Lộc

 

Lộc

Song Thao

 

Nhớ ngày còn là những anh chàng độc thân chạy tung tăng ngoài đường nhiều hơn ở nhà, chúng tôi chẳng năm nào bỏ qua giao thừa ở Lăng Ông Bà Chiểu. Chàng nào chàng nấy ăn diện hết cỡ. Nói là diện chứ hạng nhất cũng chỉ thêm chiếc cà vạt lủng lẳng trước ngực. Cà vạt ngày đó chỉ nhỏ bằng  hai ngón tay. Đóng bộ xong, mỗi tên một chiếc xe gắn máy hoặc vespa lên đường qua Cầu Bông. Đêm giao thừa, xe cộ đông nghẹt, người người kéo nhau đi lễ Phật và hái lộc. Chúng tôi, thay vì hái, lại đi săn lộc.

Lộc của chúng tôi là những áo xanh áo đỏ e lệ nép theo các bà mẹ chơi vơi từng bước nhẹ nhàng trong vùng khói hương dày đến nghẹt thở. Thứ lộc biết đi này ngày đó dễ thương chi lạ. Trông cứ muốn…hái. Mắt trước mắt sau, nhìn thấy ưa mắt là lẵng nhẵng theo sau, rình cơ hội, qua mặt kỳ đà cản mũi là các bà mẹ đang vọng tới thần thánh hơn canh con gái. Thường thì chúng tôi đi tay không lại về không. Tên nào cũng ôm một cục nhát trong người thì nước non chi. Thảng hoặc có tên nào trúng số, hấp háy được một em thì lộc sẽ biến thành đèn để mang đi rước phố Tự Do, Lê Lợi. Tết nhất đi xin lộc kiểu chúng tôi ngày đó là nhảm nhí. Nhưng tình.


Mùa xuân

Muốn hái lộc xuân

Hoa thơm tặng bạn

Nụ mầm tặng anh…

Đưa tay định ngắt mấy lần

Thấy xuân mơn mởn

Trong ngần

Lại thôi…

(Vũ Dạ Phương)

https://sites.google.com/site/vuonxuanquyty/_/rsrc/1356658083522/phong-tuc-hai-loc-dau-xuan/hailoc2.jpg

Hái lộc chính thống nghiêm trang hơn nhiều. Tác giả Nguyễn Thánh Ngã luận về chuyện hái lộc như sau: “Tôi quen với một cụ bà thường nhai trầu nhỏm nhẻm, cụ bảo trong đêm giao thừa rước ông bà xong là phải xuất hành hái lộc về nhà. Bởi trong giờ phút ấy, trời đất rất linh thiêng, không nên làm việc gì xấu sẽ bị quỷ thần quở phạt. Còn các cụ ông thì bảo: “Xưa bày nay làm”! Vả lại, thời khắc chuyển giao, khí âm dương hội tụ, cành non lộc biếc sẽ đón nhận sự tươi mới, đem lộc về sẽ có nhiều may mắn. Các cụ khác thì lại chắc mẩm rằng cành non lộc biếc là báo hiệu sự sinh sôi nẩy nở, là trừ tà vv… Tất cả những kinh nghiệm ấy tạo cho tôi tâm lý phấn khởi, là được quý nhân phù hộ, theo người xưa là hưởng không khí tinh khiết, ấm áp của mùa xuân, tâm hồn trong sáng sẽ hướng thiện nhiều hơn. Đó là tục lệ tốt đẹp hướng con người tìm về nguồn cội, tìm về với thiên nhiên để rồi yêu thiên nhiên hơn là tàn phá, yêu con người hơn là ghét bỏ. Đầu năm đi hái lộc, con người đứng trước thiên nhiên kỳ ảo sẽ thấy cuộc sống tràn đầy ước mơ, tánh thiện lành nảy nở trong sáng như ban mai, như mùa xuân…

Năm nay là năm thứ ba tôi đi hái lộc. Ý thức việc mình làm là điều rất quan trọng, nên tôi dành toàn bộ tâm ý nghĩ về những điều tốt đẹp nhất. Tôi bắt tay và chào hỏi mọi người. Ai cũng hân hoan, ai cũng dư thừa lòng tốt. Vì thế, tâm lý yêu đời trong thời khắc đầu năm luôn hiện hữu. Tôi được một bạn trẻ chỉ cho cách hái lộc bằng tay trái. Bạn ấy bảo ông nội đã dạy bạn ấy điều này. Vì ít ai để ý, nên bạn bất chợt muốn nói cho tôi nghe rằng tay trái là bổn mạng của cánh đàn ông do có câu “nam tả nữ hữu”. Ồ! đi một ngày đàng học một sàng khôn là vậy! Tôi thật lòng cảm ơn người bạn trẻ, vì tôi biết trong giây phút hiếm hoi này không ai nói dối cả. Và lòng tốt luôn được thể hiện hết mình”.

Lộc chỉ là một mầm mới của cây coi ra chẳng có giá trị gì nhưng lộc hái vào giờ khắc tinh khôi của một năm là một thứ thiêng liêng nằm trong truyền thuyết. Truyền thuyết bên Trung Hoa kể lại là có một nơi mà các tiên nữ hay hạ cánh xuống chơi. Giao thừa năm đó, dân chúng thấy các tiên nữ hạ cánh xuống một khu đồi núi. Nơi đó bỗng sáng rực, cây cỏ xanh tốt lạ thường. Thấy sự lạ, dân chúng nhào tới ngắt những cành cây mang về để cầu mong sự tươi tốt và sinh sôi nẩy nở. Đó là những cành lộc của ngày xuân.

Truyền thuyết Việt Nam có lớp có lang hơn. Từ đời vua Hùng. Một bữa nhà vua thấy các con đã khôn lớn bèn triệu tập quần thần và các bô lão cùng các con tới phán bảo: “Nay các con đã khôn lớn, ta muốn các con đi trấn cứ các nơi để dạy dân làm ăn”. Nghe vua cha truyền, các con đều ngần ngại, chỉ muốn được ở lại củng cha mẹ. Trong khi quần thần chưa biết tâu với vua ra sao thì Hoàng Hậu thưa: “Các con vì lưu luyến cha mẹ nên không muốn đi xa. Thiếp trộm nghĩ hoàng phụ nên làm lễ tế trời đất rồi dùng cách “bẻ lộc” cho con. Ai nhận được cành lộc nào thì cứ phương ấy mà đi”. Thấy phải, Vua thuận ý. Sau đó, Vua cho dựng đàn làm lễ tế trời đất trên đỉnh núi suốt đêm. Đến giữa canh ba, vua đi bẻ lá xem giờ sang canh. Hoàng Hậu đi bẻ cành lộc để chia cho các con. Sáng hôm sau, vua chia cho các con mỗi người một cành lộc và dạy rằng: “Non ở nhà, già ở ấp. Chẵn lên non, còn xuống biển”. Trên đường đi, nếu các con gặp điều không may, các con cứ lấy cành lộc còn đẫm sương đêm nay mà vẫy lên thì giặc giã, tà ma nào cũng sẽ tan hết. Con nào lên núi, cha ban cho mây và ngựa, con nào xuống biển, cha ban cho gió và thuyền”. Y lệnh vua cha, các con quỳ lạy và nhận mỗi người một cành lộc rồi lên đường đi trấn cứ mỗi miền. Vua xiết đỗi mừng vui, truyền cho muôn dân mở hội mừng các tiểu vương đến trị vì xứ của mình. Từ đó, hái lộc đầu xuân trở thành phong tục của dân nước Nam ta.

Người dân đến chùa ngày đầu xuân để cúng lễ, cầu bình an, xin lộc trong chùa ngày Tết, một số tín đồ, phật tử đến dưới cây ngọc kỳ lân đang ra hoa để chờ xin “lộc” ngọc kỳ lân.

Hái lộc là để “lấy may, cầu may” khi bước sang năm mới. Do vậy, người ta thường đi hái lộc sau giao thừa hoặc sớm tinh mơ ngày mồng một tết. Cây lộc được chọn là cây cổ thụ ở đầu làng hoặc bên giếng nước. Họ nâng niu cành lộc hái được, không được cho ai vì như vậy là “mất lộc”. Sau khi hái lộc về, cành lộc được treo ở hiên nhà, trước gian giữa hoặc cửa ra vào để trừ ma quỷ và để báo cho mọi người biết là nhà đã có người xuất hành xin lộc đất trời!

Không phải lộc cây nào cũng giống nhau. Lộc thường được hái từ những cây có phong cách của người quân tử, thể hiện được sự bao dung và thân ái. Các loại cây  thứ xịn như cây đa, cây sung, cây si cho những lộc tốt đẹp nhất. Lộc của cây tùng, cúc, trúc mai mang lại niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe cho mọi người trong gia đình.

Ngày chúng tôi còn thanh xuân đi Lăng Ông hái lộc trong màn khói mù mịt cay xè của những giờ phút giao mùa, lộc là những cây cảnh quanh chùa. Đứng trong khuôn viên chùa nhưng lòng trần vẫn đậm. Gọi là hái lộc nhưng thực sự là bẻ những cành lá xum xuê. Người nào cũng muốn cành lộc của mình to và đẹp hơn người khác nên cây cối trong khuôn viên Lăng, sau đêm giao thừa, trụi lủi như vừa đi tới tiệm hớt tóc về! Cảnh vật thật tang thương. Sau này, nhà chùa mua sẵn những cành lộc, tín hữu thập phương chỉ việc lấy một cành mang về, khỏi phải leo trèo tranh dành mất công.

ngay xuan tren chua ong su 32

Hái lộc đầu xuân dính kết với chùa chiền, chuyện đó coi như tất nhiên. Chúng tôi rủ nhau đi chùa, bất kể người theo tôn giáo nào. Ngày đó, cửa nhà thờ của đạo Công Giáo vẫn khép kín lúc giao thừa. Chỉ sau Công Đồng Vaticano II, từ năm 1962 tới 1965, Giáo hội Công giáo mới đề nghị các nhà thờ tổ chức thánh lễ tạ ơn trước giờ giao thừa. Phần cuối lễ, các tu sĩ và giáo dân cùng chúc mừng năm mới với những tràng pháo tay vang dội. Lúc đó cũng vẫn chưa có chuyện hái lộc. Tôi nhớ chỉ trong thời gian khoảng hơn chục năm gần đây, nhà thờ mới tổ chức việc hái lộc. Lộc nhà Chúa khác với lộc nhà chùa. Đó là những miếng giấy, cỡ miếng bìa đánh dấu khi đọc sách, có in những câu trích trong Phúc Âm. Năm ngoái, trong một dịp dự lễ giao thừa tại một buổi lễ cử hành bằng tiếng Việt ở Montreal, tôi mới thấy những lộc này. Lộc được in rất đẹp, màu sắc rực rỡ, một bên là hình cành đào hoặc cành mai, một bên là một câu trích trong Thánh Kinh. Lộc được treo trên cành mai (dĩ nhiên là mai giả!), cuối lễ, giáo dân xếp hàng lên gỡ lộc mang về. Vị linh mục chủ tế gọi là “lộc Lời Chúa”. Có nhiều câu trích khác nhau, nhận được câu nào, người nhận được coi như là ý Chúa nhắc nhở nhân dịp đầu năm Âm lịch.

https://lh5.googleusercontent.com/-pfS40Mjgdq0/Uu5hNBpdPiI/AAAAAAAAKIk/OZo2BOGvvb0/w830-h553-no/IMG_0119.JPG

Hái lộc đầu xuân nơi nhà chùa đã bị biến dạng. Con người trần tục đã có những ý nghĩ đời thường của việc hái lộc. Lộc không còn là vật tượng trưng cho ân phúc mà là một thứ trần gian, càng nhiều càng tốt, càng xum xuê càng vui. Vậy nên khuôn viên chùa, sau giao thừa, như vừa trải qua một trận bão. Thời xưa, xin lộc chỉ là lấy một nhánh nhỏ hoặc một búp nhỏ trên cây một cách nhẹ nhàng, vào buổi sáng sớm, lúc vạn vật chưa tỉnh thức, để tránh làm đau cây cỏ. Chút lộc trên tay chỉ cốt để lấy may mắn từ những cây xương rồng, cây đa, cây đào, cây quất trong chùa vì mọi người đều cho rằng mọi thứ ở chùa đều linh thiêng và chứa đựng phúc lộc. Kẻ phàm phu tục tử vốn tham lam nên nghĩ rằng cành lộc càng lớn thì phúc càng bự. Vậy mới đau lòng cỏ cây.

Chùa chiền ngày nay phải cải tiến phong tục hái lộc cho đỡ hao cây cảnh làm đẹp cho cảnh chùa. Họ mua sẵn những trái quít làm lộc, Phật tử xếp hàng lên lãnh lộc từ tay các bậc tu hành. Vài năm trước đây, trong một lần tham dự đón giao thừa tại chùa Điều Ngự ở Cali, tôi đã được lãnh trái quít này kèm theo một bao lì xì. Vậy là vừa có của ăn vừa có của để! Nghe trần gian quá. Tội chết!

Chùa Hoằng Pháp ở Hóc Môn ngày nay lại có một lối phát lộc mới. Chiều cuối năm, khi các chợ hoa đã dẹp, hoa rơi rụng trên lề chợ đầy rẫy, các Phật tử đi tới từng chợ nhặt những cánh hoa rụng này, mang về chùa rửa sạch, đặt vào một chiếc khay đẹp đẽ. Các sư thầy sẽ tặng những cánh hoa này cho những người tới lễ chùa như một thứ lộc đầu năm. Phải công nhận đây là một sáng kiến đáng phục. Những cánh hoa rơi vất vưởng như một thứ rác trên lề đường, giống như những thân phận người lầm than khốn cực, nay được nhà chùa ra tay cứu vớt, phả hơi cho một cuộc sống mới, đem lại tươi vui cho mọi nhà.

Cũng tại chùa Hoằng Pháp, các Phật tử có một lối xin lộc khác mà tôi thấy rất thơ mộng. Trong chùa có một cây ngọc kỳ lân cổ thụ, mùa xuân ra đầy hoa. Hoa rụng ánh hồng cả một khoảng dưới gốc cây. Phật tử có thể nhặt hoa rụng làm lộc đầu xuân. Nhưng cũng có những người thích thứ hoa rụng từ cây xuống nhưng chưa bén đất. Họ đứng chờ dưới gốc cây, xòe tay hoặc giơ mũ hoặc nón ra đón hoa rụng. Lộc còn nguyên phong nhụy từ trời rơi xuống. Lối xin lộc này thơ mộng nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn. Nhiều người đứng cả ngày, ngửa cổ trông lên cây cao, mà không đón được một đóa lộc nào cả.

Thường thì người ta tới những nơi thờ phượng để xin lộc. Lộc mang ý nghĩa tinh thần linh thiêng. Nhưng có nhiều người thực tế hơn nên suy nghĩ cũng trần gian hơn. Họ nghĩ là nơi nào làm ra tiền thì nơi đó là lộc! Họ đi tìm lộc tại…kho bạc! Với nghĩ suy sát đất như vậy, họ cho rằng vớ được cành lộc càng lớn thì lộc vào nhà càng nhiều, họ đã đi “vồ” lộc. Tôi thật sự choáng khi coi những bức hình người dân ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đua nhau chạy xe gắn máy, mang câu liêm tới các trụ sở ngân hàng hay ngân khố để…chọc được cành lộc to ngay đúng giờ giao thừa. Tại những  nơi này có một cuộc chiến tranh…lộc! Nhà báo Hoàng Hoa ghi lại cảnh vồ lộc sinh động trước một trụ sở ngân hàng: “‘Không được bẻ ngọn lộc’, người phụ nữ quát lớn khi thấy cậu thanh niên đứng bên cạnh đang có ý định ké ít cành cây vừa được bẻ xuống. Từ từ gỡ cành ra khỏi liềm, chị cùng con trai phấn khởi vác về nhà. Cậu bé không được sẻ chút lộc nào liền cầm cây sào dài, đầu trên có gắn thêm một chiếc liềm sắt điều chỉnh sao cho mũi liềm ngoắc đúng vào cành trên cao. Khi lưỡi liềm đã ngoắc chính xác vào cành, cậu nhún người lấy đà kéo mạnh một nhát cho đứt. Đám đông xung quanh nhao nhao nhận cành đó của mình. Cành lá vừa rơi xuống, cả người lớn và trẻ con đã tranh nhau chộp lấy rồi hỉ hả với "lộc" vồ được. Người nào chậm tay đành tiu ngỉu đứng ngửa mỏi cổ đợi tới lượt mình. Kế bên, cô gái ăn mặc khá sành điệu đang giơ hai tay đỡ cành lộc chuẩn bị rơi xuống. Vừa chờ, cô vừa "khấn" lớn: "Mong cho con năm nay đỗ thủ khoa đại học". Cô gái nhắc đi nhắc lại lời nguyện cầu khiến đám đông đang mải hứng lá cũng phải ngoái lại bật cười. Ôm được cành lá đầy bụi trên tay, cô sung sướng giữ khư khư như thể không để người bên cạnh giật lấy. "Đợi mãi mới tới lượt. Em cùng hội bạn đứng chờ sẵn ở đây từ trước giao thừa để nhận chỗ vì biết năm nào chỗ này cũng đông. Năm nay em hy vọng sẽ đỗ đại học". Dứt lời, nữ sinh tên Hoa ấy hớn hở quay sang khoe với bạn "thành quả" vừa giành được. Hoa tiết lộ thêm, trước đấy, cô cùng bạn đã chuẩn bị sẵn sào từ nhà và phân công ai có chiều cao sẽ đảm nhiệm việc chọc, người còn lại sẽ đứng dưới đỡ. Đã có kinh nghiệm, năm nào đi bẻ lộc giao thừa, vợ chồng chị Hải cũng vác theo cây sào để tiện khều cành. Chồng chọn đúng vị trí cành có nhiều lá đẹp để chọc, vợ chỉ việc đứng dưới tóm mà không để "rơi vãi" chút lá lộc nào ra ngoài. Làm nghề buôn bán, chị Hải tin rằng đúng vào thời điểm năm mới, nếu bẻ được cành ở kho bạc hoặc ngân hàng thì sang năm việc làm ăn sẽ thuận buồm xuôi gió, tiền bạc rủng rỉnh. Xin ở kho bạc xong, anh chị tiếp tục lên ngân hàng để cầu sang năm nhiều tiền và tiện thể bẻ vài cành cây ở đó”.

Có trăm ngàn loại lộc. Tôi bỗng nhớ tới cái tết đầu tiên của những ngày đi tù cải tạo tại Long Thành. Năm đó, anh Lưu Trường Khương, Đốc Sự Hành Chánh, làm bài thơ “Giao Thừa”, được Vũ Thành An, lúc đó cũng ở trong trại, phổ nhạc. Bài thơ bắt đầu bằng hai câu: Thắp nến hồng lên em / Giao thừa về rồi đó”. Khỏi phải nói, bài thơ nói đúng tâm trạng nhớ nhà, nhớ vợ nhớ con của chúng tôi trong cái tết đầu tiên trong tù nên được mọi người chép và hát thầm trong nước mắt. Lộc ngày đó của chúng tôi chính là chút  lòng thương nhớ gửi về cha mẹ vợ con, chỉ vài chục cây số đường tỉnh lộ nhưng muôn vàn xa cách.

Ngoài kia xuân đang tới

Thơm ngát……...

Bao cành non lộc mới

Lòng thương em bấy nhiêu.

Nôi con thơm giấc ngủ

Giấc thiên thần………

 Hãy ru con nho nhỏ

………………..

Lâu ngày quá nên trí nhớ của tôi đã còm cõi, không nhớ nổi hết bài thơ đã đành mà còn không nhớ trọn vẹn được vài chữ trong những câu thơ trích ở trên. Tôi có e-mail hỏi mấy anh bạn đồng tù ngày đó nhưng chẳng ai nhớ. Chẳng lẽ hỏi tác giả?

Anh Lưu Trường Khương không còn dịp đem “cành non lộc mới” về với gia đình. Anh đã bỏ mình trong nhà tù cải tạo!

Song Thao     

Ngọc Lang sưu tầm                                                                                       

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %18 %854 %2015 %14:%02
back to top