Ta đi ta nhớ quê nhà
Thụy Vũ
Hình: Quang Nguyen Vinh/Pexels)
Nhiều người thường lên mạng hỏi: khi sang Mỹ được phép mang theo những gì trong hành lý mà không gặp trở ngại với hải quan ở sân bay.
Thế nhưng, dù nhiều người trả lời (cũng trên mạng) rằng chỉ cần đem… tiền chứ ở Mỹ không thiếu món gì, ở Việt Nam có gì là bên Mỹ có thứ đó, chỉ sợ không có tiền mà mua thôi nhưng họ vẫn liệt kê ra hàng tá thứ cần đem theo sang Mỹ như: mì gói, tương ớt, gia vị, thuốc men, vật dụng cá nhân, quần áo… nhưng chủ yếu là thực phẩm.
Ở đây không bàn đến chuyện có tiền hay không có tiền, những món đồ ăn uống gì được hay không được phép mang từ Việt Nam sang mà là nhìn cách họ hỏi, người đọc cảm nhận được họ như muốn đem theo cả… quê nhà khi ra nước ngoài sinh sống, làm việc, một tâm lý thường thấy của những người chuẩn bị rời xa quê hương đến một xứ sở xa lạ.
Không chỉ những người mới sang Mỹ định cư, học tập hay làm việc mà nhiều người sang Mỹ sống đã lâu vẫn cảm thấy thiếu thốn hương vị của quê nhà dù xung quanh khu vực nhà họ ở đầy rẫy các chợ bán đồ châu Á và các nhà hàng bán món ăn của người Việt. Cũng không phải cuộc sống của họ khó khăn, eo hẹp gì đến độ không thể mua thoải mái đồ ăn thức uống của Việt Nam ở các chợ trên đất Mỹ hay họ không thể tự nấu các món Việt ngon lành ở nhà mà phải lấp đầy bao tử bằng những món ăn của người bản xứ. Tuy nhiên, đi ăn món Việt ở đâu, cho dù quán ăn đắt tiền, được bày biện bắt mắt, nhà hàng đẹp đẽ, nhân viên phục vụ nhiệt tình cỡ nào mọi người vẫn thấy thiêu thiếu một thứ gì đó khiến món ăn bớt đi phần nào hương vị. Tôi nhận ra đó là do mọi người vẫn chưa quên được quê hương xứ sở của mình, nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Nỗi nhớ ấy khiến mọi người hay so sánh về cách nấu, khẩu vị, thành phần, gia vị… của những món được ăn ở đây với lúc được ăn ở quê nhà.
Nói đâu xa, ngay cả khi mọi người tự nấu ở nhà chứ không phải đi ăn ở ngoài, thì vẫn với những tay nấu quen thuộc của nhà mình, vẫn cách nêm nếm cũ theo đúng khẩu vị của từng người trong nhà thì mọi người vẫn có lý do gì đó để so sánh (một cách vô tình chứ không cố ý). Họ cho rằng những món mình đang thưởng thức có cái gì đó không được như khi ăn ở quê nhà vào những ngày cũ như là thịt heo bên này nặng mùi hơn, rau củ (bầu bí, các loại cải, đậu) hay trái cây nhiệt đới (xoài, sầu riêng, chôm chôm, trái vải, thanh long, nhãn…) bên này ít ngọt ngào, đậm đà hơn hay bánh kem bên này thì quá ngọt, quá béo… Tôi thầm nghĩ, so sánh như vậy có phải là bảo thủ, là duy ý chí, thậm chí thiếu công bằng với nơi mình đang chọn là quê hương thứ hai của mình không?
Để cho khách quan và công bằng với nơi đang cưu mang mình, tôi hay tự AQ bằng cách đề cao ưu điểm của những thứ ngon lành ở đây như bò Mỹ thì siêu mềm, xà lách vừa tươi vừa nhiều chủng loại, rau củ tươi có thể để tủ lạnh hàng tuần không bị hư mà không sợ nhiễm độc vì các hoá chất bảo quản quá liều, các loại trái cây tốt cho sức khoẻ như blueberry, cranberry, cherry… có thể ăn thoải mái mà không lo ngại về giá hay chất bảo quản như khi mua ăn ở Việt Nam…
Món ăn Việt. (Hình minh họa: Quang Nguyen Vinh/Pexels)
Tâm lý của con người ta đôi khi thật khó lý giải và cũng không được phân minh cho lắm. Nó có thể khiến cho những cái sang cả trở nên tầm thường hay ngược lại, những điều bình thường trở nên đặc biệt , như cái câu:
“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”
(Thơ của Trần Tuấn Khải)
“Canh rau muống, cà dầm tương” toàn những món ăn dân dã, thậm chí được cho là món của con nhà nghèo chứ có phải đặc sản hay sơn hào hải vị gì cho cam nhưng khi đã trở thành hoài niệm, hiện diện trong nỗi nhớ của những đứa con xa quê lại trở nên lung linh, hấp dẫn, gợi thèm khôn tả.
Chẳng qua chỉ là ai ở đâu lâu ngày thì quen nơi đó thôi, nhưng cái tâm lý “đồ ăn từ quê nhà bao giờ cũng ngon hơn” (như một kiểu xác thực hương vị “authentic”) khiến những người có dịp về thăm quê hương là lại tay xách nách mang lỉnh kỉnh đủ thứ khi trở về Mỹ. Có khi không phải mình về mà chỉ cần nghe người quen có ai đó về thăm quê là lại nhờ vả, gửi gắm món này món kia để họ giúp mang qua. Mà thực ra, những món thôi thúc họ đem qua thường lại là những món bình dân, mộc mạc như cá khô, mắm, dưa, cà muối, măng khô, bánh tráng… Công bằng hay khách quan mà nói, những món người ta thích mua hoặc nhờ đem từ Việt Nam qua, tôi ăn ở đây không thiếu món nào mà thấy hình thức, hương vị cũng đâu thua kém gì. Có chăng là thiếu hai tiếng “quê nhà” được gửi gắm trong đó, thiếu những tình cảm ruột thịt, thiết thân của bà con, họ hàng, bạn bè từ quê nhà gói ghém gửi qua cho những người con tha hương.
Ngẫm rồi thấy thương những ai trót mang nặng những tình cảm lưu luyến với quê nhà. Vì nếu chẳng còn chút luyến lưu dư âm dư vị gì từ quê nhà, họ cũng sẽ dễ dàng quên mất cái nơi mình đã sinh ra và lớn lên như có người gọi một cách gay gắt là “mất gốc”. Những đứa trẻ mang trong người dòng máu Việt Nam nhưng sinh ra và lớn lên ở nước ngoài đương nhiên sẽ không có được những day dứt hướng về cội nguồn của mình như thế hệ ông bà hoặc cha mẹ của chúng hay những đứa trẻ được sinh ra ở Việt Nam. Chúng được nuôi nấng và lớn lên chủ yếu nhờ fast food và những món ăn giàu đạm, thừa chất béo của bản địa nên có khi chẳng biết đến những món ăn thanh đạm nhưng hao cơm như “canh rau muống” hay “cà dầm tương” nếu cha mẹ, ông bà chúng không cố gắng duy trì những món ăn truyền thống trong nhà mình như một cách nhắc bọn trẻ nhớ về và gìn giữ cội nguồn dân tộc Việt.
Trẻ con Việt Nam sinh ra hay lớn lên ở nước ngoài khi trưởng thành có biết hay còn nhớ gì về quê cha đất tổ hay không không chỉ nhờ vào nỗ lực gìn giữ các món ăn truyền thống của cha mẹ, ông bà trong những bữa cơm gia đình mà còn phụ thuộc vào cách họ gìn giữ nếp nhà, cách sử dụng tiếng mẹ đẻ cũng như lối sống, văn hóa và cách giáo dục con cái trong sinh hoạt hàng ngày.
Thụy Vũ (SGN)
Ngọc Lan sưu tầm