🍀♬♪🏮▒🎀 Diễn Đàn ▒❤️Góc Nhỏ Sân Trường🌺✨─🕊💃C H À O 🕊 M Ừ N G─quý khách, bạn bè, thân hữu gần xa🌍👪ghé thăm trang GNST hôm nay🍷─🍒▒🌈Không có hình ảnh nào tồn tại lâu dài bằng và không có kỷ niệm nào đã cho ta nhiều êm đềm và hạnh phúc mà đã đeo đuổi cả quãng đời của chúng ta bằng tình bạn🍃tình quê hương trong suốt những năm tháng dài dưới mái học đường.🌺Những kỷ niệm ấy cứ vươn lên trong những giấc mơ êm đềm dầu chúng ta có sống ở vùng đất nào đi nữa🌍🎀Chúc các bạn có một ngày mới nhiều niềm vui, may mắn,mạnh khỏe,hạnh phúc bên gia đình và người thân.🍒👍🎵
Những cụm mây xám lững lờ trôi rồi dường như hạ thấp xuống dần. Đầu óc tôi căng căng và quả tim buồn thổn thức. Tôi thấy tủi thân, mặc dù ai cũng nuông chiều tôi.
Tôi bị cái “chứng” ấy từ khi còn bé tí tị. Cứ mỗi khi bầu trời nằng nặng và u ám thì cái “chứng” ấy lại ve vãn tôi làm cho tôi tủi thân. Nó xúi dại tôi cứ khóc đi. Khóc thì nhẹ người lắm. Có một lần chợt thấy tôi một mình đứng dựa gốc cây xoan mà khóc, chị Bích Khuê ôm lấy tôi, an ủi: “Đứa nào bắt nạt em tôi! Thôi, đừng khóc nữa. Không ai bắt nạt được Chúc đâu. Chị bênh vực Chúc suốt đời.” Tôi không khóc nữa vì được an ủi thật, không phải vì lời chị nói nhưng vì cái ấm áp của chị ấp ủ lấy tôi. Cả đời tôi, những ngày mây xám bỏ bầu trời mà đè nặng xuống ngọn những rặng cây là tôi tủi thân và tôi buồn tôi khóc. Tôi chỉ nín và vơi đi cái buồn khi được một người phụ nữ ôm ấp, vỗ về, an ủi.
Bố tôi biết cái “chứng” ấy của tôi. Bố không gọi là bệnh, nhưng là “chứng.” Bố nói với mẹ: “Không nhớ là khi có mang Chúc, mợ ăn uống những gì, dưỡng thai ra sao mà Chúc nó bị cái “chứng” đa sầu đa cảm ngay từ bé thế này. Tội chưa! Lớn lên tha hồ mà đau khổ vì những chuyện không đâu.”
Hôm nay tôi cũng thấy quả tim thổn thức và tôi sắp khóc. Cái gốc cây xoan kia, mình dựa vào đấy mà khóc thì cũng thoả. Nhưng ngoài cổng bỗng nhiên có tiếng gọi: “Cậu bé kia ơi, ra đây cho tôi hỏi thăm tí nào!” Tôi nhìn ra thì thấy một bà đẹp lắm. Bà vấn khăn nhung, mặc áo dài cũng bằng nhung. Môi bà đỏ thắm, hình như mới nhai xong miếng trầu. Hai má bà cũng hồng hồng, chả biết là bà đánh má hồng hay miếng trầu nồng đậm khiến má bà hồng lên. Đôi mắt bà sáng như hai vì sao.
Hình như cái đẹp cũng chữa tôi khỏi bệnh hay sao ấy. Đầu tôi hết căng căng, quả tim tôi hết thổn thức. Tôi chạy nhanh ra cổng. Bà “đẹp” kia còn đứng bên ngoài hàng rào, đưa tay xoa đầu tôi rồi bẹo má tôi mà nói lẩm bẩm một mình: “Con cậu Chánh xinh giai đáo để.” Rồi bà bảo tôi: “Cháu vào thưa bố là có khách hỏi thăm.” Tôi vâng dạ rồi chạy nhanh vào nhà, suýt vấp chân vào ngưỡng cửa, vừa chạy vừa trình: “Cậu ơi… Cậu… Có cái bà đẹp nào ấy hỏi thăm cậu ở ngoài kia… kìa…” Bố tôi ôn tồn: “Thì cứ từ từ… Làm gì mà cuống lên thế? Ừ, thì đi ra với cậu, hỏi xem bà ấy cần gì.”
Rồi bố tôi lững thững dắt tôi ra cổng trở lại. Chân tôi nhảy cẫng lên mà bố tôi thì cứ thư thả như đi dạo. Bố tôi đấy, lúc nào cũng từ từ… từ từ…
Bà đẹp thấy bố tôi ra thì nhìn ông với tia mắt hơi ranh mãnh. Bố tôi khẽ cúi đầu, hỏi: “Thưa bà, bà cần gì?” Bà đẹp cười khanh khách: “Bà nào! Nhìn kỹ tôi xem.” Bố tôi nhìn kỹ rồi bỗng nhiên reo lên: “Bác Giáo! Bác Giáo! Thật là bác đấy à?” Bà đẹp cười và đáp (bây giờ với giọng nhẹ nhàng): “Thì tôi chứ còn ai nữa! Gớm! Vợ chồng tôi hỏi thăm, đi tìm cậu mợ mãi. Hôm nay mới gặp. Mợ ấy đâu?”
Bố tôi mở cổng đưa bác Giáo vào nhà. Tôi lũn chũn theo sau.
Bố mẹ tôi cắt nghĩa mãi mà tôi vẫn không hiểu rõ liên hệ họ hàng giữa gia đình bác với gia đình tôi ra sao. Cái đầu óc ngu ngơ của tôi khó mà hiểu được những gì có tính hệ thống. Cũng chính vì vậy mà sau này khi học môn Thân Tộc Học ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn do giáo sư Bửu Lịch giảng dạy, càng đọc sách của thầy tôi càng không hiểu, càng nghe thầy giảng, đầu óc tôi càng rối mù.
Đại khái bác Giáo và mẹ tôi có họ với nhau. Bác vai chị, mẹ tôi vai em. Bác Giáo là hoa khôi trong họ. Lớn lên, bác lập gia đình với ông giáo Khôi, họ Vũ Anh. Từ đấy người làng, người họ gọi hai bác là ông bà Giáo.
Người lớn hàn huyên với nhau. Bố tôi thì bình thản ngồi nghe, thỉnh thoảng đưa đẩy mấy câu một cách từ tốn. Còn bác Giáo và mẹ tôi thì lâu lây lại lấy vạt áo chậm nước mắt. Mấy đứa bé chúng tôi thì lấp ló đứng nhìn. Qua câu chuyện tôi biết gia đình bác cũng rời Hà Nội đi tản cư, nhưng không về quê mà lại sống ở thành phố Nam Định. Cuộc sống cũng có phần thong thả.
Nghe chán, tôi bước ra ngoài thì gặp chị Bích Khuê. Không chờ cho chị hỏi, tôi “báo cáo” ngay: “Bà đẹp ấy là bác em đấy. Tên bác ấy là Giáo.” Chị Bích Khuê cười, bảo tôi: “Chị nghĩ Giáo là cách người ta gọi bác ấy thôi, chắc bác ấy hay chồng bác ấy là giáo học đấy.”
Bác Giáo ra về sau khi cho chúng tôi mỗi đứa mấy hào. Chị Bích Khuê cũng được bác cho hào, nhưng chị lễ phép từ chối mà không nhận.
Khoảng một tuần sau, bác Giáo lại đến. Hôm ấy bầu trời cũng nằng nặng, mây xám cũng là đà gần ngọn rặng xoan, đầu tôi cũng căng căng, quả tim tôi cũng thổn thức, tôi cũng tủi thân sắp khóc và cũng đã nhìn thấy cái gốc cây xoan… Bác Giáo đến, mọi sự tan biến cả.
Lần này có thêm bác giai và chị Ngọc Quế, con gái hai bác. Bác giáo Khôi người to lớn, lời ăn tiếng nói cũng to lớn. Bác ấy mà dạy học thì chắc học trò chết khiếp. Ấy thế mà trong câu chuyện của người lớn với nhau, tôi lại biết tính bác rất hiền và nuông học trò. Còn chị Ngọc Quế thì đẹp lắm. “Chị đẹp như cây quế!” Tôi cứ nghĩ thế dù không biết cây quế nó như thế nào.
Chà! Thật là khó khi so sánh hai chị Bích Khuê và Ngọc Quế xem chị nào đẹp hơn chị nào. Chị Bích Khuê đẹp thanh tao với dáng người mảnh mai, còn chị Ngọc Quế đẹp quý phái từ khuôn mặt cho đến điệu đi dáng đứng. Nhưng tôi không mất thì giờ so sánh lâu vì còn mải sung sướng vì có những cô chị đẹp như tiên giáng thế.
Hôm nay ba ông đàn ông nhắm rượu với nhau. Bác Giáo Khôi đem rượu đến. Bác bảo rằng rượu cất từ làng Hoàng Mai. Ông Hồng Châu, bố chị Bích Khuê vừa uống vừa hết lời xưng tụng thứ rượu quý. Bố tôi không nói gì, nhưng vừa uống vừa gật gù ra chiều tán thưởng. Thức nhắm chỉ có lạc rang, bánh đa và mấy bìa đậu phụ mộc chần nước sôi chấm mắm tôm. Thế mà ba ông có vẻ thích thú lắm.
Cánh phụ nữ vào trong bếp, gồm có bác Giáo gái, mẹ tôi, bà Hồng Châu, chị Bích Khuê, chị Ngọc Quế. Chị Liên phải bế em Nga ra vườn vì chả biết sao hôm nay em quấy lắm, thế là không được dự phần làm bếp. Anh Ngọc xin phép ra trước cửa chơi với mấy trẻ hàng xóm. Anh Tuấn vào nhà xứ giúp việc các cha. Mỗi người bận một việc. Việc tôi bận là đi theo chị Bích Khuê. Thế là tôi lọt vào trong bếp, ngồi thu lu một chỗ không dám làm quẩn chân người lớn.
Mẹ tôi bảo: “Hôm nay bà chị phải dạy cho chúng em và hai cháu đây nấu nồi bún thang cho ngon nhé. Cháu Quế ở gần mẹ, chắc cũng học được tí chút rồi, phải không?” Bác giáo nhìn chị Ngọc Quế rồi mắng yêu: “Nào có học được gì. Suốt ngày cái bút, quyển sách. Mà cứ buông ra thì lại gương với lược. Làm dáng thế mà chả biết có cậu nào bằng lòng bưng đi không!” Chị Ngọc Quế nghe thế thì cũng không thẹn thò gì, chỉ phản đối lấy lệ: “Ứ ừ, mẹ cứ nói thế. Con cũng biết bếp núc chứ. Với lại con chẳng muốn lấy chồng. Ở nhà để bố mẹ chiều thích hơn…”
Mẹ tôi can thiệp một cách nhẹ nhàng: “Tuần trước bác dặn em sắm những gì, em tuân lời, hôm nay đủ cả.”
Bác Giáo kiểm kê các thức, kỹ càng như nhà gái kiểm lễ vật của nhà trai hôm đám cưới. Xong xuôi, bác “phán”: “Đủ cả, mợ chu đáo thật… Nhưng còn thiếu cái món này…” Thế rồi bác mở cái làn vẫn xách theo bên mình, lấy ra một nắm nhỏ gói bằng lá sen. Dưới đôi mắt nhìn một cách lạ lùng của mẹ tôi, bà Hồng Châu, chị Bích Khuê và chị Ngọc Quế, bác Giáo mở lá gói, một nắm nhỏ chất gì hồng hồng xam xám mềm mềm lộ ra. Bác cắt nghĩa: “Đây là bí quyết làm cho nồi bún thang ngon, nước dùng ngọt đậm đà mà lại thanh thanh…”
Chị Bích Khuê bạo dạn hỏi: “Bẩm bà, gì thế ạ?” Bác Giáo cắt nghĩa: “Đây là những con sá sùng. Nó có nhiều tên lắm, có những tên nghe đến phát khiếp, nhưng tôi thích gọi nó bằng cái tên “địa sâm.” Nó có một chất ngọt kỳ diệu mà ai đã được mếm một lần sẽ không quên được. Tuy nhiên, cách làm nó để ra một món ăn thì công phu lắm, phải bỏ thì giờ nhiều và cần một đôi tay quen làm những việc tỉ mỉ. Bằng không những hạt cát vẫn còn lẫn trong mình nó thì không ăn được. Nguyên nó sống ở bãi biển, nằm sâu trong lòng cát. Bắt sá sùng phải đào những lỗ thật sâu thì mới bắt được. Tôi phải làm sẵn ở nhà rồi đem lại đây. Ở Nam Định, tôi dò la thì biết mấy hiệu phở nổi tiếng họ nấu nước dùng bằng xương bò nhưng cũng có cho thêm sá sùng vào. Bát phở ngon nhưng đắt hơn bát phở ở những hiệu bình thường rất nhiều.”
Thế rồi, bác Giáo như một vị nữ tướng điều binh, bác cắt đặt mỗi người một việc. Mà không cắt đặt như thế không được, vì chỉ riêng nước dùng thôi đã là bốn nồi. Một nồi luộc gà lấy nước. Một nồi luộc xương lợn; xương được tẩy hết mùi oi, chần qua nước sôi rồi sau đó mới cho vào nồi mà ninh. Một nồi luộc đầu tôm he đã rang khô với tôm khô, cho thêm một ít mực khô nướng và vài ba sợi râu mực. Còn sá sùng thì ninh một nồi riêng. Đích thân “nữ nướng” chăm sóc những nồi nước dùng này. Bác nói: “Nhát nữa, mình pha những thứ nước dùng này với nhau mới thành nồi nước dùng chính thức chan vào bát bún thang.” Vừa luộc gà, bác vừa căn dặn mẹ tôi: “Mợ nhớ cho gà vào nồi luộc, đến khi sôi thì cho vào nửa thìa đường, một thìa muối và hành khô, thêm gừng đã nướng thơm, hạ nhỏ lửa để gà chín thấu bên trong. Sau đó vớt gà ra để nguội, dùng tay xé thịt ức thành sợi nhỏ. Còn da gà thì dùng dao sắc mà thái thành sợi lớn hơn.”
Trong khi đó mẹ tôi được bác cắt cho việc làm trứng tráng. Hai cái lòng đỏ trứng gà trộn lẫn với một cái lòng đỏ trứng vịt. Đánh cho đều rồi đổ vào chảo tráng thật mỏng. Tráng xong lấy ra thật khéo, nhẹ nhàng cuộn lại lỏng tay rồi lấy dao sắc thái chỉ. Làm xong trứng thì mẹ tôi thái giò lụa cũng thành sợi thật nhỏ. Sau đó mẹ giã tôm he đã rang khô cho tơi làm thành ruốc tôm.
Hai chị Bích Khuê và Ngọc Quế phụ trách việc làm rau: Hành chần để cả cây, rau mùi ta và rau răm thái nhỏ. Bác Giáo dặn hai chị không dùng rau húng vì vị nó mạnh quá, làm hỏng cái thanh tao của bát bún thang. Bác cũng dặn hai chị phải nhớ có củ cải phơi khô cho héo. Hai chị còn phải chuẩn bị bún nữa. Chỉ là thứ bún rối thôi, nhưng sợi bún vừa phải, không cứng mà cũng không quá mềm. Hai chị nhất nhất làm theo dưới sự giám sát của bà Hồng Châu, bà vừa giám sát vừa học hỏi. Nhưng chị Ngọc Quế nhìn thì quý phái mà tinh nghịch lắm. Con gà luộc vừa chín tới, được vớt ra, đặt vào một cái đĩa sứ để trên bàn; chị Ngọc Quế đợi lúc bác Giáo vừa quay đi là ngồi bệt xuống sàn bếp, hai chân xếp sang một bên, chắp hai tay đưa lên cao rồi lạy. Về sau tôi hỏi thì hoá ra chị bắt chước bác Giáo, mỗi khi nhà có cúng, giỗ thì có con gà bày trước bàn thờ gia tiên, bác Giáo ngồi bệt dưới sàn mà lạy bàn thờ. Chị Ngọc Quế lạy dẻo lắm. Khi nghe chị Bích Khuê và tôi phì cười thì bác Giáo quay lại. Chị Ngọc Quế đã đứng lên rồi, đang rất chăm chỉ thái rau. Bà Hồng Châu thì không mách tội tinh nghịch của chị Ngọc Quế.
Khi bác Giáo hỏi đến cà cuống và mắm tôm thì bà Hồng Châu nhanh nhẹn thưa: “Hai món này em có sẵn lắm, để trong chạn đây.”
Tất cả đã sẵn sàng. Gần một chục cái bát chiết yêu được bày ra. Những cái bát này được làm bằng sứ trắng ngần, mỏng tanh, vẽ hình một ông lão râu dài, một tay cầm quả đào to, một tay chống gậy, đứng dưới bóng cây tùng cổ thụ. Bộ bát chiết yêu này là bảo vật của gia đình tôi. Đi tản cư mà bố mẹ tôi vẫn cố gắng đem theo. Mỗi lần có khách quý, bố tôi lại dặn mẹ tôi đem bộ bát “tùng-đào-già” ra dùng.
Bốn nồi nước dùng đã được bác Giáo hoà chung với nhau theo một tỉ lệ cũng bí truyền, giờ bác cho mẹ tôi, bà Hồng Châu và hai cô thiếu nữ biết. Bún được lót trong lòng bát, chỉ quá phần thắt nhỏ lại của cái bát chiết yêu một chút. Bác Giáo chan nước dùng vào, thận trọng như cử hành một nghi thức tôn giáo. Bên trên, bác bảo hai cô thiếu nữ rắc rau thơm thái nhỏ rồi bày hành chần, giò lụa thái chỉ, trứng tráng thái chỉ, thịt gà xé nhỏ, da gà thái chỉ thành một vòng tròn. Giữa vòng tròn là một nhúm nhỏ ruốc tôm he. Bát bún thang với đầy đù màu sắc hoà hợp bốc khói thơm nghi ngút. Hai cô thiếu nữ thận trọng bưng cái khay, trên đó chỉ có một bát bún thang lên nhà trên. Vì mỗi lần khay chỉ có một bát bún thang thôi nên hai cô phải lên nhà trên, xuống nhà bếp mấy lần. Cái bàn xếp đầy những bát bún thang thơm, ngon và đẹp. Bên cạnh đó là hai bát nhỏ mắm tôm, hai ba đĩa củ cải ngâm, một đĩa ớt quả xắt nhỏ, đỏ thắm như son và lọ cà cuống có cắm một cái tăm.
Tất cả yên vị. Bố tôi dâng lời kinh nguyện. Gia đình bác Giáo và gia đình ông bà Hồng Châu ngồi nghiêm chỉnh “thông công.”
Bắt đầu bữa ăn mọi người cùng thận trọng nếm từng thìa nước dùng, gắp chút bún lẫn với những “phụ tùng” bên trên, sau khi đã cho vào bát chút mắm tôm và chấm vào một tăm cà cuống. Tất cả cũng lại nghiêm chỉnh như cử hành một nghi thức tôn giáo. Nhưng lưng chừng bữa ăn, không khí bắt đầu vui vẻ, cởi mở hơn. Đánh bạo, tôi hỏi bố: “Cậu ơi, tại sao lại gọi là bún thang hở cậu?” Bố tôi cười, trả lời: “Con nhà thầy thuốc mà lại hỏi như thế. Chúc có thấy bát bún thang giống như một thang thuốc cậu cắt cho bệnh nhân không? Thang thuốc có nhiều vị thuốc trộn chung với nhau, còn bát bún thang thì có rất nhiều món bày biện cạnh nhau, hoà hợp với nhau.” Bố tôi giảng cho tôi nhưng cũng là giảng cho tất cả các con cháu.
Bác Giáo Khôi, vì là ông giáo nên lắm chữ nghĩa. Bác giảng thêm: “Cậu Chánh nói thật đúng. Tuy nhiên cũng còn một cách khác giải nghĩa chữ “thang.” Theo Hán ngữ, “thang” có nghĩa là “canh.” Vua quan hay những nhà giàu có ngày xưa sau một bữa tiệc ê hề rượu thịt thì được nhà bếp bưng lên cho một bát “thang” để ăn cho nó nhẹ bụng. Bát thang ấy nấu cầu kỳ lắm nên người mình cũng gọi thứ bún cầu kỳ này là bún thang. Ấy là bát bún hôm nay còn thiếu món nấm đông cô và quả trứng muối. Hai món này nhiều nhà dùng tới, nhưng bà nhà tôi cảm thấy nó nặng nề sao ấy nên lược đi mà không cho vào.”
Thế là chúng tôi được học thêm một bài học về ngôn ngữ.
Bác Giáo gái nhìn mọi người ăn uống ngon lành, có vẻ mãn nguyện. Bác nói: “Cái món bún thang này rất đặc biệt và cầu kỳ, thỉnh thoảng mới nấu một lần. Thế mà có người lại cho rằng món này nấu vào những ngày đốt tết, bao nhiêu thức ăn ngày tết còn thừa lại thì dồn vào mà nấu. Nói như thế là “phạm thượng” với thần khẩu và không biết điều với các bà nội trợ, những người xem hạnh phúc của mình là làm những món ăn ngon và cầu kỳ cho chồng con thưởng thức. Vả, tục ngữ ta cũng có câu “đầu năm ăn cuốn, cuối năm ăn thang” chứ đâu phải ăn món này vào những ngày đốt Tết.”
Mẹ tôi và bà Hồng Châu thì cứ xuýt xoa khen nước dùng thơm ngon quá và hết lời cám ơn bác Giáo gái đã truyền cho bí quyết nấu nước dùng này.
Ông Hồng Châu vốn là nhà thơ, ứng khẩu đọc hai câu lục bát:
“Thu về dùng bát bún thang,
Ngon sao ngon đến ngỡ ngàng miệng ai.”
Rồi ông hỏi: “Xin hỏi ông Chánh với lại ông Giáo, cái thứ làm cho món nước dùng ngon đến ngỡ ngàng miệng tôi lại có cái tên lạ lùng là “sá sùng.” Cái tên này ở đâu mà ra vậy?”
Trong khi bác Giáo Khôi gãi cằm tìm cách trả lời thì bố tôi đã nói: “Thực ra tên chữ Hán của nó là “sa trùng,” người mình đọc theo âm người Tàu họ nói là “sá sùng.” Sa là cát, trùng là các loại hình thể như con giun. Thành ra sá sùng, sa trùng là loài giun biển, chui dưới cát biển mà làm tổ.”
Cả ông Hồng Châu và bác Giáo Khôi đều đồng loạt nói: “À, ra thế!”
Ông Hồng Châu góp chuyện: “Tôi thì nghe nói cái thứ sá sùng này bổ dương, tốt cho quý ông. Có phải không ông Chánh?” Chả bố tôi là đông y sĩ mà.
Bác Giáo Khôi cười, nói to: “Cậu Chánh nhà tôi thì cần gì cái thứ sá sùng này. Nhà thầy thuốc, thiếu gì những vị bổ dương. Mợ Chánh nhỉ!”
Mẹ tôi xấu hổ đỏ hồng đôi má. (Lúc ấy tôi chả biết tại sao mẹ tôi xấu hổ.)
Bác Giáo gái nói: “Ông Giáo nhà tôi hôm nay nhắm rượu lại ăn bát bún thang có sá sùng nên nói năng tếu táo. Xin ông bà Hồng Châu với cậu mợ Chánh tha lỗi cho.”
Tôi thì chả để ý gì đến cái con sá sùng, sa trùng huyền bí, bổ lung tung kia, vì cứ để ý nhìn hai cô chị xinh đẹp. Chị Bích Khuê thì lim dim hai mắt, hình như chị nhắm mắt ngẫm nghĩ đến cái ngon, cái dịu, cái thanh, cái đẹp của bát bún thang. Chị Ngọc Quế thì hai mắt sáng long lanh, đôi má đỏ au còn miệng thì xuýt xoa khe khẽ vì chị vừa cắn phải (hay là chị cố ý, tôi không biết) một khoanh ớt đỏ như son, vị cay làm cong đầu lưỡi thanh xuân.
*
Sau bữa bún thang ấy cho đến nay, gần bảy mươi năm qua, chưa bao giờ tôi được ăn một bát bún thang ngon như thế, trong một bầu không khí thân mật, ngất ngây như thế.
Chiến cuộc khiến chúng tôi xa cách nhau. Rời quê hồi cư Hà Nội, gia đình tôi không gặp gia đình chị Bích Khuê, nhưng khi vào Nam đôi lần tôi loáng thoáng thấy chị mặc áo dài bằng lụa mỡ gà đi trên đường phố Sài Gòn. Hay là ông nhà thơ Nguyên Sa viết bài thơ “Áo Lụa Hà Đông” vì nhìn thấy chị Bích Khuê tôi:
“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát,
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.”
(Mà tôi nhận vơ như thế thì đã sao!)
Thế rồi tôi bặt tin chị. Chị Bích Khuê à, chị có nhớ ngày xưa, lâu lắm rồi, chị đã hứa với một đứa bé mắc “chứng” tủi thân hay khóc là “chị bênh vực Chúc suốt đời” không? Em bây giờ bị cuộc đời bắt nạt nhiều lần, sao chị không bênh vực em? Hay chị mải nấu bún thang cho một cái miệng phong lưu nào đó thưởng thức và quên mất đứa bé hay tủi thân này?
Còn gia đình bác Giáo Khôi thì vào Nam, cũng ở Sài Gòn. Hai gia đình chúng tôi đi lại thăm nom nhau cũng thường. Một ngày kia, bác Giáo gái đến nhà tôi, dẫn theo chị Ngọc Quế. Mặt chị buồn trông đến não lòng, khuôn mặt chị trắng hơn bình thường còn đôi môi hồng dường như nhợt nhạt. Bác Giáo vào gian bên trong vì gian ngoài là phòng tiếp bệnh nhân của bố tôi. Trong khi chờ bố tôi tiếp xong người khách, hai mẹ con ngồi im lặng không ai nói với ai câu nào.
Khi bố tôi xong việc, bước vào gian trong thì bác Giáo nói với bố tôi một cách nghiêm nghị: “Đấy! Cháu cậu đấy! Cậu liệu mà dạy nó.” Rồi bác kể đầu đuôi câu chuyện. Bố tôi được tiếng là người nghiêm nghị nhất họ nên nhà nào có con cháu cần răn bảo cũng đều đem lên nhà bố tôi.
Tôi biết tò mò là điều rất xấu mà sao vẫn cứ quanh quẩn gần đấy để nghe lóm chuyện. Đại khái thì chị Ngọc Quế yêu một thanh niên kia mà theo lời bác Giáo thì cậu ấy không xứng đáng với chị. Trong khi hai bác sắp xếp cho chị một chỗ khác “rất xứng đáng” để chị nâng khăn sửa túi cho người ta thì chị không bằng lòng.
Bố tôi làm mặt nghiêm, lạnh lùng hỏi chị mấy câu. Chị lí nhí trả lời những gì tôi không nghe rõ. Đợi cho bác Giáo xuống bếp chuyện trò với mẹ tôi, bấy giờ bố tôi mới ân cần nói với chị một cách hiền từ: “Nếu cháu thực lòng yêu người ta, yêu đến độ dám đánh đổi tất cả những gì cho một tương lai an nhàn sung sướng thì cậu cũng khuyên cháu nên trung thành với người ta. Cậu sẽ tìm lời thưa chuyện với bố mẹ cháu. Chỉ có điều… chỉ có điều cháu là thân con gái, liệu mà giữ gìn…” Chị Ngọc Quế vâng dạ mà khuôn mặt vẫn buồn lắm.
Nhìn chị, tôi chỉ mong chị được vui tươi, hạnh phúc mãi. Tôi nhớ đến khuôn mặt chị hôm ba gia đình dùng bữa bún thang: mắt chị lấp lánh như sao, hai má hồng lên, đôi môi mọng đỏ xuýt xoa. Chị hạnh phúc và đẹp một cách nồng nàn.
Tôi không biết những quả ớt của cuộc đời có làm cho chị Ngọc Quế tôi nếm vào mà thấy hạnh phúc không.
Trong cuộc đời ngắn ngủi chỉ 28 năm của nhạc sĩ Dzũng Chinh, ông để lại rất ít tác phẩm, nhưng đều là những ca khúc bất hủ, được đánh giá là tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng, trong đó nổi tiếng nhất là bài Những Đồi Hoa Sim phổ từ thơ Hữu Loan.
Cùng với tiếng hát Phương Dung vào những năm đầu thập niên 1960, bài hát Những Đồi Hoa Sim của nhạc sĩ Dzũng Chinh đã đạt tới được những kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Không có thống kê chính thức về số lượng phát hành, nhưng nhiều người kể lại rằng dĩa nhựa có bài hát Những Đồi Hoa Sim với tiếng hát Phương Dung (1 dĩa có 4 bài) của hãng Asia Sóng Nhạc có thể xem là dĩa bán chạy nhất từ trước đến nay. Từ thành công của Những Đồi Hoa Sim, ngay sau đó có thêm nhiều ca khúc khác nhắc đến loài hoa sim tím được ra mắt.
Năm 1949, tại Thanh Hóa, từ nỗi đau đơn vô cùng vì mất đi người vợ yêu thương, nhà thơ Hữu Loan sáng tác một bài thơ mang tên Màu Tím Hoa Sim. Khi đó ông làm thơ là để cho riêng mình, cho nỗi đau không thể diễn tả bằng lời, và có lẽ là lúc đó ông cũng không thể ngờ được rằng tác phẩm của mình lại được yêu thích nhiều đến như vậy suốt hơn 70 năm qua.
Dù ở nơi mà bài thơ được sáng tác, bài thơ bị coi là thứ văn chương ủy mị, tác giả đã bị kết tội và bị kỷ luật, nhưng những vần thơ lay động lòng người đó vẫn được truyền đi rộng rãi trong công chúng bằng những bản chép tay, vào đến miền Nam, rồi sau đó được hàng loạt nhạc sĩ phổ nhạc, nổi tiếng nhất là nhạc sĩ Phạm Duy với bài hát Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, và nhạc sĩ Dzũng Chinh với Những Đồi Hoa Sim.
Ngoài ra nhạc sĩ Duy Khánh và Song Ngọc cũng có phổ nhạc cho bài thơ này, cùng lấy tên bài hát trùng tên với bài thơ là Màu Tím Hoa Sim, nhưng ít được biết đến hơn. Nhạc sĩ Hồng Vân cũng dựa vào câu chuyện đồi sim của Hữu Loan để viết thành ca khúc Chuyện Người Con Gái Hái Sim. Ngoài ra, sau năm 1975 nhạc sĩ Anh Bằng đã phổ thành ca khúc mang tên Chuyện Hoa Sim cũng rất được yêu thích với giọng hát Như Quỳnh.
Đối với bài Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, dù nhạc sĩ Phạm Duy đã bắt đầu phổ nhạc ngay từ thời điểm bài thơ vừa mới ra đời, nhưng phải đến năm 1971 thì bài hát mới được phát hành. Vì vậy có thể nói Những Đồi Hoa Sim của nhạc sĩ Dzũng Chinh là bài hát nhạc vàng đầu tiên nhắc đến hoa sim.
Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt. Vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai.
Mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến. Ai hẹn được ngày về rồi một chiều mây bay. Từ nơi ᴄhᎥếп trường Đông Bắc đó, lần ghé về thăm xóm hoàng hôn tắt sau đồi.
Những chiều hành quân ôi những chiều hành quân tím chiều hoang biền biệt. Một chiều rừng mưa được tin em gái mất chiếc thuyền như vỡ đôi. ...
Không như bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy đã bám sát theo từng câu thơ của thi sĩ Hữu Loan để phổ nhạc, nhạc sĩ Dzũng Chinh chỉ mượn ý thơ, mượn hoa sim và chuyện tình bi thương có thật vào thời chiến để sáng tác ca khúc đã trở thành một trong những bài nhạc vàng tiêu biểu và nổi tiếng nhất.
Sau năm 1975, Những Đồi Hoa Sim luôn nằm trong danh sách bài hát bị cấm suốt 45 năm. Đến năm 2020, bài hát này bất ngờ được cấp phép hát chính thức ở trong nước. Nhưng dù bị cấm hay không thì Những Đồi Hoa Sim vẫn luôn luôn được yêu mến suốt gần 60 năm qua.
Nhạc sĩ Dzũng Chinh tên thật là Nguyễn Bá Chính, sinh năm 1941 tại Nha Trang. Năm 1965, ông vào quân ngũ, theo học khoá Hạ sĩ quan trừ bị tại trường Hạ sĩ quan Đồng Đế – Nha Trang, sau đó là khóa Sĩ quan đặc biệt và tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn uý trừ bị. Giữa năm 1968, ông được thăng cấp Thiếu uý. Cuối tháng 2 năm 1969, Trung đội ông có nhiệm vụ chốt ở chân núi Chà Bang, Ninh Phước và hy sinh tại đây vào ngày 1/3/1969 khi mới 28 tuổi.
Trong cuộc đời ngắn ngủi đó, dù sáng tác không nhiều, tuy nhiên chỉ với những ca khúc như Những Đồi Hoa Sim, Tha La Xóm Đạo, Lời Tạ Từ và Đêm Dài Chưa Muốn Sáng, tên tuổi nhạc sĩ Dzũng Chinh xứng đáng có một vị trí trang trọng trong dòng nhạc vàng.
Có một điều có lẽ ít người để ý đến, đó là nhạc sĩ Dzũng Chinh đã qua đời cách đây trên 50 năm (1969), là đã quá thời hạn bảo hộ tác quyền nếu chiếu theo công ước Bern. Công ước có giá trị tầm quốc tế này quy định thời hạn bảo hộ bản quyền tác phẩm văn học – nghệ thuật sẽ là suốt cuộc đời của tác giả cộng với 50 năm sau khi tác giả qua đời. Điều đó có nghĩa là từ năm 2019 đến nay, những ca khúc bất hủ kể trên của nhạc sĩ Dzũng Chinh sẽ thuộc về tất cả mọi người, ai cũng có quyền hát, thu âm và thậm chí là kinh doanh mà không cần phải trả tiền tác quyền.
Gần 40 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ gương mặt trái xoan của chị họ tôi. Chị đẹp, hát hay, khéo tay, nói năng vui vẻ. Bởi vậy chị có bao nhiêu chàng theo đuôi mỗi khi ra đường. Nhớ có lần tôi đi nhà thờ với chị. Đột nhiên chị bảo tôi, “Chờ chút!”
Chị quay ngược lại phía sau bảo một “cái đuôi”, “Anh làm ơn đừng đi theo tôi nữa. Có được không?” Tôi như con ngố nghĩ thầm, “Làm sao mà chị biết có người đi theo? Mà anh kia đi theo chị làm chi vậy?” Tôi chẳng biết chị đẹp có tiếng trong vùng. Tôi chỉ biết chị làm gì cũng đẹp. Chị bó rau muống bằng lá mía. Bó rau của chị nhìn to và xanh mướt. Chị làm bánh mứt thật ngon với những thứ rẻ tiền như khoai, dừa, thơm, tắc. Chị sửa áo dài của mẹ chị thành cái áo đầm dễ thương. Chị tự cắt tóc loà xoà trên trán và dùng những chiếc đũa làm những lọn tóc xoăn rơi xuống bờ vai…
Biết thân phận con nhà lý lịch hạng thứ 13 bởi cha đi tù cộng sản, chị nộp đơn thi Cao đẳng sư phạm. Vậy mà vẫn không được đi học dù đủ điểm đậu. Chị ở nhà phụ mẹ bán xôi một năm. Rồi chị bị bịnh trầm cảm. Nhớ lần cuối cùng tôi gặp chị. Chị nằm yên lặng trên nền gạch bông trong phòng hơi tối nhưng mát. Mẹ chị bảo chị đang ngủ. Đầu tháng 6, 1985, tôi rời Tam Kỳ vào miền Nam nắng nóng. Cuối tháng 8, một người bạn đến thăm. Trước khi ra về, bạn báo tin chị đã tự vẫn. Năm ấy chị mới 19 tuổi… Bạn về, tôi ngẩn ngơ không tin đó là sự thật. Và tận đến bây giờ, trong những giấc chiêm bao, tôi vẫn thấy chị nhoẻn miệng cười vui vẻ với tôi.
Rất lâu tôi không về thăm Tam Kỳ. Dường như mọi thứ đã chìm sâu trong dĩ vãng. Những kỷ niệm đã bị chôn vùi dưới những bề bộn lo toan của cuộc sống. Tôi chẳng có thì giờ để chơi facebook gặp nhau với ai cả. Những ngày tết mới gọi điện thoại thăm một vài cô bạn thân.
Năm 2015 bạn bè Tam Kỳ liên lạc với tôi và rủ về họp lớp. Vì được báo trong thời gian quá ngắn, tôi không thể về được. Bạn bè thương tình gởi cho hình ảnh bạn bè ngày xưa họp mặt vui nhộn. Thế là những kỷ niệm ngày xưa lại ùa về. Rồi hình ảnh của chị lại hiện ra, rồi lại nhớ. Một ngày Tháng Mười 2015, dầu rất bận rộn với công việc ở chỗ làm nhưng chẳng biết tại sao tôi lại nhớ chị đến lạ. Không ngăn được nước mắt, khóc mấy lần….
Rồi một giai điệu cứ lẩn quẩn trong đầu. Phải viết ra, phải hát thành tiếng. Và tôi đã viết bài Nhớ Tam Kỳ như vậy đó. Viết xong thì gởi cho chị em tôi, các anh họ và một vài người bạn thân trong nhạt nhòa nước mắt.
NHỚ TAM KỲ
Nơi phương xa, nhớ về Tam kỳ.
Nhớ dòng sông lượn lờ, nam thị xã
Nhớ hàng xưa, xinh xắn dáng em ngoan,
Tay lùa hoa vàng, vương trên tóc mai
Bao năm qua, nhớ hoài giờ tan trường.
Đường Nguyễn Du tung tăng đàn bướm trắng
Em thơ ngây, đạp xe đi trên phố
Nét hồn nhiên, cho ai đứng ngu ngơ
Chiều Phường Một, em đùa vui trong nắng
Ai làm thơ, mơ dáng em hiền.
Em ra đi, lúc mùa thu về
Cúc vàng thôi buông, ban công Huỳnh Thúc Kháng
Tôi chia tay Tam kỳ, sân ga vắng
Lá bàng đong đưa, dường như em vẫy tay.
Chị ra đi vào tháng 7, nhưng đến cuối tháng 8 tôi mới biết tin. Vì vậy trong đầu tôi lúc nào cũng nhớ là chị đã ra đi vào mùa thu. Mấy năm trước đó, anh của chị tìm được ở đâu mấy nhánh cúc vàng đem về trồng dọc theo lan can trên lầu nhà chị. Mùa thu hoa vàng nở đầy trên những mắt lá rũ xuống khỏi lan can gần cả thước. Bao nhiêu cái đầu ngoái nhìn chuỗi cúc vàng buông lơ lửng trong nắng gió thu trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Chị đi rồi hình như hoa cũng không còn nữa. Nhớ lần chị đi chụp hình trong Phường Một với bạn bè và cho tôi xem những tấm hình vui tươi hồn nhiên của chị. Một trong những tấm hình của chị được làm hình mẫu đăng trong một tiệm chụp hình ở Tam Kỳ hồi đó. Có lẽ những hình ảnh đó đã gợi cho tôi ý tưởng để viết bài hát “Nhớ Tam Kỳ”.
Dầu hát không hay lắm nhưng năm 2017 tôi nhờ đứa cháu đàn để hát thu lại. Đang hát thì nghẹn lại không hát được. Đứa cháu không biết tiếng Việt nên không hiểu nội dung bài hát. Nó phải dừng lại mấy lần vì không biết tại sao tôi khóc. Nó hỏi, “Dì có sao không vậy?” Tôi kể cho nó nghe về chị họ tôi. Có lẽ nó hiểu một chút nên đổi lại hoà âm khúc mở đầu nghe có vẻ xa lắng hơn. Tôi để bài hát lên YouTube và gởi cho bạn bè Tam kỳ nghe. Một người bạn nhắn tin, “… Về lại Tam Kỳ một lần đi nhỏ à. Về thăm mộ Bé, gặp lại Tam Kỳ, nhìn đất nhìn người . . . Nhiều năm ở xa, có khi rất nhớ, như có điều gì missing and incomplete. Khi về, chạm lại đất xưa, gặp người gặp mình, sẽ thấy whole again.” Lừng chừng mãi và cuối cùng tôi cũng mua vé để về thăm Tam Kỳ năm 2020. Nhưng Covid tới. Thế là chuyến đi bị huỷ bỏ dường như là vĩnh viễn.
Năm 2022 gặp lại một cô bạn học cùng lớp. Bạn kể về bạn bè những năm tôi xa Tam Kỳ. Ký ức lại quay về rõ ràng như thể chuyện xảy ra hôm qua. Bạn nhắc lại con đường nhà tôi ở ngày xưa và dĩ nhiên là có chị. Tôi nhớ ngày xưa chị có bao nhiêu người theo đuổi và có một vài người trong số đó bây giờ vẫn còn nhớ đến chị. Và cũng trong năm 2022 cậu con trai tôi học đàn bài “A Comme Amour”. Tôi nghe thích quá mà không tìm thấy lời Việt nên ngẫu hứng viết lời Việt cho bài đó và đặt tên là Niềm Nhớ.
Cứ nghe nhạc là lời tuôn ra. Dường như những câu chuyện về chị đã xuất ra thành lời. Tôi cũng có tập tành viết lời Việt cho một vài bài Thánh ca nhạc Mỹ tôn vinh Chúa. Thường thì những bài đó tôi viết rất lâu. Có bài viết đến vài tháng. Nhưng tôi viết bài “Niềm Nhớ” rất mau. Viết mau đến nỗi cứ tưởng mình nhớ bài này ở đâu. Tôi phải hỏi bác Lâm Viên và cô Vĩnh Phúc để biết chắc là bài “A Comme Amour” không có lời Việt. Cô Vĩnh Phúc đã gởi cho cái link hát bằng tiếng Pháp. Thế là tôi hát chồng lên đó để thu bài “Niềm Nhớ”.
Dầu biết rằng, đã có bài “Niềm Nhớ” của Trịnh Nam Sơn, tôi vẫn muốn đặt tựa đề của bài hát như vậy. Phải! Đó là những niềm nhớ của tôi và những người biết về chị đã nhớ chị, một người đẹp của Tam Kỳ đã ra đi rất sớm. Những niềm nhớ về những tháng ngày vui tươi hồn nhiên cũng như những ước vọng học hành của chị. Những niềm nhớ cứ còn hoài trong tôi tưởng như không dứt ra được.
Vậy mà tôi đã quên mất bài hát đó! Tháng 5, 2024 tôi về thăm Tam Kỳ. Những chốn cũ của tôi ngày xưa hoàn toàn bị xoá bỏ. Tam Kỳ bây giờ là một thành phố đông đúc chẳng có một chút dấu vết gì của thị xã nhỏ bé của tôi ngày xưa. Nhưng may mắn thay, bạn bè của tôi vẫn còn ở Tam Kỳ. Và tôi đã tìm thấy được một chút Tam Kỳ xưa. Tôi đến thăm mộ chị, nằm chen chúc giữa rất nhiều ngôi mộ khác ở Gò Trời. Tôi cầu nguyện nơi mộ chị và không ngăn được nước mắt rơi. Tôi nghe mình lặp lại những lời cầu nguyện của mẹ chị gởi gắm cho tôi khi biết tôi về thăm Tam kỳ. “… Xin Chúa cho chúng con gặp lại chị nơi nước Ngài vì chị đã một lần mở lòng ra tiếp nhận Chúa…” Tôi cảm thấy thương tiếc chị vô cùng!
Khi về nhà, dầu bận bịu với gia đình và công việc ở chỗ làm, đầu óc tôi vẫn nhớ đến chị. Thương chị nằm nơi đó một mình vì gia đình và họ hàng nhà tôi không còn ai ở Tam kỳ nữa.
Rồi một hôm, khi tôi làm video cho hoa trong vườn nhà, thấy bài “Niềm Nhớ” nổi lên. Tôi ngỡ ngàng khi nghe bài hát. Không nhớ tại sao tôi lại có được ca từ như vậy. Dường như tôi đã viết bài này trong mơ! Tôi phải lục lại những email trao đổi với mọi người để tìm lại những ý tưởng và để viết những dòng này. Xin lưu ý là tôi không dịch bài “A Comme Amour” nhưng chỉ dùng nhạc của bài đó để viết bài “Niềm Nhớ” cho chị Thanh Vân – chị họ của tôi.
Cảm ơn Nhi Sa đã gợi ý đổi một vài chữ để lời đi với nhạc nghe hay hơn nhiều. Mời mọi người cùng nghe và hát bài “Niềm Nhớ” với tiếng đàn guitar của Nhi Sa.
NIỀM NHỚ – Lời Việt : Thuỷ Như
(Nhạc Pháp: A COMME AMOUR – Paul de Senneville and Olivier Toussaint)
Người hỡi! Có nhớ ta chăng những hôm đầy mưa? Người ơi! Có biết ta luôn bâng khuâng những đêm đầy sao? Còn nhớ, tiếng hát ai vang xa xôi, sáng trong mùa trăng Thấm trong hồn tôi, giọng hát bay cao, xa ngàn khơi.
Người hỡi! Có nhớ ta chăng những hôm đầy mưa? Người ơi! Có biết ta luôn bâng khuâng những đêm đầy sao? Và ta còn nhớ, tiếng hát ai vang xa xôi, sáng trong mùa trăng Thấm trong hồn tôi, giọng hát bay cao, xa ngàn khơi. Ngày ấy, lòng ta vấn vương thương một tiếng cười Lòng ta ước mong bên một dáng hình Lòng ta ước mơ đi cùng với người Lòng ta ước mãi bên người thôi
Tìm trong năm cũ, ngày tháng ấy tươi vui hồn nhiên thật Giờ ngồi nhớ tuổi thơ vui vô tận Mình rong ruổi những con đường quen thuộc Nào đâu biết chia tay biệt ly Thế gian đổi thay, (lòng vẫn không quên những ngày xưa)
Người hỡi! Có nhớ ta chăng những hôm đầy mưa? Người ơi! Có biết ta luôn bâng khuâng những đêm đầy sao? Còn nhớ, tiếng hát ai vang xa xôi, sáng trong mùa trăng Thấm trong hồn tôi, giọng hát bay cao, xa ngàn khơi.
Người hỡi! Có nhớ ta chăng những hôm đầy mưa? Người ơi! Có biết ta luôn bâng khuâng những đêm đầy sao? Còn nhớ, tiếng hát ai vang xa xôi, sáng trong mùa trăng Thấm trong hồn tôi, giọng hát bay cao, xa ngàn khơi.
Nhớ nhiều, ngày xưa cũ vui tươi cùng bao ước vọng Một mơ ước lang thang tận cuối trời. Một đôi mắt trong veo rạng rỡ cười. Ngày xưa cũ không bao giờ phai.
Tác phẩm “Deer”, sáng tác 1950, sơn mài 4 tấm, xưởng Thành Lễ, đã đấu giá tại sàn Sotheby’s Hong Kong với giá 279.400 HKD.
Trong một dịp tình cờ, chúng tôi xem được một trang trong bộ lịch in màu năm 1962 mang tên “Công nghệ Việt Nam” do một cơ quan nước ngoài bỏ vốn ra in. Tờ tháng Hai in hình nữ ca sĩ Kim Chi bên cạnh một chiếc chén, dĩa và ly chân cao bằng sơn mài cẩn trứng do nhà Thành Lễ sản xuất. Lòng tô và đĩa màu vàng nhũ. Họa tiết cành trúc đơn giản nhưng sang trọng trên nền trứng cẩn trắng ngà rất hài hòa. Những sản phẩm mỹ nghệ cách nay hơn nửa thế kỷ thật tinh tế và không thua kém bất cứ sản phẩm mỹ nghệ cao cấp hiện nay.
Đó là một sản phẩm nhỏ tiêu biểu của hãng Thành Lễ, một công ty sản xuất hàng mỹ nghệ cao cấp khét tiếng của miền Nam trong suốt hơn 30 năm trước 1975. Đây chính là công ty thành công nhất trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh đồ trang trí nội thất, được bày bán ở hai con đường sang trọng bậc nhất Sài Gòn lúc đó là Tự Do (nay là Đồng Khởi) và Hàn Thuyên. Tên tuổi của công ty vượt ra khỏi biên giới nước Việt thời chia cắt.
Theo Nguyệt san Quản trị xí nghiệp số tháng 10 năm 1972 xuất bản tại Sài Gòn, đến thời điểm đó, hãng Thành Lễ đã có những thành tích như sau: Huy chương vàng Hội chợ Quốc tế Munich 1964 – Huy chương Bạc do Bộ Kinh tế (Nam Việt Nam) trao năm 1968 – Bằng cấp danh dự Hội chợ Paris 1969 – Huy chương và Bằng cấp Danh dự Hội chợ Paris 1970 – Huy chương vàng Hội chợ Kỹ nông công thương Sài Gòn 1970.
Bản vẽ mẫu sơn mài của họa sĩ Thái Văn Ngôn.
Quảng cáo trên báo cho hãng Thanh và Lễ của hai ông Trương Văn Thanh và Nguyễn Thành Lễ khi chưa tách ra thành hai hãng
Chân dung ông Nguyễn Thành Lễ
Họa sĩ Nguyễn Văn Tuyền. Ảnh: Đức Trí
Một mẫu phổ biến của sơn mài Thành Lễ
Ngoài ra, sản phẩm của Thành Lễ đã tham gia các cuộc triển lãm sơn mài tại Pháp (1952), Thái Lan (1954), Philippines (1956) và Hoa Kỳ (1959).
Đến nay, Việt kiều các nước, nhất là từ Pháp và những người thích nghệ thuật trong nước vẫn tìm mua các sản phẩm của Thành Lễ. Họ trưng bày trong nhà như để tìm lại một không khí êm đềm và thịnh vượng của đô thị Sài Gòn trước đây. Dân trung lưu trở lên của Sài Gòn và các tỉnh lỵ mua được bức tranh sơn mài Thành Lễ, đôn voi, bình gốm Thành Lễ hay thảm len Thành Lễ đã cảm thấy đủ để tạo nên vẻ sang trọng của ngôi biệt thự hay căn phố của mình.
Tuy nhiên, nói riêng về tranh sơn mài mỹ nghệ là sản phẩm chủ lực của Thành Lễ, cần phân biệt có hai loại. Một loại bán rộng rãi trong showroom với logo có chữ Thành Lễ và loại kia là tranh cao cấp, làm theo Hợp đồng đặt hàng của khách trong và ngoài nước. Theo họa sĩ Phạm Cung (có thời gian phụ giúp họa sĩ Duy Liêm, họa sĩ chính tạo mẫu tranh cho hãng Thành Lễ) loại tranh cao cấp được xác định bằng một logo vẽ phía sau tranh có hình con rồng, phía dưới là chữ Thành Lễ nằm vắt ngang và dát bằng vàng 4 carat. Các giải thưởng nói trên thuộc về loại tranh cao cấp này.
Một chiều cuối năm 2008, chúng tôi may mắn gặp lại lão họa sĩ Nguyễn Văn Tuyền, thường gọi là bác Ba Tuyền tại Bình Dương, quê hương của công ty Thành Lễ. Sinh năm 1924, có lẽ bác là họa sĩ hiếm hoi làm việc lâu nhất cho Thành Lễ (từ 1943 đến năm 1975) còn sống. Những họa sĩ cùng làm việc cho công ty là ông Hai Sù, Châu Văn Trí, Ba Ai, Bảy Dậy, Năm Châu (điêu khắc), Nguyễn Tấn Tam, Nguyễn Văn Tám, Thái Văn Ngôn, Duy Liêm, Trần Văn Nam, Trần Văn Sáu (sáng tác mẫu sơn mài), Ngô Từ Sâm (vẽ lụa), Văn Thọat, Lương Định Tánh (vẽ bàn ghế), các nghệ nhân Bảy Giáp, Sáu Miền, Hai Long (cẩn ốc), Sáu Sa (vẽ men gốm)… hầu hết đã quy tiên.
Sản phẩm mỹ nghệ Thành Lễ.
Vật dụng sơn mài Thành Lễ trong bộ lịch “Công nghệ Việt Nam” năm 1962.
Sản phẩm mỹ nghệ Thành Lễ.
Sản phẩm mỹ nghệ Thành Lễ.
Theo bác Ba Tuyền, tiền thân của Thành Lễ là xưởng “Thanh & Lễ” do hai ông Trương Văn Thanh và Nguyễn Thành Lễ hợp tác sáng lập năm 1940. Đến đầu những năm 60, ông Nguyễn Thành Lễ tách ra riêng, lập nên xưởng Thành Lễ. Từ đó, bắt đầu một quá trình sản xuất và kinh doanh đủ tạo dựng một tên tuổi không phai mờ.
Bác Tuyền nhớ họa sĩ Thành Lễ sinh năm 1919 tại Long Xuyên, học chuyên về sơn mài và chạm trổ, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Thủ Dầu Một khoảng năm 1940 (có tài liệu cho là năm 1938), trước bác Tuyền hai khóa. Khi tách ra, xưởng sơn mài Thành Lễ đặt tại Bình Dương có 12 họa sĩ, 2 nghệ nhân vẽ kiểu, 20 người mộc, 60 người chuyên về sơn, 4 thợ chạm, 1 thợ cẩn xà cừ. Xưởng sản xuất Thành Lễ được xây dựng khá quy mô ở Bình Dương.
Bên cạnh xưởng chế tác là phòng trưng bày được trang trí rất đẹp. Ở đây trưng bày đa dạng sản phẩm từ các bức bình phong lớn, đề tài phong phú từ đề tài lịch sử như Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Hán, trận Đống Đa, Bạch Đằng Giang, các tích Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, cảnh đẹp Việt Nam như sông Hương núi Ngự, chùa Thiên Mụ, Tháp Chàm, cảnh sinh hoạt nông thôn và hình ảnh người nông dân, hình ảnh hoa lá chim muông… Ngoài ra, còn có các sản phẩm khác như vật dụng gia đình phủ sơn mài mang tính mỹ thuật cao như bình hoa, bàn ghế, tủ và các món đồ trang trí khác.
Các sản phẩm Thành Lễ và nhân viên ở cửa hàng.
Bức bình phong sơn mài của hãng Thành Lễ in trong cuốn sách Vietnam, where East & West meet. Tác giả: Do Van Minh-Edizione Quattro Venti, Rome xuất bản 1962
.
Trong xưởng sơn mài của hãng Thành Lễ. Người dưới mũi tên là họa sĩ Duy Liêm, họa sĩ tạo mẫu nổi tiếng của hãng. Ảnh: Gia đình họa sĩ Duy Liêm.
Thái tử Sihanouk, vương quốc Cambodia thăm Công ty Thành Lễ vào đầu thập niên 1960 và xem họa sĩ Ba Tuyền vẽ tranh sơn mài. Góc trái là họa sĩ Lưu Đình Khải, hiệu trưởng trường Mỹ thuật Gia Định.
Logo công ty.
Năm 1962, Thành Lễ mở xưởng dệt thảm len và sát nhập các cơ sở thành xưởng sơn mài – lò gốm – thảm len Thành Lễ. Từ vài chục công nhân ban đầu, sau xưởng có đến 500 công nhân làm việc. Bác Tuyền cho biết từ thời đó, Thành Lễ đã tổ chức kinh doanh và tiếp thị rất có bài bản. Ông Thành Lễ giỏi tổ chức, có tài năng chuyên môn và biết thu hút nhiều người giỏi từ các nôi như trường Mỹ thuật Gia Định, Mỹ nghệ Biên Hòa và Mỹ nghệ Bình Dương. Các họa sĩ dưới trướng ông có nhiều người giỏi, từng đoạt các giải thưởng hội họa uy tín. Xưởng Thành Lễ đã sáng tạo nhiều mẫu đẹp, giàu giá trị nghệ thuật. Nhiều mẫu mã chỉ dùng một lần cho một tác phẩm nên giá trị nghệ thuật cao và là sản phẩm độc bản.
Theo các tài liệu, ông Thành Lễ rất ghét các mẫu mã làm theo kiểu rập khuôn, luôn yêu cầu các họa sĩ không bắt chước mẫu có sẵn mà phải liên tục sáng tạo cho tới khi đạt tới giá trị nghệ thuật mới đưa vào sản xuất. Bù lại, ông có chế độ lương và thưởng cao nên các họa sĩ làm cho ông sống thoải mái bằng đồng lương. Riêng môt mình họa sĩ Ba Tuyền trong suốt hơn ba mươi năm đi làm có thể ung dung nuôi bảy người thân gồm cha mẹ, vợ và bốn người con đang ăn học.
Ông Thành Lễ thường đi nước ngoài nghiên cứu sưu tầm mẫu mã đáp ứng thị hiếu khách hàng, nhất là khách hàng châu Âu. Trong quá trình định hướng phát triển, ông tập trung sản xuất tác phẩm mang tính nghệ thuật cao, phối hợp các nghệ thuật nắn tượng, trang trí, hội họa, điêu khắc. Màu sắc sản phẩm chú trọng giá trị thẩm mỹ, trang nhã và đẹp, nhiều sản phẩm mỹ nghệ đạt đến giá trị nghệ thuật cao.
THÀNH LỄ – Suối tóc. Sơn mài. 95x56cm. Sưu tập Phạm Hoàng Việt
Thành Lễ – Bên dòng Cửu Long. Khoảng 1950. Sơn mài. 61x126cm. Sưu tập Ngô Kim Khôi
TRƯƠNG VĂN THANH – Chùa Thầy. Khoảng 1950. Sơn mài. 50x80cm. Sưu tập tư nhân, Hà Nội
Nhờ tham gia nhiều hội chợ quốc tế và liên tục đọat giải, sản phẩm của ông tạo tiếng vang tốt. Dù vậy, ông không chạy theo lợi nhuận mà luôn đề cao chất lượng. Ở mặt hàng sơn mài chủ lực, ông dùng nguyên liệu tốt nhất như ván ép En Kounmé nhập ngoại, ván gỗ Teak (Giá tị) hoặc Gõ đỏ, Bời lời. Trong sơn mài, nguyên liệu chính là sơn Nam Vang có độ bóng và màu sắc có vẻ đẹp riêng.
Sản phẩm trưng bày tại hội chợ quốc tế nếu được đặt mua, ông không vội giao hàng mà đợi đến sáu tháng sau khi xuất xưởng mới giao, sau khi theo dõi chất lượng tranh hay món đồ có bị biến dạng bởi thời tiết của xứ người không. Nói chung, ông không coi trọng sản luợng mà chỉ quan tâm đến chất lượng, không hề khoán sản phẩm để đạt năng suất cao mà chỉ coi trọng sản phẩm đủ đẹp hay chưa. Có lẽ do vậy, sản phẩm ở đây luôn cao giá hơn cơ sở khác nhưng vẫn đắt khách.
Cũng theo bài báo trên tờ Nguyệt san Quản trị xí nghiệp, không tính đến doanh thu trong nước, đến năm 1972 Thành Lễ xuất cảng mỗi năm với doanh số 100.000 Mỹ kim, là con số đáng kể thời bấy giờ (giá một lượng vàng lúc đó là 200 USD), sản phẩm chủ yếu xuất qua Pháp và Tây Đức. Lúc đó, sản phẩm của Công ty giá vẫn cao hơn hàng cùng loại của Nhật hay Đài Loan vì chất lượng cao, hoàn toàn làm thủ công và dùng nguyên liệu tốt nhất từ nước ngoài. Tiềm năng xuất cảng rất tốt nhưng ông Thành Lễ phải từ chối nhiều đơn hàng vì vấn đề quan trọng nhất là thiếu nhân công do tình trạng bắt lính thời gian đó. Tuy vậy, ông đã hướng tới việc mở thị trường sang Hoa Kỳ, xây dựng xưởng tại khu công nghiệp Biên Hòa với 2000 nhân viên. Kế hoạch này bị đình trệ từ Tết Mậu Thân và đã không thành vì Thành Lễ ngừng hoạt động từ năm 1975.
Những công trình sang trọng nhất của Sài Gòn trước 1975 đều đặt tác phẩm Thành Lễ như phòng ăn dinh Gia Long với tranh sơn mài, khách sạn Caravelle cũng có tranh Thành Lễ. Theo trí nhớ của bác Ba Tuyền, năm 1966, dinh Độc Lập được khánh thành ngoài sự hiện diện của hai bức tranh của họa sĩ Thái Văn Ngôn là người của Thành Lễ, còn có một tấm Thảm len của xưởng Thành Lễ dài 40 mét phải hơn 40 người khiêng, khi đưa đến phải dùng xe rờ moọc dài mới tải nổi. Khách sạn nổi tiếng Majestic cũng đặt một bức cửa lùa chạm thủng mang tên “Đám cưới xưa”. Ngoài ra, nhiều khách quốc tế khi đến Sài Gòn đã được giới thiêu đến tham quan xưởng Thành Lễ. Bác Ba Tuyền còn giữ tấm ảnh thái tử Xihanúc (Campuchia) thăm xưởng và đăt hàng vào những năm 60, như một kỷ niệm quãng đời làm việc.
Theo họa sĩ Phạm Cung, làm việc tạo mẫu tại công ty Thành Lễ trước kia, có lần khoảng đầu thập niên 1960 bên Nhật đặt tới ba ngàn bức tranh sơn mài các kích cỡ về Phan Bội Châu, người phát động phong trào Đông Du đầu thế kỷ 20. Làm xong một số lượng tranh rồi, họa sĩ Phạm Cung tìm được bức ảnh cụ Phan đang chống gậy trong thời kỳ “Ông già Bến Ngự” cuối đời ở Huế. Bức tranh đựợc làm thử một tấm và khi phía Nhật thấy được, họ quyết định thay đổi mẫu mã cũ, làm tiếp số tranh còn lại từ mẫu này. Ông Cung nhớ lại, tranh làm hoàn hoàn bằng gỗ dầu chứ không bằng ván ép như thông thường, khổ lớn nhất là 80x120cm. Qua đó, chúng ta hình dung được vai trò của cụ Phan trong tâm thức của người Nhật.
Brochure công ty bằng tiếng Pháp.
Bình hoa gốm và tượng sơn mài Thành Lễ trang trí trong nhà ông Trần Công Vàng ở Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ảnh: Đức Trí
Catagoge
Sau 1975, ông Thành Lễ cùng gia đình sang sống ở Pháp, đất nước đã kết nạp ông vào Hội Mỹ thuật quốc gia. Trong một bài viết trên trang mạng Hồn quê, tác giả Bích Xuân cho biết “Tác phẩm sơn mài Thành Lễ đựợc treo tại những dinh thự như Tư dinh Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon, tư dinh vua Hassan II tại thành phố Ifrane (Maroc), lâu đài Tổng Thống Pháp Charles de Gaulle tại Colombey les II Eglises (La Boissery), OMS (Organisation Mondiale de la Santé) tại Thụy Sỹ…”
Hơn ba mươi năm trôi qua, dù được khẳng định giá trị trong suốt hơn nửa thế kỷ, tên tuổi Thành Lễ dường như vẫn chưa vượt qua được cái nhìn coi nhẹ hàng mỹ nghệ dù cho nó đạt tới mức nghệ thuật nào. Năm 1960, Sài Gòn tổ chức Cuộc triển lãm Mỹ thuật Quốc tế lần thứ nhất, bên cạnh tác phẩm của các tên tuổi nổi tiếng thì tác phẩm sơn mài của Công ty Thành Lễ cũng được mời trưng bày và sau đó, có ngay bài phê bình trên tạp chí Bách Khoa số 141 ra ngày 15 tháng 1 năm 1962. Tác giả cho rằng tác phẩm sơn mài Thành Lễ lạc lõng, “có lẽ nên dành cho những cuộc triển lãm riêng về đồ tiểu công nghệ”. Không thấy nêu lý do.
Năm 2009, trong cuốn Nghệ thuật Tạo hình Việt Nam Hiện đại tổng kết quá trình mấy chục năm theo dõi mỹ thuật miền Nam trước và sau 1975, khi nói về nghệ thuật sơn mài Việt Nam, sau khi nêu thành tựu của các họa sĩ trẻ của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đưa sơn ta vào hội họa, nâng cao vai trò một chất liệu quý trước đây chỉ dừng ngang mức mỹ nghệ lên vị trí đáng nể trong đời sống mỹ thuật trong và ngoài nước ở giai đoạn 1930-1932, tác giả Huỳnh Hữu Ủy viết: “Vài người gốc miền Nam tốt nghiệp từ trường Mỹ thuật Hà Nội như họa sĩ Nguyễn Văn Long đã mang về phổ biến những kết quả mới này ở trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một…
… Ngành sơn mài phát triển rộng, nhân dân thị xã Thủ Dầu Một và các vùng lân cận hầu hết chuyên sống bằng nghề sơn mài. Từ những hàng mỹ nghệ gia dụng nhỏ đã phát triển ngày càng lớn hơn, sản xuất được nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế cao như tủ, bàn, bình phong các loại tranh trang trí gây được sự hấp dẫn ở nhiều nơi, xuất khẩu qua các nước Tây Âu, Bắc Phi, Trung Đông, Mỹ… chiếm được nhiều Huy chương vàng tại hội chợ quốc tế.
Thành công khá lớn của xưởng Mỹ nghệ Thành Lễ trước đây là một chứng cứ điển hình, tuy nằm ngay tại trung tâm Sài Gòn nhưng thực chất là đăt căn cứ trên vùng Thủ Dầu Một, các mặt hàng hầu hết đều do nghệ sĩ sơn mài của trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một đảm trách, hoặc nếu không thì cũng là những người thợ có ít nhiều có liên hệ hay nằm trong ảnh hưởng của trường này.
Với đà phát triển đó, thế hệ những nghệ sĩ sơn mài mới, tài hoa, đam mê, năng nổ, đã đưa nghệ thuật sơn mài đến những vinh quang cao nhất của một phong cách nghệ thuật riêng, rất bí ẩn, kỳ diệu, sâu thẳm, tưởng là phi hiện thực nhưng lại hoàn toàn gần gũi với đời sống con người, phản ánh hiện thực với quy luật chắt lọc tinh túy riêng của nó”.
Đó là sự khẳng định giá trị của sơn mài mỹ nghệ trong lĩnh vực nghệ thuật mà Thành Lễ là cánh chim đầu đàn. Tuy vậy, hầu như đến bây giờ có rất ít tài liệu, bộ phim, triển lãm trong nước chính thức ghi nhận về giá trị mỹ thuật hay tài năng kinh doanh của Thành Lễ, một thương hiệu có tầm vóc vượt ra khỏi biên giới một đất nước đang trong thời chiến tranh.
Dù sao, trong lòng những người yêu nghệ thuật miền Nam, tên tuổi Thành Lễ vẫn còn vang vọng như một hoài niệm, một quá khứ vàng son. Và chắc chắn, một tình cảm trân trọng giữ gìn dành cho dòng đồ của một xưởng mỹ thuật danh tiếng đã quá vãng này vẫn âm thầm tồn tại.
Phạm Công Luận
(trích trong cuốn Sài Gòn – chuyện đời của phố tập I. Công ty văn hóa Phương Nam xuất bản 2014)