THẢO MỘC TRỊ SỐT RÉT TRÊN THẾ GIỚI

THẢO MỘC TRỊ SỐT RÉT

 

TRÊN THẾ GIỚI

Phạm Đình Lân F.A.B.I.

Bịnh sốt rét là một bịnh gây tử vong ở các quốc gia xích đới và nhiệt đới Phi Châu, Á Châu và Châu Mỹ La Tinh. Bịnh bị nhiễm sau khi bị con muỗi cái Anopheles bị nhiễm trùng Plasmodium falciparum chích và truyền vào máu người. Vào thập niên 1920, 1930 những vùng rừng ở miền đông Nam Bộ như Bến Cát, Chơn Thành, Tân Uyên, Phú Riềng, Lộc Ninh, Hớn Quản, Dầu Tiếng, Xuân Lộc đều bị xem là vùng thường xảy ra bịnh sốt rét. Ngay cả xã An Phú cách Lái Thiêu 7 km cũng bị xem là vùng có thể có bịnh sốt rét vì có khu rừng Cò- Mi rộng không quá 10 km2!

 

Bịnh sốt rét giết chết nhiều phu đồn điền từ châu thổ sông Hồng vào làm việc trong các đồn điền cao su thuộc tỉnh Biên Hòa và Thủ Dầu Một (Bình Dương). Ngày nay mặc dù y học có nhiều tiến bộ trong việc chữa trị các chứng bịnh hiểm nghèo, trên thế giới vẫn có 214 triệu người bị bịnh sốt rét và 438,000 người bị chết vì chứng bịnh này năm 2015. 90% của 438,000 người chết vì sốt rét là người Phi Châu.


Con muỗi anopheles cái Anopheles stephensi (anophelis: vô dụng; vô ích - Hy Lạp ngữ) bị nhiễm ký sinh trùng chích vào người và truyền bịnh sang máu người bị muỗi chích. Ký sinh trùng đi vào gan, sinh sôi nảy nở rồi vào tế bào máu và nhân lên trong máu.


Bịnh sốt rét do trùng Plasmodium falciparum gây ra. Thực tế có bốn loại trùng Plasmodium:


a. Plasmodium falciparum
b. Plasmodium malariae
c. Plasmodium vivid
d. Plasmodium ovale.
 

Trùng Plasmodium falciparumPlasmodium vivax gây tử vong nhiều hơn cả. Trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến một vài loại thảo mộc được loài người dùng để trị bịnh sốt rét trên thế giới trong quá khứ.
 

****
 

Có 28 loài thảo mộc thuộc 16 gia đình thảo mộc khác nhau được công nhận có vỏ, rễ, lá dùng để trị sốt rét có hiệu quả. Trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập vài loại mà thôi. Có những dược thảo dễ tìm thấy ở Việt Nam. Cũng có những loại thảo mộc được tìm thấy ở Nam Mỹ hay Phi Châu.



 
Lá Trường Sinh
Lá Sống Đời
Kalanchoe pinnata
Gia đình: Crassulaceae

 

 

Chúng tôi đã đề cập về lá trường sinh. Bây giờ chúng tôi nói lướt qua về loại thảo mộc này. Chúng tôi xin lưu ý với độc giả về đặc điểm của cây trường sinh. Đó là loại thảo mộc có vô số tên gọi khác nhau tùy theo cái nhìn về tính năng trị liệu của từng địa phương. Cây trường sinh có trên 12 tên khoa học khác nhau. Gọi là trường sinh hay sống đời vì cây rất khó chết. Lá có răng cưa. Khi rớt xuống đất nhiều cây nhỏ mọc lên từ các răng cưa. Có người gọi là lá bỏng vì trị phỏng, lá thuốc hàn, lá cầm máu vì tính cầm máu của nó, lá Quan Âm vì tính năng trị liệu rộng rãi của nó v.v.


Cây trường sinh được tìm thấy nhiều ở vùng khí hậu nhiệt đới, bán nhiệt đới như vùng biển Caribbean, các nước Trung Mỹ, Nam Mỹ, Nam Á, Đông Nam Á, hải đảo Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, bắc Úc Đại Lợi. Tên gọi đa dạng của nó đáng để cho chúng ta đặc biệt quan tâm:

 

Quốc Gia

Tên Gọi

Việt Nam

lá Quan Âm, thuốc giấu, thuốc hàn, cầm máu, lá bỏng, sống đời, trường sinh, lạc diệp sinh căn, đả bất tử

Anh

air plant, wonder of the world, cathedral bell (hoa), Goethe’s
plant

Tây Ban Nha

Angelica (Thiên Thần), Siempre viva (Sinh Diệp)
Bengali Parnabija (cây có nhiều rễ; thiêng liêng)

Sanskrit (Phạn)

Dhanvantari (thiêng liêng)

Phi Luật Tân

Katakata- ka (thần diệu)

 

 


Lá trường sinh được tưới nước đầy đủ có ba (03) vị trong ngày:
- vị chua trước khi mặt trời mọc
- vị chát khi mặt trời lên cao
- vị lợ vào buổi tối sau khi mặt trời lặn.


Lá trường sinh không được tưới nước đầy đủ chuyển sang màu vàng thì luôn luôn chát. Lá xanh trên đọt luôn luôn chát. Đừng vắt và uống nước vắt của lá trường sinh chát. Lá chát có tác dụng cầm máu như lá chua.


Lá trường sinh có alkaloids, triterpene glycosides, flavonoids, steroids, lipids, bufadienolides. Bufadienolides có tác dụng như digoxin C41 H64 O14 và digitoxinC41 H64 O13 dùng để chữa nghẽn tim. Chất độc này có trong nhựa độc trên da sần sùi của con cóc Bufo fowleri, gia đình Bufonidae và cây hành biển Urginea maritima dùng làm thuốc thông phổi.


Công dụng:
- cầm máu, phỏng (lá chua hay chát)
- lá chua giã và vắt nước uống trị bịnh gan, sốt rét (Ấn Độ), thổ huyết, xuất huyết nội, kinh nguyệt quá đà, huyết tiện, bịnh trĩ, áp huyết cao, cholesterol, táo bón, tiêu chảy, kiết ly, ho, sạn thận (kidneys stone).
- Lá trường sinh kháng khuẩn, kháng nấm, kháng dị ứng, kháng histamine
 

 

Dây Thần Thông
Dây Ký Ninh
Dây Sốt Rét
Tinospora crispa
Gia đình: Menispermaceae

 
 

Tất cả các tên thông thường như: dây thần thông, dây ký ninh, dây sốt rét đều gợi lên tính năng trị sốt rét và các bịnh khác dưới cái nhìn của người Việt Nam. Tên gọi dây ký ninh là tên mới xuất hiện khi thuốc Quinine được dùng để trị sốt rét có kết quả.


Dây thần thông hay dây sốt rét được tìm thấy nhiều ở các quốc gia Đông Nam Á, Hoa Nam, hải đảo Thái Bình Dương. Người Anh đem giống dây thần thông từ Mã Lai về trồng ở Ấn Độ. Tên gọi thông thường là:

 

Quốc Gia

Tên Gọi

Việt Nam

dây Thần Thông; dây sốt rét; dây ký ninh

Ấn Độ

Dier

Trung Hoa

ba ye qing da

Thái Lan

Wan lab hoi yai

Indonesia

Andawali

Phi Luật Tân

Makabuhai

Lào

khua kao ho

Khmer

bandaul pech


Lá dây thần thông hình trái tim màu xanh tươi. Thân dây có nhiều mắt như mắt xích xe đạp. Trái nhỏ, tròn kết thành chùm màu đỏ khi chín.


Công dụng:
- Thành phần hóa học: columbine, alkaloids tinosporine C20 H22 O6, tinosporidine, glycoside, picroretine, berberine. Gần đây người ta có lập các hợp chất N-cis-feruloyltyramine, N- trans-feruloyltyraminesecoisolariciresinol có đặc tính chống oxy hoá. Ngày xưa người ta há không dùng dây thần thông để dưỡng cho da đẹp?
- Rễ và lá dùng để trị sốt rét, làm thuốc bổ, nhuận tiểu, nhuận trường và phát hạn (cho ra mồ hôi).
- Ở Thái Lan người ta dùng rễ để trị sốt rét, hạ sốt, thổ tả, tiểu đường, tê thấp, rắn cắn. Ở Mã Lai người ta thí nghiệm dùng dây thần thông trị tiểu đường loại II cho chuột.



Dây Ký Ninh Ghana
Cryptolepis sanguinolenta
Gia đình: Apocynaceae.

 

Dây ký ninh Ghana được tìm thấy nhiều ở Tây Phi nhưng nhiều nhất là ở Ghana. Dây láng màu xanh tươi; lá to và láng không có gân lá. Hoa màu xanh- vàng. Hoa nhỏ có 05 cánh. Trái có nhiều hột nhỏ.


Tên khoa học của dây ký ninh Ghana là Cryptolepis sanguinolenta thuộc gia đình Apocynae của trúc đào. Tên gọi của dây ký ninh Ghana là:

 

Quốc Gia

Tên Gọi

Anh

Ghanain quinine; yellow-dyed root

Phi Châu

Nibima (Rễ của dây)


Gọi là Ghanain quinine vì tính năng trị sốt rét của dây. Và gọi là yellow- dyed root vì rễ của đây này được dùng làm thuốc nhuộm màu vàng.


Người Tây Phi Châu rất quí dây ký ninh vì, theo y học cổ truyền của người địa phương, rễ dây ký ninh được dùng để chữa bịnh sốt rét và tiểu đường loại II và làm thuốc nhuộm màu vàng.


Dây ký ninh Ghana có alkaloid cryptolepine C16 H12 N2, quidoline, neo- cryptolepine.

 

Hoàng Hoa Hao
Thanh Hao
Artemisia annua
Gia đình: Asteraceae (Compositae)

 

Hoàng hoa hao hay thanh hao là một loại thảo mộc vùng khí hậu ôn đới và bán nhiệt đới. Nó được tìm thấy nhiều ở Đông Bắc Á, Âu Châu, bắc Ấn Độ, Bắc Mỹ và Bắc Bộ Việt Nam. Cây cao từ 1- 3 m; thân mềm, có nhiều nhánh, có lông. Lá chẻ mọc đối nhau. Lá màu xanh bạc. Hoa màu vàng. Cây có hoa nhiều hơn lá. Hoa có nhiều cánh nhỏ màu vàng- xanh. Lá và vỏ cây có mùi thơm. Hoàng hoa hao giống như nguyệt bạch hay ngãi cứu.


Tên khoa học của thanh hao là Artemisia annua thuộc gia đình Asteraceae của hoa cúc. Tên gọi thông thường là:

 

Quốc Gia

Tên Gọi

Việt Nam

Thanh hao; Hoàng hoa hao (âm từ Hán- Việt)

Trung Hoa

Qing hao (Thanh hao). Huanghua hao (Hoàng hoa hao)

Anh

annual wormwood, sweet sagewort, sweet annie, sweet
wormwood (trị trùng lãi)


Thanh hao sát trùng rất mạnh và được dùng làm thuốc diệt cỏ. Từ thế kỷ IV sau Tây Lịch người Trung Hoa dùng thanh hao để trị sốt rét.


Lá thanh hao rất đắng có tính sát trùng nên được dùng để trị lãi. Lá cũng là thuốc kích dục, trị đổ mồ hôi đêm, sốt rét, rối loạn tiêu hóa. Lá có tinh dầu và hương thơm được dùng trong kỹ nghệ nước hoa.
Hột trị chứng sình bụng (flatulence), ăn không tiêu, mồ hôi trộm.


Thanh hao có: absinthe, anabsinthin, dầu thujone kháng nấm, kháng trùng, kháng oxy hóa. Artemisinin C15 H22 O5 trong lá và thân cây thanh hao chủ trị sốt rét. Ngày nay người ta chủ trương dùng artemisinin để trị sốt rét hơn là quinine C20 H24 N2 O2. Vào thập niên 1990 đại học Washington State ở Seattle dùng thanh hao trị ung thư vú (breast cancer) với kết quả mỹ mãn. Người ta thí nghiệm dùng thanh hao trị ung thư xương trên chuột với kết quả khích lệ. Ở Pháp người ta dùng thanh hao để trị sốt rét.


Trong y học dân gian Việt Nam người ta dùng thanh hao (lá và hoa) để trị sốt rét, hoàng đản, sốt, không thèm ăn.


Vào thế kỷ XVII người Anh dùng thanh hao (hoàng hoa hao- Hao: ho; suyễn-asthma) trong việc cất rượu whisky để tăng vị đắng cho rượu.
 


Cây Ký Ninh
Cinchona pubescens
Quechua kina
Gia đình: Rubiaceae

 

Cây ký ninh Cinchona pubescens thuộc gia đình Rubiaceae gốc ở các nước Nam Mỹ như Peru, Ecuador, Brazil, Bolivia, Venezuela. Cây cao từ 15 đến 20 m. Vỏ rất đắng được dùng làm thuốc quinine trị sốt rét nổi tiếng một thời.


Có lối 20 dòng Cinchona khác nhau. Tất cả đều được dùng để trị sốt rét vì có lối 25 alkaloids khác nhau trong dòng thảo mộc Cinchona, quan trọng nhất là quinine. Chữ Cinchona do âm trại của chữ Chinchon (địa danh), tên của nữ nam tước Chinchon, phó vương Peru, là Francisca Enriques de Ribera.


Tên gọi thông thường của cây ký ninh Cinchona pubescens là:

 

Quốc Gia

Tên Gọi

Pháp

Arbre à quinine

Anh

Quininine, Red cinchona, Jesuit bark, Peruvian bark

Tây Ban Nha

Quina

Ecuador

Rosada


Người Âu Châu đem giống cây ký ninh Nam Mỹ sang các thuộc địa của họ ở Á Châu, Phi Châu, hải đảo Thái Bình Dương để trồng lấy vỏ làm thuốc quinine trị sốt rét. Cây ký ninh được người Anh trồng trên đảo St Helena, Tanzania, Ấn Độ, đảo Ceylon (Sri Lanka). Người Hòa Lan trồng cây ký ninh trên đảo Java, Indonesia. Mức sản xuất vỏ cây ký ninh của Hòa Lan trên quần đảo Indonesia đứng đầu trên thế giới. Hoà Lan là quốc gia bán nhiều vỏ cây ký ninh trên thế giới cho đến thập niên 1940.


Công dụng:
- Cây ký ninh có: quinine, quinidine, cinchonine, conchonidine
- Trị: sốt rét, hạ sốt, giảm nhịp đập mạnh của tim
- cho vào rượu, nước ngọt, rượu Dubonnet nhãn hiệu con Mèo hay rượu Campari.


Cây Cinchona calisaya được người Anh gọi là Jesuit bark, yellow cinchona (cây ký ninh vỏ vàng), Jesuit powder (bột Jesuit) (Jesuit là một dòng tu Thiên Chúa Giáo đã khám phá ra vỏ cây Cinchona trị bịnh sốt rét). Cây ký ninh vỏ vàng cũng được dùng để trị sốt rét. Loại dược thảo này được tìm thấy nhiều ở Nam Mỹ đặc biệt là xứ Peru. Vỏ cây ký ninh vỏ vàng có: alkaloid kina, cinchonidin, acid quinic, cinchotannic acid, calcium oxalate, quinine, hydrocinchonidine, hydroquinone v.v.


Có một loại thảo mộc thuộc gia đình Asteraceae của hoa cúc cao từ 50- 90 cm, hoa như nút áo màu trắng được người Anh gọi là ký ninh hoang (wild quinine) vì có vị đắng dùng để trị sốt rét hay Missouri snakeroot (Xà Căn Missouri) vì có công dụng trị rắn cắn.


Tên khoa học của cây ký ninh hoang hay xà căn Missouri này là Parthenium integrifolium thuộc gia đình Asteraceae của hoa cúc, hướng dương. Người Anh gọi là wild quinine, American feverfew, prairie dock, Missouri snake root.


Lá và củ cây ký ninh hoang có: sesquiterpenes esters: echinadol, epoxyecinadiol, echinaxanthol, dihydroxynardol.


Lá và củ dùng để trị sốt, sốt rét, điều kinh, bịnh thận, rắn cắn, sạn thận, bịnh gan, phỏng lửa hay nước sôi, mệt mỏi, bộ tiêu hóa nhiễm trùng, bịnh phong tình, đau cuống họng. Người Da Đỏ ở Mỹ Châu dùng cây ký ninh này để trị ho và đau cuống họng. Trong đệ nhị thế chiến Nhật chiếm Indonesia. Nguồn vỏ cây Cinchona pubescens không có đủ để cung ứng cho nhu cầu người ta dùng cây ký ninh Parthenium integrifolium để làm thuốc quinine trị sốt rét.

 

Cây Ô Môi Phi Châu
Cassia abbreviata
Gia đình Fabaceae

 

Dòng Cassia là dòng thảo mộc của cây muồng. Cây ô môi là Cassia grandis cũng thuộc dòng này và gia đình Fabaceae. Cây ô môi và cây muồng đều có lá mọc đối nhau. Lá cây ô môi nhỏ, lá cây muồng to, rộng và xanh tươi. Cây muồng cao từ 1- 3 m. Cây ô môi cao từ 10- 25 m. Cây to và có bóng mát.


Chúng tôi gọi Cassia abbreviata là cây ô môi Phi Châu vì:


1. nguồn gốc Phi Châu của loài thảo mộc nầy (Kenya, Somalia, Nam Phi, Mozambique, Zambia, Zimbabwe, Tanzania v.v.)
2. trái dài 1 m như trái ô môi. Khi chín trái có màu đen hay hung đỏ- đen. Trong ruột có nhiều hột cứng.


Cây ô môi Phi Châu có vỏ đen; nhánh có lông mịn phủ. Lá nhuyễn; hoa màu vàng có cuống dài (hoa ô môi ở nước ta màu đỏ- tím; hoa nhỏ.) Hoa ô môi Phi Châu vàng, đẹp và có hương thơm.

 

Tên gọi thông thường:

 

Quốc Gia

Tên Gọi

Anh

Sjambok pod, long-tail cassia

Afrikaan

Sambokpeul

Somalia

Rabuya


Cây ô môi Phi Châu có: tannins proguibourtinidins, guibourtinidol, anthraquinone, triterpenoids, flavanols (rễ, lá, hoa)


Công dụng:
1. cây cho bóng mát; gỗ để đóng bàn ghế, làm củi, hầm than.
2. trồng trong vườn làm cảnh vì hoa vàng rực rất đẹp lại có hương thơm
3. vỏ, rễ, lá dùng làm thuốc trị sốt rét (rễ, lá), đau nhức, đau răng, trùng lãi, đau bụng, táo bón, tiêu chảy (vỏ), bịnh về tử cung, kinh nguyệt quá đà, rắn cắn, huyết tiện (lá), trụy thai (rễ) v.v. Đó là kinh nghiệm trị liệu cổ truyền của người Phi Châu địa phương.
4. dùng trong kỹ nghệ thuộc da và ngành nhuộm
5. lá giã nát toát mùi làm cho rắn ra khỏi hang.

 

Cây Ampody Trị Sốt Rét
Vepris ampody
Gia đình: Rutaceae

 Người địa phương trên đảo Madagascar gọi thảo mộc mang tên khoa học Vepris ampody thuộc gia đình Rutaceae mà họ dùng vỏ cây để trị sốt rét là Ampody. Người Pháp gọi là Ampody. Chúng tôi không biết phải dùng tên gọi nào trong Việt ngữ. Không thấy tên gọi bằng tiếng Anh. Tôi có nhờ dược sĩ Lâm Thị Phương tìm dùm tôi tên Hoa ngữ âm ra Hán Việt nhưng không thấy. Vì vậy tôi đành phải dùng tên gọi địa phương do người Pháp dùng kèm theo công dụng trị liệu sốt rét làm đề tựa.


Cây ampody cao từ 15 đến 20 m; lá láng, một gân lá chia lá ra làm đôi theo chiều dọc. Hoa nhỏ màu vàng- xanh. Trái tròn, nhỏ màu vàng khi chín. Cây có gỗ màu vàng. Madagascar và các đảo lân cận như Réunion, Mauritius trong Ấn Độ Dương là nơi có nhiều cây ampody.


Công dụng cây ampody:
- gỗ dùng làm đồ mộc, xây dựng nhà cửa.
- vỏ đắng dùng để cất rượu, làm thuốc trị sốt rét, thuốc kích dục, tri mệt mỏi, đau bắp thịt, nhức mỏi, đau bụng, kiết ly, tiêu chảy.
 

Thành phần hóa học của cây ampody: có nhiều alkaloids (vỏ, lá), furanoquinoline, kokusaginiacridones, evexanthine, phenylacetamide. Chất acronycine C20 H19 NO3 trong cây ampody có khả năng ngăn chặn sự kết bướu.



Dây Cam
Toddalia asiatica
Gia đình: Rutaceae

 

Gọi là đây cam vì dây có lá và trái có mùi cam. Nhưng trái nhỏ chỉ là thức ăn của chim và khỉ trong rừng. Dây cam không đồng nghĩa với cam dây. Trái cam dây là trái cam to và ăn được. Dây cam là cam hoang, trái nhỏ không ăn được nhưng có mùi cam, chanh (trái, lá) và cũng được liệt vào gia đình cam, quít, chanh, bưởi Rutaceae.


Dây cam dài đến 10 m; lá màu xanh sẫm và có mùi lá chanh, cam, quít. Hoa màu xanh- trắng nhạt; 05 cánh với 05 nhụy dài. Trái nhỏ lối 1 cm, tròn, màu vàng khi chín. Vỏ có mùi chanh và cam. Trái là thức ăn của chim và khỉ. Hột rất dễ nảy mầm nhưng dây chậm tăng trưởng. Dây cam hoang là nguồn thuốc đối với người Phi Châu vì vậy ngày nay nó trở nên khan hiếm.


Nam Phi, Ấn Độ, Mã Lai, Phi Luật Tân, Indonesia là nơi có nhiều dây cam.


Tên khoa học của dây cam là Toddalia asiatica thuộc gia đình Rutaceae. Tên gọi thông thường là:

 

Quốc Gia

Tên Gọi

Anh

Orange climber, forest pepper tree (cây tiêu rừng nhưng đây là dây), wild orangetree (đây là dây chớ không phải cây- tree)

Hindi

Jangali kalimirch

Sanskrit

Dahana

Trung Hoa

Huang jiao gen, Feilong zhang xue (Phi Long Chưởng Huyết) (1)


Dây cam rừng có proteins, đường, alkaloids, flavonoids, sterols, coumarins, glycosides, olic acid, arjunic acid.
Rễ, vỏ, trái, lá được dùng để trị bịnh.


Ở Phi Châu người ta dùng dây cam rừng để trị sốt, sốt rét, ho cảm cúm.
Ở Madagascar người ta dùng dây cam rừng để trị sốt, sốt rét, tê thấp, tiêu chảy.
Ở Phi Luật Tân người ta nhai lá và nuốt nước lẫn xác khi đau bụng, bị sốt rét, kiết lỵ, rắn cắn, ho, u nhọt, bịnh phong tình. Người ta đang nghiên cứu việc dùng dây cam rừng để trị vi khuẩn cảm cúm H1 N1 gây tử vong cho gà lẫn người.

PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

 

Bài viết tổng hợp dựa vào Thế Giới Thảo Mộc Từ Điển do tác giả Phạm Đình Lân biên soạn.

 

*********
 

(1) Feilong zhang xue: Phi long chưởng huyết do dược sĩ Lâm Thị Phương, Úc Đại Lợi, âm từ Hoa ngữ.

Kim Quy sưu tầm

 

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %11 %755 %2017 %13:%06
back to top