“Trên Ngọn Tình Sầu”, “Giữ Đời Cho Nhau” – Du Tử Lê & Từ Công Phụng

Tân Nhạc VN – Thơ Phổ Nhạc –

“Trên Ngọn Tình Sầu”, “Giữ Đời Cho Nhau” – Du Tử Lê & Từ Công Phụng

**Trần Lê Túy-Phượng **

Chào các bạn,

Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn hai thi khúc “Trên Ngọn Tình Sầu” (“67 Khúc Thêm Cho Huyền Châu”), “Giữ Đời Cho Nhau” (“Ơn Em”) của Thi sĩ Du Tử LêNhạc sĩ Từ Công Phụng.

Thi sĩ Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, miền Bắc Việt Nam.

Sau Hiệp Định Genève, 1954, Lê Cự Phách di cư vào Nam cùng với gia đình. Đầu tiên ông định cư ở Hội An, Quảng Nam, sau đó là Đà Nẵng. Đến năm 1956, ông vào Sài Gòn và theo học trường Trần Lực, trường Chu Văn An, sau cùng là Đại học Văn Khoa.

Ông làm thơ từ rất sớm, khi đang còn học tại trường tiểu học Hàng Vôi tại Hà Nội. Sau khi di cư vào Sài Gòn, Du Tử Lê bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức lần đầu tiên vào năm 1958 cho bài “Bến Tâm Hồn”, đăng trên tạp chí Mai

Thi sĩ Du Tử Lê.
Thi sĩ Du Tử Lê.

Ông từng là sĩ quan thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, cựu phóng viên chiến trường, thư ký tòa soạn cuối cùng của Nguyệt San Tiền Phong (một tạp chí của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa), và là giáo sư dạy giờ cho một số trường trung học Sài Gòn.

Năm 1973 tại Sài Gòn, ông được trao Giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc, bộ môn Thơ với tác phẩm “Thơ Tình Du Tử Lê” 1967-1972.

Ngày 17 tháng 4 năm 1975, Du Tử Lê cùng với Mai Thảo và Phạm Duy bị kết án tử hình vắng mặt trên đài phát thanh của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vì có thái độ đối nghịch quyết liệt. Sau sự kiện 30 tháng 4, 1975, ông sang tỵ nạn ở Hoa Kỳ.

Hiện ông đang sống tại miền Nam California, tiếp tục nghề viết, và là nhân viên khế ước của đài tiếng nói Hoa Kỳ từ năm 1996. Ông cũng từng là chủ nhiệm các báo Việt Ngữ Nhân Chứng, Tay Phải, và Văn Nghệ ở Hoa Kỳ.

dutule6

Tại hải ngoại, Du Tử Lê đã và đang có những thành công nhất định:

– Cho tới hôm nay, ông là nhà thơ châu Á duy nhất được phỏng vấn và có thơ đăng trên hai nhật báo lớn của Hoa Kỳ: Los Angeles Times (1983) và New York Times (1996). Thơ ông cũng đã và đang được đưa vào giảng dạy, làm tài liệu nghiên cứu, đọc thêm tại một số trường đại học Hoa Kỳ và Châu Âu.

– Năm 1998, nhà xuất bản W. W. Norton, New York đã chọn Du Tử Lê vào một trong năm tác giả Việt Nam để in vào phần “Thế Kỷ 20: Thi Ca Việt Nam” khi tái bản tuyển tập “World Poetry An Anthology of Verse From Antiquity to Our Present Time” (“Tuyển Tập Thi Ca Thế Giới Từ Xưa Đến Nay”).

– Trong cuốn “Understanding Vietnam”, tác giả, giáo sư Neil L. Jamieson đã chọn dịch một bài thơ của Dư Tử Lê viết từ năm 1964. Cuốn sách này sau trở thành tài liệu giáo khoa, dùng để giảng dạy tại các đại học Berkeley, UCLA, và Cambridge, London.

– Ông cũng là nhà thơ có nhiều tác phẩm được phổ nhạc. Trong số đó có nhiều ca khúc nổi tiếng như của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, với “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn”, “Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển”, “Quê Hương Là Người Đó” (“Xa Nguồn Yêu Thương”), Trần Duy Đức với “Chỉ Nhớ Người Thôi Đủ Hết Đời”, “Em Hiểu Vì Đâu Chim Gọi Nhau”, Nguyên Bích với “Hiến Chương Yêu”, Đăng Khánh với “K. Khúc của Lê”, Anh Bằng với “Khúc Thụy Du”, Phạm Duy với “Kiếp Sau Xin Giữ Lại Đời Cho Nhau”, Hoàng Quốc Bảo với “Người Về Như Bụi”, Từ Công Phụng với “Trên Ngọn Tình Sầu”… Từ những ca khúc này, ông đã tuyển chọn để thực hiện 3 CD “K. Khúc của Lê” năm 2001.

Tuy nhiên, ông không được hoan nghênh và biết đến nhiều ở trong nước. Điển hình là vào ngày ngày 18 tháng 8 năm 2005, báo Công An (Sài Gòn) đã đăng bài “Bộ mặt ngạo mạn của Du Tử Lê” của hai tác giả Trọng Đức và Lê Nguyễn, phản bác cho việc Nhà Xuất Bản Văn Nghệ xuất bản tập thơ Du Tử Lê, với nhiều ý kiến công kích cả về thơ ca lẫn con người của ông.

Tính đến thời điểm 2014, thi sĩ Du Tử Lê đã xuất bản 58 tác phẩm đủ thể loại.

Nhạc sĩ Từ Công Phụng.
Nhạc sĩ Từ Công Phụng.

Trong khoảng thời gian từ thập niên 60 đến tháng 4-1975 ở miền Nam Việt Nam có 5 nhạc sĩ viết về tình ca rất nổi bật có thể gọi là “Ngũ Đại Tình Sĩ”, gồm có: Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Lê Uyên Phương,Trịnh Công Sơn. Ngô Thụy Miên thì trong sáng mượt mà. Từ Công Phụng tươi mát đậm đà. Vũ Thành An trầm buồn rũ rượi. Lê Uyên Phương nồng nhiệt nhức nhối. Trịnh Công Sơn nhẹ nhàng rời rã.

Nhạc sĩ Từ Công Phụng sinh ngày 27 tháng 7 năm 1942, tại Ninh Thuận. Anh tốt nghiệp cử nhân luật và từng là biên tập viên đài phát thanh VOF.

Năm 16 tuổi, anh tự học về âm nhạc qua cuốn sách Harmonie et Orchestration của Robert de Kers, bản tiếng Pháp, xuất bản tại Paris, năm 1944.

Năm 1960, anh sáng tác nhạc phẩm đầu tay Bây Giờ Tháng Mấy khi mới 18 tuổi, tác phẩm nhanh chóng được giới sinh viên Văn Khoa yêu mến. Thời gian ở Đà Lạt, Từ Công Phụng cùng một số bạn học mới trong đó có nhạc sĩ Lê Uyên Phương, thành lập ban nhạc Ngàn Thông chơi nhạc hàng tuần trên đài phát thanh Đà Lạt. Ca khúc Bây Giờ Tháng Mấy của anh cũng được trình bày lần đầu tiên qua làn sóng phát thanh này. Sau đó, anh lần lượt sáng tác những ca khúc như Mùa thu mây ngàn, Bài cho em…

Các ca khúc trữ tình của anh được nhiều ca sĩ trình bày qua nhiều thập kỷ và được nhiều người biết đến như: “Bây Giờ Tháng Mấy”, “Mắt Lệ Cho Người”, “Giọt Lệ Cho Ngàn Sau”, “Trên Ngọn Tình Sầu”, “Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên”,… Ngoài ra Từ Công Phụng cũng hát một số trong những bài hát của chính mình.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, các sáng tác của anh bị cấm lưu hành tại Việt Nam cho đến năm 2003.

Nhạc sĩ Từ Công Phụng rời Việt Nam từ tháng 10 năm 1980 và hiện đang định cư tại Portland, Oregon, Hoa Kỳ.

Năm 1998, anh có trở về thăm quê hương Ninh Thuận nhưng không tham gia hoạt động âm nhạc. Đến tháng 5 năm 2008, anh lại trở về Việt Nam và lần này có biểu diễn trong chương trình “45 Năm Tình Ca Từ Công Phụng” tại một phòng trà có tiếng ở Sài Gòn.

dutule2Thi phẩm “67 Khúc Thêm Cho Huyền Châu” (Thi sĩ Du Tử Lê)

hạnh phúc tôi từ những ngày nước lớn
trời mưa mau tay vuốt mặt khôn cùng
bầy sẻ cũ hom hem chiếu ngói xám
trời xanh xao chân ngỏ cũng không về
cây mộng nở từng ngón tay lá nõn
nôi tương tư cỏ ấm thịt da người
tôi hiu hắt từ mắt em ngắt tạnh
môi thâm khô từ thuở định xin hôn
ngày tháng hạ khi không mà trở rét
em khi không mà trở mặt điêu ngoa
tay trông ngóng hương đưa mùi tóc mạ
ngọn me xa theo ký ức rì rào
chiều qua đó chân ai còn ríu rít
lời ai say cho trời đất lại gần

kỷ niệm tôi từ những ngày vỡ tiếng
nhẩn nha gom từng cọng thiết tha rơi
con dế nhỏ lớn lên đằm tiếng hát
khi đêm về ru giọng đớn đau hơn
cây niên thiếu cũng thui mầm trong sáng
lá oan khiên lả tả mái hiên người
tôi èo từ những ngày cả gió
con dế buồn tự tử giữa đêm sương
bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
ngọn me xưa già khọm tiếc thương hờ
em ở đó bờ sông còn ấm cát
con sóng tình vỗ mãi một âm quên
(1967)

dutule_TrenNgonTinhSau1

dutule_TrenNgonTinhSau2

Thi khúc “Trên Ngọn Tình Sầu” (Nhạc sĩ Từ Công Phụng)

Hạnh phúc tôi, hạnh phúc tôi
Từ những ngày con nước về
Ngoài trời mưa mau, ngoài trời mưa mau
Tay vuốt mặt không cùng
Bầy sẻ cũ hom hem
Chiều mái xám rêu xanh
Trời êm cao chân nhỏ
Cũng không về trên dòng sông tội lỗi

Tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh
Môi thâm khô từ thuở định hôn người
Ngày tháng hạ khi không mà trở rét
Giọt nắng vàng lung linh màu lạnh ngắt
Sao khi không người ngoảnh mặt kiêu sa

Chiều qua đó chân ai còn ríu rít âm thưa
Lời ai ru như mơ cho trời xuống thật gần
Người trông ngóng hương đưa mùi mái tóc đêm mưa
Nhẹ theo lá oan khiên lả tả mái hiên người

Tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh
Con dế buồn tự tử giữa đêm sương
Bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
Em ở đó bờ sông còn ẩm cát
Con sóng tình vỗ mãi một âm quen

dutule_bìaThi phẩm “Ơn Em” (“Kiếp Sau Xin Giữ Lại Đời Cho Nhau” – Thi sĩ Du Tử Lê)

ơn em thơ dại từ trời,
theo ta xuống biển, vớt đời ta trôi.
ơn em dáng mộng mưa vời,
theo ta lên núi, về đồi yêu thương.
ơn em ngực ngải môi trầm,
cho ta cỏ mặn, trăm lần lá ngoan.
ơn em hơi thoáng chỗ nằm,
dấu quanh dấu quẩn nỗi buồn một nơi.
ơn em tình như mù lòa,
như con sâu nhỏ bò qua giấc vùi.
ơn em hồn sớm ngậm ngùi,
kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau.
tạ ơn em… tạ ơn em…

dutule_GiuDoiChoNhau1

dutule_GiuDoiChoNhau2

Thi khúc “Giữ Đời Cho Nhau” (“Ơn Em” – Nhạc sĩ Từ Công Phụng)

Ơn em thơ dại từ trời
Theo ta xuống biển vớt đời ta trôi.
Ơn em dáng mỏng mưa vời
Theo ta lên núi về đồi yêu thương.
Tạ ơn em
Tạ ơn em.

Ơn em ngực ngải môi trầm
Cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan.
Ơn em hơi thoảng chỗ nằm
Dấu quanh dấu quẩn nỗi buồn một nơi.
Tạ ơn em
Tạ ơn em.

Ơn em tình những mù lòa
Như con sâu nhỏ bò qua giấc mùi.
Ơn em hồn sớm ngậm ngùi
Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau.
Tạ ơn em
Tạ ơn em

Dưới đây mình có các bài:

– Thi Sĩ Có 300 Bài Thơ Được Phổ Nhạc
– Du Tử Lê – 50 Năm Trên Ngọn Tình Sầu
– Trên ngọn tình sầu – Từ Công Phụng (Thơ: Du Tử Lê)

Cùng với 11 clips tổng hợp hai thi khúc “Trên Ngọn Tình Sầu”, “Giữ Đời Cho Nhau” do nhạc sĩ Từ Công Phụng và các ca sĩ lừng danh đương thời diễn xướng để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn,

Túy Phượng

(Theo Wikipedia)

dutule_Bìa 'Tuyển Tập Thơ Du Tử Lê (1957-2013)' (Hình Ngọc Lan-Người Việt)

Thi Sĩ Có 300 Bài Thơ Được Phổ Nhạc

(Vũ Hoàng thực hiện)

Là một trong những thi sĩ có số lượng thơ được phổ nhạc nhiều nhất, lên tới hơn 300 bài hát, thi sĩ Du Tử Lê không chỉ nổi tiếng với người Việt cả trong nước và hải ngoại, mà một số bản thơ tình của ông cũng được các nhà xuất bản Hoa Kỳ dịch thuật và sử dụng làm tài liệu giảng dạy trong một số trường đại học.

oOo

Duyên nghiệp

Vũ Hoàng: Trước hết, cám ơn ông đã dành cho đài ACTD buổi trò chuyện hôm nay ạ. Vũ Hoàng muốn biết vì sao rất nhiều nhạc sĩ lại chọn thơ của ông để phổ nhạc. Có điểm đặc biệt gì trong những bài thơ đó mà rất nhiều trong số này đã thành công không thưa ông?

Nhà thơ Du Tử Lê: Câu hỏi của Vũ Hoàng làm tôi cũng lúng túng. Chính bản thân tôi cũng không biết vì sao cả. Hồi đầu số người phổ nhạc bắt đầu là những ông như Nguyễn Hiền, rồi Phạm Duy, Phạm Đình Chương. Hồi ở Việt Nam trước năm 1975, thì lúc đầu tôi nghĩ đó là một cái duyên, nhưng sau đó, nhiều quá tôi cũng không biết làm sao. Câu trả lời rất thành thật thưa quí thính giả và thưa Vũ Hoàng.

Vũ Hoàng: Dạ vâng, Vũ Hoàng có nói chuyện với nhạc sĩ Từ Công Phụng thì được ông cho biết là trong thơ của thi sĩ có sự nhân cách hóa được những sự vật, những điều rất bình thường để biến nó thành như những con người trong thơ.

Nhà thơ Du Tử Lê: Có lẽ nhận định của nhạc sĩ Từ Công Phụng cũng là một nhận định. Nhưng như vậy, chúng ta sẽ nói sang phần kỹ thuật một chút, thì tôi hy vọng thính giả không khó chịu lắm.

Thơ thì có kỹ thuật của nó. Kỹ thuật căn bản của thơ là so sánh, vật này với vật kia, liên tưởng, liên tưởng vật này với vật khác, thứ ba là nhân cách hóa và thứ tư là ẩn dụ. Đồng thời tôi cũng chủ tâm linh động hóa những sự vật nó cố định. Nếu mình không nhân cách hóa được thì linh động hóa, cho nó một sức sống hay là một sự chuyển động thì đó là quan niệm của tôi, cũng tạm gọi là đặc biệt đi.

Vũ Hoàng: Thưa ông, Vũ Hoàng cũng không am hiểu nhiều về thơ, thì thấy rằng luật bằng trắc đôi khi phải rơi vào những giai điệu lên xuống của bài hát thì nghe mới xuôi được, không biết chuyện dấu, sắc hỏi huyền ngã… thi sĩ Du Tử Lê sẽ chọn và đặt như thế nào?

Nhà thơ Du Tử Lê: Câu hỏi rất là hay, hay lắm. Tôi không chú ý đến cái đó. Tôi lấy một thí dụ cụ thể nhé. Một trong những người trẻ phổ nhạc thơ của tôi là nhạc sĩ Trần Duy Đức, anh có phổ một bài khá thành công là bài Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu. Thì Vũ Hoàng thấy rằng ngay câu đầu tiên của tôi là 2 vần trắc đi với nhau: Ở – vần trắc, Chỗ – vần trắc. Chưa kể là ông Phạm Đình Chương hay anh Trần Duy Đức chọn phổ những bài thơ tự do, không có vần điệu, không đều đặn, không êm ả đâu. Khi tôi làm thơ thì không hề có chủ tâm để phổ nhạc, chưa bao giờ có ý định đó cả.

Vũ Hoàng: Vâng bản Khúc Thụy Du thì sao ạ?

Nhà thơ Du Tử Lê: Vũ Hoàng có biết là trước khi phổ nhạc bài đó thì tôi và ông Anh Bằng hoàn toàn không biết nhau, ông đi mua sách của tôi, cuốn tôi tái bản bên này. Một buổi tối ông đi tìm tôi, tôi có một quán cà phê nho nhỏ, ông nói là xin gặp ông Du Tử Lê, tôi bảo tôi chính là Du Tử Lê đây, anh cần cái gì.

Chuyện vui lắm, tôi viết xuống rồi, bây giờ tôi kể lại cho Vũ Hoàng và quí thính giả nghe, thì ông nói tôi là Anh Bằng đây, tôi mới nói tôi biết anh, anh cần gì không. Thì lúc đó ông nói, tôi mới đi mua cuốn sách của anh, lúc đó còn anh anh tôi tôi và tôi phổ một bản nhạc mà tôi không biết hát. (cười). Vâng, tôi muốn đưa một cái rất tình cờ như vậy. Rất nhiều người nhạc sĩ khi họ phổ thơ của tôi, họ không biết tôi là ai cả, tôi cũng chẳng biết họ là ai cả.

Vũ Hoàng: Vâng, nó như một duyên số đến với nhau phải không ạ?

Nhà thơ Du Tử Lê: Vâng, nó là một duyên nghiệp, nếu nó hay, nó sẽ chắp cánh cho bài thơ, thì mình gọi là cái duyên, nếu nó dở, nó giết bài thơ thì mình gọi là cái nghiệp. (cười).

Hơn 300 bài thơ được phổ nhạc

Vũ Hoàng: Bây giờ Vũ Hoàng quay lại thơ của chú, Vũ Hoàng biết rất nhiều nhạc sĩ phổ thơ của chú, thì chú có thống kê được bao nhiêu bài đã được phổ rồi không ạ?

Nhà thơ Du Tử Lê: Thống kê thì không thể thống kê được, ước lượng thì có thể được, riêng nhạc sĩ Anh Bằng đã khoảng trên 20 bài, nhạc sĩ Song Ngọc cũng phổ nhạc khoảng 50-60 bài, nhạc sĩ Trần Duy Đức cũng phổ trên 20 bài, anh Khang Thụy phổ thơ tôi khoảng 40 bài, nếu bây giờ tôi gom lại tất cả những bài thơ đó, thì con số sẽ không dưới 300 bài thơ.

Trong đó có một bài 4-5 người phổ, mỗi người cho bản nhạc một version (thể điệu) khác nhau. Tôi thí dụ bài Ơn Em, người đầu tiên phổ không phải là Từ Công Phụng, người đầu tiên là nhạc sĩ Phạm Duy, ông phổ điệu ballad có pha Tây Nguyên, ông giữ nguyên văn “Kiếp Sau Xin Giữ Lại Đời Cho Nhau”. Khoảng 2 năm sau, ông Từ Công Phụng thấy bài đó, thì ông nói rằng biết nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc rồi, nhưng ông nghĩ là ông có thể cho nó một version khác (thể điệu). Cũng giống một bức tranh, mỗi người nhìn một bức tranh khác nhau, khi phổ nhạc thì anh Từ Công Phụng cắt đi để khỏi trùng tên và chọn nhan đề Giữ Đời Cho Nhau.

Vũ Hoàng: Vâng, tuyệt vời ạ. Đó là điểm rất đặc biệt đấy ạ. Vũ Hoàng cám ơn thi sĩ rất nhiều đã dành thời gian cho buổi trò chuyện hôm nay ạ.

(Vũ Hoàng thực hiện)

Chân dung nhà thơ Du Tử Lê (Ảnh: Dân Huỳnh-Người Việt).
Chân dung nhà thơ Du Tử Lê (Ảnh: Dân Huỳnh-Người Việt).

Du Tử Lê – 50 Năm Trên Ngọn Tình Sầu

(Hiền Vy)

Du Tử Lê sinh năm 1942 tại Hà Nam, Bắc Việt, là cựu học sinh Chu Văn An và sinh viên đại học Văn Khoa Sàigòn. Bài thơ với bút hiệu Du Tử Lê đã được mọi người biết đến lần đầu, vào năm 1957, lúc ông mới 15 tuổi. Ông đã có 46 tác phẩm được xuất bản gồm thơ, truyện, tùy bút. Thơ Du Tử Lê đã được dịch ra nhiều sinh ngữ như Anh, Pháp, Đức và được dùng để giảng dậy tại nhiều đại học ở Hoa Kỳ và Âu Châu.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết lý do Hội VHKHVN đã chọn chủ đề cho chương trình vinh danh Du Tử Lê:

“Trên Ngọn Tình Sầu do Từ Công Phụng soạn vào cuối thập niên 60 vẫn là ca khúc được ưa chuộng nhất. Năm 1993 kỷ niệm nửa thế kỷ âm nhạc Việt Nam, hội âm nhạc trong nước đã công bố 50 ca khúc hay nhất, theo sự chọn lựa của quần chúng thì trong số này có Trên Ngọn Tình Sầu.”

Những tranh luận về thơ Thơ Du Tử Lê

Sự sáng tạo trong Thơ Du Tử Lê, lúc đầu, cũng gặp nhiều sự chống đối trong giới văn nghệ sĩ.

Năm 1967, khi giai phẩm Xuân của tạp chí Văn đăng bài thơ lục bát, “Bài Cuối 66” của Du Tử Lê với lối ngắt chữ rất mới và phá luật,

Phố cao, gió nổi, bóng mờ, đêm lu, trời nặng, tôi gù lưng, đi thì nhà văn Mai Thảo đã cho rằng Du Tử Lê làm thơ Lục Bát rất kỳ cục, có người lại bảo Du Tử Lê lập dị, kẹt chữ, hay là chỉ vì một sự tình cờ…

“Thứ nhất là hoàn toàn không do tình cờ. Cách đây khoảng 40 năm, khi bài thơ đầu tiên tôi ngắt nhịp đi của lục bát, thì thời gian đó chiến tranh đã đến miền Nam Việt Nam rất nhiều. Thế hệ của tôi là thế hệ mà không biết được ngày mai như thế nào cả. Tôi muốn nói thi ca phải phản ánh cái đời sống thực của người thi sĩ.

Ngày xưa cha ông chúng ta làm thơ Lục Bát êm đềm theo nhịp đều, tức là nhịp 2/2, nhưng đến thời tôi là thời của chiến tranh và nếu tôi tiếp tục làm thơ Lục Bát theo kiểu cha ông của chúng ta, thì tôi cho là nó không phản ảnh cái hiện trạng đời sống của chúng ta thời hiện đại, cho nên tôi đã ngắt nhịp đi của nó, tức là tôi cho Lục Bát những nhịp lẻ, hay nói theo âm nhạc là nhịp chỏi.

Mà khi nó chỏi như vậy thì tôi cho rằng nó phản ảnh được cái bấp bênh, cái gập gềnh của đời sống chúng ta qua thi ca, nhất là thể lục bát…”

Giải thưởng Văn chương 1973

Năm 1973, Du Tử Lê đoạt giải Văn Chương Toàn Quốc với tác phẩm “Thơ Du Tử Lê 1967 – 1972” Trong tập thơ này có bài “Khi Cuộc Tình Đã Chết” bị nhà phê bình văn học Hà Nội, Hoài Thanh lên án là làm suy yếu tinh thần chiến đấu của thanh thiếu niên miền Nam.

Khi được hỏi lời phê bình của Hoài Thanh có ảnh hưởng đến việc sáng tác của ông không, Du Tử Lê cho biết, lời phê bình chỉ làm ông thất vọng:

“Lời phê bình ấy hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến việc sáng tác của tôi cả. Có điều tôi cực kỳ thất vọng vì ông Hoài Thanh là đồng tác giả của cuốn Thi Nhân Việt Nam, xuất bản từ thập niên 40, và tác giả thứ hai là Hoài Trân. Đó là tác phẩm đầu tiên trong giòng văn học của Việt Nam mà phê bình văn học, là cuốn viết về các nhà thơ tiền chiến mà cá nhân tôi rất là quí trọng, yêu mến.

Tôi nghĩ đó là một người có một trình độ thưởng ngoạn thi ca rất là đáng trân trọng, nhưng khi ông ấy biến bài thơ “Khi cuộc tình đã chết” của tôi thành một bài mà ông ấy viết, khi phát thanh trên đài phát thanh Hà Nội vào đêm 30 Tết năm 1973, và gán cho tôi, thứ nhất là lãnh tiền của Mỹ Ngụy, thứ hai là dùng thơ văn lãng mạn để làm suy yếu tinh thần chiến đấu của thanh thiếu niên miền Nam VietNam thì phải nói là tôi cực kỳ thất vọng.

Tôi không nghĩ một người phê bình văn học như vậy mà nhìn một tác phẩm của tôi như vậy, mà có thể kết luận một cách hoàn toàn chính trị, một cách vô lối.

Ông ta có thể trích một bài thơ khác trong tập thơ của tôi và nói tôi chống cộng đi, thì nó hợp lý hơn là khi ông trích bài “Khi cuộc tình đã chết” là một bài hoàn toàn tình cảm, không có một ẩn dụ chính trị nào trong đó cả .”

Năm 1997, nhà xuất bản Đồng Nai tại Việt Nam phát hành tập thơ Lục Bát Tình, là một tuyển tập những bài Lục Bát hay nhất trong thi ca Viet Nam, trong đó có bài “Khi Trông Thư Thụy Châu” của Du Tử Lê.

Năm 2001, tập thơ “Vì Em Tôi Đã Làm SaDi” ra đời, có những câu như:

xuống tóc. Theo em khép cửa đời vào thiền chỉ để thấy viền môi yêu nhau ai bảo tâm không trụ ? quên hết. Nhìn nhau Nhất quán rồi

Hay:

nước mắt em trên chánh điện tình nở hoa siêu độ hoá tâm kinh đêm đêm tôi nhớ bàn tay cũ và thấy trong kinh đủ bóng, hình đã gây nhiều tranh cãi trong giới thưởng ngoạn, thì đến năm 2003, trong bài thuyết trình tại Phật Học Đường Vạn Hạnh, DTL đã nhấn mạnh đó là tập “Thơ Thiền Tính”, chứ không phải tập “Thơ Thiền”:

Sở dĩ tôi nhấn mạnh là tập thơ Thiền Tính, tức là những bài thơ trong tập thơ đó, có tính Thiền, tức là tính chất Thiền. Tôi quan niệm khi thật sự là “Thiền” thì người ta không thể nói thành lời được, và càng không thể chuyển hóa nó thành thi ca được.

Những lời phê bình dù khen hay chê, tôi đều biết ơn. Riêng với cá nhân tôi, tập thơ “Vì Em Tôi Đã Làm SaDi” là tập thơ rất là mỏng, do nhà xuất bản Tấn Châu ở Toronto xuất bản, thì đó là một trong những tập thơ đáng kể, trong cái sự nghiệp thi ca, nếu tôi được phép nói như vậy, của cá nhân tôi.”

Hơn 300 bài thơ được phổ nhạc

Có lẽ không ai không đồng ý rằng Du Tử Lê là thi sĩ có thơ được phổ nhạc nhiều nhất. Vâng, với trên 300 bài thơ đã được các nhạc sĩ viết thành ca khúc, trong đó có một số bài đã được nhiều nhạc sĩ cùng phổ. Như bài “Khúc K Riêng Của Chàng” đã được ít nhất là 7 nhạc sĩ viết thành ca khúc. Nhạc sĩ Đăng Khánh viết thành “Khúc K của Lê” nhạc sĩ Phạm Anh Dũng chọn đề tựa “Tôi Xa Người”, với lý do:

“Bài thơ có nhiều nhạc tính nên chỉ nhìn vào bài thơ là thấy phổ nhạc được rồi. Thơ ý tưởng hay, DTL lại là người có sắc thái mới về thơ…”

Nhạc sĩ Đăng Khánh lại linh động hóa việc phổ nhạc, từ thơ Du Tử Lê, như những câu chuyện kiếm hiệp thần kỳ của Kim Dung:

“Trên con đường đi tìm một hôn phối giữa thơ và nhạc, người nhạc sĩ vô hình chung đã làm một cuộc Hoa Xuân Luận Kiếm với một môn phái của thi ca, mà thi ca Du Tử Lê là một Võ Đang, một Thiếu Lâm của thi ca Việt Nam cận đại và hiện đại. Nhạc tính, ngôn ngữ và thông điệp chất chứa trong thơ tình Du Tử Lê là một cái bẫy vô cùng quyến rũ…”

Ca khúc Trên Ngọn Tình Sầu được Từ Công Phụng phổ từ bài thơ “67 Khúc Thêm cho Huyền Châu” của Du Tử Lê trong một trường hợp rất là ngẫu nhiên:

“Có một người bạn của tôi, mà cũng là bạn của Lê nói với tôi là trong tập thơ tình của Du Tử Lê có một bài thơ dễ thương quá, ông coi có ý nhạc nào để phổ nhạc, tôi về xem lại thì thấy quả thật là bài thơ có nét nhạc lạ lắm mà hình ảnh cũng lạ, thí dụ như “Bầy sẻ cũ hom hem,” ông ấy dùng hình ảnh rất gợi hình.

Khi đọc, tôi thấy hay và từ đó tôi có nguồn cảm hứng. Có những hình ảnh trong bài thơ đập vào trí tưởng tượng của tôi nên tôi bắt đầu viế t“Trên Ngọn Tình Sầu” là ý kiến của tôi, tôi đưa ra một số tựa đề cho Du Tử Lê chọn. Du Tử Lê thích Trên Ngọn Tình Sầu, và chúng tôi đồng ý.

Trong bài thơ đó, nếu đọc lại nguyên bản thì thấy thay đổi khá nhiều, thí dụ câu “Bầy sẻ cũ hom hem, chiều mái xám” thì tôi thêm chữ “rêu xanh” để câu nhạc đầy đủ. Với lại cái “rêu xanh” nó gây ấn tượng thời gian nữa…”

Nhà thơ Du Tử Lê lại cho rằng những câu thơ vần trắc của ông, không thích hợp cho việc phổ nhạc, tuy nhiên ông cho biết, khi bài thơ được phổ nhạc, thì bài thơ như được chắp thêm một đôi cánh nữa.

“Riêng cá nhân tôi thì tôi thấy thơ của tôi khá trúc trắc, tôi thường hay mở đầu bài thơ của mình bằng những âm trắc. Và theo tôi, thì tôi nghĩ nó không thích hợp với âm nhạc. Tôi rất biết ơn những nhạc sĩ đã tìm đến với thơ của tôi, vì khi bài thơ được gắn thêm phần âm nhạc, thì tôi nghĩ là nó có thêm đôi cánh khác nữa, ngoài đôi cánh tự thân của nó là đôi cánh thi ca, thì nó sẽ đi xa hơn.”

Mặc dù đã thành danh và là một trong những nhà thơ lớn của thi ca Việt Nam, Du Tử Lê vẫn khiêm nhường cho rằng sự thành công của ông, phần lớn là do sự may mắn và sự hỗ trợ của gia đình và bằng hữu…

(Hiền Vy tường trình từ Houston, Texas)

Nhạc sĩ Từ Công Phụng.
Nhạc sĩ Từ Công Phụng.

Trên ngọn tình sầu – Từ Công Phụng (Thơ: Du Tử Lê)

“Niềm đau đớn, hiểu theo một cách khác, cũng là một thứ hạnh phúc còn đọng lại trong cuộc đời chúng ta như là một hành trang cho những suy nghĩ về cuộc đời.” (Từ Công Phụng)

Chiều cuối thu, ngồi nhấp ly café ở góc phố, nghe lại bản nhạc “Trên ngọn tình sầu”, lòng cảm thấy bâng khuâng nhớ về những kỷ niệm. Với giai điệu thiết tha và trầm buồn, giọng ca của Trần Thái Hòa đã đưa chúng ta về một miền thương nhớ, xa vắng… Hơn 40 năm rồi, tình ca ngày ấy vẫn còn nguyên những nét đằm thắm và quyến rũ đến lạ thường.

Ca khúc được nhạc sĩ Từ Công Phụng phổ từ một bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Du Tử Lê. “67, khúc thêm cho Huyền Châu” là bài thơ viết về một mối tình được in trong tập thơ “Tay gõ cửa đời” xuất bản năm 1967. Ngày ấy, Du Tử Lê yêu tha thiết cô giáo Huyền Châu, cháu ruột của giáo sư Lê Ngọc Trụ (Đại học Văn Khoa Sài Gòn). Thế nhưng, tình yêu của họ không đi đến hôn nhân vì sự ngăn cách của gia đình.

Sau biến cố 1975, Du Tử Lê định cư ở California để lại một mối tình đầu ban sơ và lưu luyến. Hai mươi sáu năm sau, năm 1991, ông quay trở về thăm lại người yêu cũ và có ý định đem Huyền Châu qua Mỹ. Cô đã từ chối với lý do cha mẹ già yếu.

Hiện cô vẫn còn độc thân và cư ngụ tại một căn nhà cũ ở Bến Chương Dương – TP HCM.

67, KHÚC THÊM CHO HUYỀN CHÂU

hạnh phúc tôi từ những ngày nước lớn
trời mưa mau tay vuốt mặt khôn cùng
bầy sẻ cũ hom hem chiếu ngói xám
trời xanh xao chân ngỏ cũng không về
cây mộng nởtừng ngón tay lá nõn
nôi tương tư cỏ ấm thịt da người

tôi hiu hắt từ mắt em ngát tạnh
môi thâm khô từ thưở định xin hôn
ngày tháng hạ khi không mà trở rét
em khi không mà trở mặt điêu ngoa
tay trông ngón hương đưa mùi tóc mạ
ngọn me xa theo ký ức rì rào
chiều qua đó chân ai còn ríu rít
lòi ai say cho trời đất lại gần

kỷ niệm tôi từ những ngày vỡ tiếng
nhẩn nha gom từng cọng thiết tha rơi
con dế nhỏ lớn lên đằm tiếng hát
khi đêm về ru giọng đớn đau hơn
cây niên thiếu cũng thui mầm trong sáng
lá oan khiên lả tả mái hiên người

tôi èo uột từ những người cả gió
con dế buồn tự tử giữa đêm sương
bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
ngọn me xưa già khọm nhớ thương hờ
em ở đó bờ sông còn ấm cát
con sóng tình vỗ mãi một âm quên
(Du Tử Lê – Năm 1967)

Thật ra, bài thơ sáng tác không phải cho Từ Công Phụng phổ nhạc. Thế nhưng, với nét nhạc tài hoa và sự đồng điệu của tâm hồn, Từ Công Phụng đã thành công trong việc đưa ý tưởng của Du Tử Lê trở thành một ca khúc bất hủ.

Từ Công Phụng có một người bạn thân tên là Nguyễn Thiệp, một sĩ quan VNCH đã chết trong một lần vượt ngục bất thành vào năm 1978. Tình cờ gặp nhau, Từ Công Phụng được anh Thiệp giới thiệu bài thơ này, anh Phụng đọc xong, thấy hay và soạn thành ca khúc. Sau đó, anh mang bản thảo ra quán café La Pagode, nằm trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi – Sài Gòn), nơi Du Tử Lê thường xuyên lui tới. Đây là một quán café nổi tiếng đối diện với Công viên hòa nhạc phía bên kia đường, cũng là nơi tụ tập của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của miền Nam trước 1975. Từ Công Phụng hát cho Du Tử Lê nghe và đề nghị nhà thơ đặt tên cho ca khúc, Du Tử Lê không dùng “67, khúc thêm cho Huyền Châu” mà đổi lại “Trên ngọn tình sầu”.

Có những chi tiết được mọi người gọi là “sự can đảm” của nhạc sĩ trong khi viết ca khúc này là sử dụng âm vực rất rộng, lên cao và xuống thấp. Ngay khởi đầu “Trên ngọn tình sầu”, Từ Công Phụng đã sử dụng nốt nhạc cao, từ Sol lên Fa hay vì Mi lên Fa, tức là quá một tone để tạo một âm hưởng lạ ? Và đó cũng là cách để dòng nhạc diễn tả hết nỗi buồn và đau xót của của một tình yêu đã đi xa.

Nếu so sánh ca từ, chúng ta sẽ thấy, Từ Công Phụng có thay đổi một số ý để phù hợp hơn với tinh thần của bản nhạc. Điệp khúc “hạnh phúc” và “mưa mau” được nhắc lại như một sự níu kéo của đôi tình nhân:

“Hạnh phúc tôi, hạnh phúc tôi
từ những ngày con nước về.
ngoài trời mưa mau, ngoài trời mưa mau
tay vuốt mặt khôn cùng…”

Ông cũng đã thêm “rêu xanh” vào câu thơ của Du Tử Lê:

“…bầy sẻ cũ hom hem
chiều ngói xám, rêu xanh…”

Thời gian trôi đi để mái ngói xám trở thành rêu xanh với lớp bụi thời gian. Tình yêu bây giờ quá xa xăm với những tháng ngày xưa cũ…

Riêng câu cuối cùng, Từ Công Phụng đã dùng từ “quen” thay “quên”. Suy cho cùng, hai từ đều có những cái hay riêng. Vượt qua tất cả, để ngồi lại với nhau, nhắc đến một giai điệu quen, một âm thanh quen thuộc và dấu yêu cũng là một cách diễn đạt cái ân tình của người nghệ sĩ.

“…em ở đó bờ sông còn ẩm cát
con sóng tình vỗ mãi một âm quen”

Sau này, khi nghe ca khúc này, cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã khen ngợi về sự xuất sắc của Từ Công Phụng khi chuyển hóa “67, khúc thêm cho Huyền Châu” trở thành ca khúc để đời.

TRÊN NGỌN TÌNH SẦU

Hạnh phúc tôi, hạnh phúc tôi
Từ những ngày con nước về
Ngoài trời mưa mau, ngoài trời mưa mau
Tay vuốt mặt không cùng
Bầy sẻ cũ hom hem
Chiều mái xám rêu xanh
Trời êm cao chân nhỏ
Cũng không về trên dòng sông tội lỗi

Tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh
Môi thâm khô từ thuở định hôn người
Ngày tháng hạ khi không mà trở rét
Giọt nắng vàng lung linh màu lạnh ngắt
Sao khi không người ngoảnh mặt kiêu sa

Chiều qua đó chân ai còn ríu rít âm thưa
Lời ai ru như mơ cho trời xuống thật gần
Người trông ngóng hương đưa mùi mái tóc đêm mưa
Nhẹ theo lá oan khiên lả tả mái hiên người

Tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh
Con dế buồn tự tử giữa đêm sương
Bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
Em ở đó bờ sông còn ẩm cát
Con sóng tình vỗ mãi một âm quen

Vài chục năm sau, khi nghe lại, chúng ta mới thấy những tình ca của Từ Công Phụng thật ấm áp và tuyệt vời. Nói như nhà văn Song Thao trích trong lời bạt tập “Một góc đời phôi pha”:

“…Những tình khúc của Từ Công Phụng như những đợt sóng biển nối tiếp nhau vỗ về cõi lòng của những người trẻ thuộc nhiều thế hệ. Chẳng có cuộc tình nào giống cuộc tình nào. Mỗi cuộc tình là một thế giới riêng lẻ. Mỗi ánh mắt là một tín hiệu âm thầm. Mỗi nụ cười là một hân hoan nhớ đời. Mỗi một giọt nước mắt là một mất mát khó quên.

Tình ca của Từ Công Phụng đã len lỏi vào từng thế giới thân thiết đó. Chúng không phải là tình ca lướt trên da thịt mà đã luồn lách vào từng dòng máu, từng hơi thở của những người yêu nhau. Từ Công Phụng đã cho những tình nhân thứ ngôn ngữ đằm thắm, thâm trầm và đầy trí tuệ…”

Vào khoảng tháng 4/1999, Từ Công Phụng có viết cho độc giả những dòng tâm sự. Ông coi đây như là một điều tâm đắc nhất trong sự nghiệp âm nhạc của mình.

“Tình ca như dòng sông hiền hòa chảy hoài từ ngàn kiếp. Đó là thứ hạnh phúc bắt trong buổi sáng nắng dậy chan hòa có bông hoa nở rộ và chim muông ngợi ca một ngày mới bắt đầu bằng nụ hôn nồng ấm của đôi tình nhân.

Tình ca là những lời phủ dụ ngọt ngào của tình yêu như giòng suối róc rách từ thiên thu dành cho những đôi tình nhân của bao mien man thế hệ, như một kẻ đồng lõa cho sự tồn tjai của nhân loại.

Xin cảm ơn Đấng Tạo Hóa đã ban cho loài người có trái tim biết rung động, có tâm hồn biết thổn thức để tình yêu và cuộc đời còn được thăng hoa bằng những bản tình ca.

Nếu chim muông có một thời để ca hát, cỏ cây có một thời để xanh tươi, và loài người có một thời để sống và một đời để chết, thì xin hãy hát lên những bản nhạc tình để ngợi ca một thời để sống trước khi bước vào những nỗi khốn cùng buồn thảm của cái chết lẻ loi.

Bởi vậy, tình ca là con đường tôi đã chọn và cưu mang một đời. Dù tôi có là chứng gian cho một cuộc tình không thực, nhưng ít ra tôi đã mang đến một chút hạnh phúc nhỏ nhoi, một chút kỷ niệm khó phai mờ cho những kẻ tình nhân của một thời yêu thương say đắm.

Xin cảm ơn những kẻ tình nhân đã nâng niu những bản tình ca của tôi từ những thập niên qua như là nhân chứng cho tình yêu của mình, dù chúng có mang những nỗi hân hoan trong đôi mắt hay nụ cười, dù chúng có chứa chan những giọt lệ ngậm ngùi cho một đời tình ngắn ngủi.

Xin các bạn hãy mở những trang tiếp theo, và hãy hát cho nhau nghe những lời tiếp tục ngợi ca tình yêu – cho tôi hay cho các bạn – vẫn mong là nỗi niềm của chúng ta một đời thủy chung, dâng hiến”

oOOo

Trên Ngọn Tình Sầu – Nhạc sĩ Từ Công Phụng:

 

Trên Ngọn Tình Sầu – Ca sĩ Khánh Hà:

Kim Phượng sưu tầm

 

Image result for nhạc hình bìa

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %AM, %21 %675 %2018 %10:%02
back to top