Truyện

Truyện (218)

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Sed id auctor orci. Morbi gravida, nisl eu bibendum viverra, nunc lectus.

MUỐN NỐI MỘT NHỊP CẦU - Yên Sơn

MUỐN NỐI MỘT NHỊP CẦU

Yên Sơn

ngày 18.08.24

Sau lớp tập cuối cùng trong ngày Thứ Sáu, Châu ngỏ lời mời vợ chồng Phong ra ngoài dùng cơm tối. Phong muốn thoái thác nhưng Châu nói nhân dịp sinh nhật của hắn; hơn nữa, hắn cũng muốn mượn cơ hội này để thảo luận với chàng về lời đề nghị mai mối mấy tuần trước. Phong nhận lời rồi chia tay với Châu sau khi hẹn nhau ở nhà hàng Texas Road Steakhouse lúc 8g30 tối. Phong gọi điện thoại cho vợ biết để sửa soạn trước. Ngọc Loan – vợ Phong – nói với chồng mời Châu về nhà ăn phở vì đã sẵn sàng, nhưng Phong nói là chú Châu mời sinh nhật.

Mới 7g30 chiều mà trời đã tối mịt, trăng 14 đã nằm cao trên đầu rặng thông trước mặt. Bầu trời có nhiều mây khiến trăng lúc mờ lúc tỏ. Mới đó đã trọng thu rồi. Cơn gió nhè nhẹ thổi ngang mang hơi lạnh làm Phong kéo cao cổ áo khi bước ra xe. Nhà hàng Mễ bên cạnh trường tối Thứ Sáu nào cũng đông khách. Có vài lần chàng đi ăn với học trò ở đây sau lớp tập nhưng thức ăn không hợp khẩu vị; chàng chỉ thích margarita ở đây được pha chế rất đặc biệt. Có lẽ chương trình Karaoke và thức uống giảm giá tối Thứ Sáu đã lôi cuốn khách hơn là thức ăn thường lệ.

Trên đường lái xe tới nhà hàng, Phong định gọi điện thoại thăm hỏi Phương Lan và tình hình học tập của bé Lan Huệ nhưng lại đổi ý. Thực lòng chàng cũng muốn giới hạn việc gọi điện thoại vì lẽ những lời an ủi, khuyến khích thường tình không làm đầy nỗi trống vắng của một phụ nữ goá chồng. Chàng cũng biết nàng dành cho chàng một cảm tình đặc biệt chỉ vì định mệnh đã an bài để chàng bất ngờ xuất hiện đúng lúc, cứu giúp gia đình nàng trước một viễn cảnh đen tối. Đối với nàng, Phong cũng dành nhiều cảm mến, xem nàng như một cô em dâu vừa ngoan hiền, thông minh và tháo vác nhưng kém may mắn. Việc chàng đặc biệt yêu mến con bé cũng chỉ vì nó kháu khỉnh, thông minh và lại là đứa bé mồ côi cha vốn là một học trò quý mến của chàng, cùng với tính yêu thích trẻ con và cũng đang hoài mong làm ông nội, ông ngoại ở độ tuổi xế chiều.

Dù chưa biết Phương Lan học lực tới đâu nhưng từ lúc quen biết nàng, sự tinh tế và thông minh vượt bực của nàng đã cho chàng biết con người đó không cần tới bằng cấp thường tình để chứng tỏ khả năng vươn lên với đời, vượt qua mọi trở lực bằng kiến thức trời ban với tấm lòng thuần hậu, lương thiện. Thầm nghĩ nếu chàng còn độc thân vui tính, có lẽ nàng đã là một chọn lựa hoàn hảo.

Phong vừa cho xe vào chỗ đậu đã thấy Ngọc Loan bước ra khỏi xe của nàng. Chàng nắm tay vợ cùng sánh vai đi vào nhà hàng. Vừa đến trước cửa đã thấy Châu, với nụ cười hiền hoà muôn thuở, đứng đợi. Ngọc Loan vui vẻ ngỏ lời chúc mừng sinh nhật và cám ơn Châu đã có lời mời.

Tối Thứ Sáu nhà hàng đông nghẹt khách, phải đợi hơn nửa tiếng đồng hồ họ mới được bồi bàn hướng dẫn vào chỗ ngồi. Vừa an tọa, một cô bồi bàn khác tới lấy order thức uống. Châu nói với vợ chồng Phong, “hôm trước tình cờ em đi nhà hàng với một anh Giám thị trong hãng tới đây. Anh ta giới thiệu với em một chai rượu đỏ ngon tuyệt. Anh chị dùng thử với em để xem sao há?” Được sự đồng ý của Phong, Châu gọi nguyên chai rượu vang với ba cái ly rồi cả ba người cắm cúi nhìn vào tờ thực đơn để tìm món ăn hợp khẩu vị. Châu nói, “đi nhà hàng chuyên môn beefsteak thì mình phải lựa món beefsteak ngon nhất.” Dù vậy, cũng có gần chục món beefsteaks khác nhau để chọn lựa cũng không phải là dễ. Món đắt giá nhất chưa chắc là món ngon nhất, còn tuỳ vào sở thích của mỗi người. Món ưa thích của mỗi người không giống nhau nên cuối cùng mỗi người chọn cho mình một món ăn hợp theo khẩu vị. Cô bồi bàn trở lại với chai rượu trên tay, giảng giải một chút về chai rượu và khui tại bàn cho nhắm thử trước. Châu nhường cho Phong thử rượu. Vị cabernet/sauvignon của chai Trinchero, sản phẩm của Napa Valley, California 2010 thật đậm đà, thật êm dịu. Mùi vị này chắc là đắt tiền lắm nhưng không biết bao nhiêu. Phong gật đầu và cô bồi bàn tuần tự, điệu nghệ rót ra ba chiếc ly. Cả ba nâng ly chúc mừng Châu sinh nhật vui vẻ. Đặt ly rượu xuống, Phong mở đầu câu chuyện:
– Anh đoán chai rượu này phải trên một trăm?
Châu ngần ngừ một lúc nhưng rồi chậm rãi nói:
– Giá ở tiệm bán rượu Spices chỉ có $120 nhưng ở đây họ lấy $180.
– Wow! Đâu cần đắt như vậy chú?
– Tiền bạc đâu có nghĩa gì khi mình muốn thưởng thức trong khả năng của mình hả anh.
– Chú nói cũng đúng. Cám ơn chú.
– Sinh nhật của em mà!
– Với số tuổi vừa qua nửa thế kỷ, chú có dự định gì trong tương lai không? Ngọc Loan hỏi.
– Nghe chị nói chữ “nửa thế kỷ” em liên tưởng tới một cụ ông lưng còng mắt mờ, tay run gối mỏi.
– Nhưng chú trông rất trẻ đó mà! Có lẽ sống độc thân là yếu tố chính phải không?
– Cám ơn chị quá khen, nhưng có lẽ em chỉ trẻ so với người già chị há?
Cả ba cùng cười xoà sau mấy câu đối đáp. Ngọc Loan lại lên tiếng:
– Vậy thì chú cần phải làm gì ngay để chạy kịp với thời gian. Chú có dự định lập gia đình lại hay chưa?
Hớp một ngụm rượu xong nhẹ nhàng đặt xuống bàn, Châu ôn tồn:
– Chị đã biết việc anh Phong muốn làm mai cho em một thiếu phụ đang ở VN chứ? Em đã suy nghĩ nhiều về lời đề nghị của anh Phong.
– Anh Phong có cho chị biết. Chị cũng rất thương mến mẹ con Phương Lan. Chị hoàn toàn tán đồng và hứa nói vô cho chú.
– Em chỉ sợ người ta từ chối thì quê một cục.
Phong xen vào:
– Vậy có nghĩa là Châu bằng lòng để anh tìm cách giới thiệu hai người với nhau há?
Châu chưa kịp trả lời thì thức ăn đã được dọn lên bàn. Mùi beeefsteak thơm sực nức làm bụng Phong đói rã.
– Mời anh chị dùng bữa kẻo nguội mất ngon!
– Chúc một bữa ăn ngon miệng. Ngọc Loan nói.
– Chúng ta cứ vừa ăn vừa tiếp tục câu chuyện nha. Anh hỏi lại Châu, “chú có bằng lòng việc anh muốn giới thiệu chú với Phương Lan không?”
Châu ngưng tay dao, tỏ vẻ nghiêm trang hỏi lại:
– Anh nghĩ em có cơ hội không?
– Chú dùng kẻo nguội. Không cần quá nghiêm trang đâu! Hoàn cảnh của cô ấy anh đã nói hết với chú rồi. Anh chỉ ngại một điều cho chú là cô ấy sẽ không đi đâu được cho đến khi bà cụ trăm tuổi.
– Em không quan tâm điều đó lắm vì em cũng đã quen với đời sống độc thân rồi; và nếu phải chờ đợi thêm vài ba năm nữa để gặp được một hồng nhan tri kỷ thì cũng xứng đáng anh à.
– Đâu có ai biết sẽ còn bao nhiêu năm nữa?
Châu thâm trầm:
– Em đã suy nghĩ rất nhiều về chỗ này, có lẽ không khó lắm đâu anh chị; em chỉ còn hai chị và các cháu bên Mỹ, nếu quả thật là duyên phận và cần phải hy sinh, em cũng có thể về sống luôn bên đó mà.
– Như vậy, theo anh nghĩ, đã bớt đi một rào cản vô cùng quan trọng, anh sẽ cố gắng phần anh.
– Chị cũng sẽ hết sức nói vô cho chú. – Ngọc Loan xen vào – Tuy nhiên, có một điều anh chị nói trước để không bị “tai nạn” sau này.
– Chị nói gì nghe ghê vậy? Châu cười thắc mắc.
– Chuyện giới thiệu là do anh chị tình nguyện nhưng được hay không là do hai người. Hai người phải tìm hiểu nhau cho kỹ và tự quyết định cho tương lại của mình mà anh chị không chịu bất cứ trách nhiệm nào hết.
– Vâng, em hiểu. Anh Phong cũng đã nói với em giống như chị rồi.
– Nâng ly cầu chúc điều tốt đẹp nhất. – Ngọc Loan cầm ly rượu lên nói với hai người.
Trực nhớ lại mẩu đối thoại với Phương Lan mấy tuần trước, Phong tiếp lời:
– Anh cũng muốn nói cho Châu biết là mấy tuần trước anh có thăm dò ý tứ của Phương Lan về việc cô ấy “bước thêm bước nữa”, nhưng có lẽ vì bận bịu với công việc mới nên có vẻ thờ ơ. Cô ấy đã được ông bà Thành, chủ tiệm thuốc tây, nhận làm con nuôi và quyết định cho cô ấy toàn quyền quản trị tiệm thuốc để ông bà nghỉ hưu đi thăm con cháu.
– Vậy thì đâu có nhiều hy vọng hả anh? Châu hỏi.
– Còn tuỳ thuộc vào duyên số của chú ra sao.
– Chưa có cơ hội làm quen nữa mà!
– Chú đã một thân một mình khá lâu, nếu có phải chờ đợi thêm một thời gian nữa chắc không sao phải không?
– Kiên nhẫn thì em có thừa chỉ sợ mặt hồ đang yên tĩnh bị khuấy động mà không tìm thấy cá.
– Chúng ta đang nói chuyện “take a chance” (thử thời vận) thôi mà. Ở đời có cái gì làm chắc nhưng muốn về tới mục tiêu thì cần phải bước tới, dù rất chậm.
– Em không có vấn đề. Em chấp nhận, được hay không cũng okay với em.
– Không còn “sợ mặt hồ bị khuấy động mà không có cá” nữa sao?
– Với sự thương mến của anh chị, em vui lòng take a chance.
Cả ba cùng cười, nâng ly làm một ngụm. Đặt ly xuống bàn, Phong tiếp:
– Anh có nói chuyện với Phương Lan, cô ấy nói tương lai của cháu Lan Huệ mới là quan trọng. Và đã khẳng định là trước sau gì cũng sẽ đưa con bé qua Mỹ.
– Nhưng… cho biết đến bao giờ?
– Dĩ nhiên không ai biết được, nhưng anh hy vọng sẽ có những thay đổi tốt đẹp hơn. Nếu là duyên số trời định, việc đến sẽ đến.
Câu chuyện bị gián đoạn vì cô bồi bàn trở lại để hỏi về thức tráng miệng nhưng không ai muốn.
– Chú nghĩ sao về đứa bé, con Phương Lan?
– Lan Huệ hả anh? Sự hiện diện của nó giúp em quyết định dễ dàng hơn vì em đã cầu mong có một đứa con từ lúc mới lập gia đình.
– Nhưng chú chưa từng thấy mặt cả hai mẹ con làm sao chú dám chắc là sẽ yêu thương họ thật lòng?
– Thì anh đã nói cả hai đều thông minh, xinh đẹp. Em tin anh. Hơn nữa cũng còn tuỳ thuộc vào duyên phận của mình nữa phải không anh. Dù sao đi nữa, việc có thành tựu hay không em cũng cam lòng.
Ngọc Loan chen vào:
– Chú yên tâm, anh Phong mà khen ai thì người đó phải là người đáng làm bạn. Anh chị rất thương bé Lan Huệ. Anh chị mong chú và Phương Lan hợp tính nhau để quyết định cùng nhau đi nốt con đường tình dang dở.
– Em cũng cầu mong vậy.
Châu cầm chai rượu lên dự định rót vào ly của Ngọc loan trước, nhưng nàng khoát tay:
– Chị không uống nữa đâu. Chị vốn không thích uống rượu nhưng vì vui sinh nhật của chú nên hôm nay đã uống khá nhiều rồi; đợi khi nào chú có tin vui, chị lại uống nữa.
Châu rót cuốc rượu cuối cùng vào hai ly, Phong nâng ly mời:
Việc gì tới sẽ tới, cám ơn chú đã cho anh thưởng thức rượu ngon hôm nay. Chúc chú sinh nhật và những ngày tháng tới đầy niềm vui và hạnh phúc.
Ngọc Loan xoay qua hỏi Phong:
– Anh có dự định bao giờ nói chuyện này với Phương Lan?
– Dù gì thì lúc này chưa phải là lúc, vì công việc hiện tại của cô ấy rất nặng nề.
– Vâng, chắc đợi thêm một thời gian ngắn cho mọi việc ổn định rồi sẽ nói. Em sẽ phụ anh giúp lời.
– Cám ơn anh chị, không cần gấp đâu. Nếu đề cập việc đó trong lúc này sẽ làm cô ấy khó chịu. Cứ để tuỳ duyên thôi.

***
aa2

Hai chữ “tuỳ duyên” đã là nguyên nhân chính cho sự im lặng gần 6 tháng dài cho tới khi cú điện thoại của Phương Lan gọi qua vào trưa Mồng Một Tết Nguyên Đán. Phong vừa bấm nút nhận đã nghe thấy giọng nói nửa Huế nửa Nam ở đầu bên kia:
– Chào anh chị, mẹ con em xin kính chúc đại gia đình anh chị và các cháu một năm mới an khang, hạnh phúc, và sức khoẻ dồi dào.
– Ô lâu quá không liên lạc vì anh biết Phương Lan rất bận rộn trong công việc quản trị nhà thuốc tây.
– Em nghĩ thời gian qua anh bận nhiều việc quan trọng nên không liên lạc với mẹ con em, hay anh có buồn em chuyện chi không?
– Anh đâu có buồn gì em, chỉ là anh biết em mới tiếp nhận một cái tiệm đông khách như vậy chắc chắn phải rất bận nên anh không muốn quấy rầy, để cho em dồn tâm lực vào công việc.
– Xin lỗi anh chị. Em vẫn nhớ nghĩ đến anh chị nhưng thật tình càng ngày càng bận bù đầu nơi.
– Chúc mừng em. Bé Lan Huệ ra sao rồi? Cụ ra sao rồi?
– Cháu vẫn học hành tốt, sức khoẻ mọi người khả quan. Tuy nhiên, Mạ em càng ngày càng yếu, em vẫn canh cánh trong lòng, chiếc lá vàng khô không biết lúc mô thì gió thổi lìa cành!
– Chuyện ngày mai không ai biết được. Chuyện sinh tử ai rồi cũng phải một lần. Cứ cầu mong điều tốt nhất và chuẩn bị tinh thần cho điều tệ hại nhất. Anh chị mừng nghe mọi người bình yên, và sức khoẻ tốt đẹp. Xin chúc thọ mừng tuổi Bác và cầu chúc em những điều tốt đẹp nhất trong năm mới; chúc Lan Huệ học hành thăng tiến, xinh đẹp, giỏi dang. Công việc buôn bán ra sao rồi em?
– Việc buôn bán vẫn hanh thông anh à. Em rất may mắn có chị Tần. Chị là một người em hoàn toàn tin cậy, được bà con quý mến với sự mát tay của chị. Chị vẫn luôn có nhiều bệnh nhân tìm đến và luôn giúp em cật lực những khi có thể được.
– Anh mừng cho em! Chắc không lâu em sẽ trở thành đại gia em há?
– Anh cứ chọc em hoài. Cuộc sống vật chất của chúng em tuy nay có phần ổn định nhưng em vẫn lo nghĩ đến tương lai của con bé.
– Em có tiền thì cứ gửi cháu vào những trường tư tốt nhất.
– Đâu có đơn giản vậy đâu anh. Vả lại, ở Quảng Ngãi cũng rất giới hạn mà gửi đi xa thì chẳng thà cho nó qua Mỹ.
– Đã không tính được thì bận tâm làm gì?
– Mẹ em ngày một già yếu! Rồi cũng phải tới lúc lá vàng lìa cội. Hiện tại em chẳng tính toán được gì ngoài công việc hàng ngày. Ba Mẹ nuôi của em cũng rất hài lòng về việc kinh doanh của nhà thuốc.
– Ông bà Thành có về trong dịp Tết không?
– Dạ có! Về hơn tháng rồi. Hôm qua Ba Mẹ có tới tiệm cúng tiễn ông bà.
– Ông bà Thành có nói chi về việc kinh doanh không?
– Dạ không, vì em vẫn báo cáo mọi sinh hoạt của tiệm rất chi tiết, rõ ràng cho Ba Mẹ mỗi tháng. Về đây cả tháng nhưng Ba Mẹ chỉ ghé qua hai lần rồi đi. Ba Mẹ có khuyên em tìm thêm người giúp việc.
– Em có muốn thêm một người tiếp tay em không?
Nghe đầu dây im bặt một lúc, rồi giọng nói như đang cười trong phone:
– Anh đừng noái “muốn giới thiệu người nào đó cho em” nghe?
– Nếu có người ở Mỹ lâu năm, rất thích nghi với hoàn cảnh mẹ con em, muốn tình nguyện về sống luôn bên đó với em thì sao?
– Em không nghĩ ai có thể làm một quyết định không sáng sủa như rứa.
– ???
– Theo tìm hiểu của em thì nước Mỹ so với Việt Nam đúng là một thiên đường!
– À anh hiểu em muốn nói gì rồi. Không ai dại gì bỏ thiên đường để tìm về đất khổ phải không? Nhưng em cũng nên nhớ con người ta vì tình yêu có thể hy sinh nhiều thứ.
– Hi hi… anh muốn noái “một mái nhà tranh hai quả tim dzàng” hả anh?
– Hahaha!
– Đã đành vì tình yêu người ta có thể hy sinh nhiều thứ, nhưng hoàn cảnh của em bi chừ không có chỗ trong những truyện thần tiên như rứa.
– Dù em chưa biết hắn nhưng anh đã nói rất rõ về tình trạng của em cho hắn rồi.
– Điều gì khiến anh tự tin dữ rứa? Chọn chồng cho em nữa! Người ta chứ đâu phải anh mà biết chắc là họ sẽ thích em và em sẽ thích họ?
– Hahaha! Anh tin là anh hiểu được tính cách của em. Anh rất hiểu hắn vì hắn là học trò của anh và qua giao tiếp thường xuyên bên này. Anh tin là hắn sẽ rất thích hợp với em.
– Em không muốn ai thương hại em, kể cả anh.
– Tại sao em nói thế?
– Tại vì anh thấy em mẹ goá con côi nên cứ muốn em lấy chồng.
– Cái đó thì đúng nhưng không có nghĩa là thương hại. Tại anh thấy bé Lan Huệ mỗi ngày một lớn, và nhu cầu cho nó cũng sẽ lớn theo trong khi Bác gái càng lúc càng già yếu. Em biết mà, chúng ta sống ở đời sống này giống như trong một cuộc chạy đua tiếp sức, không chuẩn bị thì làm sao có cơ hội giành chiến thắng; nếu chúng ta cứ bị bất ngờ hoài sẽ hỏng cả cuộc đời.
– Em biết em không còn trẻ nhưng tình cảnh của em bây giờ rất khó anh à!
– Anh rất hiểu, nhưng hôm nay ngày đầu năm, tiệm đóng cửa phải không? Em cho anh cơ hội nói với em về điều anh muốn nói, chỉ mong em kiên nhẫn lắng nghe rồi cho anh biết ý kiến sau, được không?
– Dạ anh cứ noái, em xin lắng nghe anh.
– Anh muốn nói với em về một người có tiêu chuẩn như em nói với anh lúc trước, một người tử tế hiếm hoi, rất hợp với tính tình của anh. Tên hắn là Châu, 50 tuổi, đang là học trò của anh. Châu ghi danh học đúng lúc Huệ mất đi. Kể từ đó đến nay vẫn tập tành siêng năng, đều đặn. Anh mất Huệ và liền có Châu nên rất lấy làm an ủi. Nhiều lúc anh cứ lộn Châu là Huệ. Hắn là một kỹ sư điện toán, đang làm việc cho hãng điện toán danh tiếng, Hewlett Packard, ở Houston; đã từng có vợ nhưng hai không thể có con dù họ rất mong ước. Đã không thể có con mà hai vợ chồng càng ngày càng có lối sống khác biệt, nếu không nói là trái ngược nhau. Vì thế, một ngày đẹp trời trong quá khứ, hai người đồng ý ly dị theo lời đề nghị của Thanh Loan, vợ Châu. Hắn cho Loan hầu hết tài sản hiện có, chỉ giữ lại căn nhà, một số tiền mặt và chương trình hưu bổng của hãng. Đời sống của hắn bây giờ an bình như một thầy tu: đi làm, đi tập, làm vườn, đọc sách, nghe nhạc ở nhà… Không còn cha mẹ, cả hai chị đã có gia đình riêng, rất thành đạt, hiện ở California.

Phong ngưng một lúc nhưng không thấy Phương Lan lên tiếng.
– Em còn đó không?
– Dạ em đang lắng nghe anh.
– À! Anh đã kể cho Châu nghe hoàn cảnh của em. Châu đã xin thời gian suy nghĩ chín chắn rồi mới trả lời anh. Khoảng 6 tháng trước, nhân dịp sinh nhật 50 tuổi, hắn mời anh chị đi ăn ngoài và cho biết là đồng ý để anh chị thăm dò ý tứ của em. Hắn còn nói, tình cảnh của em như anh nói thì đang quá bận rộn, hãy để thư thả tuỳ duyên, không cần phải hỏi ngay, hắn có thừa kiên nhẫn… Nghe hắn nói vậy và nghĩ tới công việc của em, vừa tiếp nhận tiệm thuốc, biết bao nhiêu việc phải lo nên chưa vội thổ lộ với em cho đến hôm nay… ngày lành tháng tốt!
– Anh noái xong chưa ạ?
– Còn một điều quan trọng nữa. Và đó là mấu chốt của vấn đề. Hắn nói hắn có đời sống độc lập, hoàn toàn không bị ràng buộc vào đâu, lệ thuộc vào ai; nếu cần, hắn có thể về sống ở Việt Nam.
– …
– Phương Lan, em còn đó chứ?
– Dạ, em còn đây… nhưng…
Tôi kiên nhẫn không hỏi gì thêm trong khi Phương Lan có vẻ bối rối, ngập ngừng… mãi một lúc sau:
– Anh cho em trả lời anh sau hí, chừ thì đầu óc em mông lung lắm, không biết noái răng mô.
– Anh đâu có bắt em chịu liền đâu chứ? Chỉ nói cho em những gì anh cần nói thôi. Anh không thể quả quyết về quan niệm sống của Châu nhưng qua giao tiếp, anh nghĩ, nếu em yêu Huệ thì em sẽ chấp nhận được Châu. Dù gì, hai người cũng sẽ tự mình tìm hiểu nhau, anh chị chỉ tạo cơ hội mà hoàn toàn không chịu trách nhiệm trong tương lai của hai người. Quả bóng đang ở chân em, cứ quan sát thật kỹ rồi giao banh cho trung vệ hay đá thẳng vào gôn cũng được mà.
Cả hai người cùng cười sau câu diễu của Phong.
– Một lần nữa, cho anh kính lời chúc Tết Cụ, nhờ em thơm con bé, chúc nó ăn nhiều, chóng lớn, ngoan ngoãn và học hành thăng tiến.
– Anh còn giờ noái chuyện với con một chút không? Hắn dặn em cho hắn noái chuyện với Ba nuôi của hắn mỗi lần em noái chuyện với anh. Hắn đang ngồi chờ đằng tê tề.
– Ồ, vậy thì tốt quá!
– Con kính chào Ba nuôi. Con kính chúc Tết Ba nuôi. Chúc Ba sức khoẻ dồi dào, con nghe người ta chúc như ri, chúc Ba trong năm mới “tiền vô như nước sông Trà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin”, hí hí!
– Hahaha! Chào con gái ngoan. Ba cũng chúc con chóng lớn, xinh đẹp và học hành tiến bộ.
– Con cám ơn Ba. Con vẫn học tốt, nhưng nhớ Ba nhiều lắm lắm luôn. Bao giờ Ba về thăm con?
– Ba cũng rất nhớ con nhưng chưa về được. Thế nào rồi mình cũng sẽ gặp nhau con à. Ba nhờ Mẹ con lì xì Tết cho con giùm Ba nghen.
– Dạ con cám ơn Ba nhiều lắm, con không cần tiền mô, con cần Ba thôi. Mạ con đã lo cho con không thiếu bất cứ thứ chi từ ăn mặc, sách vở, và luôn tiền quà bánh hàng ngày nữa. Con noái nhỏ Ba nghe nghe, con chỉ tiêu một ít thôi, để dành được nhiều tiền lắm rồi Ba nờ.
– Con ngoan. Con cố gắng học hành. Một điều chắc chắn là sớm muộn gì con và mẹ con cũng sẽ qua sống bên Mỹ, Ba và con sẽ có nhiều cơ hội gặp nhau.
– Nhưng biết bao chừ mới tới lúc nớ. Ba tìm cách về bên ni thăm con đi Ba?
– Ba không hứa nhưng sẽ cố gắng.
– Ba cần biết là con nhớ Ba lắm. Thôi Ba noái chuyện tiếp với mạ con nghe.
– Con cũng cần biết là Ba nhớ con nhiều hơn con nhớ Ba, chỉ vì chưa có điều kiện thuận tiện để gặp nhau mà thôi. Tạm biệt con. Chúc con có một cái Tết vui thật là vui.
– Tạm biệt Ba!
Có lẽ con bé trao điện thoại cho mẹ nó nên nghe tiếng Phương Lan bên đầu dây:
– Dạ em đây. Ba con to nhỏ cái chi mà mặt mày hắn có vẻ vui lắm?
– Không có gì. Anh nói sẽ nhờ em lì xì Tết cho nó ít tiền quà mà nó chỉ cám ơn nhưng không chịu nhận. Em lì xì cho nó một trăm giùm anh, anh sẽ chuyển ngân cho em vài hôm nữa. Em không được từ chối, hôm nay là Mồng Một Tết, lì xì là tục lệ và là nghĩa cử cần thiết đối với con cháu mà thôi.
– Dạ anh đã noái rứa thì em còn noái chi được nữa. Nhưng anh chỉ nên cho một ít tượng trưng thôi. Con không thiếu thốn bất cứ thứ chi. Độ này em làm cũng được nhiều tiền lắm. Dù tiền của là huyết mạch của cuộc sống nhưng hạnh phúc của em bi chừ là sức khoẻ và sự yên bình của Mạ em và con bé. Còn niềm vui của em là công việc ở tiệm thuốc và biết còn có một người anh đang ở xa thật xa vẫn lo lắng cho sự an nguy của mạ con em.
– Anh hiểu. Chúc em một năm mới đầy hứa hẹn và sung túc.
– Cho em nói chuyện và chúc Tết chị Ngọc Loan đi anh?
– Chị đã qua nhà bà chị ở gần đây chơi với nhau rồi. Để anh nhắn lại.
– Rứa thì em chào tạm biệt anh. Mà anh nhớ là gọi em ngày mô cũng được sau 10g tối bên ni.
– Anh nhớ rồi. Tạm biệt!

Gác điện thoại xong, Phong thở phào như mới vừa để một gánh nặng xuống. Thật ra mấy tháng nay Phong rất ray rứt, lưỡng nan vì biết Phương Lan rất bận, nhất là không biết nàng sẽ phản ứng ra sao khi nghe chuyện về Châu. Mỗi lần gặp nhau ở trường võ, dù không ai nói gì khác ngoài chuyện tập luyện võ thuật, nhưng Phong cũng biết là Châu đang kiên tâm chờ đợi… chỉ vì tính tình hắn điềm đạm, có thừa kiên nhẫn, lại ít nói và đặt hết niềm tin vào Phong, biết là Phong nhất định sẽ cho Châu biết ngay nếu có tin tức gì về chuyện mai mối.

Chàng tính gọi báo tin vui cho Ngọc Loan nhưng nghĩ lại chờ khi nàng về rồi cùng gọi báo cho Châu biết. Nhưng Phong lại nghĩ, “thôi để lúc nào thuận tiện sớm nhất, có thời gian tốt nhất, không gian thoải mái, cùng với Ngọc Loan ngồi xuống thảo luận trực tiếp với Châu thì tốt hơn.” Phong mỉm cười hài lòng với chính mình, bước tới bàn Phật đốt thêm vài nén nhang và thành kính lâm râm cầu nguyện.

Hương xuân thoang thoảng từ trong tâm thức khi Phong nhìn lên bàn thờ nghi ngút khói hương với mâm ngũ quả và cành đào lấm tấm những hoa và lộc của người bạn biếu tuần trước. Nhớ lại những mùa xuân xưa với mai vàng, pháo đỏ, lộc non… lòng bồi hồi nhớ tiếc. Không biết đến bao giờ chàng mới có thể nhìn ngắm lại mùa xuân trên quê hương yêu dấu. Nhìn theo những tia nắng vàng xuyên qua khung cửa sổ, bên ngoài hàng thông đong đưa, bóng mát ôm gần kín khu sân rộng trước ngõ, nơi có mấy cụm hoa cúc nở vàng cùng với mấy bụi Azelea đua chen sắc màu rực rỡ. Lòng cảm nhận một mùa vui dường như đang trở dậy đâu đây, nhưng tai không nghe được trời xuân cất cao tiếng hát…

 

Kingwood, Mùa Xuân 2016

 

 
Xem thêm...

Thêm Một Bất Ngờ - Yên Sơn

Lá vàng đã rụng đầy sân cỏ ở thời điểm giao mùa. Tuấn đang thu dọn mướt mồ hôi những tàn dư của cơn bão Harvey để lại mà nghĩ đến lúc phải quét dọn xác lá cả chục bao rác đã thấy rêm mình. Tiếng phong linh rời rạc gõ nhịp chứng tỏ gió không đủ để thổi khô mồ hôi làm mệt nhoài thêm. Tuấn ngồi dưới chiếc dù sân sau với ly cà phê, mở thêm quạt và phì phà vài hơi cho bổ phổi cùng lúc quẹt quẹt cái phone tay dự định đọc lướt qua một số tin tức thời tiết và email.

Năm nay không biết phải cái giống gì mà trời làm thiên tai khắp nơi, liên tục… hết Harvey, tới Irma, tới Jose, tới Maria; cái nào cũng gây biết bao nhiêu thiệt hại về nhân mạng cũng như tài sản; trong khi Mexico lại động đất 7.1 lần thứ hai sau lần cuối 6.8 tháng 7 vừa qua cũng làm thương vong cả hàng trăm người với trường học, nhà thương, công xưởng sụp đổ trong giờ hoạt động. Và… Tuấn thật sự bất ngờ khi nhận được email của Deana

 

Colorado Spring, ngày… tháng… năm 2017

Tuấn thân mến,

Đừng ngạc nhiên! Thấy truyền hình chiếu đi chiếu lại nhiều lần, trong mấy hôm bão Harvey đến Houston với sức tàn phá khốc liệt; thấy vùng T. ở cũng có rất nhiều nhà bị chìm sâu trong nước, tôi đã cố gắng gọi điện thoại nhiều lần nhưng không được, nên chỉ có thể cầu nguyện với Chúa cứu giúp cho gia đình anh và những người thân yêu vượt qua được những hung hiểm của cơn bão. Rồi vì bù đầu với công việc, đến nay mới có cơ hội viết email này hỏi thăm T. với tất cả hy vọng là gia đình anh và những người thân yêu không bị thiệt hại gì. Tối qua Deana ngủ mơ thấy anh vẫn cười nên nghĩ rằng mọi việc không có gì đáng lo.

Deana biết anh có nhiều câu hỏi trong đầu lắm phải không? Được, tôi sẽ viết ra những gì cần thiết thôi nha. Đã gần 5 năm qua không liên lạc, hy vọng là anh không quên mất Deana.

Trước hết phải nói là Deana vẫn mạnh khoẻ, dù tuổi đời ngày một già hơn nhưng nếu luận về xuân sắc thì Deana nhất định không nhường bất cứ một ai trong độ tuổi của mình đâu nha; mỗi lần đi đâu với con gái người ta vẫn nói giống hai chị em. Chắc anh đang mỉm cười há? Tôi vẫn còn làm việc ở trường toàn thời gian nhưng hầu hết việc văn phòng, chỉ dạy một ít giờ thôi. Con gái tôi, Linda, đang có việc làm tốt, đã dọn nhà ở riêng vài năm rồi từ lúc có bạn trai. Bạn trai nó rất tốt, đang làm việc cho Google. Linda đã lớn khôn rồi, tôi không còn phải lo cho nó bất cứ việc gì. Khi nào nó muốn về thăm thì gọi điện thoại báo trước vậy thôi. Rất khó để kéo nó theo mỗi lần du lịch như khi nó còn ở chung. Có hỏi nó bao giờ lập gia đình, nó nói chưa đến lúc… Mẹ tôi qua đời năm trước vì bệnh suy tim. Bà đã ra đi nhẹ nhàng và được chôn cất ở Nam Houston, gần bên mộ ông bà ngoại, theo ý nguyện của mẹ. Sau tang lễ, nếu không sợ cô đơn tôi đã nghỉ hưu luôn; vâng, full retirement, vì tính theo tuổi đời và năm làm việc thì cũng đã quá dư thừa… nhưng sợ loanh quanh một thân một bóng khi mình còn đầy sức sống thì buồn lắm. Dù vậy, đã lên kế hoạch về hưu vào sinh nhật năm thứ 60. Không còn bao lâu nữa. Đừng hỏi sao tôi không đi thêm bước nữa để có người hôm sớm khi về già. Tôi vẫn có nhiều bạn nhưng không tìm được người hợp ý để nghĩ tới chuyện lâu dài. Đi chơi với nhau một thời gian không hợp thì ngưng. Hơn nữa, ở hoàn cảnh của tôi không thể có bạn trai bừa bãi. Anh hiểu mà!

Xin lỗi đã không thông báo việc mẹ Deana qua đời, dù có nghĩ tới, nhưng nghĩ đi nghĩ lại sợ làm bận lòng nhau; hơn nữa, người đi cũng đã đi rồi… nên thôi. Anh không cần hồi âm cho tôi nhưng nếu có, tôi sẽ rất vui đọc nó.

Deana

Không biết sao Tuấn rất thích cách nói chuyện, và viết thư như đọc được lòng người của nàng. Chắc có lẽ vì vậy mà hình bóng đó thỉnh thoảng xuất hiện trong những suy tư bất ngờ của hắn sau bao nhiêu năm dài. Và có lẽ ông Thế Lữ nói rất đúng, “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.” Tuấn ngồi nán đọc đi đọc lại vài lần nữa trước khi đứng dậy tiếp tục công việc dở dang.

Những kỷ niệm xưa lại ào ạt trở về. Ôi cái thời vụng dại bất an; cái thời mà hiện tại đớn đau, tương lai không biết, dĩ vãng xót xa… mới một bước đã lìa xa quê hương dấu yêu nghìn trùng cách biệt với nỗi đau đớn cùng cực khi sự sống chết của cha mẹ, anh em không biết ra sao… Chỉ mới có vài tháng mà một phi công oai hùng của Không Lực VNCH biến thành gã làm rẫy, hái dưa hấu cho một nông trại bạt ngàn ở một vùng xa xôi hẻo lánh bên tận trời tây với số lương dành cho những kẻ cùng khổ và dân nhập cư lậu! Hoàn cảnh đó đã biến Tuấn thành một gã khù khờ trước một cô nương xinh đẹp, nóng bỏng ở lứa tuổi sắp xong Trung học, cháu của người chủ nhà tốt bụng, ở Houston lên tận khu nông trại có tên Pearsall thăm ông bà nội trước khi về nhập học.

Tuấn không thể không nhớ tới buổi phi ngựa lãng mạn với nàng ở một chiều cuối hạ; không thể không nhớ tới mùi vị ngọt ngào của môi hôn dưới làn nước trong veo, mát rượi của lòng suối thần tiên dạo nọ; không thể không nhớ tới đôi mắt tinh anh, khuôn mặt thanh tú, nụ cười rạng rỡ trên môi với mái tóc vàng buông xõa bờ vai thon con gái… 42 năm đi qua như một giấc mộng dài!

Kể từ khi liên lạc lại, lúc nào Tuấn cũng ước mong hoàn cảnh đẩy đưa cách nào đó để chàng có thể gặp lại nàng. Đã có mấy cơ hội mà không bắt kịp vì cứ ngần ngừ, cứ lo sợ vu vơ. Tuấn đâm ra thích nghiền ngẫm, ngân nga bản nhạc tình “Một Lần Nào Cho Tôi Gặp Lại Em” của nhạc sĩ Vũ Thành An dù chàng không ưa mấy tư cách của vị nhạc sĩ này. Nhưng phải công nhận lời ca tha thiết quá, chàng có cảm tưởng như nhạc sĩ đã viết giùm tâm sự của chàng mặc dù không hoàn toàn đúng hết.

Một lần nào cho tôi gặp lại em, xem đôi môi đó đến nay còn hồng. Một lần nào cho tôi gặp lại em…,” nhưng không nhất thiết phải là “rồi thiên thu sẽ là nhung nhớ.” Vì đời em giờ sắp vàng chín và đời anh cũng sắp tàn úa. Chàng bâng khuâng tự hỏi, “dòng đời nào đưa em đi về đâu, sao không ghé qua đây một lần,” và “dòng đời nào đưa tôi đi về đâu những bến bờ xưa cũ đã mờ!” Muốn bắt được cơ hội người ta phải sẵn sàng, đằng này cả chàng và nàng đều lưỡng lự khi đứng trước cơ hội nên… ước muốn vẫn luôn là ước muốn. “Ôi mái tóc mây bay giờ còn không, tiếng nói thơ ngây giờ còn không, em có vui không, đôi má còn hồng; thời gian đi mau quá, tôi ngỡ như ngày nào, đôi mắt em như sao, soi thấu tâm hồn nhau; giờ đời tôi đã úa, tôi cố bơi cùng người, tim gõ nhịp bồi hồi, đôi mắt quầng thâm rồi!” Cái ước muốn cháy bỏng muốn được nhìn thấy em vui vẻ tươi trẻ một lần, muốn nghe những lời dịu êm, liến thoắng một thời trên lưng ngựa… thế thôi chứ chút tình cảm nhẹ nhàng đó, thơ ngây đó của 42 năm về trước giờ biết còn được bao nhiêu để nghĩ tới chuyện “đốt hết một lần” ơi anh nhạc sĩ!

Sau bữa ăn tối, Tuấn ngồi vào computer tính viết email trả lời nhưng không biết sao trong lòng thấy lưỡng lự. Sự quan tâm của nàng dành cho Tuấn và những người thân yêu trong lúc hoạn nạn quả thật đáng trân trọng. Hồi âm cho nàng chỉ là chuyện đương nhiên để chứng tỏ phép xã giao, lịch sự cần thiết giữa người với người… nhưng sao khó quá! Có lẽ Tuấn sợ chính tấm lòng của mình hơn là ai hết. Rõ ràng nàng đang cô đơn rất cần bè bạn. Rõ ràng nàng vẫn nhớ nghĩ đến Tuấn… Dù tấm lòng người Mỹ có phóng khoáng hơn người Á châu trong cách thể hiện tình cảm; dù đã xa mặt cách lòng nhau một thời gian hơn nửa đời người… nhưng sao 42 năm đã qua với một cuộc tình rất ngắn ngủi mà ngọn lửa tình vẫn cứ âm ỷ cháy trong tim của cả hai người, chỉ sợ một cơn gió vô tình thổi qua sẽ lại bùng cháy, nguy hiểm biết bao! Nguy hiểm bởi vì Tuấn đang có một gia đình hạnh phúc. Nguy hiểm bởi cả hai tâm hồn đều lãng mạn như nhau.

“Không biết có phải như vậy không hay tại vì mình quá chủ quan,” Tuấn thầm nghĩ. “Không phải đâu, dù chỉ gặp nhau trong thời gian rất ngắn ngủi ở một hoàn cảnh quá đặc biệt khiến cho “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” ghi khắc sâu đậm trong tâm khảm khó thể nhạt phai nếu lâu lâu tình cờ bị khuấy động… Thật khó cho người khác hiểu được! Dù cuộc tình chỉ như bóng mây qua nhưng có lẽ vì tâm ý hai người luôn như chung một hướng, người này có thể cảm nhận được tâm tư của người kia dù ngôn ngữ vẫn là bức rào cản,” chàng tiếp tục biện minh. Và càng biện minh càng thấy bâng khuâng; càng bâng khuâng càng ái ngại.

Cứ ngần ngừ hoài nhưng làm sao không hồi âm cho sự ân cần của Deana được. Nháp tới nháp lui rồi quyết định chỉ xem việc hồi âm là việc phải làm, nên làm.

Kingwood, ngày… tháng… năm 2017

Deana thân mến,

Quả thật rất ngạc nhiên nhận được thư thăm hỏi của Deana. Vâng đã gần 5 năm kể từ email lần cuối. Tưởng như mới đây thôi, không ngờ con bé đã ra trường gần 5 năm rồi!
Cám ơn em rất nhiều. Gia đình tôi và những gia đình người thân đều may mắn không hề hấn gì cả. Chỉ có phía Nam và phía Tây của Houston bị nặng nề; thậm chí đến nay có nhiều gia đình vẫn còn ở khách sạn vì nhà còn ngập nước hoặc bị thiệt hại quá nặng chờ sửa chữa.

Dù biết tin rất trễ nhưng cũng xin chia buồn với Deana về sự mất mát to lớn của một đời người. Nguyện cầu linh hồn của bà cụ đời đời an vui trong tay Chúa toàn năng. Nguyện Thiên Chúa luôn ban phúc lành và sức khoẻ cho Deana và cháu Linda. Mừng cho con bé có tương lai tốt đẹp. Thời nay, dường như hoàn cảnh gia đình nào có con cũng vậy; chúng nó như đàn chim non chờ đủ lông đủ cánh là bay xa. Vợ chồng tôi cũng sống lẻ loi trong căn nhà thênh thang im vắng cả sáng trưa chiều tối, trong khi chúng nó phải thuê nhà hoặc mua nhà cách xa không bao nhiêu. Cũng may, chúng ta có thể tự lo được mọi thứ, chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai gần.

Sang năm đã đến lúc nghỉ hưu rồi! Ôi thời gian qua mau quá như câu hát của một nhạc sĩ VN viết, “…thời gian qua mau quá, tôi ngỡ như ngày nào, đôi mắt em như sao, soi sáng tâm hồn nhau…” Vâng chỉ mới như ngày nào một cô bé vô tư như chim sáo, chưa xong cả Trung Học mà bây giờ đã là một giáo sư Đại Học dày dặn, sắp nghỉ hưu. Nhưng người ta thường nói, tuổi nghỉ hưu là tuổi sung sướng nhất của đời người, nhất là những người không thiếu hụt về tài chánh như chúng ta. Mình sẽ không cần phải sớm hôm lo toan công việc, không cần phải lo lắng chăm sóc con cái; không còn giật mình với đồng hồ báo thức; muốn ăn, muốn ngủ bất cứ lúc nào trong ngày. Mình có toàn quyền quyết định chuyện gì nên làm, người nào cần gặp mà không cần xin phép một ai…

Chúc Deana luôn vui mạnh. Cứ xem nhau như bạn, đừng e ngại gì, viết cho tôi bao giờ muốn viết; 42 năm đã qua dù chưa gặp lại nhưng vẫn giữ được sự liên lạc tốt đẹp với nhau rất đáng quý. Khi nào về thăm mộ bà cụ ở Houston nhớ cho biết, chúng ta có thể gặp nhau uống cà phê hoặc dùng một bữa cơm thân tình.

Tuấn

Viết xong thư hồi âm, đọc lại vài lần trước khi gửi đi. Tuấn hài lòng và thấy tâm hồn nhẹ nhõm. Tuấn nghĩ có lẽ chàng quan trọng hoá vấn đề. Cũng có thể chỉ là một nốt trầm rất nhẹ rớt trong bản giao hưởng hay như một thoáng mưa bay giữa nắng cháy mùa hè. Đời sống con người có lúc cũng cần có được sự bất ngờ thú vị để vượt qua những gian nan, khốn khó mà đời sống luôn sẵn sàng mang đến.

Rừng Vua, tháng 9/2017

 

Xem thêm...

Sợi Vắn, Sợi Dài - Hoàng Quân

Sợi Vắn, Sợi Dài

Nàng cầu cứu Đào:

-Tuần sau Đào rảnh, dẫn tui đi xỏ lỗ tai nghe.

-Ủa, chớ hồi giờ bồ hổng biết mùi bông tai là gì hả? Mất nửa đời người. Sao tự nhiên hứng bất tử, đòi đâm tóc, đâm tai vậy?

-Tới hôm nay, tui vẫn cảm thấy đời đẹp như mơ, dù tai tui không lủng chỗ nào. Mà tại chàng nhắc lui, nhắc tới là phải xâu lỗ tai, để mang cặp bông tai kim cương quà cưới của má chàng. Anh rất hãnh diện về món quà này. Nghe nói 5 ca-ra thì phải.

Bên kia đầu dây, có tiếng kéo ghế rột rột:

-Bồ chờ, chờ chút xíu. Tui ngồi xuống, lấy hơi, tui sắp sửa đứng tim vì… ganh với bồ đó. Bồ có chắc chắn, bồ nghe rõ không? Bồ có biết 5 ca-ra là bao nhiêu không?

Nàng cười khì khì:

-Ờ, tui nghe anh nói nhiều lần. Nhưng tui không nhớ rõ.

Nàng chợt nhớ đơn vị đo lường của “ta.” Hình như là lạng, phân, chỉ gì đó, bèn chỉnh lại:

-Nếu không phải 5 ca-ra, vậy thì 5 phân.

Tiếng Đào cười ré làm nàng giật mình. Đào vừa nói, vừa cố dằn lại trận cười:

-Thôi, thôi… đúng là con gà mờ. Hột xoàn to bây nhiêu bồ mang ở tai, chắc tai bồ bữa trước, bữa sau thành tai… Phật. Tui cho bồ hai cái túi ny-lông của siêu thị, mỗi túi bồ đựng một hột.

Đào hức hức:

-Bồ… bồ đi tìm cây thước, coi thử 5 phân là bao nhiêu. Chết, chết, tui cười sắp đứt ruột. Bồ hỏi lại ổng có phải 5 ly hay không? Mà nhớ nhen! Khoan kể cho ai nghe cái tài sản vĩ đại bồ sắp có.

Nàng tẽn tò:

-Ừ, hình như 5 ly. Mà, mà bộ như vậy là nhiều lắm hả?

Đào bớt cười, lên giọng đàn chị:

-Chớ sao. Đưa vàng bạc châu báu cho mấy người như bồ, phí của trời. Ừa, được rồi, Thứ Bảy này tui dẫn bồ đi.

 Nàng vẫn băn khoăn:

-Đào biết chỗ nào làm đàng hoàng, hợp vệ sinh không?

Nàng nhớ, hồi nhỏ nhìn thấy những trẻ em cùng lứa mang bông tai, nàng thường cành nanh. Sau này, Ba nàng kể rằng, sở dĩ Ba không cho con gái xỏ lỗ tai, vì đã thấy trường hợp nhiễm trùng rất nặng. Đào trấn an:

-Bồ yên tâm. Xứ sở này làm gì cũng ngon lành. Tiếc là vành tai tui có hạn. Chớ không, tui đi xỏ vài chục lỗ rồi.

Đào cười hích hích:

-Được mang cái hột “xàn” bự như dzậy, phải cắt nửa lỗ tai, tui cũng chịu.

Đào hạ giọng:

-Ê bồ, mấy thằng em của ảnh, ván đã đóng… thùng chưa? Hay là bồ với tui làm chị em… cột chèo với nhau đi.

Nàng đã xỏ tai và ngoan ngoãn để chàng xỏ mũi dắt nàng lên xe hoa. Nàng đưa tay rờ rờ tai. Vậy mà “hạ tầng cơ sở” để mang bông tai đã hơn 20 tuổi. Đào không thành chị em bạn dâu với nàng. Tai nàng vẫn không thay đổi diện tích so với ngày chưa mang bông tai. Món quà cưới nàng đeo trong ngày vu quy của nàng, rồi cất kỹ trong tủ. Chỉ khi nhà chồng có tiệc tùng, cưới hỏi, nàng mới đem vòng nhẫn lấp lánh tròng lên đầu cổ như đồng phục của gia đình. Nàng đùa với Đào, người sang làm kim cương sáng thêm, còn người như nàng, chỉ làm hột xoàn thành hột xoàng thôi. Đào cười rúc rích:

-Ừa, biết rồi. Chỉ tình cho không, biếu không, đã đủ cho bồ hát inh ỏi rằng, cuộc tình quá lớn, ôi biết nói gì cuộc tình lớn quá.

Chàng yêu nàng say đắm, với những si mê khôn nguôi như buông vào tim/ Trong đáy tim anh yêu em… Nàng yêu chàng bằng trọn trái tim sôi nổi của tuổi đôi mươi. Yêu chàng, nàng yêu cả đường đi, yêu cả tông chi họ hàng của chàng. Nàng muốn nói với chàng, Your love’s put me at the top of the world. Tình yêu tròn trịa như trái mù u.

Nàng phơi phới chân sáo. Nàng đang nhìn thấy màu hồng ở khắp nẻo đường nhẹ thấm vào hồn. Bỗng, nàng vấp, chúi nhủi. Chân ướt, chân ráo về nhà chồng, cô em chồng nghinh đón bằng câu nói đùa: “Thời buổi này, chỉ cần thảy ra mấy hột xoàn, con gái theo rần rần.” Nàng sụt sùi:

-Đào coi, tình yêu tui trân quý biết bao nhiêu, mà trở thành vật chất, trần tục như vậy.

Đào ào ào:

 -Ui, đúng là giặc bên Ngô không bằng mấy mụ cô bên chồng. Kệ mấy mụ. Bồ đâu thèm mấy cái hột đó. Bồ trả quách lại cho mấy con cà chớn đi.

-Thôi, làm vậy coi sao được. Tội anh đứng giữa, anh khổ tâm lắm.

Nàng làm bánh nậm mời nhà chồng. Vài tuần sau, cô em chàng gọi điện thoại rủ vợ chồng nàng đến cơm chiều. Cô em đãi món bánh nậm. Cô em nhận xét, miền Trung khô cằn, nghèo nàn. Cái gì cũng thiếu, chỉ có lá chuối là thừa. Bởi thế, cô em “hoàn thiện” món bánh nậm theo kiểu đồng bằng phì nhiêu của miền Nam. Cô em lấy bột gạo, pha chung với nước cốt dừa vào khuôn bánh tròn, phía trên cô em xếp kín những con tôm to (cô gọi là tép). Thuở ấy, tôm tép đắt gấp năm, gấp mười thịt bò. Đây thực là món ăn cực kỳ xa xỉ. Nàng thấy buồn cười. Vừa buồn, vừa cười. Nàng cười trong trí, đấy là bánh đúc, loại bánh người xưa bảo muốn no nên ăn, chứ không phải bánh nậm thanh cảnh. Nàng buồn ra mặt. Chắc người ta “mát mẻ” theo kiểu bề trên: “Chuột sa chĩnh gạo, sướng nhé!” Chàng tương kế tựu kế, cố làm đẹp lòng đôi bên. Chàng nấu những món ăn gia đình chàng thích, dán nhãn “made by my house.” Rốt cuộc, phản tác dụng. Các em của chàng biết tẩy, đâm ra bực chàng, gầm gừ: “Ổng đúng là làm chuyện ruồi bu. Mắc mớ gì phải hầu bả tới bến dzậy!”

Những khi gia đình chàng bàn về hột trong, hột đục, vàng núi, vàng non, nàng ngồi ngậm tăm, im phăng phắc. Chàng trách, nàng không hòa đồng. Nàng đành chịu, không thể tham gia câu chuyện, vì nàng thiếu kiến thức về nữ trang. Khi anh chị em nàng chuyện trò, chàng bỏ đi. Nàng rủ ngồi chơi, chàng giận dỗi: “Ba cái chuyện thơ văn, anh biết gì mà nói.” Tự lúc nào nàng chẳng rõ, trái mù u đã chuyển thành trái ấu. Nàng săm soi, tránh những góc cạnh, để đỡ trầy xước.

Nàng đọc cuốn sách về đàn ông, đàn bà. Tác giả không phải bà con họ hàng gì với nàng. Cũng chẳng hàng xóm láng giềng. Ông John Gray ở tít tận lục địa khác. Mà sao câu chuyện ông ấy kể, giống hệt cảnh hai vợ chồng nàng đi dự đám cưới hôm nào. Tháng Mười, trời tối thật nhanh. Chàng làm tài xế, nàng làm “lơ” xe. Công việc tuy chia rạch ròi, nhưng chàng chạy theo ý chàng, chứ không theo “tư vấn” của nàng. Nàng đoán, chàng đã rời xa lộ hơi sớm. Nhìn những tên đường, địa danh hoàn toàn không giống bảng hướng dẫn đường đi. Nàng dè dặt góp ý:

-Hay mình chạy trở ngược ra xa lộ đi anh.

Chàng nhíu mày:

-Em thì chuyện gì cũng rành, cũng giỏi.

Chàng vẫn tiếp tục rẽ trái, rẽ phải quanh quẩn trong phố, chứ không hề có ý định quay ra xa lộ. Thuở ấy, vợ chồng nàng chưa biết đến phát minh navigation. Đi đâu cũng dùng bản đồ bằng giấy, ngang dọc mỗi bề một mét. Càng lúc, những con đường chàng chạy chẳng ăn nhập gì với bản đồ trên tay nàng. Nàng đề nghị tạt vào cây xăng hỏi đường. Chàng gắt:

-Không chuyện gì phải ghé hỏi cho rắc rối. Đi một hồi phải đến.

-Tất nhiên mình sẽ đến. Nhưng lúc nào? Người ta tan tiệc, mình đến làm gì nữa. Tới trễ quá coi cũng kỳ.

Chàng cáu kỉnh:

-Đi ăn cưới. Chớ có phải trình diện hãng mà phải đúng giờ từng giây, từng phút.

Nàng băn khoăn:

-Đằng nào mình cũng trễ ít nhất là một tiếng đồng hồ.

-Nếu em biết đường, em chạy đi. Còn không, làm ơn để yên cho anh lái, cứ lải nhải, nhức đầu lắm.

Nàng nghẹn cổ, nhìn chăm chăm lòng đường. Nàng nhủ lòng, sẽ chẳng bao giờ góp ý, thêm lời, khi ngồi chung xe với chàng.

Vợ chồng người bạn đến chơi. Chồng Bắc, vợ Nam. Đến cửa, chưa thấy người, đã nghe giọng cô bạn líu lo:

-Bữa nay em đặc biệt làm mắm chưng cho anh nè. Em phải chờ chồng em ra khỏi nhà, em mới nấu. Tại ảnh dân Bắc kỳ, không ngửi được mùi mắm chưng.

Chàng coi bộ cảm động dữ:

-Trời, hàng độc, hàng hiếm à nhen. Anh phải cất kỹ, ăn từ từ.

 Cô bạn quay qua nàng:

-Chị người Trung, chắc đâu biết mấy món miền Nam hả?

Cô bạn chẳng nhìn xem nàng gục hay lắc, nghiêng nghiêng đầu phía chàng, huyên thuyên:

-Chỉ có người Nam tụi mình mới hạp nhau thôi hén anh.

Anh bạn Bắc kỳ và nàng ngồi lạc lõng nghe hai người “Nam kỳ tụi mình” rôm rả chuyện trò. “Sầu riêng ngon hết xẩy. Chỉ dân sành ăn mới biết thưởng thức. Chời chời, mắm dà rau, ngon bá cháy hén… ” Anh Bắc kỳ lững thững ra vườn hút thuốc. Nàng thấy mình thừa thãi trong buổi mạn đàm của “đồng hương” nên lẳng lặng xuống bếp dọn dẹp.

Một người quen sơ gửi gắm chàng sứ mệnh đặc biệt: Bán giùm chiếc xe cũ của đứa con gái riêng của chị ấy. Cả cuối tuần, chàng hì hục đại trùng tu chiếc xe, o bế không thua gì xe của chàng. Có người gọi đến hỏi tình trạng chiếc xe, chàng thao thao:

-Xe của con gái tôi ấy mà. Nó chạy đàng hoàng lắm. Tôi để ý dầu nhớt đều đặn. Ông yên tâm, xe còn ngon…

Người ta đến coi xe, chàng lăng xăng tựa như ông bán hàng chuyên nghiệp. Chờ chàng hớn hở tường thuật với chị ấy xong, rằng xe bán được giá. Nàng sa sầm mặt, dấm dẳng:

– Mình đâu có đứa con gái nào. Sao anh phải đặt chuyện bùm xùm như vậy?

Chàng xù lên:

-Em sao hẹp hòi. Người ta nhờ nói như vậy, cho dễ bán. Có mất mát gì đâu. Giúp bạn bè được chừng nào, hay chừng ấy.

Nàng mím môi:

-Nhưng đó đâu phải sự thật. Làm vậy là sai nguyên tắc.

Chàng gạt ngang:

-Em lúc nào cũng đúng, lúc nào cũng có lý. Vừa lòng chưa!

Chàng hầm hầm đi ra xe. Nàng thấy ngón tay mình run run khi bấm số gọi Đào. Đào tức tối:

-Thiệt tình. Hổng chừng ít bữa bả nhờ chồng bồ bán xe của bả, biểu ổng nói là xe của vợ ổng, chắc ổng cũng nhận lời. Tui thả tay luôn.

Những cuộc điện đàm với Đào là những dịp cho nàng kể lể, xả giận. Nàng mừng rỡ:

-Đào gọi qua, coi như tui thoát.

-Thoát gì? Khỏi rửa chén hả?

-Không, rửa chén tui đâu ngán. Mà từ chiều giờ, nghe trọn top hit ca sĩ ruột của ông chồng là mệt ngang xương.

-Nè, cho bồ hay. Xã xệ bồ chắc cũng đau mình, nhức mẩy, khi nghe ông ca sĩ luật sư kể lể… nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát.

-Cám ơn Đào nhắc chừng. Tui để ý. Hồi nào anh có nhà, tui không nghe nhạc xưa nữa. Mà Đào ơi, sao tui không ưa nổi mặt má bầu của nường ca sĩ.

Đào cười rúc rích:

-Má bầu nhìn lâu muốn chửi hả? Sướng chưa? Tui nói giùm điều bồ nghĩ trong đầu.

-Trời đất. Tui không có ý định chửi ai. Nhưng thấy mặt ca sĩ, nghe cổ ca, là tui muốn bịnh.

Đào cười lớn:

-Ê, bồ có biết tại sao bồ ghét cô ca sĩ không?

Nàng chưa kịp trả lời. Tiếng Đào gọn lỏn:

-Tại bồ ghen.

Đào không thấy nàng trề môi, nhưng nghe rõ giọng nàng xuội lơ:

-Còn lâu hà.

Nàng nghĩ, nếu có hiện tượng ghen, không chừng là dấu hiệu tốt.

Đào chép miệng:

-Nhiều người tưởng tui già kén kẹn hom. Đâu phải vậy. Tui cười nói râm ran, chớ nhiều khi một mình, cô đơn dễ sợ. Con cá trong lờ khóc đỏ lơ con mắt, con cá ngoài lờ ngúc ngoắc muốn vô.

Nàng cười buồn, nhái theo một chuyện diễu, chia sẻ nỗi niềm của bạn:

-Tui hiểu rõ nỗi cô đơn của Đào lắm. Tại tui lập gia đình mấy chục năm rồi.

Chàng nàng chuẩn bị đến nhà bạn chơi chiều thứ Bảy. Sắp sửa ra cửa, chàng dừng lại, cúi cúi nhìn sàn nhà. Chàng treo chìa khóa xe lên móc. Chàng quày quả vào bếp lấy cuộn băng keo, cắt một đoạn. Chàng lồm cồm bò dọc hành lang, dùng miếng băng keo gom mấy sợi tóc rụng trên sàn. Những sợi tóc dài của nàng, chứ không phải sợi tóc ngắn của chàng.

Vài chục năm trước, thuở yêu thương ngập lòng, nàng đặt mua tận bên Mỹ tập nhạc Ngàn Lời Ca của nhạc sĩ Phạm Duy. Nàng nắn nót viết tặng chàng “… và xe tơ kết tóc giam em vào lòng thôi…”

Chuyện ngày ấy chúng mình giờ đây tưởng như chuyện thần thoại, chuyện cổ tích. Chàng vẫn lom khom quanh bàn computer của nàng. Nàng sốt ruột:

-Mình đi kẻo trễ anh ơi. Tối về em sẽ thanh trừng, nhất định không sót sợi nào.

Giọng chàng khó chịu:

-Đi chơi mà sao phải stress dữ vậy.

Tự lúc nào, chuyện tóc tai của nàng trở thành đề tài “nhạy cảm” giữa vợ chồng nàng. Biết tính chàng “xung khắc” những sợi tóc rụng vô tổ chức của mình, nàng để ý dọn phòng tắm kỹ càng, không để sót tàn dư. Nàng tìm nhiều biện pháp ngăn chận sự ra đi thiếu trật tự của lũ tóc. Nàng đổi các loại dầu gội, uống nước hạt chia, bôi dầu dừa… Ai mách mẹo gì, nàng cũng thử. Đôi khi bắt gặp những sợi tóc tội nghiệp của nàng trên xa-lông, chàng lẩm bẩm:

-Tóc em sao mà rụng tối ngày sáng đêm. 

Nàng đùa:

-Anh đổi cho em đi. Tóc anh tha hồ rụng. Bao nhiêu em cũng dọn. Miễn tóc em đầy đủ, đâu yên đó, là em mừng. 

Trong chương trình nhạc Văn Phụng, ca sĩ Châu Hà, với mái tóc ngắn, bà bảo: “Suối Tóc ngày xưa là nguồn cảm hứng để ông viết nhạc tặng bà, bây giờ đã thành suối cạn.” Dẫu suối cạn, nhạc sĩ Văn Phụng bên phím đàn cùng ca sĩ Châu Hà vẫn đong yêu thương đầy từng chữ, từng nốt nhạc của bài hát… trong ý thơ, cung đàn và suối tóc mơ… Đấy là bức tranh hạnh phúc thật đẹp, nàng ngắm hoài không chán. Thuở xem chương trình này, nàng vẫn còn liễu xanh xanh lả lơi. Nàng không hề mơ chàng viết nhạc, viết thơ tặng nàng. Nàng chỉ ước ao, ngày nào khi suối cạn, nàng vẫn còn nhận được ánh mắt đằm thắm của chàng, dẫu hấp háy qua làn kính lão.

Bỗng dưng, nàng nghe tiếng thở dài nhè nhẹ của mình. Tóc ơi, sợi vắn, sợi dài. Chẳng nhẽ phải lấy nhau chẳng đặng, mới được thương hoài ngàn năm hay sao? 

 

Hoàng Quân ( SGN)

Kim Phượng sưu tầm

***

Trích lời ca trong các nhạc phẩm:

Em Là Tất Cả, nhạc ngoại quốc (You’re My Everything by Santa Esmeralda), lời Việt Duy Quang

Top of the World by the Carpenters

Tôi Đang Mơ Giấc Mộng Dài của nhạc sĩ Phạm Duy

Áo Lụa Hà Đông của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, thơ của thi sĩ Nguyên Sa

Ngày Đó Chúng Mình của nhạc sĩ Phạm Duy

Suối Tóc của nhạc sĩ Văn Phụng

Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài của nhạc sĩ Phạm Duyi Dài là mộ các đoạn 

 
 
Xem thêm...

Những Khởi Đầu Của Một Gã Tha Hương - Yên Sơn

Những Khởi Đầu Của Một Gã Tha Hương

YÊN SƠN

 

 

Hắn cứ sống với sức sống vươn lên trong cái ảo tưởng, mơ hồ như một người khách la.ï Hắn luyến tiếc quá tuổi thanh xuân cho nên rất ít khi hắn công nhận là hắn đã đứng bên kia một nửa cuộc đời! Hắn không sợ già nhưng hắn không muốn chấp nhận. Chưa làm được việc gì nên trò nên trống mà đã già rồi nghe thê thảm lắm! Hắn vẫn thường nói đùa với bạn bè, người quen là hắn sẽ không bao giờ quá 50 tuổi! Ai nghe qua cũng ngơ ngác trước khi hắn cười hiền giải thích: "kế tiếp 50 sẽ là 49 đến 48, 47... 40 rồi quành lại 41, 42... và cứ thế!

Có thể trong chiến tranh khốc liệt xưa kia, hắn đã không thể sống hết mình, sống buông thả như bao nhiêu người khác. Hắn đã sống một cuộc sống mà người đời thường cho là mẫu mực, nề nếp vì hắn tự nguyện đánh ván bài "được ăn cả, ngã về không", có nghĩa là nếu số phận an bài cho hắn sẽ làm được gì trong đời thì nhất định không thể chết bất tử được. Hắn lo xây dựng tương lai trước sự ra đi vội vã của bạn bè hàng ngày; hắn cố bồi đắp cho tương lai trong những hoang tàn, đỗ nát, khốc liệt của chiến tranh... Hắn đã nghĩ "nếu có chết cũng nên chọn cái chết oai hùng trong sự thanh bạch bản thân để trả ơn tác tạo của mẹ cha, và để lại cho những người thân yêu niềm thương mến và hãnh diện". Thế nên ở đơn vị nào, bay loại máy bay nào hắn cũng xông pha, cũng tình nguyện. Hắn không bao giờ từ chối khi có bạn bè nhờ đi bay thế khi bận chuyện riêng tư, chuyện gia đình... dù ở đâu, lúc nào hắn cũng nghe kháo là "đi bay thế rất dễ lên bàn thờ". Rất điển hình, có thằng bạn cùng tên khác họ với hắn, ngày xưa cùng chung đơn vị, đang ở gần đây. Bạn bè lâu lâu tụ tập lại với nhau để biết là còn có nhau. Bao giờ cũng thế, chuyện mới chỉ là chuyện áo cơm, rất ít; chuyện cũ ai cũng thuộc lòng, nói hoài vẫn như mới! Người bạn bao giờ cũng tìm dịp nhắc lại cho người chung quanh biết là ngày xửa, ngày xưa, khi nó mê đắm vợ nó bây giờ thường hay nhờ vã hắn bay thế... Và cứ thế, tuổi thanh xuân của hắn cứ ngày một ngày hai phiêu bồng với mây, với gió, với nắng, với mưa trên khắp vùng trời miền Nam nước Việt...

Ôi những toan tính rốt cuộc cũng bất chợt chạy bạt mạng theo đoàn người di tản buồn, không một lời từ giã; không biết mình đi đâu, về đâu vào buổi trưa ngày 29 tháng 4 năm 1975 giữa tiếng bom đạn vang rền, giữa những hổn loạn cùng cực! Bất chợt đến nỗi không kịp mang theo người yêu dấu chỉ ở cách phi trường 45 phút chạy Honda! Cũng may là "ngã nhưng chưa về không" mà "ngã" cho hắn thêm nhiều cay đắng, đau thương hơn khi nhận ra mình phải sống đời tha hương, viễn xứ, để lại sau lưng một quê hương nghiệt ngã, rách nát; để lại sau lưng bao tình thâm, nghĩa trọng, bao ơn nợ bạn bè! Những chặng đường hắn đã đi qua từ khi tan đàn sẫy nghé thật lắm gian truân. Hắn may mắn một cách nhiệm mầu bốc theo được hai đứa em trai đang theo học ở Saigon - hai đứa rủ nhau chạy tìm anh ở khu cư xá độc thân, trong phi trường, từ chiều hôm trước - mà tiếng Anh của cả hai khi giao thiệp lại rất mỏi tay!

Sau vài tuần lễ trong trại tỵ nạn Eglin AFB ở Florida, anh em hắn được bà già nuôi người Mỹ, ở San Antonio, bảo lãnh ra khỏi trại tỵ nạn vào một trưa thứ Bảy cuối tháng 5/1975.

Bà già nuôi là vợ của một cố Trung Tá Không Quân Mỹ thời đệ nhị thế chiến. Bà chia sẻ tuổi già với đứa con trai trung niên, ly dị vợ con, trong một căn nhà gạch cũ. Lợi tức của hai mẹ con là tiền cho thuê mấy mẫu nông trại cộng với tiền hưu bỗng ít ỏi! Ở bà, hắn thấy bà giàu nhất ở tấm lòng quý hiếm. Hắn đã gặp và thân quen với bà từ những ngày vỗ cánh tập bay trên đất nước này vào mùa Thu năm 1969, giữa những háo hức tuổi trẻ và bầu nhiệt huyết tràn đầy mà tương lai và mộng ước ngập tầm tay, với niềm tự hào là một trong những đứa con tuyển chọn của đất nước Việt Nam. Tình cảnh bây giờ hoàn toàn trái ngược! Gặp lại bà trong thân phận một gã tỵ nạn, một thằng chiến bại với những ước mơ cùn lụt, lụi tàn! Hắn đã cúi đầu rơi nước mắt với những dòng suy tư hụt hẫng đó. Hắn là người cứng cỏi, hay ít nhất cũng làm ra vẽ, rất ít khi rơi nước mắt vô nghĩa; thế mà từ dạo cuối tháng tư đến nay, nước mắt ở đâu cứ chực tuôn trào! Hắn nhìn bà đầy mặc cảm pha trộn quý mến, cùng lúc thoáng trong tâm tư muộn phiền của hắn có chút cay đắng nghĩ về những người bạn đồng minh đã đành lòng ngoảnh mặt, quay lưng với dân tộc hắn! Trên đường từ phi trường về, hắn nhận ra những lối cũ thân quen, cũng những xa lộ tròng tréo lên nhau, với I.10 chạy mịt mù về miền viễn tây nước Mỹ xa xăm như cuộc đời vô định của anh em hắn mở ra trước mắt! Chốc chốc hắn lại thở dài, vũng buồn trào dâng mênh mang như những đại dương bao la dưới cánh phi cơ trên những chặng đường tỵ nạn! Hắn ao ước có cái cớ gì để hắn có thể bật khóc cho vơi bớt những u uất trĩu nặng trong tâm hồn!

Sáng Chủ Nhật, anh em hắn theo chân bà già đi lễ nhà thờ! Bà bảo sẽ giới thiệu với người trong họ đạo có thể sẽ được mướn đi làm! Mặc dù hắn đã chuẩn bị tinh thần để bắt đầu cho cuộc sống mới từ trong trại, nhưng vẫn ngỡ ngàng khi nghe bà nói ba chữ "mướn đi làm". Từ hồi nào tới giờ hắn chỉ quen với các cụm chữ "đi chơi, đi học, đi lính, đi bay". Bây giờ cũng là chữ "đi" quen thuộc nhưng chữ "mướn" ở trước và chữ "làm" theo sau! "Mướn đi làm"! Cụm chữ đối với hắn như là một xác nhận đau đớn! Trong thâm tâm hắn có cái gì lạ lẫm lẫn bàng hoàng! Hắn than thầm: "thế là hết thiệt rồi một đời ngang dọc!" Nước mắt hắn lại chực rơi! Ôi quê hương tổ quốc! Ôi những người thân thương! Suốt buổi lễ hắn ngồi nghiền ngẫm trận chiến nội tâm, thỉnh thoảng lẩm bẩm ba chữ "mướn đi làm" như một gã điên! Hai đứa em, bốn mắt nhìn lạc lõng!

Lễ đã xong mà sao anh em hắn vẫn ngồi yên một chỗ, dường như có nhiều cặp mắt bám chặt anh em hắn. Hắn triền miên chao đảo và không biết hai đứa em nghĩ gì! Cả ba lúng túng, vụng về chưa biết xoay trở làm sao thì bà già tiến đến với một trung niên da trắng, tóc vàng. Bà giới thiệu hai bên ngập ngừng bắt tay tay bắt để cuối cùng biết rằng, kể từ sáng mai, Mike sẽ tới nhà bà đón hắn đi phụ việc bảo trì nhà cửa. Mike bảo hắn yên tâm, chỉ làm thợ vịn và học được chút gì hay chút đó; hắn chỉ làm part time và được trả $2/giờ! Bà già mừng rối rít, còn hắn thì lí nhí cám ơn, bộ điệu ngập ngừng không ra thể thống nào cả! Số là trong đầu óc máy móc của hắn những con số đang chạy rì rào: "$2/giờ vị chi $16/ngày, hay ít nhất cũng $320/tháng nhân cho khoảng 1.000 tiền Việt Nam cho mỗi đô la... whoa! Con số hắn chưa từng có suốt đời học trò cũng như lương sĩ quan phi công Việt Nam một trời ngang dọc!" Hắn thấy chát đắng trong miệng, mắt chợt mờ câm! Nhìn lại các em và chính bản thân hắn với bộ áo quần duy nhất của mỗi người đã mặc theo trong lúc chạy loạn, dường như chỉ một thoáng thôi niềm vui chợt đến rồi vội đi!

Ở trại tỵ nạn người ta cũng phát đồ cũ, anh em hắn cũng lựa được vài ba bộ khả dĩ nhưng vẫn thùng thình; thế nên khi nào có dịp cho bảnh bao thì vẫn phải mặc bồ đồ Việt Nam duy nhất, dù đã cũ nhưng vô cùng thân thiết! Bà già thấy hắn lúng túng vội đỡ lời, nói với Mike chắc là hắn "shy" (mắc cỡ) và vốn dĩ ít nói!
7 giờ sáng hôm sau là một ngày mới, một cuộc đời mới của hắn. Hắn ngoan ngoãn làm tất cả những gì thằng Mike biểu làm; hắn làm ngon lành, mau lẹ dù có lúc hắn thật sự rơi nước mắt - Chỉ một tháng thôi mà đã nghìn trùng xa cách, mà đã voi chó đổi đời! - Từ quét rác, lau cầu tiêu, cắt ráp kính cửa sổ đến sơn quét... đủ cả! Cái gì nó chỉ là hắn làm được ngay, nó có vẻ hài lòng lắm!

Buổi chiều trên đường về, thằng Mike đưa ngón tay cái lên trước mặt hắn rồi nói: "you are good, you are number one!" (mày hay quá, mày số một!) Hắn gượng cười cám ơn trả lễ nhưng trong thâm tâm hắn, hắn sôi nổi nghĩ rằng: "máy bay mà tao còn lái đủ loại sá chi công việc không cần đầu óc này!" Hắn xoay người ra cửa sổ như mải mê với cảnh vật chung quanh nhưng cốt để dấu đôi mắt đỏ mọng nước! Hắn bắt đầu thấy giận hắn sao mau nước mắt, sao trở nên ủy mị quá chừng!

Để tránh buồn phiền, hắn bắt đầu tập võ ở vườn sau mỗi chiều đi làm về. Một hôm, John đề nghị đưa hắn đi thăm trường dạy võ gần nhà. Hắn hăng hái đi liền. Không biết John nói gì với ông thầy trong văn phòng mà hắn được ông ta tiếp đãi niềm nỡ. Ông ta là một huyền đai tam đẳng, Mỹ trắng, tên Guidry, khoảng hơn 30 tuổi, tính tình có vẻ hiền hòa. Trước khi ra về, ông ta ngỏ ý welcome hắn tới tập bất cứ lúùc nào, ông sẽ tặng võ phục và không phải trả tiền gì cả. Được lời như cởi tấm lòng!

Thế là ngày đi làm vất vưởng, tối về đi bộ đến trường tập võ cho quên đời. Sau một tuần lễ siêng năng tập luyện, ông thầy đề nghị hắn giúp ông dạy hai lớp tối, cách ngày và mỗi lớp 1 tiếng 15 phút; mỗi tuần ông trả $10 tiền mặt. Còn gì mừng hơn, vừa có cơ hội tập luyện, vừa được tiền!

Dạy được một tuần thì xảy ra chuyện! Số là có hai huấn luyện viên dạy ở đó đã lâu - một Mỹ đen 2 đẳng, Mễ bự con 1 đẳng - có lẽ thấy hắn là ma mới nên tính dằn mặt, rủ hắn đấu giao hữu! Hắn đã thấy những ánh mắt không chút thiện cảm của hai đứa này từ lúc nhập trường.

Hắn nói nhỏ với hai đứa là hắn không thích các huấn luyện viên đấu nhau trước mặt võ sinh. Hai thằng cùng nói đâu có sao, ở đây thầy trò còn đấu nhau nữa huống chi chúng ta là huấn luyện viên; hơn nữa đây cũng là cách hướng dẫn cho võ sinh! Hắn tỏ ý không muốn nhưng hai thằng kia cứ ép buộc. Thiệt tình hắn đâu có sợ đấu bao giờ vì xưa kia đã là một trong bốn cột trụ của võ đường Thiếu Lâm Bắc phái Phú Nhuận, và đã một thời mưa gió trên các võ đài tự do từ Saigon ra Đà Nẵng, chưa kể hắn còn là một tuyển thủ Thái Cực Đạo có hạng của Không Quân Tân Sơn Nhất!

Hắn giao hẹn chỉ đấu giao hữu thôi sau khi được sự khuyến khích của ông chủ. (Hắn nghĩ chắc ông chủ cũng muốn thử tài hắn!) Đấu giao hữu là không cố tình gây thương tích nhau. Nhưng thằng Mễ mất dạy vừa ra tay đã muốn hạ độc thủ, cứ xông vào như con trâu cui, không có đòn thế gì cả, lại còn cứ mặt hắn mà đấm! Hắn mà không nhanh tay lẹ mắt thì lỗ mũi ăn trầu như chơi. Hắn chỉ dùng đôi chân nhanh lẹ né tránh dễ dàng. Cứ như mèo bỡn chuột khiến thằng Mễ tức giận sau một hồi đánh không khí. Hắn dừng lại hỏi "mày đấu Thái Cực Đạo hay đấu Quyền Anh? Đấu Thái Cực Đạo không được đấm vô mặt!"... nhưng có lẽ thằng Mễ không hiểu tiếng Mỹ của hắn hay sao nên cứ cái mửng cũ tấn công hoài. Hắn đã nhường vì thấy khả năng của thằng giặc này không bằng võ sinh đai xanh đậm của Việt Nam, phần nữa nó lại thấp đẳng hơn; nhưng hoàn cảnh trước mắt hắn không thể kéo dài hơn được... tự nhủ nếu không nặng tay sợ nó không phục. Hắn dừng lại cảnh cáo thêm lần nữa như thể... phân bua với cả trường trước khi dạy cho nó bài học lễ độ! Chờ thằng con xông tới, hắn không né nữa mà co chân trái lên dùng đầu gối cản sức tới của nó, tay trái đánh nhứ vô mặt địch thủ cùng lúc chân trái đặt xuống, chân phải nhanh như cắt quạt gót 360 độ... nếu hắn không lưu tình co bớt chân, dùng mũi bàn chân thay gót, chắc thằng con đã đo ván. Dù vậy, lỗ mũi nó cũng đã ăn trầu! Cả lớp vỗ ta! Thằng Mễ chưa kịp lên tiếng thì thằng Mỹ đen đã la lên:


- Tại sao mầy vừa nói đấu Thái Cực Đạo không được đấm vô mặt mà mày làm?
- Nó bị đòn chân của tao rõ ràng mà sao mày lại nói tao đấm!
- Tao thấy mày đấm trúng mặt nó trước khi mày quay gót!
Hắn quay hỏi ông chủ:
- Guidry, ông nghĩ sao?
- Có lẽ mày đánh lẹ quá nên tao cũng không chắc thấy!
-Mày đấm vô mũi tao! Thằng Mễ nói.
-Mày muốn xem lại đòn chân vừa rồi không?
Hắn cười hỏi.
Thằng Mễ chưa kịp trả lời thì thằng đen lên tiếng:
- Tao muốn thử đòn chân của mày!
Thấy tình hình căng thẳng, hắn có chút e ngại nhìn ông chủ, thấy ông ta gật đầu và nói:
- Đấu giao hữu với nhau đừng để mất hòa khí!
- Mày nghe không Larry! Hắn nói với thằng đen như cố tình chọc giận nó.

Thằng đen không nói thêm một lời, thủ bộ đợi chờ, hai con mắt tròng trắng nhiều hơn tròng đen ngó hắn không chớp. Hắn thủ bộ với tiếng hét "ki-ai" để thị oai làm mọi người giật mình. Thằng đen tức tốc ra đòn mạnh bạo. Đôi chân nó di chuyển khá nhuần nhuyễn. Hắn nhủ lòng phải cẩn thận hơn rồi lại dùng tài tránh né để thăm dò lối đánh của đối thủ. Quái lạ, lũ này học Thái Cực Đạo mà dùng tay như quyền Anh, chân đá không cao hơn ngực! Dù vậy cú đá ngược chân phải của nó cũng khá thần tốc, còn chân trái rất giới hạn, chỉ đá phang ống yếu xìu! Nó hay xông vô đấm liên hoàn xong là đá ngược; còn mỗi lần phang ống thì lui lại thủ thế! Lúc thằng đen phang lần thứ ba, hắn đưa ống chân trái lên chịu, thằng con đau quá nhăn mặt, chưa kịp lùi thì đã lãnh trọn cú đá ngược thẳng vô ngực, ngã ngồi ra đằng sau. Mọi người cùng ồ lên rồi vỗ tay tán thưởng. Cũng may là hắn đã giảm lực và thằng đen có mang áo giáp chứ không thì đã chết giấc! Hắn đưa tay đỡ đối thủ dậy nhưng thằng đen đã làm lơ tay hắn, tự đứng lên. Hắn xin lỗi đã lỡ chân! Giudry đứng dậy biểu cả ba người bắt tay và chấm dứt buổi tập. Thằng đen bắt tay lấy lệ mà mắt thì lườm dữ dằn!

Tan lớp, Guidry giữ hắn lại. Hắn nghĩ là có chuyện rồi đây. Nhưng không, Guidry chỉ nói là ông ta rất thích lối đánh, nhất là thái độ của hắn. Dù vậy cũng nên cẩn thận. Guidry hỏi hắn dự thi đấu ở Houston vào cuối tuần tới. Ông ta nói sẽ cùng đi với võ đường và ông sẽ đóng tiền dự thi cho hắn, $20 cho cả thi quyền và đấu. Lúc đó số tiền $20 rất lớn đối với hắn (xăng 40 xu/gallon; thuốc lá 15 xu/gói). Hắn ngần ngại nhưng Guidry ép hắn nhận lời rồi cười nói sẽ không trừ tiền hàng tuần đâu mà lo. Hắn cám ơn Guidry rồi ra về.

5:30 giờ sáng sớm thứ Bảy mọi người lục tục lên xe 15 chỗ ngồi, khởi hành ngay cho kịp 10 giờ sáng khai mạc! Từ San Antonio tới Houston với hơn chục võ sinh các cấp, có cả hai thằng ông nội. Suốt chặng đường ba người không trao đổi với nhau một lời!

Lần đầu tiên tham dự đấu võ bên Mỹ, hắn không sợ nhưng cảm thấy hồi hộp! Trên xe, Guidry giảng giải cho hắn và mọi người biết thể lệ thi cử. Xe chỉ dừng lại đổ xăng và cho mọi người đi xả bầu tâm sự, vậy mà đến nơi cũng hơn 9 giờ! Guidry bảo mọi người tự túc mua đồ ăn tại chỗ, hắn thấy giá đắt quá không ăn và đi ra một góc ôn quyền.

Thi quyền buổi sáng. Vận động trường là một sân đấu bóng rổ của trường Đại học Houston, vậy mà đầy nghẹt người thi đấu. Rất đông người về từ các thành phố và tiểu bang lân cận. Nhóm huyền đai của hắn có cả thằng Mỹ đen cùng trường! Chờ đến khi hắn thi quyền đã gần 1 giờ trưa. Giám khảo là hai ông thầy Đại Hàn và một Mỹ đen. Kết quả, Đại Hàn nhất, Mỹ trắng nhì, thằng đen hạng Ba, còn hắn... lọt sổ! Hắn vẫn thù tụi Đại Hàn bao giờ cũng ăn gian nên dù tức lắm cũng đành. Chú Mỹ đen nghiêng đầu, rùn vai, mắt nhướng lên mỉm cười nhìn hắn tuồng như hả hê nhưng hắn tới bắt tay nói lời chúc mừng khi nó ôm trophy đi xuống!

Gần 5 giờ chiều mới tới lượt hắn thi đấu. Nhóm hắn có 12 người, hạng cân 130 lbs-150 lbs, từ 1-3 đẳng. Thằng Mễ ở hạng cân khác nhưng thằng bạn Mỹ đen ở chung nhóm. Nhờ Guidry mua thức ăn đầy đủ nên hắn thắng vòng loại dễ dàng, hạ đối thủ 3-0; Ở vòng hai gặp một chú Mỹ đen khác. Thằng phải gió này cũng chỉ có tay. Chạy vòng vòng, lâu lâu lại xông vô chọc cú vô ngực xong thụt lùi, hắn chưa kịp phản ứng thì trọng tài đã dừng đấu và cho điểm thằng phải gió! Hắn thấy buồn cười quá, chưa biết xoay trở ra sao thì lại bị cú liên tiếp! Trời ơi! Đánh với đấm không ra sao cả! Chỉ cần một điểm nữa là ... tàn cuộc chiến! Không khéo thì cũng sẽ thua như đã chạy cuộc chiến vừa tàn, cũng oan uổng, cũng bất ngơ!ø Hắn nghĩ phải cấp tốc hành động! Để thua vớ vẩn như vầy sẽ mang nhục! Thằng khỉ gió tính ăn quen nhưng... nó vừa nhảy vô, hắn bước ngang chân trái qua, thằng con lỡ đà chưa kịp rút lui đã lãnh đủ một cú quay gót vô đầu với tất cả sức mạnh, thằng khỉ ngã ra bất tĩnh! Hắn bị loại vì cố tình đánh trọng thương (uncontrolled contact). Guidry phản đối dữ dội nhưng không được!

Trong khi chú đen phe ta vào được chung kết, đánh tam giác và lãnh hạng ba! Hắn cười buồn tới bắt tay chúc mừng chú đen (hắn thấy chú đen siết tay hắn chặt lắm), cùng lúc chú Mễ lãnh hạng nhì ở nhóm nặng cân. Tổng cộng võ đường mang về hơn 15 cúp lớn nhỏ trong khi hắn chỉ cười trừ! Chú Mễ và chú đen chịu nói chuyện làm thân với hắn trên suốt đường về. Hắn chỉ đơn giản nghĩ chắc chúng nó đang vui trên sự kém may mắn của mình! Cả xe vui vẻ, cười nói huyên thuyên. Guidry và mọi người cho hắn trúng lô an ủi!

Sau chuyến đi Houston trở về, cả hai chú Mễ và chú đen đều tỏ ra thân thiện với hắn. Chú đen nói với hắn rất chân thành rằng chú rất cảm ơn hắn đã không cho chú đo ván vào tuần trước như chú Mỹ đen ở tournament. Chú Mễ không nói gì nhưng hay hỏi han hắn về kỹ thuật. Lớp hắn dạy đông hơn, thu hút thêm một số học trò con gái Mễ. Hắn tự nhủ "tuy thua trận nhưng thắng tình bạn bè cũng đáng"!

Và ngày tháng vô tình, vô định vẫn tiếp tục dù trường võ đã cho hắn chút niềm vui tạm thời!

 

Yên Sơn

 

Xem thêm...
Theo dõi RSS này