KỲ QUAN ĐỘC ĐÁO Ở SÀI GÒN, TỪ BÀN TAY MỘT NGƯỜI PHÁP

 KỲ QUAN ĐỘC ĐÁO Ở SÀI GÒN 

TỪ BÀN TAY MỘT NGƯỜI PHÁP

*****

Kỷ niệm 160 năm thành lập Sở Thú Sài gòn (1864-2024)

Người Pháp đến Việt Nam bằng một cuộc xâm lược, nhưng khi phải trả lại nền độc lập cho Việt Nam, họ cũng để lại nhiều kỳ quan ở Sài Gòn, như Vương Cung Thánh Đường, Sở Dây Thép Sài Gòn… nhưng công phu và có tầm khoa học vượt trội ở Đông Nam Á, là Vườn Bách Thảo. Trước năm 1975, người dân hay gọi là Sở Thú, nay gọi là Thảo Cầm Viên. Cùng quay lại, và tìm hiểu về công trình này, qua bàn tay tạo dựng của nhà thực vật học người Pháp Jean- Baptiste Louis- Pierre, giám đốc đầu tiên của Sở Thú sau 160 năm.


 
Ngày 23 Tháng Ba năm 1864, Đề Đốc Pierre Paul de La Grandière ký nghi định thành lập Vườn Bách Thảo (Jardin Botanique) trên mảnh đất có diện tích 12 ha (120.000 m2) gần rạch Thị Nghè mà người Pháp gọi là “Arroyo d’ Avalanche” với chức năng sưu tập các loài động – thực vật đặc hữu của Nam kỳ và 3 nước Đông Dương (Việt Nam, Cao Miên, Lào) và du nhập, ươm trồng một số giống cây phục vụ cho việc trồng cây trên đường phố Sài Gòn – Gia Định.

Ngay sau đó, một kỹ sư và bác sĩ thú y trong quân đội tên Alphonse Germain được giao nhiệm vụ khai phá 12 ha gần rạch Thị Nghè để lập ra Vườn Bách Thảo. Công việc xây cất xe được tiến hành nhanh chóng và Tháng Ba năm 1865, Vườn Bách Thảo đã mở cửa đón khách tham quan. Vì thấy Vườn Bách Thảo sẽ tiếp tục phát triển và có quy mô càng ngày càng lớn hơn, ngày 23 Tháng Ba năm 1865, chính quyền Pháp đã mời nhà thực vật học người Pháp Jean- Baptiste Louis- Pierre đang phụ trách Vườn Bách Thảo Calcutta (Ấn Độ) về làm giám đốc Vườn Bách Thảo và bách thú Sài Gòn (Jardin botanique et zoologique de Saigon) và bộ sưu tập đầu tiên hình thành do công sức của ông gồm 63 loài chim, 29 loài thú và 13 loài bò sát.

Nhà thực vật học người Pháp Jean- Baptiste Louis (ảnh:Wiki)

Jean- Baptiste Louis- Pierre sinh ngày 23 Tháng Mười năm 1833 trong gia đình một doanh nhân trồng mía trên đảo Réunion thuộc Pháp, sang thủ đô Paris của nước Pháp học y khoa rồi học chuyên sâu về thực vật học tại Strasbourg. Khi gia đình ông bị phá sản vào đầu những năm 1850 do một cơn bão tàn khốc quét qua đảo Réunion và những nô lệ làm việc trong đồn điền của cha ông được giải phóng,ông đã bỏ học để làm việc cho Cơ Quan Lâm Nghiệp Hoàng gia Anh (British Imperial Forestry Service) tại Calcutta (Ấn Độ) do ngài Dietrich Brandis, cha đẻ của “ngành lâm nghiêp nhiệt đới”, làm giám đốc.

Ông thăng tiến nhanh chóng trong hàng ngũ những nhà lâm nghiệp tại Calcutta, được bổ nhiệm làm giám đốc Vườn Bách Thảo Calcutta. Tiếng tăm lừng lẫy của Jean- Baptiste Louis- Pierre khi làm giám đốc Vườn Bách Thảo Calcutta đã khiến cho các viên chức Bộ Hải Quân Pháp chú ý tới ông vào năm 1865, khi Vườn Bách Thảo Sài Gòn bắt đầu được xây dựng vào năm trước để sưu tập các loài động, thực vật phục vụ cho sinh hoạt kinh tế.

Ông làm Giám Đốc Vườn Bách Thảo và Bách Thú Sài Gòn từ năm 1865 tới năm 1877, tạo lập cơ sở ban đầu, sưu tập những loài thú và cây trồng quý hiếm từ nhiều nơi khác nhau ở châu Á. Ông đã tự mình sưu tầm nhiều loài động, thực vật bằng tiền túi, và trong 12 năm làm giám đốc Vườn Bách Thảo và Bách Thú Sài Gòn, ông đã dành phần lớn thời gian phối hợp những cây cỏ trong rừng và cây cỏ trên thảo nguyên, hình thành bộ sưu tập cá nhân động, thực vật miền nhiệt đới phong phú nhất.

Vườn Bách Thảo thời đầu xây dựng (ảnh Wiki)

160 năm qua, người ta vẫn nhớ tới Jean- Baptiste Louis- Pierre vì những đóng góp của ông cho việc làm đẹp những chốn công cộng của thành phố Sài Gòn. Trong những vườn ươm rộng lớn ở Vườn Bách Thảo và Bách Thú Sài Gòn và vườn của Dinh Norodom, ông đã ươm trồng nhiều loại cây và bụi cây về sau sẽ được trồng để tạo bóng mát trên những đại lộ, những công trường và công viên của thành phố Sài Gòn. Ông đặc biệt chú ý tới vườn bách thảo của thành phố về sau sẽ mang tên Công Viên Tao Đàn, nơi ông cho trồng nhiều loại cây quý hiếm đến mức nó có biệt danh “Rừng Boulogne của Sài Gòn”.

Dưới sự chỉ huy tạo dựng của Jean- Baptiste Louis- Pierre, Vườn Bách Thảo và Bách Thú Sài Gòn đã có đóng góp lớn lao vào sự phát triển của nông nghiệp ở Nam kỳ vì các vườn ươm ở đây đã tạo ra nhiều loại cây ăn quả và nhiều loại cây công nghiệp. Tuy nhiên, vào năm 1875, công việc nghiên cứu và phát triển các giống cây trồng đã vượt quá khả năng của Vườn Bách thảo và bách thú Sài Gòn nên Jean- Baptiste Louis- Pierre được khuyến cáo lập ra một trang trại rộng 120 ha trên khu đất của chùa Ao (Pagode des Mares) gần đường Phạm Viết Chánh và đường Cống Quỳnh hiện nay. Trong những năm sau đó, trang trại thử nghiệm gần chùa Ao đã có những nghiên cứu thành công, phát triển hoàn thiện nhiều giống cây cà phê, xoài, dứa, cây đay, cây chàm và cây mía đầu tiên của Việt Nam.

Khu Đền Kỷ niệm được dựng lên trong Vườn Bách Thảo sau 1956. (Ảnh: Heritage)

Trong 12 năm làm giám đốc Vườn Bách Thảo và Bách Thú Sài Gòn, Jean- Baptiste Louis- Pierre cũng giảng dạy thực vật học tại Trường Hậu bổ (Collège des Stagiaires) và ông được tặng biệt danh “Pétrus Botanico” (phỏng theo tên Pétrus Ký). Ông trở về Paris vào năm 1877 để dành nhiều thời gian cho những công trình nghiên cứu của mình và thời gian này là lúc ông viết tuyệt tác của ông là tác phẩm “Flore forestière de là Cochinchine” (Thực vật rừng của Nam kỳ) được in thành nhiều tập từ năm 1881 đến năm 1894.

Tác phẩm này của ông được xưng tụng là tác phẩm quan trọng nhất viết về thực vật rừng của vùng nhiệt đới; những người đương thời đã gọi đây là “một tác phẩm khoa học đồ sộ”, một “cuốn Kinh thánh dành cho những nhà thực vật học hiếu kỳ muốn tìm hiểu hệ thực vật của thuộc địa ở miền nhiệt đới”. Trong những năm cuối đời, ông viết nhiều bài báo khoa học cho các tạp chí khoa học như Bulletin du Jardin colonial, Bulletin de la Société Linéenne de Paris và Bulletin du Musée de Paris. Nhiều giống cây trồng đã được đặt tên theo tên ông, trong đó có pierreodendron thuộc họ Sapôchê và pierra thuộc họ Mùng quân.


Jean- Baptiste Louis- Pierre từ trần ngày 30 tháng 10 năm 1905 tại Saint-Mandé, ngoại ô phía Đông của thủ đô Paris. Vào Tháng Hai năm 1933, để ghi nhớ công lao của ông, Hội Đồng Khoa Học Pháp đã cho xây cột bia tưởng niệm ông trong Vườn Bách Thảo và Bách Thú Sài Gòn. Cội bia này đã được sửa chữa vào dịp kỷ niệm 130 năm thành lập Thảo Cầm Viên Sài gòn vào năm 1994.

Vườn Bách Thảo và Bách Thú Sài Gòn, gọi đúng theo tên ban đầu được đặt, được tu sửa, tái thiết và đổi tên thành Thảo Cầm Viên Sài Gòn vào năm 1956, dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa và cái tên ấy được giữ cho đến nay, nhưng người Sài Gòn vẫn quen gọi là Sở Thú.

Người đến chơi Sở thú trong đầu thập niên 1970 (Ảnh: Heritage)

Sở Thú đã có vai trò then chốt trong giáo dục, trong việc bảo tồn và nghiên cứu. Trước năm 1975, học sinh và trẻ nhỏ trước đây luôn được nhà trường và được cha mẹ dẫn vào tìm hiểu khu Sở Thú rộng 16, 9 ha, biết được thế giới kỳ thú của loài vật, và cỏ cây mà trước đó chúng chỉ nhìn thấy trên tivi hay trong những bức ảnh chụp lại.
 
 
Huỳnh Duy Lộc / Theo: SGN
 
 
 
 

160 năm Thảo Cầm Viên Sài Gòn


Thảo Cầm Viên Sài Gòn là một không gian công cộng và cảnh quan đô thị thân thiện với môi trường và con người. Nó để lại dấu ấn đặc biệt đối với du khách và ký ức bền chặt của cư dân thành phố. Đây là một di sản đô thị mang nhiều giá trị, thể hiện bản sắc văn hóa và văn minh của thành phố.

1.

Theo một nghị định ký ngày 23.3.1864, khu đất rộng 12 ha nằm ở phía đông bắc rạch Thị Nghè được Đô đốc de La Grandiere giao cho bác sĩ Louis Adolphe Germain tạm thiết kế, quy hoạch một khu vườn thực vật - động vật. Lúc đầu được gọi là vườn Bách Thảo. 

Ngày 23.3.1865 ông Jean Baptiste Louis Pierre - người đang phụ trách vườn Bách Thảo Calcutta (Ấn Độ) được chính quyền mời về làm giám đốc khu vườn Bách Thảo và Bách Thú (Jardin botanique et zoologique de Saigon). Ông đảm trách chức vụ này đến ngày 10.10.1877. Ông Jean Baptiste Louis Pierre “đã tổ chức vườn ươm một cách rất đáng khâm phục và đã giao cho thành phố hàng ngàn cây xanh để trồng trong các công viên và trên các đại lộ”.

Tượng Giám đốc Jean Baptiste Louis Pierre trên lối vào Thảo Cầm Viên. Ảnh: Lê Quân


Khi vườn Bách Thảo mới được thành lập, trên báo Courrier de Saigon đã đăng lời kêu gọi mọi người, kể cả người dân lẫn du khách và binh lính thuộc mọi miền trên xứ Nam kỳ đóng góp các loại thực vật và động vật, nhờ đó đã tập hợp được nhiều giống lạ. Đến năm 1878 nơi này đã tập hợp được hầu hết các loại động vật ở Nam kỳ. 

Từ năm 1956 vườn Bách Thảo được tu sửa và đổi tên là Thảo Cầm Viên cho đến nay. Đến năm 1990, nhiều chuồng thú được cải tạo và mở rộng cho phù hợp. Chương trình trao đổi động vật với các vườn thú đã làm cho bộ sưu tập động vật của Thảo Cầm Viên Sài Gòn càng thêm phong phú. Đây là vườn thú lâu đời đứng thứ tám trên thế giới, là khu vườn có bộ sưu tập thảo mộc và muông thú phong phú nhất ở vùng Viễn Đông. Năm 1990 Thảo Cầm Viên là thành viên chính thức của Hiệp hội Các vườn Đông Nam Á. 

Trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn còn có hai công trình kiến trúc khá tiêu biểu của giai đoạn lịch sử nửa đầu thế kỷ XX: Bảo tàng Lịch sử TP.SAIGÒN và Đền thờ Hùng Vương. Hiện nay Thảo Cầm Viên hàng ngày đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan.

2.

Ở nước ta, trong các làng xã hay đô thị cổ xưa, không gian công cộng thường là sân đình hay khuôn viên chùa, nhà thờ hoặc khu vực chợ làng... Nơi đó cộng đồng có những sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo chung, có giao tiếp - trao đổi hàng hóa. Đồng thời với những sinh hoạt đó là giao lưu văn hóa, tình cảm của cộng đồng. Những khoảng thời gian cộng đồng có sinh hoạt chung như vậy không nhiều, năm đôi ba lần lễ hội vào dịp nông nhàn hay Tết Nguyên đán... Tuy nhiên, nhu cầu “không gian công cộng” luôn tồn tại trong mọi cộng đồng, mọi thời đại vì đó chính là nhu cầu thể hiện bản sắc, đặc trưng văn hóa của cộng đồng, của địa phương.

Sang thời kỳ đô thị được xây dựng theo kiểu phương Tây, không gian công cộng nhiều hơn và đa dạng hơn.“Nguồn gốc của không gian công cộng, theo cách nhìn của phương Tây, liên quan đến khái niệm “quyền” tiếp cận và loại trừ tới các không gian đó. Trong các mô hình xã hội dân chủ, nhà nước cần thiết lập những không gian mà ở đó tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận bất luận địa vị xã hội hay điều kiện kinh tế, và quyền này được bảo vệ bởi hiến pháp và pháp luật... Công viên cũng được xem là một không gian công cộng chính thống để đảm bảo quyền được nghỉ ngơi thư giãn, tiếp cận thiên nhiên của các đối tượng xã hội” (*).

Đền kỷ niệm nay là Đền thờ Hùng Vương (Ảnh tư liệu, chụp năm 1967).


Không gian công cộng ở đô thị có nhiều giá trị cơ bản: Tác động tích cực đến sức khỏe và tinh thần dân cư; gắn kết cộng đồng, góp phần định hình bản sắc một khu vực, một cộng đồng; giá trị phát triển kinh tế từ không gian công cộng còn là một nguồn vốn xã hội gần như vô tận, lợi nhuận được thu về từ các hoạt động kinh tế, giá trị văn hóa tích lũy ngày càng cao; giúp tăng cường đa dạng sinh học, tạo ra những hệ sinh thái tự nhiên trong lòng đô thị.

Từ nửa sau thế kỷ XIX tại Sài Gòn chỉ có một vài công viên như vườn Ông Thượng (nay là công viên Tao Đàn). Một công viên khác là vườn cây sao - công viên phía trước dinh Độc Lập. Khu vực này còn có nhà thờ Đức Bà và quảng trường Công xã Paris, Bưu điện Thành phố... nối liền với đường Đồng Khởi đi xuống bến Bạch Đằng, đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, chợ Bến Thành. Tuy nhiên công viên lớn nhất vẫn là Thảo Cầm Viên nằm đối diện Dinh Độc Lập, với trục đường Lê Duẩn nối liền một thiết chế chính trị quan trọng nhất với một thiết chế văn hóa mang tính công cộng cao nhất. Đây là điểm nổi bật trong quy hoạch đô thị Sài Gòn. Toàn bộ khu vực trung tâm được coi là “vùng di sản” của Sài Gòn.

Hình ảnh tư liệu về khu chuồng khỉ ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Ảnh được chụp năm 1970 bởi Carl Nielsen.


Hồi ký của Paul Doumer (Toàn quyền Đông Dương giai đoạn 1897 - 1902) miêu tả khu vực này như sau: “Sài Gòn là một thành phố nhiệt đới xinh đẹp, thành phố duyên dáng nhất vùng Viễn Đông. Một số công trình nghệ thuật ở Sài Gòn rất đẹp; tất cả đều có kích thước lớn; nhà cửa nói chung khá xinh xắn, đường phố rợp bóng cây, tất cả như chìm ngập trong một đại dương xanh.

Nhìn từ trên cao xuống, từ chòi quan sát trên nóc một con tàu hoặc từ các tháp của nhà thờ, Sài Gòn hiện ra như một công viên rộng lớn, trong đó một vài tòa nhà quá đồ sộ hoặc quá cao vượt lên khỏi những tán cây. Này là Dinh Toàn quyền, các trại lính, bệnh viện, Sở Bưu điện, Dinh Thống đốc, Nhà Đoan (Sở Thuế quan)... các công thự đó không chịu thua những tán cây muốn chiếm lĩnh trời xanh, luôn luôn vươn lên và trải rộng nhờ nhựa sống của thiên nhiên hào phóng”. 

Cho đến cuối thế kỷ XX có thể nhận thấy vai trò của Thảo Cầm Viên so với các “không gian công cộng” khác là mang tính cộng đồng cao hơn. Đây là nơi mọi tầng lớp xã hội đều có thể tham gia để đáp ứng nhu cầu giải trí (hiếu kỳ, nghỉ ngơi, vui chơi...). Không chỉ vậy, với hai công trình văn hóa là Viện Bảo tàng và Đền thờ Hùng Vương, Thảo Cầm Viên còn là nơi người dân được tiếp nhận nhiều tri thức lịch sử - văn hóa, được “về nguồn” bằng các sinh hoạt tâm linh ngày thường cũng như dịp lễ, Tết... 

Cây cổ thụ trong Thảo Cầm Viên. Ảnh: Trung Dũng


Từ sau 1954, nhất là từ sau 1975, chức năng của các không gian công cộng ở khu vực trung tâm thành phố được chia sẻ cho nhau: “Phố đi bộ” từ đường Đồng Khởi nay có thêm đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi; các cơ sở dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, nhà sách, rạp phim...) không chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu mà trở nên quen thuộc với các tầng lớp khác. Tuy có thêm nhiều công viên lớn nhỏ khắp thành phố nhưng Thảo Cầm Viên vẫn giữ vị thế “đặc biệt” do tính chất và chức năng quan trọng trong nhiều lĩnh vực.

3.

Là một công viên với hàng ngàn cây xanh nhiều chủng loại, được trồng và chăm sóc khoa học, tạo cảnh quan đẹp, Thảo Cầm Viên mang lại tác dụng tốt cho sức khỏe cư dân đô thị. Số lượng mảng xanh, không gian chung ở Việt Nam đang dần bị thu hẹp, nhường chỗ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và đô thị mới. Chính vì vậy mảng xanh của Thảo Cầm Viên ngày càng trở nên quan trọng đối với TP.SG đang trong quá trình đô thị hóa - hiện đại hóa mạnh mẽ.

Thảo Cầm Viên Sài Gòn cần được bảo tồn và phát triển như một di sản đô thị. Ảnh: Quỳnh Trần


Giá trị khoa học và cung cấp tri thức cho cộng đồng của Thảo Cầm Viên là không thể phủ nhận và ngày càng trở nên quan trọng trong thời kỳ biến đổi khí hậu toàn cầu. Công cuộc bảo tồn các giống loài động, thực vật không chỉ nhằm lưu giữ một phần lịch sử tự nhiên mà còn cho biết thái độ, ứng xử của con người đối với thiên nhiên và môi trường sống. Thảo Cầm Viên còn là nơi các nhà khoa học trồng thí nghiệm các giống loài thực vật phục vụ nhu cầu của đô thị. Không biết chức năng này đến nay còn hữu dụng không, khi mà việc trồng cây xanh ở thành phố không có sự nhất quán và lâu dài trong khi nhiều cây cổ thụ, nhiều mảng xanh bị chặt hạ để xây dựng hạ tầng giao thông?

Không gian công cộng như Thảo Cầm Viên không chỉ có giá trị “phi vật thể” như trên mà lợi ích kinh tế cũng rất cụ thể. Ở nhiều quốc gia những “không gian xanh” của rừng, công viên... đều được coi là “vốn xã hội”. TP.SG đang hướng tới xây dựng “Thành phố xanh”. Cho dù “mảng xanh” chỉ là một trong nhiều yếu tố của “thành phố xanh” nhưng đây là yếu tố tự nhiên, bền vững, thân thiện và dễ thực hiện việc tăng cường và bảo vệ. 

Với chức năng “không gian công cộng đặc biệt” và nhiều lợi ích quan trọng, Thảo Cầm Viên Sài Gòn cần được bảo tồn và phát triển như một di sản đô thị, đồng thời là một “chỉ số xanh” của TP. Sài Gòn.

 

Nguyên Thy sưu tầm

 
 

 

back to top