DÂY TƠ HỒNG - Đỗ Dung
DÂY TƠ HỒNG
Đỗ Dung
1. Buổi chiều sau cơn mưa, Hà thong thả đạp xe trên con đường Trần Quý Cáp. Hai hàng me cổ thụ vừa thay lá, thân cây nâu sậm, màu lá xanh non. Thỉnh thoảng gió lao xao, những giọt mưa còn đọng trên cành thả xuống những bụi nước nhỏ li ti. Thấm thoắt đã ba năm Sài Gòn đổi chủ. Hà nhớ ngày xưa ấy, những người con gái thời còn là sinh viên trường Dược, ríu rít chở nhau trên những chiếc xe Honda, rủ nhau ghé vào những xe bò viên, bánh cuốn trên con đường này, hay phóng thẳng ra công viên trước Hồ Con Rùa ngồi uống nước dừa tươi sau giờ tan học. Giờ đây tan tác, Liên, Bích, Kim, Nga may mắn đi thoát trước ngày 30 Tháng Tư. Còn lại thành phố này, Ngọc, Trâm, Minh, Hà.
Hà còn nhớ hôm lang thang trên phố thì gặp Minh. Cả hai nhìn nhau mừng mừng, tủi tủi.
– Minh ơi, mi còn ở đây à? Gia đình có ai đi được không?
– Kẹt lại hết. Chả ai đi được. Nhà mi sao?
– Kẹt cả nhà. Chỉ có bà chị đang đi du học nên ở lại bên Úc.
Hà thương bạn, thương mình xót xa, nhưng lại mừng vì biết là còn thêm một người thân ở lại quê hương với nàng.
Sau khi ra trường, những người con gái ấy lần lượt lên xe hoa, còn mình Hà lẻ bóng. Có phải Hà khó tính như mọi người nói không. Giao, bác sĩ; Huy, kỹ sư du học bên Pháp về; Tuyền, giáo sư khá nổi tiếng, những người ấy đã từng theo đuổi Hà, có lần tưởng là xong rồi lại không xong. Có phải là Hà quá kén chọn như bà bác Hà thường nhắc nhở:
– Cô Hà ơi, liệu phiên phiến đi. Kén cá chọn canh mãi rồi để ba mươi cúng Giao Thừa đấy.
Bây giờ Hà đã trên ba mươi. Những lúc ghé thăm Ngọc, Trâm và Minh, cả ba ông chồng đều phải đi học tập. Những cô nàng trưng diện một thời, vàng son một thuở, giờ đây phải lo lắng vì sinh kế, tần tảo nuôi dậy con thơ và vất vả thăm nuôi chồng. Mặc dù phải đương đầu với cuộc sống mới khó khăn nhưng hai vai Hà nhẹ tênh, không vướng bận chồng con. Đôi khi nàng nghĩ thế mà lại hay. Nàng chấp nhận, bằng lòng cuộc sống độc thân hiện tại.
Cuối năm 1979 gia đình Minh vượt biển thành công. Đầu năm 1980 chồng Trâm được tha về cũng kiếm đường mang cả nhà đi. Ngọc thử thách mấy phen, bị bắt mấy lần nên hoảng sợ không dám liều lĩnh nữa, đành ở lại đợi người anh bảo lãnh. Nhìn quanh, bạn bè, họ hàng, người quen lần lượt bỏ đi. Ngay cả ở trường Đại học Y khoa nơi Hà làm việc người ta cũng ra đi gần hết. Có lần trường thiếu giáo sư Sinh Hóa, cử Hà tạm thay thế, nàng cố gắng soạn bài, học hôm trước để hôm sau đứng lớp. Đứng trên bục giảng nhìn những khuôn mặt sinh viên nàng thoáng ngậm ngùi. Dưới chính thể này, tương lai họ sẽ ra sao. Đầu óc họ đang nghĩ gì. Chắc lại cũng toan tính tìm đường vượt thoát. Cuộc sống càng ngày càng khó khăn, không khí càng ngày càng ngột ngạt, trĩu nặng âu lo. Cột đèn biết đi cũng bỏ xứ mà đi!
2. Hà nằm bẹp, thiêm thiếp trong khoang tàu chật hẹp, hai hàng người nằm dựa đầu vào vách thuyền, đâu chân vào nhau, xếp như cá hộp. Cuối cùng, năm 1981 hai chị em Hà và Hương cũng có mặt trên chiếc thuyền con vượt biển. Bản chất yếu đuối, có bệnh tim từ bé, lại thêm say sóng nên sau khi nôn thốc tháo Hà nằm lịm, thoi thóp tiềm sinh. Cũng may mẹ Hà đã sửa soạn cho hai cô con gái một túi sâm cắt thành lát mỏng nên mấy ngày lênh đênh Hà chỉ ngậm sâm mà sống.
Qua ngày thứ năm may mắn tàu của Hà gặp tàu Cap Anamur đang đi trên biển Đông vớt người nguy khốn. Bác sĩ trên tàu đã chẩn bịnh và cứu chữa tận tình, săn sóc Hà rất chu đáo.
Vừa bước chân lên đất liền của đảo Palawan thuộc Philippines, người còn lao đao, mặt đất như bập bềnh trên sóng, Hà nghe một giọng nói ngọt ngào cất lên từ loa phóng thanh của trại:
– Xin mời bà Hà Thị Phương Hà đến bệnh xá gấp!
Chả hiểu việc gì, hai chị em Hà lật đật gửi túi hành lý cho người cùng tàu, hỏi đường lên ngay phòng y tế.
– Chị Phương Hà?
– Dạ vâng, tôi mới nghe loa gọi.
– Tôi là Du, trưởng phòng y tế ở đây. Tôi được tàu Cap Anamur báo cho biết chị là bệnh nhân cần chữa trị gấp và phải chăm sóc đặc biệt.
Hà cười:
– Thưa bác sĩ, tôi đã tới được đây. Có chữa bệnh cũng đợi tôi thu xếp xong nơi ăn, chốn ở đã chứ.
– Chị Hà, chị cẩn thận, nếu chị để chậm trễ thì có chuyện gì xảy ra chị chịu trách nhiệm đấy!
– Vâng, để chúng tôi an cư xong tôi sẽ lên trình diện bác sĩ ngay!
Hà mỉm cười tinh nghịch, chào Du rồi cùng em ra về.
Sáng hôm sau vừa thức dậy sau một giấc ngủ say, tiếng loa phóng thanh của trại đã vang lên:
– Xin mời bà Phương Hà lên phòng hành chánh.
Hai chị em hấp tấp dắt nhau đi. Đến nơi Du niềm nở ra đón:
– Chào chị, đêm hôm qua hai chị em ngủ ngon? Mấy ngày trên tàu chắc mệt lắm, tôi xin phép mời hai chị em đi ăn sáng.
Hà thầm nghĩ: “Mời ăn thì đi ăn, ta đang đói bụng đây!” Cả ba vào một quán ăn nhỏ trong trại. Tô mì nóng hổi, thơm phức làm Hà tỉnh táo, khỏe khoắn hẳn lên và có dịp nhìn kỹ người bác sĩ trẻ.
– Trông bác sĩ quen quen. Ở Việt Nam bác sĩ làm việc tại đâu?
– Tôi trông chị cũng quen lắm chị Hà ạ. Cả đêm qua tôi thao thức mãi không biết đã gặp chị nơi nào?
– Bác sĩ tốt nghiệp trước hay sau 75?
– Tôi ra trường năm 1977.
– Hồi đó tôi làm việc trong phòng “Pharmacology”. Bác sĩ có học tôi không vậy?
Du vỗ trán:
– À, đúng rồi. Tôi nhớ ra rồi. Tôi có học chị vài giờ. Chị dạy Sinh Hóa mà!
– Ồ, Vậy Du là học trò tôi đấy nhá. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, phải không?
Cả ba cùng cười xòa. Hà trêu thêm:
– Từ nay trò không được kêu réo cô trên loa phóng thanh nữa đó nha! Cô có bệnh tim. Nếu lỡ có bề gì thì lần này trò phải chịu trách nhiệm. Nghe chưa?
Biết chỗ ở rồi, ngoài những lần gặp nhau tại bệnh xá để chữa bệnh, Du đến thăm chị em Hà luôn. Chị em Hà ở chung nhà với mấy người bạn cùng tàu, sau họ phải chuyển sang Bataan để học tiếng Đức trước khi đi định cư. Du ngỏ lời mời chị em Hà đến ở chung. Du tạm trú cùng bà chị ruột, chị dâu, một chị bạn và đứa cháu gái hơn một tuổi. Hai chị em Hà dọn vào thì nhà toàn phái nữ, trừ Du. Đã có sẵn ba bà chị, Hà nghiễm nhiên xưng chị với Du khi biết chàng kém nàng hơn năm tuổi.
Căn nhà nhỏ trên đảo vui vẻ, rộn rã tiếng cười vì những câu chuyện dí dỏm và lối đùa nghịch, cách nói chuyện duyên dáng của Hà. Được vài tháng mấy bà chị đi Mỹ định cư, còn lại chị em Hà chờ ngày đi Úc và Du tình nguyện ở lại trại thêm mấy tháng để giúp đỡ người tỵ nạn. Ngoài việc lo cơm nước và dọn dẹp nhà cửa, thỉnh thoảng Hà cũng lên nhà thương phụ với Du săn sóc bệnh nhân. Những buổi sáng hai người ngồi nhâm nhi tách cà phê nóng, những lúc rảnh rỗi thong thả rong chơi. Một buổi chiều hai người đi dạo trên bãi biển, hàng dừa nghiêng trong nắng và ngoài khơi màu xanh ngút ngàn của trời, của nước như sáng rực lên lúc chiều tà và rồi lịm tắt dần theo ánh hoàng hôn. Gió quấn quýt bước chân. Tóc bay bay theo gió. Nhìn khuôn mặt đẹp trai, vẻ điềm đạm, chững chạc rất đàn ông của Du, nàng thầm nghĩ không biết ai đó có diễm phúc chia sẻ cuộc đời với chàng. Ở cùng nhà, đi làm việc chung, Hà càng nhận ra nhiều ưu điểm của Du và lòng càng thêm ngưỡng phục.
Bỗng nhiên Hà như xây xẩm, choáng váng muốn ngã. Du vội giơ tay ra đỡ Hà, giọng hốt hoảng:
– Chị Hà, chị có sao không?
Rồi ân cần:
– Chị mệt rồi, để Du đưa chị về.
Du dịu dàng dìu Hà đi và nàng dựa vào người đàn ông ấy, như đi trong mơ.
Thoạt đầu, nhìn hồ sơ bệnh lý của Hà, Du tự nhủ phải cố gắng giúp đỡ, chữa trị cho bệnh nhân này. Người thiếu nữ ấy không tỏ lộ chút gì sợ hãi về căn bệnh khá hiểm nghèo, nàng rất hồn nhiên, vẫn cười đùa vui vẻ. Nàng bị hở van tim nên dễ mệt và nhịp tim đập hỗn loạn không đều. Du như bị cuốn hút bởi sự lạc quan và óc châm biếm, khôi hài đặc biệt của Hà. Có những lúc chính Du lo lắng thì Hà còn tìm cách trấn an hoặc kiếm những câu chuyện tiếu lâm để khỏa lấp không khí nặng nề và làm chàng vui lên. Càng ở gần chàng càng quý mến Hà.
Kể từ hôm ấy họ gần gũi nhau hơn. Hà chăm sóc bữa ăn chu đáo và Du săn sóc bệnh tình cho nàng thật cẩn thận. Con bé Hương tham gia vào những sinh hoạt trên trung tâm văn hóa nên cũng bận rộn và vui với bạn bè. Cho đến ngày Du lên đường đi Đức định cư. Buổi chia tay bịn rịn, Du đã siết chặt tay Hà và nhìn sâu trong mắt nàng, cả hai đều rưng rưng:
– Chị Hà, Du sẽ nhớ chị lắm, mong rằng chị không quên Du và những ngày tháng êm đềm ở trại. Có địa chỉ của chị bên Úc, Du sẽ liên lạc. Chúc hai chị em vui vẻ, mau chóng đi định cư.
Buổi tối, nằm trên chiếc giường gỗ, nhìn lên cái đình màn. Bâng khuâng, bâng khuâng… Những tình cảm Du dành cho Hà phải chăng chỉ là những tình cảm đơn thuẩn của bác sĩ với bệnh nhân. Có phải là tình yêu không, khi Hà vẫn coi Du như em vì Hà luôn đặt nặng vấn đề tuổi tác, các bạn nàng lập gia đình với những người hơn sáu, tám hoặc mười tuổi; khi đi học, những nam sinh viên đồng khóa, ngang tuổi, nàng luôn coi như đàn em. Cứ như thế hồn nàng lênh đênh… Ngày xưa, ngày mà nàng tưởng như đã chọn Giao, tưởng như ra trường sẽ làm đám cưới, thế mà chỉ vì một hôm, qua câu chuyện vô tình Giao kể về một người bạn sắp ngỏ lời cầu hôn với người yêu thì khám phá ra cô nàng bị suyễn nặng, anh chàng đã kiếm cách rút lui trước sự ngỡ ngàng của gia đình cô gái. Hà nghĩ đến mình, cũng bị bịnh tim, thế là lòng tự ái nổi lên, nàng tự ý tránh xa và cố tình không gặp Giao nữa.
Đến ngày hai chị em Hà được chuyển qua Manilla chờ máy bay đi Úc, Hà nhận được thư của Du kèm một tấm ngân phiếu hai trăm dollars: “…… Chị Hà… đây là số tiền trợ cấp đầu tiên Du lãnh. Gửi chị ngay vì Du nghĩ là chị cần hơn…”
Thật cảm động về sự quá chu đáo của Du. Hà rất vui nhưng vẫn một thoáng ngại ngùng.
3. Chị em Hà sang Úc vào Tháng Sáu. Ở Sài Gòn Tháng Sáu trời mưa, Tháng Sáu mùa hạ có những con đường phượng đỏ ngập trời. Ở đây mây xám ủ ê, trời mùa đông lạnh buốt… Hà co ro trong chiếc áo ấm, nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ các em còn kẹt lại, nhớ con nhỏ Ngọc còn ở Việt Nam và không biết mấy đứa bạn đi được đang ở những nơi nào. Khuôn mặt Du hiện lên rõ nét, Hà cũng thấy nhớ Du thật nhiều, Hà nghĩ phải chăng đó chỉ là tình cảm tự nhiên của một người đối với một người đã quá tốt với mình. Hà nhớ đến chuyện “Vòng Tay Học Trò” của Nguyễn Thị Hoàng và bật cười, không lẽ lại là “Vòng Tay Học Trò 2”.
Hà đi học lại để lo hội nhập vào cuộc sống mới. Đều đặn hàng tuần Hà nhận được thư của Du. Thư càng ngày càng tha thiết hơn. Những lá thư Du nói gần, nói xa nàng đều trả lời tránh né hoặc đùa giỡn để khỏa lấp. Hà nghĩ đến Du, chàng trai ba mươi tuổi, tương lai phơi phới. Còn Hà, ốm đau, yếu đuối, Hà có gì để đáp lại tình Du. Liệu Hà có đem được Hạnh Phúc đến cho Du không. Liệu tình yêu của Du có thật sự là tình yêu bền chắc không hay chỉ là lửa rơm bùng cháy nhất thời.
Du cứ đuổi thì Hà cứ chạy. Hồi còn học Trưng Vương, một bà giáo đã khuyên học trò rằng “Tình Yêu là một cuộc chạy đuổi trên một cái vòng tròn. Người con gái khôn ngoan phải biết dừng lại để làm đích chứ không phải là kẻ đuổi theo”. Bây giờ nàng đang bị đuổi và nàng chẳng chịu dừng. Mối tình đẹp quá, nàng tưởng như trong mơ, Du toàn hảo, Du tuyệt vời, Du yêu nàng tha thiết, Du yêu nàng đắm say. Tại sao Hà không nắm bắt cái Hạnh Phúc trong tầm tay đó. Hà yêu Du. Hà biết rõ là nàng cũng yêu Du. Khoảng cách tuổi tác không còn là vấn đề nữa. Du đã trưởng thành, là chỗ dựa bảo đảm, vững chắc cho cuộc đời nàng. Cuộc tình đẹp quá, đẹp như giọt sương long lanh trên cánh hoa buổi nắng sớm, dưới nắng ban mai giọt sương lóng lánh như viên kim cương. Hà muốn giọt sương ấy mãi đẹp. Nàng sợ, sợ viên kim cương đó chỉ là một chút phù du, sẽ tan biến, sẽ mất đi như một ảo ảnh… “Du ơi, Du có hiểu cho Hà không?” Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, nếu Hà nhận lời lấy Du, thực tế có còn đẹp như mơ không. Giọt sương long lanh ấy còn tuyệt vời không. Hay lại biến thành giọt nước mắt của đau khổ, của tủi hờn.
Mấy năm trời ròng rã thư từ qua lại, Hà đã học xong và có việc làm, nàng đã cùng mấy chị em lo thủ tục bảo lãnh cho cha mẹ và mấy người em. Cuộc sống đôc thân của Hà đã ổn định. Hà vui với gia đình, vui với công việc. Nước Úc hiền hòa, êm ả. Con người lịch sự, nhẹ nhàng, không có những tranh đua, những bon chen, giành dựt. Nếu nhận lời lấy Du, Hà phải sang Đức, xa chị em, xa những gì đã quen biết ở đây để làm lại tất cả từ đầu. Cuộc sống lứa đôi vào thực tế sẽ ra sao ở tuổi này. Hai người có hòa hợp được không hay cứng cỏi cả rồi. Cá tính ai cũng mạnh mẽ, nếu có đụng chạm ai sẽ nhường ai. Tình yêu của tuổi trẻ thật thánh thiện, trong sáng, đúng nghĩa của tình yêu. Có thể chỉ vì một mái tóc, bàn tay, giọng nói, tiếng cười hoặc chỉ vì một ánh mắt mà yêu nhau chết bỏ, cố lấy nhau cho bằng được để rồi tới đâu thì tới. Còn nàng, suy nghĩ, phân vân, so đo, cân nhắc… Có còn là tình yêu không.
Mỗi buổi sáng Hà dậy sớm đi bộ khoảng nửa tiếng trước khi sửa soạn đến sở làm. Con đường vắng vẻ, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe qua. Hai bên đường, những căn nhà xinh xắn núp sau vườn hoa nho nhỏ hiền hòa. Hà vươn vai thở hít khí trời trong sạch. Không gian là của nàng, thời gian là của nàng. Cuộc sống nàng thật sự thảnh thơi, tự do như những cụm mây trắng lang thang trên bầu trời bát ngát, bao la. Phòng ngủ của Hà xinh xắn, lúc nào cũng gọn ghẽ, ngăn nắp. Chiếc giường chăn ấm, nệm êm, Hà có thể vùi mình trong đó hay thoải mái duỗi thẳng chân tay. Qua khung cửa sổ, một vòm trời xanh, Hà có thể thả hồn theo những cụm mây bềnh bồng hay gửi tâm sự của nàng vào gió, vào mưa.
Cho đến một ngày Hà nhận được thư của Du, chỉ vỏn vẹn mấy câu:
Hà ơi! Du yêu Hà. Du yêu Hà thật rồi, yêu Hà thật nhiều… Mong Hà nhận lời cầu hôn của Du. Trả lời “Yes” Hà nhé!
Hà choáng váng! Đúng vào lúc đó Hà nghe một người bạn quen bên trại tị nạn cho biết gia đình Du đang đi hỏi vợ cho chàng, một cô nàng bác sĩ xinh đẹp, con nhà giàu, kém Du vài tuổi. Tim Hà buốt như dao cắt. Tại sao Du đi hỏi vợ còn viết lời tỏ tình với Hà, ngỏ lời cầu hôn. Tại sao. Hà hỏi gió, hỏi mây, hỏi Trời, hỏi đất rồi lại hỏi chính lòng mình. Du có yêu Hà thật tình như chàng vẫn viết không. Du có coi mình như một trò đùa không. Hà có sợ mất Du không. Hà thật mâu thuẫn, mâu thuẫn với chính mình. Trong con người tưởng như kiên cường, vững vàng ấy, nghị lực phi thường ấy cũng có lúc mềm như cọng bún thiu. Hà vẫn đi làm, vẫn tươi cười với những người xung quanh nhưng lúc một mình trong phòng vắng nàng lặng lẽ, tái tê.
Du,
Du hãy nghĩ đến tương lai rực rỡ của Du. Chúng mình là bạn tốt, bạn quý mến của nhau là quá đủ. Du hãy lo vun xới, xây đắp Hạnh Phúc của chính mình.
Thân,
Hà
Gửi thư đi rồi lòng Hà vẫn ray rứt, băn khoăn. Hà chịu để mất Du hay Hà từ chối Du vì lòng tự ái. Hà đã để lỡ bao cơ hội trong đời chỉ vì quá tự ái. Nhất là trong tình yêu, đôi khi sự tự ái đi đến chỗ cao ngạo. Đối với Hà, tình yêu không van xin, không tranh giành, không cướp đoạt.
Thôi đành “Trả hết cho người, cho người đi…” và “Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người…” từ nay xin… “Nghìn trùng xa cách” (mượn lời trong bài NTXC của Phạm Duy).
4- Mới năm giờ chiều mùa đông, bầu trời xám, thấp, buồn ủ ê. Hai hàng cây bên đường trụi lá, vướng lại những bông tuyết trắng. Những cây thông và tùng vẫn xanh tươi khoác thêm chiếc áo bông. Mặt đất như một thảm tuyết dầy trắng xóa, trừ lòng đường còn lộ chút nền nhựa đen vì được xe cào tuyết qua lại luôn. Du lái xe về, sau một ngày làm việc mệt nhọc tại nhà thương. Hôm nay Thứ Sáu của chàng, mai được nghỉ hai ngày cuối tuần.
Mở cửa bước vào căn phòng độc thân, bếp núc nguội ngắt, lỏng chỏng mấy cái bát đĩa dơ trong bồn rửa chén, Du vặn tăng độ lò sưởi để xua đi sự lạnh lẽo và cho vơi bớt nỗi cô đơn. Sau bữa ăn tối qua quýt cho xong, Du thả người trên chiếc ghế sô pha. Không gian tĩnh lặng, trống trải. Nghĩ đến Hà, bên Úc bây giờ đang mùa hè, ngập nắng. Hà có nghĩ đến Du không.
Là con áp út trong một gia đình sáu anh em trai, một gái, tất cả đều đã lập gia đình, một mình Du còn độc thân. Cha mẹ chàng ở Việt Nam luôn nhắc nhỏm, hối thúc chàng lấy vợ. Mấy bà chị em dâu giới thiệu hết người nọ đến người kia. Tại sao lòng chàng thật dửng dưng. Có những cô trẻ, đẹp, quyến rũ, đầy đủ những điều kiện cho bao chàng trai ao ước nhưng qua cách ăn mặc, lời nói, cử chỉ của các nàng, Du không nghĩ là mình có thể xây dựng một gia đình hạnh phúc với những người đó. Gần đây mẹ chàng nhắc đến Yến, một cô gái con của một bà bạn của cụ, cùng nghề với chàng, đi du học, sau biến cố 1975 đã ở lại bên Pháp. Dưới mắt cụ hai người thật xứng đôi và hai quốc gia gần nhau nên có cơ hội dễ dàng qua lại để gặp gỡ, tìm hiểu. Du chỉ ậm ừ, không muốn để mẹ lo buồn.
Thật sự Du cũng thèm một gia đình hạnh phúc, mơ một cuộc sống lứa đôi. Đối với Hà, Du thấy như tìm được một sự huyền nhiệm. Hà không đẹp lồ lộ nhưng có sức quyến rũ lạ lùng. Du nhớ giọng nói ríu rít, tiếng cười khanh khách giòn tan khi vui vẻ của Hà và những lúc buồn bã đôi mắt như sầu vời vợi và khi có vấn đề gì phải suy nghĩ thì đôi mắt trầm tư ấy lại có dáng vẻ đăm chiêu, dịu dàng... Trong Du đầy ắp hình ảnh, kỷ niệm với Hà. Du tự hỏi tại sao Hà lại vượt biên ở thời điểm đó, lại được tàu vớt đưa vào đúng nơi chàng làm việc. Tại sao khi gặp mặt nàng lần đầu tiên, đêm về chàng đã thao thức, nhớ nhung. Phải chăng chàng đã gặp đúng con người của định mệnh.
Anh Du,
Con trai yêu quý của mẹ, Mẹ đã già yếu lắm rồi, còn mình anh chưa yên bề gia thất, mẹ buồn lắm. Mẹ mong được đi dự đám cưới của anh trước ngày mẹ nhắm mắt về với ông bà. Mẹ của Yến cũng sang chơi luôn mà mẹ chưa dám trả lời dứt khoát với bác. Anh đã gặp cô Yến chưa? Hôm cô ta về thăm nhà, mẹ thấy con bé xinh đẹp, ngoan ngoãn, dễ thương. Sao anh lừng khừng thế? Nếu anh đã có đám nào rồi thì cho mẹ biết để mẹ yên tâm.
Mẹ
Nhận được thư của mẹ, Du không biết trả lời sao đây! Hà đâu biết nỗi khổ của Du. Áp lực bốn phía đổ ập lên đầu chàng. Mặc dù Du biết rằng cũng chỉ vì thương yêu chàng mà mọi người lo lắng.
Khi gửi lá thư cầu hôn đi, Du hồi hộp mong chờ, lòng nóng như lửa đốt, đếm từng phút, từng giây. Ngày nhận được lá thư từ chối của Hà, Du thật bẽ bàng. Chàng đã nằm thượt trên giường, đau đớn!
Buổi sáng, nắng ban mai lùa vào phòng Du qua khung cửa sổ. Bầu trời xanh thăm thẳm, màu nắng vàng hanh, tuyết trắng xóa, cảnh vật thật trong trẻo tinh khiết, những bông tuyết nhẹ nhàng bay. Ước gì có Hà…lại Hà! Du biết Hà sẽ yêu cảnh này lắm, những ngày sống ở đảo Du biết Hà yêu thiên nhiên, yêu từ ngọn cây, cọng cỏ. Con người rung động khi mặt trời mọc, lặng người khi mặt trời lặn xuống dần và buồn bã khi màn đêm từ từ buông. Hà sống rất giản dị, ngăn nắp, thiên nhiều về nội tâm. Ở bên Hà, Du cảm thấy an bình, êm ái. Du thầm hỏi lòng mình, chàng yêu Hà, chàng không đòi hỏi một điều gì ở nàng. Chàng tương đối thành công và đủ điều kiện là một người chồng tốt. Tại sao Hà cương quyết chối từ cái hạnh phúc chàng ao ước đem đến cho nàng. Tại sao. Du thu xếp công việc, xin phép nghỉ hẳn một tháng, nhất định sang Úc một chuyến để hỏi cho ra lẽ, để quyết tâm chinh phục quả tim mà chàng biết đã từng lỗi nhịp khi khám bịnh cho Hà.
5- Trong lòng chiếc phi cơ phản lực 747 bay đêm xuyên lục địa, tiếng động cơ êm nhẹ như tiếng rù rì. Ngoài
khung cửa sổ, trời đêm trong trẻo, vầng trăng mười sáu tròn xoe tỏa làn sáng bạc lặng lẽ theo chàng. Du ngả lưng vào thành ghế, thả hồn về dĩ vãng, nhớ những đêm trăng trên đảo Palawan, Du và Hà đi bộ, tắm mình trong ánh trăng lung linh huyền ảo. Cả hai cùng im lặng mà sao lòng Du ngất ngây, như chấp choáng men say. Nhớ hinh ảnh Hà ngồi bên chiếc bếp than, mặt rịn mồ hôi, nướng từng chiếc bánh, để sau khi đi dạo về ba người sẽ ngồi nhâm nhi với tách trà nóng. Nhớ hình ảnh Hà loay hoay trong bếp, chăm chú vào những việc tầm thường như nhặt rau, thái thịt. Hà yêu công việc nội trợ, nàng như để vào những món ăn tất cả sự yêu thương nên những mâm cơm giản dị, trình bày đẹp mắt, mới ngon lành làm sao. Hình ảnh người thiếu nữ không rời tâm trí Du. Cái không khí an bình, ấm cúng ấy đã quyến rũ chàng và chàng đã khát khao có một gia đình với bóng dáng Hà quanh quẩn gần bên.
Tại phòng khách sạn, Du tỉnh dậy sau một giấc ngủ vùi. Lật cuốn sổ điện thoại Du chợt thấy số điện thoại của Hương, em Hà.
– Hello! Cho tôi nói chuyện với cô Hương.
– Hương đây ạ! Xin lỗi ai ở đầu dây?
– Anh Du đây!
– Trời! Anh Du, anh đang ở đâu?
– Anh đang ở Úc đây này. Chị Hà khỏe không em?
– Anh chưa gặp chị Hà à?
Gần một tiếng qua điện thoại, Du được Hương cho biết là cha mẹ của Hà đã được sang đoàn tụ với các con hơn một tháng nay. Hương còn cho chàng biết thời gian đầu Hà lấn cấn không dám nhận lời Du vì còn đợi bảo lãnh cha mẹ. Nay hai cụ sang rồi thì Hà lại nhận được tin Du sắp lấy vợ nên Hà tự động rút lui cho chàng dễ dàng quyết định cuộc đời mình. Du bàng hoàng khi biết những chuyện này. Tội nghiệp Hà quá. Hà đã không hỏi thẳng chàng để biết sự thật mà ngấm ngầm buồn tủi một mình. Con người ấy luôn nghĩ đến tha nhân, lo cho hạnh phúc của người khác trước mình.
Nhìn chiếc đồng hồ tay, bây giờ đang giờ nghỉ đi ăn trưa của Hà đây. Du thay quần áo đến sở của Hà.
Du xoay xoay tách cà phê. Trước mặt Du, Hà trẻ trung trong chiếc áo đầm mùa hè vải trắng viền những chùm hoa nhỏ xinh xinh màu tím. Khuôn mặt trắng xanh, dịu dàng. Du đã giải thích hết những hiểu lầm của Hà, giải tỏa những tin đồn tai hại không biết ai đã ác ý đưa đến tai nàng, Du khẩn khoản ngỏ lời cầu hôn lần nữa, trực tiếp:
– Hà nhận lời Du, Hà nhé. Tám năm qua không đủ chứng minh cho Hà tấm lòng thành thật, tấm lòng yêu thương của Du đối với Hà sao? Hà còn định hành hạ Du đến bao giờ?
– Hà không thể chối bỏ là Hà cũng yêu Du nhưng Hà vẫn có những e ngại. Hà muốn Du hạnh phúc. Hà có thể sống một mình như Hà đang sống. Du có thể lấy người có những điều kiện hơn Hà nhiều. Hà không muốn Du sẽ có những đau khổ, dằn vặt sau này.
– Hà, thế nào là Hạnh Phúc? Tiền bạc, địa vị…có đem được hạnh phúc cho mình không? Lấy người mình không yêu có hạnh phúc không? Nếu Hà cứ khăng khăng không nhận lời làm vợ Du thì Du cũng sẽ ở vậy như Hà. Du cũng sẽ không lấy ai hết!
– Du có nhớ là Hà không được khỏe không? Điều đó dằn vặt Hà, khiến Hà trăn trở nhiều đêm. Ở tuổi của Hà, Hà còn có thể cho Du những đứa con không? Du ơi…Hãy nhìn vào thực tế. Vì yêu Du nên Hà nghĩ những chuyện về xa. Nhiều lần Hà đã nói với Du, Hà muốn Du hạnh phúc… vì Hà yêu Du. Du biết không!
– Hà muốn độc quyền và độc tài trong tình yêu à? Du là bác sĩ săn sóc sức khỏe cho Hà mà Du không biết bịnh tình của Hà sao? Du sẽ đem lại cho Hà một đời hạnh phúc. Chúng mình sẽ hạnh phúc. Hà tin Du, hãy tin ở Du đi!
Nước mắt trào ra như một dòng suối. Đôi vai Hà rung lên. Thổn thức. Du với sang, nắm hai bàn tay Hà, siết chặt. Hết giờ nghỉ trưa Du đưa Hà lại sở làm, hẹn tối sẽ đến nhà thăm Hà và cha mẹ của nàng.
Ôm một bó hoa hồng, một túi trái cây và mấy hộp thuốc bổ để làm quà cho các cụ, Du nhấn chuông cửa.
Hà gọn gàng trong bộ quần áo trắng, mở cửa mời Du. Bữa ăn tối đã dọn sẵn trên bàn.
Hà nhỏ nhẹ:
– Hôm nay Du ở lại ăn tối với Hà, ba sang chị Vân chơi với cháu, mẹ mệt nghỉ trong nhà.
Ánh đèn vàng ấm áp hắt ra từ chiếc đèn đứng ở góc phòng. Tiếng nhạc dịu êm. Căn phòng nhỏ ngăn nắp quá. Hai người ngồi thủ thỉ tâm tình, khuôn mặt Hà như tươi trẻ, rạng ngời.
– Để Du vào xin phép mẹ nhé!
Du khẩn khoản.
Hà lại trở lại hình ảnh con người nghịch ngợm hay trêu chọc Du trên đảo:
– Dám không?
– Hà cho phép?
Du lừng lững đứng lên gõ cửa phòng mẹ Hà.
Kéo chiếc ghế nhỏ ngồi bên giường cụ, Du ân cần hỏi han về bịnh tình cụ và nói những lời trấn an, vỗ về. Sau cùng chàng ngập ngừng:
– Thưa bác, cháu xin phép bác cho cháu được cưới Hà.
– Tôi có nghe em Hương, em Hà nói chuyện về cậu. Cám ơn cậu đã săn sóc trông nom các em thời gian trên đảo. Cám ơn cậu đã thương và muốn cưới em Hà. Chuyện vợ chồng là duyên số trời định. Ông Tơ Bà Nguyệt có xe sợi chỉ hồng thì mới được. Hai người phải bằng lòng mới được. Cậu để tôi hỏi ý kiến em. Nếu em bằng lòng thì chúng tôi cũng bằng lòng.
Trả lời những câu hỏi của cụ về nhà cửa, gia cảnh, công ăn việc làm một lúc, Du xin cáo từ đi ra để cụ nghỉ.
Bước ra phòng khách, Hà hồi hộp đợi chờ.
Du trịnh trọng thì thào:
– Mẹ bảo để hỏi em, nếu em bằng lòng thì mẹ bằng lòng. Vậy “em” có bằng lòng không?
Hà nguýt yêu:
– Nè nè… chưa gì đã lợi dụng thời cơ, ai là “em” ở đây vậy?
– Anh, anh… “anh” là “em”. Vậy… em bằng lòng nhé!
Du ôm gọn Hà trong vòng tay. Đặt nhẹ một nụ hôn vào mái tóc đang lòa xòa trên trán. Đúng lúc tiếng hát Từ Công Phụng từ chiếc cassette vang lên nhẹ nhàng:
“Nếu có điều gì vĩnh cửu được… thì em ơi… đó là tình yêu chúng ta”.
Bữa ăn tối êm ả, hai người đắm đuối nhìn nhau, Du như đang say say, Hà như đang bay bay. Hạnh phúc quá ngọt ngào để hai người phải hỏi lại nhau tại sao đã để vuột đi một thời gian quá dài.
Ban đêm, vùi mình trong gối chăn quen thuộc, Hà ôn lại sự việc diễn tiến trong ngày. Mọi việc đến như một cơn lốc, Hà không kịp chống đỡ. Du xuất hiện thật bất ngờ, những khẩn khoản giãi bầy, những ấm ức được giải tỏa, ánh mắt trìu mến, khuôn mặt thật đáng yêu… Du đã đem đến cho nàng một cơn lốc, cơn lốc của yêu thương. Khi thấy Du từ phòng mẹ ra Hà càng cảm phục sự thành thật và quyết tâm của chàng. Du đã nói, tám năm là một thời gian quá dài để thử thách, Hà muốn hành hạ Du đến bao giờ… Du ơi, Hà không muốn hành hạ Du, Hà thật sự muốn Du hạnh phúc. Chúng ta đã nói ra hết ngày hôm nay, Du hiểu được Hà và nay Hà đã thật sự hiểu lòng Du và tình yêu của Du dành cho Hà. Hà hứa với Du, hứa với lòng mình, chúng ta phải hạnh phúc, phải hạnh phúc… Cứ như thế Hà thiếp đi trong giấc ngủ bình yên, ngập tràn mộng đẹp.
Du trở về khách sạn, lòng lâng lâng sung sướng, chàng mỉm cười với tất cả những người chàng gặp trên đường đi. Chàng muốn hét to lên cho mọi người biết niềm vui của mình. Chỉ mới có một ngày mà… Ôi, Hạnh Phúc!
Quăng mình trên giường, xoải dài chân tay, còn một tháng ở đây, chàng làm gì?
Tuần lễ sau đó Hà còn đi làm nên mỗi buổi chiều Du đến nhà Hà ngồi chơi cho đến khuya, như những cặp tình nhân trẻ dại thời xưa, chỉ đến ngồi chầu để được ở bên nhau, nhìn thấy mặt nhau cho đỡ nhớ. Cuối tuần hai người mới đi thăm những thắng cảnh quanh vùng. Hà thích phong cảnh thiên nhiên, những nơi sông núi hữu tình hay ra vùng biển với đất trời bao la.
Du suy nghĩ, chàng còn ba tuần nữa là phải trở về Đức, không biết đến ngày nào lại có dịp sang đây. Không lẽ hai người cứ mãi là Ngưu Lang Chức Nữ không bắc nổi nhịp cầu Ô Thước.
– Hà!
– Du nói gì?
– Hay… chúng mình làm đám cưới, Hà sang Đức cùng với Du lần này… được không?
– Làm gì gấp thế? Du đã xin phép hai cụ bên nhà chưa?
– Bố Mẹ Du mong lắm, biết tin Du lấy vợ thì các cụ rất mừng. Hà không biết chứ, các cụ nhắc nhỏm luôn đấy.
– Để Hà hỏi ba mẹ Hà xem sao.
Hà nhí nhảnh tiếp theo:
– Muốn đem tui đi, có mình tui tứ cố vô thân để dễ bề bắt nạt tui hả?
Du long trọng đưa tay lên:
– Xin thề, không bao giờ làm Hà buồn. Xin suốt đời bảo vệ “em”, không bao giờ dám uýnh em bằng một cành hoa.
– Không uýnh bằng cành hoa, uýnh bằng củi tạ phải không?
Cả hai cùng phá lên cười. Biết là đùa giỡn nhưng lòng Hà như ấm lại, tự ái đàn bà được vuốt ve. Không hiểu sao mỗi lần Du gọi Hà bằng em, Hà thấy như mình bé nhỏ hẳn bên chàng.
Một tuần sau, đám cưới Hà Du diễn ra trong vòng thân mật, gia đình Hà có mặt đầy đủ. Bên phía Du, vì thời gian gấp rút và đường xá xa xôi nên cha mẹ Du chỉ viết thư, điện thoại sang xin phép và nhờ bên thông gia lo liệu giùm mọi chuyện. Cũng may có gia đình ông anh con bác trưởng tộc ở đây nên hai cụ đã nhờ vợ chồng anh đứng ra đại diện họ nhà trai.
Du sang Úc tìm Hà vào một đêm trăng, chuyến về của Du, đem theo con người của định mệnh cũng bay vào đêm trăng vì thời gian cách nhau đúng một tháng. Qua khung cửa sổ, vầng trăng tròn, sáng lung linh đi theo suốt cuộc hành trình, như chứng kiến hạnh phúc của hai người đã thật sự tìm ra nhau. Hà ngả đầu vào vai Du, giấc ngủ bình yên, êm ả.
Căn phòng độc thân của Du không còn là căn phòng bừa bãi nữa mà là tổ ấm của hai chú vành khuyên.
6.
Hà lững thững đi bộ trong cảnh tĩnh lặng của một buổi sáng mùa thu. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, Hà đã sống với Du gần hai chục năm. Đã qua lại con đường này từ ngày có con bé Bảo Châu, Hà gần như quen từng gốc cây, bệ đá, từng hàng rào, từng căn nhà xinh xắn dọc hai bên đường.
Nhớ lại năm mới sang, Hà lo học tiếng Đức và tìm hiểu những phong tục tập quán nơi ở mới để hội nhập; sửa soạn ôn lại bài vở để lo kiếm việc làm. Buổi sáng nào Hà cũng đi bộ hơn nửa tiếng như thường lệ, thì giờ rảnh nàng vào phòng tập và bơi lội. Sức khỏe càng ngày càng khả quan, Hà yêu đời hơn, với bản tính lạc quan, thêm vào tình yêu của chồng, trông nàng tươi trẻ hẳn ra. Được hơn một năm, con bé Bảo Châu ra đời, hai vợ chồng ngập tràn hạnh phúc. Ông Bà ngoại, các bác, dì và cậu của bé từ Úc lần lượt sang thăm. Nhìn hạnh phúc của con, hai cụ đã khóc vì sung sướng. Nay hai cụ đã ra người thiên cổ.
Con bé được sáu tháng thì Du Hà quyết định mua căn nhà này. Hà tự tay vun xới khu vườn nhỏ, tự tay trồng mấy gốc Anh Đào và cây hoa Mộc Lan, những cây khi mới trồng nhỏ xíu nay đã thành cổ thụ. Con bé Bảo Châu đem niềm vui đến cho cả nhà. Hai vợ chồng yêu con còn hơn báu ngọc nên hai người đồng ý để Hà ở nhà trông con, một mình Du đi làm, lo phần tài chánh cho gia đình. Hà cũng yên phận nội trợ, chu toàn cơm nước, trang trí nhà cửa, săn sóc, dậy dỗ con. Thì giờ rảnh Hà đọc sách, vá may.
Chỉ vài tuần nữa con bé Bảo Châu sang Úc du học, còn lại hai vợ chồng già lo lắng cho nhau. Nhớ con thật nhiều, nhưng con chim non đủ lông, đủ cánh, sớm muộn gì cũng đến ngày cất cánh bay xa.
Về đến nhà, nhìn qua khung cửa sổ, khu rừng phía xa rực rỡ dưới nắng sớm. Từng mảng màu nửa vàng nửa xanh của những cây sồi cao như làm nền cho những mảng màu đỏ thẫm, vàng tươi của mấy loại lá Phong. Mới ngày nào đứng bên cửa sổ nhìn lá lìa cành nàng không khỏi ngậm ngùi, tỉ mỉ theo dõi từng chiếc lá. Có những chiếc chao lượn nhẹ nhàng rồi êm ả rơi xuống. Có những chiếc chúc đầu rớt xuống thật nhanh. Có những chiếc run rẩy mãi mới chịu bứt ra khỏi cành... Không kể khi có những trận cuồng phong, những chiếc lá xoắn tít trên không, vật vã trong gió, dập vùi mãi tới tả tơi mà vẫn chưa được nằm xuống. Hà lẩn thẩn chạnh nghĩ đến kiếp người, cũng chẳng khác gì kiếp lá, cũng từ giã cõi tạm này mà mỗi người một cách ra đi.
Thấm thoắt mới tàn thu mà nay đã lại vào thu.
Buổi chiều sửa soạn cơm nước xong, đợi chồng con trở về, ngồi trong chiếc ghế bành nhìn qua cửa sổ, mặt trời lặn dần phía xa. Chiều từ từ buông xuống nhẹ nhàng. Hà đã có một cuộc sống hạnh phúc giản dị, êm đềm. Hà đã gặp hạnh phúc đó và đã biết gìn giữ, nâng niu, biết hài lòng với những gì mình đang có.
Phải chăng đây là chốn Thiên Đường. Thiên Đường hay Địa Ngục là do ta.
Đỗ Dung
( Nếu các bạn thích nghe đọc truyện DÂY TƠ HỒNG xin bấm vào link dưới )
https://www.youtube.com/watch?v=TF0iYBoYRzo&t=44s
Tê Hát ST