Hành Trình Xuyên Việt Trip # 14
Hành Trình Xuyên Việt Trip # 14
*** Nam Mai ***
HUẾ -Thăm Bia Quốc Học - Đàn Nam Giao - Thăm Kinh Thành (Đại Nội): Thứ hai ngày 16 tháng 1 năm 2018
Rời Thánh Địa La Vang ở Quảng Trị vào chiều ngày Chủ Nhật khoảng 5:45 pm, Group 4 bắt đầu lên đường đến thành phố Huế - đến đây lúc 6:30 pm và check in vào Green Hotel Huế (tại số 2 đường Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, tp Huế) . Huế là thành phố trực thuộc tỉnh Thừa Thiên, là đô thị cấp quốc gia của Việt Nam và từng là kinh đô của Việt Nam dưới triều nhà Nguyễn (1802 - 1945). Thành phố tọa lạc hai bên bờ hạ lưu sông Hương, nằm về phía Bắc đèo Hải Vân, cách Đà Nẵng 105 km, cách cửa biển Thuận An 14 km, cách sân bay Phú Bài 14 km và cách cảng nước sâu Chân Mây 50 km. (chú thích: Cảng nước sâu Chân Mây là chỗ mà hiện nay họ đã xây dựng để làm (Port) nơi cho các du thuyền Cruiseships như Royal Caribbean, Princess Cruise Lines .... ghé đổ du khách lên bờ vào thăm Việt Nam). Vào thời kỳ Việt Nam Cộng hòa, vì vị trí của thành phố Huế nằm rất gần với khu vực giới tuyến giữa 2 miền Nam Bắc, nên Huế đã trở thành một vị trí rất dễ bị tấn công trong chiến tranh Việt Nam. Trong vụ tấn công Tết Mậu Thân năm 1968, thành phố Huế và nhiều danh lam thắng cảnh của thành phố đã bị thiệt hại rất nặng nề, nhưng rất may là cũng còn có một số thắng cảnh và di tích lịch sử không bị thiệt hại trầm trọng đáng kể.
Huế có địa hình khá phức tạp, bao gồm cả núi rừng, đồng bằng, đầm phá và vùng ven biển. Trước đây, vùng đất miền Trung thuộc về Vương quốc cổ Champa với một nền văn hóa phát triển khá phồn thịnh. Nhưng đến đầu thế kỷ thứ 19 thì toàn bộ dải đất này thuộc về Đại Việt, trong đó có Huế. Đầu thế kỷ 19, nhà Nguyễn lên trị vì đất nước, đóng đô ở Huế, đã cho xây tại Huế một công trình vĩ đại đó là Kinh thành Huế. Có thể nói, văn hóa nghệ thuật nước ta phát triển khá rực rỡ dưới thời nhà Nguyễn. Hàng trăm công trình chùa chiền, lăng tẩm, đền miếu đã được xây dựng trên thành phố Huế, cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại và là một kho tàng văn hóa lịch sử rất có giá trị.
Với những công trình lịch sử và văn hóa như thế, nên thành phố Huế hiện nay là một điểm rất hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước muốn đến. Đến với Huế, người ta sẽ đắm chìm vào một khung cảnh vừa lãng mạn vừa cổ kính của những lăng tẩm, đền đài, sông núi ..... mang những nét nghệ thuật đặc sắc của một vùng miền văn hóa lâu đời. Trong cuộc sống hàng ngày, Huế có những nét đặc biệt từ lối sống cho đến các phong tục tập quán, đều là những điều rất thú vị nên đã thu hút rất nhiều du khách khi đến đây. Ngoài những di tích lịch sử có giá trị, Huế cũng được thiên nhiên ưu ái ban cho rất nhiều thắng cảnh xinh đẹp, từ núi rừng Bạch Mã đến biển Thuận An, Lăng Cô, hay con sông Hương mơ màng chảy bên núi Ngự Bình đã tạo thành những biểu tượng lâu đời và riêng biệt của đất Huế.
Đúng 8:15 am, Cậu Quang đến đón 4 bà của group 4. Theo chương trình, buổi sáng mọi người sẽ được đưa đi xem Bia Quốc Học, Đàn Nam Giao và Kinh Thành Huế. Sau buổi ăn trưa, sẽ viếng thăm Hiếu Lăng của Vua Minh Mạng.
Bia Quốc Học:
Công trình này nguyên bản là một kiến trúc tưởng niệm, có tên là Đài chiến sỹ trận vong, Bia được xây dựng và khánh thành từ năm 1920 dưới thời vua Khải Định để tưởng niệm những binh sỹ người Pháp và người Việt ở các tỉnh Trung Kỳ đã tham chiến và tử trận trong Thế chiến thứ nhất (1914-1918). Khi xưa, mặt trước thân bia có ghi khắc tên họ của 31 người Pháp và 78 người Việt, sau thời Pháp thuộc thì phần này đã bị đục xoá, nhưng kiến trúc bia thì vẫn được giử lại. Vì đây là một công trình kiến trúc với nét đẹp truyền thống phong cách Huế, nhìn rất hài hòa với cảnh quan của sông Hương và trường Quốc Học cho nên kiến trúc Bia vẫn được giử cho đến ngày nay. Do vị trí công trình Bia toạ lạc trước cổng trường Quốc học (phía bên kia đường Lê Lợi, sát bờ Nam sông Hương) nên người dân Huế lâu nay vẫn quen gọi là Bia Quốc Học, chứ thực ra công trình này không liên quan gì đến Trường Quốc Học.
Những ngày đầu năm 2017 (vào thời điểm group 4 có mặt tại đây), đã nghe có dư luận và báo chí trong nước xôn xao về công trình Bia Quốc Học đang được trùng tu, và sau gần 3 tháng trùng tu với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng, bia Quốc Học bỗng được phủ lên một màu sơn vàng chói lạ mắt, những hoa văn trang trí vốn được làm rất tinh tế trên bia trước kia nay đã bị cạo xóa, nhìn không còn thấy gì là nét cổ kính như trước nửa. Có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc trùng
tu công trình này, tựu trung ở vấn đề là khi tu tạo lại công trình, họ không tôn trọng nguyên gốc di tích, nên đã tạo ra một màu sắc mới nhìn rất phản cảm làm mất hẳn đi vẻ cổ kính sẵn có, khiến công trình cổ mà lại trông như mới .....
Hình N chụp bia Quốc Học vào thời điểm công trình sắp được hoàn thành (chụp ngày 16/1/2017)
v
Hình Bia Quốc Học củ (hình Internet)
Tin mới nhất hiện nay về Đài tưởng niệm Chiến sĩ trận vong (hay thường được gọi là Bia Quốc Học do nằm trước cổng trường Quốc Học Huế). Cho rằng trải qua 100 năm xây dựng, công trình đã bị xuống cấp hư hỏng nghiêm trọng, vì thế vào tháng 11/2016, UBND thành phố Huế quyết định trùng tu bia Quốc học và giao cho trung tâm Công viên cây xanh Huế làm chủ đầu tư với số tiền tu bổ là gần 3 tỷ đồng và sẽ hoàn thành trong vòng 3 tháng. Tiếc rằng, sau khi hoàn thành việc trùng tu chưa được một năm (bia làm xong tháng 2-2017), thì vào cuối tháng 12 năm 2017 người ta thấy công trình này đã bị xuất hiện nhiều vết nứt đủ kích cở xung quanh hệ thống tường và các bậc thang lên xuống rồi.
Liên quan đến vấn đề này, giới chức "có thẩm quyền" thừa nhận đúng là có việc xuất hiện các vết nứt tại công trình Bia Quốc Học. Theo ông giải thích, nguyên nhân xuất hiện các vết nứt có thể là do bia được xây dựng trên nền gạch cũ (!!!!). Ông cũng cho biết, đơn vị thi công đang kiểm tra để sửa chửa lại. (Lời bàn Mao Tôn Cương : Hy vọng là việc sửa chửa sẽ không làm tốn thêm nhiều vào công quỹ (tiền thuế) của dân nửa, cũng như là nếu có sửa chửa lại thì cũng nên làm việc cho đúng đắn, cho có lương tâm, đừng nên ăn uống nhiều quá để rồi lại phá hại thêm cho những di tích lịch sử văn hóa từ xưa còn sót lại. Mong lắm thay!!!!).
Hình chụp tại Trường Quốc Học Huế (trường nằm đối diện với Bia Quốc Học). Trường Quốc Học là một ngôi trường nổi tiếng ở cố đô Huế, thành lập vào ngày 23 tháng 10 năm 1896.
Hình Sông Hương được chụp khi đứng tại vị trí của Bia Quốc Học.
Mọi người chụp vài tấm hình kỷ niệm tại trường Quốc Học và Bia Quốc Học, sau đó thì đến thăm Đàn Nam Giao. Đàn Nam Giao triều Nguyễn được xây dựng vào năm 1803, đặt tại làng An Ninh dưới thời vua Gia Long. Năm 1806, đàn được dời về phía nam của kinh thành Huế, trên một quả đồi lớn thuộc làng Dương Xuân, nay thuộc phường Trường An, tp Huế. Đây là nơi các vua nhà Nguyễn tổ chức lễ tế trời đất vào mùa xuân hàng năm. Đây là đàn Nam Giao duy nhất còn hiện hữu ở Việt Nam (dù trong tình trạng không còn nguyên vẹn), và cũng là đàn tế duy nhất còn tồn tại trong số nhiều đàn tế cổ ở Huế.
Lễ tế Nam Giao là nghi lễ quan trọng bậc nhất dưới chế độ quân chủ vì chỉ nhà vua mới có quyền làm lễ tế Giao, tức là tế Trời Đất, nhằm khẳn định tính chính thống của triều đại, uy quyền của Hoàng đế tuân theo mệnh trời mà cai trị dân chúng. Do vậy, hầu như các triều đại nhà Nguyễn đã cho xây dựng và duy trì đàn Nam Giao và đều tổ chức lễ tế Giao. Đàn Nam Giao đã được khởi công xây dựng vào ngày 25 tháng 3 năm 1806. Sau khi hoàn thành, vua Gia Long lần đầu tiên tổ chức lễ tế Giao tại đây vào ngày 27 tháng 3 năm 1807. Trong suốt 79 năm độc lập của nhà Nguyễn (1807 - 1885), đàn Nam Giao luôn là nơi tổ chức nghi thức tế Giao đều đặn vào mùa xuân hàng năm. Nhưng từ năm 1886 đến năm 1890, triều đình Huế không có tổ chức lễ tế Giao. Bắt đầu lại từ năm 1891, cứ ba năm một lần, vua Nguyễn lại đến tế Trời Đất ở đàn tế. Lễ tế cuối cùng của triều Nguyễn tại đây là vào ngày 23 tháng 3 năm 1945. Tính ra, đã có 10 trong tổng số 13 vị vua nhà Nguyễn đích thân tế hoặc sai người tế thay với 98 buổi đại lễ được tổ chức ở đàn Nam Giao. Sau khi nhà Nguyễn chính thức cáo chung vào tháng 8 năm 1945, đàn Nam Giao không được sử dụng đúng mục đích, dần dần bị đổ nát, hoang phế xuyên suốt qua hai cuộc chiến tranh Đông Dương và chiến tranh Việt Nam ác liệt. Năm 1977, đàn Nam Giao nhà Nguyễn đã bị xâm hại một cách nghiêm trọng khi chính quyền tỉnh Bình - Trị - Thiên cho xây dựng một đài tưởng niệm liệt sĩ bằng gạch ốp đá rửa, cao chừng 10m, công trình này được xây ngay chính giữa nền Viên Đàn. Ngày 22 tháng 12 năm 1977, khối "tân cổ cưỡng duyên" này đã được khánh thành với sự hiện diện của Bí thư Tỉnh ủy Bùi San. Thời gian đó, thủ trưởng ngành Văn hóa tỉnh Bình Trị Thiên, người có trách nhiệm quản lý các di tích lịch sử - văn hóa trong tỉnh này, Ty trưởng Ty Văn hóa là Nhạc sĩ Trần Hoàn lại không hề có hành động nào ngăn chặn vụ việc phá đàn Nam Giao tai tiếng này. Không chỉ nền Viên Đàn mà khu vực Trai Cung cũng bị biến dạng khi trở thành nơi đặt máy xay xát của công ty Lương thực thành phố Huế, nền nhà Khoản Tiếp cũng bị biến ra thành trụ sở Ủy ban nhân dân xã Thủy Xuân. Trước những vụ việc này xảy ra, dư luận Huế bày tỏ bất bình bằng câu ca dao mà nhiều năm sau vẫn còn được truyền tụng: "Trần Hoàn cùng với Bùi San. Hai thằng hợp tác phá đàn Nam Giao". Tuy vậy phải đến 15 năm sau, nhận thấy việc tùy tiện cải biến công trình đàn Nam Giao là sai lầm trầm trọng nên đến ngày 15 tháng 9 năm 1992, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế mới có quyết định di dời đài tưởng niệm liệt sĩ đến một địa điểm khác để khôi phục trở lại nguyên dạng cho đàn Nam Giao, đồng thời giao cho Trung tâm Bảo Tồn Di Tích Cố Đô Huế nhiệm vụ bảo vệ, lập hồ sơ, và làm công tác trùng tu. Song sau đó, việc trùng tu vẫn chưa được diễn ra, đàn Nam Giao có khi được dùng làm bãi tập lái ô tô, có lúc lại biến thành thao trường của quân đội Việt Nam.
Ngày 11 tháng 12 năm 1993, đàn Nam Giao được nằm trong danh sách 16 di tích có giá trị toàn cầu nổi bật thuộc quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Giá trị của đàn Nam Giao triều Nguyễn nay được cộng đồng quốc tế công nhận, điều này đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử tồn tại của đàn Nam Giao.
Hình chụp Đàn Nam Giao (ngày 16/1/2017)
Sau khi đi vòng vòng chung quanh xem và chụp hình tại Đàn Nam Giao xong, thì chúng tôi bắt đầu đến thăm Kinh Thành và Đại Nội Huế.
Kinh thành Huế được xây dựng dưới thời vua Gia Long, là vị vua khai quốc của triều đại nhà Nguyễn. Công cuộc khảo sát để xây dựng Kinh Thành Huế bắt đầu từ năm 1803, chính thức khởi công vào năm 1805, và hoàn chỉnh vào khoảng năm 1832 dưới thời vua Minh Mạng. Có thể nói, Kinh Thành Huế là một trong những thành tựu vĩ đại của vua Gia Long và triều Nguyễn. Kinh Thành Huế được xây dựng trên diện tích khoảng 520 ha, có chu vi 10km, cao 6,6m và dày 21m. Thành có kiến trúc hình ngôi sao tiêu biểu theo phong cách Vauban (Citadel of Life), xây khúc khuỷu với những pháo đài phòng thủ được xếp đặt gần như đều nhau trên mặt thành. Thành ban đầu chỉ đắp bằng đất, mãi đến cuối thời vua Gia Long thành mới được cho ốp gạch như chúng ta thấy ngày hôm nay. Bên ngoài vòng thành có đào một hệ thống thành hào sâu để bảo vệ chạy dọc theo chân thành. Hệ thống hào sâu này có tác dụng như là chướng ngại vật, vừa có chức năng phòng thủ vừa có chức năng giao thông bằng đường thủy.
Kinh Thành Huế có tất cả 13 cửa ra vào kể cả đường bộ và đường thủy. Trên mặt thành ngày xưa có tới 24 pháo đài. Kinh thành liên lạc với bên ngoài qua 8 cửa trổ theo 8 hướng: Chính Ðông, Chính Tây, Chính Nam, Chính Bắc, Tây Bắc, Tây Nam, Ðông Bắc, Ðông Nam. Ở hai bên Kỳ Ðài còn có hai cửa Thể Nhơn và Quảng Ðức. Ngoài ra còn có hai cửa bằng đường thủy ở hai đầu sông Ngự Hà là Ðông Thành Thủy Quan và Tây Thành Thủy Quan. Phía Hoàng Thành ở góc đông bắc có một thành nhỏ, thời Gia Long gọi là Thái Bình, đến thời Minh Mạng đổi thành Trấn Bình Ðài có chu vi gần 1km, bên ngoài có hào rộng ăn thông với hào của Hoàng Thành.
Hình chụp 1 trong số 13 cổng vào của Kinh thành Huế ngày 16/1/2017 (một trong những cửa thành vẫn còn giữ nguyên được hình dáng và kiến trúc ban đầu).
Kinh Thành Huế, Hoàng Thành Huế và Tử Cấm Thành Huế: ba tòa Thành lồng vào nhau được xếp đặt cân đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc. Hoành Thành và các Cung điện bên trong đều được xếp đặt trên một trục đối xứng gọi là trục Thần Đạo. Trong đó chính giữa trục Thần Đạo có các công trình chỉ được dành riêng cho Vua như cửa Ngọ Môn, cầu Trung Đạo, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, Cửa Hòa Bình. Hai bên trục Thần Đạo tính từ trong ra ngoài được xếp đặt tuân theo nguyên tắc: Tả Văn, Hữu Võ, Nam Tả, Nữ Hữu hay Tả Chiêu Hữu Mục (bên trái trước, bên phải sau, lần lượt theo thời gian..)
Hoàng Thành Huế là vòng thành thứ 2 bên trong Kinh Thành Huế, có chiều dài mỗi mặt thành khoảng 600m và gần như là vuông. Chiều cao khoảng 4m, và dày 1m được xây bằng gạch vồ. Hoàng Thành chính là trái tim, là trung tâm chính trị và là nơi quan trọng nhất của Kinh thành Huế, nơi đặt các cung điện, ngai vàng, miếu thờ ..... cũng là nơi ở và làm việc của Hoàng gia triều Nguyễn. Hoàng Thành và Tử Cấm Thành được gọi chung là Đại Nội. Hoàng Thành được xây dựng vào năm 1804 dưới thời vua Gia Long nhưng mãi đến năm 1833 mới hoàn chỉnh hệ thống cung điện với khoảng 147 công trình lớn nhỏ khác nhau. Hoàng Thành được trổ 4 cửa để ra vào gồm: Cửa Ngọ Môn nằm ở phía nam được xem là cửa chính của Hoàng Thành Huế, là cửa quan trọng nhất trong 4 cửa của Hoàng thành, cửa dành để cho vua đi trong các dịp lễ quan trọng và là nơi đặt lễ đài là lầu Ngũ Phụng được xem như là bộ mặt của Quốc gia, nơi diễn ra các buổi lễ quan trọng như lễ đón sứ thần của các nước, lễ xướng tên sỹ tử đỗ Tiến Sỹ trong cuộc thi Đình tại Kinh Thành, lễ Ban Sóc (lễ phát lịch hàng năm của nhà vua cho năm mới ) và lễ Duyệt Binh.... Cửa phía Bắc được đặt tên là cửa Hòa Bình, tả hữu hai bên là cửa Hiển Nhơn và cửa Chương Đức. Các cầu và hồ xung quanh hoàng thành đều có tên gọi là Kim Thủy. Cửa Ngọ Môn gồm có 2 phần chính là Đài Cổng và lầu Ngũ Phụng:
Ở phần Đài Cổng nhìn từ ngoài vào sẽ thấy có 3 cổng: Cổng chính giữa đặt tên là Ngọ Môn và được dành riêng cho Vua, hai cửa hai bên được đặt tên là Tả Giáp Môn và Hữu Giáp Môn dành cho quan văn và quan vỏ theo nguyên tắc Tả Văn Hữu Vỏ. Đặc biệt hai bên cánh chữ U có 2 cửa vòng nhỏ chỉ thấy được từ phía trong nhìn ra ngoài đó là Tả Dịch Môn và Hữu Dịch Môn. Hai cửa vòng nhỏ này chỉ dành cho voi ngựa, quân lính và đoàn tùy tùng khi vua xuất hành qua cửa Ngọ Môn.
Phần lầu Ngũ Phụng là công trình kiến trúc đẹp nhất trong quần thể Hoàng Thành Huế được xây dựng trên nền đài của cửa Ngọ Môn.
Lầu Ngũ Phụng có mặt bằng hình chữ U dựa theo nền móng của cửa Ngọ Môn gồm 2 tầng lầu và 2 tầng mái. Lầu được dựng trên nền cao 1,14m xây dựng trên nền đài của cửa Ngọ Môn. Khung của lầu được dựng trên 100 cây cột gỗ Lim tượng trưng cho bách tính trăm họ trong thiên hạ, trong đó có 48 cây cột xuyên suốt hai tầng lầu. Hệ thống mái dưới chạy quanh lầu xuyên suốt để che nắng che mưa cho tất cả các phần lan can phía dưới. Hệ thống mái của tầng trên được chia làm 9 bộ mái, trong đó bộ mái ở chính giữa cao hơn 8 bộ mái của 2 bên, được dành riêng cho Vua ngự. Bộ mái giữa chỗ Vua ngự được lợp bằng ngói Hoàng Lưu Ly màu vàng tượng trưng cho nhà vua, 8 bộ mái còn lại chia đều cho hai bên được lợp mái Thanh Lưu Ly màu xanh ngọc được dành cho các quan ngồi.
Xin được nói thêm rằng có một sự kiện quan trọng cũng liên quan đến Cửa Ngọ Môn, đó là vào ngày 30/8/1945 - tại đây chính là nơi đã diễn ra lễ thoái vị của vua Bảo Ðại – vị vua cuối cùng của Việt Nam.
Hình dưới đây được lấy từ Internet để các bạn có thễ nhìn rỏ cả 3 cổng chính (cổng cho Vua & Quan đi) lẫn 2 cổng vòng chữ U (cho quân lính, voi, ngựa đi) và màu sắc của mái ngói Hoàng Lưu Ly và Thanh Lưu Ly trên lầu Ngũ Phụng Đài.
Hình chụp trước Cửa Ngọ Môn
Điện Thái Hoà là cung điện nằm trong khu vực Đại Nội của kinh thành Huế. Đó là một công trình kiến trúc quan trọng nhất trong quần thể Hoàng Thành Huế. Là nơi đặt ngai vàng của các vị vua nhà Nguyễn, là trung tâm chính trị của cả nước trong 143 năm thời gian nhà Nguyễn trị vì. Điện Thái hòa được đặt ở Trung Tâm khu vực Hoàng Thành, theo phong thủy là nơi trung tâm của vũ trụ. Điện quay mặt về hướng chánh nam được nối với cửa Ngọ Môn bằng một cây cầu đá bắt qua hồ Thái Dịch được gọi là cầu Trung Đạo, xưa kia cầu Trung Đạo chỉ dành riêng cho vua đi. Các quan văn vỏ phải đi hai lối hai bên tả hữu để vào sân chầu hay còn gọi là sân Đại Triều Nghi. Phía đầu và cuối cầu Trung Đạo được dựng hai chiếc cổng có hình lưỡng Long chầu Nhật. Phía trước điện Thái Hòa là sân Đại Triều Nghi, nơi thiết hành lễ Đại Triều vào các ngày mồng 1 và 15 hàng tháng, và cũng được dùng cho các buổi triều nghi quan trọng như lễ Đăng Quang, Sinh Nhật Vua, hay những buổi đón tiếp sứ thần chính thức. Điện được xây dựng vào năm 1805 thời vua Gia Long. Năm 1833 khi vua Minh Mạng quy hoạch lại hệ thống kiến trúc cung đình ở Đại Nội, trong đó có việc cho dời điện về mé nam và làm lại cho thêm đồ sộ và lộng lẫy hơn.
Phía sau Ngọ Môn là Điện Thái Hòa và khu vực bên trong Ngọ Môn
Điện Thái Hòa và sân Đại Triều Nghi
Điện Thái Hòa và Sân Đại Triều Nghi (Chỉ có các quan Tứ trụ và những hoàng thân quốc thích của nhà vua mới được phép vào điện diện kiến. Các quan khác có mặt đông đủ và đứng xếp hàng ở sân Đại triều theo cấp bậc và thứ hạng từ nhất phẩm đến cửu phẩm, quan văn đứng bên trái, quan vỏ đứng bên phải. Tất cả các vị trí đều được đánh dấu trên hai dãy đá đặt trước sân chầu).
Ở trước Hiển Lâm Các đối diện với Thế Miếu (phía tây nam Hoàng hành Huế) là nơi có đặt chín cái đỉnh bằng đồng của nhà Nguyễn, những đỉnh này được gọi là Cửu Đỉnh. Tất cả đều được đúc ở Huế vào cuối năm 1835, hoàn thành vào đầu năm 1837. Mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với mỗi vị hoàng đế của triều Nguyễn, chúng có trọng lượng khác nhau và hình chạm khắc bên ngoài đỉnh cũng khác nhau. Chín đỉnh đó là: Cao Đỉnh, Nhân Đỉnh, Chương Đỉnh, Anh Đỉnh, Nghị Đỉnh, Thuần Đỉnh, Tuyên Đỉnh, Dụ Đỉnh, và Huyền Đỉnh.
Chín đỉnh được sắp thành một hàng ngang dưới thềm Hiển Lâm Các, nằm theo thứ tự các án thờ trong Thế Miếu. Riêng Cao Ðỉnh của vua Gia Long thì đặc biệt được đặt nhích về phía trước 8 đỉnh kia một khoảng gần 3m, vì vua Minh Mạng cho rằng Gia Long là vị vua có công lớn nhất đối với triều đại.
Hiển Lâm Các là một đài lưu niệm, nơi ghi công những vị khai quốc công thần đã sáng lập ra triều Nguyễn. Hiển Lâm Các được xây dựng từ năm 1821 – 1822 dưới thời vua Minh Mạng, tọa lạc phía tây nam của Hoàng Thành nằm phía trước của Thế Miếu
Hình chụp Thế Tổ Miếu
Thế Tổ Miếu thường gọi là Thế Miếu tọa lạc ở góc tây nam bên trong Hoàng thành Huế, là nơi thờ các vị vua triều Nguyễn. Đây là nơi triều đình đến cúng tế các vị vua quá cố, nữ giới trong triều (kể cả hoàng hậu) không được đến tham dự các cuộc lễ này. Bên trong miếu, ngoài án thờ vua Gia Long và 2 Hoàng hậu đặt ở gian giữa, các án thờ của các vị vua còn lại đều theo nguyên tắc "tả chiêu, hữu mục" để sắp đặt. Tuy nhiên, theo gia pháp của họ Nguyễn, các vị vua bị coi là "xuất đế" và "phế đế" đều không được thờ trong tòa miếu này, do đó trước năm 1958, bên trong Thế Tổ Miếu chỉ có 7 án thờ của các vị vua dưới đây: 1. Án thờ Thế Tổ Cao Hoàng Đế (vua Gia Long) và 2 Hoàng hậu Thừa Thiên, Thuận Thiên ở gian chính giữa. 2. Án thờ Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế (vua Minh Mạng) và Hoàng hậu Tá Thiên ở gian tả nhất (gian thứ nhất bên trái, tính từ gian giữa). 3. Án thờ Hiến Tổ Chương Hoàng Đế (vua Thiệu Trị) và Hoàng hậu Nghi Thiên ở gian hữu nhất (gian thứ nhất bên phải, tính từ gian giữa). 4. Án thờ Dực Tông Anh Hoàng Đế (vua Tự Đức) và Hoàng hậu Lệ Thiên ở gian tả nhị (gian thứ hai bên trái). 5. Án thờ Giản Tông Nghị Hoàng Đế (vua Kiến Phúc) ở gian hữu nhị (gian thứ hai bên phải). 6. Án thờ Cảnh Tông Thuần Hoàng Đế (vua Đồng Khánh) và Hoàng hậu Phụ Thiên ở gian tả tam (gian thứ ba bên trái). 7. Án thờ Hoằng Tông Tuyên Hoàng Đế (vua Khải Định) và Đoan Huy Hoàng thái hậu ở gian hữu tam (gian thứ ba bên phải).
Đến tháng 10 năm 1958, án thờ 3 vị vua chống Pháp vốn bị liệt vào hàng xuất đế không được thờ trong Thế Tổ Miếu là các Vua Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân đã được hội đồng Nguyễn Phúc Tộc rước vào thờ ở Thế Tổ Miếu. Hiện nay án thờ vua Hàm Nghi được đặt ở gian tả tứ (gian thứ tư bên trái). Án thờ vua Thành Thái đặt ở gian tả ngũ (gian thứ năm bên trái), còn án thờ vua Duy Tân đặt ở gian hữu tứ (gian thứ tư bên phải). Còn các án thờ vua Dục Đức, Hiệp Hòa và Bảo Đại đến nay vẫn chưa có mặt trong Thế Tổ Miếu.
Thái Miếu hôm nay vào lúc group 4 đến đây đã đóng cửa không cho du khách vào thăm viếng, vì bên trong gia đình Hoàng Tộc đang cúng bái cho ngày Giỗ Kỵ của một nhà Vua (có nói tên mà N quên không ghi xuống note), cho nên mọi người chỉ được đứng bên ngoài nhìn vào và chụp hình thôi. (bình thường họ không có đem cờ lọng bàn ghế bày ra trước sân Thế Miếu như đã nhìn thấy trong hình đâu).
Tại cố đô Huế hiện còn lưu giữ và trưng bày 15 chiếc vạc đồng là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện trình độ kỹ thuật đúc và mỹ thuật tuyệt vời, trong số đó, có 11 chiếc được đúc từ thời các chúa Nguyễn, còn 4 chiếc được đúc vào thời vua Minh Mạng
Cung Diên Thọ chính điện
Diên Thọ Cung là biệt điện của Hoàng Thái Hậu (Mẹ Vua) hoặc Thái Hoàng Thái Hậu (Bà Nội Vua) được xây dựng sớm nhất trong Đại Nội, từ năm 1804. Đây là cung điện quy mô nhất còn lại tại cố đô Huế. Cung Diên Thọ gồm hơn 10 tòa nhà được xây trong một khuôn tường thành hình chữ nhật rộng khoảng 100m, dài 150m, cao quá đầu người. Hiện nay, Cung Diên Thọ chỉ còn lại một số công trình như : Cung Diên Thọ, Điện Thọ Ninh, Tạ Trường Du, Am Phước Thọ và Lầu Tịnh Minh. Các công trình này được nối liền với nhau bằng hệ thống Trường Lang, nối tiếp với Trường Lang ở Tử Cấm Thành.
Một phần nội thất trong Cung Diên Thọ
Tạ Trường Du (nằm trong cung Diên Thọ).
Đây là ngôi nhà thủy tạ nằm trên một hồ nước hình chữ nhật, dài 28m, rộng 20m, được xây dựng năm 1849. Tạ Trường Du nằm ở bờ Bắc của hồ, mặt quay về hướng Nam. Tòa nhà bằng nửa diện tích hồ. Nền lát gạch hoa, vách bằng gỗ, trổ nhiều của sổ. Nội thất chạm trổ tinh xảo. Trên bờ nóc chắp bầu rượu bằng pháp lam. Quanh tạ xây lan can, mặt trước có cầu nối với bờ Nam hồ. Hai bên hồ đắp hai hòn non bộ, trên có am nhỏ và cầu nối
Hình chụp nội thất trong cung của Hoàng Gia, phía cuối là 1 cái kiệu đang được trưng bày.
Trong Tử Cấm Thành có một hệ thống Trường lang dài hơn 900m đã tồn tại trên 200 năm, nhưng do các biến động của lịch sử và chiến tranh nên các hệ thống trường lang đã bị phá hủy một cách trầm trọng nay chỉ còn lại dấu tích nền móng. Trong những năm qua, Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phục hồi, tu bổ hành lang, phục hồi các bức tranh treo tường tại các Trường lang để từng bước phục hồi diện mạo các công trình trong khu vực Đại Nội.
Hình chụp dưới đây là một vài Trường Lang trong Tử Cấm Thành dùng để nối liền các cung điện với nhau từ cung nọ sang cung kia (N có nhiều hình chụp hệ thống Trường Lang với những kiểu cách khác nhau rất đẹp, nhưng trong khuôn khổ bài này không thễ post lên hết được).
Chương Đức Môn là cửa thành phía Tây của Hoàng Thành Huế
Hình chụp tại Chương Đức Môn
Bây giờ mình nói chuyện của 4 bà trong lúc đi thăm viếng Đại Nội nha. Hôm nay là một ngày nắng ráo, nóng cao độ mà trời lại đứng gió nên thời tiết vô cùng oi bức. Suốt mấy tiếng đồng hồ chạy tới chạy lui, chạy qua chạy lại từ cung nọ sang cung kia đến mướt cả mồ hôi. Xem một lúc thì .... "tẩu hỏa nhập ma", mệt quá sức nên chẳng nhớ là mình đã xem cái gì, quên sạch hết cả tên các cung điện vì thấy sao cung nào cũng giống cung nào, rồi đường đi thì quanh qua quanh lại .... đến một lúc thì ..... chẳng biết là mình đang ở đâu nửa. Hai chân đã mỏi nhừ mà người thì mệt lã vì nóng quá sức .... N yêu cầu cậu Quang cho ra về ăn trưa, sau đó được nghĩ ngơi lấy sức để mà còn đi ..... bêu nắng vào buổi chiều tại Hiếu Lăng. Nhưng khỗ nổi trong group có 1 một O là Mỹ Thiện, cô này cứ nhất định bắt cậu Quang phải dẫn cô đi tìm cho bằng được "cái vườn Ngự Uyển" của Hoàng gia, vì cô nói đã xem trên YouTube có video chiếu và chính tận mắt cô đã được xem cái vườn Ngự Uyển này trên YouTube rồi, cô đã xem video, thì hôm nay cô muốn được chính mắt nhìn thấy nó!Trời đất ơi, ba bà lếch thếch đi theo cô và cậu Tour Guide giửa trưa nắng chang chang muốn tắt thở luôn mà có tìm thấy cái vườn Ngự Uyển nào đâu, hỏi nhân viên làm việc trong các phòng tại Đại Nội thì người nói có vườn Ngự Uyển, người lại nói không ..... mỗi người chỉ 1 nẻo ..... cứ thế nghe theo lời họ chỉ để đi tìm, khỗ nổi trong Đại Nội từ chỗ nọ sang chỗ kia rất xa, đã chạy hết từ Nam lên Bắc rồi lại từ Đông sang Tây nhưng có tìm thấy vườn tược gì đâu ..... Cô này là giòng giỏi Hoàng Gia chính tông (Mẹ của cô là cháu nội của ngài Tuy Lý Vương -Tuy Lý Vương là con trai thứ 11 của vua Minh Mạng) nên khi vào Đại Nội cô đi xem xét rất kỷ lưởng, chỗ nào cũng coi, cũng đọc cẩn thận chứ không như N chỉ xem tổng quát và đại khái, sau đó còn lo mắt trước mắt sau tìm chỗ có cảnh đẹp để chụp ảnh thôi. Thấy cậu Quang không tìm ra vườn Ngự Uyển cho cô, cô vẫn nhất định phải đi tìm cho bằng được. Ôi giời, N oải quá bèn năn nỉ xin được ngồi lại để nghỉ mệt tại 1 băng ghế ở Trường Lang chứ không muốn đi nửa vì đã hết sức rồi, khi nào mọi người xem xong vườn Ngự Uyển thì đến chỗ hẹn gọi N vậy. Ôi, ngồi chờ mòn mỏi mà chẳng thấy ai trở lại ...... vì đã đở mệt nên N đi lần lần vào những dảy nhà hai bên để xem trong lúc chờ đợi cho đở sốt ruột. Theo như bản sơ đồ thì trước kia đây là vị trí của Điện Cần Chánh (nơi vua làm việc hàng ngày) – điện Cần Chánh là một công trình kiến trúc bằng gỗ có quy mô gần bằng điện Thái Hòa - nhưng cung điện này hiện nay đã hư hại hòan toàn. Tại đây bây giờ chỉ còn sót lại có hai trong số rất ít các công trình còn lại của Tử Cấm Thành, đó là hai tòa nhà Tả Vu và Hữu Vu. Đây là nơi để cho các quan chuẩn bị các nghi thức trước khi thiết triều: Tả Vu là toà nhà dành cho các quan văn, còn Hữu Vu là toà nhà dành cho các quan võ. Ngày nay Tả Vu được sử dụng làm nhà bảo tàng lưu giữ những bức hình của hoàng cung, những vật dụng của vua quan nhà Nguyễn, còn tại Hữu Vu thì họ cho mở ra một dịch vụ kinh doanh "hóa trang chụp hình" cho du khách. Trời đất, không hẹn mà lại gặp đúng vào chỗ mình muốn tìm, thế là N đi ngay vào tòa nhà Hữu Vu. Dịch vụ vắng tanh như chùa Bà Đanh, nên khi thấy có khách vào, mọi người bèn xông tới mời chào săn đón quý khách ưng chịu hóa trang làm ..... Hoàng Hậu để chụp hình các bác ạ. He he he ....dịp may hiếm có, đang mệt vì nóng nực ngoài kia thì vào chỗ mát mẻ này mình giả dạng làm .... Hoàng Hậu chơi vậy! Họ hỏi N "thế cô muốn có 2 thị nữ hay là 8 thị nữ hầu?" Thôi rườm rà làm chi, 2 thị nữ hầu là được rồi! Giả dạng Hoàng Hậu có 2 thị nữ hầu thì phải trả 650 ngàn VND (khoảng gần $30.00 đô) nhé các bác. Xong, họ dẫn vào phòng thay quần áo, và lần này N vẫn bị "offer" làm ..... Hoàng Thái Hậu! (không được làm Hoàng Hậu mặc áo vàng vì tướng mình coi bệ vệ quá, và lại hơi .... già, nên phải làm Hoàng Thái Hậu mặc áo đỏ). Đang thay quần áo chưa xong, quay qua quay lại thì đã thấy có 2 thị nữ áo quần chỉnh tề cầm quạt đứng sẳn sàng để .... hầu rồi. Post cái hình lên đây cho các bác xem ..... cười chơi cho thoải mái tinh thần chút nha.
Các bác thấy sao ???? Chưa làm Hoàng Thái Hậu Việt Nam bao giờ nên không biết trang phục chính xác của đời trước nó như thế nào ..... riêng N khi nhìn vào cái hình này thì ..... hm! thấy mình hơi bị giống Tàu như trong mấy cái phim bộ các bác ạ !!!! (thiệt mà! chỉ cần thay đổi kiểu tóc thôi thì mình sẽ nhìn ra y chang như cái bà Queen Mother mặt ác ác trong cung cấm Tàu ngày xưa ạ).
Khoảng 12:00 hơn thì mọi người trở lại tìm N để ra về. Rốt cuộc quý vị đó chạy đông, chạy tây bêu nắng cật lực giửa trưa nhưng cuối cùng có tìm ra được cái vườn Ngự Uyển nào đâu! Theo như N biết thì trong Hoàng Thành họ đâu đã phục hồi lại cái vườn Ngự Uyển mà mình hòng mong tìm được nó.
Đúng 12:35 trưa thì mọi người ra xe rời khỏi Đại Nội. Và lại thễ theo lời yêu cầu của 3 O Huế kia, N lại phải theo mọi người đi ăn .... Bún Bò Huế cho bữa trưa các bác ạ. Chơi trò "dân chủ" thì phải theo đúng luật, thiểu số phải phục tùng đa số, 3 O kia là "đa số" nên họ chọn chỗ nào thì "thiểu số" là N phải tuân theo, cấm cãi! Trong thời gian ở Huế, 3 O Huế kia muốn tìm lại "hương vị quê hương ngày xưa" nên ăn sáng, ăn trưa, ăn tối gì gì .... các bà đều muốn đi xơi các món Huế của ngày xưa, nhưng muốn ăn các món đích thực dân giả và ngon đúng cách như ngày xưa thì phải vào các quán nho nhỏ, lụp xụp, tồi tàn "như ngày xưa" thì mới tìm lại được đúng hương vị, còn nếu chọn các nhà hàng sạch sẽ sang trọng một chút thì chắc gì đã tìm lại được "hương vị của ngày xưa" phải không ạ. Cậu Quang TG là người Đà Nẳng nhưng ngỏ ngách nào của Huế, địa chỉ quán ăn dân dã nào tại Huế cậu đều thuộc nằm lòng. Vào đúng bữa, cậu chỉ cần hỏi "hôm nay các cô muốn ăn món gì?", thế là lúc thì Bún Bò Huế, lúc thì Cơm Hến, cơm Âm Phủ, lúc thì Bánh Bèo Chén + thêm Nem, Tré, lúc thì Bánh Xèo + thêm Nem lụi, lúc thì Bánh nọ, Bánh kia ..... và tùy theo những món của các bà chọn thì Cậu sẽ đưa đúng vào chỗ ..... có quán nổi tiếng tại địa phương về món đó ..... phải công tâm mà nói thì cũng có những quán ăn rất ngon, nhưng chỉ hiềm một nổi là nhiều quán có hơi bị lụp xụp, tồi tàn .... và có khi còn nhìn thấy cả dơ dơ nửa ..... Trưa nay thì 4 bà vào ăn Bún Bò Huế tại số 19 đường Lý Thường Kiệt, và N thì cũng lại không nhớ là nó có ngon hay không nửa, mà chỉ nhớ là giửa trưa nóng nắng chang chang, quán nho nhỏ hẹp hẹp lại không có quạt .... trời ..... ăn một tô BBH cay líu lưỡi xong thì mình đổ cả mồ hôi mẹ lẫn mồ hôi con!
Mọi người sau khi ăn trưa xong thì trở về khách sạn nghỉ ngơi, cậu Quang hẹn đúng 3:00 giờ chiều thì sẽ đến đón đi thăm Hiếu Lăng - Lăng Vua Minh Mạng.
Viết xong ngày August 15-2018
Bài kế tiếp: HUẾ - Thăm Hiếu Lăng (HTXV #14a)
Nam Mai ***