⭐TRẦN KIM PHƯỢNG (Moderator)

⭐TRẦN KIM PHƯỢNG (Moderator)

Trường Sa và “Yêu em giữa đời quên lãng”

Trường Sa và “Yêu em giữa đời quên lãng”

 

Nhạc sĩ Trường Sa tên thật là Nguyễn Thìn, sinh năm 1940 tại Ninh Bình, năm 1954 di cư vào Nam, thời niên thiếu ở nhiều nơi như Nha Trang rồi Thủ Đức (Sàigòn) vì phải theo cha là một quân nhân thuyên chuyển nhiều lần. Năm 1962, ông gia nhập Hải Quân, tốt nghiệp khóa 12 sĩ quan Hải quân, làm hạm phó tàu tuần duyên Trường Sa (bút danh Trường Sa khi viết nhạc được chọn vào thời gian này) rồi phục vụ trong Giang đoàn 63 Tuần thám. Sau những cuộc hành quân đầy hiểm nguy, ông dành thời gian cho niềm đam mê âm nhạc, viết các ca khúc thời chiến như “Một lần xa bến”, “Hành trang giã từ”, “Chuyện người đan áo”, nhưng sau đó, với sự khích lệ của nhạc sĩ Từ Công Phụng, bắt đầu chuyển sang viết tình ca. Năm 1967, từ một cuộc tình tan vỡ, ông viết những nốt nhạc đầu tiên của ca khúc “Rồi mai tôi đưa em” mà phải 2 năm sau mới hoàn tất. 2 bản tình ca ra mắt 2 năm sau đó là “Xin còn gọi tên nhau” (1969) và “Mùa thu trong mưa” viết chỉ trong vài tiếng đồng hồ khi cảm xúc đang dâng trào.
 
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên thuở ấy đang rất nổi tiếng với những bản tình ca, đã có cảm nhận khi nghe những nhạc phẩm của Trường Sa như “Rồi mai tôi đưa em”, “Xin còn gọi tên nhau” và “Mùa thu trong mưa” là “yêu ngay cái nét nhạc dịu dàng như dòng suối nhỏ lượn quanh khu vườn yên tĩnh, rồi bất chợt trỗi lên như cơn bão nổi, ngập tràn đau thương”.
 
Đến thập niên 1970, ông tiếp tục viết các ca khúc như “Một mai em đi” (1973) khi đóng quân tại căn cứ Trà Cú trên sông Vàm Cỏ Đông, “Ru em một đời”, “Như hoa rồi tàn” và “Sầu biển”, ca khúc được phổ biến rộng rãi trong hàng ngũ Hải quân để gom góp tiền ủy lạo gia đình Trung tá Ngụy Văn Thà tử trận trong trận chiến Hoàng Sa năm 1974.
 
 
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông lên một chiến hạm đến đảo Guam, nhưng không tìm thấy gia đình nên xin Cao Uỷ tỵ nạn Liên Hiệp Quốc can thiệp cho trở về Việt Nam bằng tàu. Về tới Việt Nam, ông phải học tập cải tạo tại Phú Khánh và Nghệ Tĩnh đến năm 1984. Năm 1986, khi được trả tự do, ông vượt biên và bị bắt giam 2 năm. Đến năm 1989, ông vượt biển lần thứ hai thành công, tỵ nạn ở trại Pulau Bidong, Malaysia rồi sang định cư ở Canada. Trên miền đất tự do, Trường Sa viết nhạc trở lại sau 15 năm bị gián đoạn. Ngoài thời gian làm việc tại một công ty xe hơi, ông sinh hoạt thường xuyên trong Hội Hải quân Việt Nam Cộng hòa tại Canada và tham gia sinh hoạt văn nghệ.
Trường Sa đã chia sẻ về công việc sáng tác ca khúc và những nhạc phẩm đã ra mắt trong gần 40 năm qua: “Là một sĩ quan Hải quân Quân lực Việt Nam Cộng hòa, trước bối cảnh lịch sử, tôi đã viết một số ca khúc đại chúng trong thời gian 1965-1966 như “Hành trang giã từ”, “Chuyện người đan áo”, “Một lần xa bến”, “Trên đường về thăm em”... Sau năm 1966, tôi chuyển hướng, chỉ viết tình ca. Hầu hết các ca khúc đều buồn, từ chuyện tình cảm mất mát. Từ năm 1967-1969, những ca khúc tôi viết tại Sàigòn và được Lệ Thu thu thanh đầu tiên là “Xin còn gọi tên nhau”, “Rồi mai tôi đưa em” và “Mùa thu trong mưa”. Nhạc phẩm “Một mai em đi” tôi sáng tác năm 1973, khi đơn vị của tôi đóng quân ở đồn Trà Cú, cũng do Lệ Thu thu thanh đầu tiên. Ngoài ra, nhiều nhạc phẩm khác của tôi cũng được những ca sĩ khác trình bày như “Tàn tạ” (Thái Thanh), "Ru em một đời" (Sĩ Phú). Sau năm 1975, tôi sáng tác những ca khúc như "Xin yêu nhau dù mai nữa", "Mùa xuân sao chưa về hỡi em?", "Những mùa thu qua trên cuộc tình tôi", "Khi chuyện tình đã cuối", "Bản tình ca cho kỷ niệm", "Paris em về", "Một thoáng mơ phai", "Sài gòn ơi tôi còn em đó", "Thu vẫn qua đây mình ta" và "Hạnh phúc hôm nay". Viết một ca khúc, trước hết mình đã phần nào là một người làm thơ và mình cũng phải có một giác quan rất bén nhạy mới có thể tạo ra được những chuỗi âm thanh hài hòa để người nghe cùng rung động với tâm tư của mình”.
 
“Yêu em giữa đời quên lãng” là một ca khúc buồn về một tình yêu đã đến vào một mùa xuân có “trời xanh cỏ biếc”, ngày rực rỡ với nắng hôn trên tóc người yêu và bàn tay khẽ nắm của nàng đã mang lại khoảnh khắc bình yên không thể nào quên. Nhưng mùa xuân ấy rồi cũng qua, mây đã bay về cuối trời, anh thẫn thờ đi tìm lại màu hoa cài trên tóc của người yêu và màu nắng rực rỡ của một ngày đã thật xa nàng đã cho anh biết thế nào là hạnh phúc tột cùng trong tình yêu. Tình yêu anh mãi đi tìm suốt một đời đã đến, nhưng những ngày hạnh phúc thật ngắn ngủi, chỉ còn lại niềm đau vì xa cách, nhưng anh đã biết tình yêu say đắm vẫn luôn là thế, sẽ còn mãi giữa đời lãng quên.
 
 
Ảnh: Nhạc sĩ Trường Sa, với ca sĩ Thùy Dương và với ca sĩ Diệu Hiền
 
 
YÊU EM GIỮA ĐỜI QUÊN LÃNG
 
Mùa xuân nơi đâu, trời xanh cỏ biếc
Tình có là nắng hôn tóc em mềm
Bàn tay nhung êm có níu tình tôi
Qua bến yêu đương mấy thuở bên người.
 
Mùa xuân nơi đâu người ơi tìm mãi
Màu hoa nào thắm trên tóc em cài.
Dìu hồn tôi say trong giấc hồn nhiên
Theo bước chân em cuối trời lãng quên
 
Quên sao nắng vẫn ghen màu mắt,
Và môi ấy vẫn quen hờn dỗi
Xin một lần tình chia ngọt bùi
Cho một lần hạnh phúc rã rời.
 
Tình vui đời có bên nhau
Tình đau đời cách chia nhau
Xin em năm ngón dìu bước qua mau
Mùa xuân nơi đâu hỏi em còn nhớ
 
Ngày tháng nào đó ta đã yêu người
Nụ hồng môi xưa thôi cũng tàn dư
Mây cũng mây bay xuôi về cuối trời.
 
Người cho tôi biết tình yêu là thế
Là không hẹn đến nhưng mãi đi tìm.
Là bài thơ yêu say đắm triền miên
Nên mãi yêu em giữa đời lãng quên.
 
Ca khúc “Yêu em giữa đời quên lãng” với giọng ca Diệu Hiền:
 
 
 
 
Ca khúc “Yêu em giữa đời quên lãng” với giọng ca Lệ Thu:
 
 
 
Ca khúc “Yêu em giữa đời quên lãng” với giọng  Bằng Kiều
 
 
Ca khúc “Yêu em giữa đời quên lãng” với giọng ca Ngọc Anh
 
 
Ca khúc “Yêu em giữa đời quên lãng” với giọng ca Lâm Nguyễn
 
 
 
 
Nguồn Anh HDL

 

NGỌT NGÀO VÀ ĐẮM ĐUỐI VỚI "VÌ NÓ LÀ EM" CỦA NỮ NHẠC SĨ DIỆU HƯƠNG

 NGỌT NGÀO VÀ ĐẮM ĐUỐI VỚI "VÌ NÓ LÀ EM"

CỦA NỮ NHẠC SĨ DIỆU HƯƠNG

Công chúng không còn xa lạ với những câu hát trong ca khúc “Vì đó là em” ngọt ngào và đắm đuối. Thế nhưng, tác giả của “Vì đó là em” là ai thì chẳng mấy người tỏ tường. Thật thú vị, khi biết rằng tác giả của ca khúc này không phải một quý ông hào hoa, mà là một nữ nhạc sĩ gốc Huế. Đó là nhạc sĩ Diệu Hương, tên đầy đủ là Lê Thị Diệu Hương (SN 1955).



“Yêu em vì chỉ biết đó là em”

Năm 2000, nhạc sĩ Diệu Hương từ Mỹ về nước dự định thực hiện CD đầu tiên. Tại Sài Gòn, khi nghe ca sĩ Quang Dũng hát ở một phòng trà, nữ nhạc sĩ nhận ra giọng hát này có thể phù hợp với dòng nhạc của mình nên chợt nảy ra ý muốn mời Quang Dũng thu thử một nhạc phẩm trên CD đầu tay mang tựa đề “Khắc khoải”.

Lúc đó, Quang Dũng là một giọng ca mới chập chững vào nghề, chưa được biết đến nhiều nên chưa phải là một tiếng hát độc quyền cho một trung tâm nào. Anh tỏ ra e ngại khi được nhạc sĩ Diệu Hương đưa cho một nhạc phẩm để hát thử.

Nhưng sau khi nữ nhạc sĩ cầm cây guitar lên hát bài “Khắc khoải”, Quang Dũng đã lên tiếng đề nghị để anh thu thanh nhạc phẩm này vì nhận thấy bài hát rất thích hợp với giọng ca của mình. Đó cũng là lần đầu tiên Quang Dũng hát nhạc Diệu Hương, cũng là một trong những bài đầu tiên anh thu âm giọng hát của mình trong studio.

Tiếp đó, Quang Dũng thể hiện ca khúc “Vì đó là em” của nữ nhạc sĩ. Ca khúc này vừa được trình diễn đã lập tức trở thành một hiện tượng âm nhạc. Không chỉ giúp ca sĩ Quang Dũng xác lập được vị trí trong lòng khán giả, mà ca khúc còn giới thiệu cho công chúng một nữ nhạc sĩ hải ngoại - Diệu Hương.

Nghe “Vì đó là em”, nhiều người sẽ cảm nhận trong đó một tình yêu tha thiết, đến mê dại, đến cuồng say của người con trai. Yêu em chỉ biết em là em thôi chứ không quan tâm đến những điều kiện phụ thuộc hơn thua, được mất mà người đời thường quan tâm đến người tình của mình. “Không cần biết em là ai/ Không cần biết em từ đâu” là quan niệm về tình yêu cao cả của tâm hồn không vướng lụy gì về bề ngoài.

Tình yêu lý tưởng đích thực như mơ ước luôn sâu nặng ở trong tâm hồn, thì thời gian và khoảng cách xa nhau không thể làm tình dần phai nhạt trong lòng. Khi nhớ em, ta “không cần biết đêm dài sâu, không cần biết bao gầy hao” mà chỉ biết đó là em, làm quay quắt trong nỗi nhớ nhung thầm lặng chiếm hết không gian, thời gian.

Ca sĩ Quang Dũng là người trình bày ca khúc “Vì đó là em” thành công nhất
 
“Ta ngồi đếm tên thời gian” - Thời gian làm gì có tên mà ngồi đếm? Đó là lối biểu cách rất văn chương, về tâm trạng bồn chồn ngồi đứng không yên của một kẻ đang yêu. Thương yêu cho đi chứ không cần biết nhận, vì cuộc đời vẫn còn có nhau khi ngày nào “nghe thương yêu dâng cao như ngọn đồi”.

Và, cho dù biết cuộc tình không đầm ấm mãi khi rồi một ngày kia em sẽ đi, ta vẫn yêu em cuồng si. Cảm xúc của người nghe lắng lại, cảm động về một tình yêu chân thành mãnh liệt, không so đo toan tính. Và, “nghe trong ta quên đi lòng sầu hận” - như một thông điệp của ca khúc gửi cho đời. Đó là một tình yêu thanh thoát bao dung hướng thượng tâm hồn người đến chân thiện mỹ…

Liên tục được nhiều ca sĩ hát lại, nhưng ca sĩ Quang Dũng vẫn là người thành công nhất khi thể hiện ca khúc “Vì đó là em”. Và tính đến nay, “Vì đó là em” vẫn là ca khúc mà Quang Dũng dành được nhiều sự yêu mến nhất trên các diễn đàn âm nhạc, với hàng chục triệu lượt thưởng thức trên youtube.

Từ thành công của ca khúc “Vì đó là em”, ca sĩ Quang Dũng bỗng có vai trò như người quảng bá ca khúc cho nhạc sĩ Diệu Hương. Những sáng tác của nữ nhạc sĩ vừa được cấp phép biểu diễn tại Việt Nam thì gần như ngay lập tức Quang Dũng trình bày trên sân khấu hoặc thu âm băng đĩa.

Mỗi khi nhớ lại sự “khám phá” ra Quang Dũng của mình, nhạc sĩ Diệu Hương đều luôn cho đó là một cơ duyên văn nghệ đặc biệt trong đời sống đúng vào thời kỳ bà còn mang tâm trạng ngơ ngác khi đến với âm nhạc, và khi Quang Dũng còn là một giọng ca mới chân ướt chân ráo đến với sân khấu ca nhạc.

Ca sĩ Quang Dũng cũng xác nhận về mối tình cảm anh gọi là tình cảm văn nghệ của mình đối với nữ nhạc sĩ Diệu Hương, anh coi như một người chị thể hiện qua cách xưng hô. Quang Dũng cũng như ngay cả nhạc sĩ Diệu Hương cũng không ngờ lại có sự kết hợp hoàn hảo đến như vậy.

 
Nữ nhạc sĩ hiếm hoi của làng nhạc hải ngoại

Nhạc sĩ Diệu Hương sinh ra tại Huế, là người con gái duy nhất trong một gia đình có 13 người con. Năm 5 tuổi, bà theo gia đình chuyển vào Đà Nẵng sinh sống. Sau khi hoàn tất bậc trung học, bà lên Đà Lạt theo học Trường Đại học Chính trị kinh doanh và từng được bầu làm trưởng ban văn nghệ trong những năm đại học.

Trong thời gian đó, nữ sinh gốc Huế tập guitar, rồi về Sài Gòn tiếp tục học với một người bạn. Năm 1977, bà bỗng nổi hứng sáng tác ca khúc. Bài hát đầu tiên “Tôi muốn hỏi tại sao” được bà hát thử cho bạn bè nghe và rất được tán thưởng. Từ đó, nữ nhạc sĩ chuyển sang đam mê âm nhạc. Tuy nhiên, cuộc sống nhiều bề bộn và âu lo, không cho bà nhiều cơ hội mơ màng với âm nhạc.

Năm 1990, nhạc sĩ Diệu Hương cùng người thân sang Mỹ định cư. Nhạc phẩm đầu tiên bà sáng tác tại hải ngoại là ca khúc “Mùa thu nơi đây” với tâm trạng ngổn ngang: “Mùa thu nơi xưa dịu dàng, giờ trong tôi nghe muộn màng/ Tình yêu cho anh một ngày, rồi một ngày nào đã phai/ Về đây khi tôi ngồi lại, niềm cô đơn ôi còn dài…”.

Đất khách quê người, những ngày bận bịu đi làm ở văn phòng luật sư, rồi làm nhân viên bưu điện đã chiếm hết thời gian và tâm trí của bà. Nhiều ngày tháng, nhạc sĩ Diệu Hương cũng quên hẳn đi các bài hát của mình. Thế nhưng, liên tục những thất vọng và những đổ vỡ đã đẩy bà vào bơ vơ, trống vắng.

Để giải thoát bản thân, nhạc sĩ Diệu Hương đã quay lại với âm nhạc bằng ca khúc “Phiến đá sầu” đầy tâm trạng: “Em hỏi tôi, đá biết thở dài xa xôi/ Em hỏi tôi, đá có ngậm ngùi chia phôi/ Em và tôi thiên đường mất rồi/ Trên lối về mình tôi bước dài lê thê…”. Ca khúc này được hát lần đầu do chính nhạc sĩ Diệu Hương thể hiện, sau đó được nhiều ca sĩ nổi tiếng ở hải ngoại như: Tuấn Ngọc, Lâm Thúy Vân hát lại.

Một ưu điểm để dòng nhạc Diệu Hương phổ biến ở hải ngoại, chính là khả năng tự biểu diễn của bà. Hầu hết những ca khúc của nữ nhạc sĩ đều do bà hát một cách mộc mạc, rồi những danh ca khác mới thu âm theo bản phối khác, cầu kỳ hơn và chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, nghe bà hát thì phần lớn công chúng mới thấy thấm thía về những xao xuyến và đau đáu gửi gắm trong ca khúc.

Có thể nói, nhạc sĩ Diệu Hương là một trong những nhạc sĩ nữ hiếm hoi của làng nhạc hải ngoại. Nhờ có một số vốn liếng về văn chương đến từ sở thích thú đọc sách nên bà đã đưa những suy tư của mình qua lời ca vào trong âm nhạc một cách rất hài hòa.

Nhạc sĩ Diệu Hương

“Tôi mê viết văn lắm. Từ nhỏ, tôi đã đọc nhiều sách. Khoảng 8, 9, 10 tuổi, tôi để cả một chồng sách trên giường để đọc. Đọc sách không ngừng nhưng phải công nhận cũng nhờ qua đọc sách mà tôi cũng có một cái vốn liếng về văn chương”, nữ nhạc sĩ từng chia sẻ.

Cũng do sự say mê với chữ nghĩa nên qua những ca từ của nhạc sĩ Diệu Hương, người nghe rất dễ dàng nhận ra sự đắn đo và thận trọng trong cách dùng chữ của bà - một người luôn tìm cách thoát ra những sáo ngữ.

Bây giờ, nhạc sĩ Diệu Hương có gia tài gần 100 ca khúc. Thành công đến với nữ nhạc sĩ có lẽ là do dòng nhạc trữ tình dễ tạo được những cảm xúc và ngôn từ sử dụng dễ thấm vào tâm hồn người thưởng thức.
 
 

Đình Phùng (biên soạn) / Theo: PLVN
 
 
----------------------
 

GỌI EM HAI TIẾNG "MÌNH ƠI!"

 
Vợ chồng xưng hô với nhau bằng Chồng ơi – Vợ ơi, Bố ơi – Mẹ ơi, Anh ơi – Em ơi, hoặc Mình ơi thì đến già vẫn yêu thương mặn nồng, kẻ thứ 3 khó có chỗ chen chân vào.


Những từ ngữ trên là cách gọi vừa thể hiện chủ quyền sở hữu, trách nhiệm, và tình cảm mà cả hai dành cho nhau. Trong những cách vợ chồng gọi nhau, gọi nhau bằng “mình”, là cách gọi thân thương nhất, nhẹ nhàng nhất, và thấm đậm tình cảm nhất.

Trong hôn nhân, vợ chồng sống với nhau quan trọng là hai chữ “hòa thuận”. Người chồng trọng nhất là giữ nghĩa với vợ, người vợ trọng nhất là giữ tiết với chồng. Cư xử với nhau theo phương châm: “Phu phụ tương kính như tân”, nghĩa là vợ chồng quý nhau như khách. Vì nếu “phu phụ hòa nhi hậu gia đạo thành”. Vợ chồng có hòa thuận thì mới nên gia đạo.

Xét về phẩm chất của người vợ, theo truyền thống văn hóa từ xưa, người vợ phải đảm bảo đủ “tam tòng, tứ đức”. Tam tòng là người con gái ở nhà thì theo cha mẹ, lấy chồng thì theo chồng, khi chồng chết thì theo con. Tứ đức là: Công, dung, ngôn, hạnh. Quan điểm tam tòng có thể thay đổi để hòa nhập theo văn hóa và xã hội hiện nay, nhưng tứ đức thì đời nào cũng đáng quý.

 
VỢ CHỒNG XƯNG HÔ VỚI NHAU

Đối với văn hóa Âu Mỹ, người Anh hay Mỹ vợ chồng gọi nhau bằng tên. Thí dụ, John, Peter, James, Mary, Ann, Teresa… Trong cách xưng hô lãng mạn, họ gọi nhau là beau, beloved, darling, dear, dearest, dearie, hoặc honey.

Người Pháp cũng gọi nhau bằng tên: Jean, Jacques, pierre, Paul… Thân mật hơn họ gọi nhau mon hay ma Chéri (e), mon (ma) petit (e), cheri (e), mon, amour.

Người Trung Hoa, chồng gọi vợ là hiền thê, ái thê hay nương tử. Người vợ gọi chồng là tướng công, phu quân hay lang quân.

Do ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, theo Nho học, tại Việt Nam vợ được gọi là thê, phụ. Những gia đình theo cổ tục đa thê trước đây, vợ chính, vợ cả, vợ lớn gọi là đích thê, chính thê, phát thê, chính thất, hay chủ phụ. Vợ sau, vợ lẽ là kế thất. Trong cách thân mật, chồng gọi vợ là hiền thê, ái thê, nương tử. Khi xưng hô với người khác, chồng gọi vợ là phu nhân, và vợ gọi chồng là phu quân. [1]


GỌI NHAU HAI TIẾNG MÌNH ƠI

Từ sự phong phú của ngôn ngữ Việt, vợ chồng xưng hô với nhau bằng nhiều từ ngữ thân mật, dịu dàng mà cũng rất lãng mạn tùy theo hoàn cảnh và thời gian. Trong thời gian hẹn hò, quen biết, đôi trai gái thường gọi nhau bằng tên. Khi “tình trong như đã,” thì xưng hô anh em với nhau. Và sau khi nàng đã theo chàng về dinh, trong đời sống hôn nhân cả hai đã trở nên một, lúc đó vợ chồng gọi nhau, xưng hô với nhau là anh, em, chồng, vợ. Dù chồng kém tuổi hơn vẫn gọi là anh. Những cặp đã có con thì chữ anh hay em được thay bằng “bố’ hoặc “mẹ”, để gọi thay cho con. Thí dụ, bố thằng Tý, mẹ con Mơ. Và khi về già họ gọi nhau là “ông” hoặc “bà”: Ông nó đâu rồi? Bà đang làm gì vậy?…

Tuy nhiên, cách gọi thân thiện nhất, tình tứ nhất và cũng lãng mạn nhất, đó là vợ chồng gọi nhau bằng “mình”.

MÌNH ƠI TIẾNG RU NGỌT NGÀO

“Mai này đây người em thơ nhỏ bé.
Có anh vuốt vai gầy, ngắm làn môi thắm thơ ngây.
Trọn đời chung đôi mãi yêu như ngày cưới.
Hai đứa kêu nhau ‘Mình ơi!’”[2]

Tự điển tiếng Việt định nghĩa chữ “mình” như sau:
– Đại từ vợ chồng gọi nhau thân mật.
– Đại từ ngôi thứ hai, dùng thân mật: “Mình về mình nhớ ta chăng? Ta về ta nhớ hàm răng mình cười” (Ca dao). [3]

Bùi Giáng đã mặc cho chữ mình ở đây bằng một tên gọi khác cũng có trong văn chương Việt Nam qua hai câu thơ:

“Mình ơi! Tôi gọi là nhà,
Nhà ơi! Tôi gọi mình là nhà tôi”.

Như vậy, từ tiếng mình, vợ chồng Việt Nam còn gọi nhau là “nhà tôi” khi nói về chồng hay vợ mình với người khác. Chữ nhà tôi đây không phải để chỉ về một ngôi nhà, một nơi ở, một tổ ấm của hai vợ chồng, mà còn để nói lên tính chất sở hữu, lệ thuộc và trách nhiệm đối với nhau. Nhà tôi chỉ vợ hoặc chồng khác với cái nhà “house”, và cũng khác với “home” là tổ ấm, chỗ ở, và quê hương, tuy cả hai trong tiếng Anh cũng gọi là nhà. Chính vì thế mà nhiều người tuy có house, nhưng chưa có home. Có nghĩa là tuy sống trong căn nhà nhưng không phải là tổ ấm gia đình: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm!”.


Chữ mình của người Việt Nam dùng để gọi vợ hoặc chồng còn phát xuất từ ý nghĩa trung thực nhất, thâm thúy nhất và cao cả nhất trong chương trình sáng tạo và hình thành đời sống hôn nhân của Tạo Hóa. Trở về với những ngày đầu sáng tạo, và mục đích hôn nhân trong ý muốn của Thượng Đế, Thánh Kinh kể rằng chính Thượng Đế đã tạo dựng và phối hợp cho đôi vợ chồng đầu tiên trong vườn Địa Đàng: “Rồi từ chiếc xương sườn mà Thiên Chúa lấy từ đàn ông, Ngài đã làm nên một người đàn bà và mang đến cho nó. Và người đàn ông nói: “Bây giờ, đây là xương của xương tôi và thịt của thịt tôi, nàng sẽ được gọi là ‘đàn bà’, vì nàng được lấy ra từ đàn ông”. Vì lý do này, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mình và nên một với vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một thân xác” (Sáng Thế 2:22-24).

Như vậy, vợ chồng không còn là hai mà là một. Ý nghĩa vừa tôn giáo, vừa tâm lý và vừa thể lý này dẫn đến việc vợ chồng coi nhau là xương, là thịt của mình và của nhau. Một phần mình là của người kia, và một phần mình của người kia là của mình. Cả hai đều bình đẳng, đều có giá trị như nhau trong đời sống hôn nhân của hai người. Cả hai tạo thành một nhân vị, một con người trong ý nghĩa sáng tạo. Tư tưởng bình quyền từ tiếng vợ chồng gọi nhau là mình cũng được tìm thấy ở đây. Từ đó suy ra việc vợ chồng hòa quyện với nhau trong hành động sinh lý không còn là một việc làm hoàn toàn mang tính cách xác thịt, phàm tục, nhưng là một hành động nuôi dưỡng tình yêu, tiếp tay trong việc tạo dựng của Thượng Đế. Đây là lý do tại sao những kẻ gian dâm, ngoại tình là những người không tôn trọng chính mình, không tôn trọng vợ hay chồng của mình. Họ tự tay phá vỡ hạnh phúc hôn nhân của họ. Chúng ta cũng có lý do để tin rằng trong xưng hô hằng ngày với nhau, những người này không bao giờ gọi nhau bằng những tiếng thân thương như: chồng ơi, vợ ơi, bố ơi, mẹ ơi, anh ơi, em ơi. Đặc biệt là mình ơi!


Bức tranh về đôi vợ chồng đầu tiên đã được thi sỹ Nghinh Nguyễn dệt thành bài thơ tuyệt vời bằng những chữ mình rất say đắm, mặn mà, và linh động:

Mình ơi! Tiếng gọi nhà tôi,
Lời yêu mộc mạc từ thời cổ sơ.
Địa đàng qua một giấc mơ,
Chúa đưa mình đến kết tơ duyên đầu.
Mối tơ duyên thật nhiệm mầu,
Khu vườn hiển hiện một bầu trời thơ.
Xa mình – mình thấy bơ vơ,
Vắng nhà tôi – lại ngẩn ngơ trông tìm.
Bên mình – mình thấy dịu êm,
Xa mình – mình thấy bóng đêm thêm dài.
Nhớ mong, hờn giận chia hai,
Bởi hai trong một nối dài sợi thương.
Tiếng yêu xưa thật bình thường,
Mà sao sâu lắng keo sơn nghĩa tình?
Nhà tôi – mình hởi ơi mình!
Tiếng mình yêu đó kết tình lứa đôi.
Trăm năm tóc bạc da mồi,
Trong ân nghĩa thánh mình tôi hiệp hòa.
Bởi mình là nửa của ta,
Còn ta hơn một phần ba nơi mình….
 
Thương dùm con chữ… mình ơi! [4]
 
Click để nghe Trường Vũ-Như Quỳnh hát 
 
Những vần thơ có cánh trên cũng như những lời ngọt ngào, lãng mạn trong bản tình ca của nhạc sỹ Minh Kỳ, và cùng với những tiếng “mình ơi!” và “nhà tôi” trong thơ Bùi Giáng đã nhắc tôi nhớ đến “chiếc xương sườn” của mình. Nàng chính là người yêu của tôi, bà xã của tôi, vợ tôi và nhà tôi. Nàng đã cho tôi biết thế nào là vị ngọt của tình yêu. Đã đem lại cho tôi những nụ cười, những ánh mắt trìu mến, nhưng cũng đã lấy đi ở tôi những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt vui mừng, hạnh phúc, đôi khi hối hận vì đã không làm gì hơn để cám ơn, và để trân quý món quà mà Thượng Đế đã ban tặng. Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật của nàng, một lần nữa tôi muốn gói trọn tình cảm của mình trong tiếng gọi dịu dàng và âu yếm: “Mình ơi!”
 
Trần Mỹ Duyệt
 
 
Kim Phượng sưu tầm

 
 

“Mùa Xuân Đầu Tiên”, Hai Bài Nhạc Xuân Cùng Tên - Lê Hữu

“Mùa Xuân Đầu Tiên”, Hai Bài Nhạc Xuân Cùng Tên -

Lê Hữu

nstuankhanh
NS Tuấn Khanh (tranh Vũ Quốc)
 
nsvancao
NS Văn Cao (tranh Lê Sa Long)
 
“Mùa Xuân Đầu Tiên” của Tuấn Khanh
 
Em ơi, xuân đến bên thềm rồi!…
 
Nghe câu hát, tưởng nghe được tiếng bước chân rón rén của mùa xuân, nghe được tiếng vạt áo dài lướt thướt của “nàng Xuân” chạm vào những bậc thềm nhà.
 
Mùa xuân đến thật gần. Xuân của đất trời, xuân trong lòng người.
 
Câu hát ấy ở trong bài “Mùa Xuân Đầu Tiên”(1966) của nhạc sĩ Tuấn Khanh, tác giả những bài nhạc quen thuộc với người yêu nhạc ở miền Nam như “Dưới Giàn Hoa Cũ”, “Hoa Soan Bên Thềm Cũ”, “Mộng Đêm Xuân”, “Chiếc Lá Cuối Cùng”…
 
Tôi nhớ, hôm ấy là một ngày cận Tết (1993), bước chân vào một “Cửa hàng kim khí điện máy” (bây giờ gọi là “Siêu thị điện máy”) ở quận 5 Sài Gòn trong không khí rộn rịp người người đi sắm Tết và dàn loa công suất lớn liên tục phát đi những bài nhạc đón Xuân. 
 
Bao nhiêu thương nhớ gom nhặt đầy / anh trở về thăm em
Bao lần ngồi thâu đêm / nghe mùa xuân vừa đến…
 
Câu hát nghe quen quá. Tôi khựng lại, đứng yên một lúc, nghe hết bài hát. Lời ca điệu nhạc quen quen, giọng hát cũng quen quen. Ngẫm nghĩ một chút, tôi như không tin ở tai mình. Đúng là bài “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Tuấn Khanh, và giọng hát ấy đúng là giọng Nhật Trường, không lẫn vào đâu được. Chuyện lạ. Ở đâu lại lọt vào một bài vừa là “nhạc vàng” vừa là “nhạc lính” này? Nghe bài hát, có cảm giác như gặp lại người bạn đi xa trở về sau nhiều năm biền biệt. Đấy là bài nhạc Xuân đầu tiên của miền Nam tôi nghe được ở trong nước từ sau năm 1975.
 
Nhìn quanh, khách du xuân hầu hết là lớp người thế hệ sau, không chắc có ai trong số ấy nghe ra, nhận ra được bài “nhạc vàng” quen thuộc đó.
 
Thật khó mà ngờ rằng, bên cạnh những bài nhạc xuân phổ biến trong nước như “Mùa Xuân Từ Những Giếng Dầu” (Phạm Minh Tuấn), “Trị An Âm Vang Mùa Xuân” (Tôn Thất Lập), “Mùa Xuân Bên Cửa Sổ” (Xuân Hồng & Song Hảo), “Thì Thầm Mùa Xuân” (Ngọc Châu), “Lời Tỏ Tình Của Mùa Xuân” (Thanh Tùng) lại chen vào bài hát, câu hát rất… vô tư.
 
Xin yêu thương đến vơi hận thù/ để tiếng hát hôm nay
Người chiến sĩ mơ say/ bên đàn trẻ bé thơ ngây…
 
“Người chiến sĩ” trong câu hát ấy không phải lính miền Bắc. Người miền Nam nói “vơi hận thù” chứ không nói “hận thù ngút trời”.
 
Bài nhạc ra đời vào thời kỳ cuộc chiến tranh dai dẳng vẫn đang tiếp diễn. Chiến cuộc ngày càng leo thang, càng trở nên khốc liệt, cho nên làm gì có chuyện,
 
Anh say sưa nhịp bước trên hè
Anh nâng niu nụ hoa vừa hé
Đôi môi xinh người em nhỏ bé mộng mơ
 

 
Đấy chỉ là ước mơ của người nhạc sĩ, cũng là nỗi ước mơ của bao người lính chiến. Không riêng gì Tuấn Khanh, nhiều nhạc sĩ miền Nam thuở ấy cùng chia sẻ những khát khao về một ngày hòa bình sẽ tới.
 
Nếu một mai khi hòa bình / anh sẽ trở về như giấc mơ
Từng đêm không còn tiếng súng
Ngủ đi em / ngủ cho yên…
(“Lời Cho Người Yêu Nhỏ”, Trần Thiện Thanh)
 
Đêm không còn tiếng súng, quê mình thôi hết chiến tranh, giấc mơ ấy không chỉ riêng của người lính mà của cả một dân tộc khao khát tự do, mơ ước thanh bình sau bao năm dài quê hương chìm ngập trong khói lửa chiến tranh. Hoặc,
 
Rồi có một ngày / một ngày chinh chiến tàn
Anh trở về quê / vui cùng ruộng nương cùng đàn trâu
Với cây đa khóm trúc hàng cau
Với con đê có chiếc cầu tre / đã bao năm vắng chân anh…
 
Rồi sao nữa?
 
Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa
Rồi anh sẽ đón cha mẹ về
Rồi anh sẽ sang thăm nhà em
Với miếng cau với miếng trầu / ta làm lại từ đầu…
(“Một Mai Giã Từ Vũ Khí”, Ngân Khánh)
 
Ta làm lại từ đầu, bắt đầu từ mùa xuân đầu tiên ấy, tay trong tay đi xây lại những giấc mơ chưa tròn.
 
Mùa xuân trong nhạc Tuấn Khanh là mùa xuân tao ngộ, mùa xuân tương phùng sau những cách ngăn, chia lìa. “Mùa Xuân Đầu Tiên” ấy, gọi cho đúng tên, là “Mùa Xuân Mơ Ước”. Người lính trở về sau chiến tranh trong vòng tay chờ đợi của người mình thương yêu.
 
Hết rồi mùa chia ly, cho tình xuân vừa ý
 
“Mùa Xuân Đầu Tiên” được viết ở thể điệu Boléro quen thuộc với tai nghe nhạc của người miền Nam, lời ca điệu nhạc tươi vui, được nhiều thế hệ ca sĩ trình diễn. Trong nước, từ khi “dòng nhạc Boléro” miền Nam được tái sinh và “lên ngôi”, trong số những bài Boléro Xuân được yêu chuộng mỗi mùa Tết đến Xuân về không bao giờ thiếu bài “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Tuấn Khanh.
 
Mùa xuân ơi, biết tôi yêu đời!
Mùa xuân ơi, nói sao nên lời!…
Anh đâu ngờ bến bờ hạnh phúc là đây
 
Câu hát nghe sao mà tha thiết quá. Chỉ tiếc, mùa xuân ấy không đến, hoặc đến không như mong đợi. Người nhạc sĩ, tác giả những giai điệu vui tươi và những lời tha thiết ấy sớm nhận ra mùa xuân đầu tiên sau ngày dứt chiến tranh không giống như những gì ông viết ra. Ông đã bỏ đi và đã có mùa xuân đầu tiên khác trên xứ người.
 
 
“Mùa Xuân Đầu Tiên” của Văn Cao
 
Điều khá bất ngờ với nhạc sĩ Tuấn Khanh, đúng mười năm sau ngày “Mùa Xuân Đầu Tiên” của ông ra đời, lại có thêm một “Mùa Xuân Đầu Tiên” khác của một nhạc sĩ miền Bắc quen tên, tác giả những ca khúc tiền chiến lãng mạn và những bài hùng ca lịch sử nổi tiếng. Văn Cao, người nhạc sĩ vẫn được người miền Nam yêu nhạc tiền chiến nhắc tên như một “huyền thoại”, đã bao năm ngỡ như “tuyệt tích giang hồ”, nay bỗng nhiên từ phía sau tấm màn quá khứ chầm chậm bước ra. Hơn thế nữa, ông lại còn mang đến cho người nghe một sáng tác mới nhất, cho thấy nguồn nhạc hứng trong ông sau bao nhiêu năm vẫn chưa hề vơi cạn.
 
Nếu Văn Cao biết rằng, bài nhạc ông sáng tác năm 1976 trùng tên với bài nhạc Xuân phổ biến của một nhạc sĩ miền Nam, không chừng ông sẽ đặt tên khác cho bài của mình.
 
 Hai bài nhạc Xuân cùng tên có khoảng cách thời gian 10 năm (Tuấn Khanh viết năm 1966, Văn Cao viết năm 1976), cũng bằng khoảng cách tuổi đời của hai người nhạc sĩ (Văn Cao sinh năm 1923, Tuấn Khanh sinh năm 1933). Trong lúc “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Tuấn Khanh được phổ biến rộng rãi ở miền Nam, “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Văn Cao lại mang số phận không may. Phải đợi đến sau ngày tác giả lìa đời (1995) người trong nước mới biết rằng từng có một bài nhạc Xuân như thế hai mươi năm về trước.
 
“Mùa Xuân Đầu Tiên” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác theo “đơn đặt hàng” của báo Sài Gòn Giải Phóng cho số báo Xuân Bính Thìn, tính đến Xuân năm nay (Xuân Giáp Thìn) vừa đúng bốn con giáp. Bài nhạc Xuân được phát sóng vài lần trên Đài Tiếng Nói Việt Nam rồi… im bặt.
 
Về giai điệu, bài nhạc viết ở thể điệu Valse dìu dặt, trầm trầm từa tựa những bài “Làng Tôi” (1947), “Ngày Mùa” (1948) cùng tác giả. Về ca từ, ý tứ không có gì mới, câu hát lặp đi lặp lại. Cũng là những cánh én báo tin mùa xuân đang về, một ngày nắng mới, tiếng gà gáy trưa, cụm khói bay trên sông, những hình ảnh, âm thanh quen thuộc của làng quê thanh bình. Cũng là những giọt lệ rưng rưng của người vợ hiền, người mẹ già vui đón người chồng người con trở về trong vòng tay ôm.
 
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Nước mắt trên vai anh / giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh
Với khói bay trên sông / gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn
 
Người Việt yêu quê hương mình hơn bao giờ. Một cuộc sống mới ấm êm bắt đầu từ đây.
 
Ôi, giờ phút yêu quê hương làm sao / trong xuân vui đầu tiên
Ôi, giờ phút trong tay anh đầu tiên / một cuộc đời êm ấm
 
Chưa hết,
 
Từ đây, người biết quê người
Từ đây, người biết thương người
Từ đây, người biết yêu người
 
Câu hát nghe tha thiết đến chạnh lòng. Lời tự tình mùa xuân thật ấm áp, thật cảm động. Được sống ở một đất nước như thế thì ai còn muốn đi đâu nữa.
 
Tiếc là mọi chuyện lại không diễn ra suôn sẻ như người nhạc sĩ mơ tưởng. Với người miền Nam, xuân thanh bình, xuân đoàn tụ, xuân yêu thương chỉ là những mỹ từ, thay vào đấy là mùa xuân “chưa vui sum họp đã sầu chia phôi”. Sau ngày “bên thắng cuộc” làm chủ đất nước, người lính miền Nam lầm lũi đi vào những “trại cải tạo” không hẹn ngày về. Từ mùa xuân đầu tiên ấy và những mùa xuân nối tiếp theo nhau, những người vợ vẫn mỏi mòn ôm con đợi chồng, những bà mẹ vẫn mỏi mắt tựa cửa ngóng tin con, có khác chăng là trong chiến tranh và sau chiến tranh.
 
“Mùa Xuân Đầu Tiên” của Văn Cao không được nhà nước hoan nghênh cũng là điều dễ hiểu. Bài hát không đáp ứng được mong đợi, yêu cầu của bên “đặt hàng”. Bài hát không có tiếng reo hò “hồ hởi phấn khởi”, không có những khẩu hiệu ròn rã của “thắng lợi vẻ vang”, không có khí thế bừng bừng của “mùa Xuân đại thắng”. Chiến thắng long trời lở đất mà chỉ phất phơ “khói bay trên sông”, gà gáy te te. Bài nhạc Xuân không chảy xuôi dòng theo mạch cảm hứng sục sôi, bị những bài ca hừng hực khí thế cách mạng trùm lấp, đè bẹp.
 
Đã thế, ca từ lắm chỗ nghe “chung chung”, mơ hồ, lấp la lấp lửng.
 
Từ đây người biết yêu người là thế nào? “Người” là người nào? (cũng tựa“Mùa Thu Chết” là mùa thu nào?). Lại còn yêu với ghét gì ở đây?
 
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về là thế nào? “Mùa Xuân thần thánh” sao gọi là “mùa bình thường” được?
 
Nói chung một vài chỗ chưa ổn, vẽ vời, xa rời thực tế. Chả nhẽ lại yêu cầu tác giả viết lại bài khác, đành tạm gác lại đấy, giải quyết sau vậy. Việc “tạm gác” ấy kéo dài ròng rã đến hai mươi năm. Chuyện lạ là,“Mùa Xuân Đầu Tiên” lại được yêu chuộng, được dịch sang tiếng Nga, được phổ biến rộng rãi trên làn sóng đài phát thanh Moscow; hơn thế nữa, còn được Liên-Xô đưa vào “bảng xếp hạng 200 ca khúc hay nhất thế giới”. Bài hát, nhờ vậy còn tìm được cơ hội để quay ngược về quê hương của tác giả.
 
Bài nhạc Xuân nghe kỹ, lời thì có vui, nhạc lại không mấy vui; nói cách khác, nhạc và lời không sánh đôi. Nhạc điệu đều đều, không vui không buồn, không có những chỗ nét nhạc bay bổng, cao trào, đột phá. Nếu chỉ nghe nhạc mà không nghe lời, người ta không nghe ra cái vui rộn rã của một bản đàn xuân. Đấy không phải là bài nhạc Xuân mà người nghe cảm thấy náo nức, hưng phấn, muốn cất tiếng hát theo như những bài cùng thể điệu Valse tươi vui khác, như “Xuân Và Tuổi Trẻ” (La Hối), “Ly Rượu Mừng” (Phạm Đình Chương), “Xuân Vui Ca” (Văn Phụng), “Bến Xuân Xanh” (Dương Thiệu Tước) hay “Khúc Hát Thanh Xuân” (J. Strauss, lời Việt Phạm Duy).
 
Cái vui trong “Mùa Xuân Đầu Tiên”của Văn Cao chỉ như một nỗi vui âm thầm, còn ngập ngừng, chưa trọn. Phần điệp khúc đôi chỗ nghe rưng rưng, nghèn nghẹn. Bài hát như bộc lộ những tâm tình, như khơi gợi những tình tự dân tộc ở một góc khuất nào trong lòng người Việt Bắc-Nam hai miền.
 
Nhiều người cho rằng nhạc sĩ Văn Cao hẳn lấy làm thất vọng, buồn chán vì bài nhạc ông tâm đắc bị “quản thúc” suốt bao năm. Tôi không nghĩ vậy. Tôi chắc ông cũng chẳng vui, chẳng buồn và cũng chẳng ngạc nhiên. Thứ nhất, từng là một Văn Cao họa sĩ, hẳn ông sớm nhận ra rằng mùa xuân đầu tiên mà ông “vẽ” ra chỉ có cái đẹp của bức tranh treo tường chứ không phải cảnh thực ngoài đời, khiến ông cũng bớt phần nào hứng thú. Thứ hai, ông đã… quen rồi và hẳn cũng đã tiên liệu rồi. Đấy chẳng phải lần đầu, nhiều tác phẩm của ông từng hứng chịu số phận long đong, lận đận. Bài nhạc này, bức vẽ kia, câu thơ ấy bị săm soi có “vấn đề” này nọ. “Mùa Xuân Đầu Tiên” được nhà nước hoan nghênh, tán dương mới là chuyện lạ.
 
 
Ca sĩ trong Nam hầu như không “mặn” lắm với bài “Mùa Xuân Đầu Tiên” ấy, ca sĩ hải ngoại càng không, có hát cũng ít được tán thưởng. Không khó để hiểu vì sao. Thường, người ta chỉ chọn hát những bài phù hợp tâm trạng mình.
 
Hình ảnh quen mắt mọi người nhìn thấy ở Văn Cao là ông già gầy guộc, hom hem, khắc khổ. Đầu cúi gầm, khuôn mặt nhiều nếp gấp như trái táo nhăn, thường lộ vẻ trầm tư, mệt mỏi. Ánh mắt khi sắc lạnh, khi hiền hòa, lúc thẫn thờ, lúc vụt sáng lên. Lúc nói năng thì từ tốn, nhỏ nhẹ. Nơi con người trầm lặng ấy như ẩn giấu sự nhẫn nhục, cam chịu một cách thản nhiên. Sau vẻ mặt lặng yên tưởng như bình thản ấy là một mùa giông bão đã lắng chìm, là bao nhục nhằn, khốn khó đã đi qua.
 
Với người yêu nhạc Văn Cao, ông vẫn là người nhạc sĩ của những “Bến Xuân”, “Suối Mơ”,“Thiên Thai”, của những ước mơ cao vời, bay bổng.
 
“Tôi nói đến Thiên Thai là bởi vì một nơi một cõi nào đó người ta coi như đất hứa, mà cái đất hứa ấy thì không ai tìm được ở trên cõi thế gian này,” ông có lần bộc lộ.(*) 
 
Văn Cao, mãi đến cuối đời ông vẫn chưa thôi những viễn mơ. “Mùa Xuân Đầu Tiên” là viễn mơ, là bài hát cuối cùng, là giấc mơ sau cùng. Câu hát chủ điểm trong bài ấy là Từ đây người biết yêu người. Cả bài nhạc Xuân toát lên một ý chính, gói trọn trong câu sáu chữ này. Giấc mơ sau cùng ấy bị “giam lỏng” suốt bao nhiêu năm. Cho đến năm 2000 thì “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Văn Cao được gọi là “tuyệt phẩm”, “tuyệt tác”. Tiếc một điều, tác giả bài hát lại không còn trên thế gian này để được nghe, được xem những màn trình diễn “tuyệt phẩm” ấy từ đơn ca, song ca, tam ca, tứ ca, vũ công vũ đạo chờn vờn đến những dàn nhạc giao hưởng trên những sân khấu thật hoành tráng.
 
Người nhạc sĩ và bài hát của ông, đều như những cánh chim đã bay một vòng bay quá dài sau những mải miết tìm kiếm một “Bến Xuân”.
 
Nếu có điểm nào giống nhau giữa hai bài “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Tuấn Khanh và Văn Cao, cả hai đều là những “mùa xuân mơ ước”, đều là những giấc mơ ngọt ngào về một ngày hòa bình, một xuân đoàn tụ về trên quê hương.
 
Liệu sau hai bài nhạc Xuân cùng tên ấy, người Việt trong, ngoài nước có còn mơ tưởng đến một “Mùa Xuân Đầu Tiên” nào khác nữa để nối dài thêm những ước mơ.
 
Lê Hữu
 
(*)Phim tài liệu ca nhạc Văn Cao  Giấc mơ một đời ngườiđạo diễn Đinh Anh Dũng, 1992
“Mùa xuân đầu tiên”, Tuấn Khanh – Trung Tâm Asia:
“Mùa xuân đầu tiên”, Văn Cao – Musique de Salon:
©T.Vấn 2024
Lê Hữu đến Hoa Kỳ năm 1994, hiện định cư tại Seattle (WA). Viết truyện và các bài nhận định về văn học, âm nhạc, ngôn ngữ tiếng Việt... Đã xuất bản: Âm nhạc của một thời (2011) (Khảo luận về nhạc Việt trước 1975). Tác phẩm đã xuất bản (trong tủ sách điện tử TV&BH): Ngôn Ngữ Ngậm Ngùi (2016);Âm Nhạc Của Một Thời (2017);
 
 Kim Phượng sưu tầm
 
 
Theo dõi RSS này