Tình yêu trong văn học Đông-Tây

Tình yêu trong văn học

 

ĐÔNG - TÂY

 

Có thể khẳng định mà không sợ sai lầm khi nói rằng, tình yêu là chủ đề quan trọng hàng đầu trong văn học thế giới qua mọi thời đại. Toàn bộ bản trường thi “Paradise Lost – Thiên Ðường Ðã Mất” của John Milton sẽ chán như cơm nếp nhão, nếu người đọc không chú ý đến mối quan hệ giữa Adam và Eva. Cũng như tiểu thuyết “Hồng Lâu Mộng,” nếu không có hai nhân vật Lâm Ðại Ngọc và Giả Bảo Ngọc làm trung tâm thu hút sự chú ý của độc giả, chắc chẳng ai đủ kiên nhẫn đọc hết trọn bộ tác phẩm kinh điển này. Cũng không hề có ai nhớ Petrarca, thi sĩ hàng đầu của Ý Ðại Lợi, từng làm thơ biện minh cho tôn giáo, trong khi cả thế giới đều thuộc lòng những bài Sonnet trữ tình của ông. Huyền thoại về Quốc Vương Arthur trong Văn Học Anh Quốc sở dĩ bền bỉ, bởi vì không ai quên được mối tình bi thảm của ông và Hoàng Hậu Guinevere, từ khi có sự xuất hiện của Hiệp Sĩ Lancelot. Ông Sophocles, nhà biên kịch vĩ đại nhất trong Văn Học Hy Lạp cổ đại, đã nói về ái tình trong bi kịch “Antigone.” Tình yêu ngang hàng với những quy luật lớn ngự trị trên thế giới. Nữ thần Ái Tình không cần chiến đấu cũng bắt người ta phải quy phục và làm theo ý của nàng.

Ca ngợi tình yêu cuồng nhiệt nhất, ngoài Văn Học Tây Ban Nha, phải kể đến các nhà thơ thời Phục Hưng – Renaissance ở Ý Ðại Lợi.

 Triết gia Schopenhauer xem tình yêu là biểu hiện cho ý chí sống mù quáng nhất, mãnh liệt nhất trong cõi người ta. Nhưng thật khổ cho cả thi sĩ lẫn triết gia thuở xưa, nếu như họ được sống vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 này, để chứng kiến sự sụp đổ thảm hại của các ý tưởng xinh đẹp, làm nền tảng cho thi ca và triết lý từ bao nhiêu đời. Cùng với những giá trị truyền thống khác, tình yêu – hiểu theo nghĩa lãng mạn cổ điển – bắt nguồn từ Văn Học Trung Cổ, cũng phải đội nón ra đi, hoặc sống vất va vất vưởng như kẻ hành khất cuồng si, trong tâm hồn của những người lãng mạn cuối cùng trên hành tinh Trái Ðất.

Herbert Marcuse trong “Eros And Civilization – Tính Dục Và Văn Minh” chứng minh rằng: Tình yêu, trong văn minh Phương Tây, được thực hiện như năng lực tính dục bị ức chế mục đích trước những điều cấm kỵ trong xã hội, và tình yêu bị phụ thuộc vào quyền hôn nhân duy nhất. Hãy theo dõi dấu vết của tình yêu trong sự phát triển của tiểu thuyết tại Hoa Kỳ. Mãi đến thời của Francis Scott Key Fitzgerald, tình yêu vẫn là một loại tình cảm được tôn trọng và chăm sóc. Tình yêu, đối với Fitzgerald, luôn xoay quanh niềm ao ước và sự tuyệt vọng. Nhưng đến khi Ernest Miller Hemingway xuất hiện, tình yêu theo kiểu Fitzgerald thật sự vĩnh biệt thế giới Văn Chương Mỹ.

Trong Văn Chương Pháp cũng vậy. Gustave Flaubert với “Madame Bovary,” và Stendal với “Le Rouge Et Le Noir – Ðỏ Và Ðen” đều không dám coi thường ái tình. Nhưng đến Albert Camus thì chẳng còn gì; tình yêu chỉ là một cảm xúc như bao cảm xúc khác, có điều kích thích hơn một chút, thế thôi.

Văn học Phương Tây đã tán thán về tình yêu như vậy. Còn Văn Học Phương Ðông thì sao?

Những chuyện tình Phương Ðông thông thường dư đầy nước mắt. Ngoài “Hồng Lâu Mộng,” nổi tiếng vì nước mắt của Lâm Ðại Ngọc, độc giả Việt Nam cũng có thể nhận thấy nước mắt, sự sầu muộn trải dài trong“Ðoạn Trường Tân Thanh” của Nguyễn Du. Khi viết “Kim Vân Kiều” Thanh Tâm Tài Nhân tuyên bố: “Trong thiên truyện này, Chữ Tình là một Ðại Kinh – sợi dây lớn xuyên suốt theo chiều dọc; Chữ Khổ là một Ðại Vĩ – sợi dây lớn xuyên suốt theo chiều ngang.” Riêng Nguyễn Du nói thẳng: “Tu là cõi phúc, tình là dây oan.”  Xuân Diệu lại nhận định: “Yêu là chết ở trong lòng một ít.”

Tiểu thuyết tình lãng mạn đầu tiên ở Việt Nam là “Tố Tâm” của Song An Hoàng Ngọc Phách, cũng không thoát khỏi định luật “Yêu thì khổ!” Tình yêu được các nhà văn Việt Nam mô tả bằng nhiều sắc thái đa dạng.“Cung Oán Ngâm Khúc” của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều viết về tình yêu cô độc của người cung nữ, nghiêng bình phấn mốc chờ đợi đấng quân vương không bao giờ đến. “Chinh Phụ Ngâm” của Ðặng Trần Côn và Ðoàn Thị Ðiểm là tình yêu mê sảng. Người chinh phụ bị căng ra giữa hai thái cực: Lo sợ và hy vọng, tình trong giấc mộng muôn vàn cũng không. “Truyện Thúy Kiều” là tình yêu hoài niệm, nhớ nhung, xa cách. Tai họa của Thúy Kiều chính là ký ức của nàng, về mối tình bất diệt đầu đời: “Hồn còn mang nặng lời thề. Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.”

Người Phương Tây nhận định: Tình yêu là sự đam mê, cuồng nhiệt, mù quáng, được tượng trưng bằng mũi tên của Thần Cupid, con trai Thần Venus. Tình yêu giữa Tristan và Yseult. Tình yêu của Samson đối với Delilah. Tình yêu của Quốc Vương Solomon đối với Hoàng Hậu Sheba. Tình yêu của Romeo và Juliet. Ngay cả nước Anh trầm lặng đầy sương mù, cũng sáng tạo ra được một chuyện tình đầy giông bão: “Wuthering Heights – Ðỉnh Gió Hú.” Thần chết bay lượn trên đầu của đôi tình nhân, ngay từ khi bốn mắt khát vọng nhìn nhau. Nhưng tình yêu mạnh hơn sự chết. Những người yêu nhau sẵn sàng trả giá cho khát vọng của họ. Quasimodo, chàng gù của Victor Hugo, vẫn ôm ghì xác chết của nàng Esmeralda khi đi vào cõi vĩnh hằng.

Romeo and Juliet – nguồn PBS

Người Phương Ðông cũng chấp nhận cái chết, vì đó là tột đỉnh của bi kịch tình yêu. Nhưng lòng nhân đạo và tính đa cảm, khiến họ không muốn thần chết là kẻ chiến thắng cuối cùng. Họ muốn rằng cuộc sống hay định mệnh, phải đền bù cho sự cay nghiệt này. Thúy Kiều phải gặp lại Kim Trọng để “tình nhân lại gặp tình nhân, hoa xưa ong cũ mấy phân chung tình.” Hạnh phúc dù chỉ là sự hứa hẹn, cũng sẽ đến sau những ngày tháng phong trần đau khổ. Nguyễn Du khẳng định: “Trời còn để đó hôm nay / Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.” “Chinh Phụ Ngâm” cũng chấm dứt trong niềm hy vọng: “Câu vui đối với câu sầu / Rượu mời cùng kể trước sau mọi lời.” Ngay cả nàng cung nữ của Ôn Như Hầu cũng gắng gượng: “Phòng khi động đến cửu trùng / Giữ sao cho được má hồng như xưa.” Quang Dũng thì mơ mộng: “Bao giờ ta gặp em lần nữa. Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa. Ðã hết sắc mùa chinh chiến cũ. Em có bao giờ em nhớ ta?”

Chính niềm tin tưởng vào một ngày mai được ca hát bên nhau, mà trong những lời thề thốt của các cặp tình nhân Phương Ðông luôn luôn có câu “thệ hải minh sơn,” thậm chí mối tình có thể kéo dài đến kiếp sau. Như Thúy Kiều với Kim Trọng: “Tái sinh chưa dứt hương thề.” Hạnh phúc trong tình yêu, cuối cùng phải là “trên trời nguyện làm chim liền cánh, dưới đất nguyện làm cây liền cành.” Hay cho dẫu vạn dặm xa xăm, vẫn được “cùng nhau nhìn trăng sáng.” Ðó mới là ý nguyện trong tình yêu của người Phương Ðông.

Hồng Lâu Mộng – nguồn sinacom

Hải Vân

 

·٠ • ● ♥- Hồng Anh st -♥ ● • ٠·

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %08 %019 %2017 %18:%02
back to top