Văn học nghệ thuật

Văn học nghệ thuật (1313)

Find out the latest local and worldwide news.

Children categories

Thơ

Thơ (27)

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Sed id auctor orci. Morbi gravida, nisl eu bibendum viverra, nunc lectus.

Xem bài viết...
Âm nhạc

Âm nhạc (125)

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Sed id auctor orci. Morbi gravida, nisl eu bibendum viverra, nunc lectus.

Xem bài viết...
Truyện

Truyện (262)

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Sed id auctor orci. Morbi gravida, nisl eu bibendum viverra, nunc lectus.

Xem bài viết...

Lễ Cựu Chiến Binh và Lễ Tạ Ơn - Minh Thúy Thành Nội

Lễ Cựu Chiến Binh và Lễ Tạ Ơn

Minh Thúy Thành Nội

Tác giả Minh Thúy Thành Nội nhận giải Vinh danh Tác Giả VVNM
2023

 
Tác giả bắt đầu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”.  Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thúy, sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali. Tác giả nhận giải Vinh danh Tác giả 2023. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả ghi lại nhiều sự việc và ý nghĩ tốt đẹp về ngày lễ Cựu Chiến Binh vừa mới qua và ngày lễ Tạ Ơn sắp tới.
 
***
 
Tôi thức dậy từ 6 giờ sáng lo những việc cá nhân lẹ làng, sau đó thay bộ áo dài cờ vàng lái xe lên San Jose, đến điểm tập họp trước “parking” của Walmart nằm trên đường Story.
 
Vì câu nói của em trai Minh Huy trưởng đoàn Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hòa, khi Hoa Nguyễn mời, tôi đã ngại ngùng nói ”Chị già rồi không phù hợp với tuổi trẻ, đường xá xa xôi, vấn đề lái xe trở ngại, chỉ có thể đi tham dự hạn chế”. Minh Huy thưa ”Chị ơi! chúng em rất cần ba thế hệ một tấm lòng ...”. câu nói lễ phép với cả chân tình của tuổi trẻ đầy tha thiết đã động vào trái tim mình, nên tôi quên mất tuổi già không đủ sức khỏe tốt, vượt đường xa mưa gió góp mặt cùng nhóm hậu duệ đi diễn hành Lễ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ.
 
Đến nơi tôi thấy các anh chị của hội AVVA (Hội Ái Hữu Cựu Chiến Sĩ Hoa Kỳ Tham Chiến Tại Việt Nam Chapter 20) tập trung thật đông. Cũng cần nói thêm nhân duyên đưa tôi đến với sinh hoạt của nhóm “Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hoà” là từ em Nguyễn Hoa, người năng nỗ sinh hoạt bất cứ việc gì trong Cộng Đồng. Nguyễn Hoa có sinh hoạt chính là “Hội Ái Hữu Cựu Chiến Sĩ Hoa Kỳ Tham Chiến Tại Việt Nam Chapter 201”, (gọi tắt là AVVA). Được biết hội AVVA có sinh hoạt như: Mỗi năm đi thăm hai Quân Y Viện Menlo Park / VA Medical Center, Palo Alto Medical và phát quà thăm hỏi những Thương Bệnh Binh, Cựu Quân Nhân Hoa Kỳ. Vào dịp lễ Memorial Day, hội AVVA tham dự tại Oak Hill Memorial Park, được mời lên đồi danh dự bắn 21 phát súng, sau đó dâng hoa đài tưởng niệm, làm lễ cùng cựu quân nhân Hoa Kỳ. Lễ Veterans Day, hội tham dự diễn hành cầm cờ Mỹ, đoàn Hậu Duệ cầm cờ vàng nối theo. Trước đây hội còn lo công việc chôn cất những người mất không có thân nữa.
 
Chúng tôi dồn vào những xe trống người, được chở đến khu tập trung của downtown San Jose. Trời mưa lâm râm, sau khi tập họp do em Nguyễn Hoa điều hành dặn dò cách thức, xe các anh chị hội AVVA chở thức ăn sáng, sắp xếp sẵn mỗi bao gồm các thứ bánh mì, xôi cúc, bánh Pateso, chuối, nước lọc phân phát cho mọi người ăn sáng, ngoài ra còn có cà phê nóng nữa.
 
Sau đó trời đổ mưa lớn nặng hạt, mọi người vào xe ngồi uống cà phê, mùi thơm bốc bay trong xe, các anh nói chuyện ngày trước, chuyện tù cải tạo, chuyện hôm nay, chuyện Cộng Đồng.Tôi dâng lên niềm cảm kích quý mến vì anh nào cũng kê tuổi trên dưới 90, toàn là những người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) năm xưa, dù mưa gió lạnh lẽo họ cũng cố gắng lái xe đến dự. Tôi còn thấy nhà thơ Ngọc Bích (Hội Trưởng hội Người Già), và chị Hương (vợ ông Lê Đình Vọng một thời làm hội trưởng hội Thương Phế Binh tại miền Bắc Cali, nay đã mất). Hai chị thọ lên tới 93 tuổi, là hội viên AVVA, nhưng còn sinh hoạt rất mạnh mẽ trong Cộng Đồng.
 
Trời mưa tầm tã, mưa ướt quần áo, ướt đôi vớ thấm vào người lạnh run hơn. Các chị em yếu lạnh than thở, còn các anh nét mặt vẫn bình thản, có lẽ họ thấm nồng tình nghĩa những người bạn đồng minh Hoa Kỳ đã tham chiến tại Việt Nam với sự hy sinh vĩ đại, ngày lễ Cựu Chiến Binh này đã sưởi ấm trái tim họ, nên họ không thấy lạnh chăng?!! Họ vẫn nói chuyện, tôi lắng tai nghe trong sự học hỏi, trong niềm thương cảm những người lính VNCH.
 
Theo dự báo thời tiết thì lúc 2 giờ sẽ tạnh mưa và có nắng lên. Cuộc diễn hành dời giờ xuống trễ. Nhìn em Nguyễn Hoa lãnh đạo việc từ đầu đến cuối, bên hông mang cái máy lớn bỏ nhạc đấu tranh, em cầm cái loa miệng hô tay vẫy tập họp, sắp xếp đội ngũ cầm cờ, chạy lui chạy tới nhanh nhẹn huy động lực lượng diễn hành, đi bên ngoài hô to khẩu hiệu “AVVA - We love Veterans Day”, mở nhạc hát bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ.”
 
Các anh chị hội AVVA cùng hội Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hòa chung tay cầm lá Đại Kỳ Hoa Kỳ và lá Đại Kỳ Việt Nam Cộng Hòa, diễn hành qua các đường phố chào lại khán giả hai bên đường đủ sắc dân tươi cười nhìn vẫy tay cổ động. Hai lá cờ thấm nước nặng trĩu nhưng thật hãnh diện được cầm mười người một cờ. Ngang khán đài đồng loạt nghiêng cờ bên phải xuống cúi đầu chào trang trọng. Hình như không còn ai biết lạnh, tất cả đều hát to bài “Cờ Bay” vang lên, những đôi chân mạnh mẽ bước đều trong niềm hân hoan khó tả. Nắng đã vươn lên khắp nơi, nắng chiếu trên mặt đường còn ướt nhẹp nước mưa trơn trợt, những khuôn mặt rạng rỡ, lòng tôi cũng rộn ràng không kém.
 
Ôi ngày nhắc nhở mọi người đang
Cầu nguyện anh linh dưới suối vàng
Tạc dạ ghi ơn người chiến sĩ
Quên mình góp nghĩa vụ hiên ngang
Hợp Chủng Hoa Kỳ đủ sắc dân
Đi qua đường phố đẹp vô ngần
Trống kèn vang dội quân hành khúc
Lễ Cựu Chiến Binh bước lớp tầng.
 
MTTN (trích trong bài thơ “Lễ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ”)
 
Tới điểm tập trung chờ xe đón về lại nơi tụ họp đầu tiên, Nguyễn Hoa vẫn ở cho đến giờ phút chót khi không còn một ai đứng lại mới yên tâm ra về. Đã xong đâu, về nhà em gom hai lá cờ và các thứ linh tinh giặt sấy liền. Em nhắn qua phôn rằng: đã tắt tiếng, tứ chi nhức mỏi rã rời nhưng tinh thần rất phấn chấn vì vai trò đảm nhiệm thành công tốt đẹp.
 
Em như trăng sáng gương lồng
Dẫu là phụ nữ má hồng chẳng thua
Đấu tranh ý chí vượt đua
Cháu con Trưng Triệu quyết xua quân tà
Hương thơm bay tỏa dần dà
Hương ngời chính nghĩa bài ca đẹp màn
Lưu vong quyết giữ cờ vàng
Hải ngoại đoàn kết mây ngàn nở hoa.
 
MTTN (trích trong bài thơ “Nữ Lưu Nguyễn Hoa”)
 
Còn gì sung sướng hơn khi lá Cờ Vàng được đồng hương tỵ nạn trên toàn thế giới vận động, đã được các nước công nhận vinh danh lá cờ của tự do chính nghĩa. “Ăn cây nào rào cây ấy”, chúng tôi rời bỏ quê hương làm người lưu vong trên đất nước Hoa Kỳ, các anh diện HO lại được Mỹ cứu vớt đem qua, thì không thể nào chúng tôi có thể quên “cái ơn “lớn như thế. Vì vậy hội AVVA được gọi là “Hội Ái Hữu Cựu Chiến Sĩ Hoa Kỳ Tham Chiến Tại Việt Nam Chapter 201” đã thành lập ra đời cũng vì lý do đó. Họ gồm đủ mọi lứa tuổi từ các bác, các cô chú, các anh chị em, đa số là các cựu quân nhân VNCH mang nghĩa cử thân ái cao đẹp, gần gũi cựu chiến sĩ Hoa Kỳ, các bạn đồng minh đã một thời sát cánh chiến đấu nơi trận mạc miền Nam, những cựu quân nhân VNCH muốn sinh hoạt chung bày tỏ lòng biết ơn sâu xa của người Việt Nam. Một sự hy sinh quá lớn, được biết “đã có 2 triệu 700 trăm nghìn lính Mỹ phục vụ tại Việt Nam, gần 60 nghìn hy sinh và hàng trăm nghìn bị thương”. (theo tài liệu Bùi văn Phú Website bbc.com). Hiện nay những người lính Mỹ đã hy sinh nơi chiến trường Việt Nam được khắc tên trên Bức Tường Đá Đen nằm trong National Mall thuộc thủ đô Washington và tượng đài Vietnam Veterans Memorial.
 
Ra về dầu quần áo còn ướt nhẹp, nhưng mọi người đều mang tâm trạng vui tươi phấn khởi. Thương em Cao Trang (con cựu Thiếu Tá Cao Yết, Giám Học Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt) bị cảm cúm tắt tiếng vẫn lết đi diễn hành. Em là hội phó của Hậu Duệ VNCH từ khi thành lập cho đến giờ, bao nhiêu năm vẫn miệt mài trong đội ngũ cầm cờ vàng tham dự các hội đoàn chống Cộng. Em hiểu chuyện ngày miền Nam mất, hiểu sự tù tội của người cha dài năm, hiểu rõ sự cơ cực của người mẹ lúc cha đi “cải tạo”, và hơn nữa là nếm trải sự đói kém khốn khó của gia đình sau 1975, em thấm được ý nghĩa lá cờ vàng và quyết chung tay gìn giữ lá cờ thân yêu nơi đất khách quê người.Tôi cũng biết thêm em Đặng Nga trong nhóm Hậu Duệ: suốt những năm tháng dài đã ngày đêm miệt mài may khăn choàng cổ mẫu hai lá cờ Việt-Mỹ, tặng tất cả mọi người không kể lạ quen. Tấm lòng của em thể hiện tình yêu quê hương, đặt lá cờ tổ quốc thân yêu trong trái tim ấm áp nuôi dưỡng niềm hy vọng cho ngày mai.
 
Suốt đêm tôi cứ thao thức mãi, suy nghĩ về những nhân vật đặc biệt một lòng hướng về đất nước thân yêu bên kia bờ đại dương, góp công của trong những sinh hoạt tốt đẹp cho Cộng Đồng, sinh hoạt chung với đất nước Mỹ, và đặc biệt nhất là với những cựu chiến binh Hoa Kỳ. Niềm hạnh phúc dâng lên sau cuộc diễn hành mang ý nghĩa cao cả của đất nước Hoa Kỳ. Quý mến các chú bác HO, anh chị em AVVA và đoàn hậu duệ VNCH kết đoàn đi diễn hành chung. Quý mến các chị nhóm AVVA nhiệt tình lo những món ăn cho mọi người, quan tâm khoác áo mưa hay bao ni lông trùm lên người các em đầy tình thương yêu lo lắng.
 
Đêm khó ngủ suy nghĩ miên man, lặn hụp trong niềm vui giữa “tình người” thân ái chung hoà, tôi ngồi dậy gỏ phím ghi lại những cảm nghĩ chân thành của buổi Veterans Day Parade.
*
Biết trước sắp đến Lễ Tạ Ơn, nên tôi đi chợ mua sớm thực phẩm về để vào ngăn frozen, nhưng cũng thật vất vả vì chợ nào cũng đông người, nhất là tại cửa hàng Costco. Dù đi ngày trong tuần nhưng người vẫn đông nghẹt, chen chúc đụng nhau đã đành, xếp hàng trả tiền lại mệt hơn vì xe nào xe nấy chất đầy ngập, phải đứng chờ hơi lâu. Tôi đoán hình như họ sợ hết hàng nên lo xa, mua trước cho lễ Noel các thứ bánh kẹo, “Chocolates”, rượu nho, áo quần ấm, còn thức ăn thì khỏi nói đủ thứ. Ai cũng than thở kinh tế xuống, vật giá leo thang đắt đỏ, nhưng sao người mua sắm thế kia?!!! Có lẽ họ quan niệm nhịn lúc nào chứ dịp lễ quan trọng, thiêng liêng trời đất phải cảm tạ, phải vui mừng ăn lễ lớn.
 
Ba chữ “Lễ Tạ Ơn” của hằng năm lòng tôi không tránh được sự bùi ngùi ôn lại ký ức. Tuổi già hay quên việc hiện tại, nhưng lại nhớ rất rõ quá khứ, hình ảnh lần lượt hiện ra trong đầu óc như mới đâu đây, nhiều vô kể...
 
 
Lên năm tuổi, đau suyễn mẹ ẵm tới bác sĩ, y tá dụ chích bằng cách cho những vỏ hộp thuốc, tôi thích thú ôm hết nhưng sau đó vẫn la khóc vì bị chích đau, mẹ ôm vào lòng dỗ dành, hứa trên đường về mua kẹo cho ăn. Lên sáu tuổi mẹ dẫn đi học trường Trần Cao Vân, mỗi sáng đều mua ổ bánh mì chan nước thịt cho tôi ăn. Cha là lính đổi đi làm xa ở tận Quy Nhơn thỉnh thoảng về, những sớm mai trời mưa cũng chở tôi đến trường bằng chiếc xe đạp. Tôi lớn dần theo thời gian bên cạnh người mẹ tảo tần buôn bán nuôi con. Lúc đó tôi thật vô tư, đi học gần thầy cô, gần bạn bè có nhiều niềm vui, chỉ biết thần tượng, tôn thờ cô giáo mình. Cô sai đến nhà ôm phụ chồng sách thì như niềm hãnh diện lớn nhất trong đời, nhanh tay lẹ chân thi hành.
 
Trở thành thiếu nữ trong thời chiến, mê hình ảnh oai hùng người lính VNCH. Hằng ngày nghe tin anh này mất, anh kia tử trận thấm được nỗi buồn chiến tranh. Có một lần tôi nhớ mãi ...bạn bè rủ nhau tới nhà đang có đám tang anh thiếu úy nọ bị tử trận, ba đứa ôm song cửa sổ nhìn vào, thấy chiếc hòm để ánh nến lung linh, gia đình khóc lóc kể lể, chúng tôi nước mắt ràn rụa. Bỗng đâu mẹ của bạn đến thăm đám thắp nhang xong, lúc quay lưng trở ra thấy ba đứa cặp mắt đỏ hoe sưng húp, bà nhẹ nhàng ra dấu đi về. Đến ngõ bà mắng “Tụi bây hết sức nói, ai đời con gái chưa chồng đứng đu cửa sổ khóc như mưa như gió, không sợ người ta nghĩ ba đứa mê anh V hay sao?, chỉ có vợ người ta mới khóc như vậy”. Cả bọn nghe la mới sực nhớ “Ừ, mình vô duyên thật”. Nhưng rồi tôi vẫn khóc lặng lẽ mỗi khi nghe ca sĩ Thanh Lan hát:
 
Em không nhìn được xác chồng
Anh lên lon giữa hai hàng nến trong
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu
 
(nhạc Phạm Duy- thơ Lê thị Ý “Tưởng Như Còn Người Yêu”
 
Đất nước mất, đời đứt ngang rồi bao nhiêu mộng ước, đời sống tối tăm cơ cực, sự tự do không còn, bất mãn quá nhiều điều chế độ mới cai trị. Thế rồi tôi tìm đường vượt biên nhờ sự giúp đỡ của gia đình người bạn đời hiện tại, trải bao gian nan, vất vả ra tù vào tội vượt biên. Nhờ mẹ ăn chay nguyện cầu, nhờ Trời Phật che chở tôi đã đến bến bờ tự do sau gần 6 năm đeo đuổi chuyện trốn thoát. Qua Mỹ tôi muốn tìm đến ngôi chùa để lắng đọng tin tưởng về mặt tâm linh, lạy tạ Trời Phật còn được sống sót. Muốn gần bạn thiện hữu tri thức, gần Thầy học hỏi những điều hay cũng như học Phật Pháp tu dưỡng đời sống, và may mắn có ngôi chùa Phổ Từ được xây cất lên trong vùng Hayward cho tôi sinh hoạt mỗi cuối tuần.
 
Cuộc sống bình an bên người chồng hiền lành nhân đức, cả hai đều có việc làm ổn định bền bỉ. Tôi được may mắn làm tại Company Kyle Design mấy chục năm với công việc mình yêu thích, gặp được “Boss” sống tình cảm luôn nâng đỡ ưu ái xem như người một nhà. Vật chất đầy đủ, có siêng năng làm việc là có tất cả từ xe cộ đến nhà cửa nếu biệt tằn tiện tiêu pha. Hưởng đời sống thoải mái tiện nghi, lòng lại càng ghi ơn đất nước Hoa Kỳ cứu vớt dung dưỡng tạo đời sống tốt đẹp, có điều kiện giúp gia đình người thân và hành thiện. Xem như hai phần ba cuộc đời tôi được nương tựa nơi miền đất hứa, nơi được tự do hít thở và mở mang kiến thức. Tôi luôn mãn nguyện đời sống hiện tại cho tôi quá nhiều thứ, cái ơn rất lớn trong cuộc đời tôi.
 
Gần Lễ Tạ Ơn, thiên hạ xôn xao, lòng tôi nao nao với cảm giác hạnh phúc được mang quốc tịch Hoa Kỳ. Tôi cũng sẽ bắt chước người ta chen chân cửa hàng Costco mua thêm vài món quà trao đến những người mình mang ơn, chuẩn bị nấu món bún bò Huế mà gia đình “Boss” Kyle rất thích, giờ đây tuy đã nghỉ hưu 4 năm rồi, nhưng mỗi mùa lễ này tôi vẫn bới xách đem lên.
 
Biết nghĩ thì phải biết thực hành, nghiệm lại gần 40 năm qua, dù tôi không gần cha mẹ để chăm sóc tuổi già, nhưng đã nuôi dưỡng bằng vật chất chu cấp đều đặn cho đến ngày phụ mẫu qua đời. Thỉnh thoảng góp tay chung “group” trường học quà cáp các cô thầy già yếu, bệnh tật bên quê nhà hoặc sau cơn lũ lụt ở Huế. Tiện tặn bỏ ống dành cho Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hoà chính đáng, cùng vài việc phước thiện. Mỗi đầu xuân viếng vài Chùa chúc Tết quý sư Cô, quý Thầy. Hàng tháng góp chung điện nước ngôi chùa chính Phổ Từ cùng quý đạo hữu.
 
Sáng nay vợ chồng tôi ngồi soạn các địa chỉ nhà thờ Mỹ chuyên nấu ăn phát người vô gia cư, cùng Mõ Nhân Ái của ông Lê văn Hải chuyên đi phát quà, tiền và thức ăn cho Homeless. Hai nơi Wounded Warrior Project (thương binh Mỹ chiến đấu trên thế giới) và Veterans OF Foreign Wars OF The United States (Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ). Lòng chúng tôi nhẹ nhàng thoải mái, khi đã thực hiện được việc Homeless, việc lính Mỹ hằng năm vào dịp Lễ Tạ Ơn, tuy đồng tiền chỉ như hạt cát nhỏ nhoi nhưng có thể hiện được sự mang ơn đối với nước Mỹ. Người ta thường nói có năm điều đừng kể:
1/ Thu nhập thực sự của bạn
2/ Kế hoạch dài hạn của bạn
3/ Nỗi sợ lớn nhất của bạn
4/ Khoe làm từ thiện với người khác
5/ Các vấn đề trong gia đình
 
Đối với tôi điều 4 rất lợi lạc, chị bạn SL trong hội CGV nhờ kể mà kéo theo số đông làm từ thiện mấy năm nay (chỗ đáng tin cậy có hình ảnh biên nhận rõ ràng). Bản thân tôi cũng nhờ gần bạn thiện hữu tri thức, chị QA từng san sẻ tâm tư “Em ơi học Phật thì hiểu đời Sắc Không, không có gì là của mình, chết chỉ hai bàn tay trắng. Mọi người chỉ đưa mình tới cổng nghĩa địa, sau đó chỉ có công đức mang theo nếu mình biết tạo lúc sống. Đừng nói phải dư tiền lắm bạc mới hành thiện được, em có đọc câu chuyện bà cụ nhà nghèo được Phật chứng ngọn đèn dầu của bà sáng mãi không tắt đó. Mình có tâm thương người rất tốt, ngoài ra mình còn biết ơn đất nước Hoa Kỳ đã cưu mang, nên mỗi Lễ Tạ Ơn nên làm việc nhỏ lớn tuỳ khả năng, ví dụ gặp Homeless dúi vào tay họ $2, $3 đồng bạc, có khả năng hơn gởi đến các Chùa, các nhà Thờ chuyên lo người vô gia cư, cao hơn nữa nghĩ đến Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ chẳng hạn... Khi thực hiện điều gì tốt, em nên chia sẻ cho bạn bè biết để việc lợi, việc tốt được nhân lên nhiều hơn, và sẽ chung tay cùng nhau trồng hoa cho cuộc đời tươi đẹp. Thật ra ai cũng có lòng từ bi bác ái, chỉ là họ quá bận rộn công việc đôi khi quên, hoặc muốn gởi nhưng không biết gởi đâu, mình cứ việc loan truyền ...” 
 
Lời chị bạn như vàng ngọc châu báu đã ăn nhập vào tâm hồn tôi thấm đậm. Từ đó tôi học theo chị làm là nói, và từ lâu bạn bè đã tin tưởng góp tay thực hiện nhiều việc lớn tốt đẹp. Mỗi mùa Lễ Tạ Ơn lại nhớ chị QA nhiều hơn, tôi tin các bạn cũng nhớ và đã làm một việc nhỏ như tôi đối với đất nước Hoa Kỳ rồi phải không.
     Về mặt tinh thần tôi tạ ơn những bậc thầy đã dạy các luật thơ, kể cả loại thơ khó nhất Đường Luật để tôi áp dụng tập làm. Tạ ơn sư phụ BT dẫn dắt tôi bước đầu vào diễn đàn TNS, giúp tôi layout những tập thơ, tập truyện, làm tranh thơ. Tạ ơn chị bạn PH ép buộc thúc đẩy tôi viết văn, nhờ vậy tôi có cơ hội làm việc bằng trí não giảm bớt bệnh Alzheimer’s.Tạ ơn thầy nhạc sĩ LHN dạy cách viết lyric bản nhạc, cho tôi hưởng ké tiếng tăm. Tạ ơn các nhạc sĩ MĐ, TP, TĐB, MHT, và giáo sư âm nhạc PĐH đã ưu ái phổ nhạc từ thơ của tôi. Tạ ơn các hội thơ văn đã mời vào trang nhà sinh hoạt, cho tôi có cơ hội học hỏi thêm các bậc đàn anh đàn chị giỏi dang, cho tôi niềm vui được góp chung bài vở in tuyển tập, được san sẻ thơ văn và ngược lại đọc những mẩu chuyện hay từ thi nhân văn sĩ. Nhất là hai hội phụ nữ luôn đối xử thân mật, yêu thương hoà thuận, cùng nhau tu tập, cùng nhau nói lời ái ngữ và kể chuyện tếu hàng ngày rộn ràng như mùa xuân. Tạ ơn cơ sở VTLV sinh hoạt tại San Jose cho tôi hưởng quá nhiều niềm vui, nhiều quà từ những buổi tiệc, sinh nhật, thưởng thức văn nghệ theo từng chủ đề :30/ Tháng Tư, Khúc Tình Ca Của Lính, Chiều Nhạc Mùa Thu, Một Mùa Xuân Mới do nhà báo hội trưởng Lê văn Hải hào hoa tổ chức.
 
Tạ ơn những trang website của hội đã giữ gìn thơ văn chung, nhờ vậy độc giả đã mang đi xa hơn qua Úc, qua Pháp, gần hơn được đưa vào hội Y Khoa Hải Quân, hội Y Khoa bác sĩ Vĩnh Chánh, hội Võ Bị Đà Lạt, hội Sư Phạm Đại Học Huế…v..v... mà tôi được biết nhờ có người quen chuyển lại. Bất ngờ hơn nữa được Website Dòng Sông Cũ, Việt Nam Thư Quán, Hợp Âm Việt đăng tải, đặc biệt Việt Nam Văn Hiến (lập riêng trang cho tôi rất nhiều bài viết và thơ). Tạ ơn KO luôn đưa vào trang Long Hồ Vĩnh Long. Tạ ơn mục đọc truyện của NH, ưu ái đọc nhiều bài viết của tôi.
 
Sau nữa là Tạ ơn Việt Báo mục Viết Về Nước Mỹ, nơi có số độc giả đọc nhiều nhất. Nơi này khuyến khích mọi người hãy cầm bút viết lên sinh hoạt đời sống trên nước Mỹ, với chủ trương cùng nhau giữ gìn tiếng Việt, khích lệ ngòi bút bằng cách hai năm tổ chức lễ phát giải thưởng, không nề hà việc tốn kém chi phí.
 
Hiện tại văn thơ nhạc là niềm vui lớn nhất của tôi, là niềm an ủi tuổi già đang chập chững học hỏi bằng tất cả đam mê. Tôi xin kể ra đây những diễn đàn với sự trân trọng kính mến, mà tôi đã tham gia về văn chương thi phú: Văn Bút vùng Đông Bắc Hoa Kỳ; Cơ Sở Văn Thơ Lạc Việt; Diễn Đàn Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ; Diễn Đàn Tình Bằng Hữu; Hội Thơ Đường Luật Hoàng Gia; Vườn Hoa Thơ Duyên; Minh Châu Trời Đông; Cô Gái Việt; Việt Bút; Trang Văn Học Cỏ Thơm; Thế Hữu Văn Đàn; Văn Bút Tao Đàn.
 
Tạ ơn cha mẹ sinh ra và nuôi nấng con nên người. Tạ ơn cô thầy dạy dỗ mở mang kiến thức làm hành trang vào đời. Tạ ơn các anh lính Việt Nam Cộng Hoà, lính đồng minh Hoa Kỳ hy sinh chiến đấu 20 năm trời cho người dân được sống yên bình. Tạ ơn những ngôi Chùa tâm linh tôi thường sinh hoạt để biết quý trọng, ý thức niềm vui trong hiện tại ”Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy. Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”. Cảm tạ “Boss” Kyle cho tôi được “an cư lạc nghiệp”. Cám tạ đất trời thiêng liêng cho con sự sống leo tới tuổi thất thập cổ lai hy. Cuối cùng là cảm tạ đất nước Hoa Kỳ đầy lòng nhân ái cho tôi nương tựa gần 40 năm qua trong niềm thỏa mãn vô biên.

Buổi họp mặt đại gia đình, tôi sẽ đọc lại những lời cảm tạ này trong đêm lễ chính Thanksgiving để bày tỏ sự liêng thiêng cao quý với trời đất.
 
Minh Thúy Thành Nội
 
Mùa Lễ Tạ Ơn 2024  ( Việt Báo)

 

 

 

 
 
 
Xem thêm...

Lễ Tạ Ơn Năm Nay - Nhị Độ Hoàng Mai

Lễ Tạ Ơn Năm Nay

Nhị Độ Hoàng Mai

TG Nhị Độ Hoàng Mai (hình do TG cung cấp)
Tác giả lần đầu tham dự VVNM với bài “Một Ngày Thăm Trường Võ Bị West Point”. Bà hiện định cư ở Texas và làm việc trong ngành giáo dục. Bài viết lần này bày tỏ nhiều suy nghĩ và tình cảm chân thành của tác giả nhân ngày lễ Tạ Ơn.
 
***
 
Cách đây rất nhiều năm. hồi chị còn đi học đại học ở Mỹ, trong một lớp của chương trình sư phạm, một vị giáo sư hỏi cả lớp trước khi cả lớp chuẩn bị nghỉ lễ Tạ Ơn:
 
- Các bạn sẽ nói lời cảm ơn với ai trong dịp lễ Tạ Ơn năm nay?
 
Các bạn đồng môn của chị nhao nhao, nói sẽ cảm ơn gia đình, thầy cô, bạn bè… Vị giáo sư quay sang hỏi chị có ai để cảm ơn không, dĩ nhiên chị có rất nhiều người để nói lời cảm ơn. Chị nói với vị giáo sư rằng chị rất biết ơn ba má và bạn bè của chị, người đã giúp đỡ chị quay lại trường đại học ở Mỹ. Chị biết ơn nước Mỹ đã cưu mang gia đình chị và giúp đỡ chị về tài chánh để chị được đi học. Chị biết ơn các giáo sư ở Mỹ đã khuyến khích, tận tâm giải thích cho chị những lúc chị không hiểu bài. Chị cảm ơn con trai chị đã giúp chị có động lực để quay lại trường học vì chị muốn làm tấm gương cho thằng Huy-là-con trai của chị. Chị muốn thằng Huy sau này khi lớn lên sẽ đi đại học như rất nhiều di dân gốc Việt khác.
 
Lễ Tạ Ơn năm đó, năm đầu tiên chị đến Mỹ, chị còn mang ơn một người bạn Mỹ đã giúp đỡ chị bước đầu khi chị chân ướt chân ráo tới Mỹ. Người bạn này đã gủi quà cho chị chiếc áo ấm và tiền bạc để gia đình chị chống chọi với mùa đông giá rét. Biết chị có ý định muốn đi học đại học, người bạn ấy đã hướng dẫn cho chị ghi danh học ở một trường cao đẳng cộng đồng và giúp chị xin tiền hỗ trợ học phí (Financial Aid).
 
Những Lễ Tạ Ơn sau này ở quê hương thứ hai, ngoài việc nói lời cảm ơn với gia đình, bạn bè và các vị giáo sư đã giúp đỡ chị trong những năm tháng chị đi học, chị còn biết ơn tình cảm của các thầy cô giáo dành cho con trai chị từ cấp tiểu học lên đến bậc trung học. Mới ngày nào thằng Huy vào lớp mẫu giáo lúc 3 tuổi, bây giờ nó đã là một sinh viên đại học.
 
Nhớ hồi nó học lớp mẫu giáo nhỏ pre-k3, sáng nào đi học nó cũng khóc nhè, nhất là những buổi sáng mùa đông, có lẽ nó làm biếng đi học. Mỗi buổi sáng đi học, chị dắt nó tới tận lớp để trao nó cho cô Johnson, cô giáo dạy Huy năm mẫu giáo nhỏ. Cô Johnson luôn chào hỏi, nói chuyện với nó vui vẻ cho nó dạn dĩ hơn. Những năm nó học bậc tiểu học, các cô giáo luôn yêu thương nó và dạy cho nó những điều hay lẽ phải bên cạnh việc truyền đạt kiến thức. Cô Johnson là cô giáo Mỹ đầu tiên của nó, rất tận tâm với nghề và thương yêu học trò.
 
Hồi thằng Huy học lớp hai, trong buổi lễ tốt nghiệp, Huy được cô giáo tặng một thanh kẹo sô cô la to nhất bên cạnh những lời khen tặng nồng nhiệt của cô giáo. Nó nhận thanh kẹo trong sự reo hò của các bạn cùng lớp. Chị đến tham dự buổi lễ tốt nghiệp của con trai, chị cảm nhận được tình yêu của cô giáo đối với tất cả các em học sinh trong lớp, đặc biệt đối với Huy. Cô giáo nói Huy không những học giỏi mà còn sẵn lòng giúp các bạn trong lớp học hành. Những bạn nào không hiểu bài, Huy sẳn sàng giải thích và trợ giúp.
 
Lên lớp 4, Huy được cô Marlone đề cử tham gia cuộc thi đánh vần Spelling Bee và Huy chiếm luôn giải nhất toàn trường. Lên lớp 6, Huy được chuyển vào chương trình dành cho trẻ có năng khiếu (Gifted and Talented Program). Lên bậc trung học, có nhiều thầy cô hướng dẫn Huy chọn trường đại học và yêu thương nó như con ruột, trong đó có cô Smith, huấn luyện viên Mark, thầy Williams và cô Roszel, người đã đề cử nó làm đại diện cho trường tham dự vào tuần lễ của Texas Boys State. Nhờ tham dự vào chương trình của Texas Boys State và nhờ những lá thư giới thiệu của thầy Williams, cô Smith, cô Roszel và của một số cô giáo khác, bên cạnh những nỗ lực của bản thân, Huy đã được nhận vào học viện West Point, một học viện quân sự danh giá của Mỹ,
 
Năm đầu tiên ở học viện West Point là năm học gian khổ nhất vì các tân sinh viên vừa phải vất vả học hành để theo kịp chương trình học căng thẳng của trường, vừa phải tập thích nghi với môi trường binh nghiệp với kỉ luật nghiêm khắc. Như các sinh viên sĩ quan khác, thằng Huy vùi đầu vào học hành. Mùa lễ Tạ Ơn năm thứ nhất xa nhà, vì đường xá xa xôi nên nó quyết định không về thăm nhà vì đi lại trong dịp lễ lạt rất tốn kém và mất nhiều thời gian, chưa kể nhiều chuyến bay thường bị trì hoãn hoặc hủy bỏ do thời tiết xấu. Huy quyết định sẽ nghỉ lễ ở nhà thầy Pope, vị giáo sư bảo trợ (sponsor), thầy dạy toán của nó tại học viện West Point. Tuy nhiên, những đứa bạn đồng môn tại West Point của Huy lại có một kế hoạch khác dành cho nó. Những người bạn này âm thầm mua vé máy bay cho Huy về nhà nghỉ lễ. Vé đã mua rồi, Huy từ chối không được nên hai má con chị chỉ còn biết cảm tạ tấm lòng của những người bạn này.
 
 
Tại học viện West Point, có rất nhiều gia đình quân nhân, giáo sư nhận làm gia đình bảo trợ cho các sinh viên sĩ quan ở các tiểu bang xa xôi. Vào những ngày cuối tuần hoặc ngày lễ, nếu các sinh viên sĩ quan không thể về nhà nghỉ lễ, các em sẽ được gia đình bảo trợ mời đến nhà họ để cùng nhau họp mặt những ngày cuối tuần, những ngày lễ vui vẻ. Thầy Pope, vị giáo sư dạy môn toán, thường xuyên mời Huy và một số sinh viên khác đến nhà thầy vào các ngày cuối tuần. Những lúc có chút thời gian rảnh, Huy và một vài người bạn thường ghé nhà thầy Pope để ăn tối. Đối với Huy, ngôi nhà của thầy Pope là một ngôi nhà xa nhà (A home away from home), nơi Huy được quan tâm và chăm sóc chu đáo.
 
Hàng năm vào mùa thu, khoảng giữa tháng mười, cha mẹ các sinh viên sĩ quan được phép đến trường thăm con của họ vào dịp “Family Weekend”. Đây là dịp để các bậc phụ huynh đến trường thăm con của họ và tổ chức các buổi tiệc để chiêu đãi các sinh viên sĩ quan. Một năm hai lần, một số phụ huynh gốc Việt đã đóng góp tài chánh và công sức để nấu những món Việt như bánh mì, phở, chả giò, chè trái cây, mì xào hải sản, bún thịt nướng, cơm chiên v..v… để đãi các sinh viên gốc Việt và bạn bè Mỹ của các em. Đi học xa, ăn thức ăn Mỹ mỗi ngày, các em sinh viên người Việt rất thèm các món bánh mì, phở, thịt nướng. Thằng Huy và bạn bè của nó luôn được các bậc phụ huynh Việt mời đến dự tiệc.
 
Những lần Huy bận, không thể tham dự các buổi chiêu đãi do các vị phụ huynh gốc Việt tổ chức, các bậc phụ huynh đều để dành cho Huy một phần, khi thì hộp bún thịt nướng, lúc thì hộp mì hải sàn và ly chè trái cây. Các bậc phụ huynh gốc Việt coi Huy và bạn bè của nó là những đứa con nuôi của họ. Tuy chị không thể lên thăm thằng Huy thường xuyên vì điều kiện đi lại khó khăn, Huy vẫn cảm nhận được tình cảm gia đình từ những ba má nuôi của nó.
 
Quả thật không ngoa chút nào khi người Mỹ nói rằng quân đội Mỹ là một gia đình lớn có nhiều thành viên và West Point là một thành viên trong gia đình ấy. Các bậc phụ huynh người Mỹ gốc Việt coi tất cả các sinh viên sĩ quan người Việt là những đứa con nuôi của họ. Huy và các bạn của nó thường được các bậc phụ huynh cho quá giang xe đi mua sắm hoặc đi phi trường mỗi lần về nhà nghỉ lễ. Các bậc phụ huynh có lần chở Huy và bạn bè của Huy đi ăn tiệm ở các nhà hàng gần học viện. Huy và các bạn của Huy thỉnh thoảng ghé nhà các bạn sinh viên ở các thị trấn gần trường để ăn tối. Chị có cảm giác như Huy có ba má nuôi ở rải rác khắp nước Mỹ.
 
Lễ Tạ Ơn năm nay, giống như mọi năm, chị xin cảm tạ nước Mỹ, đất nước đã cưu mang gia đình chị, tạo cơ hội cho gia đình chị có được một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Giống như mọi năm, chị cảm ơn bạn bè, đồng nghiệp và gia đình chị đã yêu thương và quan tâm tới chị. Chị cảm ơn những người bạn, đồng nghiệp Mỹ đã hướng dẫn chị trong nghề nghiệp hiện tại. Chị cảm ơn các bác sĩ, y tá đã tận tụy chữa trị bệnh cho gia đình chị. Chị cảm ơn con trai đã đem đến cho chị niềm vui của người trồng cây hái trái ngọt. Càng sống lâu năm ở Mỹ, chị càng có thêm nhiều người để nói lời cảm ơn. Chị cảm ơn các cảnh sát viên đã làm việc ngày đêm để giữ gìn an ninh cho thành phố nơi chị sinh sống. Chị cảm ơn những người lính Mỹ đã hy sinh đời sống cá nhân, âm thầm bảo vệ nước Mỹ để em thơ được học hành và người dân Mỹ được an hưởng thái bình. Chị cảm ơn nước Mỹ đã bảo đảm cho người dân một môi trường sống trong lành, nguồn nước và thực phẩm sạch, hệ thống giao thông an toàn, hệ thống bệnh viện y tế khá tốt. Chị cảm ơn đất trời đã ban tặng cho nước Mỹ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông với nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.
 
Lễ Tạ Ơn năm nay, chị đặc biệt gủi lời cảm ơn đến tất cả thầy cô giáo đã dạy con trai chị từ mẫu giáo lên cấp ba, thầy Pope, cô Smith, cô Roszel, huấn luyện viên Mark, thầy Williams, Tuyên, huynh trưởng của Huy, bạn bè của Huy và các bậc phụ huynh Mỹ gốc Việt có con đang theo học ở học viện West Point đã yêu thương và chăm sóc cho Huy như con của mình, những bậc phụ huynh chị chưa một lần quen biết. Chị mượn hai câu thơ để gửi gắm tình cảm yêu thương của chị đến tất cả thầy cô, bạn bè và tất cả ba má nuôi của Huy:
 
Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta được thêm ngày nữa để yêu thương.
 
Cuối cùng, chị cảm ơn Việt Báo đã cho chị cơ hội nói lời cảm ơn đến tất cả mọi người nhân dịp lễ Tạ Ơn năm nay.
 
 
Nhị Độ Hoàng Mai
Tháng 11, 2024  (VB)
 
 
Xem thêm...

DUYÊN HAY NGHIỆP - Yên Sơn

DUYÊN HAY NGHIỆP

ngày 11.05.24

Học viện Võ Thuật Thần Phong và Tôi

Năm 1968 tôi gia nhập Không Quân (KQ) và được gửi đi khám sức khỏe trong Bộ Tư Lệnh (BTL) KQ ở Tân Sơn Nhất. Những ngày ra vô khám sức khỏe trong BTL, tôi thường đi qua Khu Gia Binh, trên con đường ngang rất ngắn, trước mặt những quán ăn nhỏ, gần sân đá banh thuộc BTL, thấy có một võ đường đề chữ Thần Phong!

Vì bản tính ưa chuộng võ thuật nên tôi tìm cách tới xem. Lúc đó còn lắm rụt rè nên chỉ đứng ngoài cửa nhìn vào, thấy mọi người tập luyện rất hăng hái, tiếng la hét của các võ sinh pha trộn với tiếng hướng dẫn của các Võ sư Hàn, Việt vang rền, tôi mỉm cười, thấy vui vui. Lúc đó tôi đã là đấu thủ có hạng trong bộ môn Thiếu Lâm Bắc Phái nên không nể trọng các đòn chân của Thái Cực Đạo là mấy! Dù vậy, tôi bỗng có ý nghĩ “tập võ Thái Cực Đạo cho biết” khi có điều kiện.

Không biết từ ngày tháng nào, cơ hội nào tôi gia nhập Thần Phong, nhưng chắc phải là sau khi xong giai đoạn 1 quân sự ở Quang Trung về, trong khi chờ đợi nhập khóa học Sinh ngữ. Mỗi ngày đều phải ra vào trình diện rất nhàm chán nên tôi bỗng nghĩ hay là xin phép tập võ trong thời gian đợi chờ. Tôi không nhớ rõ tôi đã xin với ai nhưng được chấp thuận và cho ở luôn trong căn cứ cho tiện vì gia đình tôi ở tận Bình Tuy (phía nam của Phan thiết). Tôi được sắp xếp học lớp với Huấn Luyện Viên Phan Văn Đức. Mỗi lần vào lớp, tôi hay la cà xin đấu với các anh em mang đai nâu và đai đen vì tôi nghĩ chỉ có họ “may ra mới đủ sức” đấu với tôi.

Mỗi lần được đấu tôi hay sử dụng võ tự do, “chỏ gối” loạn xạ làm bầm chân, tím thịt các huynh đệ nên bị phàn nàn tới tai thầy Đức. Rồi một ngày đẹp trời nọ, khi tôi mang võ phục đến trường thì “được mời lên văn phòng”. Thầy Đức và tôi khoảng tuổi với nhau và cũng có chút nể trọng “sĩ quan Pilot” nên chỉ nói nhỏ nhẹ “anh học võ Thái Cực Đạo không nên sử dụng võ khác đấu với anh em. Nếu cứ tiếp tục không ai đấu với anh nữa đâu”.

Sau lần đó, tôi có bớt lại nhưng trong lòng vẫn không phục đòn chân của Thái Cực Đạo. Mãi cho tới khi các tuyển thủ KQ khắp nơi quy tụ về Võ đường để tập cho giải Toàn Quân, Toàn Quốc… tôi bị anh Châu đá ngang, anh Vạn đá móc gót mười lần “dính” gần đủ mười lần, tôi mới bắt đầu thực sự nghiên cứu đòn chân Thái Cực đạo, nhất là hai đòn “tâm đắc” này. Dĩ nhiên tôi cũng rất tâm phục đòn chân của anh Đức, nhất là đòn đá bay.

Tôi chuyên cần tập luyện và nhảy cấp rất nhanh dù còn phải học sinh ngữ, đi du học và trở về thi huyền đai cuối năm 1970. Trong bảng kết quả kỳ thì, riêng tôi bị Thầy Đức phê bình “cần sự kiên nhẫn và khiêm nhường”! Đơn vị tôi đóng tại TSN nên cho tôi có điều kiện tiếp tục tập luyện ở Võ đường dù không đều đặn vì chiến sự. Năm 1972, tôi thi nhị đẳng ở võ đường mới, là Base Exchange (BX) bỏ lại của KQ Mỹ. Chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, tôi bay hành quân liên tục nên không còn đủ sức tập luyện thường xuyên nữa; chỉ lâu lâu mới xách bộ đồ tới ngó mặt anh em, thầy bạn.

Năm 1974 có phong trào tập võ tại đơn vị, tôi được cấp trên chỉ định dạy võ – dù vẫn phải bay hành quân 3 ngày một tuần – cho toàn thể nhân viên Không đoàn 53 Chiến Thuật mỗi sáng trước sân Không đoàn cùng với các HLV phụ khác. Những tháng đầu tiên có cả ba bốn trăm người, toàn bị bắt buộc nên không có sự hào hứng lắm. HLV phải gào thét – giữa một không gian mông mênh tràn ngập âm thanh của một phi trường quân sự bận rộn trong thời chiến – khan cả cổ, mỏi cả miệng cũng chẳng ăn thua gì. Dần dà, những “võ sinh ưu tú” này như “cóc bị bỏ đĩa”… học ít, phá nhiều, mánh mung đủ cách nên thầy cũng nản mà trò cũng bất cần… dần dà thưa thớt cho tới đầu năm 1975 coi như “vắng bóng sân trường”.

12g30 trưa 29/4/75, tôi may mắn bay ra khỏi Saigon trên chuyến C130 cuối cùng đi thẳng qua Utapao, Thái Lan. Chặng đường tỵ nạn từ Utapao đến Orote Point đến Trại Anderson ở Guam rồi đến trại tỵ nạn Eglin AFB, Florida, Hoa Kỳ… Thứ Bảy, ngày 26/5/75, tôi và hai em trai ra khỏi trại tỵ nạn về San Antonio, Texas dưới sự bảo trợ của bà Mẹ nuôi, người tôi đã gặp khi học bay ở Mỹ năm xưa. Chủ Nhật theo bà đi lễ nhà thờ, Thứ Hai đi làm thợ vịn bán thời gian, sửa chữa nhà cửa cho một người bạn đạo mà bà đã gửi gắm sau khi tan lễ hôm qua. Bà mẹ nuôi là một bà già Mỹ trắng rất tốt bụng, là một góa phụ, vợ của một cố Trung tá KQ tử trận ở đệ nhị Thế chiến. Bà với người con trai lớn cũng góa vợ chỉ sống tạm đủ vào tiền hưu bổng và số tiền cho thuê nông trại; vì vậy, ngoài nhà ở, chúng tôi phải tự lực cánh sinh ngay từ ngày Thứ Hai…

Những ngày không đi làm, và những buổi chiều dài lê thê… nhớ cha mẹ, lo lắng cho sự an nguy của đại gia đình, và không có một chút ý niệm gì cho tương lai. Tôi là một người được cho là gan dạ nhưng cũng không cầm được nước mắt mỗi khi nhớ tới, nghĩ về! Để hóa giải bớt những muộn phiền này, tôi thường ra phía sau vườn tập luyện võ thuật để khuây khỏa khi có dịp. Ông con bà mẹ nuôi thấy tôi thích tập võ, nó chỉ cho tôi một võ đường gần nhà. Một buổi chiều sau khi đi làm về, tôi đi bộ tới. Thấy học trò tập luyện gần giống như môn Thái Cực Đạo tôi biết nên hỏi thăm vị Võ Sư (VS) Giám đốc. Ông tên Guidry, mang 3 đẳng Shodokan Taekwondo – một chi phái khác của Taekwondo nguyên thủy. Tôi trình bày hoàn cảnh của tôi. Ông bảo nếu muốn tập ông rất welcome, miễn phí. Tôi được ông tặng một bộ võ phục cũ của ông ta với một đai đen trơn.

Thế là tôi đã có nơi để xả bớt những nỗi buồn tha hương. Với căn bản và khả năng sẵn có, tôi am tường mau chóng những bài quyền Shodokan và giúp chỉ dẫn những học trò mới. Sau một tuần lễ, tôi được ông Giám đốc đề nghị giúp dạy lớp căn bản 3 buổi tối và đồng ý trả lương $10/tuần. Tôi rất vui và phấn đấu hơn. Với cương vị mới, tôi nhanh chóng hòa hợp với mọi người chung quanh và được ông Giám đốc cũng như võ sinh dành cho nhiều cảm tình đặc biệt, trừ 2 người. Đó là hai Huấn Luyện Viên (HLV) khác, một Mỹ đen hai đẳng và một Mễ to dềnh dàng mang một đẳng. Lúc mới gặp cũng ngại ngần nhưng nhìn cách dạy, cách tập của hai ông thần thì tôi yên tâm lắm.

Thực ra khả năng kỹ thuật đòn chân của hai anh chàng này không hơn đai xanh đậm của Thần Phong năm xưa là bao nhiêu. Có vài lần tôi tế nhị giúp bổ khuyết những yếu điểm nhưng họ có vẻ không phục. Họ rất chuộng dùng đòn tay như đánh Quyền Anh. Chuyện đố kỵ thì ở đâu cũng có, dân tộc nào cũng thế; cho nên chỉ được hơn tuần sau thì xảy ra chuyện. Hai ông HLV đều rủ tôi đấu giao hữu. Tôi nói riêng với hai ông thần là tôi không muốn HLV đấu trước mặt võ sinh. Hai ông nói ở đất nước này thầy trò đấu với nhau là chuyện thường. Dù vậy tôi vẫn rất ngại. Nếu có lỡ tay lỡ chân với nhau trước mặt học trò sẽ rất khó coi. Chuyện tới tai ông Giám đốc. Có lẽ ông Giám đốc cũng muốn thấy khả năng thực sự của tôi ra sao nên khuyến khích đồng tình và ra sàn đấu đứng xem. Ở thế không thể từ chối được tôi đành chấp nhận thử thách. Thật tình tôi không nao núng trong việc thử sức với hai tay này vì năm xưa đã dày kinh nghiệm trên đấu trường.

Anh Mễ xin đấu trước. Vừa cúi chào xong thì anh ta xông tới tấn công mạnh mẽ. Tôi mỉm cười, dùng sự nhanh lẹ của đôi chân cố tình tránh né làm anh ta cứ đánh vào không khí. Có lẽ tức bực quá nên càng đánh sảng, cứ nhắm mặt tôi mà thụi quyền anh. Tôi cảnh cáo nó, đấu Taekwondo không được dùng tay đánh vào mặt. Hơi thở nó đã nặng nề, cứ làm thinh làm thế xáp lá cà thụi lia lịa vào tôi… nhưng tôi lại di chuyển lẹ làng cho nó đấm không khí tiếp tục. Khi nó gầm lên lăn xả vào… tôi quyết định giải quyết chiến trường. Chờ thằng con xông tới, tôi không né nữa mà co chân trái lên dùng đầu gối cản sức tới của nó, tay trái đánh nhứ vô mặt cùng lúc chân trái đặt xuống, chân phải nhanh lẹ đá móc gót (học của anh Vạn)… nếu tôi không lưu tình dùng mũi bàn chân thay gót, chắc thằng con đã đo ván hoặc ít nhất cũng mất mấy chiếc răng. Dù vậy, lỗ mũi nó cũng đã ăn trầu! Cả lớp vỗ tay! Thằng Mễ chưa kịp xông tới thì thằng Mỹ đen cản nó lại, la lên giận dữ: “Tại sao mầy vừa nói đấu Thái Cực Đạo không được đấm vô mặt mà mày làm?” “Bảo đảm với mầy tao vừa quẹt mũi bàn chân phải của tao vào má nó”, tôi nói… nhưng thằng Mễ to tiếng, “Mầy đấm trúng mũi tao trước khi quay gót”. “Vậy mầy có muốn tao thử lại cho mầy xem không?”. Thằng Mễ chưa kịp trả lời, thằng đen vọt miệng “tao muốn thử đòn chân của mầy”. Tôi ngó ông Giám đốc ngầm hỏi ý kiến và ông ta gật đầu nói, “đấu giao hữu đừng để mất hòa khí”.

Thằng đen không nói thêm một lời, thủ bộ đợi chờ, hai con mắt tròng trắng nhiều hơn tròng đen ngó chòng chọc vào tôi. Tôi thủ bộ với tiếng hét “ki-ai” để thị oai làm mọi người giật mình. Thằng đen tức tốc ra đòn mạnh bạo. Đôi chân nó di chuyển khá nhuần nhuyễn. Tôi nhủ lòng phải cẩn thận hơn, rồi lại dùng tài tránh né để thăm dò lối đánh của đối thủ… Quái lạ, lũ này học và dạy Thái Cực Đạo mà dùng tay như dân Quyền Anh, chân thì đá không cao hơn bụng! Dù vậy cú đá ngược chân phải của nó cũng khá thần tốc, còn chân trái rất giới hạn, chỉ đá phang ống… yếu xìu! Nó hay xông vô đấm liên hoàn xong là đá ngược; hễ tôi lùi thì chân trái nó phang ống với theo! Tôi nghĩ nhanh trong đầu “phải dạy cho thằng này bài học lễ độ ngay lập tức”. Tôi đợi nó đá phang, đưa ống chân trái lên chịu, thằng con đau quá nhăn mặt, chưa kịp lùi thì đã lãnh trọn cú đá lết ngang chân trái (học của anh Châu) thẳng vô ngực làm hắn ngã ngồi ra đằng sau. Mọi người cùng ồ lên một lúc làm thằng đen lúng túng. Tôi đưa tay đỡ nó dậy nhưng thằng đen đã làm ngơ, tự đứng lên. Tôi ngõ lời xin lỗi đã lỡ chân! Guidry đứng dậy biểu cả ba người bắt tay nhau và tuyên bố chấm dứt buổi tập. Thằng đen bắt tay lấy lệ mà mắt thì lườm tôi dữ dằn!

Sau khi tan lớp, ông Giám đốc giữ tôi lại để nói cho tôi biết nên cẩn thận, đề phòng và cũng bảo đảm chỗ dạy lâu dài cho tôi nếu tôi chịu dự thi “tái giám định” 2 đẳng với đại tôn sư Haeng Ung Lee, Chủ tịch hệ thống American Taekwondo Association (ATA), vào tháng sau tại võ đường! Ông Giám đốc nói “HLV của võ đường đòi hỏi phải có văn bằng đai đen chứng minh” (lúc chạy loạn tôi chỉ đi mình không); và đề nghị tôi dự giải Võ Thuật mở rộng ở Houston vài tuần sau, ông sẽ bao tất cả chi phí.

Tôi nghĩ cũng là một dịp học hỏi thêm ở xứ người nên đồng ý. Nhưng, kết quả giải thi đấu của tôi lần đó rất thê thảm vì bị loại với thành tích nặng đòn làm đối thủ bị đo ván. Dù vậy ông Giám đốc nói với tôi là ông ta rất phục và hãnh diện về khả năng của tôi, khuyến khích tôi đừng nản lòng. Cả đoàn võ sinh đi cùng chuyến xe cũng tỏ vẻ thán phục.

Sau khi thi lại 2 đẳng, tôi may mắn được ông Haeng Ung Lee chỉ điểm thêm về kỹ thuật cũng như quyền ITF cao đẳng trong một thời gian ngắn; và được ông Giám Đốc cho dạy các lớp đai màu cấp cao với số lương $20/tuần, ngoài giờ làm việc thợ vịn bữa có bữa không. Rồi vì sự sinh tồn của ba anh em, chúng tôi buộc lòng phải từ giã bà Mẹ nuôi và dọn đi thành phố khác làm nông trại. Làm nông trại chịu không nổi lại dọn về lại San Antonio làm đủ ngành nghề. Tôi lại trở lại võ đường và được ông Guidry vui vẻ tiếp nhận. Cho đến cuối tháng 12/75, nghe theo lời mời gọi của bạn bè cựu KQ, tôi từ biệt ông Guiddry và võ đường, để hai chú em nhỏ ở lại San Antonio với bạn bè và lên đường đi Tulsa, Oklahoma học ngành cơ khí hàng không với trợ cấp toàn phần của chính phủ. Trong thời gian học tập ở đây, tôi lại tìm tới một trường Thái Cực Đạo trong vùng. Ở đây tôi phụ dạy để khỏi phải trả học phí và được Võ Sư Giám Đốc Syun Kang dạy thêm những bài quyền và kỹ thuật cao đẳng. Và cũng ở nơi này, lần đầu tiên tôi thắng giải nhất huyền đai hạng nhẹ khi tham dự giải vô địch Oklahoma mở rộng. Trong lần tranh giải này, tôi gặp lại Cường, một đấu thủ có hạng của Thần Phong trước năm 1975, từ tiểu bang Iowa xuống tham dự tranh giải.

Chương trình học cơ khí rất nặng nề và thời gian hai năm thấy dài đăng đẳng trong khi không biết tương lai sẽ đi về đâu… 6 tháng sau tôi bỏ cuộc… trở lại San Antonio, dạy bán thời gian cho ông Guidry. Cũng trong thời gian này tôi thường xuyên được ông Chủ tịch Haeng Ung Lee đặc biệt dạy thêm những kỹ thuật mới của Võ phái ATA mỗi khi ông về chấm thi hoặc huấn luyện đặc biệt cho võ sinh võ đường. Và cũng trong khoảng thời gian này tôi vui mừng gặp lại Võ sư Trần Văn Lạc khi Lạc mở Câu Lạc Bộ Võ Thuật Thần Phong đầu tiên, dạy cho Mỹ và vài học viên người Tàu. Tinh thần Thần Phong này làm tôi hãnh diện và nuôi mộng làm sống lại phong trào Võ Thuật Thần Phong tại xứ người khi điều kiện cho phép.


Sau khi dong ruổi khắp nơi, tôi về Hayward Bắc California năm 1977. Tôi mò tới tập luyện với một trường ATA do một võ sư 3 đẳng người Mỹ trắng, ông Monday điều hành. Và ngày 4 tháng 11, 1977 được phép của võ sư Giám Đốc, tôi thành lập Câu Lạc Bộ Thần Phong tại võ đường này, chỉ tập 2 ngày cuối tuần khi trường không hoạt động. Và tôi chỉ được phép thâu nhận học viên người Việt Nam. Lúc bắt đầu chỉ có 5 em, dần dà các gia đình người Việt ở các vùng lân cận biết đến và bắt đầu cho con em tham gia. Tôi thành lập đội đá banh, đội quần vợt, và đội bóng chuyền ngoài giờ tập. Tất cả là võ sinh hay không tôi đều hướng dẫn các em trong các môn bằng tinh thần huynh đệ Thần Phong. Trong năm 1977, tôi tham dự giải Vô địch Taekwondo tiểu bang California và thắng giải huyền đai toàn hạng kiêm luôn giải nhất toàn đội huyền đai do United States Taekwondo Union (tiền thân của USAT bây giờ) tổ chức. Cuối năm 1977, khi số võ sinh hơn 20 người, tôi bắt đầu nghĩ chuyện làm sống lại Thần Phong hải ngoại… và vì thế, tôi xin giấy phép thành lập Hội Võ Thuật Thần Phong (Than Phong Martial Arts Association).

Năm 1978, ông Monday giới thiệu và được sự đồng ý của ông Chủ tịch Haeng Ung Lee, tôi thi đậu 3 đẳng. Rồi tiếp tục tập luyện thi 4 đẳng với ông H.U. Lee ở Sacramento, CA năm 1981. Đến tháng 8/1981, tôi dọn về Houston và mở trường Thần Phong đầu tiên; người học trò đầu đàn, HLV Trần Văn Tân cùng huynh đệ dời lớp Thần Phong ở Hayward về Oakland. Năm 1983, vì mưu sinh tôi đành đóng cửa Thần Phong Houston và dọn về San Jose và lại mở trường Thần Phong ở đây. Sau đó, tiếp tục mở trường thêm ở Santa Clara cùng với Võ sư Phan Hồng Hổ, rồi thêm chi nhánh Oakland sau khi HLV Trần Văn Tân dọn xuống Los Angeles.

Năm 1986, tôi thi 5 đẳng với ông Trần Thanh Điền, chủ tịch Tổng Hội Võ Đạo Việt Nam ở San Jose. Tháng 9/1989, khi VS Phan Văn Đức từ Việt Nam sang San Jose định cư, tôi nhường Hội Võ Thuật Thần Phong cùng với trường võ thuật San Jose, giữ chức Phó Chủ tịch. Tôi về điều hành trường Thần Phong Oakland. Và VS Phan Hồng Hổ điều hành trường Santa Clara. Năm 1991, tôi dự thi 6 đẳng với Tổng Hội Võ Đạo VN ở Santa Ana ở Võ đường Đặng Huy Đức. Sau khi thi xong tôi và gia đình VS Hổ không hẹn mà cùng dọn về Houston, TX. VS Hổ mở trường Thần Phong dạy trong tuần và tôi dạy cuối tuần vì lái xe khá xa. VS Hổ là một VS có nhiệt huyết và nhiều khả năng, đã đào luyện được nhiều huyền đai Thiếu Niên Thần Phong làm rạng danh võ phái trong các giải Taekwondo địa phương và tiểu bang, rất có nhiều tiếng thơm ở Vùng Bellaire. Năm 1993, tôi mở trường Thần Phong Kingwood, thị trấn phía bắc Houston. Năm 2000, tôi được Thầy Đức, nhân danh Tổng hội Thần Phong, thăng 7 đẳng trong dịp Lể Kỹ Niệm 34 năm thành lập tại San Jose. Đến tháng 8/2003, tôi khai trương trường Thần Phong ở Spring, TX.

Năm 1992, VS Phan Văn Đức đã tự ý đổi tên Hội Võ Thuật Thần Phong thành Thần Phong Intercontinental Martial Arts Federation khi phát triển xuyên quốc gia. Năm 2000, đổi lại tên The Planet Martial Arts Federation. Theo VS Đức, 2 chữ đầu của The Planet biểu hiệu cho hai chữ Thần Phong. Cuối tháng 4/2009, VS Phan Văn Đức đột ngột qua đời tại San Jose, tôi được Hội Đồng Võ Sư, huynh đệ đồng môn suy cử Quyền Chủ tịch Thần Phong cho tới khi có Đại hội bầu cử. Tháng 6/2009, tôi về Saigon, quy tụ một buổi họp mặt cho 50 huynh đệ đồng môn từ 3 đẳng trở lên, gồm có các VS niên trưởng và cựu Võ sư, HLV Thần Phong. Trong số những anh em này, có một số huynh đệ đang là Giám đốc của các câu lạc bộ Taekwondo dù không chính thức mang tên Thần Phong vì chính kiến chưa được giải tỏa.

Trong buổi họp mặt này tôi cũng thảo luận với tất cả huynh đệ về đường hướng của Thần Phong cũng như việc bảo tồn và phát triển Thần Phong trong tương lai. Anh em ai cũng rất vui vẻ và phấn khởi trong niềm hy vọng. Tháng 8/2009, tôi được ông Chủ tịch Tổng Hội Võ Đạo VN, Trần Thanh Điền truy thăng 8 đẳng cùng với một số võ sư cao cấp khác.

Năm 2010, nhân chuyến thăm viếng và tập huấn tại Tổng Cục Thái Cực Đạo Thế Giới, Kukkiwon, ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc tôi đã gặp người thầy khả kính của Thần Phong Martial Arts Academy năm xưa là Đại Võ sư Byung Woon Kim – đương kim Chủ tịch Hội Đồng Kỹ Thuật thuộc Tổng Hội World Taekwondo Federation – ông vui mừng xác nhận sự lớn mạnh của Thần Phong và đề nghị nên đổi tên thành Thần Phong International Martial Arts Federation cho hợp lý và khiêm nhường hơn là chữ “The Planet”. Vì thấy đề nghị rất hữu lý của một tôn sư, lại phù hợp với tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo của Võ phái nên tôi đã đưa ra thảo luận tại Đại Hội Thần Phong Thế Giới và Kỷ Niệm 45 Năm thành lập võ phái tại Kingwood, TX tháng 12/2011, và được sự đồng thuận của tất cả võ sư, HLV từ Việt Nam, Úc châu, Canada, và nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ hiện diện. Trong kỳ Đại Hội này, vì chưa chuẩn bị được nhân sự cũng như tài liệu của Võ phái nên Đại Hội đã đề nghị một Nhóm Hoạt Động gồm tất cả các Võ Sư Giám Đốc đương nhiệm cùng với các Võ sư niên trưởng để hoàn chỉnh tài liệu cần thiết và chuẩn bị nhân sự để bầu một Ban Chấp hành chính thức cho Tổng Hội Võ thuật Thần Phong Thế Giới vào kỳ Đại Hội sớm nhất.

Hiện nay tài liệu đã xong nhưng nhân sự vẫn đang truy tìm. Kỳ Đại Hội Thần Phong sớm nhất có lẽ sẽ phải đợi đến Lễ kỷ niệm 50 thành lập Thần Phong do Thần Phong Úc châu tổ chức tại Melbourne, Australia. Rất mong có sự tham dự đông đủ của toàn thể huynh đệ đồng môn gồm các niên trưởng hiện tiền, khỏe mạnh. Tôi quan niệm, Thần Phong là của chung tất cả huynh đệ đồng môn, không là của riêng của bất cứ nhân sự nào, phe nhóm nào. Tất cả chúng ta đều có bổn phận và trách nhiệm ngang nhau trong việc bảo vệ thanh danh, truyền thống tốt đẹp và góp phần vào việc xây dựng một võ phái hùng mạnh chung quanh năm chữ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín và tinh thần “không bỏ anh em, không quên bạn bè” của người sáng lập. Tôi thường nói với tất cả huynh đệ đồng môn “Tất cả chúng ta ai cũng sẽ ra đi nhưng tinh thần Thần Phong phải được tồn tại với thời gian.”

Riêng bản thân tôi, để tạo sự chính danh và dễ dàng hướng dẫn Võ phái Thần Phong đi theo đà thăng tiến của Taekwondo Thế Giới, tôi trình luận án và thi 8 đẳng với Tổng cục Taekwondo Hoa Kỳ (USAT) nhân kỳ đại Hội Võ Thuật Thế Giới tổ chức tại Las Vegas từ ngày 22-25 tháng 2, 2011.

Lần thi này cũng là một thử thách vì Tổng Hội đòi hỏi tôi phải thi tất cả các môn như các cấp đẳng thấp. Tôi đã bỏ rất nhiều thời gian khổ luyện chuẩn bị cho kỳ thi. Rất may mắn tôi đã vượt qua được thử thách mà theo tôi nghĩ đó là thử thách cuối cùng cho đời võ nghiệp của tôi. Tôi đã vượt qua được thử thách với những lời ca ngợi và khích lệ từ Ban Giám Khảo. Sau khi thi đậu, tôi chính thức trở thành Commissioner thuộc Hội đồng Võ sư của USAT-MAC đặc trách Huấn Luyện Quyền Thuật bổ túc (poomsae seminar instructor) cho Tổng Hội. Trước đó, tôi cũng được bầu vào Hàn Lâm Viện Võ Thuật Hoa Kỳ 2004; Võ sư xuất sắc năm 2004-2005; Coaching Staff member của Hội Võ Thuật Hoa Kỳ năm 2005; Trọng tài trong giải World Cup (có 38 quốc gia tham dự) của hệ thống International Taekwondo Federation (ITF) tổ chức tại Orlando, Florida năm 2004; được bầu làm Giám đốc Taekwondo Texas từ 2005-2009.

Tôi thường dạy học trò của tôi “phải tự mình khổ luyện và bền tâm vững chí để đạt tới những thành quả trong đời”, tôi cố gắng bằng tất cả khả năng mình để đạt được những gì tôi có hôm nay; vì thế, tôi luôn luôn ngẩng cao đầu khi nói ra những lời khuyên nhủ mà không một chút lấn cấn trong tâm. Tất cả những thành quả đạt được cho bản thân cũng là do tinh thần Thần Phong mà có. Xin được khiêm nhường đưa ra cốt để làm gương sáng cho các môn đệ noi theo sau này và xin kính dâng lên hương hồn của vị sáng lập Võ phái Thần Phong, cựu Chuẩn tướng Lưu Kim Cương đã nằm xuống cho lý tưởng độc lập, tự do của toàn dân Việt Nam.

Kingwood, cuối tháng 4/2013

Xem thêm...