Chia buồn

Chia buồn (21)

Phan Xuân Sinh Không Còn “Đứng Dưới Trời Đổ Nát” - Vương Trùng Dương

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

Nhận được tin buồn Nhà văn, Nhà thơ Phan Xuân Sinh vừa từ giã cõi trần ngày 28/3/2024 tại Houston, TX. Gia Đình Góc Nhỏ Sân Trường xin Thành Kính Phân Ưu cùng chị Thiên Nga và tang quyến. Nguyện cầu cho Hương Linh anh Phan Xuân Sinh sớm phiêu diêu miền cực lạc.

Nhà văn, Nhà thơ Phan Xuân Sinh là 1 cựu sinh trường Trung Tiểu Học Sao Mai Đà Nẵng. Anh đã từng cộng tác với Diễn Đàn GNST. Để tưởng nhớ anh GNST xin được trích đăng 3 bài viết về anh của 3 tác giả Vương Trùng Dương, Yên Sơn và Trần Vấn Lệ.

BCH- GNST

▂ ▃ ▅ ▆ █☆★█ ▆ ▅ ▃ ▂

 

Phan Xuân Sinh Không Còn “Đứng Dưới Trời Đổ Nát” 

Vương Trùng Dương


Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi.
 
Phan Xuân Sinh làm thơ rất sớm, năm học lớp Đệ Ngũ trường Sao Mai, Đà Nẵng được giải nhì cuộc thi thơ (không có giải nhất) do Ty Thông Tin Đà Nẵng tổ chức. Nhà thơ Trần Gia Thoại (thân phụ GS Trần Gia Phụng, sử gia) trao giải cho cậu bé. Và, từ đó, anh sáng tác thơ đăng trên báo ở Sài Gòn…
 
Sau khi rời quân trường Thủ Đức, Khóa 3/71, Phan Xuân Sinh về phục vụ Đại Đội Trinh Sát (Trưởng Toán Viễn Thám) của Trung Đoàn 51 Biệt Lập, đóng quân tại Quảng Nam. Sau khi bị thương trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, đơn vị ra Huế sáp nhập vào Sư Đoàn 1.
 
Bài thơ Ước Mơ Của Một Tên Tàn Tật ghi lại thương tích:
 
Ở chiến trường như đứa ngu ngơ
Nên đạn tìm ta một lần đón ngã
Máu không về tim nên xối xả
Xui xẻo một lần thành đứa cụt chân...
Ta nằm đây mà lòng dạ hoang mang
Tổng Y Viện Duy Tân sao nhộn nhịp
Trực thăng tải thương xuống lên không kịp
Anh em ta đêm nay có đứa ra đi
(Tổng Y Viện Duy Tân 16/6/72)
 
Anh rời Đà Nẵng gần cuối năm 1974 để vào sống tại Sài Gòn. Trong hồi ký ghi: “Trong dự trù, sau khi giải ngũ tôi được lãnh số tiền trợ cấp hàng tháng để yên tâm đi học trở lại. Số tiền nầy dư giả cho tôi trang trải mọi chi phí về chuyện ăn ở tại Sài Gòn mà không cần sự trợ cấp của gia đình. Tất cả hồ sơ giải ngũ của tôi từ Trung Tâm I Quản Trị được gửi vào Trung Tâm III Quản Trị. Nếu không có biến chuyển gì thì tháng 4 năm 75 tôi sẽ ra Hội Đồng để duyệt xét mức độ tàn phế...
 
Nhưng chiến cuộc leo thang, mọi dự định liên quan đến cuộc đời tôi đều trật. Tháng 3 Đà Nẵng mất, suốt ngày tôi lang thang ngoàì phố, ngồi các quán café Thu Hương, Thanh Bạch v.v… ở đường Lê Lợi tìm người quen mới chạy thoát vào Sài Gòn, để hỏi thăm tin tức liên quan tới Đà Nẵng, liên quan đến gia đình đang kẹt lại. Mọi tin tức tôi thu lượm được đều xấu. Tối về mở radio để nghe BBC hay VOA về tình hình chiến sự ngoài đó, tôi đều thất vọng. Làn sóng di dân vào phía Nam bằng mọi phương tiện nhiều vô kể, trong đó những thảm cảnh xảy ra cho người dân không ít. Chỉ có người dân gánh chịu mọi hậu quả tang thương nhất trên con đường chạy loạn…
 
Cũng như phần đông các sĩ quan miền Nam, sau 75, tôi cũng phải đi trình diện, mặc dù tôi đã bị thương (mất một bàn chân phải trong trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 tại Quảng Nam). Bởi vì tôi cứ kéo dài tình trạng tại ngũ để được ăn lương, không chịu ra Hội Đồng Giải Ngũ sớm. Mỗi khi chuẩn bị đưa tôi ra Hội Đồng, tôi lại khai còn đau chỗ nầy, đau chỗ nọ nên nằm mãi tại Trung Tâm I Hồi Lực, được 29 ngày tái khám. Tính trạng kéo dài năm nầy qua năm khác… Đến khi tôi vào Sài Gòn mới chuyển qua Trung Tâm III Quản Trị, chờ ngày ra Hội Đồng để lượng định mức độ tàn phế thì quá muộn. Như vậy sau 30 tháng 4, trên danh nghĩa tôi vẫn còn tại ngũ, nhưng trên thực tế tôi là một phế binh.
 
Khi trình diện tại trường Trung Học Kỹ Thuật Don Bosco (Gò Vấp), tôi bỏ chân giả ở nhà, đi bằng nạng gỗ đến trình diện Ủy Ban Quân Quản. Cuối ngày họ gọi tôi lên cấp cho một cái giấy chứng nhận có trình diện, cho về lại địa phương quản lý (vì phế binh), khi nào có lệnh gọi đích danh tôi mới đi “cải tạo”. Như vậy, họ thấy tôi trở ngại quá cho việc “tập trung cải tạo”, nên được cho về là vì vậy…
 
Sáng nào ba thằng bán chợ trời chung, cũng gặp nhau ở tiệm cà phê, bàn tính chuyện làm ăn khác. Nhưng bí, không tìm ra phương cách sống, tiền thì không còn. May cho tôi, ba tôi từ Đà Nẵng vào tìm vì không biết tin tức của tôi sống chết ra sao. Ba tôi bảo phải về Đà Nẵng sống với gia đình. Vì hơn ai hết, ba tôi biết tôi là một phế nhân, không thể đi cày, đạp xích lô, đi lao động được. Về với gia đình đùm bọc lẫn nhau, có mắm ăn mắm, có muối ăn muối, nhưng tôi không chịu, với lý do đơn giản là ngoài đó khó sống, những người thắng trận quá sắt máu, dìm những thành phần thuộc diện Sĩ Quan như tụi tôi đến chết, bắt tụi tôi tay không đi gỡ mìn đủ toi mạng rồi (bao nhiêu đứa bạn không chết trong chiến tranh, nhưng đã chết vì đi gỡ mìn trong lúc hòa bình). Dù sao thì ở Sài Gòn cũng dễ thở hơn. Những đêm nằm ngủ với tôi, ba tôi nhận thấy điều tôi trình bày chí lý.
 
Một buổi sáng ông dậy sớm, pha trà rồi gọi tôi dậy để cha con nói chuyện, trước khi ông về lại quê nhà. Ông trao cho tôi một cái đãy nhỏ trong đó chứa ba lượng vàng, đây là số vàng dành dụm suốt một đời đi dạy học của ông. Tôi đưa ba tôi ra xe đò, lòng tôi trĩu nặng. Lúc đó tôi mới thấy thương ông, với số tuổi đã cao mà không còn nghĩ tới bản thân vẫn lo lắng cho con dù con đã lớn rồi. Xe đò rời khỏi bến, nhìn theo ba, tôi rưng rưng nuớc mắt, đến khi xe chạy khuất, tôi mới đạp xe trở về…”
 
Trong cái rủi có cái may, vì bị thương tật nên không bị đi tù như các chiến hữu, anh cùng bạn bè bươn chải trong cuộc sống, trải qua nhiều thăng trầm trong giai đoạn đầu rồi làm bột giặt, kem đánh răng (Mimosa), bột trẻ em Đông Phương… phải đối phó với nhiều nghịch cảnh, trầm trật trầm trầy… nhưng được thành công, khấm khá. (Năm 1987, từ Đà Lạt về Sài Gòn, tôi ghé lại cơ sở Đông Phương, có vài người bạn cùng quê và gặp Phan Xuân Sinh).
 
Năm 1976, Phan Xuân Sinh lập gia đình với cô Thiên Nga (con của vị Đại Tá QLVNCH) bị kẹt lại ngày 30/4/1975). Tuy cuộc sống đầy đủ nhưng anh cho biết: “Lúc bấy giờ mới nghĩ tới chuyện vượt biển, chạy ra Phước Tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu) mua ghe, vài anh em hùn vốn. Đến ngày lên đường thì mới biết mình bị lường gạt. Tàu đã chở nhóm người khác ra khơi trước một đêm, đúng giờ ra chỗ hẹn, chờ dài cổ vẫn biệt tăm. Bị công an phát hiện chạy trối chết, một số bị bắt. Chưa có lúc nào ngao ngán lòng người như vậy. Lấy tiền xong chỉ điểm cho công an đến bắt, không tin vào ai được. Tiền của không còn, về lại Sài Gòn làm lại cuộc đời, chờ đợi ông già vợ bảo lãnh cho chắc ăn…
 
Hồ sơ bảo lãnh cho gia đình, tôi nộp vào năm 1979, thế nhưng không biết lạc nơi đâu. Những người nộp hồ sơ sau tôi đều lần lượt ra đi. Tôi làm đơn khiếu nại tại văn phòng Bộ Nội Vụ ở đường Nguyễn Trãi, Sài Gòn, nhiều lần, nhưng không thấy trả lời. Đến khi có chương trình HO, tôi mang hồ sơ đến trung tâm dịch vụ của Bộ Nội Vụ (đây là nơi làm tiền một cách trắng trợn, nhưng rất được việc), vài tháng sau họ báo cho biết là tôi sẽ được cấp Visa và chuẩn bị phỏng vấn. Còn hai cái ải quan trọng mà tôi phải bước qua là thuế và nhà đất.
 
Tôi là người có đứng tên trên vài cơ sở làm ăn sau nầy, nên phải thanh toán tất cả nợ nần thiếu thuế trước khi rời khỏi đất nước. Một nhân viên ra cho tôi biết là tôi còn thiếu thuế nhiều quá nên chưa thể cấp giấy cho tôi được (một cú đánh phủ đầu trước, cho tôi choáng váng mặt mày). Ngày hôm sau, có người làm trong phòng thuế quen với tôi tới nhà cho biết là tôi phải chi một ít tiền, vài ngày sau tới nhận giấy chứng nhận không thiếu thuế. Giờ phút nầy họ đòi bao nhiêu cũng phải bóp bụng đưa, chứ không còn con đường nào khác hơn. Rồi đến nhà đất cũng vậy. Qua xong hai cái ải nầy, rồi đến cái ải phi trường. Không biết mình có bị giữ lại không? Đến khi máy bay cất cánh mới biết mình không việc gì, mới thở phào. (Tôi ra đi cùng một lúc với các anh chị tù cải tạo HO 4, tháng 6 năm 1990)”.
 
Khi định cư tại Boston, vợ chồng Phan Xuân Sinh mở tiệm Liquor được thành công, lúc rảnh rỗi anh sáng tác thơ văn và quen biết với các anh em văn nghệ tại đây trong những lần sinh hoạt văn nghệ với sự tham dự của đồng hương. Anh và anh Dư Mỹ cùng rủ nhau in chung một tập thơ Chén Rượu Mời Người năm 1996.
 
Đứng Dưới Trời Đổ Nát
 
Theo lời tác giả: Tập thơ Đứng Dưới Trời Đổ Nát được tôi chọn lựa qua những thời gian sống của tôi, mỗi thời chọn vài bài: Thời đi học, thời đi lính, thời sau 75 và một số bài đặt chân đến Hoa Kỳ. Trong tất cả các giai đoạn sống, thế hệ của tụi tôi là thế hệ bị bầm dập nhất. Khi ngồi trên ghế nhà trường không được yên tâm ngồi học, bị xáo trộn bởi những cuộc biểu tình chống chính phủ liên tiếp do những thế lực chính trị lợi dụng tuổi trẻ của chúng tôi, chúng tôi bị cuốn hút vào sự tranh giành chính trị. Đi vào lính cấp bậc nhỏ nhất mà cuộc chiến đến hồi khốc liệt nhất, tụi tôi như những que củi ném vào chiến trường cháy tan xác. Sau 75 “hòa bình” mà toàn dân mong chờ đã tới, nhưng mang nhiều thù hận, trả thù, oan khiên ụp trên đầu, những trại tù khổng lồ được lập lên lùa tất cả chúng tôi vào đó.
 
Thời cuối cùng được qua định cư tại Mỹ thì tuổi đời chúng tôi đã lớn, hội nhập vào đời sống mới rất khó khăn. Chúng tôi phải đưa thân trâu bò cày mệt nghỉ để nuôi vợ con. Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ bài hát của Nguyễn Đức Quang sao tôi thấy nó mỉa mai quá chừng, đất trời như sụp đổ làm gì có chuyện kiêu hãnh như vậy. Tôi không còn tin vào ai được. Tập thơ ra đời bằng sự đay nghiến, u uất, nỗi lòng của tôi bộc phát, nói lên thân phận của chính tôi, nói thay cho thế hệ chúng tôi…
 
Tôi xổ toạc, chửi đổng. Tôi đay nghiến, uất ức. Đó là những gì mà tôi cần phải thét lên cho hả giận. Tôi mất một phần thân thể trong chiến tranh, sự đau khổ to lớn nầy đã làm cho tôi điên tiết cho nên khi Đứng Dưới Trời Đổ Nát ra đời tôi gửi gấm chút ít tâm trạng của tôi trong đó…”.
 
Tôi nhận được tập thơ Đứng Dưới Trời Đổ Nát vào ngày 12, tháng 7, 2000 (Văn xuất bản). Thi phẩm dày 134 trang, gồm 138 bài thơ, trong đó có những bài thơ tôi nhận được và đăng báo như: Đêm Năm Mơ Ức Trai, Uống Rượu Với Người Lính Bắc Phương, Hầu Chuyện Cùng Ngũ Tử Tư, Chén Rượu Tạ Lòng Bạn Hiền, Lời Tỏ Bày Cùng Quê Nhà, Tháng Ngày Phiền Muộn… Vì vậy trong đêm đó, tôi viết bài Phan Xuân Sinh & Thi Tập Đứng Dưới Trời Đổ Nát.
 
 Sau nầy, Phan Xuân Sinh đã ấn hành hai thi phẩm: Khi Tình Ta Ru Đời (Văn Nghệ 2008), Tát Cạn Đời Sông (ra mắt ở Viện Việt Học 21/4/2013. Về văn như: Bơi Trên Dòng Nước Ngược (truyện và tùy bút, Xuân Thu xuất bản 2004) và Sống Với Thời Quá Vãng (truyện và tùy bút, Hợp Lưu xuất bản 2010). Tập thứ nhất về thời thơ ấu đi học, đi lính trước năm 1975, tập thứ hai với quãng đời sau năm 1975. Ngoài ra trong các bài các hồi ký của anh viết rất thật, không cường điệu, hư cấu.
 
Theo lời anh: “Sống Với Thời Quá Vãng phần đông ghi lại những bút ký của chuyến về quê nhà thăm lại gia đình và bạn bè. Cái nhìn và nhận định của tôi phải rõ ràng minh bạch nên có thể gây mất lòng rất nhiều người mà tôi đã gặp kể cả người bên này hay người bên kia. Đến với họ tôi phải lắng nghe và đôi khi phải tranh cãi để hiểu rõ vấn đề. Tuy nhiên tôi không bao giờ ghi lại để họ phải khó xử. Trong nước tình trạng vẫn còn khó nên tôi phải tránh né. Những người tôi gặp một số ít trước đây họ có vấn đề nên người hải ngoại không thích. Còn sự thật ra sao lịch sử sẽ phán xét sau này. Những người bạn hiểu tôi họ đều cho rằng chuyến về quê nhà của tôi rất ích lợi, ghi lại số chuyện nhạy cảm rất tế nhị. Còn những người ganh ghét với tôi thì họ lái mọi sự việc đi theo ngõ khác, dưới sự suy luận của họ”.
 
Vết thương trên chân của anh nơi xứ lạnh thường bị hành hạ nên sau 15 năm ở Bắc Mỹ, năm 2007 anh chuyển về Houston, Texas làm ăn và có cơ hội gặp gỡ bạn bè trong giới văn nghệ.
 
Trong bài viết Bên Bờ Những Đổ Nát, Phan Xuân Sinh ghi: “Hôm nay đọc trên FB bút ký của một người bạn, anh Vương Trùng Dương, viết về những trường hợp gãy đổ tình yêu của những người trai trong thời chinh chiến, người yêu còn lưu giữ chiếc nhẫn của trường CTCT Đà Lạt. Bỗng dưng tôi sững sờ, dù rằng những chuyện tương tự như thế nầy tôi đã từng chứng kiến. Không trách ai hết, tất cả cũng chỉ là nạn nhân của một cuộc tương tàn, mỗi lần ai đó khui lại tự nhiên mình lại cảm thấy xót xa, trăn trở. Tình yêu nó là một thứ bất diệt từ xưa tới nay không ai chối cãi được, nó dẫn ta tới thiên đường, nó đưa ta lên tuyệt đỉnh sung sướng và cũng chính nó đẩy ta xuống địa ngục, hiện thân ác quỷ đày đọa ta.
 
Bây giờ với tuổi đời không còn nhỏ, nhìn lại mọi sự việc: phản bội, lẫn tránh, chia tay v.v… dù rằng lỗi tại ai, mình cũng cảm thấy hối tiếc chứ không còn hận thù hay trách móc. Làm thân con gái họ phải chọn cho mình một con đường đi vinh quang nhất, an toàn nhất, ấm thân nhất, chứ dại gì chui đầu vào chỗ chết để thể hiện mức độ chung tình với người yêu, để rồi không được gì chỉ thấy thiệt thân. Tuy nhiên mình phải cúi đầu kính phục những người con gái gạt tất cả những rào cản để chung tình với người mình yêu, dù rằng người đó đã vào sinh ra tử, để làm tròn trách nhiệm của mình. Chuyện tình trong thời chiến nói mãi không hết, hạnh phúc không được nhiều chỉ thấy toàn đổ vỡ, đau lòng. Tôi bị thương mùa hè đỏ lửa (1972) nằm tại Tổng Y Viện Duy Tân Đà Nẵng, trại Ngoại Thương 1A (dành cho sĩ quan). Từ chỗ nầy tôi đã chứng kiến biết bao chuyện đau lòng. Một anh Trung Úy hình như thuộc Tiểu Khu Quảng Trị hay Quảng Tín gì đó (lâu quá tôi không nhớ rõ đơn vị anh đồn trú). Anh bị thương mất hai chân, có vợ và đứa con trai hai tuổi. Vợ thăm nuôi và ở lại luôn trong bệnh viện với anh. Thường thì chị đi chợ mua một ít đồ ăn nấu sẵn để ăn. Một hôm như thường lệ chị để con cho anh giữ rồi chị đi chợ nhưng lần nầy chị đi luôn không về. Cả trại ai cũng nhốn nháo về chuyện nầy. Nửa đêm anh ôm con khóc tức tưởi, làm cho chúng tôi những người cùng hoàn cảnh với anh rơi nước mắt. Thật tình nghĩ cho cùng chúng tôi không trách chị, một người con gái vào khoảng 23 tuổi, trẻ đẹp. Làm sao hy sinh suốt đời cho chồng bị tật nguyền như vậy được. Biết vậy, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy quyết định của chị tàn nhẫn quá, chỉ biết thở dài ngậm ngùi.
 
Tội nhất là đứa con mới 2 tuổi, làm cách nào để nuôi cháu. Nếu bây giở cháu còn sống thì cũng đã gần 50 tuổi, nhìn lại hoàn cảnh gia đình, cháu buồn biết chừng nào?
 
Cũng tại phòng Ngoại Thương 1A nầy vào Mùa Hè Đỏ Lửa, có một anh Trung Úy bị mất hai chân, từ phòng hồi sức vừa đưa xuống, anh còn nằm mê man trên gường thì có một người con gái vào thăm. Cô đó là người yêu của anh. Anh vừa mở mắt thì cũng vừa trông thấy người yêu của mình quay lưng bỏ đi, anh gọi tên mấy lần nhưng cô ta không quay lại. Người lính nuôi anh, thấy hoàn cảnh bất bình như vậy chạy theo cô gái và đưa tay tát vào mặt cô ta mấy cái. Tụi tôi thì hoan hô anh lính, nhưng anh Trung Úy thì la anh lính không được làm vậy. Tuần lễ sau, tôi qua chỗ anh Trung Úy nằm để nói chuyện, anh kể cho tôi nghe về người con gái đó. Cô ta là một giáo viên, hai người yêu nhau hơn 5 năm rồi, 5 năm đủ chín muồi cho một cuộc tình. Anh thấy cuộc đời lính tráng của mình quá nguy hiểm, không biết sống chết thế nào nên anh đề nghị với cô hãy chấm dứt cuộc tình nầy. Nhưng cô không chịu và đã nói với anh dù sau nầy anh có thế nào thì em vẫn yêu anh. Thế mà anh không ngờ sự việc nó xảy ra như vậy. Mấy đêm nay anh không ngủ được, nhớ lại cái thời hai đứa yêu nhau. Những kỷ niệm chập chờn trong đầu. Nước mắt anh lưng tròng, khuôn mặt anh co rúm đau khổ làm cho tôi không chịu được, cũng đã khóc theo. Sau một lúc im lặng anh nói với tôi nếu cô vào thăm anh sẽ bảo cô đừng vào thăm nữa. Lời chia tay phải chính anh nói, phải phát ra từ anh thì mới không cảm thấy phũ phàng. Còn bây giờ chính cô ta là người chủ động trước không một lời từ biệt. Sau nầy cứ vào dịp cuối tháng chúng tôi lại gặp nhau ngày tái khám tại Tổng Y Viện Duy Tân.
 
Cũng một hoàn cảnh như vậy, Hanh một Chuẩn Úy mới ra trường ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Đi hành quân giẫm phải trái mìn bị mất hai chân. Vào chiều thứ Bảy, người yêu của Hanh đẩy xe lăn cho anh dạo phố. Một hình ảnh thật đẹp với chúng tôi thuở ấy. Người yêu của Hanh là một người con gái đẹp, một nữ sinh nết na, thùy mị. Chúng tôi nghĩ cặp đôi nầy chắc không bao lâu sẽ vãn tuồng. Thế nhưng sự đánh giá của chúng tôi nhầm lẫn, oan ức cho cô bạn gái của Hanh.
 
Sau năm 75 chị quyết định về sống với Hanh dù gia đình ngăn cản. Sự hy sinh to lớn của chị dù biết sống với Hanh là chị sẽ chôn vùi cuộc đời mình vào khổ cực, vào đói nghèo. Chị đến với Hanh tức là chấp nhận những phũ phàng trước mắt. Những sĩ quan Miền Nam còn lành lặn vẫn bữa đói bữa no, huống chi Sĩ Quan bị thương tật nặng nề như Hanh làm sao bươn chải kiếm sống. Thật tội nghiệp cho cặp vợ chồng như Hanh, có một cuộc tình thật đẹp, thật tuyệt vời.
 
Năm 2008 tôi có dịp về thăm Đà Nẵng. Tôi đến thăm vợ chồng nhà thơ Uyên Hà, vợ chồng Uyên Hà là dân Đại Lộc nên tôi có hỏi thăm về vợ chồng Hanh, họ vẫn sống với nhau hạnh phúc và có mấy người con. Hanh làm thợ hàn máng xối sống qua ngày. Tôi nhờ vợ Uyên Hà chuyển cho Hanh một ít tiền, và bảo chị đừng nói tên người gửi. Vài ngày sau tôi nhận được lời cám ơn của Hanh quạ chị Uyên Hà. Vừa rồi Uyên Hà có qua Mỹ ghé thăm tôi, tôi hỏi thăm về vợ chồng Hanh. Và được biết hai vợ chồng đều chết cách đây vài năm. Vợ chết vì bị ung thư sau đó Hanh chết vì bị đột quỵ. Các con của Hanh bây giờ cũng khá, nhà cửa khang trang. Các cháu đã tự mình vươn lên và đứng vững trên sức lực của mình. Tôi rất kính phục vợ chồng Hanh.
 
Trong chiến tranh biết bao nhiêu cuộc tình đã gãy đổ, biết bao nhiêu gia đình đã ngã gục, không chỉ Miền Nam mà Miền Bắc cũng vậy. Sự hàn gắn vết thương nầy cho đến bây giờ vẫn chưa lành lặn, chưa kéo da non. Vì sao vậy? Bên thắng cuộc vẫn hiu hiu tự đắc, vẫn kể lại chiến công thần thánh của mình. Họ quên đi rằng nếu quân đội Miền Nam dở dở, ương ương như lời họ kể, thì họ không trầy vi tróc vẩy khi chiếm Miền Nam. Xương máu của họ đã tưới trên Miền Nam không biết bao nhiêu kể. Sự tuyên truyền ngô nghê, rẻ rúng về cuộc chiến tranh xâm lược của họ mà dân chúng Miền Bắc tin tưởng tuyệt đối, chính là thế ưu việt của họ danh chánh ngôn thuận mà người dân tin tưởng. Chiến thắng của họ phần nhiều chỉ dựa trên sự lừa đảo. Người dân Miền Bắc đã ngộ ra được thì đã muộn…
 
Trải qua một cuộc chiến tranh tương tàn mà dân tộc phải gánh chịu, đó là một bất hạnh. Tuy nhiên nó đã qua, hối tiếc mãi vẫn không giúp được gì, mà sống mãi với những hệ lụy lại càng khổ đau thêm. Bút ký nầy tôi viết với dụng ý hãy xóa bỏ tất cả, hãy quên đi tất cả để sống hòa hợp trong một đất nước mà nhân quyền và tự do phải được tôn trọng.
 
Houston, ngày 3 tháng 11 năm 2018
Phan Xuân Sinh”
 
Trong các bài viết của tôi đã ghi lại vài mảnh đời cay đắng, nghiệt ngã, phản bội và thủy chung… đó là lẽ thường tình trong cuộc sống. May mắn và bất hạnh tùy theo từng trường hợp, hoàn cảnh để chia sẻ cho nhau. Theo Phan Xuân Sinh cho biết, trước đây anh về Sài Gòn định ấn hành tập thơ Khi Tình Ta Ru Đời (đã ấn hành tại Mỹ) bổ túc thêm vài bài viết, có bài tôi, bị kiểm duyệt bỏ.
 
Khoảng năm 2015 chị Thiên Nga bị stroke, anh phải chăm sóc và ít sáng tác, vợ chồng Phan Xuân Sinh - Nguyễn Thị Thiên Nga có hai người con trai, từ khi đứa con trai Phan Xuân Kỳ Khoa qua đời (10/9/2020) vì tai nạn xe cộ, anh không còn thiết tha gì nữa, ngay cả website của anh cũng bỏ luôn.
 
Thật không ngờ quãng đời còn lại của anh lại bất hạnh như vậy. Nay anh đã vĩnh biệt cõi trần không còn “Đứng Dưới Trời Đổ Nát”, cầu mong anh được siêu thoát cõi Vĩnh Hằng.
 
Vương Trùng Dương
Little Saigon, Feb 29, 2024

 -------------------------------

 

Lời Trăng Trối

Vĩnh Biệt Thiên Nga
Viết thay Phan Xuân Sinh trăng trối với vợ
(Thiên Nga là nhũ danh của chị Phan Xuân Sinh)

Ta cùng em Đứng Dưới Trời Đổ Nát (*)
Cùng với em nâng Chén Rượu Mời Người (*)
Cùng chung sức Bơi Trên Dòng Nước Ngược (*)
Sá chi đâu Khi Tình Đang Ru Đời (*)

Biết không thể Sống Với Thời Quá Vãng (*)
Nên cùng em ta Tát Cạn Đời Sông (*)
Mượn chữ nghĩa để vui cùng bè bạn
Để đứng lên trong những lúc ngả lòng

Nay bóng xế đã ngả dài trên tóc
Lòng vẫn nghĩ rằng Vàng Lá Thu Xanh (*)
Dù bao nắng mưa em vẫn bên anh
Xin cảm tạ tấm chân tình bất diệt.

Nay đến lúc phải chia ly vĩnh biệt
Xin mang theo ơn nợ kiếp lai sinh
Cám ơn em đã trọn nghĩa vì anh
Xin tạ lỗi… đi trước em một bước

Ngày cuối tháng 2/2024

————————–
(*) Tựa sách đã xuất bản

 

Yên Sơn

 

*******

 

Vĩnh Biệt Phan Xuân Sinh

A gorgeous selection of premium garden blooms including roses and antique hydrangea
Nguồn: Internet

Phan Xuân Sinh đi rồi!
Trăng Nguyên Tiêu vừa khuyết…
Ôi Từ Khi Em Là Nguyệt
Buồn quá Phan Xuân Sinh ơi!

Vỡ nát từ trên trời
Rơi xuống tràn mặt đất!
Sống thời nào mới thật
Cảm thông với tang thương?

Phan Xuân Sinh mùa Xuân
Cái tên là định mệnh
Vừa Tết, trời còn lạnh
Run run hay rưng rưng?

Chữ Buồn thay pháo bông
Thay một nhành hoa nở
Ta tiễn ngươi vậy đó!
Nước mắt tràng liên thanh!

Trần Vấn Lệ

 

 

 

Xem thêm...

Tiếc thương cựu Đệ Nhất Phu Nhân Rosalynn Carter

 

 
CỰU ĐỆ NHẤT PHU NHÂN ROSALYNN CARTER QUA ĐỜI - TIN ATLANTA 11.20.23 -  YouTube

Tiếc thương cựu Đệ Nhất Phu Nhân Rosalynn Carter, một tấm lòng tận tụy vì con người

Cựu Tổng thống Jimmy Carter và cố Đệ nhất phu nhân Rosalynn tại lễ nhậm chức Tổng thống, năm 1977.
 

Cụ bà Rosalynn Carter, cựu đệ nhất phu nhân và là người hoạt động nhân đạo không mệt mỏi, vừa qua đời, thượng thọ 96 tuổi.

Jimmy and Rosalynn Carter Reveal the Secret to a Happy Marriage
 

Cụ bà Rosalynn Carter đã cống hiến cả đời mình cho các hoạt động phục vụ xã hội, bao gồm các chương trình hỗ trợ nguồn lực chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân tâm thần, nhân quyền, công bằng xã hội và nhu cầu của người già.


Cố đệ nhất phu nhân thường xuyên cố vấn chính trị cho chồng bà, cựu Tổng thống Jimmy Carter, và bà là tấm gương cho đất nước, đã qua đời hôm Chủ nhật ngày 19 Tháng 11 năm 2023 tại nhà riêng ở Plains, tiểu bang Georgia. Theo tin của Carter Center, cụ đã được chăm sóc cuối đời tại nhà cho tới lúc nhắm mắt ra đi.

Trong một bản tuyên bố, cựu Tổng thống Carter nói: “Rosalynn luôn gắn bó với tôi trong mọi việc tôi từng hoàn thành. Rosalynn đã cho tôi sự hướng dẫn và những lời động viên khôn ngoan khi tôi cần. Chừng nào Rosalynn còn trên đời, tôi luôn biết có người yêu thương và ủng hộ mình”.

Cụ bà Rosalynn Carter được nhiều người ca ngợi vì sự khôn ngoan trong chính trị, đặc biệt là bản năng nhạy bén, sức hấp dẫn và công việc thay mặt Tòa Bạch Ốc, bao gồm cả vai trò đặc sứ Hoa Kỳ tại các nước Châu Mỹ Latinh, lúc ông Carter lãnh đạo nước Hoa Kỳ.

Tại một hội nghị chuyên đề về sức khỏe tâm thần năm 2003, cụ bà Carter nói: “Hai mươi lăm năm trước, chúng tôi không mơ rằng một ngày nào đó mọi người có thể thực sự khỏi bệnh tâm thần. Đối với một người đã làm việc về các vấn đề sức khỏe tâm thần lâu như tôi, thì đây là một sự phát triển kỳ diệu và là câu trả lời cho những lời cầu nguyện của tôi”.

Vào cuối tháng Năm vừa qua, Trung tâm Carter, tổ chức hoạt động nhân quyền của hai ông bà, thông báo rằng cụ bà đã được chẩn đoán mắc chứng bệnh mất trí nhớ. Tổ chức này cho biết trong một tuyên bố: “Cựu đệ nhất phu nhân vẫn tiếp tục sống hạnh phúc ở nhà với chồng, tận hưởng mùa xuân ở Plains và thăm những người thân yêu”.

Trong lịch sử Mỹ, cụ bà Bess Truman, vợ của Tổng thống Harry Truman, là đệ nhất phu nhân duy nhất sống lâu hơn cụ bà Rosalynn Carter. (Cụ Bess Truman qua đời năm 1982, thượng thọ 97 tuổi) 

Jimmy và Rosalynn là cặp vợ chồng Tổng thống kết hôn lâu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Họ gặp nhau khi ông Jimmy Carter mới ba tuổi và bà Rosalynn mới chào đời được một ngày. 

Năm 1927, ở nơi bình nguyên thôn dã Plains, thuộc tiểu bang Georgia, một cậu bé tên là Jimmy Carter sống trong căn nhà mà nhà hàng xóm kế bên là một xưởng sửa xe. 

Xưởng này của ông Francis Smith. Năm đó, bà Smith đang mang thai, và đến tháng Tám thì sinh nở. Bà mẹ của Jimmy, làm nghề y tá, chạy sang nhà hàng xóm đỡ đẻ. Ngày hôm sau, cậu bé Jimmy từ nhà bên này được bồng sang thăm “nhân sự” mới của nhà hàng xóm, đang nằm trong nôi: đứa trẻ sơ sinh là cô bé Rosalynn!

Năm 1946, đôi trẻ cưới nhau.

Họ đã kết hôn được 77 năm – cặp vợ chồng kết hôn lâu nhất trong lịch sử Tổng thống.

Jimmy And Rosalynn Carter Wedding Day
 

Theo lời kể của hai ông bà, Jimmy và Rosalynn Carter không chỉ là vợ chồng mà còn là tri kỷ trọn vẹn và đời sống vợ chồng là thành tựu lớn nhất của hai ông bà. Mối quan hệ của hai ông bà đã trải qua một nhiệm kỳ đầy biến động tại tòa Bạch Ốc, cùng với cuộc chiến chống căn bệnh ung thư của ông Jimmy và cuộc đời dài sau nhiệm kỳ Tổng thống được đánh dấu bằng lối sống khiêm tốn và phục vụ cộng đồng.

Cụ bà Rosalynn qua đời thọ 96 tuổi. Cụ ông Jimmy Carter còn sống, năm nay tuổi 99, vẫn ở nơi bình nguyên Plains và cụ ông lần đầu tiên không có vợ kể từ những năm thiếu niên.

Vậy là hai ông bà “biết” nhau cả thảy 96 năm trong đời họ; tức 100% cuộc đời bà và 97% cuộc đời ông.

Cựu Tổng thống   Jimmy Carter cho biết ông muốn cưới Rosalynn ngay sau buổi hẹn hò đầu tiên. Cặp đôi này lớn lên chỉ cách nhau ba dặm ở Plains, Georgia.

Mẹ của Jimmy là một y tá đã giúp chăm sóc Rosalynn tại một thị trấn không có quá nhiều con trai, và Rosalynn nhanh chóng trở thành bạn thân của em gái Jimmy.

Cựu Đệ nhất phu nhân viết trong hồi ký của mình: “Tôi nghĩ anh ấy là chàng trai trẻ đẹp nhất mà tôi từng gặp”, và bà cũng tiết lộ rằng trong nhiều năm bà đã âm mưu không thành công để cố gắng khiến ông chú ý đến mình.

Mãi đến năm 1945, ở độ tuổi 20 và 17, hai người mới có cuộc hẹn hò đầu tiên. Chàng trai trẻ Jimmy Carter vừa tốt nghiệp sĩ quan của Học viện Hải quân Hoa Kỳ ở Annapolis tiểu bang Maryland, và cô gái Rosalynn vừa mới học xong năm đầu tiên tại Georgia Southwestern College.

Họ không thể nhớ mình đã xem bộ phim gì, nhưng Jimmy nhớ rằng Rosalynn xinh đẹp, nhút nhát và thông minh. Ông nhớ lại tâm trạng một người vừa biết yêu trong một bài thơ ông viết trong cuốn sách tựa đề Always a Reckoning xuất bản năm 1995.

JIMMY CARTER & ROSALYNN CARTER Signed Photo AUTOGRAPHED 8X10 39th  PRESIDENT COA | eBay
 

Ông Jimmy viết: “Tôi sẽ trả tiền để ngồi sau cô ấy, không nhìn thấy, dù không xem được những gì đang được chiếu trên màn ảnh mà chỉ thấy hình ảnh nhấp nháy trên tóc cô ấy."

Buổi sáng sau cuộc hẹn hò, Jimmy nói với mẹ rằng Rosalynn chính là cô gái mà anh muốn cưới. Nhưng vài tháng sau, khi Jimmy cầu hôn, Rosalynn lại từ chối.

Rosalynn đã hứa với cha cô lúc cha nằm trên giường bệnh rằng, cô sẽ không kết hôn cho đến khi học xong đại học. Và Rosalynn tiếp tục hẹn hò với những chàng trai khác trong khi đang học lấy bằng.

Nhưng Jimmy vẫn tiếp tục viết thư, gọi điện thoại, nói với Rosalynn rằng anh thực lòng muốn lấy cô làm vợ. Và đến mùa hè, sau khi tốt nghiệp, cô chấp nhận lời cầu hôn của anh. 

Họ kết hôn vào ngày 7 tháng 7 năm 1946 và dọn nhà đến Norfolk, Virginia – nơi làm nhiệm vụ đầu tiên của Jimmy sau khi tốt nghiệp. Nhưng cuộc sống trong một gia đình Hải quân có nghĩa là họ phải di chuyển thường xuyên.

Bốn đứa con của hai ông bà đều sinh ra ở các bang khác nhau: John William ở Virginia, James Earl ở Hawaii, Donnel Jeffrey ở Connecticut và Amy Lynn – con gái duy nhất của họ – ở Georgia.

Gia đình Carters trở thành cặp vợ chồng kết hôn lâu nhất trong lịch sử Tổng thống Mỹ, khi họ vượt qua kỷ lục 73 năm của cố Tổng thống George H.W. Bush và Đệ nhất Phu nhân Barbara Bush.

Thật khó để tưởng tượng một cặp vợ chồng Tổng thống khác có thể vượt qua cột mốc đó. Ví dụ, cựu Tổng thống Barack Obama sẽ cần phải sống tới 108 tuổi và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama cần sống đến 105 tuổi để có được 77 năm chung sống như ông bà Jimmy Carter.

Vintage Postcard President Jimmy Carter First Lady Rosalynn Carter Unused  Card | eBay
 

Cựu Tổng thống Jimmy nói với báo chí rằng, tình yêu trong hôn nhân của hai ông bà là bí quyết giúp ông sống lâu và tràn đầy sức sống. Ông mô tả tình yêu ông dành cho bà Rosalynn quan trọng hơn bất cứ điều gì ông làm với tư cách là Tổng thống và là Tổng tư lệnh tối cao quân đội hoặc thậm chí là sĩ quan Hải quân trong những năm Chiến tranh Lạnh.

Ông Jimmy nói với hãng tin Associated Press vào năm 2021: “Bí mật lớn nhất của tôi là cưới đúng người”.

Nhưng không phải mọi thứ đều thuận buồm xuôi gió. Khi Carter thất bại trong cuộc tái tranh cử năm 1980 và thân phụ ông qua đời, ông quyết định chuyển cả gia đình trở về quê hương nhỏ bé của họ ở Plains mà không nói với Rosalynn. Nhưng bà đã phẫn nộ với quyết định này của chồng trong nhiều năm.

Cựu Tổng thống của đảng Dân chủ này nổi tiếng vì đã từ chối tham gia hội đồng quản trị các công ty lớn hoặc có những bài phát biểu được những khoản tiền lớn, thay vào đó ông chọn một cuộc sống khiêm tốn trong cùng ngôi nhà nơi ông và Rosalynn sống trước khi ông làm Tổng thống.

JIMMY & ROSALYNN CARTER SIGNED 8x10 PHOTO PRESIDENT & FIRST WIFE  BECKETT BAS | eBay
 

Sau khi ông không còn làm Tổng thống, thông qua tổ chức Carter Center ở Atlanta, hai ông bà đã dành trọn thời gian để phục vụ cộng đồng, hoạt động nhân đạo, bảo vệ môi trường sống cho nhân loại và phục vụ nhà thờ địa phương của họ.

Trong những năm sau đó, hai ông bà trở thành người chăm sóc chính cho nhau. Bà Rosalynn luôn luôn ở bên cạnh ông và ông đã ở bên cạnh bà khi gia đình thông báo vào tháng Năm vừa qua rằng bà mắc chứng bệnh mất trí nhớ.

Gia đình Carters đánh dấu kỷ niệm 75 năm ngày cưới bằng một bữa tiệc tại trường trung học cũ của họ. Hai ông bà tích lũy một danh sách dài các sở thích chung, như chơi môn quần vợt, ngắm chim, săn gà tây, câu cá và trượt tuyết.

Cặp đôi hạnh phúc này đi dạo hàng ngày quanh khu phố của họ và người dân thường được nhìn thấy hai cụ cười đùa và nắm tay nhau.

Gia đình Carters được khắp nơi ngưỡng mộ vì các hoạt động nhân đạo của hai ông bà sau khi ông rời Tòa Bạch Ốc. Hai ông bà cam kết cải thiện cuộc sống của người dân trên khắp thế giới.

Năm 1982, hai ông bà thành lập Trung tâm Carter, một tổ chức nhân quyền phi lợi nhuận ra đời với sự cộng tác của Đại học Emory ở Atlanta. Bảy năm sau, bà Rosalynn thành lập Viện chăm sóc các bệnh nhân tâm thần Rosalynn Carter tại Đại học Georgia Southwestern.

 

Cựu Tổng thống Jimmy Carter và cố Đệ nhất phu nhân Rosalynn Carter tại Trung tâm Carter ở Atlanta, GA, năm 2016.

 

Bà đã tổ chức các hội nghị chuyên đề hàng năm về sức khỏe tâm thần tại Trung tâm Carter trong hơn ba mươi năm, đoàn kết các chuyên gia và những người ủng hộ để thảo luận về bệnh tâm thần, cách đối phó của gia đình, tài trợ cho các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ nghiên cứu và giảm bớt sự kỳ thị.

Hai người đã được Tổng thống Bill Clinton trao tặng Huân chương Tự do của Tổng thống vào tháng Tám năm 1999. Tổng thống Clinton, phát biểu tại Trung tâm Carter, ca ngợi cặp đôi này vì những thành tựu nhân đạo của họ.

Clinton nói: “Hiếm khi chúng ta vinh danh hai người đã cống hiến hết mình một cách hiệu quả để thúc đẩy tự do bằng mọi cách. Jimmy và Rosalynn Carter đã làm được nhiều điều tốt đẹp cho nhiều người ở nhiều nơi hơn bất kỳ cặp đôi nào khác trên Trái đất.”

Cựu Tổng thống Jimmy Carter đã xây bao nhiêu ngôi nhà trong dự án tên là Habitat for Humanity?

Hơn 4.300 ngôi nhà được đặt tên là "Ngôi nhà Carter" vì Carters đã giúp xây dựng với hơn 100.000 tình nguyện viên ở 14 quốc gia trong gần 40 năm

Một phần quan trọng trong di sản của Jimmy Carter không được chú ý nhiều, ngay cả trong bối cảnh gần đây có rất nhiều lời tri ân dành cho vị Tổng thống thứ 39 này của Hoa Kỳ sau khi ông được chăm sóc cuối đời.

Nhiều chục năm sau khi rời Tòa Bạch Ốc, những thành quả mà Tổng thống Carter đã thực hiện trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình vẫn đang định hình nước Mỹ.

Điển hình, nhờ quyết định của Tổng thống Carter, hàng trăm ngàn người chạy trốn các chế độ độc tài đã có cơ hội đến Hoa Kỳ tỵ nạn. Và hàng triệu người khác đã tái định cư ở Mỹ sau khi ông rời nhiệm sở.

Kai Bird, người viết tiểu sử về Tổng thống Carter, tác giả cuốn “The Outlier: The Uncomplete Presidency of Jimmy Carter”, cho biết “Tổng thống Carter nhận thức rõ về cái giá phải trả về mặt chính trị, và khi phải giải quyết những vấn đề khó khăn, ông không ngại làm những gì ông cho là đúng.”

Một trong các quyết định đó là vào mùa Hè năm 1979, khi Tổng thống Carter đưa ra một quyết định đi ngược lại những gì mà các cuộc thăm dò cho rằng hầu hết người Mỹ đều không chấp thuận. Nhưng Tổng thống Carter vẫn cương quyết thực hiện.

Cảnh tượng các thuyền nhân Việt Nam thật thương tâm.

Hàng trăm ngàn người phải chạy trốn sự áp bức của Cộng sản Việt Nam đổ ra biển tìm kiếm dự do tại các quốc gia nơi phẩm giá con người được tôn trọng. Nhiều người đã chết trên đường đào thoát.

Cuộc khủng hoảng thuyền nhân Việt Nam bắt đầu trước khi Tổng thống Carter nhậm chức và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Năm 1978, Tổng thống Carter ra lệnh cho tàu Mỹ đón những người tị nạn chạy trốn bằng thuyền. Một năm sau, số thuyền nhân ngày càng gia tăng.

Và khi các nhà lãnh đạo thế giới gặp nhau để thảo luận về những vấn đề hàng đầu mà đất nước họ phải đối mặt khi tiếp nhận thuyền nhân Việt Nam, Tổng thống Carter đã có một lập trường dứt khoát, tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ tăng gấp đôi số lượng người tị nạn được tiếp nhận hàng tháng từ các trại tỵ nạn Đông Nam Á từ 7.000 lên 14.000 người. Quyết định này của Tổng thống Jimmy Carter nhằm mục đích thúc đẩy các quốc gia khác thực hiện các bước quan trọng tương tự.

Là những thuyền nhân Việt Nam, chúng ta biết ơn ông bà Tổng thống Jimmy Carter và chân thành chia buồn với cựu Tổng thống trong thời khắc đau buồn này của ông.

Cá nhân tôi tin chắc chắn là giờ phút này, cụ bà Rosalynn Carter đang thanh thản nơi cõi khác và chờ ngày xum họp với cụ ông Carter để hai cụ mãi mãi không bao giờ chia lìa nhau.

Tê Hát sưu tầm

Xem thêm...

VĨNH BIỆT NHẠC SĨ XUÂN TIÊN 1921-2023

VĨNH BIỆT NHẠC SĨ XUÂN TIÊN – TÁC GIẢ CỦA HẬN ĐỒ BÀN, KHÚC HÁT ÂN TÌNH…

1921-2023

 

Nhạc sĩ XUÂN TIÊN



Nhạc sĩ Xuân Tiên, tác giả của những ca khúc nổi tiếng là Hận Đồ Bàn, Khúc Hát Ân Tình, Về Dưới Mái Nhà, Duyên Tình, Chờ Một Kiếp Mai, Mong Chờ… đã vừa tạ thế ở viện an dưỡng tại Fairfield, miền Nam nước Úc, hưởng thọ 102 tuổi, vào sáng sớm ngày 2/6/2023.

 

Sinh nhật cuối cùng của nhạc sĩ Xuân Tiên vào đầu năm 2023 tại Viện an dưỡng Chỉ trước đó 2 ngày, các thân hữu của nhạc sĩ Xuân Tiên ở Úc là ký giả Nguyễn Toàn, Túy Nguyễn đã đến thăm nhạc sĩ khi thể trạng của ông đã yếu, cơ thể suy sụp nhanh và không còn tiếp nhận được thức ăn.

 

Nhạc sĩ Xuân Tiên những ngày cuối đời. Ảnh: Tuy Nguyen Tuy là tác giả của nhiều bài hát nổi tiếng, nhưng nhạc sĩ Xuân Tiên tự nhận rằng đối với ông sáng tác chỉ là nghề tay trái, và nghề chính của ông là nhạc công chơi đàn trong các ban nhạc, với khả năng sử dụng nhuần nhuyễn đến 25 loại nhạc cụ khác nhau, cả nhạc cụ cổ truyền lẫn của Tây, trong đó thành thạo nhất là kèn saxophone.

Sau đây là sơ lược tiểu sử nhạc sĩ Xuân Tiên:

Nhạc sĩ Xuân Tiên tên thật là Phạm Xuân Tiên, sinh ngày 28 tháng 1 năm 1921 tại Hà Nội, trong gia đình có 6 anh em trai, người anh kế của ông chính là nhạc sĩ Xuân Lôi (sinh năm 1917) nổi tiếng với ca khúc Nhạt Nắng (viết chung với Y Vân).

Nhạc sĩ Xuân Tiên thuở ấu thơ Cha của ông từng có thời gian qua Trung Quốc để học một số nhạc cụ cổ truyền Trung Hoa, giống với nhạc cụ của Việt Nam nhưng khác một chút về âm điệu, sau đó về lại Việt Nam dạy nhạc ở hội Khai Trí Tiến Đức của Phạm Quỳnh (cha của nhạc sĩ Phạm Tuyên) và Phạm Duy Tốn (cha của nhạc sĩ Phạm Duy). Từ năm 6 tuổi, nhạc sĩ Xuân Tiên đã được cha dạy về nhạc cụ cổ truyền, nhưng chỉ là học về âm điệu, còn lại thì đa phần là do ông mày mò tự học, đầu tiên là đàn mandoline.

Tuy biết đàn nhưng ban đầu nhạc sĩ Xuân Tiên vẫn không biết nốt, nhờ có anh cả là Xuân Thư tốt nghiệp Viễn Đông Nhạc Viện của Pháp ở Hà Nội nên đã hướng dẫn căn bản cho ông về ký âm pháp, sau đó ông mua tờ nhạc của Pháp về tự nghiên cứu thêm về ký âm. Lớn hơn một chút, nhạc sĩ Xuân Tiên mua kèn saxo cũ về tự học, và đó trở thành nhạc cụ mà ông yêu thích và chơi thành thạo nhất. Thời điểm đó hầu như không có người Việt Nam chơi saxo, ngoại trừ một số ít người Pháp chơi trong ban nhạc. Không có người để theo học hỏi, thầy dạy người Pháp thì học phí quá đắt, nên ông lại chủ yếu tự mày mò để học.

 

 

Có một thời gian vào thập niên 1930, anh cả Xuân Thư của ông vào Huế để lấy vợ là một khuê nữ hoàng tộc, Xuân Tiên đã theo vào sống một thời gian. Nhân lúc này có gánh hát cải lương Phụng Hảo danh tiếng của miền Nam ra Hà Nội diễn đi ngang qua Huế, Xuân Tiên đi xem và thấy trong đoàn hát có một ban nhạc người Phi Luật Tân có người thổi kèn saxo, ông liền xin theo gánh hát, tham gia ban nhạc, mà chủ yếu là để theo học lỏm môn kèn saxo, chỉ bằng cách nhìn và bắt chước theo. Được một thời gian, gánh hát trở lại vào Nam, ông vào theo được ít tháng thì trở lại ra Hà Nội tham gia gánh cải lương Tố Như năm 1940.

 

Cùng trong năm 1940, ở tuổi 19, nhạc sĩ Xuân Tiên lấy vợ cùng tuổi là Hoàng Thị Hương và chung sống hạnh phúc với nhau suốt hơn 80 năm. Có thể nói vợ chồng nhạc sĩ Xuân Tiên là đôi vợ chồng cùng sống hơn trăm tuổi hiếm hoi trên thế giới. Cụ bà Hoàng Thị Hương đã qua đời ở tuổi 100 vào ngày 18/6/2021.

 

Vợ chồng nhạc sĩ Xuân Tiên năm 2015, được chính quyền ở Úc trao chứng nhận 75 năm bên nhau

 

Cuối năm 1942, nhạc sĩ Xuân Tiên cùng anh trai là nhạc sĩ Xuân Lôi theo gánh hát Tố Như vào miền Nam trình diễn ở Sài Gòn và lục tỉnh. Trong quá trình đi trình diễn nhạc và sinh sống ở nhiều miền, ông đã thu thập được kiến thức về các loại hình nhạc của các miền khác, có điều kiện tìm hiểu và nghiên cứu thêm âm nhạc cổ truyền của các vùng miền.

 

Thời trẻ, những anh em Xuân Tiên đều chăm chỉ tập luyện thể thao và đều có thân hình lực lưỡng. Vì siêng năng luyện tập, đặc biệt là vật tay, nhạc sĩ Xuân Tiên lúc đó đi diễn thường xuyên thách đấu vật tay với dân địa phương, đều thắng cả. Sau này, có võ sĩ Trung Quốc sang Việt Nam thấy vậy cũng thi với Xuân Tiên, thì sau đó Xuân Tiên cũng thắng nốt.

“Lực sĩ” Xuân Tiên

Từ năm 1942 đến 1946, ông trở về Hà Nội và chơi nhạc trong các ban ở vũ trường đang mọc lên rất nhiều.

 

Năm 1946, trong thời gian đi tản cư, Xuân Tiên và anh trai Xuân Lôi lập ban nhạc Lôi Tiên đi diễn lưu động và đàn cho gánh cải lương Bích Hợp. Thời gian theo gánh hát của Bích Hợp

Từ năm 1949 tới 1950, hai anh em lên tận vùng Thái Nguyên nhập vào ban văn hoá vụ với trưởng ban là Hoài Thanh. Ông có dịp gặp gỡ các văn nghệ sĩ nổ tiếng như: Phan Khôi, Tố Hữu, Thế Lữ, Văn Cao, Canh Thân, Lê Hoàng Long, Quốc Vũ, Nguyễn Tuân.

 

Ðỗ Thế Phiệt, Xuân Khuê, Xuân Lôi, Xuân Tiên – Ðống Nam 1948.

Năm 1951 hai anh em ông đi Nam Ðịnh làm việc ở dancing Văn Hoa. Ít lâu sau với một thành phần 12 nhạc sĩ, ông cùng họ làm việc tại nhà hàng Le Coq d’Or.

Ðỗ Văn Ngọc, Xuân Tuấn, Xuân Lôi, Xuân Tiên, Văn Bính, Lê Chuyên. Dancing Văn Hoa năm 1952

 

Năm 1952, một người bạn cũ của Xuân Tiên là nhạc sĩ Ngọc Bích vào Nam, sau đó viết thư gửi ngược lại cho Xuân Tiên mời vào Sài Gòn tham gia chung ban nhạc đang cần người ở Cinema Văn Cầm. Nhạc sĩ Xuân Tiên viết trong hồi ký: “Tôi đã từng đi và từng sống ở mọi miền đất nước, thấy miền nam khí hậu ấm áp, dân tình hiền hòa, trong khi Hà Nội lạnh lắm không thích. Lòng tôi đã muốn đổi vào Sài Gòn làm ăn, có dịp sẽ vào làm trước để thăm thú công việc, rồi sẽ dời cả gia đình vào sau. Thế là tôi vào Sài Gòn với Ngọc Bích. Bấy giờ thì tôi đã có thể thuê nhà, sắm sửa đồ đạc đầy đủ sẵn sàng để đón vợ con vào, tiếp đó đón anh Xuân Lôi, rồi sau đó đón cha mẹ vào. Ông bà thân sinh tôi không chịu đi vì còn bà nội già không muốn rời xa quê hương. Các anh em tôi kẻ trước người sau đều vô Sài Gòn làm nhạc và sinh sống tại đây từ năm 1952 ngoại trừ anh cả Xuân Thư. Thế là ông bà thân sinh và anh Xuân Thư ở lại miền Bắc rồi kẹt luôn ở đó sau khi chia đôi đất nước.

 

” Bài hát đầu tiên của nhạc sĩ Xuân Tiên được phát hành là tại Sài Gòn, đó là bài Chờ Một Kiếp Mai, do Ngọc Bích viết lời. Tuy nhiên việc viết nhạc chỉ là công việc phụ nên ông sáng tác không nhiều, mà công việc chính là tham gia trong nhiều ban nhạc và làm việc cho tất cả các đài phát thanh tại Sài Gòn, chơi nhạc cho các hãng phát hành băng và đĩa hát, đến đêm thì đến chơi nhạc tại các vũ trường cho đến năm 1975. Ông là trưởng ban nhạc tại các phòng trà – vũ trường là Kim Sơn, Văn Cảnh. Blue Diamond, Eden Rock, Mỹ Phụng, Palace Hotel, Bách hỷ, Tour d’Ivoire, Đại Kim Đô, Maxim’s.

Thời gian làm trong ban nhạc đài Tiếng Nói Quân Đội, ông có dịp theo đoàn đi trình diễn ở nhiều nước: – Năm 1955 sang Lào dự hội chợ That Luang, cùng đi và cùng biểu diễn chung với ban nhạc của Mỹ. – Năm 1956 sang Thái Lan trình diễn nhạc tại đài phát thanh Bangkok. – Năm 1961 sang Phi Luật Tân biểu diễn tại trường đại học Manila.

Thời gian cuối thập niên 1960, vì tình trạng an ninh phòng trà bị chính quyền đóng cửa một thời gian, ban nhạc Xuân tiên chuyển sang chơi nhạc tại các club Mỹ.

Ban nhạc Xuân Tiên Tuy sáng tác không nhiều nhưng các ca khúc của nhạc sĩ Xuân Tiên rất đa dạng và có nhiều bài nổi tiếng, đặc biệt là đều mang đậm tính dân tộc, được cảm hứng từ những làn điệu của quê hương của cả 3 miền. Bài hát nổi tiếng có âm điệu xứ Bắc của ông là Duyên Tình, Khúc Hát Ân Tình, còn làn điệu âm hưởng dân ca Nam Bộ có Cùng Một Mái Nhà và Khúc Hát Đồng Xanh. Nhạc âm hưởng Huế có các ca khúc Mong Chờ, Tiếng Hát Trong Sương. Ngoài ra ông còn có ca khúc nổi tiếng Hận Đồ Bàn mang hơi thở của dân Chàm vùng Nam Trung Bộ.

Click để nghe Việt Ấn hát Hận Đồ Bàn.

 

 

Việt Ấn cũng là một thành viên trong ban nhạc Xuân Tiên Nói về hoàn cảnh sáng tác Hận Đồ Bàn, nhạc sĩ Xuân Tiên kể lại rằng trong thời gian theo gánh hát, ông và anh là nhạc sĩ Xuân Lôi có điều kiện đi dọc đất nước và tìm hiểu về các âm điệu nhạc dân tộc các miền. Một lần đi qua vùng Bình Định, ông ấn tượng với những tháp Chàm rêu phong đứng chơ vơ hiu quạnh. Sau nay khi đã vào Sài Gòn và làm việc trong đài phát thanh, vì muốn sáng tác một ca khúc có chủ đề khác biệt so với các nhạc sĩ đồng nghiệp đa số viết về tình yêu đôi lưa, nhạc sĩ Xuân Tiên nhớ lại Tháp Chàm năm xưa, nên quyết định ra lại miền Trung để tìm hiểu dân Chàm, nghiên cứu sâu hơn về âm điệu, về phong tục lịch sử nơi đây để viết Hận Đồ Bàn.

Riêng bài hát Mong Chờ, nhạc sĩ Xuân Tiên kể lại hoàn cảnh sáng tác như sau: “Thời gian tham gia ban nhạc đài Tiếng Nói Quân Đội, toàn ban văn nghệ ra Huế biểu diễn một đêm. Sau khi diễn xong, có ông nhạc sĩ đàn Huế có con gái ông là ca sĩ của Đài Phát Thanh Huế vì thích bản nhạc Khúc Hát Ân Tình mà mời tôi và ông Vĩnh Phan xuống thuyền chơi với ông một đêm. Cùng đi có một ông bạn nhạc sĩ cũng chơi đàn Huế tại Đài Phát Thanh Huế, cùng xuống thuyền hòa nhạc chơi. Tôi cũng chơi nhạc Huế với các ông ấy và cô ca sĩ ca, ăn uống, có các hàng quà ở thuyền đi bán đêm. Ăn xong chúng tôi chia nhau ngủ ở hai thuyền ghép lại với nhau. Ông Vĩnh Phan, cô ca sĩ và tôi ngủ một thuyền. Cô ca sĩ và tôi thức không ngủ nói chuyện đến sáng, rồi bố con cô ca sĩ mời tôi và Vĩnh Phan về nhà ăn quà sáng rồi tiễn chúng tôi ra máy bay để về Sài Gòn. Tôi về Sài Gòn rồi cứ nhớ mãi buổi gặp gỡ đó với dư âm Huế và cô ca sĩ đó, nên tôi mới sáng tác ra bản nhạc Mong Chờ.”

Click để nghe Hoàng Oanh hát Mong Chờ trước 1975

 

Bài hát nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của nhạc sĩ Xuân Tiên phải kể đến là Khúc Hát Ân Tình, được sáng tác khoảng năm 1958, trong bối cảnh nhiều người dân miền Bắc di cư vào Nam sinh sống sau Hiệp định Genève năm 1954. Bài hát kêu gọi mọi người dù là từ miền nào thì cũng hãy sống thân ái với nhau, đồng thời cũng ngợi ca tình yêu không phân biệt Bắc-Nam.

Click để nghe Phương Dung hát Khúc Hát Ân Tình trước 1975

 

Nói về quan điểm sáng tác của mình, nhạc sĩ Xuân Tiên nói trong một lần trả lời phỏng vấn: “Nói chung thì trong sáng tác, tôi rất chú trọng đến giai điệu và thể điệu của bài hát. Giai điệu được giải nghĩa một cách nôm na là cấu trúc của những câu nhạc sao cho có đầy đủ nhạc tính và phẩm chất của hòa âm, để mình nghe thấy hay, dù cho không cần lời hát, chỉ hòa tấu nbng nhạc cụ không thôi cũng thấy hay. Nếu không có giai điệu hay thì không thể có bài hát hay được. Còn thể điệu thì ví dụ như điệu valve, tango, rumba… Nhạc Việt mình vốn nghèo về thể điệu, cho nên tôi chủ trương dùng nhiều thể điệu khác nhau cho những ca khúc để tạo những đổi mới ngay trong chính những tác phẩm của mình. Tôi thích những âm hưởng lạc quan yêu đời, tôi yêu những lời hát ca ngợi quê hương dân tộc. Tôi cũng có làm những loại nhạc tình yêu lứa đôi và nhạc buồn nhưng không có sầu thương ủy mị quá. Có buồn những cũng chỉ là chớm buồn chút thôi. Đối với tôi, điều quan trọng nhất trong sáng tác là mình không được lặp lại của người khác, mà mình cũng không được lặp lại chính mình, nghĩa là mỗi một tác phẩm của mình phải hoàn toàn không giống ai.”

 

Sau năm 1975, nhạc sĩ Xuân Tiên ở lại Việt Nam. Ông kể về thời gian khó khăn đó như sau: “Tất cả các nghệ sĩ đều phải đi học tập 21 ngày tại nhà hát lớn. Tất cả các nghệ sĩ đều lao đao sống chật vật gượng gạo. Chúng tôi, một số nhạc sĩ giỏi họp nhau lại thành lập một ban nhạc để hợp tác với ban kịch nói Kim Cương. Trình diễn phần đầu, phần thứ 2 là kịch. Đi trình diễn khắp trong nước, rất được công chúng hoan nghênh nhưng đồng lương thì rẻ lắm. Cố gượng gạo làm để sống qua ngày. Làm nhiều mà không đủ tiền nuôi gia đình, may mà vợ tôi buôn bán tạm để nuôi gia đình. Vậy mà ban nhạc chúng tôi cũng kéo dài được 5 năm mới nghỉ được gánh Kim Cương. Ban hát cải lương Minh Tơ thấy tôi nghỉ ở ban Kịch Nói Kim Cương, mới mời tôi về làm. Tôi cùng Lang Thoại Nguyên và Xướng người Trung Hoa về làm Minh Tơ, là ban hát cải lương Hồ Quảng. Được hơn một năm thì tôi nghỉ về làm phòng trà tại một tụ điểm được mấy tháng thì có giấy gọi đi định cư ở Úc.”

 

Mười năm đầu nhạc sĩ Xuân Tiên sống tại Canberra, được ban nhạc người Úc mời chơi nhạc tại các club. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, ông nghỉ và ở nhà nhận sửa chữa tất cả các loại kèn sáo, khách hàng là các trường học, trường nhạc, các ban nhạc tư nhân. Nghề này không có trường dạy ở Úc, mà nhờ Xuân Tiên phải tự sửa những nhạc cụ của mình trong bao nhiêu năm theo nghề nhạc mà thành thạo và có kinh nghiệm. Làm được 10 năm thì ông dọn về Sydney mà nghỉ hưu từ đó đến nay.

 

Ngoài đóng góp lớn cho âm nhạc miền Nam trong 2 mảng sáng tác và trình diễn, nhạc sĩ Xuân Tiên còn là người có nhiều cải tiến và sáng tạo các loại nhạc cụ dân tộc. Sáo tre vốn dĩ chỉ có sáu lỗ. Năm 1950, ông đã cùng với anh là Xuân Lôi cải tiến loại nhạc cụ này thành hai loại là 10 lỗ và 13 lỗ có khả năng chơi được nhiều âm giai khác nhau. Người chơi sáo 10 lỗ cần dùng 10 ngón tay và có thể chơi tất cả những bán cung, vì thế sáo không bị giới hạn trong bất cứ âm giai nào. Sáo 13 lỗ dùng để tạo ra những âm thanh thấp hơn khi cần. Hiện hai loại sáo này đang được trưng bày tại Musée de l’Homme, Paris, Pháp. Năm 1976, ông chế tác cây đàn 60 dây chơi được tất cả âm giai.

 

Tiếng đàn tương tự tiếng đàn tranh nhưng mạnh và chắc hơn. Năm 1980, ông cải tiến cây đàn bầu cổ truyền với thân đàn làm từ trái bầu dài làm hộp khuếch âm. Đàn này đã nhiều lần được đem đi triển lãm ở Úc, thường được gọi là Đàn bầu Xuân Tiên.

 

Đàn bầu Xuân Tiên

Gia đình Xuân Tiên sau khi di cư vào Sài Gòn năm 1952 có thể gọi là một đại gia đình, với 2 vợ chồng, mẹ vợ, 8 người con, ngoài ra ông còn nhận nuôi 4 người cháu ruột (con của người anh thứ 2) và 2 người làm, tổng cộng 17 người, một tay Xuân Tiên làm việc để chu toàn cho tất cả bằng sức lao động hăng say và miệt mài, bằng tài năng và cố công nghiên cứu trau dồi kiến thức. Nhạc sĩ Xuân Tiên nói rằng ông có quan niệm có tiền là để xài cho thoải mái đời sống, cho nên ông không bao giờ giàu, cũng không bao giờ mang tiếng keo kiệt. Bao giờ cũng sung túc, nhưng không bao giờ lo lắng giữ của. Tới bây giờ ông càng cảm thấy thoải mái, không phải là một thứ gì trong đời sống. Có lẽ là vì sự thoải mái trong suy nghĩ đó là một phần bí quyết cho sự trường thọ của ông.

 

Nguồn: chuyenxua.net


Xem thêm...

TƯỞNG NHỚ CỐ LM. ANTÔN VŨ NHƯ HUỲNH (March12,1990 - March12, 2023)


 SAO MAI
 là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời, báo hiệu cho sự bắt đầu tốt đẹp, rực rỡ và một ngày mai tươi sáng.
 
 
HD wallpaper: silhouette photo of trees under purple shining star, sky,  mountain | Wallpaper Flare

 ▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬ ஜ۩ ۩ஜ ▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬
▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬ ஜ۩ ۩ஜ ▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬
 
 

      TƯỞNG NHỚ CỐ LM. ANTÔN VŨ NHƯ HUỲNH      

(March 12, 1990/March 12/2023)

 

Đi về nhà Chúa

Đi về nhà Chúa tim con reo hoan lạc Chúa ơi,

đi về nhà Chúa ôi bao nhiêu mến thương ngập trời

Lạy Chúa, đi về nhà Chúa tim con reo hoan lạc Chúa ơi,

đi về nhà Chúa đi về nhà Chúa

Ôi bao nhiêu mến thương ngập trời.

Đi về nhà Chúa như dân xưa đi về Thánh đô.

Đi về nhà Chúa tâm tư con đã bao đợi chờ.

Lạy Chúa ,đi về nhà Chúa như dân xưa đi về Thánh đô.

Đi về nhà Chúa tâm tư con đã bao đợi chờ.... 

 ▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬ ஜ ۩  ۩ ஜ ▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬

 

   Chúa là tất cả đời con. Con là tất cả của Chúa. Vì yêu con Chúa tác sinh muôn loài. Vì yêu con tay Chúa thương an bài. Cho con một đời vui sống thiết tha.

   Chúa là tất cả đời con. Con là tất cả của Chúa. Vì yêu con Chúa chết treo khổ hình. Vì yêu con nên đã quên thân mình. Cho con được làm con Chúa suốt đời. 

   Chúa (Chúa) chính là gia nghiệp đời con (gia nghiệp đời con). Con xin được đáp lại tình yêu (xin được đáp lại tình yêu). 

   Sông nào chẳng đủ miền xuôi. Con người có thủa nằm nôi. Thời gian đưa chiếc lá bay qua rồi. Đời vương vương như áng mây bên trời. Tim con bồi hồi xao xuyến mãi thôi. 

   Ân tình Chúa đủ chẳng vơi. Con nào thấu lòng trời cao. Tình yêu thương vẫn thiết tha tuôn trào. Tình dâng cao trong ngất ngây tâm hồn. Gieo vui một niềm cảm mến vô bờ. 
▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬ ஜ ۩  ۩ ஜ ▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬
Tưởng nhớ Cha Antôn Vũ Như Huỳnh
▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬ ஜ ۩  ۩ ஜ ▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬
 
Tưởng nhớ và tri ân
Cố Linh mục Antôn Vũ Như Huỳnh

(1990 - 2023)

▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬ ஜ ۩  ۩ ஜ ▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬

Tưởng nhớ CHA ANTÔN VŨ NHƯ HUỲNH

▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬ ஜ ۩  ۩ ஜ ▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬▬

TƯỞNG NHỚ CỐ LM. ANTÔN VŨ NHƯ HUỲNH

(March 12, 1990/March 12, 2023)

Kính Thưa Quý Thầy Cô cùng toàn thể cựu học sinh Sao Mai trên khắp các nẻo đường thế giới,
 
   “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý làm người được đúc kết từ bao đời nay. Đối với học sinh chúng ta, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi là cách đền ơn thiết thực nhất với công lao của Cha Mẹ, Thầy Cô và xã hội.
 
   Thấm thoát đã 33 năm trôi qua (1990-2023) kể từ ngày Cha Cố Antôn Vũ Như Huỳnh được Chúa thương gọi về. Trong tâm tình thương tiếc, quý mến, chúng ta bày tỏ lòng tri ân đến Cha Cố Antôn Vũ Như Huỳnh, Hiệu Trưởng trường Trung Tiểu học Sao Mai Đà Nẵng - Việt Nam từ 1965 đến 1975 .
 
   Chúng ta cùng nhớ về hình ảnh người Cha kính yêu, người Cha đã cho chúng ta trọn niềm vui của thời thanh xuân, của tuổi học trò dưới mái trường thân thương Sao Mai Đà Nẵng. Ở đây, chúng ta đã được Cha cùng quý Thầy Cô hướng dẫn, dạy bảo và luôn đồng hành trên con đường học vấn, để chúng ta có thể tự tin bước vào những cuộc hành trình mới.

   Biến cố lịch sử thăng trầm của đất nước khiến chúng ta phải chia tay nhau mỗi người một hướng theo dòng đời trôi. Sau bao nhiêu năm thất lạc, chúng ta đã có Duyên may được gặp lại nhau trên trang Góc Nhỏ Sân Trường yêu thương này để nối kết lại tình Thầy Trò, nghĩa Bạn bè đã một thời bên nhau...


   Và hôm nay,chúng ta cùng hướng lòng về người Cha kính yêu - Cố LM. Antôn Vũ Như Huỳnh nhân ngày Giỗ lần thứ 33.

   Tri Ân - Tiếc Thương và Tưởng Nhớ đến Ngài, chúng con tha thiết nguyện xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho Linh Hồn Cha Cố Antôn qua những công lao sâu nặng Ngài đã dành cho chúng con là đoàn con học sinh của Ngài.

   Chúng con tin tưởng rằng Chúa Nhân Lành đoái thương nhậm lời nguyện cầu của chúng con, đón nhận Linh Hồn vị Cha Cố đáng kính Antôn vào hưởng hạnh phúc Nước Trời.
 
 
 
 
 
 
 
Anh Nguyễn Ngọc Quang đng cạnh người ch mặc áo dài xanh
 
 
 
 
 

   Chúa là tất cả đời con. Con là tất cả của Chúa. Vì yêu con Chúa tác sinh muôn loài. Vì yêu con tay Chúa thương an bài. Cho con một đời vui sống thiết tha.

   Chúa là tất cả đời con. Con là tất cả của Chúa. Vì yêu con Chúa chết treo khổ hình. Vì yêu con nên đã quên thân mình. Cho con được làm con Chúa suốt đời. 

   Chúa (Chúa) chính là gia nghiệp đời con (gia nghiệp đời con). Con xin được đáp lại tình yêu (xin được đáp lại tình yêu). 

    Sông nào chẳng đủ miền xuôi. Con người có thủa nằm nôi. Thời gian đưa chiếc lá bay qua rồi. Đời vương vương như áng mây bên trời. Tim con bồi hồi xao xuyến mãi thôi. 

   Ân tình Chúa đủ chẳng vơi. Con nào thấu lòng trời cao. Tình yêu thương vẫn thiết tha tuôn trào. Tình dâng cao trong ngất ngây tâm hồn. Gieo vui một niềm cảm mến vô bờ.

✬▬▬▬▬ஜ۩ ۩ஜ▬▬▬▬✬

Tưởng nhớ và tri ân cố Linh Mục

Antôn Vũ Như Huỳnh

(1990 - 2018)

   Một Thánh lễ Misa cầu nguyện cho ngày giỗ Cha Cố Antôn Vũ Như Huỳnh - một vị Cha già đã từng là một thời lèo lái con thuyền Sao Mai của những cơn sóng gió. Một Thánh lễ đơn sơ nhưng đã chứa đựng thật nhiều tình thiêng liêng cao cả... đốí với những "người con Sao Mai hôm nay" tại quê nhà... chúng tôi vẫn nhận thấy đầy đủ mọi thành phần của ngôi nhà mẹ Sao Mai của ngày ấy và hôm nay... Thánh lễ diễn ra không tiếng chuông nhà thờ báo hiệu, một buổi lễ diễn ra trong sự im lặng và tưởng nhớ, không chỉ với những "người con của nhà mẹ" mà còn có cả những "cô dâu, chú rễ của Sao Mai ngày hôm nay" 

   Một sự cảm xúc và thiêng liêng trân trọng - duy chỉ trong một căn phòng nhỏ chưa trọn vẹn mười mấy mét vuông thực tế, nhưng trong đó đã chứa đựng cả một sự huyền bí lớn lao về cõi tâm linh và sự trung thành của khoảng hai mươi mấy người con Sao Mai đã vinh dự đại diện cho cả một ngôi trường mấy ngàn cựu học sinh của ngày ấy... 

Không cao sang, không quyền quý
Không là trong ngôi thánh đường cao sang và lộng lẫy. 
Không là nơi đài các khuê văn, cũng không là nơi chốn lầu hoa danh vọng...

Mà chỉ là một căn phòng nhỏ trong căn nhà hưu dưỡng của giáo xứ Thái lạc, Long Thành... 

Lời kinh trầm lắng mở đầu cho Thánh lễ Misa... 

Giây phút "sám hối" - mở đầu cho Thánh lễ

   Cũng với đầy đủ mọi nghi thức của một thánh lễ Misa bình thường theo truyền thống tôn giáo, cũng với một chí hướng và đồng tâm hiệp lực từ một cõi vô hình để cùng nhau đưa đến một triết lý vĩnh hằng của "một đời người" mà ngày hôm nay Thượng Thiên đã "gọi về" - bỏ lại trần gian một đôi chút vướng bận về một sự tưởng nhớ... duy không có những dòng lệ rơi, không có những tiếng than khóc "Cha ơi...", không có những sầu thương đau đớn, nhưng hầu như "tất cả những người con" hiện diện hôm nay trong ngày 18/03/2012 này đều cùng nhau cất lên cho chính mình từ một cõi hư không nào đó để trong suốt thánh lễ giỗ tưởng niệm... ai ai cũng "cầu xin Chúa mau sớm dẫn đưa linh hồn Cha Cố Anthony cũng như linh hồn Cha Cố Giuse được hưởng phúc Nhan Thánh"

   Ngày hôm nay - tuy chỉ là tại "nhà hưu dưỡng của Giáo xứ Thái Lạc - Long Thành" tuy không là "tiếng chuông thánh thót của một ngôi đại giáo đường báo hiệu giờ kinh nguyện cầu... tuy không là những hồi chuông báo hiệu trong giây phút Thánh Thể... tuy không là những âm vang của một Ca đoàn đại quy mô trong một thánh lễ tưởng niệm lớn lao nào.... nhưng trong cái không gian tĩnh mịch này, chỉ trong cái ngày 18/03/2012 vào lúc 10.00h... đã cất lên chỉ vài câu kinh nguyện sau một cử chỉ "làm dấu thánh giá" - chúng tôi nghĩ rằng: tại phương trời xa xôi nào đó bên tận trời Âu Philadelphia, Pennsylvania ... linh hồn Cha Cố Anthony cũng như tại nơi an nghỉ vĩnh hằng Đại Chủng viện Giuse Xuân Lộc linh hồn Cha Cố Giuse "chắc cũng đã mỉm cười tại nơi cung vàng chín suối... 

   Ngày xưa là "một người thầy" - hôm nay "là một vị linh mục già đã về hưu" - Cha Đỗ Văn Nguyên - có lẽ cũng đã mãn nguyện cho chính mình một sự hài lòng, cũng như "mấy chục con người trần thế hôm nay" đại diện cho mấy ngàn con người để rồi cùng nhau cất lên lời kinh thắm thiết, những lời ca như đã bay bổng để mong cầu xin nơi chốn thiên quốc một Hồng ân trong cõi tâm linh sống của những con người mà chính vào giờ phút thiêng liêng này trở thành một triết lý sống - một triết lý sống chứa đựng rất đầy đủ ý nghĩa của một cõi đời với những con người hôm nay đang còn trên con thuyền Sao Mai tại trần gian này... 

   Chúng tôi còn nhớ - ngày 12/03/2012 tại Giáo xứ Ngọc Lâm với những nghi thức "còn vang mãi những lời kinh..." thì hôm nay - ngày 18/03 tại một nơi chốn "nhà hưu dưỡng Thái lạc, Long Thành" một thánh lễ Misa duy chỉ đơn sơ và đạm bạc.... hoặc một nơi nào đó bên trời Âu cũng đã "tưởng niệm về cho vị Cha già của ngày xưa..... tất cả đều cũng chỉ là một hướng đi, tôi còn nhớ một đoạn Kinh Thánh nào đó mà ngày xưa Thánh Phaolo viết trong thư gửi cho cộng đoàn tín hữu Corhinto: Anh em hãy yêu thương nhau như Cha trên Trời đã yêu thương anh em, anh em hãy luôn luôn chú tâm vào sự thờ phượng duy chỉ có một Thiên Chúa là Cha chung của chúng ta.....

   Dẫu cho cuộc đời chỉ là ngắn ngủi, là kiếp phù du, là một cơn gió thoảng, là những con người không phải là có đạo, và không chỉ là những con người SaoMai của "ngày ấy", nhưng chúng tôi cũng luôn luôn có những sự trân trọng và kính phục về cho những "cô dâu và chú rễ Sao Mai" của ngày hôm nay... tuy chỉ là trong một căn phòng nhỏ bé, không tiếng chuông báo lễ, không lộng lẫy đèn hoa, không tiếng nhạc thánh thót của một ca đoàn - nhưng hầu như với những con người hiện diện hôm nay cùng với "vị Cựu Tổng Giám Thị" của ngày nào... có lẽ cũng đã thoả nguyện rất lớn và chứa đựng được nỗi vui mừng vì "đã sống đúng với "đạo làm con" con tinh thần hiếu đễ của nhân bản một con người...

Bài đọc 1 - với "con chiên Bùi Mai"

Bài đọc 2 - với "con chiên Phạm Thanh Long"

Thánh lễ cũng có những lời giảng của "vị Chủ tế"...


   Trong bài giảng Cha Đỗ Văn Nguyên hầu như không còn nhắc đến cái triết lý "sắc có như không..." nữa, mà trong bài giảng tuy ngắn ngủi, nhưng chứa đựng rất nhiều những thâm tình hiếu để của những con người hôm nay... Cha đã nêu cao tinh thần truyền thống Uống nước nhớ nguồn, tinh thần Sao Mai bất khuất của những Cựu học trò, và tinh thần rực lửa bất diệt của những con người Sao Mai của hôm nay.... tất cả cũng chỉ là một sự hiếu để của một đời người đang thực hiện một triết lý sống: Cuộc đời sắc có như không, phải chăng chỉ một tấm lòng mà thôi...

Giây phút "Hiệp nhất Phép Thánh Thể" 

   Từ những điểm nhấn ấy, duy ngày hôm nay 18/03 tại Thái Lạc - Long Thành Đồng Nai, cũng như ngày 12/03 vừa qua tại Giáo xứ Ngọc Lâm, hoặc đã một ngày nào đó phía bên kia bờ đại đương.... cũng đã có những giây phút như thế, một trong những buổi lễ tưởng niệm như thế... nhưng chúng tôi thiết nghĩ "tất cả cũng chỉ là một mà thôi" trong sự thực hiện tinh thần "hiếu đễ của con người" như lời vị Cựu Tổng Giám thị đã nhấn mạnh trong những buổi họp mặt và chuyện trò thân mật ngày nào... thì hôm nay, trong cái căn phòng nhỏ bé này, trong giây phút tưởng nhớ thiêng liêng và huyền bí này... cái đạo làm người của những người con Sao Mai cũng đã một lòng nhớ về cho những người Cha già như thế.... 

Lời cảm tạ của đại diện học sinh Sao Mai với "Thầy Tổng"

   Không chỉ là những miếng ăn ngon, không chỉ là vài ba mâm cổ đầy, không chỉ là những chiếc bánh sake lạ mắt và ngon miệng... mà giờ phút họp mặt có tính mini này cùng với những câu chuyện trò, những kỷ niệm được khơi dậy lại, những ký ức ngày xưa.... hầu như cũng đã nói lên được mối thâm tình hiếu để và tâm giao của những con người của nhà mẹ này vậy... 

   Trên con đường về lại Sàigòn, cũng những có những người con phải quay về xứ núi mây ngàn Phương Lâm... chúng tôi rất bùi ngùi và thật sự xúc động vì chính mình đã làm tròn bổn phận hiếu để của những người con Sao Mai, duy cánh biển Vũng tàu chiều hôm ấy có gió thôi rất nhiều, có những đợt sóng vỗ xô bờ, duy đứng trên một tháp cao bên cạnh ngọn núi Tao Phùng với hình ảnh Chúa Giêsu đang dang tay đón nhận và sẵn sàng ban phép lành cho tất cả những người con như chúng tôi, cũng như trên đoạn đường dọc theo bờ biển bao la và còn mãi lê thê ấy... chúng tôi cũng như vị Cựu Tổng Giám Thị của ngày xưa, ai nấy cũng đã mãn nguyện và mỉm cười vì đã làm tròn cho chính mình hiện diện (cũng ngư những người vắng mặt) đầy đủ một bổn phận trách nhiệm thiêng liêng và cao cả: sự hiếu để của một con người

   Thành phố giờ này đã lên đèn, màn đêm đã buông phủ, không phải những ánh đèn xanh đỏ tím vàng hoa lệ của một thành phố vật chất xa hoa kia đã điểm... mà chúng tôi có thể mãn nguyện và mỉm cười: có lẽ chính trong tâm linh của những người con Sao Mai hôm nay... vẫn còn có hàng triệu hàng triệu ánh đèn đủ sắc màu đang rực cháy, và còn sáng sáng mãi trong một tinh thần Sao Mai hiếu để và thanh cao ấy vậy... 

    Nguyễn Ngọc Hải

Ghi nhận từ buổi lể ngày 18/03 tại Thái Lạc...

●▬▬▬▬▬๑۩      GNST       ۩๑▬▬▬▬▬●

GNST chân thành cảm ơn anh Nguyễn Ngọc Hải.

 

GNST chân thành cảm ơn chị Hồng Vân

 

▬▬▬▬※ Gia đình GNST ※ ▬▬▬▬

▬▬▬▬Peace & Love always▬▬▬▬

✬▬▬▬▬ஜ ۩ ۩ ஜ▬▬▬▬

 

 

 

               

                                                                                                                            

Xem thêm...
Theo dõi RSS này