HÀNH TRÌNH XUYÊN VIỆT # 9

HÀNH TRÌNH XUYÊN VIỆT # 9

*** Nam Mai ***

 

Hà Nội: Thứ tư ngày 11 tháng 1 năm 2017 (FREE DAYS #2 tại Hà Nội)

Hôm nay là ngày Free Day thứ nhì tại Hà Nội. Đáng lẽ ra 2 ngày free days thì N và MT phải nằm khoèo ở hotel để nghỉ dưỡng sức, nhưng vì tiếc và tham nên ngày hôm qua cả bọn đã chạy cả ngày ngoài đường dưới trời mưa để xem thêm những danh lam thắng cảnh và chùa chiền gần gần chung quanh Hà Nội rồi.

Ngày hôm nay, N có hẹn "bù khú" với mấy cô em họ (em bà con cô cậu với ông Xã) và cô cháu ngoại nuôi của bà chị ông Xã. Các bạn này đều là "thổ công" tại Hà Nội cả. Cháu Hương (cháu ngoại nuôi của bà chị chồng N) là 1 cô bé rất nhanh nhẫu và năng động, chuyện ở Hà Nội không có cái gì mà nó không rành và lại có đầu óc rất hài hước, nghe nó kể chuyện thì cười đau cả bụng. Cháu Hương đang làm quản lý cho 1 tiệm ăn chay nổi tiếng tại Hà Nội. Hôm nay Hương đã xin nghỉ việc 1 ngày để đưa "bà trẻ N" đi thăm thú Hà Nội (chỗ nào bà trẻ muốn đi thì Hương sẽ đưa đi). N đã nhờ Hương mướn giùm 1 xe 16 chỗ/ giá $1,500,000 VND (khoảng hơn $65.00 USD) để cả nhà trước là cùng nhau đi ngắm cảnh, sau nửa nhân cơ hội này thì mọi người sẽ có nhiều giờ hàn huyên tâm sự cả ngày với nhau trên xe cho vui, vì chẳng mấy khi có dịp chị em, bà cháu được gặp nhau. Trong chuyến đi hôm nay, ngoài N, MT và chị TA thì trên xe toàn là chị em trong nhà (vợ chồng Hằng, cô Hồng, Hương và cô bạn) cho nên không khí trên xe rất là vui vẻ, hào hứng.

Khởi đầu thì N và các cô bàn nhau định đi tận Hoà Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam, cách Hà Nội đến 73 km cơ đấy. Nhưng từ sáng sớm trời lại bắt đầu mưa rồi , và dự báo thời tiết là trời sẽ mưa cả ngày hôm nay cho nên mọi người đều đồng ý thay đổi chương trình chọn đi những chỗ gần gần HN cho an toàn vậy. Cũng được thôi vì xung quanh Hà Nội còn có rất nhiều điểm để đi xem và một trong số những điểm đáng đi nhất đó là Làng Cổ Đường Lâm. Làng Cổ Đường Lâm cách Hà Nội khoảng 44km, thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên ở Việt Nam, được Nhà nước trao bằng Di Tích Lịch Sử Quốc Gia vào năm 2006.

Điểm đặc biệt của Đường Lâm là còn giữ được một cổng làng cổ ở làng Mông Phụ. Đây không phải là một cổng làng như các cổng làng khác ở vùng Bắc Bộ có gác ở trên mái với những mái vòm cuốn tò vò, mà cổng làng cổ làng Mông Phụ chỉ là một ngôi nhà hai mái đốc nằm ngay trên đường vào làng. Tại làng Mông Phụ bây giờ vẫn còn có Đình Mông Phụ - được xây dựng năm 1684 (niên hiệu Vĩnh Tộ đời vua Lê Hy Tông) là 1 ngôi đình đặc trưng cho đình Việt truyền thống. Sân đình thấp hơn mặt bằng xung quanh nên khi trời mưa, nước chảy vào sân rồi thoát ra theo hai cống ở bên tạo thành hình tượng hai râu rồng. Hàng năm, đình tổ chức lễ hội từ mùng Một đến mùng Mười tháng Giêng âm lịch với các trò chơi như thi lợn thờ, thi gà thờ....v...v.... Đây là quê hương có nhiều danh nhân như vua Ngô Quyền, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Thám Hoa Giang Văn Minh, bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), bà chúa Mía (người xây chùa Mía, vương phi của chúa Trịnh Tráng) ... Đường Lâm còn được gọi là đất hai vua do là nơi đã sinh ra Vua Ngô Quyền và Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Làng cổ Đường Lâm có tổng cộng 956 ngôi nhà cổ, nằm ở các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh. Có nhiều ngôi nhà được xây dựng từ rất lâu đời, từ những năm 1649, 1703, 1850… đều được xây dựng bằng các loại vật liệu truyền thống của xứ Đoài là: đá ong, tre, gỗ xoan, nứa, gạch đất nung, ngói, đất nện, trấu, mùn cưa …. Du lịch Làng Cổ Đường Lâm hấp dẫn bởi những con đường gạch, với những bức tường đá ong độc đáo, giếng nước sân đình, những ngôi chùa uy nghi.... mà những người hoài cổ muốn tìm hiểu thêm về những làng quê xưa vẫn còn giữ được hầu hết các nét đặc trưng của một ngôi làng quê người Việt với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu, điếm canh, giếng nước, ruộng nước, gò đồi ...v..v.... mà mình đã được đọc trong truyện, hoặc xem thấy trong các bộ phim chiếu trên TV nói về những làng quê miền Bắc.

Đúng 8:30 sáng (thứ tư ngày 11 tháng 1- 2017) cháu Hương đưa xe đến Hotel đón 3 bà trẻ là N, MT và chị TA, sau đó thẳng đường đón vợ chồng cô Hằng và cô Hồng. Chị em gặp nhau trên xe nói cười ríu rít mặc dù đã mới gặp nhau tối hôm qua ở tiệm Canh Bánh Đa Cá Rô Phủ Lý. Cháu Hương rất chu đáo và cẩn thận vì đã cụ bị sẳn rất nhiều thức ăn vặt cũng như cà phê, nước trà, nước chai ..... đủ thứ để mọi người trên xe lúc nào muốn ăn, muốn uống là có ngay khỏi phải ngừng xe mất công.

Điểm đầu tiên cháu Hương đưa đi thăm là Làng Cổ Đường Lâm. Trước khi đi, N đã có hỏi thằng Gu Gồ tất cả các chi tiết của địa điểm này rồi, cho nên đã rất hào hứng mong chờ là sẽ được nhìn bằng chính đôi mắt thật của mình khung cảnh 1 làng quê miền Bắc Việt Nam ngày xưa. Biết đâu chừng N lại có được những tấm ảnh hoá thân ra là một cô thôn nữ mặc áo tứ thân với mái tóc đuôi gà, mặc váy thâm, đi chân đất đứng dưới gốc cây đa và bờ sông ở làng Mông Phụ chăng?

Nhưng hởi ôi thật là thất vọng tràn trề vì Trời đã không chiều lòng người.... hôm nay khi xe đến Làng Cổ Đường Lâm thì trời mưa quá là mưa các bác ạ. Chẳng xem được gì, mà cũng chẳng chụp được tấm hình nào cả. Vì mưa quá nên không thễ nào nhởn nha đi bộ rong chơi trên đường làng để ngắm nhìn những quang cảnh mà N ao ước được xem, cũng như chụp được những cái hình lúc mình đang có mặt tại đây. Những cái hình các bác vừa xem trên kia là N đã chụp vào năm 2010 đấy, hôm nay trời mưa chẳng có cái hình nào khoe với mọi người nên N đành post vài tấm hình đã được chụp trước đây "của một cô gái quê" cho các bác xem đở vậy. Các bác có nhận ra cô gái quê đó là ai không? Hm... nếu trời mà không mưa thì thễ nào N đã chẳng thực hiện được 1 bộ ảnh như thế ngay tại Làng Cổ Đường Lâm nhỉ????

Ngoài ra, giá trời không mưa, mình sẽ đi loanh quanh trong làng thăm Cổng làng và Đình Mông Phụ, Nhà thờ Thiên Chúa trong làng, Nhà thờ ngài Thám hoa Giang Văn Minh, Giếng cổ Đường Lâm, Đền thờ ngài Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương), Đền thờ và Lăng ngài Ngô Quyền ..... sau đó sẽ vào thăm những ngôi Nhà Cổ và ăn trưa tại 1 trong những ngôi nhà cổ ấy. Vì mưa tầm tả cho nên không có cách nào xuống đi bộ xem những thứ vừa kể trên được. Bây giờ chỉ còn có 1 mục duy nhất là đi thăm 1 ngôi nhà Cổ thôi. Vì xe sẽ chạy thẳng vào ngay tận cổng cái nhà cổ đó và mình cứ ở lanh quanh trong ấy để xem mà thôi. Buồn 5 phút!!!! Nếu có cơ hội quay lại Hà Nội, chắc chắn N sẽ quay lại thăm Làng Cổ Đường Lâm lần nửa để xem cho hết những thứ mà N vừa kể đấy các bác ạ.

Trên xe, cháu Hương đã gọi điện thoại để đặt sẳn cơm trưa tại nhà Ông Hùng là 1 trong những ngôi nhà cổ mà cháu định đưa mọi người đến xem. Nhà cổ của ông Nguyễn Văn Hùng cũng được xếp hạng là nhà cổ dân sinh loại một. Ông Nguyễn văn Hùng là chủ nhân đời thứ 12 của căn nhà cổ này. Cháu Hương cho biết, khi đến nơi mình sẽ ngạc nhiên trước chiếc cổng được xây dựng theo lối xưa bằng đất đá, bã trấu, và bùn để tạo chất kết dính và lối vào rợp bóng bởi cây tơ hồng.

Hm ... bây giờ là mùa Đông nên đâu có nhìn thấy "lối vào rợp bóng bởi cây tơ hồng" gì đâu, mà chỉ nhìn thấy toàn những râu và ria thôi à. Hình dưới đây là N đã chụp tại cổng vào nhà cổ của ông Hùng, hình nhìn chẳng thấy đẹp gì cả , nhưng vì tò mò nên cứ chụp 1 cái ảnh xem chơi vì nghe tả là "lối vào rợp bóng bởi cây tơ hồng"....nghe ra thì rất thơ mộng phải không ạ? Không biết mùa Xuân hoa xanh cỏ tốt thì nhìn thế nào chứ mùa Đông nhìn đám cây tơ hồng này thấy

.... thật là chẳng giống cây gì cả, có bác nào đã nhìn thấy cây tơ hồng ra sao chưa ạ?

Cổng vào nhà Cổ của Ông Nguyễn văn Hùng tại Làng Cổ Đường Lâm

Dây tơ hồng rợp bóng đi đây nè các bác ...

Khi vừa xuống xe, trước khi bước vào trong căn nhà cổ của ông Nguyễn Văn Hùng, thì mọi người sẽ nhìn thấy cái bảng của Unesco treo bên ngoài. Đây là bằng vinh danh của Unesco "Giải thưởng Châu Á - Thái Bình Dương" Bảo tồn Di Sản Văn Hoá năm 2013 đã trao tặng cho nhà này.

Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1649, vật liệu chính làm bằng gỗ mít và gỗ lim và những nét chạm trổ tinh hoa trên cửa từ thời Hậu Lê vẫn còn nguyên vẹn. Ngôi nhà được kết cấu theo kiểu 5 gian 2 chái, 3 gian giữa là ban thờ và hình ảnh của nơi chủ nhân thờ cúng tổ tiên, ở đây có đặt thêm bộ trường kỷ dùng để tiếp khách. Hai gian bên cạnh dùng làm nơi ngủ. Ngoài ra cũng còn có gian bên tay phải kê nhiều bàn, ghế cho khách du lịch đến thăm viếng nhà cổ ngồi dùng cơm. Chung quanh nhà có để nhiều vại, hỏi ra thì mới biết là chủ nhà nấu rượu và rượu được chứa trong những cái vại mà các bác nhìn thấy trong hình đấy.

Nếu có khách mua thì họ sẽ mở vại và chiết vào chai, mùi rượu rất là thơm. Lúc bọn N vừa vào thì chủ nhà mời khách ngồi ở cái gian giửa có bộ trường kỷ để uống nước chè tươi và xơi kẹo chè lam, sau đó khi nhà bếp làm cơm xong thì mình mới chuyển qua ngồi bên gian phía tay phải có kê bàn ghế để ăn cơm trưa. Vì là nhà kiểu cổ cho nên rất chật chội, và không đủ ánh sáng, trong nhà có đèn điện nhưng N có cảm tưởng lúc nào nhà cũng tối mù mù.

Ở đàng sau cái đám cây xanh này là chỗ 3 gian giửa là nơi thờ cúng tổ tiên và cũng là nơi tiếp khách đấy. Những cái vại thấy trong hình là vại chứa rượu.

Gian bên tay phải kê rất nhiều bàn ghế để đón khách và là chỗ ngồi dùng cơm.

Phía sau chỗ N đứng là nhà bếp.

Hôm nay mưa quá chừng, đến nơi nói là để thăm nhà cổ nhưng thực ra thì có thăm thú được gì. Xe bọn N vào là 8 người, ngoài ra còn có thêm những nhóm khách khác, cũng có cả khách Tây do Tour Guide dẫn đến. Nhà cổ nhỏ tí tẹo nên chật cứng, hễ ngồi xuống chỗ nào rồi là cứ ngồi chết dí ở chỗ đó không cục cựa đi đâu được, vả lại mưa gió ướt át có được đi vòng vòng khu nhà để coi xem nó cổ kính như thế nào đâu, chỉ chạy ù ra chụp vài cái hình rồi chạy vào ngay. Vào ngồi được 1 tí thì chủ nhà bưng mâm cơm ra, mọi người cùng nhau ăn hết bửa cơm là xong chuyện "thăm nhà cổ"!!! Được cái hôm nay thực đơn thì rỏ ra là món Bắc, gồm có canh cua, cà pháo, gà luộc, đậu phụ rán chấm tương cự đà, củ cải đường xào nấm, rau cần ta muối chua và rau bắp cải luộc .... Mâm cơm có nhiều món như vậy cho 8 người ăn no mà chỉ tốn có $800,000 VND (khoảng hơn $35.00 USD). Ăn trưa xong là ra xe rời khu nhà Cổ của ông Hùng và cũng rời luôn cả Làng Cổ Đường Lâm để đến thăm Chùa Thày.

Nói tóm lại thì buổi viếng thăm Làng Cổ Đường Lâm đối với N hôm nay là ...... thất bại, nói theo ngôn ngữ của miền Bắc bây giờ là "không đạt tiêu chuẩn"!!!! Vì có coi, có xem được khỉ gì trong cái làng Đường Lâm này đâu, xe chạy từ Hà Nội .... chạy thẳng vào nhà Cổ, ăn xong bửa cơm rồi leo lên xe .... về!!! Mưa quá nên chẳng thăm thú được gì theo đúng với cái mình mong ước các bác ạ.

Địa điểm kế tiếp là sẽ đi thăm chùa Thày. À, nhưng trước khi kể đến chuyện đi thăm chùa Thày thì N xin kể "chuyện bên lề" cho các bác nghe trước đã không thôi nó ..... nguội mất! Chuyện nói về TIỀN nha các bác. Đây là kinh nghiệm của N, các bác nghe xong thì lấy kinh nghiệm luôn để nếu có về VN thì không bị "quê xệ" giống như N nha. Số là khi đi du lịch, cho dù có mang thẻ CC theo, nhưng N rất ít khi dám xài bằng thẻ, nhất là tại VN thì lại càng không dám xài CC vì sợ bị lộ chi tiết cá nhân, sợ bị họ charge lung tung rồi lại phiền phức khi phải khiếu nại ...v....v.... vì sợ như vậy cho nên chỉ xài bằng tiền mặt cho tiện. Tiện cái này thì lại hại cái khác, cái hại đó là mình phải mang theo 1 số tiền mặt trong người để chi dùng. Mà mang theo tiền mặt khi đi du lịch, nhất là đi trong khoảng thời gian hơi lâu nửa thì rất là sợ các bác ạ. Sợ bị đánh mất, sợ bị móc túi, sợ bị giật ví, sợ ...sợ..... lung tung! Cái sợ nhất là sợ bị giật ví, vì bị nó giật ví là coi như mất hết mà có khi còn bị té, bị thương tật hại đến tính mạng nửa chứ. Vì vậy tiền là không bao giờ để trong ví,

nếu có đeo ví thì chỉ là nguỵ trang, chỉ để đồ vớ va vớ vẩn, nếu nó có giật thì ..... cho nó luôn, cùng lắm là mất cái ví (vì vậy chớ có đeo "ví xịn" nha). Điều chắc chắn là mình sẽ không bao giờ để tiền tại safe box của Hotel rồi, vì các cụ đã dạy rằng "đồng tiền đi liền khúc ruột" mà lại, vậy cho nên chỉ có dấu tiền trong người là chắc ăn nhất. Hà hà ... khi đi du lịch thì trên người N có nhiều túi lắm các bác ..... túi trong, túi ngoài, túi trên, túi dưới của 2, 3 layers quần áo lận .... để ngộ nhỡ mất chỗ này thì vẫn còn chỗ kia chứ. Chỉ có khỗ một cái là khi để nhiều túi, nhiều chỗ quá .... đến lúc cần móc ra ngay thì lại không nhớ liền được là cái loại $ mình cần nó đang nằm ở cái túi nào cả. Lúc cần móc ra gấp thì mình thực sự không nhớ ngay là túi nào đang cất tiền VN, túi nào đang cất tiền dollar .... thế là túi nọ túi kia cứ móc, cứ sờ soạng loạn cả lên, vì vậy mới có chuyện dở khóc dở cười xảy ra, các bác ghi nhớ chuyện này để tránh đừng bị quê giống như N nha.

Số là, hôm nay lúc ăn lunch xong ở chỗ nhà của ông Hùng, bữa cơm 8 người ăn mà chỉ tốn có $800 ngàn VND (khoảng $35.00 USD) thôi. Đến lúc trả tiền, N lật đật móc tiền ra trả thì trời ơi .... móc hết túi trên, túi dưới, túi trong, túi ngoài .... móc hoài mà không biết cái chỗ tiền VN nó đang nằm ở cái túi nào để lấy ra trả tiền cho bữa cơm! Cả mười mấy con mắt nhìn vào N để chờ N móc được $ ra, vậy mà tìm hoài không biết cái khoản tiền VND nó đang nằm ở túi nào cả. Thấy bà chị mình cứ sờ soạng hết túi nọ đến túi kia, mãi mà vẫn không móc ra được tiền, sau cùng cô Hằng nói " thôi, thôi chị để em khao mọi người hôm nay!" và cô móc ví lấy $ ra liền, móc ra 1 cái một là có $ liền! Chẳng lẽ bây giờ mình lại còn dành đòi trả tiền? Tiền móc mãi không biết nó đang nằm đâu mà dành cái gì nên đành phải để cho các cô em khao mình vậy. Trời ơi quê ơi là quê, mình tự nghĩ mình đúng là VK dỏm, và chắc chắn thễ nào mọi người cũng nghĩ N là VK dỏm rồi! Bữa ăn chỉ có $35.00 đồng mà móc hoài hổng ra! Chắc là hổng muốn trả !!!!

Rồi, lại thêm 1 chuyện TIỀN nửa. Chuyện này mới là quê thiệt sự nè. N ở bên VN hơn 2 tháng trời mà cho đến tận khi trở về bên này, N vẫn còn lạng quạng về cái chuyện không nhìn ra được trị giá của đồng $ VND, khi trả tiền cho người ta cứ bị lộn hoài. Dĩ nhiên trả thiếu thì bị họ đòi thêm là cái chắc rồi, còn nếu đưa dư thì .... thôi, mình đâu có biết vì họ đâu có nói cho mình biết.

Các bác cẩn thận nha, theo N thấy thì tiền bên VN rất là dễ lộn, rất khó phân biệt. Vì cái tờ 20 ngàn và cái tờ 200 ngàn của VND nó in màu đỏ, và hình in trên tờ giấy bạc thì nó giống nhau y chang, màu cũng y chang luôn không khác nhau chút nào cả, chỉ khác cái size có 1 chút xíu thôi. Cái size của tờ 20 ngàn nó chỉ nhỏ hơn tờ 200 ngàn có 1 tí tẹo (một 9/một 10). Cả cái tờ trị giá 10 ngàn, 100 ngàn cũng in màu đỏ, hình cũng giống nhau. Rất dễ lộn vì mình cứ nhìn vào cái số 1 hoặc số 2 trước, mà không để ý mấy con số zero ở phía sau nên rất dễ nhầm các bác ạ.

Ngoài ra, trị giá của tờ 50 ngàn và tờ 500 ngàn cũng rất dễ lẫn lộn, tương tự như cái 20/200 ngàn màu đỏ kia. Chỉ khác tờ 50 và 500 ngàn thì nó được in bằng màu xanh. Hình và màu in trên tờ giấy bạc trị giá 50/500 ngàn cũng y chang không khác nhau, chỉ khác nhau cái size một 9/một 10 mà thôi. Trời thần ơi, khi trả tiền thì N cứ trả loạn lên, đáng lý trả 20 ngàn thì đưa 200 ngàn. Đáng lý trả 500 ngàn thì chỉ đưa tờ 50 ngàn ..... Nó giống nhau y chang, chỉ nhỉnh ở cái size có 1 chút xíu thôi nên dễ lộn vì rất khó phân biệt, rất dễ nhầm, nhất là vào những lúc mình đang trong tình trạng vội vàng.

Hôm trước cháu Hương chở con của nó đến cửa Hotel đưa quần áo giặt cho bà trẻ rồi chạy đi làm ngay, vì cháu không có lên trên phòng cho nên N chưa có dịp lì xì cho cháu bé con của Hương. Con bé này khoảng 13, 14 tuổi, con của cháu Hương nên nó phải gọi N bằng ....."Cụ"! (Hương gọi mình bằng Bà thì con nó phải gọi mình bằng Cụ là đúng rồi). Hôm nay, lúc gần chia tay N mới dúi vào tay Hương 1 tờ giấy bạc màu xanh, và bảo Hương về đưa cho con nó để cháu mua quà ..... Tối đến, tình cờ N kiểm tiền VN còn lại trong túi thì trời thần ơi ..... N giật bắn cả người lên vì nhớ lại .... hôm nay ở trên xe trong túi N lúc đó chỉ còn có 2 tờ giấy màu xanh, 1 tờ 50 ngàn và 1 tờ 500 ngàn mà thôi. Nếu đưa cho Hương tờ 500 ngàn thì đáng lẽ ra N phải còn lại tờ 50 ngàn chứ, tại sao bây giờ tờ 500 ngàn còn ở đây và tờ 50 ngàn biến mất nè Trời ???? Giời ơi, Cụ ơi là Cụ, vậy là Cụ dỏm quá xá rồi! "Cụ" cho quà "Chắt" mà chỉ cho nó có 50 ngàn VND thôi, chỉ cho có $2.50 dollars thôi trời ạ ! N bần thần ngồi suy nghĩ hoài không biết phải làm sao nên cuối cùng đành phải gọi cho Hương hỏi xem "có phải bà trẻ đưa Hương tờ 50 ngàn sáng nay không?" cháu lịch sự trả lời là "con không xem, chỉ bỏ ngay vào ví thôi ạ". Trời đất, như vậy thì đúng là N đã đưa tờ 50

ngàn thay vì là tờ 500 ngàn cho cháu Hương rồi. Vì trả tiền cho thiên hạ ngoài kia, thiếu thì họ sẽ nói ngay, chứ con cháu trong nhà cầm 50 ngàn Cụ cho thì dĩ nhiên là nó không dám nói rồi, chắc nó cũng chỉ nghĩ là mình .... dỏm, mình kẹo kéo chứ đâu có dám khiếu nại! Vậy là N phải xin lỗi cháu là .... "Cụ" nhầm! ngay tối hôm đó N phải tìm cách gặp cháu để đưa cho cháu tờ 500 ngàn khác đấy. (Bây giờ ngồi đây nghĩ lại thì đúng là Cụ .... kẹo thật! Đáng lẽ ra đã có dịp đưa quà lại 1 lần nửa, mình phải đưa cho cháu tờ 1 triệu thì mới đáng!). Đúng là quê 1 cục, quê ơi là quê, rỏ thật là khốn khổ vì cái vụ tiền VND các bác ạ. N kể kinh nghiệm cho các bác nghe rồi đấy, mong là các bác cẩn thận để không bị quê xệ giống như N nha.

Ngoài ra N cũng học thêm được nhiều chuyện lạ về .... $$$ trong khi đang ở bên đó nha. Không biết có bác nào "ngớ ngẩn" giống N không, chứ ở bên Mỹ hơn 40 năm ngày nào cũng cầm tiền mua bán, vậy mà N chưa bao giờ để ý xem hình in trên các tờ dollar là hình của ông nào với ông nào cả, nay ở bên này phải "deal" với vụ $ nên mình mới biết hình được in trên tờ 100 dollar là hình của ông Franklin các bác ạ (bên đó họ biết rành vanh vách đồng tiền nào thì in hình ông nào nhé, chắc chỉ có N ngớ ngẩn chẳng cần để ý nên bây giờ mới biết). Thêm nửa, tiền 100 dollar với "series mới" thì có sợi chỉ kim khí lồng trong tờ giấy bạc, còn tờ 100 dollar "series củ" thì không có sợi chỉ kim khí nhé. Lúc đổi tiền, bị họ hạ trị giá tờ 100 series củ xuống mất khoảng 5, 10 ngàn VND nên mình mới biết là tiền dollar có vụ series củ, series mới đó chứ. Bên Mỹ, mình chỉ biết khi mua bán cứ có tiền là mua được hàng, chẳng tiệm nào thắc mắc hay khiếu nại là tiền series mới hay series củ cả, nhiều khi trả tiền bị rách tiệm cũng nhận luôn mà. Còn bên VN á, bạn cần đổi tiền dollar ra tiền VN để tiêu ..... hà hà .... tiền củ, tiền quăn góc cạnh, tiền có viết chữ lên, tiền có vết nọ vết kia ..... là mất giá liền nhé....., các bác nhớ là phải cầm "tiền mới" về thì khi đổi $ mới đổi được đúng giá thị trường, đổi bằng tiền củ 1 tị là bị hạ trị giá xuống ngay đấy.

Bên đó, bây giờ ai cũng là triệu phú và tỷ phú hết trơn hà! Mở miệng ra là nói đến tiền triệu, tiền tỷ trở lên nghe khiếp lắm làm mình cũng đâm .... hoảng! Hoảng là vì thấy bên đó ai ..... cũng giàu quá xá cở! Hôm ở Sapa, N có mua 1 cái áo gió (wind breaker jacket) mà họ đòi đến 3 trăm 50 ngàn, mới nghe giá tiền là mấy trăm ngàn 1 cái áo thì mình nghĩ ngay trong đầu ..... "ôi giời, áo made in TQ

mà tới hơn 3 trăm ngàn, vậy chỉ mua 1 cái mặc cho đở lạnh thôi". Sau khi đi khỏi Sapa, mặc xong thấy tiện lợi quá vì áo dỏm mình không cần phải giử gìn kỷ lưởng như đồ xịn, trong lúc đi du lịch khi cần cứ thảy đại vào máy giặt, máy xấy là xong .... "tiện thế này, biết thế thì mua luôn 2 cái!" và bèn ngồi lẩn thẩn tính lại tiền VN ra tiền Mỹ của cái áo đó thì ..... trời ơi cái áo chỉ có $16.00 dollars!

Đi mua bán, cứ nghe hô lên là mấy trăm ngàn với mấy triệu đồng thì ngay lập tức trong đầu cứ nghĩ là nhiều tiền, là mắc quá nên thôi, chẳng thiết mua bán gì cả các bác ạ.

Thôi, xong chuyện bên lề rồi bây giờ các bạn cùng N đi thăm chùa Thày nha.

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km, chùa Thầy tọa lạc dưới chân núi Sài Sơn hay còn gọi là núi Thầy, hoặc núi Phật Tích. Chùa Thầy cũng còn được gọi là chùa Cả, tên chữ là "Thiên Phúc Tự" thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Tây cũ, nay là Hà Nội. Núi Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy, nên chùa được gọi là chùa Thầy. Chùa được xây dựng từ thời nhà Đinh, đây từng là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, người có công lớn trong việc dạy học, chữa bệnh cho dân và sáng lập ra bộ môn múa rối nước. Trong không gian của núi đồi hùng vĩ, chùa Thầy lại mang cái vẻ thanh bình và tỉnh mịch. Chùa Thầy cùng với vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên và những giá trị văn hóa lịch sử, thật sự đã

tạo nên thành một điểm du lịch rất hấp dẫn mà ai nếu có cơ hội cũng nên đến thăm một lần cho biết.

Chùa Thầy

Xa xa là Hồ Long Chiểu - Giửa hồ có Thuỷ Đình là nơi diễn trò Múa Rối Nước.

Phía trước chùa là một sân rộng nhìn ra hồ Long Chiểu, tạo thành hàm của rồng, trước đây có trồng hai cây gạo, nhưng hiện tại hai cây gạo đã chết, nay được thay bởi cây đa.

Giữa ao Long Chiểu có Thủy Đình coi như là viên ngọc giữa miệng rồng. Đây cũng là nơi diễn ra trò múa rối nước vào những dịp hội hè. Thiền Sư Từ Đạo Hạnh được cho là ông tổ của hình thức biểu diễn dân gian này.

Cái hình Thuỷ Đình có trang trí cờ quạt này là N "chôm" trên Internet, chứ không phải do N chụp nhé (lúc N đến đây thì không có hội hè gì nên đành phải mượn đở cái hình này). Post lên đây cho các bác xem mỗi khi có hội hè thì họ trang hoàng và diễn trò múa rối nước tại Thuỷ Đình như thế này đây.

Từ sân của chùa có hai cái cầu mang tên là Nhật tiên kiều và Nguyệt tiên kiều - cầu nối sang hai bên, tạo thành hai râu rồng. Hai cầu này do ông Phùng Khắc Khoan xây vào năm 1602. Cầu Nhật Tiên nối sang một hòn đảo nhỏ, trên đảo có đền thờ Tam phủ. Cầu Nguyệt Tiên thì nối vào đường lên núi.

Nhật Tiên Kiều

Nếu chúng ta đi qua cầu Nguyệt Tiên sẽ được nối với con đường lên núi, trên núi còn có chùa Cao, vốn là Hiển Thụy Am, còn có tên là Đỉnh Sơn Tự, là nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh đến tu đầu tiên. Từ chùa Cao, đi vòng ra phía sau là hang Cắc Cớ, là nơi tình tự của trai gái ngày xưa trong những ngày hội hè, như ca dao đã ghi lại: Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ,Trai chưa vợ nhớ hội Chùa Thầy. Đi ngược lên trên là đến đền Thượng. Gần đền Thượng có hang Bụt Mọc với nhiều tảng đá được thời gian bào mòn trông như tượng Phật. Tiếp đó là hang Bò với lối vào âm u. Cách một đoạn là đến hang Gió với những ngọn gió thổi thông thốc cả hai đầu.

Khi bọn N đến chùa Thày thì trời cũng còn mưa nhưng cũng may là không nặng hạt lắm nên cũng còn có thễ che dù để chạy vào lễ tại chùa Hạ, sau đó chụp vội vàng được một vài tấm ảnh quang cảnh khuôn viên chùa Thày để đem về cho các bác xem. Chùa Thầy gồm ba tòa song song với nhau gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Chỉ tiếc là vì trời mưa đi lại khó khăn cho nên mọi người không đi thăm được hết toàn thễ các cảnh chùa, cũng như đâu có cách nào lên núi để xem thêm chùa Cao, đền Thượng và các hang động như vừa kể trên đây được, thật là tiếc.

Nhân kể chuyện đi chùa Thày thì N cũng xin được kể thêm là ... vào 1, 2 ngày trước đây trong lúc đang lang thang trên mạng thì N tình cờ đọc được mấy bài báo trong nước, thấy dân tình bên đó đang bình luận sôi nổi về 1 cuốn phim đang chiếu trên TV. Phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết "Bến Không Chồng" của nhà văn Dương Hướng, đề tài về nông thôn xưa, lấy bối cảnh ở làng Đông - 1 làng tại vùng quê Bắc bộ vào những năm 1950 - 1954 ... vào thời xảy ra cuộc Cải cách ruộng đất. Khán giả bình luận sôi nổi với rất nhiều người khen, mà cũng có lắm người chê là vì các diễn viên đóng trong phim quá .... sexy! chả là đạo diễn vì muốn diễn cho giống như thật nên đã cho các diễn viên trong phim đóng vai những phụ nữ miền Bắc thời xưa, (thời còn mặc váy thâm, áo yếm, đi chân đất) .... các bà, các cô trong phim đều mặc "yếm trơn" mà không có mặc nội y. Ngày xưa khi các cụ ta mặc yếm trơn nhìn thì không biết như thế nào, chứ bây giờ các diễn viên trong phim đã chẳng những xinh tươi mơn mởn, lại còn .... "điện, nước đầy đủ", mặc áo yếm mà không mặc nội y bên trong, thế cho nên mới có chuyện bàn tán sôi nổi khắp các diễn đàn. N vì tò mò quá sức nên có thử vào coi cái phim ấy xem nó ra làm sao .... Ôi trời ơi, bỏ cái chuyện "áo yếm"

qua 1 bên vì N không cần quan tâm đến chuyện đó, vì đã có một chuyện khác còn thú vị hơn ..... đó là N nhìn thấy có nhiều cảnh trong phim này được quay ngay tại chỗ mà N vừa mới đặt chân đến các bác ạ. N vừa mới đi thăm chùa Thầy về nên dư âm và những hình ảnh nơi đó vẫn còn chưa phai mờ trong trí nhớ của N .... nên khi vào xem thử một vài tập của phim thì lập tức N nhận ra là những cảnh quay trong phim, cảnh dàn dựng ra thành 1 làng quê miền Bắc thời xa xưa đều được quay ngay tại chùa Thầy các bác ơi. Cảnh những người đàn bà goá không chồng trong làng ngày ngày tụ tập ở bến nước đầu làng .... cảnh các bà tụ tập được quay ngay tại cái cầu Nhật tiên kiều (cái hình N đã chụp trên kia), cũng như cảnh sáng ra các bà ngồi trước cái sân của chùa Thày, nơi có sân nhìn ra ao Long Chiểu và Thuỷ Đình các bác ạ. Khi xem phim này, nhìn thấy rỏ ràng những cảnh, những nơi mà mình đã từng được đặt chân đến cách đây không lâu hiện lên trên phim thì N thích quá, vì nó đã gợi nhớ lại rất nhiều kỷ niệm trong chuyến đi vừa qua, đặc biệt là những kỷ niệm khi N đến thăm chùa Thày, những hình ảnh che dù đội mưa chạy vội vào Chùa, rồi những kỷ niệm đã có cùng với các em, các cháu trong một ngày mưa gió khi ấy lần lượt hiện lên trong đầu như những thước phim được từ từ quay lại ..... thêm nửa là quang cảnh, hình ảnh khi họ quay lên phim thì đẹp ơi là đẹp, nhìn chùa Thày, ao Long Chiểu, Thuỷ Đình, Nhật tiên kiều xuất hiện trên phim ..... mà họ dàn dựng ra được thành cảnh 1 làng quê miền Bắc với bối cảnh ngày xưa thật quá ơi là đẹp các bác ạ. Lúc trước đến thăm chùa Thầy thấy quang cảnh chùa thanh bình, tỉnh mịch nó đẹp có một, bây giờ nhìn quang cảnh trong phim thì dễ chừng chỗ này phải đẹp hơn lên đến năm sáu lần. Nếu các bác có cơ hội về thăm nhà, nhớ đến thăm chùa Thầy thì cũng đáng cho 1 chuyến đi lắm đấy.

Ra khỏi chùa Thày rồi.... trời vẫn còn rả rích mưa ... với bầu trời u ám .... không gian nhìn thật là u buồn, ảm đạm nhưng ..... mưa thì mưa N vẫn mời các bác theo N đến thăm Chùa Mía vì chùa cũng nằm gần trong khu Làng Cổ Đường Lâm, nếu vì trời mưa mà bỏ qua thì cũng không đành vì biết lúc nào mình mới có dịp trở lại nơi này?

Chùa Mía là danh lam nổi tiếng xứ Đoài, nếu đi từ Hà Nội đến chùa thì khoảng chừng 45km về phía Tây. Chùa được xây trên một quả đồi nằm giữa làng Đông Sàng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Chùa Mía còn có tên chữ là Sùng Nghiêm Tự. Chùa được xây dựng vào thời Trần. Đến thế kỷ 17, thì Chùa đã bị hoang phế điêu tàn. Năm 1632, Phi tần trong phủ chúa Trịnh Tráng là bà Ngô thị Ngọc Diệu (còn có tên là Nguyễn thị Ngọc Dong) thấy miếu bị hoang phế điêu tàn nên đã cùng cha mẹ và người dân các làng thuộc tổng Cam Giá (tức Tổng Mía) cùng nhau tôn tạo lại. Phi tần Ngọc Dong vốn là người làng Nam Nguyễn (Nam An) trong Tổng Mía nên được mọi người mến mộ gọi là "bà Chúa Mía", đồng thời đã tạc tượng bà đưa vào thờ ở chùa, và còn có đền thờ riêng. Về sau này Chùa cũng được tu bổ nhiều lần, song cho đến nay quy mô tôn tạo thời Bà chúa Mía dường như vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn.

Vì mưa quá nên không cách chi chụp được toàn thễ cảnh chùa, N chỉ chụp được vài tấm hình quang cảnh các cụ đang lễ trong Chùa dưới đây cho các bác xem đở thôi. Trời mưa nhưng hôm nay các cụ đến lễ chùa rất đông vì gần Tết, các cụ họp nhau ăn Tất Niên các bác ạ

Các bác xem hôm nay mưa dễ sợ chưa?

Gần gác chuông và cây đa cổ thụ là tòa bảo tháp Cửu phẩm Liên Hoa cao 13m thờ vọng Xá Lợi đức Phật. Tòa gác chuông làm theo kiểu kiến trúc chồng diêm hai tầng tám mái. Các góc mái đều gắn đao triện. Sàn nhà bằng gỗ, ở tầng gác có hàng lan can tiện. Các ván long, xà nách đều được bào xoi cạnh và chạm trang trí đề tài hoa lá. Ở đây có một tấm bia năm 1621, một tấm bia năm 1750. Trên gác treo một quả chuông đồng đúc năm Cảnh Hưng thứ tư (1745) một khánh đồng đúc năm Thiệu Trị thứ sáu (1846).

Đây là tấm hình duy nhất chụp được bên ngoài chùa lúc trên đường ra xe để trở về Hà Nội.

Sau khi viếng chùa Mía xong thì cả nhà lên đường trở về Hà Nội ngay, vì trời cũng đã bắt đầu tối rồi. Trên đường về, trên xe mọi người cùng nói lời chia tay với nhau vì sáng sớm mai, group 4 sẽ lại bắt đầu tiếp nối chuyến hành trình xuyên Việt và sẽ lên đường đi thăm tỉnh Quảng Ninh.

Trước khi đưa group 4 về lại khách sạn Thăng Long Opera, bác tài có ý định cho tụi này "cưởi ngựa xem hoa" đi xem 1 vòng quanh Cổ Thành Thăng Long cho biết, nhưng sau cùng đành phải từ bỏ mục này vì ...... trời đất ơi vào đến Hà Nội thì kẹt xe khủng khiếp .... vì trời mưa nên trời đâm ra mau tối, chắc làm cho mọi người nóng ruột muốn mau chóng về nhà hay sao mà ..... xe chạy không còn ra cái đường lối gì cả, mạnh xe máy chạy 1 kiểu, mạnh xe hơi, xe tải, xe to, xe nhỏ .... xe gì gì ai muốn quẹo đâu thì quẹo, ai muốn chen vào lane nào thì cứ chen, cứ có chỗ trống trước mặt là cứ tiến tới, tiến không được thì thụt lùi, lại còn có xe quẹo ngang, quẹo dọc nửa .... đâm ra như 1 cái bàn cờ rối loạn xà bần toàn xe là xe và tất cả cùng ..... dậm chân 1 chỗ ..... thật là rối như canh hẹ! Xe của tụi này bị kẹt trong cái "bàn cờ rối như canh hẹ" này chắc cũng phải gần đến 2 tiếng thì mới thoát ra được.

Về đến khách sạn rồi thì mọi người lật đật tắm rửa và thu xếp hành lý sẳn sàng để sáng mai làm thủ tục trả phòng rời Hà Nội lên đường đi thành phố Hạ Long Quảng Ninh cho sớm.

 

*Nam Mai*

Viết xong ngày December 04-2017 @ 10:00 pm

Bài kế tiếp: Thăm chùa Ba Vàng và thăm quê Nội tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

 

 

Ảnh bìa Facebook thiên nhiên đẹp - Cover FB timeline nature, anh bia dep

 

 

 

 

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %12 %958 %2017 %17:%12
back to top