Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch)

Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch)

Mùng 5 tháng 5 (âm lịch) hàng năm dân ta lại tổ chức ăn Tết Đoan Ngọ. Về nguồn gốc của Tết Đoan Ngọ, đến nay nhiều người vẫn cho rằng có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, căn cứ vào một số công trình nghiên cứu văn hóa cho thấy, Tết Đoan Ngọ của người Việt hiện nay lại có một nguồn gốc hoàn toàn khác. Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch)  - Ảnh 1

 Bánh ú nước tro là món bánh truyền trống của người miền Nam trong ngày Tết Đoan Ngọ.

Tết Đoan Ngọ là để tưởng nhớ Khuất Nguyên?

Theo giải thích của học giả Chu Xử trong sách “Phong Thổ Ký” thì Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa). Còn Dương là mặt trời, là khí dương; Đoan Dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.

Ở Trung Quốc, thời Nam Bắc triều, Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Dục Lan tiết. Lan có nghĩa là “túi đựng tên, hình dáng của nó như cái hộp gỗ” (Tr.2881, Từ Nguyên).

Đến thời nhà Minh, bùa trừ ngũ độc (Ngũ độc phù) đã trở thành vật trang sức khá phổ biến của phụ nữ, được in trên một số vật như trâm cài tóc, vòng đeo tay, đeo cổ, quạt… Một học giả thời bấy giờ là Trầm Bảng chép: “Thời trước, phụ nữ thường vẽ hình con rết (Ngô công), rắn (Xà), bò cạp (Hiết), cọp (Hổ), cóc (Thiềm thừ) trên những cây gỗ đào gọi là ngũ độc phù và cài trên đầu làm trâm (Thoa)…” (Trích Uyển Thự Tạp ký, quyển 17, bản in năm 1593).

Hiện nay, quan niệm phổ biến cho rằng nguồn gốc Tết Đoan Ngọ của người Việt có xuất xứ từ Trung Quốc. Quan niệm này gắn liền với một nhân vật trong lịch sử Trung Quốc đó là Khuất Nguyên.

Khuất Nguyên, tên Bình, biệt hiệu Linh Quân (340 TCN - 278 TCN) là một chính trị gia, một nhà thơ yêu nước nổi tiếng của nước Sở, làm chức Tả Đồ cho Sở Hoài Vương. Lúc đầu ông được vua yêu quý, sau có quan lại ganh tài ông, tìm cách hãm hại. Vua Sở nghe lời gièm pha nên ghét ông. Ông âu sầu, ưu tư viết thiên Ly Tao để tả nỗi buồn bị vua bỏ.

Đến cuối đời, ông lại bị vua Tương Vương (người nối ngôi Sở Hoài Vương) đày ra Giang Nam (phía nam sông Dương Tử). Ông thất chí, tự cho mình là người trong sống trong thời đục, suốt ngày ca hát như người điên, làm bài phú “Hoài Sa” rồi ôm một phiến đá, gieo mình xuống sông Mịch La tự tử.

Theo truyền thuyết này, để tưởng nhớ về con người và cái chết bi ai của ông, hàng năm người ta tổ chức vào ngày mồng 5 tháng 5 là ngày Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc và một số nước khác ở Châu Á.

Sau này, Tết Đoan Ngọ còn được gắn thêm một tích khác nữa là tích hai chàng Lưu – Nguyễn gặp tiên.

Lưu Thần và Nguyễn Triệu là hai người đời nhà Hán, nhân ngày Tết Đoan Dương cùng rủ nhau vào núi hái thuốc, gặp hai tiên nữ kết duyên. Sau thời gian nửa năm sống nơi tiên cảnh với vợ tiên, hai người nhớ nhà đòi về. Giữ lại không được, hai tiên nữ đành đưa tiễn chồng về quê cũ. Vì thời gian ở tiên cảnh chỉ có nửa năm nhưng là mấy trăm năm ở cõi trần. Hai chàng thấy phong cảnh quê nhà đã khác xưa, người quen thì đã ra người thiên cổ, hai chàng bèn rủ nhau trở lại cõi tiên nhưng không được. Hai chàng ra đi mà không thấy trở về…

Trên thực tế, từ cuối thời Đông Hán, người ta đã tìm thấy những thư tịch sưu tầm về Tết Đoan Ngọ. Hầu hết các học giả thời đó cho rằng nguồn gốc của lễ tiết này có “liên quan” đến sự tưởng niệm thi hào nổi tiếng của nước Sở là Khuất Nguyên. Tuy nhiên các sử gia Trung Quốc lúc bấy giờ không hề đưa ra được những tư liệu cụ thể để chứng minh cho “sự liên quan” này.

Ngay trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên (145 – 86 TCN), tác phẩm được coi là thành tựu sớm nhất, ghi chép đầy đủ nhất về lịch sử Trung Quốc cổ đại (suốt 2000 năm từ thời Hoàng Đế đến đời Hán Vũ Đế), cũng hoàn toàn không xác định được rõ thời gian tự trầm của Khuất Nguyên là vào ngày, tháng nào. Những ghi chép của Tư Mã Thiên trong “Khuất Nguyên liệt truyện” (Sử ký) chỉ là những tư liệu được thu thập từ trong dân gian!

Vậy cơ sở nào để cho rằng Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5 âm lịch) là để tưởng nhớ Khuất Nguyên như một số người vẫn quan niệm hiện nay!?

Những món ngon cho dịp Tết Đoan Ngọ:

Dù đi đâu, làm gì thì trong ngày 5/5 âm lịch, nhiều người cũng không quên những ký ức về các món ăn trong dịp Tết Đoan Ngọ, hay còn gọi là ngày giết sâu bọ. Những món ngon cho dịp Tết Đoan Ngọ như thịt vịt, rượu nếp và bánh tro ngoài tác dụng diệt trừ sâu bọ như quan niệm dân gian, còn giúp giải nhiệt trong những ngày đầu hè oi bức.

Món ngon cho dịp Tết Đoan Ngọ: Cơm rượu nếp

Với ý nghĩa giết sâu bọ, cơm rượu nếp là món ăn không thể thiếu trong sáng ngày Tết Đoan Ngọ. Bởi theo quan niệm dân gian, vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu sẽ có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể. Gạo được chọn để nấu cơm rượu nếp là loại nếp cẩm, hoặc nếp cái hoa vàng, ngon nhất là gạo nếp lứt, hạt nâu vàng, óng ả. Sau đó gạo được nấu, để nguội và ủ lên men để cho ra những hạt cơm chắc mà dẻo, quyện với men rượu đượm hương thảo dược, cay nhẹ nhưng vẫn để lại dư vị ngọt trên đầu lưỡi.

Những món ngon cho dịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 1

Cơm rượu nếp rất phổ biến trong cả nước nhưng ở mỗi vùng món ăn này lại có những đặc trưng riêng về thời gian và cách ủ. Trong khi cơm rượu nếp miền Bắc thì để rời từng hạt thì cơm rượu của người miền Trung được ép thành từng khối và cơm rượu miền Nam được viên tròn.

Món ngon cho dịp Tết Đoan Ngọ: Thịt vịt

Không phổ biến như cơm rượu nếp nhưng thịt vịt là một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết "giết sâu bọ" của người dân miền Trung. Một số giải thích rằng, vịt có tính hàn, ăn vào sẽ giúp cơ thể mát mẻ, bổ dưỡng trong những ngày oi bức đầu tháng 5 âm lịch (lập hạ). Trong khi đó, một số lại quan niệm, vịt sẽ bắt đầu béo ngậy, thơm ngon hơn kể từ ngày mùng 5/5 (âm lịch) trở đi.

Những món ngon cho dịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 2

Vào ngày này, các chợ miền Trung và một số ở miền Bắc thường rộn rã việc mua bán vịt sống. Vịt sau khi mua về được chế biến thành nhiều món như vịt luộc chấm mắm gừng, vịt kho, bún măng vịt hay vịt om sấu ăn kèm bún. Trong đó phổ biến nhất là tiết canh vịt.

Món ngon cho dịp Tết Đoan Ngọ: Bánh tro

Cùng với nhiều loại hoa quả đầu mùa như mận, vải, xoài, măng cụt..., bánh tro là món ăn truyền thống trong dịp tết Đoan Ngọ ở Việt Nam. Bánh tro có nhiều tên khác nhau như bánh ú tro, bánh gio hay bánh âm. Bánh có màu vàng đậm do gạo nếp được ngâm từ nước tro đốt bằng củi các loại cây khô, sau đó gói trong lá chuối rồi đem luộc.

Những món ngon cho dịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 3

Tùy từng nơi bánh được gói theo các hình dáng khác nhau như thuôn dài hay chóp tam giác. Bên trong bánh thường là nhân mặn hoặc ngọt, đôi khi không nhân. Bánh tro dễ ăn, dễ tiêu làm mát ruột, thường ăn với đường hoặc mật. Vị thanh mát của bánh tro hòa quyện với vị ngọt ngào của đường mật khiến bất kỳ ai ăn một lần cũng phải luyến lưu thứ bánh giản dị mà dân dã này.

Món ngon cho dịp Tết Đoan Ngọ: Bánh khúc

Khác với người Kinh có cơm rượu nếp, bánh tro, thịt vịt, đặc sản Tết Đoan Ngọ của người Nùng (Mường Khương, Lào Cai) là món bánh khúc. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp ngon, rau khúc, đậu xanh, hạt vừng đen. Bánh khúc có hình thù và cách làm gần giống bành dày.

Những món ngon cho dịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 4

Gạo sau khi ngâm kỹ, giã cùng rau khúc thành bột mịn và nắm thành từng nắm nhỏ. Đậu xanh xay vỡ, đãi sạch vỏ ngoài, đem đồ chín. Hành phi chín vàng rồi cho vừng đen rang chín, giã nhỏ trộn đều với đỗ làm nhân bánh. Bánh khúc được hấp hoặc rán tùy theo sở thích, nhưng hấp dẫn nhất là chao qua chảo mỡ. Bởi lúc này, những chiếc bánh nóng có độ phồng, bóng, thơm thơm của mùi lá khúc cùng hương vị của đậu xanh, của hành, mỡ pha chút ngậy của vừng đen.

Món ngon cho dịp Tết Đoan Ngọ: Chè kê

Chè kê cũng là món ăn rất đặc trưng cho ngày Tết Đoan Ngọ ở Huế. Những hạt kê mẩy tròn sau khi được xay cho tróc vỏ, ngâm và đun sôi đến khi nở mềm, sền sệt, bỏ thêm đường và nước gừng sẽ cho ra nồi chè thơm phức với màu vàng kê quyến rũ.

Những món ngon cho dịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 5

Chè kê nấu đơn giản những chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn so với các ngũ cốc khác, đồng thời có tác dụng bồi bổ khí huyết, cân bằng thể trạng cho những người thường xuyên dùng các đồ ăn, thức uống giải nhiệt.

Chè kê ở Huế rất đặc biệt vì thường ăn kèm với bánh tráng mè. Lúc ăn không cần muỗng mà dùng bánh tráng để xúc. Bởi thế vị giòn của bánh tráng nhanh chóng hòa lẫn với vị ngọt của đường, vị dẻo thơm của kê và thơm cay thoang thoảng của gừng tươi khiến món ngon càng thêm hấp dẫn.

BTV

 Hồng Vân sưu tầm

Chỉnh sửa lần cuối vào %AM, %08 %617 %2016 %09:%06
back to top