Chia buồn

Chia buồn (22)

Ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong - Nguyễn Thị Thêm


America celebrates Memorial Day with parades | Daily Mail Online

 Ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong - Nguyễn Thị Thêm 

 
 

Ngày mai là ngày lễ Memorial Day của Mỹ.  Xóm tôi lác đác vài nhà đã treo cờ Hoa Kỳ. Xóm cũng tấp nập hơn với những chiếc xe đậu nép bên đường vì nhiều nhà đang có party.

Tôi giật mình khi nghe tiếng ồn ào và tiếng xe cấp cứu trước nhà. Mở cửa ra một chiếc xe ambulance và hai chiếc xe chữa lửa đã đang quẹo cua để đậu vào nhà hàng xóm chếch bên phía trái nhà tôi.

Nhìn sang nhà bên cạnh, hai vợ chồng người Mỹ cũng đang đứng trước cửa ngó qua. Thấy tôi họ cùng chào lịch sự. Tôi hỏi thăm chuyện gì xảy ra, người vợ nói nhà bên đó có người cấp cứu. Ông ấy là một cựu quân nhân đã lớn tuổi. 

Tôi biết ông ta. Ngày trước, mỗi sáng đi bộ thường thấy ông tưới cỏ trước sân. Dáng cao to, người trông còn khỏe mạnh. Nhà ông có hai cây hoa sứ màu sắc rất đẹp, tán cây nghiêng nghiêng phủ đầy hoa mỗi mùa. Cỏ nhà ông thường được cắt xén và bỏ phân định kỳ nên xanh tươi mạnh mẽ. Chả bù cỏ trước nhà tôi èo uột lại lốm đốm cỏ dại mọc chen vào. Tôi vốn ngại tiếp xúc với người lạ mặt nên mỗi khi gặp ông tôi cũng chỉ nói " Good Morning" rồi bước tiếp.

 

Người hàng xóm của tôi đi qua phía nhà ông ta và trở lại nói với tôi là ông đã chết. Bà làm dấu thánh giá và bước vào nhà. Tôi vẫn còn đứng nhìn sang những nhân viên đang làm nhiệm vụ bên mấy chiếc xe. Lòng chợt chùng xuống buồn buồn:

- Thêm một cựu quân nhân Hoa Kỳ nằm xuống trước ngày lễ Memorial Day. Vĩnh biệt ông hàng xóm tôi chưa từng biết tên.

Tôi bất chợt nhớ tới bức hình tôi mới tìm được trong đống hình cũ còn giữ được. Tấm hình em tôi đứng bên cạnh quan tài của bạn mình. Tấm hình phía sau có hàng chữ

 21/10/71

Kỷ niệm ngày A tử trận.

 

Bức hình đã 53 năm, ngày người bạn của em tôi trở thành tử sĩ.

Người học trò khoác áo lính.

Tay còn thơm mùi mực

Tóc còn xanh như mơ ước trong đời.

Tình yêu đầu đời chưa dám hở môi

Đã nằm xuống trở thành tử sĩ.

Bức hình có em tôi đứng cạnh quan tài phủ cờ vàng ba sọc đỏ. Gia đình, thân nhân đang khóc và người lính hải quân trẻ tuổi đã ngậm ngùi tiễn bạn ra đi. Ngày đó em tôi vừa tròn 20 tuổi, A cũng vậy. Mấy đứa ngày bãi trường năm đó còn lên sân khấu hát bài "CHÚNG MÌNH BA ĐỨA" Ba chàng ngự lâm pháo thủ áo trắng quần xanh ôm đàn hát giữa sân trường thật đẹp, thật lãng tử. Vậy mà 20 tuổi A đã bỏ anh em, đồng đội, gia đình, người yêu sau một lần đụng trận. Người ta khoác lên quan tài em lá cờ tổ quốc. Một lần truy điệu, hồi kèn tiễn biệt đưa em vào thiên thu.

 

Em tôi, A, Thanh, Trí, Rốt... và nhiều đứa em cùng trang lứa phải rời ghế nhà trường gác bút nghiên vào quân đội làm tròn nhiệm vụ khi lệnh tổng động viên ban hành. Cuộc chiến ý thức hệ  đã đẩy thế hệ chúng tôi chạm đến cái mốc chết chóc oan nghiệt của chiến tranh.

 

Người lính Mỹ còn tội nghiệp hơn, đang sống yên bình, sung sướng trong hạnh phúc gia đình ở một nước văn minh đứng đầu thế giới . Họ có cha mẹ, người yêu, con cái đành phải bỏ tất cả lên đường thi hành nhiệm vụ. Họ từ ánh sáng đèn hoa rực rỡ, đầy đủ tiện nghi bay đến một đất nước xa lạ để chấp nhận rủi may mà thần chết luôn chờn vờn trước mặt.

Khí hậu VN vô cùng khắc nghiệt đối với họ. Rừng núi VN, người dân VN nguy hiểm với họ. Họ đến VN vì họ là lính Mỹ là người bạn đồng minh. Người lính phải thề trước lá quốc kỳ nước mình phải tuyệt đối trung thành với tổ quốc. Họ chấp hành lệnh phải đến VN chiến đấu để bảo vệ hai chữ tự do cho thế giới trong đó có VN. 

Những người lính Mỹ trẻ tuổi cũng giống như em tôi mới rời xa vòng tay của cha mẹ, nhà trường. Đầu óc còn ngây thơ chưa bao giờ biết đến chiến tranh du kích của địch nguy hiểm thế nào. Việt Cộng nằm vùng ẩn nấp trong dân ra sao. Mạng lưới tuyên truyền của địch đã khiến họ từ người bạn tốt thành kẻ thù không đội trời chung.

 

Người lính Mỹ chết tức tưởi vì hai chữ Tự Do cho một dân tộc xa lạ. Họ vùi thây banh xác ở một nơi xa nửa vòng trái đất mà lại mang hai tiếng xâm lược oan ức.

 

Xác người lính Mỹ

Trên quê hương tôi

Bỏ thây xứ người

Hồn oan ngơ ngác.

 

Họ là bạn đồng minh

Hay kẻ thù xâm lược

Chính họ cũng không biết

Cho đến lúc lìa đời.

 

Nước mắt mẹ tuôn rơi

Khi phi cơ đáp xuống.

Áo quan phủ cờ Mỹ

Con của tôi đây rồi.

 

Con tôi bây giờ cũng là lính Mỹ, cũng được lệnh trú quân ở những nước bạn đồng minh. Con tôi cũng chấp hành quân lệnh để làm việc. Tất cả đều do sự phân công và điều hành theo chỉ thị cấp trên. 

Nước Mỹ giàu có, các chính khách dùng đủ thứ chiêu trò đấm đá trên chính trường. Họ yêu nước hay yêu tham vọng chính trị của mình . Họ vì người dân hay vì quyền lợi cá nhân. Họ bảo vệ những cái tốt đẹp của đất nước văn minh hay bất chấp tất cả để bảo vệ đảng phái. Người dân Mỹ làm việc cật lực hơn cả dân châu Âu lẫn Á châu. Họ vắt sức lao động tay chân lẫn trí óc để đất nước hùng mạnh. Tiền thuế của người dân có được sử dụng đúng đắn cho quyền lợi người dân, cho thế giới tự do hay xảo thuật chính trị nào đó. Không ai có thể trả lời. Ngay cả bây giờ trong mùa bầu cử mà người dân Mỹ cũng đang hoang man trong sự chọn lựa của mình. Hai ông già... tôi xòe hai bàn tay ra, bàn tay nào cũng nhăn nheo nhăn nhúm.

Ngày Memorial Day tôi không đến được Washington DC để cúi đầu trước bức tường đá đen tưởng niệm, nhưng trong trái tim tôi sự tri ân, tiếc thương vô vàn. Tôi xin tạ lỗi đến những người lính Mỹ đã bỏ thây trên đất nước tôi vì hai chữ tự do. Họ là tử sĩ, họ là lính nên quân lệnh phải chấp hành. Họ là người ơn, họ không hề làm gì sai. Họ không hề có lỗi. Nếu nước Mỹ có lỗi đã để mất VNCH thì lỗi do nhà cầm quyền Mỹ, sự gian trá xảo quyệt của các chính khách sừng sỏ. Bước sai của bàn cờ  chính trị, mưu lược kém cỏi, phán đoán sai lệch hay mạng trời xui khiến, thiên cơ đã định.

PHOTOS: How the DC area marked Memorial Day - WTOP News

Tôi cũng đã từng chứng kiến, đối diện trước cái chết thương đau của người lính VNCH trong thời kỳ chiến tranh. Tôi đã từng đến tổng y viện Cộng Hòa để thăm bạn tôi bị thương nằm ở đó. Đã từng ở suốt đêm với những chiếc hòm hàng hàng lớp lớp để chờ sáng mai hộ tống lên phi cơ đưa thi thể người tử sĩ trở về nguyên quán. Tôi đã ngồi lên chiếc máy bay trực thăng cùng ba chiếc hòm bọc kín bằng kẽm. Máy bay lên cao áp suất không khí thay đổi ba chiếc hòm phồng to đáng sợ.

 

Tôi đã đứng đó như tượng đá trong một trại tạm cư, nước mắt lăn dài nhìn thảm trạng một gia đình mất đi người thân. Anh là người sĩ quan còn trẻ mới ra trường, người yêu đã dạm ngõ chờ ngày cưới. Bây giờ cô dâu chưa cưới ra đón chú rể nằm trong chiếc quan tài phủ lá quốc kỳ VNCH. Trong di ảnh chú rể cười tươi thật đẹp trai. Ôm tấm ảnh cô gái Huế quỵ người khóc ngất. Tình yêu chân chính đến rất tự nhiên của loài người và cái chết cũng đến rất tự nhiên trong thời buổi chiến tranh khốc liệt

Người lính trở về nhà

Không mặc áo choàng hoa

Không gắn lon le lói

Hòm kẽm buồn đưa ma.

Má khóc ngất trước xe

Chị ôm lấy di ảnh

Quan tài phủ quốc kỳ

Mẹ ơi! Con đã chết.

Người con gái bất tỉnh

Người yêu đã không còn

Lời hứa anh đánh mất

Còn đâu hẹn sắt son.

Đất nước tôi vậy đó

Người chết cả Bắc Nam.

Chiến tranh giờ chấm dứt

Mà thương đau chưa tan.

Ngày mai ngày tưởng niệm

Lễ Chiến Sĩ Trận Vong

Tôi vẫn ngồi trên máy

Bài viết mãi không xong.

Bạn tôi, chồng tôi, anh tôi, em tôi và bây giờ con trai tôi cũng là những người lính. Bạn tôi rất nhiều người đã nằm xuống, còn lại đều đã già. Con đường trước mặt là cái dốc cao của vòng tròn sinh tử. Đứng ở cuối đường chúng tôi nhìn lại ngậm ngùi cho đất nước, cho chính mình. Tuổi trẻ chúng tôi không có gì là lãng mạn, chỉ toàn là đạn bom và chết chóc. 

Sau cuộc chiến một số trong bọn tôi đã nằm xuống để máu xương trộn lẫn đất quê hương. Bao nhiêu năm " Vì nước quên mình" tuổi trẻ  chúng tôi trở thành tội đồ dân tộc theo cái nhìn của phe thắng cuộc. Thế là thầy trò, bạn hữu bị lùa lên rừng lên núi làm kẻ tù đày. Tướng, tá, sĩ quan lon lá không còn, oai phong đã mất, hùng khí tiêu tan. Chỉ trơ bộ đồ tù che tấm thân tàn lòi xương sườn xương sống. Cái đói gặm nhấm thân thể từng giờ. Cái đầu bị nhồi nhét những câu sỉ nhục nặng nề nhất.

Người tù không bản án một số đã chết. Cái hòm đóng đơn sơ bị vùi nông ở ven rừng hay bên bờ suối, ven đồi. Một số tù được trở về với thân tàn ma dại. Thân thể suy nhược, đầu óc đầy những hình ảnh đọa đày nên tâm lý họ mất cân bằng.

Bây giờ một số lớn đã ra đi, số còn lại già yếu lắm rồi. Đi 6 chân, nhìn 4 mắt, tay run, răng rụng, đầu hói. Người lính già quên trước quên sau theo luật đào thải của đất trời. Thế hệ đầu tiên đến Mỹ lần lượt lùi vào cánh gà để những bước chân thế hệ thứ hai, thứ ba bước ra sân khấu cuộc đời. Lẽ dĩ nhiên tuồng tích cũng đổi mới, trang phục cũng phải theo thời và tiếng hát, lời ca không còn là nguyên thủy.

Chiến tranh VN đã chấm dứt 49 năm, bức tường đá đen vẫn hiện hữu dài lâu trong lịch sử Hoa Kỳ. Chúng ta là người VN hãy dành một phút tưởng niệm những người lính Mỹ đã bỏ thây nơi chiến trường VN. Người bắn họ, giết họ dù muốn dù không cũng là anh em với ta tuy rằng ta với họ không cùng chung giới tuyến.

 

Với những anh hùng chiến sĩ VNCH đã nằm xuống, tôi xin tri ân và đa tạ. Các anh dù vô danh hay tên tuổi được người người ngưỡng mộ vẫn là những anh hùng dân tộc, đem máu xương bảo vệ non sông. Người dân Việt ngàn đời ghi nhớ.

Nguyện xin các anh hùng, chiến sĩ trận vong được đời đời an nghỉ.

Các anh đã về nơi đất mẹ

Hồn đi theo tiếng gọi núi sông.

Hương tưởng nhớ, lệ tuôn dòng

Đầu cúi xuống tiễn anh lần cuối.

 

Đa tạ các anh người tử sĩ Việt Nam

Mộ bia buồn vắng vẻ khói nhang

Nghĩa trang xưa lặng lẽ điêu tàn

Cờ đã đổi khóc than cũng thế.

 

49 năm rồi dâu bể

Thôi thì hồn hãy bay đi

Hãy là như những cánh chim di

Tìm nơi trú ẩn yên bình thanh thản nhất

HAPPY MEMORIAL DAY

25/5/2024

Nguyễn Thị Thêm

 
 
 
 
PHOTOS: Memorial Day 2023 - WTOP News
Xem thêm...

Phan Xuân Sinh Không Còn “Đứng Dưới Trời Đổ Nát” - Vương Trùng Dương

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

Nhận được tin buồn Nhà văn, Nhà thơ Phan Xuân Sinh vừa từ giã cõi trần ngày 28/3/2024 tại Houston, TX. Gia Đình Góc Nhỏ Sân Trường xin Thành Kính Phân Ưu cùng chị Thiên Nga và tang quyến. Nguyện cầu cho Hương Linh anh Phan Xuân Sinh sớm phiêu diêu miền cực lạc.

Nhà văn, Nhà thơ Phan Xuân Sinh là 1 cựu sinh trường Trung Tiểu Học Sao Mai Đà Nẵng. Anh đã từng cộng tác với Diễn Đàn GNST. Để tưởng nhớ anh GNST xin được trích đăng 3 bài viết về anh của 3 tác giả Vương Trùng Dương, Yên Sơn và Trần Vấn Lệ.

BCH- GNST