Sức khỏe & sắc đẹp

Sức khỏe & sắc đẹp (98)

Tâm lý ảnh hưởng đến tuổi thọ

Tâm lý ảnh hưởng đến tuổi thọ

 BM

Theo truyền thống văn hóa người Việt, những ai qua đời dưới 60 tuổi thì gọi là hưởng dương, và những ai qua đời khi được 60 trở lên gọi là hưởng thọ. Trong cái thọ ấy lại chia ra thất thập cổ lai hy, thượng thọ bát tuần, và đại thọ cửu tuần và 100 tuổi.

 

Nhưng sống lâu có phải là sống thọ không? Có những người ra vào bệnh viện như đi chợ. Cũng có những người mang các chứng bệnh như đau tim, cao máu, cao mỡ, tiểu đường kéo dài hàng chục năm. Người khác lại sống trong tuổi già đau khổ vì con cháu, hoặc  nằm liệt trên giường, lúc tỉnh, lúc mơ sống không bằng chết. Trong những trường hợp như vậy, sống lâu chưa chắc đã là sống thọ! Sự khác biệt không căn cứ theo thời gian, nhưng còn tùy vào ý nghĩa và giá trị của cuộc sống.

 

SỐNG LÂU VÀ SỐNG THỌ

 

BM

Hưởng dương, thượng thọ, hay đại thọ chỉ là cái nhìn về năm tháng, ngày giờ mà một người đã đi qua trong cuộc đời.

 

Nhưng sống lâu thì sao? Có nhiều người phải trải dài 5 năm, 7 năm, hay 10 năm trên giường bệnh, hoặc những tháng ngày sống thực vật. Để kéo dài hơi thở, tất cả đều lệ thuộc vào thuốc, sự săn sóc của y khoa và của người thân.

 

BM

Tính đến năm 2022, trên thế giới ước tính có 32 triệu người mang hội chứng về trí nhớ (Alzheimer’s disease dementia), 69 triệu phát hiện sớm bệnh mất trí nhớ (Alzheimer’s disease), và 315 triệu với những triệu chứng bệnh tiền mất trí nhớ. [1] Nếu quan niệm sống thọ với những thành quả đạt được về tuổi tác, sức khỏe, bình an, hạnh phúc, vui vẻ bên con cháu, giúp người và giúp đời, thì ngược lại, những năm tháng trên giường bệnh, đau đớn thể xác, nặng nề tâm hồn, tạo gánh nặng cho con cháu và để lại những mất mát cho đời không hẳn là sống thọ.

 

SỐNG THỌ LÀ SỐNG CÓ Ý NGHĨA

 

BM

Năm tháng sống của một người tùy thuộc vào nhiều yếu tố, quan trọng nhất là do trời ban cho, tiếp đến là do con người có biết trân quý nó, và có biết cách để sống hay không. Nhất là cuộc sống ấy có mang lại ý nghĩa cho mình và cho đời hay không?

 

Mỗi lần đi qua các ngã ba, ngã tư đường, hoặc băng qua những gầm cầu, góc tối của công viên, thường thấy xuất hiện những con người rất đáng thương. Họ sống lang thang, vất vưởng, dơ dáy và không tương lai. Nhiều người trong họ còn rất trẻ, khỏe mạnh, và trông bề ngoài có vẻ thông minh nữa. Điều gì đã khiến họ ra nông nỗi này. Thất nghiệp, thất tình, gia đình tan vỡ? Hay rơi vào cờ bạc, rượu chè, nghiện ngập, và trác táng bê tha? Dù gì đi nữa, sự lựa chọn của họ để dẫn đến tình trạng hiện tại cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu không có quyết định làm lại cuộc đời, thì tuổi đời càng tăng, ý nghĩa tuổi thọ của họ càng giảm.

 

TÂM LÝ VÀ TUỔI THỌ

 

BM

Theo kết quả khảo cứu cho biết 20% sức khỏe của chúng ta có liên quan đến sự săn sóc y tế; phần còn lại 80% lệ thuộc vào kinh tế xã hội, môi trường, và thái độ sống được xem như không liên quan gì đến thuốc men và y tế. [2]

 

Thái độ sống ấy, khoa học gia Elizabeth H. Blackburn, khôi nguyên giải Nobel về Sinh Học giải thích đó là sống lâu, sống thọ không phải do ăn uống hay vận động, mà là do cân bằng về tâm lý. Bà phân tích những yếu tố dẫn đến tuổi thọ gồm ăn uống chỉ chiếm 25%, vận động, tập luyện hay thuốc men chiếm 25%, còn lại 50% tùy thuộc vào sự cân bằng về tâm lý.

 

Tại sao 50% tâm lý ổn định hoặc bất ổn ảnh hưởng tới tuổi thọ của một người?

 

BM

Tương quan tâm sinh lý là điều chắc chắn và hiển nhiên. Chúng có những tác động qua lại lẫn nhau rất kỳ diệu và phức tạp. Đa số các trường hợp, yếu tố “nhân quả” thường thấy trong chiều hướng từ “tâm” qua “sinh”, như khi con người thấy sảng khoái thì lượng endorphins trong người tăng cao, nhưng không phải vì endorphins cao mà ta thấy sảng khoái. Nếu cả ngày bất an, hay cáu gắt, lo lắng, sẽ khiến áp lực kích thích tố luôn ở mức cao, hệ thống miễn dịch sẽ bị ngăn chặn và tiêu diệt, hệ thống máu huyết hoạt động quá nhiều dẫn đến mệt mỏi. Hậu quả của nó dễ làm cho người ta bị căng thẳng là nguyên nhân của tình trạng mập phì, tim mạch, lú lẫn (Alzheimer’s disease), tiểu đường, trầm cảm và những chứng bệnh về tiêu hóa, ảnh hưởng đến tuổi thọ.

 

Khi vui, não bộ tiết ra kích thích tố hưng phấn. Thế thì, trong cuộc sống, chúng ta nên làm cách để có được kích thích tố hưng phấn.

 

BỒI BỔ SỨC KHỎE TÂM LÝ

 

BM

Năm 2019 theo Cơ Quan Y Tế Thế Giới (the World Health Organization), trung bình 1 trong 8 người hay 970 triệu người trên thế giới thường sống với một hội chứng tâm thần, lo âu, bồn chồn, lo lắng và trầm cảm.

 

Cảm giác đạt mục tiêu càng mạnh càng giúp cơ thể khỏe khoắn. Bởi vì trong cuộc sống, đam mê quyết định tâm thái con người, quyết định trạng thái sống. Trạng thái thoải mái phát triển sẽ thúc đẩy hoạt động của não, đẩy lùi tuổi già.

 

Người trung lão niên sau khi nghỉ hưu có thể dành giờ đọc sách, viết lách, nghiên cứu, hoặc học thêm một thú tiêu khiển như khiêu vũ, hội họa, âm nhạc, đi dạo để giúp não bộ luôn trong trạng thái hoạt động. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trong bài nghiên cứu về tuổi già cho rằng tinh thần là thể năng của con người, nhưng trong cuộc sống bộn bề lo toan, áp lực tinh thần tự nhiên sẽ gia tăng, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Chỉ cần chúng ta giữ tinh thần thoải mái, thì sẽ không dễ mắc các chứng bệnh thông thường, ít mang trọng bệnh. Ngoài ra:

 

Vui vì giúp đỡ người khác

 

BM

Giúp đỡ người khác về vật chất có thể giảm tỷ lệ tử vong xuống 42%. Giúp ổn định tinh thần, có thể giảm tỷ lệ tử vong dưới 30%. Tốt với người khác và làm việc thiện sẽ tạo cảm giác vui tươi và tự tin, giảm kích thích tố áp lực, thúc đẩy kích thích tố hưng phấn. Theo các chuyên gia tâm lý và tâm thần, duy trì thói quen giúp đỡ người khác là phương pháp phòng và điều trị trầm cảm. Hãy nhớ luôn giữ nụ cười, cho đi niềm vui: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ.”

 

Gia đình hòa thuận

 

BM

Đứng số 1 là “quan hệ người với người”. Đây là kết quả sau 20 năm nghiên cứu của hai nhà tâm lý học người Mỹ. Theo đó, quan hệ tình người là một trong số các nhân tố quyết định tuổi thọ. Liên hệ người với người không chỉ bao gồm bạn bè, mà còn bao gồm quan hệ gia đình. Kết luận: Gia đình hòa thuận, bạn bè tốt là một trong những yếu tố quyết định tuổi thọ con người.

 

Ăn uống điều độ

 

BM

Người già thường nghe nói về chế độ dinh dưỡng. Phải ăn gì, uống gì, ăn thứ này, kiêng thứ khác theo sách vở, người này, người kia mách bảo, hoặc do bác sĩ hướng dẫn. Nói chung, chuyện ăn uống nên nghe theo mệnh lệnh của… bao tử.

 

“Listen to your body”. Hãy lắng nghe sự mách bảo của cơ thể mình! Cơ thể nói… thèm ăn cái gì thì nó đang cần cái đó, thiếu cái đó! Nhưng ăn uống có chừng mực lại là điều cần phải lưu ý đối với sức khỏe.

 

Tâm tĩnh thân an

 

BM

Sau cùng và cũng là điều quan trọng nhất để tăng tuổi thọ là dưỡng tâm, giữ cho tinh thần thoải mái, an nhiên. Rất nhiều bệnh nhân với những chứng như tiêu hóa, khó ngủ, hoặc viêm kinh niên, tất cả đều phát xuất từ sự bất an của tâm hồn. Theo Lm. Bình Phạm, Học Viện Phanxicô Thủ Đức, phải chăng đó cũng là phản ảnh chữ Hòa mà triết học Á Đông vẫn cổ võ: Thiên – Địa – Nhân? Khi đánh mất chữ Hòa thì nụ cười của tâm an, tường trí, và thiện hành cũng chẳng còn chỗ! Tóm lại, tâm phải tĩnh thì thân mới an, và khi tâm tĩnh thân an thì mới khỏe mạnh, sống vui.

 

Cũng theo khoa học gia Elizabeth H. Blackburn, giữ cho tâm tĩnh đây còn là một hình thức cầu nguyện, suy niệm hay thiền (meditation). Hãy dành nửa tiếng hoặc một giờ mỗi ngày cho riêng mình trong thinh lặng và chỉ riêng cho mình. Nhắm mắt lại, để lòng hướng về cõi bình an, hòa mình vào thiên nhiên, vào vũ trụ bao la, gạt bỏ tạp niệm, vui, buồn, hờn giận, tham sân si. Hít sâu thở dài. Những giây phút thư giãn tâm linh này chính là liều thuốc an thần vô giá kéo dài tuổi thọ. [3]

 

 

Trần Mỹ Duyệt

 

Hồng Anh sưu tầm

Xem thêm...

Giao tiếp bằng mắt làm sâu sắc thêm tình thân

Giao tiếp bằng mắt làm sâu sắc thêm tình thân

 Hãy tưởng tượng một người mẹ đang chăm sóc đứa con mới sinh của mình. Mặc dù thị lực của em bé còn chưa phát triển, nhưng các nhà khoa học tin rằng trẻ sơ sinh đã có mạng lưới thần kinh chuyên để nhận biết đôi mắt của mẹ cách xa 8 đến 12 inch. Thú vị thay, đây cũng chính là khoảng cách từ mắt của người mẹ đến ngực. Thiết kế đáng chú ý này cho phép người mẹ kết nối theo bản năng với đứa con mới sinh của mình thông qua cái nhìn hướng về nhau của họ.

Tiến sĩ Martha Welch giám đốc sáng lập chương trình khoa học nuôi dưỡng tại Đại học Columbia đã viết, “Giao tiếp bằng mắt rất quan trọng đối với sức khỏe.” “Chúng ta được lập trình để làm điều đó từ khi sinh ra.”

Giống như nhiều bác sĩ tâm thần nhi khoa khác, Tiến sĩ Welch tin rằng “ngôn ngữ giao tiếp bằng mắt thân mật” giữa người mẹ và trẻ sơ sinh là giai đoạn giao tiếp nền tảng cần được khuyến khích. Nó giúp chúng ta xây dựng những mối quan hệ bền chặt trong suốt cuộc đời.

Điều quan trọng đối với sức khỏe của bạn

Nhưng các loại màn hình điện tử đang làm gián đoạn mối liên kết thị giác này. Một nghiên cứu cho thấy khoảng 30% các bà mẹ cho con bú bình bị phân tâm bởi một dạng công nghệ nào đó. Trong một nghiên cứu khác, khoảng 10% các bà mẹ cho con bú cho biết họ sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng.

Với ít cơ hội thực hành giao tiếp bằng mắt hơn, ngày càng có nhiều trẻ em ở Hoa Kỳ lớn lên với sự ngượng ngùng trong giao tiếp bằng mắt. Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, gần 10% thanh niên từ 13 đến 18 tuổi gặp phải những lo lắng xã hội. Đối với những đứa trẻ này, giao tiếp bằng mắt là sự căng thẳng và không thoải mái đến mức các nhà nghiên cứu có thể quan sát được những thay đổi đáng kể trong hoạt động của bộ não.

Nhưng điều gì làm cho giao tiếp bằng mắt có sức mạnh như vậy? Làm thế nào một người có thể vượt qua sự ngại ngùng khi giao tiếp bằng mắt ở bất kỳ độ tuổi nào và tận dụng những lợi ích của giao tiếp bằng mắt? Chúng ta hãy xem xét câu hỏi này và thiết lập duy trì giao tiếp bằng mắt trong các mối quan hệ và tương tác của chúng ta.

Trò chơi ú òa: Tại sao giao tiếp bằng mắt lại quan trọng

Bắt đầu từ khi còn ẵm ngửa, việc nhìn nhau bằng mắt là nguồn vui của những bậc cha mẹ giàu tình cảm và là một trong những giai đoạn quan trọng mà các bé có được.

Đáng chú ý là trẻ sơ sinh có thể quan tâm đến khuôn mặt của mẹ trong vòng vài giờ sau nhịp thở đầu tiên. Trẻ sơ sinh từ 2 đến 5 ngày tuổi thích nhìn lẫn nhau hơn là nhìn ra chỗ khác.

Theo tiến sĩ Uwellch, “Khi một người mẹ rời khỏi điện thoại và tiếp tục giao tiếp bằng mắt, em bé sẽ cố gắng giao tiếp nhiều hơn.”

Đáng chú ý, mắt chúng ta có các thụ thể đối với oxytocin và phenylethylamine, cả hai đều được coi là chất xúc tác của tình yêu liên quan đến sự gắn kết.

Mối quan hệ gia đình cũng trở nên sâu sắc hơn trong thời gian chơi trò ú oà: Với bàn tay bịt mắt lại, rồi đưa tay ra khỏi mắt, các bà mẹ trên toàn thế giới chia sẻ niềm vui của trò chơi văn hóa toàn cầu này. Thoạt đầu, trò chơi sẽ gặp phải vẻ mặt bàng hoàng của đứa trẻ. Đối với một đứa trẻ non nớt, việc không nhìn thấy mặt người mẹ đồng nghĩa với việc bà đã biến mất.

Tuy nhiên, vào khoảng 6 đến 8 tháng, các em bé nhận ra rằng mẹ chỉ trốn đi một chút, và trò chơi ú òa này trở nên thú vị. Khoảng 9 đến 11 tháng tuổi, trẻ phát triển khả năng dõi theo ánh mắt của người khác và bắt đầu nhìn về hướng mà người khác đang quan sát.

Những tiến bộ trong việc nhìn bằng mắt này cũng cho thấy sự phát triển của bộ não và khả năng giao tiếp đang đi đúng hướng. Các chuyên gia nhi khoa thường xuyên kiểm tra sự phát triển trong giao tiếp bằng mắt. Nếu tiêu chuẩn không đạt, thì nhiều nguyên nhân sẽ được xem xét, bao gồm khoảng cách với cha mẹ, thiếu giao tiếp bằng mắt hoặc tiếp xúc quá mức với truyền thông kỹ thuật số.

Mặc dù tất cả những điều này xảy ra từ rất sớm, nhưng ánh mắt vẫn là phần thiết yếu của các mối quan hệ trong suốt cuộc sống.

Khi mắt nhìn vào mắt: Bộ não phản ứng như thế nào?

Khi nói đến ngôn ngữ cơ thể, giao tiếp bằng mắt thường là điều đầu tiên chúng ta chú ý khi gặp gỡ người khác.

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng khi người ta nhìn vào mắt một người bạn ngoài đời thực, hoạt động thần kinh của bộ não tăng cao. Các hiện tượng thần kinh tương tự đã bị thiếu vắng khi nhìn vào một bức ảnh kỹ thuật số trên màn hình. Các nhà khoa học tin rằng điều này một phần bắt nguồn từ mạng lưới thần kinh trong não chuyên xử lý các tín hiệu không lời của mắt và các thông điệp mà mắt truyền tải.

Giao tiếp bằng mắt cũng là ưu tiên hàng đầu khiến não tin tưởng và giúp chúng ta cảm thấy đồng cảm khi nói chuyện với ai đó.

Điều này đã được chứng minh trong một nghiên cứu hình ảnh thần kinh (neuroimaging study) năm 2019, trong đó một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản quan sát những gì xảy ra trong bộ não trong thời gian thực khi hai người lớn nhìn nhau. Được xuất bản trên eNeuro, nghiên cứu cho thấy rằng giao tiếp bằng mắt chuẩn bị cho sự đồng cảm bằng cách kích hoạt đồng thời các khu vực giống nhau trong não của mỗi người.

Cụ thể, tiếp xúc bằng mắt được chứng minh là kích hoạt hệ thống limbic (*) một tập hợp các vùng não được kích hoạt cả khi mắt hoặc bất kỳ bộ phận nào của cơ thể di chuyển vào lúc chúng ta quan sát người khác và khi họ cũng được kích hoạt vùng vỏ não tương tự.

Nói cách khác, trong một cuộc trò chuyện, giao tiếp bằng mắt kích thích cùng một khu vực trong bộ não ở cả hai người, điều này có nghĩa là các cá nhân phải hòa hợp với nhau. Sự “đồng bộ hoá hệ thống limbic” này cho thấy sự đồng cảm có thể được sinh ra từ ánh nhìn với một người hoặc nhiều người.

Nó cũng cho ta cái nhìn sâu sắc về vai trò của giao tiếp bằng mắt trong việc hiểu được tông màu cảm xúc, đưa ra kết luận, và đôi mắt được cho là cửa sổ tâm hồn chúng ta thông qua đôi mắt ta có thể hiểu sâu sắc về người khác và ngược lại, cảm thấy được thấu hiểu.

Nhận ra bạn hoặc oan gia

Để thuyết phục giả thuyết giao tiếp bằng mắt, các nhà nghiên cứu từ Đại học Northeast ở Boston đã giải thích rằng giao tiếp bằng mắt tạo nên ấn tượng của chúng ta về người khác. Theo nghiên cứu của họ, chúng ta nhận thấy những người giao tiếp bằng mắt nhiều hơn sẽ thông minh hơn, chân thành hơn và tận tâm hơn.

Tuy nhiên, việc nhìn vào mắt nhau quá lâu hơn tám giây có thể khiến người ta cảm thấy khó chịu, theo một nghiên cứu được công bố trên Royal Society Open Science (Tập san mở về Khoa học Xã hội Royal). Chẳng hạn, cha mẹ, anh chị em, hoặc thậm chí là người lạ cũng có thể dùng ánh mắt mạnh mẽ để báo hiệu rằng họ không hài lòng hoặc thậm chí tức giận.

Khả năng phân biệt ý nghĩa trong một tình huống căng thẳng như vậy phân biệt giữa bạn và kẻ thù phụ thuộc vào cách các tế bào thần kinh não được kích hoạt trong hạch hạnh nhân và vỏ não trước trán.

Hạch hạnh nhân là phần cảm xúc cốt lõi của bộ não, phản ứng theo bản năng với các mối đe dọa, trong khi vỏ não trước trán là phần cuối cùng của não phát triển hoàn toàn. Nó kiểm soát các chức năng điều hành, chẳng hạn như ra quyết định và kiểm soát xung lực.

Tóm lại, việc hiểu được ý định của ai đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như tín hiệu ngôn ngữ cơ thể, văn hóa và hoàn cảnh. Tuy nhiên, giao tiếp bằng mắt vẫn làm tăng khả năng kết nối tình cảm với người khác.

Dù vậy, giao tiếp bằng mắt không phải là điều dễ chịu với tất cả mọi người.

Đặt màn hình điện tử xuống để khôi phục kết nối con người

Chúng ta sống trong một thế giới nơi cha mẹ có thể ăn mừng sự phát triển với trái tim kỹ thuật số (digital hearts), và những đứa trẻ có thể trấn an lẫn nhau bằng những biểu tượng cảm xúc (thumbs-up emojis). Giao tiếp kỹ thuật số là cách người ta sống và làm việc, và đó là cách tuyệt vời để theo kịp những cập nhật mới nhất trong cuộc sống.

Theo nghiên cứu của Công ty Nielsen, trung bình một người Mỹ dành 11 tiếng mỗi ngày để nghe, xem, đọc, hoặc tương tác với truyền thông.

Tiến sĩ tâm lý xã hội học Sherry Turkle và là giám đốc sáng lập của Viện Công nghệ Massachusetts lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cho biết trong cuộc phỏng vấn do Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ tổ chức, “Con cái chúng ta ít sẵn sàng ngồi vào bàn ăn tối và nói chuyện với chúng ta.”

Bà nói thêm, “Có vẻ như chúng ta đã từ chối nhìn thấy bằng chứng trước mắt chúng ta và trong lòng chúng ta rằng công nghệ đã làm xói mòn sự đồng cảm như thế nào.”

Như liều thuốc có thể trị bách bệnh cho dịch bệnh mất kết nối này, Tiến sĩ Welch đưa ra một giải pháp đơn giản.

“Nếu chúng ta gặp khó khăn khi giao tiếp bằng mắt, đó là dấu hiệu cho thấy chúng ta cần phải kết nối.”

Giao tiếp bằng mắt đòi hỏi phải thực hành

Giống như việc rất khó để điều chỉnh lại bộ não của chúng ta từ những thói quen cũ, giao tiếp bằng mắt có thể khiến chúng ta cảm thấy không tự nhiên hoặc khiến một người lo lắng nếu không luyện tập. Đôi khi một ánh nhìn an ủi cũng có thể vô tình gây căng thẳng cho những người này, bà Rachel Duval huấn luyện viên kỹ năng diễn thuyết và truyền thông công chúng.

Bà Duval sinh sống và làm việc tại thành phố New York. Các khách hàng của bà là giám đốc điều hành từ Netflix và Google. Bà cho biết một số người có xu hướng quá nhạy cảm với việc giao tiếp bằng mắt.

Bà trích dẫn nghiên cứu cho thấy bộ não của những người tự kỷ trải qua nhiều hoạt động hơn trong hạch hạnh nhân từ những biểu hiện trên khuôn mặt của mọi người. Điều này có nghĩa là họ có thể tránh giao tiếp bằng mắt vì nó có thể gây ra kích thích quá mức.

Các lý do khác khiến một số người tránh nhìn vào mắt có thể vì họ cảm thấy bị xem xét kỹ lưỡng hoặc bị căng thẳng khi họ là trung tâm của sự chú ý. Tuy nhiên, giao tiếp bằng mắt là một kỹ năng sẽ trở nên tốt hơn khi thực hành đối với hầu hết mọi người.

Nếu bạn ngại ánh mắt, hãy bắt đầu luyện tập với một người bạn thân thiết, như một thành viên trong gia đình hoặc một người bạn. Sau đó, hãy cố gắng nắm bắt các tình huống có tính chất rủi ro cao hơn, chẳng hạn như những khoảnh khắc giao tiếp bằng mắt khi nói chuyện với đồng nghiệp. Tương tự, cha mẹ có thể khuyến khích những thói quen này ở nhà, giống như dạy trẻ sử dụng những từ lịch sự như “xin vui lòng” và “cảm ơn”.

5 lời khuyên của chuyên gia để thực hành giao tiếp bằng mắt ở mọi lứa tuổi

Dưới đây là một số mẹo dễ dàng để thực hành giao tiếp bằng mắt:

* Thiết lập giao tiếp bằng mắt ngay từ đầu cuộc trò chuyện: Trước khi nói chuyện với ai đó, hãy giao tiếp bằng mắt đủ lâu để nhận biết màu mắt của người kia.

* Duy trì giao tiếp bằng mắt trong ba đến năm giây: Sau khi bạn đã thiết lập giao tiếp bằng mắt, hãy giữ nó trong khoảng ba đến năm giây mỗi lần. Khi ngừng giao tiếp bằng mắt, hãy liếc sang một bên trước khi thiết lập lại.

* Nhìn đi chỗ khác khi cần: Khi nói chuyện với ai đó, việc thường xuyên rời mắt khỏi người khác là điều tự nhiên, đặc biệt là khi bạn tập trung suy nghĩ hoặc chạm vào cảm xúc của mình.

* Nhìn đi chỗ khác một cách chậm rãi: Khi bạn nhìn đi chỗ khác, hãy thực hiện thật chậm rãi. Nhanh chóng đưa mắt đi chỗ khác có thể khiến bạn trông có vẻ lo lắng. Hơn nữa, việc nhìn xuống cho thấy bạn kém tự tin.

* Lắng nghe bằng mắt: Khi lắng nghe ai đó nói chuyện với bạn, điều quan trọng là phải giao tiếp bằng mắt với họ. Gật đầu hoặc sử dụng các cách diễn đạt khác để cho họ biết bạn quan tâm đến cuộc trò chuyện.

Hãy nhớ rằng, “Nếu bạn ngại giao tiếp bằng mắt thì bạn cũng ngại mỉm cười,” bà Duval nói thêm. “Tôi thường bảo mọi người rằng hãy thử mỉm cười vì nụ cười sẽ khiến người khác cảm thấy thoải mái và cũng khiến bạn cảm thấy thoải mái.”

 

Chú thích của dịch giả

(*) Hệ thống limbic là một nhóm các cấu trúc liên kết nằm sâu trong bộ não, có nhiệm vụ kiểm soát cảm xúc và hành vi của con người. Các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất về danh sách đầy đủ các cơ quan trong hệ thống limbic.

 

Cara Michelle Miller  _  Công Thành

Nam Mai sưu tầm

Xem thêm...

Yêu Thương Làm Não Bộ Khỏe Mạnh Và Sống Thọ

Yêu Thương Làm Não Bộ Khỏe Mạnh Và Sống Thọ

Khoa học gia Marian Cleeves Diamond tại giảng đường Đại Học UC Berkeley, California, Hoa kỳ.

Marian Cleeves Diamond (1926-2017) là nữ khoa học gia người Mỹ chuyên về não. Bà và nhóm làm việc của bà lần đầu tiên đã công bố bằng chứng cho thấy não có thể thay đổi theo kinh nghiệm và cải thiện theo sự bồi bổ, điều mà ngày nay gọi là khả năng thay đổi của hệ thần kinh để đáp ứng với kích thích bên trong và bên ngoài (neuroplasticity), theo một bài viết đăng trên trang nhà Đại Học UC Berkeley.(1)

“Nghiên cứu của bà cho thấy tác động của việc bồi bổ lên sự phát triển của não – một sự hiểu biết đơn giản nhưng có sức mạnh mà đã thay đổi thế giới, từ cách chúng ta nghĩ về chính mình tới cách chúng ta nuôi dạy con cái của chúng ta,” theo giáo sư về sinh học của Đại Học UC Berkeley George Brooks, cũng là một đồng viện của bà Diamond. “Tiến Sĩ Diamond cho thấy về mặt cơ thể học, lần đầu tiên, những gì chúng ta hiện nay gọi là khả năng thay đổi để đáp ứng với kích thích bên trong và bên ngoài của não bộ. Khi làm như thế bà đã phá bỏ khuôn mẫu cũ của sự hiểu biết về não như là một thực thể tĩnh và không thể thay đổi mà chỉ thoái hóa khi chúng ta lớn tuổi.” (2)

Trong những phần tiếp theo của bài này sẽ tìm hiểu sơ lược cuộc đời của nữ khoa học gia người Mỹ này cùng với phương thức nghiên cứu, các kết quả ấn tượng, và những ảnh hưởng sâu rộng của chúng không chỉ trong khoa học não mà còn lan ra nhiều lãnh vực khác trong đời sống của nhân loại.

Sơ lược cuộc đời của Marian Cleeves Diamond

Marian Cleeves Diamond sinh vào ngày 11 tháng 11 năm 1926 tại Thành phố Glendale, California, Hoa Kỳ, là người con út trong 6 người con của Tiến sĩ Motague Cleeves, di dân từ miền bắc nước Anh, và Rosa Marian Wamphler, sinh viên Đại Học UC Berkeley là người đã bỏ việc theo học Tiến sĩ để nuôi các đứa con của bà tại Thành phố La Crescenta. (3) Giống như những anh chị em của mình, Marian vào học trường ngữ pháp La Crescenta, trường Trung Học Đệ Nhất Cấp Clark Junior High và trường Trung Học Đệ Nhị Cấp Glendale High School. Bà ghi danh học trường Cao Đẳng Cộng Đồng Glendale trước khi chuyển lên Đại Học UC Berkeley vào năm 1946, nơi bà chơi và học quần vợt. Sau khi tốt nghiệp cử nhân vào năm 1948, bà tiếp tục nghiên cứu tại UC Berkeley và trở thành nữ sinh viên đầu tiên học trong Khoa Cơ Thể Học. Luận án tiến sĩ của bà có chủ đề “Functional Interrelationships of the Hypothalamus and the Neurohypophysis” [Mối Tương Quan Chức Năng Của Khu Vực Não Kiểm Soát Nhiệt Độ, Đói, Khát Của Cơ Thể và Phần Nằm Ở Đáy Não và Là Thùy Sau Của Tuyến Nhầy], được xuất bản vào năm 1953. Trong lúc làm luận án Tiến sĩ, bà cũng bắt đầu dạy học, phát triển sự đam mê cả đời.

Sau khi làm phụ tá nghiên cứu tại Đại Học Harvard từ năm 1952 tới 1953, Diamond được bổ nhiệm làm nữ giảng viên khoa học đầu tiên tại Đại Học Cornell từ năm 1955 tới 1958, nơi bà dạy về sinh học con người và cơ thể học so sánh. Bà thường qua miền Tây để dạy cơ thể học cho các sinh viên y khoa tại Đại Học UC San Francisco.

Bà trở lại UC Berkeley vào năm 1960 để làm giảng viên và tiếp tục nghiên cứu về cấu trúc của não. Vào năm 1964, Diamond đã có bằng chứng thực sự đầu tiên – những phương thức giải phẫu thực sự — cho thấy tính dễ thay đổi qua sự giải phẫu vỏ não động vật có vú.

Năng khiếu làm giáo sư và những phát hiện nghiên cứu mang tính cách mạng của bà khiến bà được bổ nhiệm làm phụ tá giáo sư về cơ thể học vào năm 1965 và sau đó là giáo sư thực thụ. Bà lần lượt làm phụ tá và phó khoa trưởng Cao Đẳng Văn Học và Khoa Học và giám đốc Lawrence Hall of Science từ 1990 tới 1996, nơi bà có thể dùng các phát minh của mình vào các môi trường phong phú để phát triển các chương trình giáo dục trong khoa học và toán học cho học sinh từ mẫu giáo tới trung học.

Trong bài báo năm 1964, Diamond lần đầu cho thấy rằng cấu trúc của vỏ não của các động vật trẻ có thể thay đổi để đáp ứng với tác động của môi trường. Trong bài báo năm 1983, lần đầu tiên bà cho thấy hiện tượng lưỡng hình giới tính, có nghĩa là những khác biệt giữa các động vật đực và cái trong cấu trúc của vỏ não của những động vật trẻ và già. Trong bài báo năm 1985, lần đầu tiên bà cho thấy cấu trúc của vỏ não của các động vật già hơn có thể thay đổi để đáp ứng với tác động của môi trường và ảnh hưởng tới khả năng học tập.

“Trong công trình then chốt của bà về sự bồi bổ môi trường và tính có thể thay đổi của thần kinh đã tạo ra lãnh vực hoàn toàn mới trong khoa học thần kinh hiện đại,” theo giáo sư tâm lý học và là nhà khoa học thần kinh Robert Knight của Đại Học UC Berkeley. (4)

Vào năm 1984, Diamond nhận được 4 khối não được lưu trữ của nhà bác học Albert Einstein. Nghiên cứu bộ não của Einstein đã giúp bà nổi tiếng trên truyền thông báo chí. Bằng cách so sánh các kết quả với những phân tích trước đó về bộ não kiểm soát, phòng thí nghiệm của Diamond nhận thức rằng vỏ não phía trước có nhiều tế bào không phải tế bào thần kinh, hay các tế bào thần kinh đệm, trên mỗi tế bào thần kinh hơn vỏ não trên đỉnh đầu. Sau nhiều năm nghiên cứu, Diamond và nhóm của bà đã khám phá rằng sự khác biệt lớn lao trong tất cả 4 khu vực là trong các tế bào thần kinh đệm: Einstein có nhiều tế bào thần kinh đệm trên mỗi tế bào thần kinh trong khu vực đỉnh dưới hơn não đàn ông trung bình của nhóm người được kiểm soát. Công trình quan trọng này làm nổi bật nhóm nhiều tế bào chưa được nghiên cứu và mở đường tới khu vực nghiên cứu khoa học thần kinh mới – sinh học thần kinh đệm.

Trong sự nghiệp kéo dài nửa thế kỷ tại UC Berkeley, Diamond đã tạo cảm hứng cho hàng ngàn sinh viên thuộc nhiều thế hệ.

Diamond là thành viên của Hội Người Mỹ Vì Sự Tiến Bộ Khoa Học, được vinh danh là Giáo Sư Xuất Sắc Trong Năm tại California, được trao Huy Chương Vàng Quốc Gia từ Hội Đồng Vì Tiến Bộ và Hỗ Trợ Giáo Dục, là Cựu Sinh Viên UC Berkeley Xuất Sắc Trong Năm, được trao Giải Thưởng Clark Kerr Award năm 2012 vì Lãnh Đạo Xuất Sắc trong Đại Học, Giải Thưởng Dạy Xuất Sắc năm 1975 từ Đại Học UC Berkeley.

Bà cũng là tác giả của cuốn sách “Enriching Heredity: The Impact of the Environment on the Anatomy of the Brain” [Làm Giàu Di Truyền: Tác Động Của Môi Trường Lên Cấu Trúc Của Não] được xuất bản năm 1988, và là đồng tác giả của cuốn sách “The Human Brain Coloring Book” được xuất bản năm 1985.

Diamond kết hôn với Richard Martin Diamond vào năm 1950 và họ có với nhau 4 người con: Catherine Theresa (1953), Richard Cleeves (1955), Jeff Barja (1958), and Ann (1962). Diamond và chồng đã ly dị vào năm 1979. Cuối năm 1982, bà kết hôn với Arnold Bernard Scheibel, một giáo sư khoa học thần kinh tại Đại Học UCLA.

Diamond qua đời ngày 25 tháng 7 năm 2017 tại tư gia ở Thành phố Oakland, California, hưởng thọ 90 tuổi.