Ban Chấp Hành

Ban Chấp Hành

Lời chào tạm biệt

Lời chào tạm biệt 

 

 
Đọc những dòng chữ này, có lẽ ai cũng sửng sốt và ngạc nhiên vì cách đây khoảng bốn tuần, GNST vừa tưng bừng ăn mừng sinh nhật trang nhà vừa tròn 12 tuổi mà sao lại phẹt mê bú tích, nói vui theo phiên âm tiếng phú lang sa “fermer boutique”, đóng cửa tiệm một cách đột ngột thế này. Vâng, chính chúng tôi đây, những người chăm sóc vườn, cũng không khỏi ngỡ ngàng khi nghe người chủ trương thông báo tin này, thậm chí có người còn cẩn thận coi lại lịch xem hôm đó có phải là ngày mồng một tháng tư, ngày mà người ta gọi là cá tháng tư, một ngày mà người ta có quyền nói chơi mà không ai được trách cứ vì đó là tập tục. Sau khi nghe lời “trần tình” của người chủ vườn, ai cũng có cùng một suy nghĩ, điều này thật đúng. Như chúng tôi có đề cập đến trong dịp mừng sinh nhật GNST, diễn đàn này như là một đứa con tinh thần của nhóm chủ trương, thật vui khi nó lớn, phát triển và thăng hoa ngoài dự đoán mà bây giờ phải ngậm ngùi, chia tay với nó. Câu mà người xưa hay nói “lực bất tòng tâm” rất đúng trong trường hợp này.
 
Mười hai năm trước, GNST giống như một đứa bé thật èo uột vì sinh thiếu tháng, không ai dám nghĩ nó có thể phát triển bình thường như những đứa trẻ khác nói gì đến sự phát triển một cách sung mãn như hôm nay. Điều này xảy ra có lẽ nhờ bà mẹ, nhóm chủ trương, tuy nghèo về đủ mọi phương diện nhưng vẫn rán hy sinh hết sức mình, vắt những giọt sữa gần cạn kiệt trong bầu sữa thật khô héo vì muốn đứa con của mình bằng người nọ người kia. Nói một cách thậm xưng như vậy để quý vị có thể hình dung ra được sự hy sinh một cách thầm lặng của người sáng lập cùng hiền nội là anh Nguyễn Ngọc Quang, chị Weiling, chị Tê Hát (Thái Hằng) và bà từ giữ đền là chị Trần Kim Phượng đã bỏ không biết bao nhiêu công sức để bảo trì, tu bổ về mặt kỹ thuật cũng như bài vở. 
 
Thật vậy, mỗi lần trang web bị “hacked” là mỗi lần anh Quang phải thức đêm thức hôm để giải quyết vì giờ giấc bên Úc, nơi anh ở, khác giờ bên giờ bên mẽo khoảng 14,15 múi giờ. Đã thế, một thương gia thật bận rộn như anh, với những hợp đồng có khi lên đến hằng trăm triệu mà lúc nào cũng chăm sóc mảnh vườn thì đủ thấy anh “cưng” đứa con tinh thần của mình như thế nào.
Giữa công việc và sở thích, anh, cũng như Từ Hải lúc chia tay Thuý Kiều trong lúc tình yêu đang mặn nồng để ra đi lập nghiệp.  Đó là chưa kể anh còn nhiều trọng trách với gia đình, mẹ già gần 105 tuổi.
 
“Nửa năm hương lửa đang nồng,
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng  rong”.
 
 
 
Thôi thì đành phải chấp nhận. Cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn. Xuân đi đông đến, có luyến tiếc cách mấy thì cũng đến lúc phải chia tay. Là một người công giáo, chúng tôi luôn nhớ lời của Chúa trong phúc âm “ hãy thương yêu nhau vì đây là dấu chứng để người ta nhận biết các con là con của thầy.” Cũng vậy, bàng bạc trong những bài viết, thơ hay chỉ là những lời chia sẻ thật chân tình của các thành viên trong diễn đàn GNST, người ta có thể nhận thấy đây là một tập thể, tuy khác nhau về lãnh vực chuyên môn, tuổi tác nhưng tất cả thành viên đều có một mẫu số chung, đó là sự trân quý, kính trọng lẫn nhau cho dù ai cũng kiến thức đầy mình giống như ngạn ngữ của pháp “hãy cho tôi biết bạn của bạn là người như thế nào, tôi sẽ nói về con người của bạn”.
 
 
Rằng trăm năm cũng từ đây,
Của tin gọi một chút này làm ghi”.
(Kiều)
 
Chúng tôi xin mượn hai câu trong truyện kiều để hy vọng rằng dù GNST không còn hiện hữu nữa nhưng tinh thần của diễn đàn là gieo trồng những hạt giống văn hóa, nghệ thuật và nhất là tình tương thân tương ái của chúng ta sẽ bất diệt.  
 
Hơn lúc nào hết, lời bài hát Lo Mucho Que Te Quiieo của Rene Ornelas & Rene Herrera được nhạc sĩ Trường Kỳ phổ lời việt có thể diễn đạt tâm tình của ban chấp hành lúc này:
 
 

 

 

Rồi mai đây khi mình xa nhau nhớ đến nhau hoài

Rồi mai đây khi tình bay xa nhớ đến hôm này

Còn mãi mãi những gì mình chất chứa trong lòng

Còn cho nhau chút dư hương, đừng tiếc nhau gì vấn vương.

Mình xa nhau xin đừng quên nhau, chớ trách nhau gì

Mình xa nhau xin đừng quên mau, nắng sẽ phai màu

Đừng khóc nữa gió buồn vì mắt ướt hoen rồi

Đừng cho nhau tiếng than van, đừng nói lên lời khóc than...

 

 

Hy vọng mai này trên vạn nẻo đường đời, nếu có dịp còn gặp lại nhau, hoặc trên một Diễn Đàn hay trong sự kiện nào đó, ngoài sự vui mừng được gặp lại cố tri, chúng ta còn niềm hãnh diện là đã từng cùng nhau sinh hoạt trong một mái ấm GNST.  Cũng nhân dịp này, chúng tôi vô cùng tri ân tất cả sự cộng tác của các văn sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ và của toàn thành viên GNST đã gắn bó sinh hoạt mỗi ngày trên diễn đàn trong suốt 12 năm dài qua.  Sự đóng góp của mỗi thành viên đã tô thắm cho khu vườn GNST luôn tươi đẹp và phát triển không ngừng trong suốt một chặng đường không ngắn.  Có lẽ sự quyết định khép lại trang GNST là một trong những quyết định khó khăn nhất của anh Nguyễn Ngọc Quang cũng như ngoài ý muốn của BCH-GNST.  Lật từng trang, từng trang của GNST, biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui mà mỗi người chúng ta đã có với nhau như một thước phim quay chậm trở về những ngày đầu thành lập cho đến ngày hôm nay.  Gấp lại quyển lưu bút ngày xanh, ta ôm vào lòng và sẽ giữ mãi những tình cảm đẹp đẽ trân quý này.

 

 

Để thay lời từ giã, lại xin mượn 1 bài hát nữa mà chúng tôi vẫn  hát vang lên khi chia tay sau những buổi gặp gỡ, sinh hoạt đoàn thể khi còn niên thiếu. Bài hát tiếng Do Thái đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên Thế giới.

 

 Shalom Chaverim

Shalom chaverim! Shalom chaverot.

Shalom, shalom.

Lehitraot, lehitraot,
shalom, shalom.

 

Shalom, my friends! Shalom, my friends.
Shalom, shalom.
Farewell, my friends, farewell, my friends,
shalom, shalom.

 

GIÂY PHÚT CHIA LY

Rời tay phút chia ly

Bạn ơi vui lên đi, bạn hỡi! Vui đi

Gian khó ta không nề, ghi nhớ nhau muôn đời

 Từ nay cách xa.

 

 

 
Trân trọng, 
 
BCH- GNST
 
 
 
 
 
 

ĐIỆU TÂY Ý TA: MỪNG XUÂN KHÚC NHẠC HOAN CA

ĐIỆU TÂY Ý TA: MỪNG XUÂN KHÚC NHẠC HOAN CA

 

Cho dù là nhạc nhẹ, bán cổ điển hay nhạc hòa tấu không lời, nhưng chỉ cần tiết tấu nhẹ nhàng, giai điệu tươi sáng, tâm hồn người nghe lại chợt liên tưởng đến hơi thở mùa xuân hồi sinh trên phím đàn, quyện cung tơ lãng mạn… Mời quý thính giả và các bạn cùng Góc vườn Âm nhạc tìm đến những giai điệu nhạc nước ngoài lời Việt với hình tượng mùa xuân, một chủ đề luôn gợi hứng cho nhiều thế hệ tác giả.

Ảnh minh họa: Hoa đào ngày Tết. AP - Hau Dinh

Niềm lạc quan trong cuộc sống hiện tại hay những năm tháng hạnh phúc dù chỉ là kỷ niệm, thường là động lực thúc đẩy các nhạc sĩ viết lên những giai điệu thiết tha yêu đời. Trong số này, có nhạc phẩm « Khi mùa xuân trở lại ». Trong nguyên tác « Khi mùa xuân trở lại » là một giai điệu nhạc Pháp, do nam danh ca người Bỉ gốc Ý Adamo sáng tác vào năm 1989.

Được trích từ album « Sur la route des étoiles » (Trên con đường đầy sao sáng), bài hát « Quand le printemps revient » của Adamo thường hay bị nhầm lẫn với nhạc phẩm « Dès que le printemps revient » (Ngay khi mùa xuân về) do nam danh ca Hugues Aufray sáng tác và ghi âm để đại diện cho Luxembourg nhân Cuộc thi hát truyền hình châu Âu Eurovision năm 1964. Tại Pháp, ngoài các sáng tác cho riêng mình, Hugues Auffray còn nổi tiếng nhờ chuyển các bài hát của Bob Dylan sang lời Pháp cũng như sáng tác cho Johnny Hallyday.

Salvatore Adamo

Khi mùa xuân trở lại, bản gốc của Adamo

Bài hát « Quand le printemps revient » của Adamo là một bản tình khúc chứa chan hoài niệm, nhìn mùa xuân đang đến, mà nghe trong tâm hồn sống lại những vết đau ngọt ngào của một mối tình đã mất. Thế nhưng, mùa xuân cũng báo hiệu cho sự khởi đầu, biết đâu chừng con tim đã vui và muốn yêu trở lại. Trong tiếng Việt, tác giả Khúc Lan đã Việt hóa bài này thành nhạc phẩm « Khi mùa xuân trở lại » từng được nam ca sĩ Lâm Nhật Tiến ghi âm và trình bày.
 

Trong số các ngòi bút Pháp trứ danh, có tác giả Jacques Plante từng viết lời cho hàng loạt giai điệu kinh điển như « Tango Xanh » cho Tino Rossi, « Marjolaine » cho Dalida hay « La Bohème » (Kiếp phóng lãng) cho Charles Aznavour. Ngoài nhạc phẩm « Dès que le printemps revient » viết với Hugues Aufray, ông còn đặt lời cho giai điệu nổi tiếng « Domino » của nhạc si Louis Ferrari.

Người đầu tiên ghi âm bài này là André Claveau, giọng ca crooner nổi danh vào thập niên 1950. Bài hát sau đó được tác giả người Mỹ Don Raye đặt thêm lời tiếng Anh, được các nam danh ca Tony Martin, Bing Crosby và nhất là Andy Williams lần lượt ghi âm vài năm sau đó.
 

Trong tiếng Pháp, « Domino » là cách gọi thân mật tên của tình nhân Dominique, người mà theo cách mô tả của tác giả là tiếng gọi của con tim, cho giai điệu tình yêu rạo rực tâm hồn, bao tiếng xuân cùng hát trong ta (le printemps chante en moi). Được sáng tác theo điệu valse, nhạc phẩm nổi tiếng của Pháp có ít nhất ba lời trong tiếng Việt.


Tác giả Hương Huyền Trinh, cô ruột của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên từng đặt lời Việt cho bài này trước năm 1975 với tựa đề « Khúc nhạc muôn đời » với những câu như sau :

Khúc nhạc muôn đời (Domino) - lời Việt : Hương Huyền Trinh – tiếng hát Khánh Ly

Trăng đã lên, trăng đã lên.
Hương ngát thơm bao u huyền vườn thu thiết tha.
Trăng sáng soi trên lá hoa.
Dâng nhớ bao câu mong chờ nhạc xưa đã qua.
Xa xôi rồi nhớ thương, ai mong chờ vấn vương.
Riêng có ta tim xót xa, luyến thương bao khúc ca xưa đã phai nhòa….
 

Domino : Ca từ Xuân trong các bản phóng tác tiếng Việt

Sau năm 1975, đến phiên tác giả Hà Quang Minh đặt thêm lời thứ nhì cho bài hát tiếng Pháp thành nhạc phẩm « Người tình Domino ».
 

Domino, anh hỡi anh, trong gió xuân em ôm từng lời ca thiết tha.

Ôi ánh dương muôn sắc pha, cho trái tim em theo nhịp tình đôi chúng ta.

Hãy buông gần cánh tay cho em tình ngất ngây…

Anh hỡi anh, ôm xiết em, rót cho em chén yêu đương giữa xuân nồng.

Người tình Domino – tiếng hát Phạm Thu Hà

Về phần mình, tác giả Phạm Lê Phan cũng gợi hứng từ nhạc phẩm « Domino » để đặt thêm lời Việt thứ ba thành bài hát mang tựa đề « Hội Mùa Hoa » : 

Ta tới đây, vui với nhau, nghe nắng xuân reo tưng bừng trên muôn đóa hoa.

Xiêm áo bay, theo tiếng ca, ôi tóc em xanh vương dài như mây thướt tha.

Nghe tâm hồn đắm say, dâng men tình ngất ngây.

Tung bước vui, tay nắm tay, mến thương trao ái ân nồng cháy trong hồn...

Domino - Hội mùa hoa – tiếng hát Thùy Dung (Louis Ferrari, Jacques Plante )

Cả ba phiên bản đều đẹp như một bài thơ tình, duy chỉ có « Hội mùa hoa » và « Người tình Domino » mới dùng hình tượng mùa xuân tươi thắm, khắc họa tình yêu mãnh liệt, lan tỏa hương nồng say đắm, cho dù lời Việt không hẳn giống như bản nguyên tác tiếng Pháp của Jacques Plante.
 

Trung thành hay thoát ý so với nguyên tác, chuyện đặt lời là còn tùy theo hoàn cảnh chấp bút sáng tác cũng như cảm hứng nhất thời của từng tác giả. Việc chọn một khúc nhạc hòa tấu để đặt lời cũng là một cách để không bị trói buộc hay lệ thuộc vào bản nhạc gốc. Về điểm này tác giả Thích Chân Quang đã chọn một bản độc tấu đàn ghi ta để đặt thêm lời Việt thành nhạc phẩm « Lời hát cho mùa xuân » do nam ca sĩ Dzoãn Minh trình bày.

Dùng nhạc hòa tấu không lời để làm giàu nhạc xuân

Trong nguyên tác, giai điệu này là bản nhạc hòa tấu mang tựa đề « Quelques notes pour Anna » do nghệ sĩ Nicolas de Angelis ghi âm. Một trong những đồng tác giả bài này là nhạc sĩ người Pháp Jean Beaudlot. Sau một thời gian đi hát nhưng không thành công, ông mới chuyển qua sáng tác cho nhiều nghệ sĩ khác trong đó có Michèle Torr (J'aime) hay Joe Dassin (À toi). Quan trọng hơn nữa, ông tham gia nhóm sáng tác của Paul de Senneville và Olivier Toussaint để viết nhạc cho Richard Clayderman (piano), Jean Claude Borelly (kèn đồng) và Nicolas de Angelis (ghi ta).
 

Khúc nhạc hòa tấu không có liên quan gì đến mùa xuân, nhưng giai diệu đầy âm sắc dịu dàng tươi sáng đã gợi hứng cho tác giả Thích Chân Quang đặt lời Việt thành một bản nhạc xuân : Mùa xuân triệu hoa thắm hái dâng người. Lời xuân là muôn tiếng hát dâng đời… Mùa xuân chờ nhau góc núi chân trời. Gọi nhau tìm trong ánh mắt trông vời. Ngày mới xin mắt ai thôi lệ rơi Vì có những bước chân reo tiếng vui.

Nhờ khéo được đặt lời, cho nên ca từ trong những khúc nhạc gợi hứng từ điệu Tây, lại thêm đậm đà ý ta. Một số tác giả đã thành công trong nỗ lực đem những giai điệu nhạc ngoại dù là nhạc nhẹ, bán cổ điển hay nhạc hòa tấu đến gần hơn với thính giả người Việt, đồng thời làm giàu thêm bộ vựng tập nhạc xuân, sáng tác trong tiếng Việt… Lời nhạc tươi thắm muôn màu, thì thầm vương vấn hồn hoa, cho bao hương non sớm nồng, lộc xuân càng thơm hơi ấm.

Tuấn Thảo
Theo: RFI Tiếng Việt