Một thiên tài chê một thiên tài

Một thiên tài chê một thiên tài

Nguyễn Đình Đăng

El Greco, Tự hoạ, trích đoạn từ bức “Mai táng bá tước Orgaz” (1586)

Kyriakos (Domenikos) Theotopokulous (1541 – 1614), tức El Greco (có nghĩa là “Người Hy Lạp”), sinh tại đảo Crete ở Hy Lạp, thời đó thuộc Cộng hòa Venice, trong một gia đình buôn bán giàu có. Ông được dạy dỗ và học vẽ theo truyền thống hội hoạ hậu Byzantine, học văn chương Hy Lạp cổ đại và tiếng Latin. Năm 22 tuổi ông đã trở thành một bậc thầy vẽ tranh thánh icon, ký tên mình là “Hoạ sư Ménegos Theotokópoulos“ trên các hợp đồng đặt hàng. Với vốn liếng đó, năm 26 tuổi El Greco tới Venice để theo đuổi sự nghiệp hội hoạ. Tại đây ông đã học được từ hai bậc thầy Titian và Tintoretto cách dùng hòa sắc rực rỡ, cách dựng bố cục nhiều hình người, cách tạo khí quyển lung linh ánh sáng đặc trưng của trường phái Venice. Bên cạnh đó ông cũng vận dụng cách kéo dài, xoắn vặn các hình người, cũng như cách dùng luật viện cận tuyến tính với nhiều điểm hội tụ của các hoạ sĩ trường phái Kiểu cách (Mannerism) như Parmigianino (1503 – 1540).

El Greco
Tẩy uế đền thờ (kh. 1570)

Khi El Greco tới Rome năm 1570, Michelangelo đã qua đời 6 năm trước, còn Raphael đã mất cách đó nửa thế kỷ, nhưng cái bóng của họ vẫn bao trùm các hoạ sĩ trẻ thời đó. Các danh hoạ trường phái Florence coi trọng hình hoạ, trong khi trường phái Venice đề cao màu sắc. Michelangelo sinh thời thường chê Titian yếu về hình hoạ. Khi đó, theo chỉ thị của Hội đồng Trento (1545 – 1563) nghiêm cấm hình khỏa thân trong mỹ thuật, bức bích họa “Ngày phán xử cuối cùng” do Michelangelo vẽ trên trần nhà nguyện Sistine đã bị hoạ sĩ Daniele da Volterra sửa chữa, vẽ thêm lá nho và vải để che các chỗ kín và mông của các hình khỏa thân vào năm 1565. Xem kiệt tác của Michelangelo, chàng hoạ sĩ 29 tuổi El Greco tuyên bố nếu cạo toàn bộ bức bích họa khổng lồ này đi, chàng sẽ vẽ lên chỗ đó một tác phẩm đứng đắn tề chỉnh mà vẫn đẹp không kém. Phát biểu của El Greco khiến nhiều hoạ sĩ và công chúng yêu nghệ thuật thành Rome tức giận, cho El Greco là ngạo mạn. Sau này có người còn suy diễn, dựa trên bức tranh “Tẩy uế đền thờ” El Greco vẽ khoảng năm 1570, trong đó có cả chân dung Michelangelo, Titian và Raphael ở góc phải bên dưới, rằng El Greco đã ám chỉ ảnh hưởng của các cây đa cây đề này cũng cần phải được dọn sạch khỏi ngôi đền Nghệ thuật như Chúa Jesus đã đuổi cổ bọn đổi tiền và bán bồ câu ra khỏi đền thờ tại Jerusalem. Kiến trúc sư, hoạ sĩ và nhà thiết kế Pirro Ligorio (1513 – 1583) gọi El Greco là “tên ngoại quốc ngu dốt” (uno stupido straniero). Nhà bảo trợ nghệ thuật hồng y giáo chủ Alessandro Farnese đã đuổi El Greco ra khỏi palazzo Farnese, nơi hồng y cho El Greco tá túc. Năm 1577 El Greco bỏ Rome di cư sang Madrid, sau đó tới Toledo nơi ông sống cho đến khi qua đời và vẽ những kiệt tác khiến tên tuổi ông trở thành bất tử. Song, cho đến cuối t.k. XVIII, El Greco bị coi là hoạ sĩ điên và hội hoạ của ông thường được đưa ra như bằng chứng cho sự điên khùng đó. El Greco chỉ bắt đầu được đánh giá lại vào khoảng từ giữa t.k. XIX, sau khi văn hào và nhà phê bình người Pháp Théophile Gautier đến Tây Ban Nha và thực mục sở thị các bức hoạ của El Greco vào khoảng năm 1840. Vào những năm 1890, các hoạ sĩ Tây Ban Nha sinh sống tại Paris coi El Greco là người đưa đường chỉ lối cho nghệ thuật của họ.

El Greco
Mai táng bá tước Orgaz (1586)

Năm 1611, hoạ sĩ 47 tuổi Francisco Pacheco, sư phụ của Diego Velázquez (khi đó mới 12 tuổi), đã lặn lội từ Seville tới Toledo gặp El Greco để “tầm sư học đạo”. Khi Pacheco hỏi El Greco giữa màu và hình cái gì khó nhất, El Greco đã trả lời: Màu. Thực vậy, trong các ghi chép của mình, El Greco đã loại bỏ các tiêu chuẩn của hội hoạ cổ điển như kích thước và tỉ lệ. Ông coi sự thanh cao là cái đích cao cả nhất trong nghệ thuật. Nhưng hoạ sĩ chỉ đạt được sự thanh cao một khi giải quyết được điều phức tạp nhất một cách dễ dàng. Ông coi mô phỏng màu sắc là điều khó nhất trong nghệ thuật. Pacheco còn “sốc” hơn khi nghe El Greco phán về Michelangelo, Cha già của Hội hoạ như sau: “Ông ấy là người can đảm, nhưng ông ấy chưa bao giờ học được phải vẽ màu như thế nào.” Trên lề cuốn sách “Cuộc đời các hoạ sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư sáng giá nhất” của Giorgio Vasari, ở phần viết về Michelangelo, El Greco đã viết về tài vẽ dessin của Michelangelo như sau: “Đó là môn ông ta biết làm giỏi nhất, và đã làm tốt hơn bất kỳ ai khác.” Sau này El Greco thậm chí còn nhận xét: “Michelangelo không biết vẽ chân dung, tóc và màu sắc da thịt. Nhược điểm của ông là không có khả năng mô phỏng màu sắc như mắt nhìn thấy.”

Michelangelo
Tử đạo của thánh Peter (kh. 1546 – 1550)

Phê phán của El Greco không chỉ thuần túy về mặt kỹ năng, mà xuất phát từ nền tảng triết học và thẩm mỹ dựa trên tâm linh của hội họa Byzantine. El Greco từng nói: “Mắt của hoạ sĩ cũng như tai của nhạc sĩ, là những thứ vĩ đại trong nghệ thuật, … những thứ không thể diễn đạt được bằng lời.”

Michelangelo và hầu hết các hoạ sĩ phương Tây đều vẽ “ánh sáng đơn thuần” của thế giới bên ngoài. Nghệ thuật của Michelangelo được đúc kết từ các khuôn mẫu của nghệ thuật Hy Lạp và La Mã cổ đại, dựa trên nền tảng nhân văn thời Phục Hưng, triết học và thi ca cổ điển. Michelangelo được dạy trong truyền thống hội hoạ tuyến tính thế kỷ XV, dùng đường nét tạo khối, dựa trên luật viễn cận tuyến tính và hòa sắc cục bộ. Michelangelo nắm vững mọi cách xử lý này. Tạo hình và bố cục của ông nặng về đường nét, nhưng cách dựng không gian thường ít thuyết phục. Hội hoạ của Michelangelo là sự diễn dịch cách nhìn điêu khắc của ông trong không gian ba chiều lên mặt phẳng. Ông không thích các quang cảnh tự nhiên, và coi khinh tranh phong cảnh. Mối quan tâm hàng đầu của Michelangelo là tượng khỏa thân, mà ông coi là “ngọn đèn soi sáng hội hoạ”. Các bức họa của ông không phải là những bề mặt mang tính hội hoạ, mà chỉ là các dessin hình người được tô màu. Frederick Hatt (1914- 1991), học giả người Mỹ về nghệ thuật Phục Hưng, nhận xét rằng sự vĩ đại của tư tưởng và tính cách anh hùng của các điệu bộ trong các bức họa của Michelangelo đã bị chính sự chính xác của hình hoạ nặng tính điêu khắc kìm hãm.

El Greco
Sự sám hối của thánh Peter (kh. 1590 – 1595)

Ngược lại, các hình tượng của El Greco là những cuộc viễn du của linh hồn, trong một thực tại không phải ở thế giới trần tục này, mà hướng tới một thế giới khác cao cả hơn. Trong khi xu thế chung tại châu Âu vận động theo hướng đưa hội họa thoát khỏi sự trừu tượng duy tâm thời Trung cổ, đi qua chủ nghĩa cổ điển tới duy vật, thì hội hoạ của El Greco phải được coi là “phản động”, theo nghĩa nó đi ngược lại xu thế trên. Ông đã đưa các hình tượng trong thế giới vật chất quay về tâm linh trừu tượng Byzantine. Nền tảng tư tưởng này đã được hình thành từ khi ông còn ở Crete. Ông chỉ còn thiếu các kỹ năng mà ông học được sau này tại Venice và Rome để thể hiện trọn vẹn các ý tưởng của mình. Các hình người kéo dài của ông như thể đã trút bỏ xác thịt lại nơi thế giới trần tục để thoát xác bay bổng trong thế giới phi vật chất của tinh thần. Trong các bức họa của mình El Greco đã từ bỏ ánh sáng vật lý của thế giới bên ngoài để hướng tới một thứ ánh sáng nội tâm, như một nguồn năng lượng tỏa ra từ khởi nguồn của sự sống và vạn vật. Là một hoạ sĩ vốn được đào tạo theo truyền thống hội hoạ icon Byzantine, El Greco không bao giờ cho phép ánh sáng của thế giới bên ngoài xâm phạm vào ánh sáng nội tâm của mình. Hoạ sĩ Giulio Clovio (1498 – 1578), bạn của El Greco khi còn ở Rome, kể rằng có lần nhân một ngày đẹp trời ông tới xưởng của El Greco rủ ông này đi dạo, song El Greco đã từ chối vì sợ ánh sáng ban ngày làm hỏng ánh sáng nội tâm. Ánh sáng nội tâm này cũng chính là thứ mà Wassily Kandinsky, lý thuyết gia đầu tiên của hội hoạ trừu tượng sau này, muốn nắm bắt sau khi loại bỏ hoàn toàn mọi hình ảnh của thế giới vật chất.

El Greco
Quang cảnh Toledo (kh. 1598 – 1599)

Có thể nói, bằng các thủ pháp của hội họa Phục Hưng Ý, El Greco đã làm sống lại truyền thống tranh thờ Byzantine, làm hiện hình sự vô hình của thế giới siêu phàm trong một thể thống nhất của cả tính trừu tượng, tâm linh và triết học.

Salvador Dalí, một người Tây Ban Nha chính hiệu, đã nhận xét về El Greco như sau: “Điều làm El Greco khác biệt, làm ông trở thành một hoạ sĩ bất tử, là sự tuyệt đối thiếu cá tính, là khả năng biến thái của ông như con tắc kè hoa, để hấp thụ các giá trị trong môi trường bao quanh với một cường độ mạnh tới mức cuối cùng ông hóa ra đã trở thành chính tông hơn cả những hoạ sĩ bản xứ; và cái gì là phẩm chất trong nấu nướng của những con ốc sên? Cái gì khiến chúng trở thành một trong các tinh tú của nhà bếp và cao lương mỹ vị ẩm thực? Chính là sự tuyệt đối vô vị của chúng, là khả năng hấp thụ bất kỳ thứ gia vị nào và biến hóa thành thứ người đầu bếp muốn. Xem này, khi tôi dùng nĩa khêu con ốc sên ra khỏi vỏ, nó dài ra và trông rất giống các vị thánh thăng thiên trong các thiên đường của El Greco.”

Hội hoạ của El Greco đã ảnh hưởng sâu sắc lên hầu hết các tên tuổi của hội hoạ hiện đại từ Manet, Cézanne, Modigliani, Picasso, tới Delaunay, Kokoschka, Beckmann, Giacometti, Francis Bacon và cả Jackson Pollock. El Greco xứng đáng được coi là Cha Già của hội họa hiện đại.

Trái: El Greco, Chân dung một hồng y giáo chủ (kh. 1600).

Phải: Diego Velázquez, Chân dung Giáo hoàng Innocent X (1650)

Trái: El Greco, Ba ngôi mội thể (1577 – 1579).

Phải: Édouard Manet, Các thiên thần trong mộ Chúa (1864)

Trái: El Greco, Người đàn bà mặc áo cổ lông (1577 – 1579).

Phải: Paul Cézanne, Người đàn bà mặc áo cổ lông vẽ theo El Greco (1885 – 1886)

Trái: El Grecco, Mở dấu niêm phong thứ năm (1608 – 1614).

Phải: Pablo Picasso, Những cô nàng Avignon (1907). Khi Picasso vẽ bức tranh này ở Paris, ông thường tới thăm xưởng của hoạ sĩ Ignacio Zuloaga, người khi đó sở hữu bức hoạ “Mở dấu niêm phong thứ năm” của El Greco, để nghiên cứu bức hoạ này. Picasso từng nói về bức hoạ “Các cô nàng Avignon” của mình như sau: “Chỉ có cách vẽ là đáng giá. Trên quan điểm đó, nói cho đúng thì chủ nghĩa Lập thể có nguồn gốc Tây Ban Nha và tôi đã phát minh ra chủ nghĩa Lập thể. Chúng ta phải tìm ảnh hưởng Tây Ban Nha trong tranh của Cézanne, ảnh hưởng của El Greco lên Cézanne. Nhưng cấu trúc của ông ta là lập thể.”

Nguyễn Đình Đăng

 

●▬▬▬▬▬Kim Quy st▬▬▬▬▬●

 

 

back to top