yêu mà ngỡ là tình yêu?!

Nhưng thôi, chuyện đã qua rồi, nó như cơn sốt một thời, cơn sóng một lúc cuốn trôi tất cả. Đã khép lại rồi một chuyện tình buồn để mở ra những trang nhật ký ngày xanh bên thầy Xương êm ái nhẹ nhàng như một dòng sông yên bình êm ả. Tâm hồn nàng bây giờ mở rộng, thư thái, đón nhận bao điều tốt đẹp đang đợi nàng ở tương lai.

Một đám cưới không kém phần linh đình, trang trọng của nàng và thầy Xương được tổ chức với sự tham dự của bao bạn bè, thầy cô, đương nhiên không thiếu sự hiện diện của thầy Sơn đã kết thúc một thời hoa mộng của tuổi học trò sau khi nàng tốt nghiệp giáo sư văn chương cấp ba trở về dạy tại ngôi trường cũ đánh dấu bao kỷ niệm của nàng trong đời.


Trần Thị Nhật Hưng / Theo: saigonnhonews
 
Nguyên Thy sưu tầm
 
 
 
Xem thêm...

Bài tựa “Thiền Tông Chỉ Nam” của vua Trần Thái Tông – Phần 3: Vài câu chuyện thiền

BÀI TỰA “THIỀN TÔNG CHỈ NAM”

CỦA VUA TRẦN THÁI TÔNG

Phần 3

VÀI CÂU CHUYỆN THIỀN

Nguyễn Giụ Hùng

 
hung 1

Qua Thiền tông, chúng ta có một số chuyện thiền được lưu truyền để nhằm mục đích diễn giải triết lý thâm sâu của đạo Phật dưới hình thức chuyện thiền hay giai thoại về các bậc thiền sư.

 
Sau vài câu chuyện về bài tựa “Thiền Tông Chỉ Nam” của vua Trần Thái Tông có liên quan đến Kinh Kim Cang của nhà Phật, mà giáo lý đạo Phật quả thật đối với tôi là một lãnh vực tôi không hiểu biết nhiều, Uyên và Thi hình như cũng cảm nhận ra điều ấy.
    Tuy nhiên, tôi cố giữ phong độ “uy nghi” của mình, nói với hai cô:
    – Kinh sách nhà Phật thì anh không thông hiểu lắm nhưng anh có thể kể cho hai cô những mẩu chuyện về Thiền nghe cho vui nhé!
    Thi tươi hẳn lên:
    – Thích quá! Thế chuyện thiền có giống chuyện cổ tích không?
    Tôi lại véo nhẹ vào má Thi:
    – Chuyện thiền thì nói thiên về chuyện đạo, chuyện cổ tích thì thường nói thiên về chuyện đời. Hai loại chuyện đều có giá trị ngang nhau về mục đích riêng của nó.
     Tôi nhìn sang Thi, âu yếm nói riêng cho nàng nghe:
    – Lớn lên cũng nên biết nhiều chuyện cổ tích để kể cho các con nghe. Có nhiều chuyện cổ tích mang tính chất giáo dục rất cao. Từ từ, thỉnh thoảng nhắc anh, anh sẽ kể chuyện cổ tích cho em nghe. Chịu không? Bây giờ anh kể vài chuyện thiền cho em nghe đã nhé!
    Thi bẽn lẽn cúi xuống mỉm cười, vân vê vạt áo. Uyên với tay qua bàn nắm bàn tay Thi siết nhẹ như để chia xẻ niềm hạnh phúc với cô em mình một cách trìu mến.
    Tôi quay sang nói với Uyên:
    – Uyên thử để ý xem những chuyện thiền anh sắp kể đây có chỗ nào liên quan hay hỗ trợ được cho sự hiểu biết về Kinh Kim Cang mà chúng ta vừa đàm luận không nhé.
     Chuyện thiền thường cũng khó hiểu lắm, nó có ý nghĩa rất sâu xa, ta phải để ý lắm mới tìm ra được ý nghĩa của nó. Nhiều khi, mỗi người lại hiểu nó một cách khác nhau.
    – Vâng ạ! Em sẽ cố gắng!
 
Chuyện Qua Đò
 
Trong chuyến đò chở khách qua sông. Một vị tỳ kheo ngồi trên đò liếc nhìn cô lái đò rồi quay đi. Khi tới bến, cô lái đò lấy mỗi người một đồng, riêng vị tỳ kheo thì cô lấy hai đồng.
    – Sao cô lại lấy tôi hai đồng?
    – Ai bảo lúc nãy Thầy nhìn em!
    Đến khi trở về, sau khi qua đò, cô lái đò lấy mỗi người một đồng, riêng thầy tỳ kheo cô đòi bốn đồng. Vị tỳ kheo lại thắc mắc:
    – Lần đi cô đòi tôi hai đồng vì tôi nhìn cô. Lần về tôi không nhìn cô, khi tới bờ cô lại đòi tôi tới bốn đồng.
    – Lúc đi Thầy nhìn em bằng mắt, em lấy hai đồng vì Thầy nhìn đâu thì thấy đấy. Lúc về Thầy nhìn em bằng ý, bằng tâm, Thầy thấy em tất cả. Thầy phải trả bốn đồng.
    Một hôm vị tỳ kheo lại qua sông. Lần nầy thầy tỳ kheo nhìn thẳng vào cô lái đò. Đò cập bến, nhà sư cười hỏi
    – Lần nầy tôi phải trả bao nhiêu?
    Cô lái đò đáp: 
    – Em xin đưa Thầy qua sông, không thu tiền!
    Thầy tỳ kheo hỏi: 
    – Vì sao vậy?
    Cô lái cười đáp: 
    – Thầy nhìn mà không còn nghĩ tới em nữa ... Do vậy em xin đưa Thầy qua sông mà thôi!
    Kể xong đến đây tôi hỏi Uyên:
    – Uyên hiểu ý nghĩa của câu chuyện này chứ?
    – Vâng ạ! Lần thứ nhất mắt thầy tỳ kheo trụ vào cô lái đò; lần thứ hai thì ý của thầy trụ vào cô lái đò dù là mắt không nhìn. Đâu có phải người mù không thấy là không có chỗ trụ đâu; lần thứ ba, sau thời gian tu tập, thầy buông bỏ được sắc tướng bên ngoài, tâm ý thầy thanh thản, dù có nhìn thẳng vào cô lái đò mà tâm thầy vẫn không bị trụ vào cô ấy.
    Tôi gật gù:
    – Ừ, anh cũng hiểu như Uyên!
    Thi chợt nhìn tôi:
     – Kể từ nay, đứng trước mặt em anh không được nhắm mắt đấy. Nhắm mắt là anh phải trả em bốn đồng.
    Tôi và Uyên cùng cười.
 
Chuyện Hãy Bỏ Xuống Đi
 
Một hôm có hai vị sư đi trên bờ sông. Bỗng thấy một cô gái ngã xuống sông kêu cứu. Thấy nơi sông sâu cô gái có thể chết đuối, một thầy nhẩy xuống sông ôm cô gái ấy bơi vào bờ. Khi đem được cô gái lên bờ rồi thì mạnh ai nấy đi. Vị sư cứu người không nói hay đả động gì về cô gái ấy nữa.
    Vị sư thứ hai đứng trên bờ trách vị sư cứu cô gái:
    – Huynh đã tu tập lâu năm mà nay lại phạm giới luật. Mình là người tu hành sao đụng chạm vào thân thể người con gái như thế!
    Vị sư huynh cứ im lặng mà đi không trả lời người sư đệ của mình.
    Vị sư đệ cứ tiếp tục “càm ràm” phiền trách vị sư huynh của mình về sự việc trên cho tới khi về tới cổng chùa. Vị sư huynh mới ôn tồn nói với người sư đệ:
    – Ta đã bỏ cô gái ở bờ sông rồi, tại sao sư đệ vẫn còn cõng cô gái ấy về tới tận đây. Hãy buông cô ta xuống đi!
    Sau khi tôi kể xong câu chuyện giữa hai vị sư. Uyên nói ngay như vừa mới thuộc bài:
    – Vị sư đệ, tuy ngoài miệng phản đối, nhưng trong thâm tâm vị ấy có thể đã trụ vào sắc tướng cô gái đó mất rồi. Thế nên, vị sư huynh mới bảo vị sư đệ là hãy buông cô ấy xuống đi nghĩa là đừng bận tâm tới cô ấy nữa, tâm ý đừng trụ vào cô gái nữa.
    Tôi không góp ý gì thêm với Uyên mà chỉ ngồi cười. Tôi nói với Uyên:
    – Em nói như thế, anh có câu chuyện với ý nghĩa tương tự, anh kể cho em nghe thêm nhé.
 
Chuyện Không Thể Nhắm Mắt
 
Một vị sư tu tại một ngôi chùa nọ. Có một nữ thí chủ thường hay lui tới chùa cúng Phật. Mỗi lần cô gái đó ra về thì vị sư này lấy khăn ra lau, lau đi lau lại thật kỹ cho sạch những nơi cô gái đó ngồi.
    Rồi đến một ngày, vị sư đó qua đời. Hai con mắt thầy cứ mở trừng trừng không làm cách nào để có thể làm thầy nhắm mắt lại được. Cho tới khi cô gái đó tới nắm tay vị sư, vị sư mới nhắm mắt ra đi.
    Tôi cười, nói với Uyên:
    – Uyên thấy không! Bên ngoài thì như thế mà tâm ý vị sư đã trụ vào người nữ thí chủ đó một cách hết sức sâu đậm.
    Thi với nét mặt hóm hỉnh, hỏi tôi:
    – Sao chuyện thiền nào của anh cũng chỉ có “sư” và những “cô gái” thôi vậy?
    Tôi phá lên cười:
    – Em hỏi anh một câu rất hay! Hay quá! Em biết tại sao không? Vì trong lòng anh trụ vào “chuyện trai gái” nên kể toàn chuyện như vậy đó thôi. Đều do tâm mình mà ra cả. Nhân đây, anh kể cho em nghe những câu chuyện thiền khác nói về ông Tô Đông Pha và thiền sư Phật Ấn nhé. Chuyện này xẩy ra giữa các nhân vật đều là đàn ông thôi.
    Tôi quay sang hỏi Uyên:
    – Uyên có biết về nhân vật Tô Đông Pha của Trung Hoa không?
    – Thưa anh em biết ạ! Tô Đông Pha là một danh tài, văn chương lỗi lạc ít ai sánh kịp. Ông là người rất thông hiểu đạo Phật và từng làm quan to ở Hàng Châu dưới thời Bắc Tống.
    – Uyên nhớ đúng rồi đấy!
    Tôi quay sang Thi:
    – Em lắng nghe chuyện thiền anh sắp kể nhé. Anh sẽ hỏi em về ý nghĩa câu chuyện này đó.
    Thi nhìn chị như hỏi ý. Thấy Uyên gật đầu, Thi mới nói:
    – Được rồi anh cứ kể đi! Em không sợ đâu! Nhưng anh phải kể hay cơ đấy.
    Trước khi vào chuyện, tôi không quên nhắc nhở cho hai cô biết về cá tính và sự giao du thân mật của hai nhân vật này.
    Tô Đông Pha là người cao ngạo, nói chuyện với người nào cũng muốn chơi gác, muốn hơn chứ không muốn thua ai. Trong lúc rảnh rỗi, ông thường đến bàn luận về đạo pháp với vị thiền sư Phật Ấn là người bạn rất thân của ông. Phật Ấn, vị thiền sư nổi tiếng thời Bắc Tống. Trong khi đàm đạo, Tô Đông Pha luôn dùng mọi lý lẽ để thắng thiền sư Phật Ấn, nhưng lần nào ông cũng bị thua.
    Tô Đông Pha và thiền sư Phật Ấn có những giai thoại rất hay.
 
Chuyện Đống Phân Bò
 
Một hôm Tô Đông Pha ngồi tọa thiền cùng thiền sư Phật Ấn. Tô Đông Pha hỏi:
    – Thiền sư nhìn xem tôi giống cái gì?
    Phật Ấn trả lời:
    – Ông ngồi giống như Đức Phật!
    Phật Ấn hỏi lại:
    – Thế ông nhìn xem tôi giống cái gì?
    Tô Đông Pha trả lời:
    – Ông ngồi giống như đống phân bò!
    Tô Đông Pha rất đắc ý với câu trả lời của mình vì đã hạ được thiền sư Phật Ấn một vố đau. Không cần hỏi gì thêm, Tô Đông Pha liền đứng dậy đi về lòng vui phơi phới vì nghĩ lần này đã hạ được sư Phật Ấn.
    Trên đường về, gặp ai ông cũng khoe. Dọc đường ông gặp người em gái của ông là Tô Tiểu Muội, ông liền hí hửng lại đem câu chuyện ấy ra khoe. Khi ông vừa kể dứt câu chuyện, cô em gái liền nói:
    – Anh lại thua thiền sư Phật Ấn rồi!
    – Thua ở chỗ nào? Thắng rõ ràng mà!
 
    Cô em gái mới giải thích cho ông nghe:
    – Tâm của thiền sư là tâm Phật nên nhìn thấy anh ngồi như Phật. Còn tâm anh giống như đống phân bò nên mới nhìn thấy ông ấy giống đống phân bò.
    Tôi vừa kể xong câu chuyện thiền về “đống phân bò”, liền hỏi Thi:
    – Anh ngồi giống cái gì?
    Thi giả vờ đưa tay bóp trán, ngẫm nghĩ trước khi trả lời:
    – Anh giống ... Anh giống ... anh Nam (tên tôi)!
    – Anh hỏi anh giống cái gì cơ mà?
    – Anh giống ... Anh giống ... cái quạt!
    – Cái quạt?
    – Tại vì em đang nực (nóng) mà!
    Thi ngồi thẳng lên, uỡn ngực, hai tay chống nạnh, hỏi tôi:
    – Em ngồi trông giống cái gì?
    Tôi trả lời trêu:
    – Không nói ... Không nói! (cũng là tựa đề một câu chuyện thiền khác)
    – Anh ăn gian! Phải nói ... Phải nói!
    – Không nói ... Không nói!
    Thi nhõng nhẽo:
    – Anh ăn gian! Không chơi với anh nữa đâu!
    Tôi cười:
    – Thôi để anh nói! ... Em giống múi mít!
    Thi cầm múi mít đưa cho tôi:
    – Anh khôn quá à!
    Uyên liếc nhìn tôi, tay bụm miệng cười dí dỏm.
    Tôi nhờ Uyên giải thích cho Thi về ý nghĩa của câu chuyện thiền vừa rồi.
Uyên nhìn Thi nói:
    – Câu chuyện này chứa một đạo lý rất sâu sắc. Tâm mình thanh tịnh thì cảnh vật chung quanh đều thanh tịnh, hay ngược lại. Tâm mình ra sao thì nhìn cảnh vật ra vậy.
    Thi bỗng đập hai tay xuống bàn rồi vỗ tay:
    – Anh ăn gian! Anh nói trong chuyện chỉ có đàn ông thôi. Sao bây giờ lại có cô em gái của ông Tô Đông Pha? Em phạt anh!
     Tôi cười:
    – Ừ nhỉ? Thôi để anh kể đền cho em một câu chuyện thiền khác vậy, tuyệt nhiên không có một cô con gái nào trong đó. Chịu không?
    – Em chịu! Mà cũng phải hay như chuyện trước cơ!
    Uyên lườm yêu cô em:
    – “Ăn mày còn đòi xôi gấc”! Đã được nghe kể chuyện lại còn đòi phải là chuyện hay nữa cơ!
    – Nghe chuyện không hay thì chán lắm!
    Tôi vuốt tóc Thi:
    – Chuyện này bảo đảm hay hơn chuyện trước, nhưng chỉ sợ em không hiểu thôi!
 
Chuyện Bát Phong Xuy Bất Động tức Tám Ngọn Gió Thổi Không Động
 
Ông Tô Đông Pha là người mộ đạo Phật. Sau những năm tu tập, ông nghĩ mình đã ngộ đạo nên làm một bài kệ gửi đến thiền sư Phật Ấn nhằm mục đích nhờ thiền sư ấn chứng cho sự chứng đắc của ông. Bài kệ rằng:
 
Khể thủ thiên trung thiên
Hào quang chiếu đại thiên
Bát phong xuy bất động
Đoan tọa tử kim liên.
(“thiên trung thiên” tức là Phật, bậc Giác Ngộ)
 
Tạm dịch là:
 
Đảnh lễ bậc Giác Ngộ
Hào quang chiếu vũ trụ
Tám gió thổi chẳng động
Ngồi vững tòa sen vàng.
 
Ý nói bây giờ ông đã ngộ đạo, đã nhận ra con người chân thật của ông ở giữa cõi thế gian này. Con người chân thật đó, cũng như Phật, tỏa sáng hào quang khắp cả đại thiên thế giới. Bây giờ dù có “bát phong xuy bất động” tức “tám ngọn gió độc” cũng không thổi động tới tâm ông được.
    Thiền sư Phật Ấn thấy bài thơ có ý tứ rất hay do “văn hay chữ tốt”. Nhưng thiền sư biết tâm tính của người bạn mình chưa đạt được ý nghĩa sâu xa của Phật pháp, nên thay vì khen ngợi, ông phóng bút phê trên bài kệ hai chữ “phóng thí” tức “đánh rắm” (hạ phong) rồi gửi trở lại cho Tô Đông Pha.
    Nhận được lời phê “đánh rắm” của Phật Ấn, Tô Đông Pha tức tốc bơi thuyền qua sông gặp thiền sư để hỏi cho ra lẽ. Khi vừa bơi thuyền tới bờ sông, Tô Đông Pha đã thấy thiền sư Phật Ấn đứng đợi ở đó.
    Tô Đông Pha liền hỏi:
    – Bài kệ của tôi hay như vậy sao Thầy không khen mà lại phê bình như vậy?
Thiền sư Phật Ấn mới nhẹ nhàng trả lời:
    – Ông nói gì trong bài kệ vậy? Tám gió không động mà bây giờ mới có một ngọn gió nhẹ đã thổi ông từ bên kia sông sang bên này sông. Như vậy là tâm ông động rồi.
    Đến đây, Đông Pha mới chợt hiểu ra mình chưa bất động.
    Uyên hỏi tôi:
    – Tám ngọn gió là những ngọn gió nào vậy anh?
    – Tám ngọn gió đó là lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc. Lợi: Khi được lợi thì vui mừng hớn hở. Suy: Khi bị mất mát, tổn hại thì buồn rầu, nuối tiếc. Hủy: Khi bị chê bai, chỉ trích thì cảm thấy khó chịu. Dự: Khi được khen ngợi thì vui thích, hài lòng. Xưng: Khi được mọi người xưng tụng, tung hô thì hả hê, vui sướng. : Khi bị chế diễu, vu khống thì hậm hực, khó chịu không yên. Khổ: Khi gặp những điều không như ý thì đau khổ, buồn bực. Lạc: Khi mọi việc đều thuận lợi như ý thì mừng rỡ, vui vẻ.
 
hung 2Thi uể oải vươn vai nhõng nhẽo:
    – Anh còn có chuyện thiền nào nữa không?
    Uyên lừ mắt nhìn Thi:
    – Chuyện đâu mà lắm thế! Cái cô này lúc nào cũng hay đòi hỏi!
    Thi liếc nhìn tôi sau câu nói của Uyên:
    – Anh hết chuyện thiền rồi hả? Chuyện cổ tích cũng được. Lúc nẫy anh hứa mà!
    Tôi mỉm cười:
    – Chuyện thiền thì anh còn nhiều lắm, nhiều ngang với chuyện cổ tích. Nhưng anh chỉ sợ em chẳng hiểu gì cả rồi lại hỏi anh những câu vớ vẩn.
    Thi vênh mặt:
    – Nếu em không hiểu thì đã có chị Uyên giảng cho em.
    Uyên nhìn cô em:
    – Nhỡ chị cũng không hiểu thì sao?
    Thi lại vênh mặt nhìn tôi:
    – Thì ... thôi ...!
    Chữ “thôi” của Thi kéo dài ra làm tôi bật cười. Tôi đành phải kể cho Thi nghe thêm một giai thoại nữa về Tô Đông Pha. Tôi biết Thi chẳng thể hiểu nổi chuyện này, nhưng tôi hy vọng Uyên sẽ khá hơn để hiểu được nó.
 
Chuyện Ngồi Đâu
 
Một hôm nọ thiền sư Phật Ấn đang ngồi ở trên pháp tòa giảng pháp. Ông Tô Đông Pha đến trễ. Từ trên pháp tòa thiền sư Phật Ấn đưa mắt nhìn thấy Tô Đông Pha tới mới nói một câu:
    – Ở trong này không còn chỗ ngồi!
    Đây là một câu thử, ý nghĩa rất sâu xa. Ông Tô Đông Pha trả lời:
    – Nếu trong ấy không còn chỗ ngồi thì tôi mượn thân của ngài để ngồi lên được không?
    Lợi dụng câu đó để hạ thiền sư Phật Ấn. Thiền sư không cần suy nghĩ nói:
    – Bây giờ tôi xin hỏi ông một câu, nếu như ông trả lời được thì tôi sẽ đem cái thân này cho ông ngồi. Còn như ông trả lời không được thì ông cởi “ngọc đáy” để lại đây. (ngày xưa các quan đeo ngọc đáy ở quanh lưng).
    Tô Đông Pha tự tin vào trình độ tu hành và kiến thức của mình không thua ai nên trong lòng ông rất tự đắc:
    – Xin thiền sư cứ hỏi!
    Tô Đông Pha vừa dứt lời, thiền sư liền hỏi:
    – Tứ đại vốn không, ngũ ấm vô ngã, thân này là không. Vậy ông ngồi chỗ nào?
    Tô Đông Pha không trả lời được. Phật Ấn dùng đạo lý để hỏi chứ không dùng tướng thân để hỏi. Ý nói thân tôi tứ đại (đất, nước, gió, lửa) đều là không. Bây giờ nói là không thì ông lấy gì ông ngồi.
    Cuối cùng Tô Đông Pha phải cởi “ngọc đáy” để lại cho chùa Kim Sơn làm kỷ niệm.
Đối với người giác ngộ thì thấy thân này là giả nên mọi chuyện xẩy đến người ta hóa giải được dễ dàng.
    Thi đứng dậy vỗ tay hoan hô.
    Tôi trợn mắt nhìn Thi một cách ngạc nhiên:
    – Em hiểu hả? Nói cho anh nghe đi!
    Thi giơ cả hai tay thẳng lên trời như biểu lộ sự khẳng định:
    – Ông Tô Đông Pha lại thua nữa rồi! Ai bảo lúc nào cũng cứ tưởng mình là giỏi nhất!
    Tôi và Uyên nhìn nhau cười. Hóa ra Thi vỗ tay chỉ vì ông Tô Đông Pha lại thua thiền sư Phật Ấn thêm một lần nữa.
    Bỗng Uyên chạy lại phía sau lưng Thi, ôm cô em, quay mặt về phía tôi hát nhẹ:
    – Em còn son, anh vẫn còn son. (trích từ bài hát dân ca quan họ)
    Tôi nhìn Thi âu yếm, nắm vai nàng và cũng hát nhẹ như lời thủ thỉ:
    – Anh về thưa với mẹ cha, cho đôi ta được làm con một nhà ... Cho đôi ta được làm con một nhà.
    Thi biết mình bị trêu nên cứ lấy hai tay che mặt nhưng nàng không thể che giấu nổi sự xúc động trước câu hát đầy yêu thương của tôi.
    Tôi nhớ lại hôm ấy chưa lâu, nhân dịp thầy mẹ tôi sang nhà Thi ăn giỗ đã ngỏ lời xin nàng cho tôi trước mặt đông đủ họ hàng.
    Tôi nhìn Thi mỉm cười, lòng tràn đầy hạnh phúc.
 
-------------
 

ĐỌC THÊM (Tùy ý)

VÀI NÉT VỀ THIỀN TÔNG TRUNG HOA

 

Đứng về lịch sử và phát triển của thiền, người ta thường nghe thấy có ba pháp thiền quen thuộc của ba thời kỳ khác nhau. Đó là Thiền Nguyên thủy, Thiền Đại thừa và Thiền tông. Những thời kỳ khác nhau đó là những khoảng cách rất lớn về thời gian. Tất nhiên còn nhiều ngành thiền khác như Thiền Mật tông ở Tây Tạng, Thiền Tịnh độ ... chẳng hạn.

Đạo Phật được truyền vào Trung Hoa rất sớm. Từ thế kỷ đầu của Tây lịch, đạo Phật đã có mặt ở Trung Hoa rồi. Vào lúc đó, sự truyền giáo từ Ấn Độ vào Trung Hoa không phải là những pháp tu của Thiền tông như thế này mà chỉ là những giáo lý GIẢI THOÁT rất căn bản như giới, định tuệ chẳng hạn: giữ giới thì việc tu tập thiền định tự nhiên sẽ được tăng trưởng, từ trong thiền định ấy sẽ sinh ra trí tuệ để làm việc lành tránh việc dữ, chiến thắng được dục vọng, phẫn nộ, ngu si, ảo tưởng, ham nuốn, và từ đó sẽ đạt được sự giải thoát trong cuộc sống hòa bình an vui.

Muốn phát triển đạo Phật sâu rộng ở Trung Hoa, đường lối truyền giáo cần phải được sửa đổi sao cho thích hợp với bản chất của người địa phương ở vùng Đông thổ (tức Trung Hoa). Người Ấn Độ thì thiên về siêu hình, bí ẩn trong khi người Trung Hoa thì thiên về thực dụng, đơn giản. Do đó, Thiền tông được thành hình và phát triển bởi các “Tổ sư” thiền người Trung Hoa sáng lập nên cho phù hợp với hoàn cảnh. Vì thế, Thiền tông còn được gọi là “Tổ Sư Thiền”. Thiền tông mang đặc chất hoàn toàn Trung Hoa.

Để Thiền tông mang tính chất chánh truyền, các Tổ Sư Trung Hoa đã dùng phương pháp truyền “y bát” từ vị Tổ này sang vị Tổ kế tiếp. Các Tổ sau ngài Lục Tổ Huệ Năng, tục lệ kế thừa bằng đường lối truyền “y bát” không còn nữa. Sau Lục Tổ là Tổ Thần Hội (Thần Hội thấy được đạo lúc ngài mới 13 tuổi, vượt lên trên hàng nghìn chúng đồ cùng theo tu học với Lục Tổ).

Nên biết, y bát của các “Tổ Thiền tông” Trung Hoa truyền cho nhau không phải là y bát của Đức Phật. Y bát của Đức Phật, khi ngài nhập diệt, đã được trao cho ngài Ca Diếp giữ để truyền lại cho Đức Phật Di Lặc sau này. Và cũng nên biết thêm, ngay cả giáo đoàn của Đức Phật, Đức Phật cũng không giao cho ai thay ngài cả mà chỉ dặn đệ tử: lấy giới luật làm thầy và dùng Pháp Tứ Niệm Xứ để tu tập.

Vị Tổ Sư đầu tiên của Thiền tông là ngài Bồ Đề Đạt Ma. Bồ Đề Đạt Ma người Ấn Độ, sang Trung Hoa truyền giáo vào năm 520 sau Công nguyên. Ngài sang Trung Hoa đem theo một tông chỉ rất rõ ràng: bất lập văn tự, trực chỉ chân tâm kiến tánh thành Phật, chân lý nằm ngoài ngôn từ, kinh điển.

Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma mang tư tưởng ấy đi truyền bá ở Trung Hoa nhưng bị thất bại ngay lần đầu tiên khi tiếp kiến vua Lương Vũ Đế. Nhà vua hỏi:

- Tôi cất chùa vô số như vậy tôi có công đức không?

Bồ Đề Đạt Ma trả lời ngay:

- Chẳng có công đức gì cả!

Lương Vũ Đế không hài lòng về câu trả lời này.

Thất bại ở nước Lương, Bồ Đề Đạt Ma bỏ sang nước Ngụy, ngồi quay mặt vào vách đá 9 năm để tu. Cả đời Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma không độ được ai, chỉ trừ Thần Quang, tức Tổ Sư Huệ Khả. Sau đời Tổ Huệ Khả, các Tổ kế tiếp theo tuần tự là Tổ Tăng Sáng, Đạo Tín, Hoàng Nhẫn, Huệ Năng. . . Chỉ có Tổ Huệ Năng là lột tả, ứng dụng và phát huy được trọn vẹn tông chỉ của Tổ Bồ Đề Đạt Ma (Tổ thứ nhất). Vì Tổ Huệ Năng không biết chữ, đến chữ “nhất” cũng không biết mà vẫn đạt đạo. Điều đó chứng minh được ý tưởng “bất lập văn tự” của ngài Bồ Đề Đạt Ma ngày trước. Người đời sau đã tôn vinh Lục Tổ Huệ Năng là người đã đưa Thiền tông lên đến tuyệt đỉnh của pháp môn “Trực chỉ chân tâm Kiến tánh thành Phật”, đó là tông chỉ ban đầu Tổ Bồ Đề Đạt Ma đưa ra.

Đạo Phật vào Việt Nam ta rất sớm, có thể trước cả Trung Hoa nhưng “thiền” lại phát triển mạnh ở Trung Hoa. Giữa thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, mặc dù được coi là một thiền phái riêng biệt của Việt Nam, cũng như Thiền tông là của riêng Trung Hoa, nhưng cả hai thật rất gần gũi nhau. Một điều thể hiện rất rõ là trong bài tựa “Thiền Tông Chỉ Nam” của vua Trần Thái Tông cũng đã có nhiều điểm cốt yếu tương đồng với ngài Lục Tổ Huệ Năng.

 

Nguyễn Giụ Hùng

 

Mời nghe bản nhạc

Duyên dáng áo lam

 

 

 

 

 

 
 
Xem thêm...

Bài tựa “Thiền Tông Chỉ Nam” của Vua Trần Thái Tông – Phần 2

Bài tựa “Thiền Tông Chỉ Nam”

của Vua Trần Thái Tông 

Phần 2

NỘI DUNG BÀI TỰA THIỀN TÔNG CHỈ NAM

NGUYỄN GIỤ HÙNG

Tượng Vua Trần Thái Tông.


Về tới nhà, chúng tôi vội vàng thay quần áo để chuẩn bị ăn sáng. Uyên luôn tỏ ra nhanh nhẹn trong việc bếp núc. Chỉ một thoáng chúng tôi đã có sẵn sàng một bữa cơm ngon. Nói là ăn sáng, nhưng đúng ra, với những món ăn được đặt trên bàn phải được gọi là bữa ăn trưa mới đúng.
   Sau phần dọn dẹp khi ăn xong, cả ba chúng tôi lại có dịp ngồi cùng nhau trò chuyện bên đĩa mít. Thi đang loay hoay đun nước pha trà. Tôi biết, như đã hứa với Uyên, bổn phận của tôi bây giờ là phải nói cho Uyên nghe về bài tựa “Thiền Tông Chỉ Nam” của vua Trần Thái Tông, vị vua tại ngôi đầu tiên của nhà Trần.
    Tôi đưa cho Uyên đọc sơ qua “bài tựa” đó. Tôi không quên nhắc nàng là toàn bộ quyển “Thiền Tông Chỉ Nam” đã bị thất lạc, nay chỉ còn giữ lại được “bài tựa” này mà thôi.
 
BÀI TỰA THIỀN TÔNG CHỈ NAM (1)

Trẫm thầm nghĩ: Phật không có Nam Bắc, mọi người đều có thể tu cầu. Tánh có trí ngu, đồng sẵn giác ngộ. Vì vậy, phương tiện dẫn dụ đám người mê, để sáng tỏ đường tắt sanh tử, là kinh điển của đức Phật. Đặt mực thước cho đời, làm mô phạm cho người sau, là trọng trách của các bậc Thánh trước (Tổ). Cho nên Lục Tổ nói: "Những bậc Thánh trước (Tổ) cùng Đại sư (Phật) không khác". Nên biết giáo pháp của Phật nhờ các bậc Thánh trước truyền bá ở đời. Nay trẫm đâu không thể lấy trách nhiệm các bậc Thánh trước làm trách nhiệm của mình, giáo pháp của Phật làm giáo pháp của mình.
 
   Vả lại, thuở trẫm còn niên thiếu, có chút ít hiểu biết vừa nghe lời dạy của Thiền sư thì tâm tư lóng lặng, bỗng dưng thanh tịnh, nên để tâm nơi nội giáo, tham cứu Thiền tông, dốc lòng tìm thầy, chí thành mộ đạo. Tuy ý nói hồi hướng đã nẩy mầm, mà cơ cảm xúc chưa thấu suốt.
 
   Năm mười sáu tuổi, Thái Hậu đã chán cõi đời, trẫm nằm rơm gối đất, khóc ra máu mắt, đau đớn nát lòng; ngoài nỗi đau buồn này, đâu rảnh nghĩ việc khác. Chỉ vài năm sau, Thái Tổ Hoàng Đế cũng băng hà, lòng thương mẹ chưa nguôi, nỗi xót cha càng thống thiết, buồn thảm tràn trề khó bề dẹp được. Trẫm nghĩ: Công cha mẹ đối với con, nuôi nấng vỗ về không thiếu điều gì, dù con phải xương tan, thịt nát vẫn chưa đủ đền đáp trong muôn một. Huống nữa, Thái Tổ Hoàng đế khai cơ lập nghiệp rất đỗi gian nan, trị nước giúp đời càng thêm hệ trọng. Người đem đất nước giao cho ta khi còn thơ ấu, khiến ta ngày đêm canh cánh không chút thảnh thơi. Ta lòng riêng tự bảo: trên đã không cha mẹ để nương tựa, dưới ngại chẳng xứng lòng dân mong đợi. Phải làm sao đây? Ta suy đi nghĩ lại: chi bằng lui về ở chốn núi rừng, tìm học Phật pháp để hiểu rõ việc lớn sanh tử, lấy đó đền đáp công ơn cha mẹ, chẳng hay hơn sao? Thế là chí trẫm đã quyết định.
    Đêm mùng ba tháng tư năm Bính Thân, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ năm (1242), trẫm đổi y phục đi ra khỏi cửa cung bảo tả hữu rằng: "Trẫm muốn đi dạo để ngầm nghe lời dân, biết được chí dân, mới hiểu thấu nỗi khó khăn của họ". Bấy giờ tả hữu theo trẫm không quá bảy, tám người. Giờ hợi đêm ấy, trẫm cưỡi một ngựa lặng lẽ ra đi; sang sông thẳng về hướng đông, mới nói thực lòng cho tả hữu biết. Tả hữu ngạc nhiên, tất cả đều khóc. Giờ mẹo hôm sau, đến bến đò Đại Than bên núi Phả Lại, sợ có người biết, trẫm lấy áo che mặt qua sông, đi tắt theo đường núi. Đến tối vào nghỉ chùa Tăng Giác Hạnh, đợi sáng lại đi. Leo trèo lặn lội, núi hiểm suối sâu, ngựa mỏi mệt không thể tiến lên được; trẫm bèn bỏ ngựa vin vách đá lần bước, đến giờ mùi mới tới sườn núi Yên Tử. Sáng hôm sau, trẫm trèo thẳng lên đỉnh núi, tham kiến vị đại Sa môn Quốc sư Trúc Lâm. Quốc sư vừa thấy trẫm mừng rỡ, ung dung bảo:
 
    "Lão tăng ở lâu nơi sơn dã, xương cứng mặt gầy, ăn rau đắng cắn hạt dẻ, uống nước suối, dạo cảnh rừng, lòng như mây nổi theo gió đến đây. Nay Bệ hạ bỏ ngôi nhân chủ, nghĩ đến nơi quê hèn rừng núi, chẳng hay Bệ hạ mong cầu điều gì mà đến đây".
 
     Trẫm nghe nói, hai hàng nước mắt tự trào, đáp lại Sư rằng: "Trẫm còn thơ ấu vội mất hai thân, bơ vơ đứng trên sĩ dân không chỗ nương tựa. Lại nghĩ sự nghiệp các bậc đế vương đời trước, thịnh suy không thường, cho nên trẫm đến núi nầy chỉ cầu làm Phật, chớ không cầu gì khác".
 
    Sư bảo: "Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết, gọi là chơn Phật. Nay Bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài".
 
    Bấy giờ ông chú Trần Công, người em họ mà Tiên quân gởi gấm đứa con côi. Sau khi Tiên quân bỏ thế gian và quần thần, trẫm phong làm Thái sư tham dự quốc chính. Nghe tin trẫm trốn đi, ông liền sai tả hữu đi mọi nơi dò tìm tung tích rồi cùng người trong nước lên đến núi này.
 
    Gặp trẫm, ông thống thiết nói:"Thần nhận sự ủy thác của Tiên quân, tôn Bệ hạ làm chúa thần dân. Lòng dân trông đợi Bệ hạ như con nhỏ mong đợi cha mẹ. Huống nữa, ngày nay các cố lão trong triều đều là bề tôi thân thuộc, dân chúng sĩ thứ ai cũng vui vẻ phục tùng. Cho đến đứa bé lên bảy cũng biết Bệ hạ là cha mẹ dân. Vả Thái Tổ bỏ thần mà đi, nắm đất trên mồ chưa khô, lời dặn dò còn vẳng bên tai. Nay Bệ hạ trốn lánh vào núi rừng, ẩn cư để mong thỏa chí mình. Như thần nghĩ, Bệ hạ tính kế tự tu thì có thể được, còn quốc gia xã tắc thì sao? Chỉ để lời dạy suông cho đời, chi bằng đem thân mình làm gương trước cho thiên hạ. Bệ hạ nếu không nghĩ lại, chúng thần cùng người trong thiên hạ đồng chết ngay hôm nay, quyết chí không trở về".
 
    Trẫm thấy Thái sư cùng các cố lão quần thần không có ý bỏ trẫm, liền đem lời bày tỏ với Quốc sư. Quốc sư cầm tay trẫm bảo: "Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ trở về, Bệ hạ không về sao được. Song phần nghiên cứu nội điển, mong Bệ hạ đừng xao lãng".
 
    Vì thế, trẫm cùng mọi người trở về Kinh, miễn cưỡng lên ngôi. Khoảng hơn mười năm, những khi được rảnh rỗi, trẫm họp các vị kỳ đức để tham cứu thiền, hỏi đạo và các kinh Đại thừa... đều nghiên cứu qua. Trẫm thường đọc kinh Kim Cang đến câu: "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm", trong khoảng để quyển xuống ngâm nga, bỗng nhiên tự ngộ. Liền đem sở ngộ này viết thành bài ca, để tên là "Thiền Tông Chỉ Nam". Năm này, Quốc sư từ núi Yên Tử về kinh, trẫm mời ở chùa Thắng Nghiêm, trông coi việc ấn bản các kinh. Trẫm đem tập sách này trình Sư, Sư xem qua liền tán thán rằng: "Tâm chư Phật ở trọn nơi đây, sao không nhân khắc in các kinh, khắc in luôn để dạy kẻ hậu học".
 
    Trẫm nghe lời này, sai thợ viết chữ chân phương, ra lệnh khắc bản in. Chẳng những để chỉ đường mê cho hậu thế, mà còn muốn tiếp nối công lớn các bậc Thánh nhơn đời trước. Vì thế tự làm lời tựa này.
   
Sau khi chúng tôi cùng đọc bài tựa này, tôi tóm tắt và nêu lên vài ý chính cho Uyên thấy, để rộng đường thảo luận sau này.
 
    – Mở đầu bài văn, ngài khẳng định Phật không có Nam Bắc, mọi người đều có thể tu cầu. Tánh có trí ngu, đồng sẵn giác ngộ và ngài sẽ theo chân các Thánh để góp công vào sự truyền bá giáo pháp của đạo Phật.
 
    – Từ thuở niên thiếu (11, 12 tuổi), ngài đã nghe qua về đạo Phật và đem lòng yêu thích. Tuy là vua (lên ngôi lúc 8 hay 9 tuổi) nhưng ngài vẫn phát tâm tìm học Phật pháp, tìm hiểu Thiền tông.
 
    – Năm 16 tuổi, ngài mất mẹ; hai năm sau, ngài mất cha. Nỗi thống khổ của ngài đến cùng cực. Bên cạnh đó, ngài lại phải gánh vác trọng trách của ông vua một nước mà cha ngài và cả dòng họ đã vất vả trăm phần mới gây dựng lên được. Ngài phân vân trong việc chọn lựa giữa trách nhiệm với quốc dân, sự đền ơn cha mẹ hay bỏ đi tu. Cuối cùng ngài chọn con đường thứ hai là vào rừng núi tu, mới mong đền đáp công ơn sinh dưỡng của song thân.
 
    – Ta thấy ngài đã không kể hay đả động gì tới sự bất mãn, tủi nhục khi phải bỏ vợ mình là Chiêu Thánh để cưới chị dâu – tức vợ của Trần Liễu – là công chúa Thuận Thiên làm vợ dưới áp lực của ông chú ruột là Trần Thủ Độ. Khi Quốc sư hỏi tại sao tới đây, ngài trào nước mắt mà không thổ lộ ra được.
 
    – Ngài tả lại về cuộc hành trình vất vả khi bỏ kinh thành để trốn vào vùng núi rừng hoang vu Yên Tử.
 
    – Ngài kể lại về cuộc đối thoại của ngài với Quốc sư Trúc Lâm. Cuộc đối thoại rất quan trọng đối với vua Trần Thái Tông trong việc tu học sau này. Thiền sư hỏi “Nay Bệ hạ bỏ ngôi nhân chủ, nghĩ đến nơi quê hèn rừng núi, chẳng hay Bệ hạ mong cầu điều gì mà đến đây". Vua trả lời “trẫm đến núi nầy chỉ cầu làm Phật, chớ không cầu gì khác". Sư bảo: "Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết, gọi là chơn Phật. Nay Bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài".
 
    – Vua kể về sự thuyết phục của Trần Thủ Độ để ngài phải trở lại triều đình. Câu cuối cùng Trần Thủ Độ dùng như một tối hậu thư để vua không thể không về “Bệ hạ nếu không nghĩ lại, chúng thần cùng người trong thiên hạ đồng chết ngay hôm nay, quyết chí không trở về". Lúc này Quốc sư mới bảo "Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ trở về, Bệ hạ không về sao được. Song phần nghiên cứu nội điển, mong Bệ hạ đừng xao lãng".
 
    – Trong khi trị nước, ngài không ngừng nghiên cứu đạo Phật. Ngài được chứng ngộ và cống hiến sự ra đời của cuốn “Thiền Tông Chỉ Nam”. “Trẫm thường đọc kinh Kim Cang đến câu: "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm", trong khoảng để quyển xuống ngâm nga, bỗng nhiên tự ngộ. Liền đem sở ngộ này viết thành bài ca, để tên là "Thiền Tông Chỉ Nam"
 
    Uyên và Thi ngồi nghe tôi nói một cách chăm chú. Tôi nhìn thẳng vào mắt Uyên như để nhắc nàng nghe cho kỹ những điều tôi sắp nói thêm:
    – Cứ dựa theo bài “tựa” trên ta có thể nhận ra được một vài điểm tương đồng của ngài Trần Thái Tông với ngài Lục Tổ Huệ Năng, vị Tổ thứ sáu trong “Kinh Bảo Đàn” của Thiền Tông Trung Hoa:
 
    Cùng nói Phật không có Nam Bắc, mọi người đều có thể tu cầu thành Phật.
    Cùng cầu thành Phật chứ không cầu gì khác.
    Cùng ngộ bằng kinh Kim Cang bởi câu "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm". 
    Sau khi tôi nêu lên những nét tương đồng, Uyên ngẫm nghĩ một chút rồi mới nói:
    – Các vị đạt đạo, họ cùng có cái nhìn giống nhau anh nhỉ!
    Tôi hỏi Uyên:
    – Uyên có nhớ hôm chúng ta cùng đi nghe sư cụ làng mình giảng kinh không?
    – Thưa anh, em nhớ!
    – Uyên còn nhớ sư cụ giảng kinh Kim Cang. Hiểu được những gì, em nói cho anh nghe!
    Uyên cười chữa thẹn:
    – Hôm đó em bị phân tâm nên em không hiểu bài thuyết pháp ấy!
    Uyên chép miệng:
    – Mà có chú tâm nghe, chắc em cũng chẳng hiểu nổi!
    Tôi vờ tằng hắng, lên giọng hỏi Thi:
    – Thế còn cô này, có hiểu gì không?
    Thi nhẹ phùng má nói “Không!” một tiếng nhỏ rồi mới cười cười trả lời tôi:
    – Không ạ! Hôm đó em ngồi ngủ gật!
    Thi nói với giọng thách thức:
    – Anh hiểu thì bây giờ anh nói lại cho chúng em nghe đi!
    Tôi giữ vẻ nghiêm trang, ngửa mặt nhìn lên trần nhà, dõng dạc tuyên bố:
    – Anh cũng không hiểu!
    Nói xong tôi vẫn nhìn lên trần nhà cười khà khà. Cả hai cô cười rũ ra. Thi đưa tay cù vào nách tôi:
    – Thế mà lên giọng ông thầy! Anh chỉ giỏi bắt nạt chúng em!
    Tôi cuời:
    – Chúng ta đừng xấu hổ vì không hiểu nổi kinh Kim Cang. Cụ Nguyễn Du, trong một bài thơ, cụ tự thú đọc kinh này trên một nghìn lần mà vẫn không “ngộ” được. Chúng ta là “cái thá gì” mà đòi hiểu ngay. Đừng xấu hổ nữa! Kinh này đức Phật dùng để giảng dậy cho những vị hàng Bồ Tát thôi mà.
    Tôi xoay người về phía Thi:
    – Thôi, để anh nói một chút về bộ kinh này, một chút thôi. Nếu không, em lại bảo là anh chỉ biết bắt nạt “trẻ con”.
    Thi “véo” nhẹ vào đùi tôi:
    – Này “trẻ con” này! Đã không hiểu lại còn đòi nói. Em không nghe nữa đâu!
    Uyên ngồi đối diện với Thi ở phía bên kia bàn, lườm cô em:
    – Cái cô này! Để anh ấy nói ra những cái “không hiểu” đã nào!
    Thi vênh mặt:
    – Thế thì cho anh nói đấy!
    Tôi cố nhớ lại những điều các sư đã từng giảng kinh này trong những ngày đại lễ Phật.
    Cả cuốn kinh Kim Cang chỉ tóm tắt để trả lời hai câu hỏi của ngài Tu Bồ Đề (tên một đệ tử của Phật):
 
    Làm sao để an trụ tâm?
    Làm sao để hàng phục tâm?
 
    Chỉ có hai điều đó thôi mà muốn hiểu được nó, thực hành được nó thật vô cùng khó khăn.
    Ngay đến cụ Nguyễn Du cũng phải tự nhận là đã tụng kinh này hơn một nghìn lần mà cụ vẫn chưa “ngộ” được cốt tủy của kinh Kim Cang. Kẻ sơ cơ như anh em chúng ta chỉ cầu mong có ý niệm về kinh này thôi cũng đã thấy khó lắm rồi, ví chỉ như người mù dò dẫm trong bóng đêm “vô minh”.
    An trụ tâm không để cho tâm chạy theo trần cảnh. Tức là ta sống vẫn mắt thấy sắc, nghe tiếng, ngửi mùi, nếm vị, thân xúc chạm nhưng tâm không đắm nhiễm, mà chỉ trụ tâm vào chỗ không chấp, không vướng mắc, đó là giữ tâm thanh tịnh, tự tại trước sự tham ái, sợ hãi, khổ đau, sinh diệt, vô thường . . . của cuộc đời.
    – Hàng phục được tâm phân biệt, vọng tưởng là ta đang an trụ tâm. Như vậy hàng phục tâm cũng chính là hay gần gũi với an trụ tâm vậy.
 
    Hãy tạm hiểu điều sơ đẳng(2)
 
    Mắt: Không thấy vật chất là vĩnh cửu, là quí giá, cần nắm giữ cho riêng mình. 
 
   Tai: Không nghe nhiều, không chấp vào tiếng khen chê, sanh tâm thương ghét phân biệt. 
 
    Mũi: Không để cho mùi vị, hương lạ làm tâm tán loạn, sanh tâm mê đắm, thích hưởng thụ.
 
    Lưỡi: Không để cho cảm giác ngon dở, ưa thích sai khiến, tạo nghiệp chẳng lành.
 
    Thân: Không hơn thua, đẹp xấu phô trương, sanh lòng khinh mạn đua đòi. 
 
    Ý: Không để cho ý sanh vọng tưởng điên đảo, tâm thức tán loạn sẽ rơi vào tội lỗi.
 
   Tâm không trụ vào trần cảnh thì tâm sẽ trụ vào đâu? Trụ vào nơi không hình tướng, trụ vào nơi vô niệm (được nói rõ trong “Khóa Hư Lục” của vua Trần Thái Tông). Nói cách khác là tâm sẽ trụ vào nơi “vô trụ” hay cũng còn có thể nói một cách khác nữa là trụ vào nơi “vô dư niết bàn”. “Vô dư niết bàn” là “niết bàn” hiện tại của người còn đang sống; “hữu dư niết bàn” là “niết bàn” của những người đã nhập tịch (chết).
 
    Sau phần giải thích sơ lược vài điểm về kinh Kim Cang, rồi qua vài mẩu truyện thiền cho hai cô dễ hiểu, tôi nói thêm như một lời kết luận:
    – “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” ấy cũng chính là cái thân tâm “đối cảnh vô tâm” trong bài kệ “Cư Trần Lạc Đạo” của vua Trần Nhân Tông (3). Ở trong trần mà không bị nhiễm bởi trần là cách sống đạt đạo, an nhiên tự tại của ngài. Vua Trần Nhân Tông là con vua Trần Thánh Tông và là cháu nội của vua Trần Thái Tông.
 
    Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
    Cơ tắc sang hề khốn tắc miên
    Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
    Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Dịch:
    Ở đời vui đạo cứ tùy duyên
    Hễ đói thì ăn mệt ngủ liền
    Trong nhà sẵn ngọc tìm đâu nữa
    Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
 
    Thi lại nghiêng nghiêng đầu hỏi tôi:
 
    – Anh có hiểu những gì anh đang nói không?
 
    Tôi mau mắn trả lời:
 
    – Không!
 
    Thi ôm cánh tay tôi, cười trêu:
 
    – Hi! Hi! Hi! . . . Thế mà em cứ tưởng anh hiểu!
 
    Thi nép đầu vào vai tôi:
 
    – Em ghét anh lắm!
 
    Nghe thế, tôi véo nhẹ má Thi, nhái theo lời cụ Hồng nói với vợ trong tuyệt phẩm Số Đỏ của nhà văn Vũ Trong Phụng:
 
    – “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”
 
    Thi ngúng nguẩy:
 
    – Em ghét anh!
 
    Tôi cười lặp lại:
 
    – “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!
 
    Uyên cũng nhìn tôi, đùa nhái theo lời cụ Hồng hỏi lại bà vợ:
 
    – “Thế sao nữa, hả bà?”
 
    Chúng tôi cùng cười to. Thi không quên cắn nhẹ vào cánh tay tôi trước khi bỏ đi lấy thêm nước pha trà.
 
    Tôi tủm tỉm cười tự nghĩ cuộc nói chuyện của tôi với Uyên và Thi về Kinh Kim Cang chẳng khác nào như mẩu đối thoại vừa rồi của cụ Hồng với bà vợ trong truyện Số Đỏ.
 
Nguyễn Giụ Hùng
 
GHI CHÚ:
(1) Bản dịch của Hoà thượng Thích Thanh Từ.
(2) Theo Thích Nữ Chân Liễu
(3) Trần Nhân Tông, vị vua thứ ba của nhà Trần, hai lần đánh thắng quân Nguyên, cũng là vị tổ sáng lập phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, một thiền phái mang tính chất thuần túy văn hóa Việt Nam. Con gái là Huyền Trân Công Chúa được ngài gả cho vua Chiêm là Chế Mân để đổi lấy 2 châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân đến bắc tỉnh Quảng Trị ngày nay) 
 
THAM KHẢO:
 
*/ Kinh:
-Kinh Kim Cang
- Bảo Pháp Đàn Kinh.

Mời nghe bản nhạc:
 
Chân Nguyên

 

 

Xin xem tiếp PHẦN 3

 
 
 
 

 

 

Xem thêm...
Theo dõi RSS này