Dương Lịch
Dương lịch
Hải Vân
Muốn đo thời gian, người ta phải tìm một hiện tượng tự nhiên nào đó lặp đi lặp lại đều đặn theo một chu kỳ nhất định để làm đơn vị. Một ngày gồm có sáng và tối là vòng tròn khép kín của Trái Ðất tự xoay chung quanh chính nó. Nhân loại có thể “thấy” sự kiện này khi Mặt Trời xuất hiện ở Phương Ðông vào lúc bình minh, lẩn khuất ở Phương Tây vào lúc hoàng hôn. Một tháng là chu kỳ của Mặt Trăng quay chung quanh Trái Ðất, biểu hiện bằng những đêm trăng tròn hay trăng lưỡi liềm. Một năm tượng trưng cho sự thay đổi thời tiết suốt mười hai tháng qua bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Ðông rõ rệt. Kết thúc 365 ngày Trái Ðất lại bắt đầu hành trình biến dịch mới.
Quyển lịch không chỉ để đo lường thời gian mà còn là cái khung gắn kết tất cả những sinh hoạt đời thường của cõi người ta như cấy lúa, trồng trọt, chăn nuôi. Âm Lịch dựa trên Mặt Trăng phân chia ngày tháng, nhưng các thời vụ lại phụ thuộc vào vòng quay của Trái Ðất chung quanh Mặt Trời, mà ngày nay chúng ta gọi là một năm. Trong thời gian một năm nói trên, Trái Ðất được phân chia thành bốn mùa theo sự thay đổi của thời tiết. Ðiều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với những hoạt động trong xã hội loài người. Mùa Ðông lạnh lẽo cây khô lá rụng, nguồn thực phẩm cho gia súc không có, không thể canh tác hay làm vườn. Nói ngắn gọn cuộc sống của muôn loài muôn vật chủ yếu phụ thuộc vào Mặt Trời, chứ không phải Mặt Trăng. Thuở xưa các dân tộc trên thế giới đều cho rằng Nhật-Nguyệt cùng “xoay” chung quanh Trái Ðất, không chỉ riêng Trái Ðất quay chung quanh Mặt Trời như quan niệm hiện nay.
Lịch Julius – nguồn Empiresandgenerals Wiki – Wikia
Chúng ta đã quen với khái niệm một năm có 365 ngày, trên thực tế vòng quay kéo dài một năm của Trái Ðất là con số lẻ đã được các nhà khoa học tính là 365,242199 ngày. Nhân loại qua nhiều thời gian lịch sử dần dần hoàn chỉnh dãy số lẻ của vòng quay Trái Ðất thành con số tròn trĩnh 365 ngày, hoặc 366 ngày vào những năm nhuận.
Dương Lịch Gregory [Gregorian Calendar] là quyển lịch hiện nay được hầu hết các quốc gia trên thế giới chính thức sử dụng, dựa trên sự vận chuyển của Mặt Trời. Lịch này bắt nguồn từ Dương Lịch của người La Mã, được thành lập theo Âm Lịch Pháp Cổ Ai Cập. Người La Mã ban đầu tính ngày giờ theo Mặt Trăng. Mỗi năm theo lịch La Mã cổ chỉ có 10 tháng, mỗi tháng có 29 hay 30 ngày. Chính vì thế lịch đi đường lịch, mùa màng đi đường mùa màng, không ăn khớp với nhau. Sau đó mỗi năm họ tăng thêm một tháng thành 12 tháng, nhưng cũng vẫn chỉ có 354 ngày chưa đúng với con số 365. Người La Mã sửa chữa sự sai biệt nói trên bằng cách lâu lâu cho thêm tháng thứ 13. Ðiều này không những không giải quyết được sự sai biệt, mà còn tạo ra nhiều điều phức tạp rắc rối khác.
Khoảng năm 46 trước Công Nguyên Ðại Ðế La Mã Julius Caesar đã sửa lại lịch cho đủ 365 ngày, sát với chu kỳ xoay quanh Mặt Trời của Trái Ðất, gọi là Lịch Julius [Julian Calendar], ấn định mỗi năm có 12 tháng tổng cộng là 365 ngày. Ðại Ðế Julius Caesar giữ nguyên tên của các tháng là Ianuarius, Februarius, Martius, Aprilis, Maius, Iunius, Quintilis, Sextilis, September, October, November và December theo ngôn ngữ La Mã Cổ Ðại. Chỉ khác là chia làm hai loại tháng xen kẽ là tháng đủ và tháng thiếu.
Dương Lịch Gregory – nguồn alamy.com
Tháng đủ có 31 ngày. Tháng thiếu có 30 ngày.
Tổng số ngày của 12 tháng sẽ là 6 x 31 + 6 x 30 = 366 ngày
Vậy tại sao Tháng Hai chỉ có 28 ngày, năm nhuận cũng chỉ có 29 ngày? Ðó là do giữ nguyên cách tính lịch của người La Mã cổ đại.
Trước khi trở thành Lịch Julius, Lịch La Mã do Hoàng Ðế Romulus Augustus – vị quân vương đầu tiên của kinh đô La Mã ấn hành. Lịch La Mã dựa theo chu kỳ của Mặt Trăng, tương tự như Âm Lịch của người Phương Ðông nhưng chỉ có 10 tháng. Mười tháng của lịch này bắt đầu từ Tháng Ba, kết thúc vào cuối Tháng Mười Hai. Nên lưu ý: Cách đánh số tháng 1, 2, 3, … là do sự phiên dịch của người Việt Nam; trong nguyên bản của Lịch La Mã cũng như theo phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới, mỗi tháng trong năm có một tên riêng.
Như vậy một năm chỉ có 10 tháng, tức là có khoảng thời gian kéo dài hai chu kỳ trăng tròn không được đưa vào lịch. Hoàng Ðế Romulus cho rằng đây là thời khắc của mùa đông chẳng có ý nghĩa hay ích lợi gì với nông nghiệp, nên không cần quy ước thời gian.
Khoảng thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên, Hoàng Ðế Numa Pompilius là người quyết định đưa thêm hai tháng nữa vào Lịch La Mã cho đủ 12 chu kỳ của Mặt Trăng, mỗi tháng có 28 ngày, tổng cộng là 354 ngày. Tuy nhiên vị vua này lại cho rằng số 28 là con số không may mắn, vì thế ông quyết định cho Tháng Giêng thêm một ngày thành 29 ngày, riêng Tháng Hai không hiểu vì lý do gì vẫn giữ nguyên chỉ có 28 ngày.
Lịch La Mã dưới thời Ðại Ðế Cesar được chỉnh sửa và hiệu đính trở thành Lịch Julius, nhưng quyển lịch này vẫn chưa hoàn hảo. Cứ 128 năm sự sai biệt lên đến một ngày. Năm 1582 theo Công Nguyên sự sai biệt đã lên đến 10 ngày. Ðức Giáo Hoàng Gregory XIII quyết định bỏ 10 ngày trong tháng 10 năm đó, để cho lịch và mùa màng cùng tương ứng. Chính vì thế ngày 4 tháng 10 năm 1582 là ngày 15 tháng 10 năm 1582. Từ đó Lịch Julius trở thành Lịch Gregory [Gregorian Calendar].
Ðể tránh sai biệt tuy vẫn giữ năm nhuận, Lịch Gregory lấy năm có số thứ tự chia chẵn cho 4 làm năm nhuận như 1964, 1980, 2004; các năm tận cùng bằng 00 – năm cuối của thế kỷ như 1600, 1700 … – thì chỉ các năm chia chẵn cho 400 mới là năm nhuận (1600, 2000, 2400 …). Nhờ cách tính này trong vòng 3,322 năm mới có sai biệt một ngày, giữa năm thiên văn và năm theo Dương Lịch.
Vì thông tin chậm trễ và vì lý do tôn giáo, nhiều quốc gia không áp dụng ngay lập tức Lịch Gregory. Anh Quốc và Hoa Kỳ, lúc còn là thuộc địa của Anh, mãi đến năm 1752 mới theo lịch này, lúc sử dụng lại bỏ bớt 11 ngày trong lịch. Ðó là lý do tại sao Tổng Thống George Washington sinh ngày 11/2/1731, nhưng dân chúng Hoa Kỳ đón mừng sinh nhật của ông vào ngày 22/2. Sau năm 1917 Nước Nga mới dùng đơn vị thời gian theo Lịch Gregory; các nước còn theo cộng sản kỷ niệm Cách Mạng Tháng Mười của Nga vào tháng 11 Dương Lịch.
Có thể nói Dương Lịch Gregory qua nhiều tiền thân, theo giòng thời gian cùng song hành với cõi người ta trong tiến trình phát triển văn minh, văn hóa và công nghệ thông tin trên Trái Ðất, ngôi nhà chung của nhân loại.
Hải Vân (Chủ Nhật ngày 1 tháng 1 năm 2017)
Hồng Anh st