Paul Anka con đường tình ai đi

Paul Anka con đường tình ai đi

Ian Bùi

Vừa rồi, Paul Anka đến hát tại rạp Grand Theater của Choctaw Casino, gần biên giới Oklahoma và Texas, nơi quân ta cũng hay tổ chức các chương trình ca nhạc . Phần đông người Việt biết tiếng Paul Anka qua những bài như “Papa”, “My Way”, và dĩ nhiên bài “Diana” đã được Don Hồ chế biến thành một bản cha-cha không thể thiếu vắng trong các buổi nhảy đầm. 

Cờ bay phất phới trong “The Longest Day” ảnh: ianbui

Nhưng nếu đó giờ chỉ biết đến Paul Anka qua dĩa hát, ít ai có thể tưởng tượng ông ta là một nhạc sĩ năng động, giỏi nhảy nhót cũng như pha trò. Phải tận mắt xem Paul Anka trình diễn ta mới cảm nhận hết được sức sống mãnh liệt và niềm đam mê nghệ thuật của người nghệ sĩ 76 tuổi đời này. Hình như cỗ máy thời gian đã quên mất là có Paul Anka hiện diện trong cõi nhân gian. Sau sáu mươi năm hành nghề, giọng hát của ông vẫn còn mạnh mẽ và ngọt xớt. Có thể nói không sai là nghe ông hát trên sân khấu còn đã hơn trong dĩa vì giọng ông không những đầy ắp uy lực mà còn có thêm chất nhựa của một con người từng trải.

Sinh năm 1941 tại Ottawa, Canada, từ nhỏ Paul Anka đã biết mình thích âm nhạc và muốn theo đuổi nghiệp cầm ca. Cha mẹ của Paul Anka là di dân đến từ Lebanon nên chỉ mong muốn con mình học hành đàng hoàng để có nghề nghiệp vững chắc. Tuy nhiên, mẹ của Paul cũng ngấm ngầm khuyến khích cậu con trai có thiên khiếu. Năm lên 15, Paul “để ý” một cô gái lớn hơn mình vài tuổi tên là Diana Ayoub. Tình yêu đơn phương không được đáp trả, chàng trai về soạn một bài nhạc, đặt tên là “Diana”, với những lời hát thật đơn sơ của tuổi mới lớn.

Một khán giả trẻ Á Đông. ảnh: ianbui

Một năm sau, nhờ một sự tình cờ may mắn, Paul Anka gặp nhà sản xuất Don Costa của hãng dĩa ABC-Paramount ở New York, và đã ký được hợp đồng. Ðùng một cái, “Diana” trở thành top hit năm 1957, đứng đầu bảng Billboard ở Anh, Úc, Gia Nã Ðại và Mỹ. Thế là qua một đêm Paul Anka trở thành một hiện tượng “siêu sao tuổi teen” với hằng hà sa số “fan cuồng” là các cô gái mới lớn. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng vào thời điểm đó ông vua Elvis đang làm mưa làm gió trên thị trường nhạc trẻ. Trong khi đó bên Anh bộ tứ John-Paul-George-Ringo vẫn còn tập tễnh đàn hát trong các ban nhạc nhà vườn, chưa chính thức thành lập ban nhạc riêng, và phải mất sáu năm sau “Diana” ban Beatles mới có dĩa nhạc #1 đầu tiên.

Cho đến ngày hôm nay, bài này đã bán được gần hai triệu dĩa và chuyển sang rất nhiều thứ tiếng, kể cả phiên bản Việt ngữ. Trong đêm hôm đó tại Choctaw, Paul Anka đã khai mạc chương trình bằng bài này với một cú mở màn đầy bất ngờ và thú vị.

Sau khi dàn nhạc Big Band gồm mười sáu nhạc công với đủ thứ kèn trống đã yên vị, đèn tắt và một khúc phim trắng đen ngắn được chiếu lên màn hình lớn, tóm lược thời còn trẻ của Paul Anka khi mới bước chân vào nghề. Phim chưa kịp dứt, ban nhạc trổi lên điệp khúc “My Way” thật êm dịu rồi bất thần chuyển qua tiết nhịp quen thuộc của “Diana” và tiếng hát của Paul Anka cất lên. Mọi người dán mắt lên sân khấu, nhưng chẳng thấy người ca sĩ ở đâu cả. Bất chợt, đèn chiếu xuống phía sau khán phòng và ta thấy Paul Anka đang tiến vào giữa hai hàng ghế, vừa đi vừa hát. Thỉnh thoảng ông dừng lại để bắt tay các khán giả nam, ôm hôn các phụ nữ (đa số đều đã lớn tuổi.) Có lúc ông còn cho một bà chụp hình selfie với mình, miệng vẫn không ngừng hát: “I’m so young and you’re so old…” (Anh còn trẻ mà sao em già quá vậy!) Khỏi phải nói, thiên hạ vỗ tay như muốn vỡ rạp.

Hình bìa dĩa đơn “Diana” nguồn: Wikipedia

Liền ngay sau đó Paul Anka leo lên sân khấu và cho bà con thưởng thức một loạt các bản nhạc nổi tiếng một thời như: “For Once In My Life”, “You Are My Destiny”, “Tonight, My Love, Tonight”, “Mack The Knife”, “Puppy Love”, “Lonely Boy”, “You’re Having My Baby”… Nhiều cặp cụ ông cụ bà đứng lên ôm nhau nhảy đầm, y như đang được sống lại thuở thiếu thời. Xen kẽ giữa các bài hát là những câu chuyện dí dỏm được Paul Anka kể lại bằng phong cách điệu nghệ của một người đã sống nhiều năm trong nghề.

Khi hát đến bài “The Times Of Your Life”, nguyên là một nhạc khúc ngắn để quảng cáo cho hãng phim Kodak, màn ảnh chiếu hình những thành viên trong gia đình của Paul Anka qua thời gian: ngũ long công chúa đẹp như tiên (mẹ là siêu mẫu Anne de Zogheb), những đứa cháu ngoại kháu khỉnh, cậu quý tử mới 12 tuổi (con bà vợ thứ ba). Paul Anka vừa hát vừa nói chuyện với khán giả như một ông già đang khoe mấy đứa cháu của mình. Tiếng hát bình dị, lời lẽ chân thành hòa cùng tiếng nhạc tràn đầy và dàn âm thanh tuyệt hảo, tạo nên một không khí thật ấm cúng.

Những kỷ niệm của Paul Anka với bộ ba Rat Pack (Frank Sinatra, James Dean, Sammy Davis Jr) còn giúp ta hiểu thêm về thế giới showbiz của những thập niên 1950-60. Riêng đối với cố ca sĩ da đen Sammy Davis Jr., Anka đã soạn riêng một màn song ca dùng kỹ thuật video để phối hợp một bản nhạc xưa của Davis với dàn nhạc Big Band của ông. Phải nói đây là một trong những màn gây ấn tượng nhất trong chương trình, có lẽ vì Paul Anka đã hát với sự chân tình dành cho một người bạn thiết. Ta có thể nhìn thấy điều đó rất rõ nhờ hai màn ảnh lớn treo hai bên sân khấu. Mỗi nét mặt, mỗi cử chỉ, mỗi cái khoát tay đều được phóng lớn, giúp người xem cảm nhận được nỗi lòng người nghệ sĩ.

Paul Anka và vợ mới cưới, Anne de Zogheb, cùng với Elvis. nguồn: Internet

Một điều ít ai biết là ngoài nghề soạn nhạc và hát Paul Anka còn đóng phim. Paul Anka từng thủ vai chính trong một số phim như “Girls Town” (1959), “In Any Window” (1961), “Captain Ron” (1992). Ngoài ra ông cũng xuất hiện trong nhiều chương trình TV như “That 70’s Show”, “Gilmore Girls”, “Las Vegas” v.v…

Trong phim “The Longest Day” (1961) về cuộc đổ bộ của Ðồng-Minh lên bãi biển Normandy trong Ðệ-Nhị Thế-Chiến, Paul Anka đóng vai một anh binh nhì chết nhát. Mặc dù đã được đạo diễn cho biết phim này không cần nhạc đệm vì là phim chiến tranh, nhưng sau khi từ Pháp trở về Mỹ, Paul Anka đã nổi hứng soạn một bài nhạc và được đưa vào phim. Bài này trước năm 75 đã được nhiều người Việt biết đến qua tựa đề tiếng Pháp “Le Jour Le Plus Long” (Ngày Dài Nhất Lịch Sử). Trong chương trình đêm đó, đây là bản nhạc duy nhất được khán giả đứng lên vỗ tay nhiệt liệt, với hình ảnh lá cờ Hoa-Kỳ tung bay phất phới.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2002, Paul Anka nói ông xem mình là một nhà soạn nhạc hơn là ca sĩ. Nhưng bởi vì những sáng tác của ông thuở ban đầu không ai muốn hát nên ông buộc lòng phải tự hát lấy.

Ông cho rằng giọng hát của mình thiếu chuyên nghiệp, không được huấn luyện bài bản và chưa đủ phẩm chất. Thành thử ông vẫn thích sọan nhạc cho người khác hát hơn, nhất là cho bạn bè và những nghệ sĩ mình quen biết, như Buddy Holly (“It Doesn’t Matter Anymore”), Tom Jones (“She’s A Lady”), hai bài được hưởng ứng vô cùng nồng nhiệt trong đêm đó.

Bài “My Way” ra đời trong một trường hợp khá ly kỳ. Paul Anka kể có lần Frank Sinatra than thở rằng ông ta chán showbiz lắm rồi, chỉ muốn giải nghệ. Nghe xong Paul Anka bị sốc nặng và rất buồn rầu. Một hôm, ngồi trong cánh gà sân khấu Anka suy nghĩ nhiều về viễn tượng Frank Sinatra bỏ nghề. Về nhà ông bỏ ra một đêm soạn lời cho bài “My Way”, vốn là một nhạc phẩm gốc tiếng Pháp mang tên “Comme D’habitude” của nhạc sĩ Claude François. Lời tiếng Anh của Anka không dính dáng gì đến bản Pháp ngữ, nhưng nó nói lên được tâm tư của Sinatra. Ngay sáng hôm sau, Anka gọi Sinatra cho hay vừa soạn xong bài nhạc. Sinatra bảo Anka bay liền qua Las Vegas để hát thử cho ổng nghe. Không cần nói thì ta cũng biết Sinatra thích bản này cỡ nào. Sau khi Sinatra cho ra dĩa, bài này đã ngay lập tức lên đầu bảng và nằm lại trong “Top 40” bên Anh 75 tuần liên tục, một kỷ lục vẫn còn đứng vững cho tới ngày hôm nay.

Hai nhạc sĩ thổi kèn đứng bán dĩa hát kiếm tiền phụ trội ảnh: ianbui

Mặc dù Paul Anka không có một chất giọng thiên phú như Frank Sinatra hay Tony Bennett, nhưng ông biết cách chăm sóc giọng hát của mình. Nhờ giao du nhiều với dân nghệ sĩ trong giới showbiz nên ông biết rõ tác hại của rượu chè trác táng. Ông tập thể dục thường xuyên và cũng rành môn yoga. Bởi vậy nên dù đã đi hát 60 năm, giọng hát của Paul Anka vẫn còn khoẻ mạnh không thua gì mấy khi xưa. Những khi cần lên cao, ta thấy ông không phải gân cổ một cách khó nhọc, chứng tỏ kỹ thuật ông rất vững và nội lực ông thâm hậu.

Trước khi kết thúc chương trình ông lại làm một tua thăm hỏi khán giả. Nhìn một ông già 76 tuổi nhanh nhẹn, hoạt bát, lui tới trong đám đông vừa hát vừa pha trò, ta cảm thấy có một sự gần gũi giữa người nghệ sĩ và kẻ hâm mộ ít khi nào được chứng kiến tận mắt. Thậm chí ông còn mời một phụ nữ ra nhảy với mình trong bài “Put Your Head On My Shoulder”. Trong số khán giả đêm ấy cũng có một số trẻ em, thật là một điều đáng mừng. Và khác với nhiều show trước, lần này cũng có không ít những khuôn mặt Á-Ðông, kể cả Việt-Nam. (Ngày 12/5 sắp tới Barry Manilow sẽ đến đây hát, chắc cũng sẽ có nhiều người Việt đi xem.)

Ðáng tiếc nhất là chương trình đêm ấy không có bài “Papa” mà lâu nay tôi hằng mong được nghe chính Paul Anka hát. Nhưng như để bù lại, ông đã cho bà con thưởng thức bài “Purple Rain” của cố nhạc sĩ Prince vừa mất năm ngoái, lồng trong bài “Do I Love You” mà ông song ca với Dolly Parton trong dĩa CD mới được bày bán ngoài hành lang (sau show thiên hạ xúm vô mua quá chừng).

Và y như sự mong đợi của mọi người, bản nhạc cuối cùng là bài tủ “My Way”, với phần guitar thùng mở đầu rất ấn tượng. Nhưng thay vì chấm dứt như các ca sĩ bình thường, Paul Anka lại chơi nghịch theo kiểu của mình (his way) bằng cách chêm vào phút chót bài “Proud Mary” (của Creedence Clearwater Revival), làm cho không khí vui nhộn hẳn lên trước khi quay trở lại với đoạn kết của “My Way” trong tiếng vỗ tay ầm ĩ và sự tiếc nuối của gần hai ngàn người hâm mộ.

 

Ngọc Lan st

back to top