Cấp của ngày xưa

Cấp của ngày xưa

Trang Nguyên

Tình cờ vào trang web thấy lại một số hình ảnh xưa Vũng Tàu tự nhiên làm tôi nhớ. Tôi nhớ đó cũng là lần đầu tiên Ba sắm được chiếc xe Honda 68 mới toanh “trùm mền” cất trong nhà ít có dịp đi đây đó vì nghiệp binh lửa luôn phải xa gia đình. Rồi một ngày chiều Thứ Sáu cuối tuần từ quân đoàn về, Ba nói với chúng tôi “ngày mai đi Cấp chơi”. Cuộc đi chơi xa chẳng cần chuẩn bị gì trước, nói đi là đi theo kiểu nhà binh. Má tôi chỉ kịp gói ghém ít quần áo cho ba cha con, còn ăn uống thì Ba bảo đi đường gặp gì ăn nấy.

Tôi không biết bắt đầu chuyện Cấp của ngày xưa như thế nào vì có quá nhiều hình ảnh gợi nhớ những hoài niệm hiện ra trong đầu. Và không hiểu sao tôi từng có một thời gian dài mấy chục năm để chẳng hề nhớ gì cả mặc dầu đó là chuyến đi chơi đầy ấn tượng với một đứa trẻ con và sau này tôi có hàng chục lần đi chơi Vũng Tàu với bạn bè. Nhưng sao bây giờ ở cái tuổi đầu điểm hai màu tóc thì tôi lại nhớ, nhớ từng chi tiết chuyến đi mà tôi cứ ngỡ như là chuyện của mới ngày hôm qua. Già rồi. Chỉ có người già mới sống bằng ký ức, cố níu ký ức một thời để khơi gợi quãng thời gian đẹp đẽ mà thuở đó mình từng trải qua. Ðó là lần đầu tiên anh em chúng tôi được đi chơi xa nhà đến những hai ngày. Suốt đêm tôi thấp thỏm mong trời mau sáng.

Ba cột cái túi mà Má tôi đã chuẩn bị phía sau yên xe, hai anh em tôi ngồi ở phía trước. Tôi lớn nên ngồi phía đầu để che gió cho thằng em kế ngồi giữa. Chiếc xe nổ máy rời nhà bon bon trên đường Sài Gòn hướng ra xa lộ Biên Hòa. Tôi không rõ, một đứa trẻ con trí óc non nớt sao lại nhớ từng con đường như thế. Thật ra, có thể những ký ức ngày xưa trộn lẫn với những gì tôi nhận biết sau này vào thời còn sinh viên và tôi gom vô thành một. Nhưng điều đó không quan trọng, cũng có thể hình ảnh đó không chính xác nhưng ít ra nó lẩn khuất đâu trong góc ký ức rồi bỗng hiện ra khi tôi ngồi xem lại những tấm hình tư liệu của các nhà nhiếp ảnh ngoại quốc đưa lên trang mạng. Cái hình mũi tên trắng ở ngã ba Biên Hòa, bên dưới là chữ Vũng Tàu hiện ra. Tôi nhớ Ba nói bên tai: “Ði thẳng con đường này là ra Ô Cấp”.

Bãi Trước Vũng Tàu với hàng dừa lả lơi (Ảnh: Jeff Lander)

Vào thời 67-68 chỉ có những người như Ba tôi mới gọi Vũng Tàu là Ô Cấp hay nhiều người nói một chữ Cấp cho gọn. Thật ra, theo tập sách “Vũng Tàu xưa” của nhà biên khảo Huỳnh Minh cho biết, tên gọi Vũng Tàu đã có từ xa xưa trước khi người Bồ Ðào Nha đi tàu qua mũi đất này lấy tên Thánh Jacques đặt cho nó. Kế đến người Pháp cũng gọi vùng này là Cap Saint Jacques, người Việt gọi trại thành Cấp hay Ô Cấp (Au Cap) cho cái mũi đất  nằm ở cực Ðông của Vũng Tàu là Mũi Nghinh Phong. Tôi không nghĩ nhiều người gọi Vũng Tàu là Cấp cho nó sang, nghe Tây một chút, mà chẳng qua là quen miệng gọi vì Ô Cấp đã xuất hiện chính thức trên bản đồ hành chánh cách nay gần trăm năm. Việc đổi tên một thành phố cần rất nhiều thời gian để làm thay đổi thói quen cách gọi cũng như nhiều người vẫn quen gọi cái tên thành phố Sài Gòn cho dù thời thế có đổi thay đến trăm năm đi nữa.

Hòn Bà 1965/66 – Photo by Jim Rodhers

Ði Cấp tắm biển là điều gì đó xa xỉ với người lao động bình dân Sài Gòn thời đó. Tuy Vũng Tàu là một khu du lịch biển hình thành từ trước đó rất lâu làm nơi nghỉ mát của người Pháp, vua Bảo Ðại và các đời nguyên thủ và tướng lãnh VNCH. Rồi tiếp theo là nơi vui chơi giải trí của quân đội Mỹ, Úc trong thời chiến tranh. Vào giai đoạn này nhiều căn cứ quân sự của Mỹ và quân đồng minh được xây dựng trên khu Núi Lớn, Núi Nhỏ và nhiều nơi khác trong khu vực Thị xã Vũng Tàu được xác lập hành chánh lại từ năm 1964 sau khi tách quận Phước Tỉnh sáp nhập cho tỉnh Phước Tuy (thuộc Bà Rịa ngày nay). Mặt khác trong thời buổi chiến tranh tao loạn, đường quốc lộ 15 đi Vũng Tàu vẫn còn rất nhiêu khê, không an ninh vào ban đêm, nhiều đoạn đường trải đất đá, xe đò Liên Hiệp chạy tuyến Sài Gòn-Vũng Tàu chỉ le que vài chiếc chở khách nhưng đa phần nhà xe chở hàng hóa của giới thương buôn.

Biển Vũng Tàu, là cái gì đó lạ lẫm trong mắt một đứa trẻ con như tôi lần đầu được đi chơi hóng mát. Bãi Sau còn vắng, lèo tèo vài chỗ cho thuê dù, ghế bố, tắm nước ngọt. Người tắm biển không nhiều như bây giờ vào những ngày cuối tuần hay ngày lễ. Tôi chợt bắt gặp tấm ảnh tảng đá bằng phẳng ngày xưa nằm trên bãi cát gần Hòn Bà, nơi ba cha con sau một hồi vui đùa tìm ốc bắt còng quanh bãi đá gần đó mỏi rả người ngồi ngả lưng nghỉ mệt. Ðó là cảnh đằm thắm nhất trong kỷ niệm gia đình ít khi nào cha con có dịp đi chơi xa mà có lẽ đó là ý muốn của Ba tôi có thể thực hiện được một vài lần dành cho con cái. Ngồi trên tảng đá nhỏ này tôi hướng mắt về phía Bạch Dinh gần Bãi Dứa mà lát nữa thôi, Ba sẽ cùng chúng tôi thả bộ men theo bãi cát khi triều xuống để cho chúng tôi đến xem bên ngoài nơi nghỉ mát của nhà vua Bảo Ðại một thời xa xưa.

Góc đường Trần Hưng Đạo ở phía bãi Trước với nhiều kiosk

mua bán đồ lưu niệm (Ảnh: Bruce Tremellen)

Nhưng Bạch Dinh đối với tôi là nơi chẳng có gì thú vị để xem vì mình cũng chẳng có thể ngang nhiên bước vào chiêm ngưỡng. Những con cá nhỏ bị sóng đánh dạt vào các hốc đá do anh em tôi dùng tay bóc cát tạo thành một cái vũng nhỏ mới là niềm vui của thế giới trẻ con nô đùa bên bãi biển. Một con cá nhỏ bằng ngón tay cái da xám chấm đen nằm yên trên bàn tay bé nhỏ của tôi bỗng chốc thân mình nó từ từ phình to ra. Ba nói đó là cá nóc, khi lớn da cá có gai, cá này có độc không ai ăn. Nhưng đến khi đi vòng ra Bãi Dứa, đứng xem những người kéo lưới chiều, tôi gặp những con cá nóc to bằng cườm chân người lớn, người ta bắt bỏ vào giỏ tre cũng bộn. Ba tôi hỏi ra mới biết, người ta đem cá nóc bán cho nhà hàng. Ba tôi không nói gì thêm cho cái chuyện cá nóc không ăn được mà lại rủ chúng tôi đi bắt dã tràng. Dã tràng xe cát biển Ðông, Những con dã tràng chạy vô chạy ra cái hang tạo thành những viên cát li ti trên mặt bãi cát ướt khiến tôi nhớ đến câu ca dao cô giáo vừa mới dạy tuần rồi “Dã tràng se cát biển đông/nhọc nhằn mà chẳng  nên công cán gì”.

Nhưng điều làm tôi nhớ nhất là hình ảnh cảnh bãi Trước với hàng dừa xanh dọc theo bãi cát. Một hình ảnh nên thơ và nhẹ nhàng dễ đi vào lòng người, nhất là kỷ niệm khi tôi được ngủ một đêm dưới “khách sạn ngàn sao”. Nơi đây có mấy kiosk xây bằng gạch bên ngoài tô đá rửa. Người ta bán hàng mỹ nghệ vỏ ốc và cá nóc phơi khô phình to như trái sầu riêng, lại có nơi bán nước giải khát, cơm bình dân cho du khách không tiện ghé nhà hàng khách sạn sang trọng vì túi tiền ít ỏi. Tôi nhớ chỗ ngủ là những hàng ghế bố xếp bằng vải màu xanh rêu nhà binh sắp đặt san sát một hàng dài. Ba tôi thuê hai chiếc ghế bố ngủ đêm sau nửa ngày ba cha con lang thang khám phá trên bãi biển cho đến lúc chiều buông.

Phố Lý Thường Kiệt, một trong những con phố ở trung tâm thị xã Vũng Tàu

có nhiều quán bar nhỏ phục vụ cho quân đội Mỹ (Ảnh: Bruce Tremellen)

Tôi cũng không hiểu sao thời đó Vũng Tàu đã có điện nhưng những kiosk người ta lại dùng đèn khí đá. Ánh sáng vàng vọt lập lòe mờ tỏ trên mặt cát khi màn đêm phủ kín mặt biển làm cảnh vật trở nên u buồn không còn nét thơ mộng của cảnh biển ban ngày, cho dù trên bầu trời đêm cao vút kia có hàng triệu ánh đèn pha lê đang lấp lánh. Phía trước mặt xa xa cũng có ánh sáng nhấp nháy trông như những ánh sao rơi xếp hàng ngang trên những thuyền chài câu mực. Chốc chốc một chùm ánh sáng từ ngọn hải đăng có từ thời Pháp thuộc quét ngang trên bầu trời. Tôi nằm thao thức giữa bầu trời lộng gió ngàn sao một bên là Núi Lớn và một bên là Núi Nhỏ, mắt ngắm nhìn bầu trời đen treo đầy ánh đèn của một câu chuyện cổ tích, tai lắng nghe tiếng sóng xa bờ rì rào và thi thoảng gió đưa tiếng đại bác vọng về từ cõi xa xăm. Rồi bỗng nghe vài tiếng “bụp… chắc bụp”, trời đen sáng tỏ ánh hỏa châu rơi trên vùng Núi Lớn. Ba tôi xoay sang hỏi: “Sao giờ này chưa ngủ?”. Tôi nằm nhắm mắt, lòng mong cho trời mau sáng để về nhà.

Cái ghế bố tôi và thằng em nằm được xếp lại sau cùng mặc dầu mặt trời chỉ vừa nhú khỏi mặt nước biển xanh đen. Cái khách sạn ngàn sao biến mất nhường chỗ cho người ta bày bàn ghế bán buôn cà phê buổi sáng. Ba cha con tôi không ăn sáng tại đây. Ba gói ghém cột đồ sau yên xe rồi chở chúng tôi đi chợ Vũng Tàu ăn phở. Hồi đó, tiệm ăn ở Vũng Tàu không có nhiều như bây giờ nên vài tiệm gần chợ lúc nào cũng đông khách. Ðây là hình tấm bảng cổ động ghi nhớ công lao các nước viện trợ quốc tế cho miền Nam Việt Nam trong thời chiến tranh, nơi Ba dừng xe để chúng tôi ngồi chờ trong lúc ông chạy vào cửa Tây chợ mua vài gói mắm ruốc “Bà giáo Thảo” về làm quà.

Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, mới đó mà thoát nửa thế kỷ. Cuộc sống vật đổi sao dời. Rồi một ngày khi ta bất chợt thấy lại hình ảnh xưa, lòng bỗng chùng xuống, khiến ta hình dung đầy đủ về cuộc đời mình, về cái quãng đời đã qua dù chỉ là một thời gian ngắn ngủi đầu tiên đặt chân đến vùng đất “Cấp của ngày xưa”. Và nhớ nhung nó vô cùng.

Bảng ghi công các nước viện trợ cho miền Nam Việt Nam trong thời gian chiến tranh (Ảnh: Jeff Lander)
'*~-.,¸¸.-~·*'¨Ngọc Lan st¨'*·~-.¸¸,.-~*'

 

 

 

back to top