HÀNH TRÌNH CHUYẾN ĐI XUYÊN VIỆT 2017 # 5

HÀNH TRÌNH CHUYẾN ĐI XUYÊN VIỆT 2017 # 5

 *** Nam Mai ***

Hà Giang - Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn: Thứ sáu, ngày 6 tháng 1 năm 2017

Sáng nay tại Trường Xuân Resort, mọi người dậy thật sớm ăn sáng, check out và khởi hành lên đường đi Đồng Văn.

Hình chụp trước giờ rời Trường Xuân Resort (Hà Giang)

Theo thông lệ, Cậu Tuyến "báo cáo chương trình hành quân" cho mọi người biết trước khi lên đường, là hôm nay mình sẽ phải lái xe mất vào khoảng 195km. Đi từ Trường Xuân Resort, sẽ vượt qua chặng đường đèo hơn 40 km và dừng chân tại điểm cao nhất là Cổng Trời Quản Bạ, tại đây mình có thễ ngắm toàn bộ thị trấn Tam Sơn xã Quản Bạ, xem Núi Đôi Cô Tiên. Ngắm cảnh và chụp ảnh xong sẽ

đi Yên Minh - trên đường đi sẽ ghé thăm nhà của Vua Mèo Vương Chí Sình, và sau đó thẳng đường lên Cao Nguyên Đá Đồng Văn. Nếu trời nắng, đường đẹp sẽ đi xem Cột Cờ Lũng Cú nơi địa đầu của Tổ Quốc, nếu trời xấu và trễ quá thì sẽ phải huỷ bỏ mục cuối cùng vì các cô "kỵ" chuyện lái xe đường đèo trong lúc trời chập choạng tối.

Xe bắt đầu khởi hành lúc 7:30 am. Hôm nay trời sương mù và mưa phùn hơi nhiều, đã vậy đường đi lại vòng vèo, đường núi quanh co lên lên xuống xuống rất là nguy hiểm. Mấy bà đều háo hức vì bắt đầu từ chỗ này trở đi nghe nói là phong cảnh sẽ "cực kỳ" đẹp, nhưng đường đi cũng sẽ quanh co hiểm trở lắm cho nên dù có háo hức thật đấy nhưng ai cũng thấy teo teo trong bụng các bác ạ. Cậu Tuyến cho hay chỉ trong vòng 30 phút nửa là sẽ đến Cổng Trời Quản Bạ, nhưng nếu trời vẫn còn sương mù dầy đặc như thế này thì sẽ không nhìn thấy rỏ Cổng Trời. Thú thực khi nghe đến cái tên Cổng Trời Quản Bạ thì mình cứ ngờ ngợ không biết cái chỗ đèo heo hút gió, rét lạnh như cắt da này có phải là cái nơi mà Họ đã đưa Cha, Chồng, Anh, Em của chúng ta đến để "học tập cải tạo" không? Căng mắt nhìn quanh quất thì cũng chỉ thấy núi non trùng điệp lờ mờ trong màn sương, nếu là đúng thì chắc các trại đó cũng phải ở trong rừng sâu thẩm chứ làm gì có ở ngay con đường cái quan mà mình đang đi đâu nhỉ?

8:25 am: Xe phải ngừng lại vì có công trình sửa đường phía trước. Họ phải chia làn cho 2 bên xe lên/ xuống và sẽ không biết bao lâu thì mình mới được bắt đầu tiếp tục để đi đến Cổng Trời Quản Bạ đây?

Cổng trời Quản Bạ, Hà Giang – cao 1500m so với mặt biển, nằm cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 46 km về phía bắc, đây là cửa ngõ đầu tiên lên cao nguyên Đồng Văn. Vào năm 1939, người Pháp đã dựng một cánh cửa khổng lồ bằng gỗ nghiến dày 150cm ở ngay Cổng trời. Một thời, sau cánh cửa gỗ này là một “thế giới” khác – còn gọi là “Vùng tự trị của người Mèo”, gồm các huyện Quản Bạ, Mèo Vạc,Yên Minh và Đồng Văn do cha con Vua Mèo Vương Chính Đức và Vương Chí Sình cai quản. Ngày nay cánh cửa đó không còn nữa, thay vào đó là tấm biển đề chữ bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh: Cổng trời Quản Bạ.

 Đường lên cổng trời phải vượt qua những cung đường đèo khúc khuỷu vắt ngang những ngọn núi đá tai mèo cao vút, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, càng lên cao sương mù càng dày đặc. Qua những khúc cua tay áo, những đoạn dốc cheo leo đầy nguy hiểm mới lên được đến đỉnh đèo, và trước mắt mình hiện ra là cổng trời Quản Bạ ngập chìm trong biển mây mù và sương núi. Nhìn lại phía sau, con đường uốn quanh và nhỏ xíu như một sợi dây thừng, chẳng mấy chốc bị xóa nhòa bởi sương núi, bây giờ thì du khách cảm thấy bị choáng ngợp khi thấy mình như đang chìm trong một biển mây.

Đi thêm vài chục bậc thang lên đến cái chòi gạch này, đứng đây mình có thễ thu vào tầm mắt toàn bộ Thị Trấn Tam Sơn, Núi Đôi Cô Tiên ....

Nhìn ngược xuống dưới, thấy con đường vừa đi ngoằn ngoèo dốc đứng, len lỏi giữa trùng vây mây trời, núi non tầng tầng lớp lớp trùng trùng điệp điệp. Nhìn về trước mặt là thung lũng rộng lớn với những thửa ruộng xanh trải dài, xen lẫn màu nâu trầm của đất, thấp thoáng là những mái nhà của bản làng các dân tộc. Nổi bật lên là hình ảnh Núi Đôi Quản Bạ (hay còn gọi là núi Cô Tiên) với hình hai quả núi như đôi nhũ hoa căng tràn nhựa sống của người con gái đang độ xuân thì. Núi Đôi Quản Bạ Hà Giang, nằm cạnh quốc lộ 4C, cách thị xã Hà Giang 40 km. Giữa núi đá và ruộng bậc thang trùng điệp, nổi lên hai trái núi có hình dáng kỳ lạ, khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hóa. Hai trái núi này gắn với truyền thuyết Núi Đôi Cô Tiên.

Thị Trấn Tam Sơn

Núi Đôi Cô Tiên

Hình chụp từ trên chòi cao nhìn xuống Thị trấn Tam Sơn & Núi Đôi Quản Bạ

Sau khi ngắm cảnh và chụp ảnh chán chê, mọi người tiếp tục lên đường đi Yên Minh. Yên Minh là một huyện biên giới phía Bắc của Việt Nam, thuộc tỉnh Hà Giang.

Đường từ đây đi Yên Minh cảnh đẹp vô cùng, đã vậy thỉnh thoảng lại có những khu rừng thông trồng trên những thửa ruộng bậc thang làm cho cảnh càng thêm đẹp, tuy nhiên đường đèo quanh co khúc khuỷu lên xuống rất là nguy hiểm, nhất là khi lên cao bị dầy đặc sương mù làm cho xe gần như là không thấy đường để tiến tới. Các bác ơi, cảnh đẹp thì có đẹp thật, cảnh đẹp phải nói là đẹp đến nín thở luôn, nhưng mà ai nấy đều run, chân cẳng gì cũng lạnh ngắt luôn vì đường đèo lên xuống nguy hiểm quá, ngực như thót lại khi bất chợt nhìn thấy có xe đối diện với xe của mình thình lình xẹt xuống hoặc trờ tới 1 cách bất ngờ khi xe vừa cua qua 1 cung đường đèo khúc khuỷu trong màn sương dầy đặc. Lúc ấy thì không thễ nào mà không run và tim thì tưởng chừng như muốn thót ra khỏi lồng ngực các bác ạ.

Mấy cái hình này mình chụp thật không thấm vào đâu khi so với phong cảnh mình nhìn bằng mắt thật các bác ạ. Cảnh bên ngoài đẹp lắm, đẹp đến nín thở luôn.

Hàng năm tại Hà Giang họ thường tổ chức Lễ Hội Hoa Tam Giác Mạch. Tam giác mạch là một loại hoa đặc trưng của xứ đá tai mèo. Mùa tam giác mạch ở Hà Giang thường kéo dài từ đầu tháng 10 đến hết tháng 12. Tam giác mạch trải dài trên những cung đường đèo là một trong những cảnh được du khách say mê nhiều nhất. Hoa tam giác mạch có vòng đời khoảng một tháng, mới đầu hoa nở có màu trắng, sau chuyển sang phớt hồng, rồi ánh tím và cuối cùng là màu đỏ sậm.Chẳng ai có thể ngờ được là tại vùng đất cao nguyên cằn cỗi, toàn sỏi trơ trọi và đá tai mèo dựng đứng lại có thể mọc lên được một loài hoa dịu dàng đến thế. Hoa tam giác mạch có khi mọc bạt ngàn như một cánh đồng, khi thì mọc chênh vênh thành những nương hoa, có khi lại lẻ loi lấp mình trong kẻ đá.

Hình này N chụp trên 1 cánh đồng Tam Giác Mạch còn sót lại hoa nở muộn.

Hai hình kế tiếp N lấy trên Internet để các bạn thấy hoa Tam Giác Mạch nở rộ vào tháng 10 đẹp như thế nào nè. Nếu mình lên Hà Giang khoảng tháng 10 thì sẽ nhìn thấy bạt ngàn những cánh đồng hoa trên đường đèo như thế này đây.

 

Khoảng 12:20 trưa thì xe từ từ đi xuống khỏi đèo cao để bắt đầu vào thị trấn Yên Minh. Bên đường có những núi đá mọc chơ vơ như thế này.

Xe sắp đi vào thị trấn thì bắt đầu có chợ. Rau, củ của các đồng bào dân tộc trồng tại vườn nhà rất tươi và bảo đảm không bón phân hoá học nên Cậu Tuyến ghé vào mua để đem về cho vợ khi đoàn trở về Hà Nội. Sau này vì xe còn rộng chỗ cho nên đi đến nơi nào có chợ phiên của người dân tộc thì cậu ấy còn mua thêm cả Nghệ tươi, Hoa quả, Chuối thì mua cả nguyên 1 buồng đến mấy chục nải còn xanh để đem về Hà Nội ăn dần. Bốn bà cũng theo chân cậu Tuyến vào các chợ của người dân tộc họp 2 bên đường để mua trái cây, củ nghệ tươi, hoặc bột nghệ họ đã xay ra sẳn, và cả mật ong .... để dành ăn dần vào mỗi buổi sáng. Tại đây mình còn thấy có nhiều loại củ nghệ rất lạ gồm có màu vàng, màu trắng và cả màu đen nửa.

Trong hình, rau, củ họ trồng dưới đất ngay sau chỗ đang bán hàng đấy.

Khoảng 12:30 pm thì xe vào đến thị trấn Yên Minh để cả nhà ăn trưa, và rời thị trấn lúc 1:30 pm để lên đường đi cao nguyên đá Đồng Văn.

Nhà của đồng bào dân tộc ở 2 bên đường trước khi ra khỏi thị trấn.

Khi đi gần vào thị trấn hoặc các bản có nhà ở gần ngay đường xe chạy, tài xế phải rất cẩn thận vì trẻ con sẽ được để cho tự do thoải mái ngồi chơi ngay gần ngoài đường xe chạy qua lại, ngay cả gà, chó, heo, bò .... gì gì cũng thả rong

thoải mái. N tò mò hỏi chú Dũng "họ thả đi lung tung như thế, ngộ nhỡ mình cán chết phải con gà của họ đang chạy ngoài đường thì sao?" Cả Chú Dũng và Cậu Tuyến đều cùng bảo " tốt hơn hết là nên cẩn thận, đừng để xảy ra chuyện đụng cán chết con gì của họ, vì nếu cán chết 1 con gà, cô không phải chỉ đền 1 con gà đã chết đó thôi, mà họ sẽ tính ra là con gà ấy nếu không chết thì sẽ đẻ ra bao cái trứng, bao cái trứng ấy sẽ nở thành ra mấy con gà và cô sẽ phải đền cho họ cái số $ mà họ tính ra đấy". "Thế mình đụng chết rồi bỏ chạy luôn?" "Cả làng, cả bản họ sẽ kéo nhau ra vây cô lại, bắt cô đền đủ thì mới tha cho đi !!!!". Good to know hả các bác? Nếu các bác có dịp chạy xe lên trên đó thì nhớ đừng có mà cán chết con gì của họ đấy nhé. Cậu Tuyến nói người dân tộc miền núi rất hiền, rất thật thà và tốt bụng, nhưng họ có cách tính theo cái lối của họ mà mình phải theo thôi.

Ra khỏi thị trấn một lúc thì xe lại bắt đầu vòng vèo leo núi nửa. Lúc này trời đã quang đảng không còn sương mù như buổi sáng sớm nửa cho nên dù xe có cua đèo hay đổ đèo gì thì các bà cũng thấy đở lo hơn lúc sáng nay. Phong cảnh hai bên đường đẹp như tranh vẽ .... (cũng phải thú thật là tay nghề của N dở ẹt cho nên nhìn mấy tấm hình N chụp đây sẽ không thấy cảnh đẹp như nhìn bằng mắt thật của mình ở bên ngoài đâu ạ.

Đường leo núi quanh co thì vẫn phải leo, nhưng đã quá trưa cho nên trời không còn sương mù dầy đặc như buổi sáng sớm nửa. Mấy bà giờ đã "hoàn hồn" lại rồi nên trên xe mọi người lại bắt đầu ồn ào "tám chuyện". Chẳng bù cho suốt cả buổi sáng nay, bà nào bà nấy nín khe, người nào người nấy ngồi cứng đơ, mồm miệng im ru bà rù .... không ai dám nói một câu. Ngay cả "cái đài phát thanh" MT cũng thấy tắt tiếng, chắc cô ta đang "tụng kinh niệm Phật" các bác ạ. Quên kể cho các bác nghe là, ngoài chuyện bắt MT mở máy nói để "entertained" chú Dũng tài xế ra, tụi này còn phải OK để chú Dũng mở CD nghe nhạc thả dàn cho chú khỏi buồn ngủ, vì thế ai cũng phải chịu trận nghe nhạc suốt ngày không ngừng nghỉ. Ông Tài Xế và Tour Guide của Group 4 tuy là dân Bắc Kỳ thứ thiệt, sinh ra và lớn lên tại miền Bắc nhưng 2 ông này rất MÊ mấy bài nhạc mà ngày xưa mình gọi là Nhạc Sến, bi giờ trong nước họ gọi là "Nhạc Vàng Bolero". Hai người này mê như điếu đổ giọng hát của Chế Linh, Quang Lê, Tuấn Vũ, Phi Nhung, Như Quỳnh, Duy Khánh và Lệ Quyên....với những bài hát củ của các nhạc sĩ miền Nam đã sáng tác vào những năm 60,70 như Về Đâu Mái Tóc Người Thương, Nửa Đêm Ngoài Phố, Sầu Lẻ Bóng, Hoa Nở Về Đêm, Ngọn Trúc Đào, Ai Khổ Vì Ai, Em Về Kẻo Trời Mưa ...vv...và ...vv... Hỏi 2 chú có thích giọng ca và các bài hát của Khánh Hà và Tuấn Ngọc không thì 2 chú này nói không biết hai ca sĩ đó là ai cả !!! Bắt đầu khi lên xe đi từ Bắc Hà Lào Cai cho tới bây giờ, chú Dũng chỉ nghe độc nhất có 1 cái CD thôi trời ạ. Chú Dũng nói, đây là cái CD đang HOT nhất tại Hà Nội hiện nay. Nghe đi nghe lại cái CD này suốt từ lúc lên xe cho đến tối xuống xe check in vào khách sạn thì mới thôi, và ngày kế tiếp lại nghe nửa. Người đau khổ nhất là chị TN, vì chị chiếm băng ghế đàng sau, nằm xuống thì bị ngay cái loa chiếu tướng vào lỗ tai, 1, 2 ngày đầu nghe thì còn hay và thích thú, nhưng sau này nghe rền trong vòng 10 ngày thì chị chịu hổng nổi nửa. Chị yêu cầu tắt hay đổi CD, nhưng chú Dũng chỉ có mỗi một cái CD đó thôi. Còn tắt thì MT và N phản đối, vì sợ chú Dũng buồn ngủ, lái xe lạng quạng nguy hiểm cho cả xe. Thật ra tất cả mọi người trên xe ai cũng ok với cái CD đó, cho nên về sau chị TN mới "chửa cháy" bằng cách đeo Earplug vào và nghe nhạc trong cái phone của chị ấy, thế là vui vẻ cả làng. May mà chú Dũng và cậu Tuyến mê nhạc Vàng Bolero với các bài hát của những nhạc sĩ miền Nam mình, chứ Chú ấy mà lại mê nghe cái CD "nhạc Đỏ" với những bài hát đầy sắt máu và với những giọng ca Opera hát lơ lớ không rỏ lời của miền Bắc .... thì chắc cả đám sẽ phải từ chết

đến bị thương thôi. Sau này khi về đến Hà Nội đi đến chỗ nào N cũng nghe người ta mở nhạc hát toàn Nhạc Vàng Bolero, CD thì toàn những bài mà Chế Linh, Tuấn Vũ, Phi Nhung, Như Quỳnh, Lệ Quyên, Trường Vũ ..... đã hát. Và lại bị nghe cái CD mà chú Dũng đang có ở trong xe các bác ạ. Hoá ra người miền Bắc bi giờ lại thích nhạc Vàng Bolero của miền Nam mình hồi xưa nhỉ? Hỏi cậu Tuyến, thì cậu nói là mê lắm, vì cái dòng nhạc ấy nó rất thật, lời và nhạc của nó đi sâu thẳng vào tâm hồn mình một cách thật tự nhiên .... nó nói giùm hết những tâm sự mà mình đang có ..... cho nên chúng cháu rất mê nhạc vàng Bolero của miền Nam.

Xe đang leo đèo trên con đường thiên lý thì thấy xa xa có những em bé người dân tộc lưng đeo những cái gùi đầy ấp những luống cải hoa vàng mà các em vừa mới đi hái về. Hình ảnh thật là đẹp và dễ thương nên mọi người yêu cầu chú Dũng ngừng lại để cho quà các bé và chụp hình làm kỷ niệm. Các bạn nhớ là mai mốt có đi thì nhớ mang theo trên xe nhiều bánh, kẹo, trái cây hoặc nếu có giờ đi mua và có chỗ trên xe thì nhớ mang theo một ít tập viết, bút chì, bút bi để cho các bé trên miền núi này, các bé rất thích. (không nên cho tiền nha).

Bây giờ tại nơi đây là khoảng hơn 2:30 pm chiều, cậu Tuyến hỏi ý kiến mọi người là có muốn đi xem cột cờ Lũng Cú, nơi địa đầu của Tổ quốc hay không?

 

Nếu đi, xe sẽ quẹo tay trái lên đường đi Lũng Cú, vừa đi, vừa trở về đến ngay tại địa điểm này thì sẽ mất vào khoảng gần 5 tiếng. Và như thế khi quay trở lại sẽ vào khoảng hơn 7:00 tối, sau đó lại còn phải lái hơn 2 tiếng nửa mới đến Đồng Văn. Để cho công bằng, mọi người đồng ý với cách bỏ phiếu lấy ý kiến. N với tư cách trưởng đoàn, vote NO. Là vì chỉ có đi xem cái cột cờ đỏ hoét kia, phải lái mấy tiếng mới đến nơi, chỉ kịp nhìn nó rồi chụp 1 cái hình xong là phải quay về liền vì sẽ không có đủ giờ để cho mình leo lên đỉnh cột cờ hoặc chụp nhiều hình tại đó vì trời gần tối rồi, khi về lại còn phải lái xe đường đèo trong lúc trời tối, đêm xuống có thễ còn bị sương mù nửa cho nên N thấy không có lợi. Rốt cuộc lại có 3 phiếu NO, chỉ có mình MT là muốn đi nên thiểu số phải phục tùng đa số vậy.

2:34 pm: Xe quẹo phải vào xã Xũng Là để đi Đồng Văn (nếu quẹo trái là đi Lũng Cú). Cậu Tuyến nói còn 26 km nửa thì sẽ đến Đồng Văn. Trên đường đi Đồng Văn, mình sẽ ghé vào thăm Dinh Thự của Vua Mèo Vương Chính Đức và con trai là Vương Chí Sình. Xe đến nhà Vua Mèo vào lúc 3:15 pm.

Vương Chính Đức (1865 - 1947) là người duy nhất được đồng bào người Mông nơi đây suy tôn là vua Mèo và chính thức cai quản 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn. Sau khi Vua Mèo Vương Chính Đức mất, con trai là Vương Chí Sình (1886-1962) lên tiếp quản.

Toàn bộ dinh thự vua Mèo có diện tích gần 3.000 m2, bắt đầu được xây dựng vào năm 1919, hoàn thành vào năm 1928. Thời điểm xây dựng dinh thự, nơi đây chưa hề có máy móc, đường sá thì hiểm trở vô cùng. Do đó, dinh thự hoàn toàn do sức lực đồng bào người Mông ở đây làm thủ công. Tất cả các vật liệu đá của dinh thự do chính người dân nơi đây đục đẽo bằng tay rồi vận chuyển những tảng đá cách thôn Sà Phìn 7 km về để xây nhà. Số tiền Vua Mèo Vương Chính Đức thuê nhà thiết kế về đây mất rất nhiều, 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương của Pháp, tương đương với 150 tỷ đồng tiền Việt Nam lúc bấy giờ. Dinh thự vua Mèo có ảnh hưởng kiến trúc của 3 nền văn hóa: Trung Quốc, người Mông và Pháp. Toàn dinh thự có 3 cung: Tiền, Trung, Hậu với 64 phòng dành cho 100 người ở. Khu Tiền cung là nơi ở của lính bảo vệ và gia nhân. Trung cung và Hậu cung là nơi ở, nơi làm việc của con cháu dòng họ Vương. Toàn bộ gỗ của ngôi nhà trước đây đều được làm từ gỗ thông đá. Kể từ khi trở thành tài

sản của Nhà nước, tất cả các vật liệu gỗ của ngôi nhà đã bị thay đổi khoảng 60% bằng gỗ lim và gỗ nghiến.

Khu dinh thự này được Nhà nước công nhận là Di tích quốc gia vào năm 1993. Năm 2004, gia đình họ Vương quyết định cống hiến dinh thự này cho Nhà nước bảo tồn. Dinh họ Vương trở thành một địa điểm cho khách du lịch đến xem kể từ thời điểm đó. Người bán vé, kiêm đảm nhận vai trò giới thiệu về dinh thự cho du khách là một người cháu gái họ xa của vua Mèo tên là Vương Thị Chở. Toàn bộ con cháu nhà họ Vương chuyển ra sống tại dảy nhà mới xây trước cổng chợ. Đây là chi con cháu thứ 3, tức là chi của bà vợ ba, là chi duy nhất nhà họ Vương sống tại đây. Còn hai nhánh của bà cả có một nhánh sống ở Canada, một nhánh sống ở Hà Nội và Sài Gòn.

Hình chụp trước cổng vào Dinh của Vua Mèo Vương Chí Sình.

Hình chụp bên trong Dinh

Hình chụp 1 cô gái người dân tộc (ngồi bán hàng ở chợ trên đường vào dinh Vua Mèo)

Vì sợ tối lái đường đèo nguy hiểm nên mọi người chỉ đi xem sơ qua dinh thự 1 chút và chụp vài cái hình làm kỷ niệm thôi, không có giờ đi xa hơn để xem vòng quanh khu dinh thự, cũng như viếng mộ của Vua Mèo Vương Chí Sình và bà vợ 3 của ông (cũng được chôn tại đây). Rời Dinh vua Mèo vào lúc 3:50 pm. Từ chỗ này đến khách sạn mình ở tại Đồng Văn tối nay còn phải lái đến 14 km nửa.

Trên xe cậu Tuyến cho biết là khi đến Đồng Văn, mọi người phải mua Visa mới vào được Đồng Văn. Cậu nói vì đây là các tỉnh vùng biên giới cho nên Họ tính: những huyện, những tỉnh nào cứ cách 40km từ đất liền ra đến border của biên giới thì du khách bắt buộc phải xin Visa (!!!) mới được vào hay đi qua các tỉnh,

các huyện vùng biên giới. Tuy nhiên các cô không phải lo cái chuyện mua Visa này vì Vietpacific đã lo xong hết mọi chuyện cho các cô rồi, cháu chỉ báo cho các cô biết cái thủ tục này thôi. Bây giờ N vẫn còn giử cái "Entry Permit to the Restricted area, Border area"/ "Permit to enter 07 huyện biên giới" này để làm kỷ niệm đây.

Hình chụp trên đường đi vào Đồng Văn

Xe bắt đầu vào thị trấn Đồng Văn của tỉnh Hà Giang.

Hình phía dưới chụp 1 trong những con đường chính của thị trấn ĐV nơi có k/s Hoa Cương là chỗ group 4 sẽ nghỉ chân tối nay

Khách sạn Hoa Cương

 Xe vào đến thị trấn Đồng Văn lúc 5:00 pm thì chạy thẳng đến khách sạn Hoa Cương là nơi group 4 sẽ nghỉ chân tối nay. Cậu Tuyến đề nghị mọi người mau chóng đem hành lý lên phòng và trở xuống ngay lập tức, vì cậu muốn đưa các cô lên đường ngay bây giờ để xem trước 1 đoạn đường của con đèo Mã Pì Lèng, sẽ chạy khoảng 8km để các cô được xem trước những cảnh cực kỳ đẹp trong lúc trời đang còn sáng và đang không bị sương mù dầy đặc, nếu may mắn xem được cảnh mặt trời lặn trên đèo thì không còn gì hơn, sau đó thì sẽ quay trở về khách sạn cho các cô ăn tối rồi nghỉ ngơi. Cậu quyết định phải đi ngay bây giờ là vì theo kinh nghiệm sáng nay, cậu sợ nếu sáng mai mình phải đi sớm, lúc vượt đèo Mã Pì Lèng (là high light của chuyến đi), mà trời lại dày đặc sương mù + thêm mưa phùn (giống như sáng hôm nay lúc mình lên Cổng Trời Quản Bạ) thì sẽ rất tiếc vì các cô sẽ không được xem 1 trong những cảnh đẹp nhất của chuyến đi. Các cô nghe cậu Tuyến đề nghị như thế thì rất cảm động và rất lấy làm cảm ơn cậu Tuyến và chú Dũng. Đáng lý ra sau một ngày trời lái gần 200 km đường trường đầy gian nan nguy hiểm, cuối ngày khi đã đến "final destination", bổn phận cuối cùng cho ngày hôm nay của 2 chú là đưa các cô vào Restaurant ngay tại khách sạn để ăn tối là 2 chú xong việc rồi. Bây giờ vì lo cho các cô bị lỡ mất dịp xem cảnh đẹp ngày mai mà các chú thay vì được nghỉ ngơi sớm thì lại tình nguyện làm thêm việc. Dĩ nhiên là các cô đồng ý và cám ơn 2 chú rối rít. Mọi người lật đật đem hành lý lên phòng và sau đó ra xe bắt đầu đi lúc 5:30 pm. Riêng N vừa cám ơn cậu Tuyến mà cũng vừa mắc cở trong bụng và mắng thầm mình về cái tội "trông mặt mà bắt hình dong" dỡm của mình. Các bác có nhớ, ngày đầu tiên vừa gặp mặt cậu Tuyến trông giống 1 anh chàng hippy thì N đã "sợ" không? Đâu có ngờ là Tour Guide mà mình "sợ" thì lại turned out ra thành 1 TG thật là professional và hết lòng, hết sức với khách !!! Từ rày sắp tới thì "em xin chừa" cái tội nhanh nhẫu đoảng của mình.

Dưới đây là những tấm hình chụp trên đường đi từ khách sạn Hoa Cương chạy lên con đường đèo khoảng 8km. Hy vọng là sẽ xem được cảnh mặt trời lặn trên đèo, nhưng sau cùng rất tiếc là trời lại có sương mù nên không xem được cảnh đẹp có 1 không 2 này.

Hình chụp vào lúc 5:30 chiều lúc trời sắp hoàng hôn.

Bắt đầu thấy núi đá của Cao Nguyên Đá Đồng Văn rồi đây.

Xe dần dần lên cao là bắt đầu bị sương mù che phủ đường đi rồi. Cua qua cái đèo này là ..... teo ruột hết trơn ! Xe chạy mà cứ y như là Hiệp Sĩ Mù chống gậy quờ quạng trên đường các bác ạ.

Sau cùng, xe cũng lên được đến 1 đỉnh cao nhất, nơi đây người ta có xây 1 chỗ để cho du khách đứng ngắm cảnh và chụp hình. Nhưng muốn đi ra được đến cái chỗ đứng ngắm cảnh này thì .... cũng hơi sợ, vì mình phải leo lên 1 cái cầu thang cuốn bằng sắt tròn tròn vòng vòng rất nhiều bậc, sau đó lại leo xuống, rồi lại leo lên, leo xuống mãi mới đi ra được tới cái chỗ đứng ngắm cảnh .... MT là người sợ "độ cao" nên cô không dám leo lên cái cầu thang vòng vòng này, cậu Tuyến thấy tiếc cho cô ấy quá vì đã đi tận đến đây rồi mà không được ngắm cảnh đẹp, phải đứng ở dưới nhìn lên cho nên cậu cố nài nỉ, khuyến khích cô leo và tình nguyện nắm tay dẫn cô leo từ từ. Cuối cùng thì cô cũng lên được tới chỗ đứng để ngắm cảnh.

Hình chụp từ trên đỉnh cao nhất của Đèo chụp xuống ...có giòng sông Nho Quế lững lờ uốn khúc giửa hai vách núi .... Sông Nho Quế chảy qua hẻm vực, hai bên là vách núi dựng đứng, bên phía tay mặt của hình có những con đường vòng vèo qua những quả núi..... đó là Đèo Mã Pì Lèng mà sáng mai tụi này sẽ vượt qua những con đường đèo đó.


Chạy xong 8km và quay trở về khách sạn lúc 6:30 tối và vào thẳng nhà hàng của khách sạn Hoa Cương ăn tối với món Lẫu Hải Sản dưới đây. Quý vị có nhìn thấy mấy gói mì gói đặt bên cạnh khay rau xanh không? Bên này, vào nhà hàng order Mì xào hay Mì xào dòn thì bạn sẽ thấy mình bị ăn .... "Mì gói" luộc lên rồi đổ các thứ rau, thịt lên trên. Món lẫu hôm nay sẽ ăn với các thứ hải sản nhìn thấy trong hình + thêm .... mì gói và miến. Bên VN, N không thấy họ có sợi mì giống như các tiệm Tàu bán mì ở bên Mỹ, bên Mỹ họ dùng sợi mì Canada nhỏ sợi và dòn dòn, còn bên này thì họ dùng mì của mì gói hoặc là mì do chính họ làm nhưng sợi mì thật to và mềm nhủn chứ không có sợi nhỏ và dòn dòn như mì mình ăn bên này.

Trong lúc chờ nhà hàng dọn cơm tối, cậu Tuyến hướng dẫn mọi người cách làm "thuốc nghệ" để sáng ra cho các cô tráng bao tử đề phòng .... đau bụng. Thay vì phải nhai nghệ sống thì mình có thễ trộn bột nghệ với mật ong cho đều, sau đó thì vo viên lại thành từng cục tròn tròn như viên kẹo, bỏ vào lọ ni lông đậy nắp lại. Sáng ra cứ nhón lấy 1 cục kẹo nghệ này nhai và chiêu bằng 1 ngụm nước trà thật nóng thay vì bị nhai nghệ sống khó nuốt hơn. Trời đất ơi, sáng nào cũng 1 viên nghệ, miệng bà nào bà nấy nom .... vàng khè !!!! Xin các bác đừng có cười vì thấy tụi này răm rắp nghe theo lời cậu Tuyến mà .... xơi nghệ hàng ngày nha. Nghe lời là vì nó "work"các bác ơi! Sau khi có thuốc nghệ bảo đảm cho cái bụng thì lúc sau này các bà không thèm kiêng cử kỷ như trước nửa và đã ăn uống bạt mạng rồi, ăn lung tung đủ mọi thứ, xơi cả nước đá, xơi luôn các thứ rau sống như điên mà ..... không sao cả! Hì hì... chắc thằng cha Tào Tháo nhìn mồm miệng các bà vàng khè thì chạy biến luôn nên không nhìn thấy mặt chả đâu nửa! À, quên kể là lên trên miền núi này họ cho mình ăn các loại rau sống lạ lắm, những loại rau rừng này N chưa nhìn thấy nó bao giờ. Mới đầu N không dám ăn vì sợ .... chết! Cậu Tuyến bảo cứ "vô tư" mà ăn vì các thứ rau này đều là thuốc cả, ăn vào thì có lợi chứ không có hại vì loại này ngăn tiêu chảy, loại kia ngừa sốt rét, loại này chửa cái nọ, cái kia ..vv....và ....vv... nhìn thấy trước mắt cậu Tuyến và chú Dũng ăn mà không bị sao cả (không chết!), vả lại thấy các loại rau lạ thì mình cũng tò mò, cũng muốn thử xem nó thế như nào nên N ăn tuốt luốt hết! Vì ăn cá

nướng mà không quấn với rau sống thì ..... còn ra làm sao nửa. À, mà bánh tráng bên VN, trước khi cuốn thì để khô chứ không cần nhúng nước như bên mình nhé.

Chiều tàn tại thị trấn Đồng Văn

Sau buổi cơm tối, mọi người nhanh chóng trở về phòng thu xếp mọi thứ rồi đi ngủ sớm để lấy sức cho ngày mai lên đường vượt Đèo Mã Pì Lèng và thẳng đường đến tỉnh Cao Bằng.

Viết xong ngày August 20-2017 @ 10:00 pm

* Nam Mai *

 

[​IMG]

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %24 %923 %2017 %17:%08
back to top