Sáng tác

Sáng tác (46)

KHAI BÚT ĐẦU NĂM

Khai bút đầu năm

▂ ▃ ▅ ▆ █☆★█ ▆ ▅ ▃ ▂

Bây giờ đã hơn một giờ đêm ở Houston và cũng là ngày đầu năm Giáp Thìn. Lúc nãy, theo thông lệ hằng năm, tôi tự xông nhà lấy. Chẳng phải vì mê tín dị đoan nhưng tôi cố giữ tập tục này để dạy cho các con tôi về những phong tục ngày tết của Việt Nam. Điều này bố tôi thường hay làm trước kia khi còn sống từ những năm 40 ở ngoài bắc mà tôi đọc từ những trang nhật ký của ông. Thấy hay hay nên tôi bắt chước từ khi lập gia đình và có nhà riêng. Năm nào cũng vậy, cứ gần đến giao thừa, tôi lại quần áo chỉnh tề, rời nhà độ 15 phút trước giao thừa, đi một vòng trong khu nhà để rồi trở về nhà khoảng 5 phút sau nửa đêm để xông nhà.

Năm nay trời hơi lạnh lại thêm mưa phùn nên dù đã mặc hai lần áo lại thêm cái áo khoác ngoài mà hơi lạnh vẫn thấm vào tận trong xương. Không khí trong lành và lạnh ban đêm làm cho mùi hoa anh đào nhà ai đó trồng đã thơm lại càng thêm ngát. Không gian yên tĩnh làm cho tâm hồn tôi cảm thấy thật thanh thản, tâm trí như bay bổng vào quá khứ thật đẹp của những cái tết xa xưa trước năm 75.

Thuở đó, cứ mỗi chiều giao thừa là tôi và chị kế thường hay chở nhau đi một vòng từ chợ Bến Thành, Tân định, cho đến Bà Chiểu bên Gia Định để xem những người bán hoa vội vã bán tống bán tháo những chậu hoa cuối cùng để còn kịp đón chuyến xe chót về quê ăn tết. Thuở ấy, chợ hoa vào ngày cuối năm không xô bồ như về sau này, không có cảnh người bán phải đập đổ những chậu hoa mình đã bỏ công lao cả năm để vun trồng vì bị người mua bắt chẹt vào giờ phút cuối. Đi để xem những nhân viên sở vệ sinh đô thành hối hả dọn những đống rác khổng lồ trước khi xe cứu hỏa dùng vòi rồng phun nước để rửa sạch những con đường mà một tuần trước đó thật bừa bãi và nhơ nhớp. Không biết từ bao giờ, hai chị em tôi đều có cùng tâm trạng là thương cho những người lao động phải làm việc cho đến những giờ phút cuối cùng của năm trong khi những người khác, ai nấy đều đã về nhà sum họp với gia đình để sửa soạn đón giao thừa.

Hồi nãy khi trở về nhà, vợ con tôi đã khăn áo chỉnh tề chờ sẵn để mở cửa, chúng tôi chúc tết lẫn nhau. Tôi lì xì, mừng tuổi các con trong năm mới.

Bây giờ ngồi viết những dòng chữ này, đầu óc tôi lại miên man về quá khứ khi còn bé dựa theo những gì tôi đọc được trong nhật ký của bố tôi.  Mỗi năm, sau khi dự lễ giao thừa ở nhà thờ Thị Nghè, bố tôi tự xông nhà lấy và thường ngồi vào bàn làm việc viết vài hàng gọi là khai bút đầu năm sau khi đốt một phong pháo hiệu điện quang Gò Vấp để đón năm mới. Gọi là vài hàng chứ có năm, ông viết đến gần chục trang giấy tùy theo những gì đã xảy ra trong năm. Chẳng hạn như tết năm 1955, cái tết đầu tiên ở trong nam, hồi tưởng lại những cái tết ở Hà Nam, Phủ Lý hoặc năm 1962 khi bà nội tôi mất vào đúng ngày 28 tết. Trong dịp này, bố tôi thường “ôn cố tri tân”, viết vắn tắt lại những gì xảy đến trong năm cũ và tạ ơn thượng đế về những ơn lành Ngài đã ban cho gia đình tôi.

Những bản nhạc xuân lại đưa tôi về những ngày thơ ấu vào những ngày giáp tết. Mẹ tôi cũng như bao người phụ nữ khác, lo toan đi chợ, mua sắm những món ăn cho ngày tết, đặc biệt là những món bắc như giò thủ, thịt đông, dưa nén, bánh chưng... Nói đến bánh chưng, năm nào mẹ tôi cũng gói độ 2,3 chục chiếc, vừa để ăn, vừa để biếu một vài người thân. Bánh gói nhà, tuy không vuông vức và đẹp như ở chợ nhưng ngon vì gạo nếp, đậu xanh mẹ tôi mua từ người quen tận Long Xuyên và vì lá dong bao giờ cũng được rửa thật kỹ trước khi gói. Thông thường, mẹ tôi cố thu xếp mọi việc đâu vào đấy ngày 29 tết để ngày 30 còn đi tết các bác và người thân. Năm nào cũng vậy, cứ gần tết là bố tôi lại hay ngâm nga bài thơ ông đồ của Vũ Đình Liên. Ông thích bài thơ này vì ý thơ hay nhưng phần lớn vì tác giả là thầy dạy văn cùa bố tôi ở trường Thăng Long, Hà Nội. Theo lời kể, một ngày trước tết năm 1936, thay vì giảng dạy như thường lệ thì ông cho học trò nghe bài thơ ông đồ mà ông mới sáng tác. Nghe mãi nên nhớ, mỗi năm khi đi bộ trong khu nhà trước khi trở về để xông nhà lúc giao thừa, tôi đều nhẩm đọc lại bài này khi nhớ đến bố tôi.

Năm vừa qua, một biến cố thật lớn xảy đến cho đại gia đình chúng tôi. Nhạc mẫu của tôi đột ngột qua đời sau vài ngày nằm trong bệnh viện mà cho đến bây giờ vẫn chưa rõ nguyên do. Một khoảng trống thật lớn cho anh em chúng tôi vì tuy rằng ai cũng đã lớn, con cháu đầy đàn, nhưng tự bao giờ, mẹ vẫn là mái ấm, là bầu trời che chở chúng tôi. 

Mới năm ngoái đây còn lăng xăng, đôn đốc các con đi mua gạo, thịt để gói bánh chưng mà giờ đây mẹ đã đi thật xa rồi. Năm nay, mẹ không còn nhưng anh em chúng tôi vẫn cố gắng tụ tập lại để gói bánh chưng và cũng để cho các cháu, sinh ra và trưởng thành ở Mỹ, có dịp học hỏi và…"kế thừa" nồi bánh chưng mà mẹ chúng tôi vẫn dùng để nấu từ bao nhiêu năm nay. Bên bếp lửa hồng, nồi bánh chưng sôi sùng sục, khói bốc lên nghi ngút như muốn đưa mùi thơm của bánh mới nấu, thay cho đàn con, dâng lên mẹ đang ở một cõi xa xăm đang nhìn xuống con cháu. 

Cứ đến ngày ba mươi tết, cho dù đã xa quê hơn 40 năm, hình ảnh những đêm giao thừa ngày xưa như một khúc phim thật hay quay chậm lại trong đầu tôi. Trong khung cảnh thật tịch mịch của đêm trừ tịch, tôi thích nhất là hình ảnh người ta bày bàn thờ trước cửa nhà với mâm cỗ đầy đặn, thành khẩn rước ông bà, cha mẹ về ăn tết trong tiếng pháo đì đùng từ xa. Nếu ngày xưa những hình ảnh đã thật đẹp và có ý nghĩa  thì bây giờ, nó lại càng nhắc lại cho tôi hãy biết trân quý những gì mình đang có. Nếu như sự ra đi của nhạc mẫu làm tôi luyến tiếc, có một đôi chút hối hận, về những gì đáng lẽ mình có thể làm để báo hiếu khi người  còn sống thì đây cũng là sự nhắc nhở về hạnh phúc mà tôi vẫn còn đang có, đó là mẹ ruột tôi, 101 tuổi, vẫn còn ở bên cạnh. Chiều nay trên đường đi làm về tôi có ghé thăm và trò chuyện với mẹ. Thăm mẹ chiều 30 tết, tôi muốn tận hưởng sự may mắn, niềm hạnh phúc mà bạn bè thường hay đùa là ở cái tuổi có Medicare rồi mà vẫn còn có mẹ, không cần phải mời mọc, đón mẹ vào đêm giao thừa như nhiều người khác khi cúng vái.

Giờ đây, trong khung cảnh thật yên lặng của những giây phút đầu năm, hình ảnh của bố tôi vào những ngày cuối năm lại hiện ra như đang cùng tôi đọc lại những vần thơ trong bài ông đồ già:

“Mỗi năm hoa đào nở

 Lại thấy ông đồ già

 Bày mực tàu giấy đỏ

 Bên phố đông người qua

 Bao nhiêu người thuê viết

 Tấm tắc ngợi khen tài

 Hoa tay thảo những nét

 Như phượng múa rồng bay

 Nhưng mỗi năm mỗi vắng

 Người thuê viết nay đâu

 Giấy đỏ buồn không thắm

 Mực đọng trong nghiên sầu

 Ông đồ vẫn ngồi đó

 Qua đường không ai hay

 Lá vàng rơi trên giấy

 Ngoài đường mưa bụi bay

 Năm nay đào lại nở

 Không thấy ông đồ xưa

 Những người muôn năm cũ

 Hồn ở đâu bây giờ”

Không có bàn thờ với khói hương nghi ngút nhưng nhưng dòng chữ này như một nén hương lòng, tôi hy vọng là những “người muôn năm cũ”, bố tôi, bố mẹ vợ, tất cả anh chị em, người thân đã khuất lúc nào cũng phù hộ cho đại gia đình trong năm mới thật nhiều may mắn.

 

Đầu năm Giáp Thìn

 

Viết Hiển