Lời tình yêu- Guy de Maupasant
Lời tình yêu
Truyện ngắn của Guy de Maupasant
Lê Ngọc Anh dịch
Chủ nhật.
Con gà trống to lớn yêu quý của em,
Anh chẳng viết cho em, em chả gặp anh nữa, anh chẳng bao giờ đến với em. Thế anh đã thôi yêu em rồi ư ? Tại sao ? Em đã làm gì ? Hãy nói em hay, em xin anh, người yêu quý giá của em ! Còn em, em vẫn yêu anh như thế, như thế, như thế ! Em muốn có anh luôn ở bên mình và ngày nào cũng ôm hôn anh, trao gửi anh, ôi trái tim của em, con mèo yêu dấu của em, mọi tên gọi dịu dàng đến với ý nghĩ của em. Em tha thiết yêu anh, tha thiết yêu anh, tha thiết yêu anh, ôi con gà trống đẹp mã của em.
Gà mái tơ của anh.
Sophie
Thứ hai.
Người bạn thân thiết của anh,
Em sẽ hoàn toàn không hiểu gì về những lời anh sắp nói. Mặc kệ. Nếu tình cờ bức thư của anh lọt vào mắt một người phụ nữ khác, nó có thể bổ ích với người ấy.
Nếu em câm và điếc, chắc chắn là anh sẽ yêu em lâu dài, lâu dài. Nỗi bất hạnh đến từ những lời em nói, tất cả là ở đó. Một nhà thơ đã nói :
Em chưa từng hiếm gặp nhất trên đời
Chỉ là nhạc cụ tầm thường dưới archet của anh đắc thắng,
Nơi khoảng trống tim em, anh khiến ước mơ mình hát
Như nơi miệng đàn guitar, một điệu nhạc ngân lên.
Trong tình yêu, em thấy không, người ta luôn khiến những ước mơ hát lên ; nhưng để những ước mơ hát lên, người ta không cần phải làm chúng đứt đoạn. Thế mà, khi người ta cất tiếng nói giữa hai nụ hôn, người ta luôn làm đứt đoạn ước mơ cuồng nhiệt mà những tâm hồn tạo ra, trừ phi nói những lời lẽ tuyệt vời, và những lời lẽ tuyệt vời không nảy nở trong những cái đầu bé nhỏ của những cô gái đẹp.
Em chả hiểu gì hết, có phải không ? Càng hay. Anh nói tiếp đây. Em chắc chắn là một trong những người phụ nữ quyến rũ nhất, đáng yêu nhất mà anh chưa thấy bao giờ. Liệu trên trái đất có cặp mắt nào chứa đựng nhiều mơ ước, nhiều hứa hẹn mới lạ, nhiều tình yêu bất tận hơn cặp mắt của em ? Anh không nghĩ thế. Và lúc miệng em cười với đôi môi đầy đặn phô ra hàm răng sáng, như thể từ cái miệng làm say lòng người ấy sắp sửa thốt ra một điệu nhạc khó tả nên lời, một cái gì đó ngọt ngào huyền hoặc, êm dịu đến thổn thức.
Thế rồi em bình thản gọi anh là : “Con thỏ to lớn yêu dấu của em”. Dường như anh bất ngờ xâm nhập vào đầu óc em, thấy sự vận hành của tâm hồn em, tâm hồn bé nhỏ của một người phụ nữ bé nhỏ xinh đẹp, xinh đẹp, nhưng điều đó làm anh khó chịu, em có biết không, rất khó chịu. Anh thà không thấy còn hơn.
Em vẫn không hiểu tí gì phải không ? Anh chắc thế.
Em có nhớ lần đầu em đến nhà anh không ? Em đột ngột bước vào với hương hoa violet tỏa ra từ váy áo ; chúng ta đã nhìn nhau thật lâu mà không nói một lời, rồi ôm hôn nhau như những kẻ điên cuồng… rồi… rồi đến tận hôm sau chúng ta cũng không hề nói.
Nhưng khi chúng ta từ biệt nhau, bàn tay chúng ta run rẩy và mắt chúng ta tự nói ra những điều, những điều mà người ta không thể diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ nào cả. Ít ra là anh đã tưởng thế. Và vừa từ biệt anh, em vừa thì thầm thật khẽ : “Hẹn sớm gặp lại !” – Đó là tất cả những gì em đã nói ; và em sẽ chẳng bao giờ hình dung ra ước mơ ấp ủ nào mà em đã để lại, mọi điều mà anh thoáng thấy, mọi điều mà anh ước đoán trong ý nghĩ của em.
Em biết không, em bé đáng thương của anh, bởi vì con người ta không phải là những con vật, hơi tinh tế, hơi cao cấp, nên tình yêu là một nhạc cụ phức tạp đến nỗi chẳng có gì làm rối loạn được nó. Còn chị em, những người phụ nữ khác, chị em chẳng bao giờ nhận thức được cái nực cười của một vài thứ khi chị em yêu và cái lố lăng của những biểu đạt mà chị em trót buột miệng.
Tại sao một lời thích đáng ở miệng của một phụ nữ tóc nâu nhỏ nhắn lại hết sức lệch lạc và hài hước ở miệng của một phụ nữ tóc vàng to béo ? Tại sao cử chỉ mơn trớn của người này lại không thích đáng ở người kia ? Tại sao một số vuốt ve duyên dáng của người này lại gây khó chịu ở người kia ? Tại sao ? Bởi vì trong tất cả mọi việc, nhất là trong tình yêu, cần phải có một sự hòa hợp hoàn toàn, một sự hài hòa tuyệt đối giữa cử chỉ, giọng điệu, lời nói, biểu lộ dịu dàng với chủ thể hành động, nói năng, biểu lộ, với tuổi tác, mức độ tầm vóc, mầu sắc của đôi mắt và diện mạo nhan sắc người ấy. Một phụ nữ ba mươi tuổi, độ tuổi có những đắm say lớn lao mãnh liệt, người chỉ giữ lại chút ít sự màu mè mơn trớn của những mối tình của mình năm hai mươi tuổi, người không hiểu rằng cần phải biểu lộ khác đi, ôm hôn khác đi, rằng cần phải là một Didon chứ không còn là một Juliette nữa, chắc chắn sẽ làm chín trên mười người tình chán ngấy ngay cả khi họ không nhận thấy lý do chán ghét của mình.
Em có hiểu không ? – Không à ? – anh mong thế lắm !
Kể từ hôm em mở miệng tuôn ra những lời âu yếm, với anh thế là hết đấy, bạn gái ạ.
Có lần chúng mình ôm hôn nhau năm phút, một nụ hôn bất tận duy nhất, say đắm, một trong những nụ hôn làm mắt phải nhắm vào, như là chúng có thể băm nát bằng cái nhìn, như để giữ gìn chúng trọn vẹn hơn trong tâm hồn u sầu mà chúng tàn phá. Rồi khi chúng mình tách môi ra, em vừa cười một nụ cười trong sáng vừa bảo anh là : “ Tuyệt, con cún của em !” Thế là anh đã đánh em.
Bởi vì em đã liên tiếp đặt cho anh mọi tên gọi của thú vật và rau cỏ mà chắc chắn là em đã tìm thấy trong những cuốn Chị đầu bếp trưởng giả, Người làm vườn hoàn hảo và Những nhân tố lịch sử tự nhiên dùng cho những tầng lớp dưới. Nhưng chuyện đó chả là gì nữa.
Cái mơn trớn của tình yêu thật hung tợn, có thú tính và còn hơn thế, khi người ta nghĩ về nó. Musset (*1) đã nói :
Anh vẫn nhớ những co thắt khủng khiếp,
Những cơ bắp dữ dằn, Những nụ hôn câm lặng.
Của người bị thu hút, tái xanh và hàm răng nghiến chặt.
Nếu không phải tuyệt trần, những lúc ấy thật là kinh khủng.
Hay là lố lăng !... Ôi ! em bé đáng thương của anh, tài năng bông lơn nào, trí tuệ tai ác nào đã có thể gợi cho em những lời em nói ở đoạn kết vậy ? Anh đã chịu đựng chúng rất nhiều, nhưng vì tình yêu với em, anh đã không để lộ ra.
Và rồi em đã sai lầm thật đúng lúc, và em đã tìm được cách buông ra một “Em yêu anh !” cuồng nhiệt trong những dịp nào đó đặc biệt đến nỗi nó khiến anh phải kìm lại những cơn tức cười dữ dội. Có những lúc câu “Em yêu anh” này không đúng chỗ đến nỗi nghĩa rõ ràng của nó thành ra không tưởng tượng được.
Nhưng mà em chẳng hiểu anh đâu.
Nhiều phụ nữ cũng không hề hiểu anh và cho là anh ngu ngốc. Dù vậy, có hề chi. Những người phàm ăn ăn uống một cách tham lam, nhưng những người khó tính thì tế nhị, và họ thường ủng hộ ít món vì những nỗi chán ghét không sao cưỡng nổi. Chuyện tình yêu cũng như nghệ thuật nấu ăn vậy.
Điều mà anh không hiểu, chẳng hạn như những người phụ nữ nào đó, người mà biết rất rõ sự quyến rũ không sao cưỡng được của những đôi tất dài bằng lụa mịn màng có thêu thùa, sự lôi cuốn tuyệt vời của những sắc thái, sự mê hoặc của những dải đăng ten quý giá khuất sâu ở trang phục bên trong, sự thú vị khêu gợi của những bí mật xa xỉ của lớp lót tinh tế và mọi nét nhẹ nhàng tế nhị của vẻ duyên dáng nữ tính, lại chẳng bao giờ hiểu được nỗi ngao ngán không sao cưỡng nổi mà những lời không đúng chỗ hay những luyến ái ngớ ngẩn gây ra cho chúng tôi. Một từ thú tính đôi khi có tác dụng tốt, quất vào da thịt, làm con tim nẩy lên. Những từ ấy được phép trong thời chiến. Từ ấy của Cambronne (*2) không tuyệt vời sao ? Chẳng có gì gây chướng nếu đến đúng lúc. Nhưng cũng cần phải im lặng và tránh những lời nói kiểu cách của Paul de Kock (*3) trong những lúc nào đó.
Và anh ôm hôn em đắm đuối miễn là em đừng nói.
René.
Chú thích :
(*1) Alfred de Musset (11/12/1810 – 02/05/1857) là nhà thơ, nhà tiểu thuyết, nhà viết kịch Pháp.
(*2) Pierre Jacques Étienne Cambronne, còn gọi là Tử tước Cambronne (26/12/1770 – 29/1/1842), là một vị tướng của Đế chế Pháp. Ông đã chiến đấu trong suốt những cuộc chiến tranh Cách mạng và thời đại Napoleon. Người ta khẳng định rằng trước sự nài ép của người Anh, ông đã trả lời bằng cách văng ra từ mà ngày nay được biết đến như “Từ của Cambronne” : Merde! Việc này xảy ra sau khi đại tá Anh Hugh Halkett, người chỉ huy lữ đoàn Hanover số 3, bắt giữ Cambronne. Chuyện Cambronne lúc đó bị thương nặng và bị người Anh tống ngục sau trận chiến là đích xác. Còn chuyện “Từ của Cambronne” dù có thật hay không thì cũng đã trở nên liên đới tới ông một cách không thể gột rửa được do được đề cập đến trong tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của Victor Hugo và vở kịch “Đại bàng con” - chỉ Hoàng đế Pháp Napoléon II - của Edmond Rostand. Tuy nhiên trong phần còn lại của cuộc đời mình, Cambronne đã từ chối sử dụng từ này.
(*3)Charles Paul de Kock (21/5/1793 – 27/4/1871) là nhà tiểu thuyết Pháp và tác giả của nhiều libretto cho opera.
Hồng Anh st