Nguyễn Ngọc Quang

Nguyễn Ngọc Quang

Vén Màn Cửa Sổ Tâm Hồn (Tôi Đi Mổ Cataract) - Gió Đồng Nội

 Vén Màn Cửa Sổ Tâm Hồn (Tôi Đi Mổ Cataract) - Gió Đồng Nội 

Đây chỉ là kinh nghiệm cá nhân của tôi sau khi mổ Cataract. Viết cho vui và để chia xẻ cảm nghiệm của mình. Với ngôn ngữ bình dân, xin quý vị chuyên môn về Mắt miễn chấp ***

Mãi đến lúc xém bị đụng xe lần thứ hai thì tôi thật sự biết mình phải lấy hẹn để giải phẫu cặp mắt “mơ huyền” vì bị bức màn che mất “cửa sổ tâm hồn” mình. Bắt đầu chỉ là hơi mờ ảo, nhìn xa vẫn thấy. Thăm viếng bác sĩ mắt hàng năm để mua kính vừa cận, vừa lão cho đến lúc nhìn xa không rõ, không ước lượng được khoảng cách của đèn chiếu từ xe ngược chiều vào buổi tối thì tôi cũng “kéo lùi thời gian” phải mổ, đến cả 5 năm. 5 năm đủ cho tôi tới tuổi có Medicare. Cũng là tuổi già.    

Ngày đó, trong một lần đi khám mắt, bác sĩ báo cho biết mắt tôi đã khởi sự bị kéo màng (cataract). Chưa cần làm gì cả. Bác sĩ giải thích: khi tuổi càng cao, tầm nhìn của mắt càng giảm, nhất là nhìn lúc thiếu ánh sáng. Khi thấu kính thiên nhiên (natural lens) Trời cho trong cặp mắt bị một màn mây (lớp màng) che phủ hay bị vàng thì chính là lúc ta bị Cataract. Tùy từng trường hợp, cataract có thể gây ra chứng nhìn sự vật thấy mờ ảo, màu sắc không đúng, nhạy cảm với ánh sáng hay cần đeo kính mạnh (độ) hơn. Không chữa thì theo thời gian thị lực càng kém đi như trường hợp của tôi là một. Hình như người Việt mình gọi bệnh này là “Mắt có cườm”.

Nếu ví mắt con người là chiếc máy chụp hình thì có thể gọi thấu kính của máy chính là thấu kính thiên nhiên (natural lens) trời cho trong con mắt. Mổ cataract là lấy đi thấu kính (lens) bị hư hại và thay vào đó một thấu kính mớí do con người chế tạo ra. Hầu như có đến 90% người già bị chứng mắt kéo màng (cataract). Với thời buổi hiên đại ngày nay, việc mổ cataract rất thông thường và an toàn cho bệnh nhân. Không cần phải vào bệnh viện, bác sĩ có thể thực hiện ngay tại trung tâm riêng (Vision Center) trong vòng 15 đến 20 phút cho mỗi ca mổ mắt.

 Biểu Tượng Của Đôi Mắt – Bealy Professional
 

Tôi đến văn phòng bác sĩ Aggarwal ở Merritt Island, Florida. Dĩ nhiên là sau khi hỏi thăm, tìm hiểu với nhiều người quen biết về kết quả và cá nhân của ông bác sĩ người Ấn Độ này, tôi mới quyết định chọn ông. Xác định lại tình trạng cataract mắt tôi, bên phải bị nặng hơn bên trái. Họ cho tôi xem một video clip giải phẫu mắt bằng laser để so sánh với lối giải phẩu bình thường (standard). Nếu chọn laser, bạn sẽ phải trả bằng tiền túi của mình và mỗi con mắt sẽ tốn khoảng $2,100.00 (hơn hai ngàn đô la). Medicare chỉ trả cho loại giải phẫu bình thường (standard) và mỗi lần giải phẫu tôi trả $250. Tôi có thể mổ hai con mắt cùng một lúc để khỏi tốn $250 cho lần giải phẫu sau. Phần lớn người ta đợi cho mắt bên này lành hẳn (khoảng 1 đến 2 tháng) rồi mới mổ mắt bên kia nếu cả hai mắt đều bị kéo màng. Người chọn “Laser” khi mổ xong sẽ không phải đeo kính để đọc sách nữa vì bác sị đã đặt kính mới ngay vào mắt trong khi mổ. Mổ “standard” như tôI sẽ phải đeo kính để đọc sách sau đó. Tôi quyết định mổ mắt phải trước, đúng 1 tuần sau đó mổ luôn mắt trái vì lý do làm biếng. Lười đi khám bệnh lần nữa. Trước khi giải phẫu, tôi phải đi bác si gia đình để chứng thực sức khỏe tốt và giấy này chỉ có giá trị trong vòng 3 tháng. Lý do khác nữa là không muốn mất nhiều thời gian.   

Hai ngày tiền giải phẫu, tôi làm thủ tục “đầu tiên” (tiền đâu), trả $250, xong, Bác sĩ khám mắt và cho toa mua hai loại thuốc nhỏ mắt: Ofloxacin, trụ sinh để khỏi làm độc và Prednisolone, chất kích thích (steroid) để chống sưng (inflamtion). Một toa khác là thuốc nhỏ Cyclogyl cho con ngươi nở lớn. Thêm vào đó là 1 lọ Artificical Tear để nhỏ khi ngứa vì mắt bị khô cùng 1 hộp Extra Strength Tylenol phòng khi bị đau nhức. Đồng thời kèm thêm xấp giấy hướng dẫn chi tiết trước và sau khi giải phẫu.

-        Hai ngày trước khi giải phẫu, lấy toa xong thì mua thuốc và dùng ngay thuốc trụ sinh, nhỏ một ngày 4 lần.

-        Không ăn, uống, 6 tiếng trước giờ mổ. Mặc áo cài nút phía trước. 

-        Không đeo nữ trang, không bôi kem, phấn trong ngày đi mổ.

-        Không lái xe, phải có người chở về sau khi mổ.

-        Trước giờ mổ 1 tiếng, cứ 10 phút lại nhỏ thuốc để con ngươi mở lớn.

Sau khi mổ:

-        Mổ xong, về nhà nằm nghỉ và ngủ với độ dốc (đầu phải cao hơn tim) cho 1 tuần lễ.

-         5 tiếng đồng hồ sau khi mổ, băt đầu nhỏ thuốc trụ sinh 4 lần 1 ngày trong 2 tuần, nhỏ thuốc chống sưng trong 6 tuần với cách giảm từ từ như sau: nhỏ 4 lần, mỗi lần 1 giọt trong 2 tuần. Hai tuần sau giảm xuống còn 2 lần. Hai tuần cuối giảm xuống còn 1 lần.

-        Khi mắt ngứa có thể nhỏ “nước mắt giả” (Artificial Tears) nhưng cách các thuốc kia nửa giờ.

-        4 đêm đầu tiên phải che mắt kín bằng miếng nhựa phòng khi ngủ bị đụng vào mắt .

-        Không đi bộ, đạp xe trong 5 ngày.

-        Không nâng, bê, nặng trong 10 ngày.

-        Không được để nước bắn vào mắt (không cho thời gian nên tôi tự kiêng cho 2 tuần)

-        Nếu bị ói mửa, không nhìn thấy gì thì phải gọi bác sĩ (có số trực 24 /24) ngay.   

Văn phòng bác sĩ đã cho sẵn 3 cái hẹn: Một ngày, một tuần, rồi một tháng sau khi mổ.

“Ngày trọng đại” đã tới. 5 giờ sáng, tôi thức dậy tắm, gội đầu cẩn thận rồi mỗi 10 phút bắt đầu nhỏ thuốc để con ngươi nở lớn, chuẩn bị lên bàn mổ lúc 7 giờ. Đây là ca mổ đầu tiên trong ngày. Tôi đã cầu nguyện suốt đêm cho bác sĩ khoẻ mạnh, tỉnh táo để khéo tay mổ cho mình lành lặn an toàn. Xác định tên, con mắt bên phải sẽ mổ, xong thì y tá tìm gân máu để chuyền nước biển có pha thuốc mê. Chỉ kịp biết có 3 y tá phụ với bác sĩ mổ là tôi chìm vào giấc ngủ vì thấm thuốc. Khoảng 20 phút sau tôi tỉnh lại. Không thấy đau chỗ nào cả, chỉ thấy mắt bị mổ đang băng kín. Tôi theo “tài xế” ra xe, về nhà nằm nghỉ với ba cái gối chất chồng thoai thoải cho khỏi đau lưng. Đem các loại thuốc đã mua để ngay cạnh bàn ngủ cho dễ lấy rồi chờ đúng 5 tiếng sau mới gỡ băng, nhỏ thuốc các loại. Không biết các bệnh nhân khác ra sao chứ thật tình tôi cảm động khi ngay buổi tối hôm mới mổ, bác sĩ Aggarwal gọi điện thoại hỏi thăm xem tôi ra sao dù là hôm sau sẽ gặp lại ông để tái khám.

Một ngày sau khi mổ mắt bên phải, tôi gặp bác sĩ để xem vết mổ. Mắt tốt. Không đau nhưng ngủ không được. Tôi nghĩ mình có vấn đề với chất kích thích (Steroid). Đêm trước khi đi mổ, tôi thức trắng vì lo lắng, rồi canh đồng hồ để dậy nhỏ thuốc nên hơi mệt mỏi. Mổ xong, nhỏ thuốc Prednisolone 4 lần một ngày đã làm đầu óc tôi căng thẳng, trong người bực bội, nhắm mắt nhưng không ngủ được cả đêm lẫn ngày. Hai ngày, hai đêm không ngủ khiến tôi nóng tính, khó chịu. Hỏi bác sĩ để bỏ thuốc thì ông bảo ráng thêm vài ngày. Gọi điện thoại hỏi ông anh (Dược Sĩ). Anh bảo nếu mắt không sưng, cô giảm dần bằng cách nhỏ bớt thuốc ngay đi. Thế là 1 ngày đầu tôi nhỏ 4 giọt, ngày thứ hai còn 3 giọt (đêm đó ngủ được ít giờ), ngày thứ 3, thứ 4 còn 2 giọt (ngủ lại như bình thường), hai ngày sau mỗi ngày 1 giọt rồi ngưng luôn thì đến ngày mổ mắt bên trái. Cũng là ngày Thứ Năm, đúng một tuần sau khi mổ mắt bên phải. Tình trạng mất ngủ xảy ra y như lần mổ trước. Kinh nghiệm “đầy mình”, Tôi nhỏ bớt thuốc. Kết quả là cả hai mắt đều không tuân theo đúng lời bác sĩ dặn. Thuốc trụ sinh tôi cắt bớt 1 tuần, còn Prednisolone tôi cắt luôn 5 tuần. Sở dĩ tôi dám cắt bớt thuốc nhỏ vì sau khi khám, bác sĩ nói kết quả giải phẫu rất tốt, chỉ đợi thời gian cho mắt lành hẳn thôi. 1 tuần sau khi mổ, mắt tôi đã nhìn rất rõ những vật ở xa, hết mờ ảo nhưng bị mỏi và nhức nếu tôi nhìn lâu. Có lẽ vì mắt phải làm việc nhiều khi chưa đủ thời gian 6 tuần cho mắt bình phục hoàn toàn.

 

Bây giờ tôi nhìn xa được nhưng nhìn gần như đọc sách thì không thấy gì nếu không đeo kính cận thị. Chuyện đeo kính cận thì dễ nhưng vấn đề của “Hậu giải phẫu cataract” là bị chứng Dry Eyes (Mắt bị khô). Giải phẫu mắt có thể làm xáo trộn hoạt động của tuyến nước mắt. Nước mắt chính là chất hoá học tự nhiên của trời cho để bảo vệ mắt khỏi khô, khỏi bị nhiễm trùng. Nước mắt thiên nhiên được cấu tạo bởi nước, dầu và chất nhờn (mucous) nằm trong tuyến nước mắt ở phía trên và phía dưới mi mắt. Thiếu một trong ba chất này sẽ gây ra bệnh Khô Mắt. Để giúp mắt khỏi bị khó chịu khi mắt khô, “nước mắt giả” (artificial tears) thường được dùng. Có thể đặt miếng “băng gạc” nhúng nước ấm đặt trên mắt. Uống dầu cá hay thuốc bổ cũng là một cách giúp mắt đỡ bị khô. Mổ cataract xong là phải dùng nước mắt giả thường xuyên.

Dùng nước mắt giả để thấy sự vật rõ ràng là cái giá những người mổ cataract phải chịu. Giá này “rẻ” hơn là “ĐUI” nhiều lắm. Đó là ý nghĩ của tôi cũng như rất nhiều người khi quyết định mổ cataract. Và điều chắc chắn nhất vẫn là: nếu không PHẢI thì đừng mổ. Tránh đụng dao, đụng kéo (giải phẫu) được chừng nào, tốt chừng đó vì luôn luôn có những trở ngại chẳng nhiều thì ít sau khi “chơi với dao.

 

   Gió Đồng Nội   

     7-14-2024     

 
Mắt cười là gì? Bật mí những bí mật riêng tư về con người bạn
 
 
 
       ĐÔI MẮT       
 
Mấy tháng nay tự nhiên thấy mắt mình mờ hẳn đi, tưởng là mắt bị tăng độ bèn đi đo mắt để đổi kính, nhưng chuyên viên dùng máy đo mãi vẫn không chính xác được, nên bảo mình đi bác sĩ Mắt khám cho chắc ăn.
Kết quả bác sĩ nói mình bị Cataract ( cườm khô) và đề nghị mổ càng sớm càng tốt. Nhưng nghe nói đến mổ mình sợ hết hồn vì lúc còn ở Vn bác hàng xóm đi mổ cườm mà bị mù luôn.
 
Nhiều biện pháp chữa cháy như :
 
- đổi font điện thoại thành màu đen để đọc chữ trắng, tạm ok
- thay tivi lớn 50 cm để nhìn rõ hơn
- chọn phim có thuyết minh thay vì phụ đề…
 
Đặc biệt rất nhạy với ánh sáng nên phải đeo kính mát trong nhà như thầy bói.
Nhiều lúc trông gà hoá cuốc, nhất là mấy tấm hình của photographer BB …
 
Hỏi thăm bạn ở Vn , người quen ở Pháp ai cũng nói mổ thay thuỷ tinh thể không đau và rất nhanh ( chừng 30’), thế là quyết định lấy hẹn mổ mắt ở bệnh viện tư ở Pháp.
 
Trước ngày mổ bs dặn không được ăn uống trước 6 tiếng , tắm bằng thuốc sát trùng , nhỏ mắt bằng thuốc đặc biệt.
Mang tâm trạng lo lắng hồi hộp.. 
 
Khi nhập viện được họ chích cho mũi thuốc giảm stress, tự nhiên thấy không còn lo lắng nữa..
 
Gây tê bằng thuốc nhỏ mắt không cảm giác gì hết…
Mặc bộ đồ bằng giấy của bệnh viện rộng thùng thình ( dùng một lần rồi bỏ).
Trước mắt chỉ thấy ánh sáng lập lòe, không chút cảm giác..
Hai mươi phút sau bs bảo xong rồi, mình còn chưa tin phải hỏi lại lần nữa..
Bs đậy mắt mình bằng một miếng nhựa trong ,dặn ngày mai mới bỏ ra…
Rồi còn cho một lô thuốc nhỏ mắt trong 1 tháng…
Tất cả từ A đến Z đều miễn phí.
 
Sáng hôm sau bỏ miếng nhựa ra mình ngạc nhiên quá, điều đầu tiên soi gương mình thấy sao mặt mình nhiều nếp nhăn vậy???, những điểm tàn nhang cũng đậm hơn..
 
Nhưng bù lại coi TV không cần đeo kính…đọc chữ cũng không cần kính.
Những vật dụng có màu xanh dương thì mới hẳn ra y như mới mua vậy.
Hoá ra bấy lâu này nhìn đời qua ảnh ảo, thấy mặt mình không nếp nhăn, ít tì vết…nay sự thật đã được phơi bày rõ ràng …
Ôi ! Một đôi mắt trẻ trong cơ thể người già…
 
Cám ơn các bác sĩ cho mình đôi mắt tốt để nhìn mọi vật đúng sự thật của nó …
Nhưng dù thật hay giả ( thủy tinh thể giả) đôi mắt vẫn là cửa sổ của tâm hồn…
 
    Mỹ Hạnh    
 
SỰ "LỢI HẠI" CỦA ÁNH NHÌN.
 
 

“tình yêu không biên giới chủng tộc” một chuyện tình thật đẹp “hữu nghị Nhật – Trung”

Yoshiko Yamaguchi

Bài hát "Ikanaide" được sáng tác vào năm 1989, với lời bài hát được viết bởi một trong những người viết lời của ông, Goro Matsui. Cùng năm đó, bài hát được sử dụng làm ca khúc chủ đề cho bộ phim truyền hình Trung Quốc-Nhật Bản Farewell, Lixianglan, kể về một phụ nữ Nhật Bản Yoshiko Yamaguchi. (12 tháng 2 năm 1920-7 tháng 9 năm 2014) sinh ra ở Trung Quốc và bị buộc tội làm gián điệp và bị đưa ra xét xử nhưng cuối cùng được trả tự do và đến Nhật Bản, sống một cuộc sống lâu dài và bình yên.

 The History of Yamaguchi Yoshiko 山口淑子 also known as Li Xiang Lan 李香蘭  (Ri-Koran): Review of Chen Meijuin film "The Double Life of Li Xianglan"

* * * "Hamako Wanatabe là người đầu tiên thu đĩa bản Shina No Yoru, về sau ca khúc này lại gắn liền với tên tuổi của Li Xianglan, được cô hát trong cuốn phim có cùng tựa do cô thủ vai nữ chính – một cuốn phim được quốc tế ca tụng nhưng lại bị Trung Hoa tẩy chay, lên án! Cuốn phim Shina No Yoru (China Nights, có chữ “s”, còn được gọi là Shanghai Nights – Đêm Thượng Hải), do hãng phim Manchuria Films Productions thực hiện năm 1940, Osamu Fushimizu đạo diễn (thời gian này Manchuria, tức Mãn Châu, đã tách rời khỏi Trung Hoa để trở thành một quốc gia do Nhật bảo hộ). Cuốn phim Shina No Yoru, với chủ đề “tình yêu không biên giới chủng tộc”, nằm trong loạt phim tuyên truyền cho tình “hữu nghị Nhật – Trung”, cốt truyện kể về một cô gái mồ côi sống ngoài đường phố Thượng Hải được một sĩ quan hàng hải Nhật có lòng nhân đạo cứu vớt, dẫn đưa tới một chuyện tình thật đẹp. Nhưng dưới mắt người dân Trung Hoa thời bấy giờ, không thể có việc một người Nhật có lòng nhân đạo. Nỗi kinh hoàng của Cuộc thảm sát Nam Kinh năm 1937 vẫn còn in hằn trong đầu óc họ. Sau khi Đệ nhị Thế chiến chấm dứt, Li Xianglan bị nhà cầm quyền Trung Hoa (phe Dân quốc) bắt giữ và đưa ra tòa xét xử về tội phản quốc, với cái án tử hình cầm chắc trong tay. Chỉ tới khi người Nhật xác nhận Li Xianglan là một con cháu Thái Dương Thần Nữ với tên thật là Yoshiko Yamaguchi, nàng mới được thả, và bị trục xuất khỏi Trung Hoa." 

Hiện nay, mở trang Shina No Yoru – YouTube trên Internet, chúng ta sẽ đọc được nhiều câu chuyện cảm động, kỷ niệm êm đềm liên quan tới ca khúc này và nhân vật “Li Xianglan - Shirley Yamaguchi”.

Obituary: Actress Yamaguchi Had Life of Dramatic Transformations - WSJ

[Cuộc thảm sát Nam Kinh – The Nanking Massacre, còn được sử sách gọi là the Rape of Nanking, mở màn vào ngày 13 tháng 12 năm 1937, ngày thủ đô Nam Kinh của Cộng Hòa Trung Hoa bị rơi vào tay quân Nhật. Theo trang mạng Wikipedia và tài liệu hiện được lưu giữ tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ (The Library of Congress), ngày ấy, trong khoảng thời gian gần một tháng, đã có từ 200.000 tới 340.000 người Trung Hoa bị quân Nhật tàn sát, và trên 20.000 phụ nữ bị cưỡng hiếp.

Sau này, các nhân chứng sống kể lại trƣớc Tòa án Quân sự Quốc tế Viễn Đông rằng việc hành quyết tập thể, hôi của và lùng bắt phụ nữ được tiến hành một cách quy mô theo kế hoạch, để không một khu vực nào bị bỏ sót, không một người nào kịp thoát thân. Các phụ nữ xấu số - từ bé gái cho tới bà cụ già – sau khi bị cưỡng hiếp tập thể, đa số đã bị giết một cách cực kỳ man rợ.

The history of yamaguchi yoshiko 山口淑子 also known as li xiang lan 李香蘭 ri  koran 1946 1952 – Artofit

Sau này, phía Nhật Bản nhìn nhận có 142.000 binh lính và thường dân Trung Hoa chết, nhưng không bao giờ nhắc nhở tới các vụ cưỡng hiếp, tương tự việc họ không bao giờ nhìn nhận đã cưỡng ép hàng trăm nghìn phụ nữ Hàn Quốc phục vụ nhu cầu tình dục của Quân đội Thiên hoàng, mà họ gọi là “comfort women”.

Độc giả nào “cứng bóng vía” muốn tìm hiểu về Cuộc thảm sát Nam Kinh kèm theo những hình ảnh ghê rợn, có thể mở trang Google với từ khóa “The Nanking Massacre”, hay “The Rape of Nanking”] Khổ nỗi, cuốn phim Shina No Yoru, với tình tiết ly kỳ hấp dẫn và ngoại cảnh tuyệt đẹp của Thượng Hải, lại được các nhà bình phim ca tụng và khán giả ưa thích.

RocaHistory | Japanese actress Yoshiko Yamaguchi lived a life that deserves  multiple movies She was born in 1920 in Manchuria, China, a region that… |  Instagram

Trong phim này, Li Xianglan thủ vai cô gái mồ côi và hát bản Shina No Yoru. Li Xianglan có một giọng hát cao vút đầy nghệ thuật diễn tả, mà từ chuyên môn gọi là “coloratura soprano”. Với đại đa số khán thính giả, độc giả ngƣời Việt, cái tên “Li Xianglan” có thể xa lạ, nhưng nếu viết tên phiên âm Hán Việt Lý Hương Lan, chắn hẳn nhiều bậc cao niên vẫn còn nhớ.

Cũng thế, giới mộ điệu ở Âu Mỹ có thể không biết Li Xianglan là ai, nhưng nếu nhắc tới nghệ danh bằng tiếng Anh + tiếng Nhật Shirley Yamaguchi thì hầu như ai cũng biết. Còn tại Nhật, vị nữ lưu này lại được biết tới, và kính trọng, qua phương danh Yoshiko Otaka, một trong những bóng hồng đầu tiên trong Thượng viện Nhật Bản. Shirley Yamaguchi (Li Xianglan).

Tính cho tới nay, cuộc đời ly kỳ của Shirley Yamaguchi, một phụ nữ có tới gần 10 cái tên khác nhau, đã được đưa lên màn bạc, màn ảnh truyền hình, sân khấu ca kịch nhiều lần, và gần đây đã trở thành nguồn cảm hứng, chất liệu cho cuốn tiểu thuyết Người tình Trung Hoa (The China Lover, 2008) của nhà văn Ian Buruma. 

Shirley Yamaguchi (AKA Yoshiko Yamaguchi or Li Xianglan, 1955) :  r/OldSchoolCelebs 

Shirley Yamaguchi tên thật là Yoshiko Yamaguchi, sinh năm 1920 tại Mãn Châu, nơi cha cô, ông Fumio Yamaguchi, làm việc trong Công ty Hỏa xa Nam Mãn Châu. Khuôn mặt của Yoshiko phảng phất những nét tây phương là thừa hưởng từ ông nội, vốn mang trong người 1/4 máu Âu châu. Lớn lên trong một môi trường mà mọi người đều nói tiếng Quan thoại, Yoshiko trở thành một cô gái “Hoa” nhiều hơn là “Nhật”, một phần cũng vì cha cô kết nghĩa huynh đệ với hai người Trung Hoa có tiếng tăm, một người họ Lý (Li), một người họ Phan (Pan).

Theo phong tục, Yoshiko trở thành nghĩa nữ của hai nhà nói trên, và được đặt tên bằng tiếng Hoa là Li Xianglan (Lý Hương Lan)Pan Shuhua (Phan Thục Hoa). Yoshiko học hát nhạc cổ điển với Madame Podresov, một ca sĩ giọng soprano người Ý kết hôn với một nhà quý tộc Nga. Sau đó, Yoshiko tới Bắc Kinh sống dưới sự bao bọc của gia đình họ Phan, sử dụng tên Pan Shuhua, trau dồi thêm tiếng Quan thoại và theo đuổi nghệ thuật ca kịch cổ điển (opera).

Yoshiko Yamaguchi

Tới khi đóng cuốn phim đầu tiên vào tuổi 18 (năm 1938), Yoshiko bắt đầu lấy Li Xianglan làm nghệ danh. Từ đó cho tới khi cuộc chiến tranh Trung – Nhật chấm dứt, Li Xianglan, với khả năng song ngữ Hoa - Nhật, đã được người Nhật tận dụng tài nghệ trong việc tuyên truyền cho “tình hữu nghị Nhật – Trung”; về phần người dân Trung Hoa, hầu như không ai biết Li Xianglan là người Nhật, và cô đã được xếp hạng 5 trong danh sách 7 đại minh tinh ca nhạc (seven great singing stars) của Trung Hoa trong thập niên 1940. Chính vì thế, sau khi Li Xianglan đóng vai chính trong cuốn phim Shina No Yoru (và hát ca khúc này trong phim), nàng đã bị phía Trung Hoa lên án là kẻ phản quốc.

The history of yamaguchi yoshiko 山口淑子 also known as li xiang lan 李香蘭 ri  koran 1946 1952 – Artofit

Tất cả mọi bài hát nổi tiếng của Li Xianglan, trong đó có hai bản Shina No Yoru (China Night – Đêm Trung Hoa)Suzhou Serenade (Tô Châu Dạ Khúc) đều bị cấm ở cả vùng Dân quốc (phe Tưởng Giới Thạch) lẫn vùng Cộng sản (phe Mao Trạch Đông).

Sau khi Đệ nhị Thế chiến chấm dứt, Li Xianglan bị nhà cầm quyền Trung Hoa (phe Dân quốc) bắt giữ và đưa ra tòa xét xử về tội phản quốc, với cái án tử hình cầm chắc trong tay. Chỉ tới khi người Nhật xác nhận Li Xianglan là một con cháu Thái Dương Thần Nữ với tên thật là Yoshiko Yamaguchi, nàng mới được thả, và bị trục xuất khỏi Trung Hoa.

Lúc này, trước mắt người dân Trung Hoa, người nữ nghệ sĩ tài hoa trước kia bị họ lên án là “kẻ phản quốc” đã lộ nguyên hình là một “nữ điệp viên Nhật” đội lốt nghệ sĩ Trung Hoa để thi hành công tác địch vận – một cáo buộc mà Yoshiko Yamaguchi luôn luôn bác bỏ.

1946 - 1952

Sau này, vào đầu thập niên 1950, Yoshiko đã chính thức lên tiếng xin lỗi người dân Trung Hoa về việc đã vô tình để phát-xít Nhật lợi dụng trong việc tuyên truyền trong thời gian Đệ nhị Thế chiến; nhưng tự bản thân Yochiko cũng biết: khi nào người dân Trung Hoa chưa quên được tội ác của quân Nhật, họ vẫn còn thù ghét mình!

Trở về Nhật năm 1946, Yoshiko Yamaguchi đã mau chóng tạo được tên tuổi trong làng điện ảnh xứ Phù Tang, trong đó có những cuốn phim đóng dưới quyền đạo diễn thiên tài Akira Kurosawa (có lẽ khán giả ở Sài Gòn ngày ấy chưa quên những tác phẩm để đời của ông, như Bảy chàng võ sĩ đạo, Lã-sanh-môn...).

Bước qua thập niên 1950, Yoshiko Yamaguchi sang Hoa Kỳ lập nghiệp dưới nghệ danh mới Shirley Yamaguchi, và tạo được tên tuổi ở cả kinh đô điện ảnh Hồ-ly-vọng lẫn thủ đô kịch nghệ Broadway. Năm 1951, tại Hoa Kỳ, Yoshiko kết hôn với điêu khắc gia Mỹ gốc Nhật Isamu Noguchi, nhưng chỉ chung sống được 5 năm.

Từ giữa thập niên 1950, Yoshiko đã hồi sinh nghệ danh tiếng Hoa “Li Xianglan” qua nhiều cuốn phim của điện ảnh Hương Cảng. Năm 1958, Yoshiko Yamaguchi từ giã màn bạc vào tuổi mới 38, và bước thêm bước nữa với ông Hiroshi Otaka, một nhà ngoại giao Nhật làm việc ở Miến Điện; từ đó bà lấy tên theo họ chồng Yoshiko Otaka (hai ngƣời chung sống cho tới khi ông qua đời vào năm 2001).

Cũng trong năm 1958, Yoshiko Otaka trở về Nhật, thường xuyên xuất hiện trong các talk-show, và tới năm 1969, chủ xướng chương trình thời sự quốc tế Sanji no anata (The Three O'Clock You), chú trọng tới hai cuộc chiến ở Trung Đông và Việt Nam. Năm 1974, Yoshiko Otaka được bầu vào Thượng viện của Quốc hội Nhật, và phục vụ liên tục 18 năm (3 nhiệm kỳ)

Năm 1993, bà được Nhật Hoàng trao tặng huân chương Order of the Sacred Treasure, là huân chương cao quý thứ nhì của Hoàng gia Nhật, chỉ đứng sau huân chương Order of the Rising Sun. Bước sang thế kỷ thứ 21, Yoshiko Otaka vẫn tiếp tục hoạt động thiện nguyện.

Khi qua đời tại Đông Kinh năm 2014 vào tuổi 94, Yoshiko Otaka đang đảm trách chức vụ Phó Chủ tịch Quỹ Phụ Nữ Á Châu (Asian Women‟s Fund).

The History of Yamaguchi Yoshiko 山口淑子 also known as Li Xiang Lan 李香蘭  (Ri-Koran): Autographs: Li Xianglan or Yamaguchi Yoshiko?

* * * Trở lại với thập niên 1940 và bản Shina No Yoru, sau khi được Yoshiko Otaka – tức Li Xianglan ngày ấy - hát trong cuốn phim có cùng tựa do cô thủ vai nữ chính, đã trở thành một hiện tượng, không chỉ là ca khúc phổ biến nhất ở Nhật, ở Trung Hoa (mặc dù nhà cầm quyền đã ra lệnh cấm) mà còn ở Đại Hàn, nơi mà nghệ danh Li Xianglan được “Hàn hóa” thành Ri Koran.

Cũng chính tại bán đảo Triều Tiên, nơi quân đội Liên Hiệp Quốc tới chiến đấu chống lại cuộc xâm lược của quân cộng sản Bắc Hàn và Giải phóng quân Nhân dân Trung Hoa (Trung Cộng) vào đầu thập niên 1950, Shina No Yoru do “Ri Koran” hát đã trở thành ca khúc được các binh sĩ Mỹ (chủ lực của đạo quân LHQ) ưa chuộng tới mức hầu như ai cũng thuộc lòng, cho dù không hiểu lời hát bằng tiếng Nhật nói gì! Theo hồi ký của một số cựu quân nhân Mỹ tham chiến tại bán đảo Triều Tiên, ngày ấy mấy chữ “Shina No Yoru” đã được họ hát thành “She Has No Yoyo”

 
Yoshiko 'Shirley' Yamaguchi, actress, dies at 94 - The Washington Post

[Mẫu tự “r” trong chữ “yoru” khi phát âm một cách nhẹ nhàng, chẳng hạn khi hát, nghe gần giống nhƣ mẫu tự “y”] Hiện nay, mở trang Shina No Yoru – YouTube trên Internet, chúng ta sẽ đọc được nhiều câu chuyện cảm động, kỷ niệm êm đềm liên quan tới ca khúc này và nhân vật “Li Xianglan - Shirley Yamaguchi”.

Chẳng hạn: My dad, God bless him, was among those who heard her sing and so loved this song that he sang it as a lullaby to his "kids" for over forty years. Here it is fully restored and in digital stereo for you and yours to enjoy, and make sure Grand-dad gets to hear it! Hoặc: This song (the Shirley Yamaguchi version) is being played at my grandfather's funeral tomorrow. He served in the USAF and was in Japan during the Korean War. He was singing this song up until a week before he died. Unfortunately, he had no idea what this song was called, and believed the lyrics were, "she aint got no yo yo." I was ecstatic when I found the song he had sung all those years since the service. I'm just really sorry I couldn't have found it for him earlier. RIP Papaw.

Như chúng tôi đã trình bày ở phần đầu, Hamako Wanatabe là người đầu tiên thu đĩa bản Shina No Yoru, và tới năm 1940, ca khúc này đã gắn liền với tên tuổi của Li Xianglan (tức Shirley Yamaguchi, Yoshiko Otaka, Ri Koran...), thế nhưng tính cho tới nay, người hát đạt nhất, và được ưa chuộng nhất lại là Misora Hibari (1937-1989), nữ diễn viên, nữ danh ca nhạc dân tộc cổ điển (“enka” trong tiếng Nhật) nổi tiếng nhất của xứ hoa anh đào.

Khi còn sống, Misora Hibari đã thu đĩa trên 1.200 ca khúc và bán được 68 triệu đĩa. Sau khi bà bất ngờ qua đời vì viêm phổi vào tuổi 52, tới năm 2001, con số ấy đã lên tới trên 80 triệu. Riêng với thế hệ trẻ, Shina No Yoru do nam thần tượng điện ảnh & ca nhạc Kyu Sakamoto (1941-1985) thu đĩa có lẽ là bản được ưa chuộng nhất.

The History of Yamaguchi Yoshiko 山口淑子 also known as Li Xiang Lan 李香蘭  (Ri-Koran): Photos 3 | Japan outfit, Actresses, Vintage beauty

Kyu Sakamoto, tên thật là Hisashi Oshima, là ca sĩ ngoại quốc đầu tiên có ca khúc đƣợc đứng No.1 trong danh sách nhạc trẻ của bảng xếp hạng Billboard năm 1963 tại Hoa Kỳ. Kyu Sakamoto tử nạn vào tuổi 43 trên chuyến bay Japan Airlines Flight 123 năm 1985 - cho tới nay vẫn được ghi nhận là tai nạn phi cơ khủng khiếp nhất (một phi cơ). trong lịch sử hàng không quốc tế, với số người chết chỉ đứng sau tai nạn do hai chiếc Boeing 747 đụng nhau ở phi cảng Tenerife trên đảo Canary Islands vào năm 1977.

The History of Yamaguchi Yoshiko 山口淑子 also known as Li Xiang Lan 李香蘭  (Ri-Koran): 1939 - 1942
 

Trở lại với bản Shina No Yoru do Sonny James dịch sang tiếng Anh với tựa China Night. Sonny James tên thật là James Hugh Loden, sinh năm 1929, hiện đã về hưu, là một ca sĩ kiêm nhà viết ca khúc đồng quê (country music) hàng đầu của Mỹ, đƣợc tặng biệt hiệu “The Southern Gentleman”. Cho tới nay, chúng tôi vẫn chưa tìm được phần audio (MP3) của bản Shina No Yoru - China Night lời tiếng Anh do Sonny James hát, nên chỉ có thể giới thiệu với độc giả video clip “Japanese Farewell – 3 Songs” gồm (1) Shina No Yoru - China Night do Sonny James trình bày, (2) Japanese Farewell (Sayonara) do ban nhạc Martin Denny hòa tấu, và (3) Japanese Farewell (Sayonara) do Mark Dinning trình bày.

  Sưu tầm by Nguyễn Ngọc Quang  

Hình ảnh minh hoạ

Chút Tâm Tình Với Pulau Bidong - Nguyễn Văn Tới

                 Bản đồ trại tỵ nạn Pulau Bidong, Malaysia              

         Cầu Jetty, cây cầu lịch sử của thuyền nhân Việt Nam tại Malaysia

Cái tên Pulau Bidong nghe rất đỗi thân thương và gần gũi với nhiều người vượt biển Việt Nam lánh nạn cộng sản từ sau năm 1975 và cũng là biểu tượng của ngưỡng cửa Tự Do mà nhiều người mơ ước.  Mảnh đất nhỏ bé này là một hải đảo, cách xa tiểu bang Terengganu của Malaysia khoảng một giờ đi thuyền. Nếu có cơ hội, những người thuyền nhân năm xưa nên trở lại, chỉ một lần thôi, thực hiện một cuộc hành hương trở về vùng đất Thánh. Dù không phải là một cựu thuyền nhân tạm dung nơi hải đảo hoang vu này, đôi chân lạ lẫm không quen của tôi đã đặt chân lên Pulau Bidong trong một chuyến du lịch ngẫu hứng, cho ký ức quãng đời tỵ nạn ngày xưa lần lượt trở về trong tôi.

 

Nhóm bạn 10 người gồm 5 đôi uyên ương từ 2 tiểu bang Arizona và Florida: vợ chồng Bình-Ngôn, Lý-Sinh, Nhờ-Liên, Thái-Quỳnh, và vợ chồng tôi là Tới-Hòa. Chúng tôi đã lên chương trình gần 1 năm trước cho một chuyến du lịch tự do, đi theo cảm hứng, theo túi tiền, và theo sức khỏe sắp về chiều của chúng tôi. Khi đến Singapore, chúng tôi nảy ra ý định sẽ ghé hòn đảo thiêng liêng, vùng đất “muôn đời không quên” trong tâm khảm của những con người Việt Nam ra đi tìm Tự Do vào những thập niên 70, 80, và 90.

Trong nhóm 10 người, chỉ có 3 người đã từng tạm cư trên đảo Pulau Bidong: vợ chồng Quỳnh-Thái, người nữa là bà xã tôi. Những người còn lại đều đã ở các trại tỵ nạn khác nhau trong vùng Đông Nam Á như Indonesia, Thailand, hoặc Palawan, Philippines, ngoại trừ vợ chồng anh chị Bình-Ngôn đến Mỹ du học từ năm 1972. Khi tất cả chúng tôi vừa đặt chân lên hòn đảo, cái cảm giác một thời tỵ nạn năm xưa tràn về, chiếm ngập hồn chúng tôi, một cảm giác vui mừng xen lẫn một thoáng ngậm ngùi với cảnh vật tuy xa lạ mà dường như thân quen lắm.  

Chúng tôi đứng lặng nhìn rừng xanh lá phủ lên cảnh vật điêu tàn, lòng không khỏi ngậm ngùi, những nấm mộ phủ dầy cỏ dại, giây leo đan gần kín những cái tên họ Việt Nam khắc vụng về trên các bia mộ. Đó là những mảnh đời tan vỡ, những hy vọng chưa kịp nở hoa đã lụi tàn giữa biển cả mênh mông. Quang cảnh vắng lặng tiêu điều, gió biển rì rào len lỏi qua khu rừng xanh lá, cứ ngỡ các linh hồn đang trở về trong gió khiến tâm hồn chúng tôi xôn xao một cảm giác bâng khuâng lạ kỳ.

Ký ức của một thời tỵ nạn ùa về, không ai bảo ai, chúng tôi cúi đầu bồi hồi, để tâm hồn hoang mang đi ngược về quá khứ, từng hình ảnh những tang thương, xơ xác, những mất mát, những xác thân hao gầy, mòn mỏi ngày mới đến. Người xa lạ, kẻ thân quen, tất cả chúng tôi chợt xúc động mãnh liệt như hòa vào với vẻ tiêu điều trước mặt, chúng tôi thật sự cảm nhận được hồn dân tộc Việt Nam như vẫn còn hiện diện quanh đây.

 

Theo chương trình, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là quốc đảo Singapore. Chúng tôi ghé thăm hòn đảo này 3 ngày và từ đây chúng tôi sẽ bay qua Terengganu đi thăm trại tỵ nạn của người Việt Nam trên đảo Pulau Bidong thuộc Malaysia vì Singapore trước đây là một phần đất tách rời của Malaysia trước khi trở thành một quốc gia độc lập như ngày nay.

Xin được ghi thêm vài dòng về đảo quốc Singapore đặc biệt này một chút vì giữa “Nó” và tôi có một mối ân oán giang hồ: tôi không ưa Nó, thậm chí còn ghét Nó. Tháng 3, 1989, khi tàu Na-Uy cứu vớt và đưa chúng tôi cặp hải cảng chính của Singapore; cảnh sát biên phòng, súng lăm lăm, canh chừng không cho chúng tôi bước lên đất của họ trong lúc vị thuyền trưởng Na-Uy đang thương thuyết với chính phủ Singapore xin cho chúng tôi được lên bờ.

Cảm giác của những người không còn chốn dung thân, kiệt sức, bơ vơ, hoang mang, không còn tổ quốc như chúng tôi lúc này đau đớn lắm; cái biên giới mong manh giữa Tự Do và Vô Định chỉ vài bước chân mà không thể nào vượt qua. Sau một ngày chờ đợi trong lo âu, khi chiều xuống, chúng tôi đứng trên boong tàu, nhìn xuống bên dưới, dòng người và xe cộ qua lại thản nhiên, không ai biết có một nhóm người Việt Nam không còn tổ quốc để mà về, những người đang khát Tự Do còn hơn đoàn lữ hành trong sa mạc mong được tới ốc đảo có dòng nước mát trong xanh.

Cuộc nói chuyện thất bại. Cuối cùng, vị thuyền trưởng chỉ xin tạm thời gởi chúng lên đất Singapore một thời gian ngắn, sau khi chở bột mì đến Saudi Arabia, ông sẽ quay lại đón chúng tôi và đưa về Na-Uy. Ông trấn an chính phủ Singapore rằng ông chắc chắn thuyết phục được chính phủ nước ông nhận cho chúng tôi vào định cư ở quê hương Bắc Âu của ông. Chính phủ Singapore một mực lắc đầu và ra lệnh con tàu phải rời đất nước họ ngay trong đêm nay.

Ngay đêm hôm đó, con tàu chở hàng khổng lồ phải quay ra hướng biển. Chúng tôi yên lặng nhìn nhau tuyệt vọng, mọi ánh mắt đều nhìn về phía mênh mông của bóng đêm trước mặt, những con người vô tổ quốc đang lặng chìm trong suy tư không biết ngày mai sẽ ra sao, hay số phận của mình cũng tăm tối như bóng đêm phía trước. Riêng tôi, tôi biết tôi không có đường về.

 

Sau này khi đến Mỹ, tôi đã nhủ lòng sẽ không bao giờ trở lại Singapore dưới bất cứ hình thức nào. Hôm nay, bạn bè rủ chúng tôi vác ba lô làm một chuyến du hành 30 ngày đi các nước ở Châu Á, bắt đầu bằng Singapore, tôi ngần ngừ, nhưng rồi cũng gật đầu. Sau 35 năm, tôi học được cách cởi bỏ những ràng buộc không cần thiết, và quan trọng nhất tôi học được cách làm hòa với mọi người xung quanh, làm hòa với chính mình và làm hòa với “Nó”, với Singapore. Tình yêu dù mặn nồng đến mấy cũng sẽ phôi pha theo năm tháng, huống chi một chút ân oán này.

Ba ngày trước khi nhập cảnh SGN, chúng tôi phải điền một vài thông tin cá nhân trên mạng trong mẫu đơn SAC, Singapore Arrival Card, để khi qua Hải Quan sẽ được lẹ làng hơn. Chúng tôi ở khách sạn Furuma Riverfront 3 ngày, gần khu trung tâm, tiện cho việc đi metro và đi bộ đến những địa điểm nổi tiếng như: Gardens By The Bay, Flower Dome & Cloud Forest Closures, Super Tree Grove …

Điều khiến tôi có ấn tượng tốt là hệ thống tàu điện Metro rất dễ dàng cho du khách và đường xá sạch sẽ; chỉ có cái nóng và ẩm tháng 5 ở đảo quốc này thật là đáng sợ. Chúng tôi ai nấy lưng áo ướt sũng mồ hôi mà chân vẫn phải rảo bước thật nhanh. Từ phi trường Changi, chúng tôi đổi ít tiền và mua thẻ tàu điện để về khách sạn, vừa rẻ lại vừa nhanh so với đi taxi.

Đảo quốc Singapore nói chung là một nơi rất đáng để đến thăm và quan sát, học hỏi nét văn hóa của họ tuy cuộc sống vật chất rất đắt đỏ. Phòng khách sạn nhỏ xíu, chật chội, tạm được, giá $120/đêm, bù lại đất nước này có nền ẩm thực đa dạng, ngon miệng mà giá cả phải chăng.  

Rồi chúng tôi rời Singapore, bay thẳng đến tiểu bang Terengganu, Malaysia và ở lại trong một HomeStay ngay khu thị tứ đông người. Vì đã hẹn trước, Hisham ra đón chúng tôi ở phi trường, bằng chiếc Van 10 chỗ và chở chúng tôi đến thẳng nơi cư ngụ. Anh hướng dẫn viên du lịch này có cái tên thật dài là Badrol Hisham Bin Zaki, anh xin chúng tôi gọi anh là Hisham.

Sáng hôm sau, anh trở lại đón chúng tôi ra bến tàu. Một chiếc tàu sắt nhỏ với 2 thủy động cơ Yamaha 400 mã lực sẵn sàng đưa chúng tôi và 3 thủy thủ đoàn trực chỉ đảo Pulau Bidong. Con tàu cỡi sóng như bay, tốc độ trên dưới 40 hải lý một giờ, nước biển rẽ nhanh hai bên mạn tàu, tung bọt trắng xóa phía sau; tâm hồn mọi người phơi phới, reo vui theo bọt biển tan trên sóng nước cuồn cuộn phía đằng sau lái. Gió biển mát rượi pha chút vị mặn của biển khiến ai nấy hít căng buồng phổi, tận hưởng không khí trong lành của buổi ban mai trên sóng nước Thái Bình Dương.

Từ xa chúng tôi đã nhận ra cầu Jetty lịch sử, cây cầu đã đi vào tâm khảm của mỗi một thuyền nhân từng đặt chân đến Pulau Bidong. Cây cầu đã chứng kiến biết bao cuộc trùng phùng lẫn biệt ly của nhiều lớp người tỵ nạn đến rồi đi.

  Bảo tàng lịch sử thuyền nhân Việt Nam, VBP, tại tiểu bang Terengganu, Malaysia.

 

Cầu Jetty giờ được lợp mái ngói đỏ, khác với ngày xưa, tuy không còn nhiều người đến và đi nhưng nhìn chung cũng không đến nỗi điêu tàn. Bảo tàng viện tiểu bang Terengganu là cơ quan được chính phủ Malaysia giao cho nhiệm vụ coi sóc và bảo tồn những di tích còn sót lại như một chứng tích lịch sử của Thuyền Nhân Tỵ Nạn Việt Nam đã từng có mặt và sinh sống ở nơi đây.

Hisham là nhân viên của chính phủ tiểu bang và là Manager của bảo tàng viện tại Terengganu. Nghề tay trái là hướng dẫn viên du lịch. Anh có 6 đứa con mà 5 đứa là con nuôi do anh xin về từ viện mồ côi. Anh đã đưa chúng tôi đến nơi anh làm việc để nhìn tận mắt, rờ tận tay những cổ vật ngày xưa của người Việt tỵ nạn. Vật đầu tiên tôi chú ý là cái hải bàn (compass), giống y chang cái ngày trước chúng tôi đã xài khi vượt biển. Còn có một cái lu sành và hai cái tĩn nước mắm rất đặc trưng của người miền Tây trên ghe đi biển và những vật dụng thường ngày trên ghe, đặc biệt là tấm bản đồ của trại Pulau Bidong.

Chúng tôi nhìn bản đồ cũ của trại tỵ nạn, lần theo dấu tích những tượng đài ngày xưa, mang đậm dấu ấn hoang phế, điêu tàn của thời gian. Đặc biệt những dòng chữ Việt được khắc trên các tấm bia, những tảng đá, những tấm bảng tạ ơn Đức Mẹ, tạ ơn Thượng Đế, Trời Phật vẫn còn rõ nét dù thời gian, dù cây lá, giây leo phũ phàng che lối.

Vén cành lá lòa xòa qua một bên, chúng tôi vẫn đọc được những nét chữ tuy phai mờ, và cảm nhận được cái hồn Việt Nam đang còn ở nơi đây. Những dòng chữ Việt trên bia đá, vẫn thi gan cùng mưa nắng, vẫn sừng sững như một chứng nhân lịch sử trên hải đảo hoang vu! Những tâm tình từ lâu không còn nhớ, nay trở về, làm rung lên những cung bậc tận đáy lòng chôn kín, làm xôn xao tâm tư của những đứa con lưu lạc chưa về.

Đây là nền cũ của ngôi thánh đường Công Giáo, kia tượng Phật Bà đứng im mang một vẻ kiên nhẫn, chịu đựng giữa trời nắng gió xen lẫn thiếng tiếng xào xạc cây lá. Xa một chút là tấm bia của Cao Đài Giáo. Những bậc xi măng đi lên đồi Tôn Giáo, giờ đây một lớp lá khô và dày phủ lên, ẩm ướt, rong rêu, trơn trợt, thoang thoảng và ngai ngái mùi lá mục.

Bà xã tôi, vốn chẳng biết ăn nói, hôm nay cũng mừng vui quá, luôn tay chỉ trỏ những địa điểm quen thuộc giờ đây những cây rừng đã mọc che kín lối. Người xúc động nhất là cặp vợ chồng Thái-Quỳnh. Họ quen nhau và yêu nhau trên mảnh đất này. Tình yêu nảy mầm nơi mảnh đất tạm dung, để rồi 44 năm sau, họ trở lại và trao nhau một nụ hôn nồng nàn trước sự chứng kiến và chúc mừng của cả nhóm chúng tôi.

Anh Lý dùng những cành cây thay chổi để quét lá khô, vun vén cỏ dại trên nền cũ gian cung thánh của ngôi nhà thờ nhỏ cho dễ coi hơn, anh đang tìm lại hình ảnh những buổi cầu kinh, những thánh lễ đơn sơ đã từng hiện hữu ngay trên nền xi măng nứt nẻ này. Chúng tôi ai nấy thì thầm cầu nguyện riêng, bên cạnh những ngôi mộ nằm rải rác đây đó trên con dốc thoai thoải phủ kín màu xanh. Trên đồi Tôn Giáo nhìn xuống là một bãi cát trắng nhỏ tuyệt đẹp, sau khi dọn dẹp xong, chúng tôi lần theo triền dốc đi bộ xuống và ngâm mình vào giòng nước mát gột rửa sạch sẽ bụi trần của một ngày mang theo.

 

Thủy thủ đoàn mời chúng tôi lên ăn trưa do chính họ nấu nướng còn nóng hổi. Một bữa ăn thật ngon miệng với cá chiên dòn rụm và rau tươi họ mang theo. Anh Hisham giải thích cho chúng tôi nghe những cố gắng mà chính phủ Malaysia đã làm để giữ gìn, bảo tồn nơi chốn lịch sử này dù chính phủ cộng sản đương thời ở Việt Nam đã gởi công văn yêu cầu Malaysia xóa bỏ những di tích ở đây vì nó như một cái gai trong mắt họ. Ngày nào di tích này còn đứng vững thì nó vẫn là một minh chứng sống động cho tất cả đất nước trên thế giới thấy rõ sự tàn ác của chủ nghĩa cộng sản như thế nào.

Anh cho hay đã có một nhóm người không biết do ai tổ chức đã lên đảo Pulau Bidong và đập phá các tượng Phật, tượng Đức Mẹ, và phá hủy những tấm bia tưởng niệm hòng xóa hết các dấu tích của người Việt Nam tỵ nạn. Cộng đồng người Việt tại Úc đã quyên góp và xin phép chính phủ Malaysia cho phép sửa chữa lại nhưng họ chỉ cho phép ở lại trong ngày nên không có đủ thời gian để tu sửa.

Anh Hisham và các cộng sự ở địa phương đã cố tình lờ đi lệnh trên, cho nhóm thiện nguyện người Việt Nam tại Úc lưu lại lâu hơn để họ có đủ thời gian hoàn thành công trình; họ hiểu rằng Pulau Bidong ở cách xa chính phủ trung ương, nên Kuala Lumpur không thể nào biết được chuyện gì xảy ra nơi đây. Vì vậy, ngày hôm nay chúng tôi đến, các bức tượng mới còn đủ tay chân nguyên vẹn như ngày xưa. Chúng tôi rất biết ơn anh nên giúp anh bằng cách “tip” anh và thủy thủ đoàn hậu hĩ và mua áo T-shirt in hình trại tỵ nạn theo giá ủng hộ để anh có thêm động lực lưu giữ di sản tỵ nạn Việt Nam.

Chiều hôm đó, chúng tôi lên thuyền trở về lại Terengganu. Gió thổi mạnh, biển động, sóng to, tuy trời không mưa nhưng sóng đập dữ dội vào mạn thuyền, nước bắn lên tung tóe như mưa bão. Con thuyền lắc lư và chòng chành mạnh, sàng qua sàng lại trên những đợt sóng bạc đầu. Anh Bình không quen, nên cho … cá ăn chè, tất cả chúng tôi ướt như chuột lột, ba lô sũng nước, ai nấy mệt đừ vì sóng và lạnh run vì nước và gió.

Hisham cho hay gió và sóng thường rất mạnh vào ban chiều, nhưng chúng tôi vẫn phải tăng tốc độ để về lại Terengganu cho kịp, e rằng bão lớn sẽ ập đến đột ngột. Một ngày mệt nhoài pha lẫn hiểm nguy nhưng thật ý nghĩa khiến chúng tôi không ai thấy hối tiếc khi đặt chân thăm lại vùng đất lịch sử và thần thánh Pulau Bidong.

 

Sau một đêm nghỉ ngơi, Hisham trở lại đón chúng tôi đi thăm bảo tàng viện Thuyền Nhân Việt Nam gần trung tâm thành phố. Sau đó, anh đưa chúng tôi đến viếng nghĩa trang Thuyền Nhân Tỵ Nạn Việt Nam ở vùng ngoại ô, nơi những ngôi mộ tập thể của hàng trăm thuyền nhân xấu số được chôn cất tại đây: có người cặp bến nhưng bị chết vì ngộ độc khi ăn thịt rắn, có người chưa đặt chân lên miền đất tự do, thuyền bị dắm chìm, cả xác người và xác con tàu trôi dạt vào bờ, dân địa phương vớt được, đem an táng tử tế chung trong một huyệt mộ và khắc tên của họ lên bia đá, tùy theo giấy tờ tùy thân đem theo.

Chiếc xe van dừng lại ở một khu dân cư thưa thớt, nghèo nàn ở vùng ngoại ô Terengganu. Buổi trưa lặng gió, cảnh vật im lìm lắng đọng trong không khí oi nồng mùa hạ. Theo hướng dẫn của anh, chúng tôi lần lượt đi qua các nấm mồ tập thể và dừng lại nơi mỗi một ngôi mộ với một phút thinh lặng tưởng nhớ đến tất cả linh hồn, những số phận hẩm hiu đã bỏ mình trên đường đi tìm ước mơ và hai chữ Tự Do. Cố ngăn dòng nước mắt rưng rưng trên mi đang chực trào ra, chúng tôi đè nén nỗi xúc động sâu xa, góp một lời kinh cầu cho các linh hồn của đồng bào tôi.

 

Xin ghi lại những hình ảnh và những gì được khắc trên những tấm bia mộ có tên và những tấm bia mộ vô danh để quý vị có thể truy tìm thân nhân của mình đã bỏ mình trên đường vượt biển. Ví dụ: MG1 = Mass Grave 1, mồ tập thể, kèm theo hình những tấm bia mộ sau đây:

-        MG1: 137 Thuyền Nhân vô danh.

-        MG2: 19 TN chết vì ngộ độc vì ăn cháo rắn năm 1977.

-        MG3: 39 TN vô danh chết đuối ngoài khơi gần Batu Rakit + hơn 30 TN không tìm được xác.

-        MG4: 53 TN vô danh gần cửa biển Kuala Terengganu ngày 23/11/1978.

-        MG5: Nhiều TN vô danh (Numerous VBP) + 3 TN có tên ở Rantau Abang ngày 30/4/1979, số tàu MH3012.

-        MG6: 33 TN vô danh ở Seberang Takir, ngày 13/1/1987, số tàu: SS04281A.+ 5 TN có tên.

-        MG7: Nhiều TN vô danh gần Merchang.

Còn hàng trăm ngôi mộ vô danh được quét vôi trắng nằm rải rác trong một khu dành riêng cho các Thuyền Nhân Việt Nam. Đây chỉ là những thân xác Thuyền Nhân người Việt mà ngư dân Malaysia vớt được, còn hằng mấy trăm ngàn thân xác con dân Việt Nam khác nằm lại ngoài khơi sâu thẵm của Thái Bình Dương, theo ước tính của cao ủy tỵ nạn Liên Hợp Quốc. Thật là một bi kịch có một không hai trong lịch sử loài người và lịch sử tỵ nạn thế giới. Cho đến bây giờ, nhân loại vẫn còn nhắc hai chữ Boat People khi nói về những người tỵ nạn Việt Nam.

Sự im lặng của những ngôi mộ vô danh này là tiếng thét đau đớn về một phần lịch sử đầy bi thảm, nơi con người đã dũng cảm đối mặt với biển cả để tìm kiếm Tự Do, nhưng chỉ nhận lại sự im lặng vĩnh hằng. Mỗi ngôi mộ là một câu chuyện chưa kể, một nỗi niềm chưa nói, một tiếng lòng bi ai trong trang sử Việt nam.

Mặc cho sự im lặng của biển khơi, dân tôi thời gian đó, từng đoàn người, lũ lượt bỏ nước ra đi tìm kiếm ước mơ được sống như một con người, họ không còn biết sợ, họ đã gởi lại thân xác vào lòng biển sâu, người vĩnh viễn nằm lại giữa đường, người vừa đặt chân lên ngưỡng cửa Tự Do thì lại nằm xuống vì lý do này khác. Đã có lúc, cái đáng sợ hơn nữa là sự im lặng của loài người đã cạn kiệt lòng nhân đạo, để mặc những con tàu gỗ mong manh chìm vào đại dương sâu thẵm; cũng như lúc này, chết chóc, đói khát, bệnh tật đang diễn ra ở Ukraine và ở vùng đất Palestine-Do Thái.

Câu chuyện Pulau Bidong không những cần được nhắc lại cho thế hệ con cháu chúng ta như một trang sử truyền miệng, mà còn là những chứng tích được ghi lại để thế hệ sau còn biết cha mẹ chúng đã bỏ nước ra đi tìm cái sống trong cái chết, để đến được ngưỡng cửa Tự Do, đã sống gian khổ ra sao trước khi đặt chân đến nước Mỹ chỉ với hành trang là một trời hy vọng về viễn ảnh tương lai. Chúng tôi đã sai lầm khi chưa bao giờ nói cho con cái nghe về cuộc hành trình của mình. Thằng con trai khi coi hình chúng tôi gởi đã phải thốt lên

-        Con không hề biết mẹ đã phải sống ở đó 2 năm, trên một hòn đảo rừng rậm hoang vu. Làm cách nào mẹ sống được khi không có việc làm? Cao ủy tỵ nạn lấy tiền đâu mà nuôi cả mấy chục ngàn người như vậy?

Nó đặt ra cả chục câu hỏi với một sự quan tâm đặc biệt. Tôi phải mất thời gian giải thích cho nó hiểu, không quên nhấn mạnh rằng ba má có được cuộc sống ngày hôm nay trên đất Mỹ, ba má vẫn không quên ơn những người đã đưa bàn tay ra giúp mình thông qua Cao Ủy Tỵ Nạn. Vì vậy, đến phiên mình, ba má mỗi năm đều có nghĩa vụ đóng góp để giúp lại những người không may mắn, những nạn nhân chiến tranh, những người liều chết đi tìm tự do như mình ngày xưa. Nếu không được nhắc nhở, những hy sinh của thế hệ đi trước sẽ dần mất đi ý nghĩa của hai chữ Tự Do và nó sẽ chìm vào quên lãng dưới bánh xe lịch sử.

Chúng tôi nhắc nhở câu chuyện Pulau Bidong, không phải để giữ mãi sự thù hằn với những kẻ bên kia chiến tuyến, khác chính kiến với chúng tôi, dù họ là kẻ bị bịt mắt, bị nhồi sọ, gây ra thảm cảnh nồi da nấu thịt, anh em tận diệt lẫn nhau; chúng tôi chỉ muốn lưu giữ những chứng tích lịch sử để con cháu các thế hệ tương lai của chúng ta biết và hiểu được tại sao chúng ta có mặt ở vùng đất Tự Do. Lịch sử luôn luôn lập lại, lịch sử là tấm gương soi để con cháu chúng ta không bao giờ còn dẵm đạp lần nữa lên dấu tích oan khiên của những thế hệ đi trước.

 

Xin tạm biệt Pulau Bidong, tạm biệt những nấm mồ ở lại, chúng tôi trở về nhà nhưng sẽ không bao giờ quên các bạn. Chúng tôi tin rằng linh hồn các bạn giờ này đã siêu thoát, đang thanh thản trong cõi vĩnh hằng, không còn biết thù hận hay đau thương; nhưng trong tâm khảm những Thuyền Nhân Việt Nam, VBP, cũng như những người chưa biết cuộc đời tỵ nạn, chúng tôi là những người con nước Việt, luôn ghi khắc trong lòng bài học lịch sử Pulau Bidong.

 

NGUYỄN VĂN TỚI. THÁNG 6, 2024. 

 

Phần phụ thêm:

Ai đã một thời tỵ nạn ở Pulau Bidong, có thể gởi email cho Hisham, với tên họ, ngày sinh và ngày đến trại, anh sẽ lục trong thư khố thuyền nhân và anh sẽ gởi tặng 1 tấm thẻ tỵ nạn đúng theo bản gốc ở Pulau Bidong để bạn lưu giữ một kỷ niệm đau thương thời vượt biển và cũng là một căn cước của người tỵ nạn chính trị Việt Nam.

Kèm hình ảnh các ngôi mộ ở Pulau Bidong và các ngôi mộ tập thể chụp tại nghĩa trang Terengganu, Malaysia.

 Nghĩa trang và bia lưu niệm trên đảo Pulau Bidong.
 
Hằng trăm ngôi mộ thuyền nhân Việt Nam vô danh ở Terengganu
 






 


 
 
 
 
    Sưu tầm by Nguyễn Ngọc Quang    
Theo dõi RSS này