Tại sao phụ nữ vắng mặt trong Nobel khoa học?

Tại sao phụ nữ vắng mặt

trong Nobel khoa học?

Lần gần đây nhất mà một phụ nữ giành được Nobel khoa học là năm 2015, khi dược học gia người Hoa, Tu Youyou (Đồ U U), được công nhận cho những nghiên cứu chữa trị sốt rét. Phải đi ngược lại 54 năm trước mới tìm được một phụ nữ giành Nobel khoa học (Maria Goeppert Mayer, Nobel Vật lý năm 1963). Tại sao phụ nữ vắng mặt trong các buổi điểm danh Nobel hàng năm? Tại vì phụ nữ yếu về nghiên cứu khoa học (so với nam giới) hay bởi lý do nào khác?

Hình Internet

Nam nữ khác biệt gì?

Việc mổ xẻ khác biệt nam-nữ thật ra là chủ đề hấp dẫn lâu nay đối với giới nghiên cứu. Về thể chất, có những điểm khác nhau không thể phủ nhận, chẳng hạn sự khác biệt liên quan hormone và thần kinh, như nhận xét của Virginia Valian, giáo sư tâm lý Ðại học Hunter (tác giả quyển Why So Slow? The Advancement of Women). Các nhà thần kinh học từng cho thấy não bộ nữ giới nhỏ hơn trung bình 10% so với phái nam. Cũng theo lý thuyết “não nhỏ”, cách đây hơn một thế kỷ, nhà khoa học Pháp Gustav Le Bon từng cho rằng yếu tố này chính là nguyên nhân làm cho phụ nữ “không kiên định, không nhất quán, thiếu tư duy và không đủ khả năng suy luận”.

 

Tính phức tạp vấn đề càng được làm đậm với các nghiên cứu mới đây. Vài người tin rằng não phụ nữ tương đối có nhiều chất xám (gray matter) – loại tế bào thần kinh đặc biệt hữu dụng cho tiến trình tư duy; trong khi não quý ông đa phần chỉ nhiều chất trắng (white matter, mô nằm giữa tế bào thần kinh). Thật ra việc mổ xẻ tính khác biệt nam-nữ còn tùy phương cách tiếp cận vấn đề. Với Elizabeth Spelke (nhà tâm lý học Ðại học Harvard), “người lớn chúng ta cứ quen nghĩ rất khác biệt về con trai-con gái và theo đó mà đối xử nhưng khi đo lường khả năng của họ, chúng tôi nhận thấy họ thật giống nhau” (New York Times).

Lập luận rằng phái nam có khả năng toán cao hơn nữ thật ra không hoàn toàn chính xác. Theo bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa quốc tế thực hiện bởi Tổ chức phát triển và hợp tác kinh tế (OECD) tiến hành trên 250,000 đối tượng học sinh 15 tuổi tại 41 quốc gia cách đây vài năm, người ta phát hiện rằng tỉ lệ con trai giỏi toán hơn con gái chỉ nhỉnh hơn tại ½ số quốc gia được khảo sát; và tại tất cả quốc gia còn lại, chẳng có khác biệt gì trong kỹ năng toán giữa học sinh nam và nữ. Cụ thể, ở Nhật, các em nữ gần như ngang ngửa bọn con trai; và tại Iceland, đám nam sinh đã phải nghiêng mình kính nể bọn con gái về kỹ năng toán. Một thực tế nữa là học sinh nữ đang thắng áp đảo nam sinh tại Mỹ. Không như cách đây hơn một thế kỷ, khi chủ tịch Ðại học Harvard Charles W. Eliot từ chối nhận sinh viên nữ bởi lo ngại họ có thể “làm hao phí nguồn tài năng quý giá” của trường mình, hệ thống đại học lẫn trung học Mỹ hiện nay đều đầy nữ giới. Lớp trưởng là con gái, chủ tịch hội học sinh là con gái và con gái cũng ngồi trên con trai ở các bảng xếp hạng thành tích học tập.

Hình Internet

Não và tư duy

Nghiên cứu tường tận cho thấy nam nhi không chỉ thất thế trước phái yếu ở trung học mà cũng tệ hơn bọn tóc dài ngay hồi lớp nhỏ. Trong những ngày đầu đến trường, con trai luôn chậm hơn trung bình hai năm (!) so với con gái ở môn đọc và viết. Chuỗi ngày lê thê học tập của con trai tiếp tục tồn tại như một tình thế cưỡng ép khiến nhiều em bị chẩn đoán là “rối loạn hoạt động và khả năng tập trung”. Theo BusinessWeek, khảo sát tại hệ thống trường công ở Fairfax County (tiểu bang Virginia) cho thấy hơn 20% học sinh trung học nam đã phải uống thuốc bổ thần kinh vào trước năm lớp năm. Ðến năm cuối cùng trung học, trong khi đám tóc dài rủ nhau ôn thi tốt nghiệp, bọn con trai lại vùi mình trong phòng tập thể lực, miệt mài chơi game hoặc đốt thời giờ trong việc truy xuất nhạc từ Internet…

Các nghiên cứu mới đây cho biết thêm, hai bán cầu trong não phụ nữ được liên kết tốt hơn; não có nhiều tế bào thần kinh hơn và phụ nữ có khuynh hướng sử dụng nhiều phần trong não hơn để thực hiện công việc nhất định nào đó. Ðiều này còn có thể giải thích tại sao phụ nữ phục hồi nhanh hơn sau khi bị đột quỵ. Trong khi đó, phái nam có khuynh hướng tập trung tư duy ở khu vực quen thuộc nào đó trong não, cho dù họ làm toán, đọc sách hoặc ủ ê tâm trạng chán chường.

“Ðàn ông và đàn bà có cấu tạo não khác nhau và chúng ta vẫn chưa biết rõ ý nghĩa của sự khác biệt này” – thú nhận của Richard Haier, giáo sư Ðại học California-Irvine. Khảo sát bằng chỉ số IQ, nhóm nghiên cứu Richard Haier khám phá rằng khu vực liên quan trí thông minh trong não nam lại khác với khu vực trong não nữ. Ðây là một khám phá rất mới và bất ngờ. Trong khi đó, nhà tâm lý học Jay Giedd (người có “thư viện” về sự phát triển não thuộc hàng lớn nhất thế giới, từng đo kích thước não trong hai thập niên qua) kể thêm rằng não ở trẻ em nữ phát triển cao nhất ở độ tuổi 11 rưỡi; trong khi trẻ nam phải mất thêm ba năm.

Liên quan não và tư duy, người ta từng đặt câu hỏi rằng tại sao phái nam có khuynh hướng liên tưởng hình ảnh ba chiều dễ hơn; trong khi kỹ năng ngôn ngữ cũng như “độ nhạy” trong cảm xúc ở nữ lại nhỉnh hơn phái nam? Hãy thử cho đối tượng nam-nữ xem cùng bức tranh phong cảnh, gần như chắc chắn họ sẽ miêu tả khác nhau. “Phụ nữ có thể thấy những màu sắc mà nam giới không thấy; có thể nghe những tiếng động mà đàn ông không nghe; có thể ngửi những mùi mà đàn ông không ngửi được” – theo nhà tâm lý Leonard Sax (tác giả quyển Why Gender Matters).

Bởi vì mắt, tai, mũi là “cổng vào” của não nên chúng trực tiếp ảnh hưởng sự phát triển não từ khi mới sinh – đây là một kết luận thú vị nữa. Nghiên cứu ở chuột cho thấy võng mạc chuột đực có nhiều tế bào thần kinh liên quan nhận biết chuyển động, trong khi võng mạc chuột cái có nhiều tế bào thần kinh liên quan nhận biết màu sắc và kết cấu vật thể. Nếu điều này cũng đúng ở người, nó có thể giải thích tại sao bé trai thường nhìn chằm chằm vào vật treo lủng lẳng ở nôi và khoái chơi đồ chơi chuyển động; trong khi bé gái thích búp bê nhiều màu và cũng khoái tập làm họa sĩ. Tương tự, tai phụ nữ cũng nhạy cảm hơn ở một số tiếng động; và tất nhiên cơ chế khứu giác nữ giới làm việc tốt hơn (hèn gì phụ nữ dễ phát hiện “mùi lạ” ở chồng!).

Amy Mainzer, sinh năm 1974, có bằng tiến sĩ vật lý thiên văn Đại học UCLA, một trong những “ngôi sao”

đẹp nhất của NASA và hiện là gương mặt quen thuộc trong chương trình “The Universe” của History Channel. nguồn: nasa.org

Einstein tóc dài

Não, cùng những khác biệt sinh học, có thể hé mở phần nào về thiên hướng làm khoa học ở hai giới tính. Nhiều thí nghiệm gần đây cho biết bé gái – khi thất bại – thường có khuynh hướng bỏ cuộc và khóc nhè; trong khi bé trai – theo Sandra Witelson – thường tỏ ra bực tức nhưng muốn làm xong cho bằng được. Theo khảo sát thực tế, Witelson kể rằng mình từng gặp nhiều trường hợp phụ nữ không bao giờ nhận ra khả năng khoa học của mình bởi họ ngưng khi không nhìn thấy triển vọng hoặc bởi vài rào cản nào đó. Và cũng từ khảo sát thực tế, người ta cũng kết luận rằng một khi được khuyến khích, phụ nữ luôn thành công trong khoa học.

Trong gần suốt thế kỷ 19, các môn như vật lý, thiên văn, hóa học và sinh vật là lĩnh vực không xa lạ với nữ khoa học gia Mỹ. Hồ sơ lưu từ các trường hàng đầu tại Boston cho thấy nữ sinh đã qua mặt nam sinh ở môn lý vào giữa thế kỷ 19. Lịch sử đang lặp lại. Hiện nay, tại Iceland và Thụy Ðiển, nữ sinh đã hạ bệ nam sinh ở môn toán và lý. Và ngay tại Mỹ, số giáo sư nữ đang gần bằng giáo sư nam. ½ cử nhân hóa và gần 60% cử nhân sinh tại Mỹ hiện là nữ giới. Cách đây ba thập niên, phụ nữ chỉ chiếm 1/10 số tiến sĩ tại Mỹ; tỉ lệ này bây giờ là 1/3 (trong tất cả bộ môn khoa học). Bây giờ, tại mỗi tiểu bang nước Mỹ, trong mỗi nhóm thu nhập, mỗi nhóm sắc tộc, chị em đang chiếm tỉ lệ cao hơn phái nam, giành trung bình 57% tất cả bằng cử nhân và 58% tất cả bằng thạc sĩ.

Trở lại với câu hỏi tại sao phe tóc dài thường xuyên vắng mặt trong các buổi điểm danh Nobel hàng năm. Như cây bút Hannah Devlin viết trên The Guardian (6-10-2017), vấn đề không liên quan gì đến phân biệt giới tính hoặc não to, não bé gì cả. Ðơn giản là cơ chế chấm giải của Ủy ban Nobel, nơi thường xét giải căn cứ vào quá trình ứng dụng thực tế của công trình và điều này tạo ra khoảng cách thời gian rất rộng giữa thời điểm nghiên cứu đến thời điểm công nhận nghiên cứu, dù điều này trái với ý nguyện Alfred Nobel khi ông cống hiến tài sản mình để tưởng thưởng cho những khám phá khoa học và sáng chế được thực hiện “trong năm trước đó”.

Cho nên, tuổi trung bình của những người được nhận Nobel ngày càng tăng. Từ 1931-1940, tuổi trung bình của các khoa học gia giành Nobel Vật lý là 41. Con số này bây giờ là 68. Càng kéo lùi thời gian công nhận nghiên cứu thì khả năng các khoa học gia nữ bị “lọt sổ” càng cao, chẳng hạn nhà vật lý thiên văn Vera Rubin, người mà hồi thập niên 1970 từng đưa ra những chứng cứ thuyết phục đầu tiên về sự tồn tại của vật chất tối (dark matter). Bà Rubin từ trần vào năm ngoái, trước khi có các cuộc thử nghiệm tương tự cuộc thử nghiệm mà CERN (Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu) tiến hành để giải đáp bí ẩn về vật chất tối là gì. Nếu tiếp tục đi theo “truyền thống” chấm giải như vài thập niên gần đây, Ủy ban Nobel sẽ chỉ có thể “sưu tập đồ cổ” hơn là đánh giá và ghi nhận sự tiến bộ của khoa học ngày nay, ở thời điểm mà sự đóng góp và cống hiến của phụ nữ ngày càng nhiều.

 

Mạnh Kim

 

Ngọc Lan st

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %18 %895 %2017 %15:%11
back to top