Truyện Ngắn: CÂU CHUYỆN NGOÀI BẾN TẦU

CÂU CHUYỆN NGOÀI BẾN TẦU

 

Tác giả: Heinrich  Böll


Dịch giả: Nguyễn-Khắc Tiến-Tùng

Heinrich Böll (1917- 1985)

 

Ghi chú tiểu sử tác giả:

Heinrich Böll (1917- 1985) là một nhà văn, nhà báo Đức và cũng là một nhà giáo tại đại học. Thời Hitler ông đang theo học Lịch sử và Cổ ngữ tại đại học thì bị động viên, rồi nhiều lần bị thương.

Sau khi Đức Quốc xã bại trận ông là tù binh của Anh và Mỹ một thời gian ngắn (1945).

Được trả tự do H. Böll học tiếpVăn chương Đức, nhưng dần dần ngả nhiều về "trường văn trận bút", viết từ ký sự, cho đến truyện ngắn, truyện dài, nhiều tác phẩm được viết thành kịch bản cũng như quay thành phim. Năm 1958 ông được giải văn chương của thành phố Wuppertal và năm1967 được trao giải văn chương "Georg Büchner", một giải thưởng cao quý của "Hàn lâm viện Ngôn ngữ và Thi Văn Đức". Bảy năm sau H. Böll được giải Nobel về văn chương (1972).

Ông từng là Chủ tịch Văn bút Đức (1970-72) và Chủ tịch Văn bút Quốc tế (1971- 74). Lúc sinh thời là người chống chiến tranh, tham dự tích cực phong trào Hòa bình và tranh đấu cho nhân quyền với thái độ chính trị có vẻ tả khuynh. Do đó để tưởng nhớ ông Đảng Xanh của Đức đã lập một Foundation (Stiftung) với tên “ Heinrich-Böll-Stiftung” (1997). Tác phẩm của ông để lại là một kho tàng đồ sộ, nhiều bộ "Heinrich Böll toàn tập" của các nhà xuất bản khác nhau ở Đức bao gồm những tác phẩm đã xuất bản của ông cũng như những tác phẩm mới ra mắt công chúng lần đầu. 

 

~~><~~><~~><~~

 

Tại một bến tầu ở bờ biển phía tây Âu Châu có một người áo quần nghèo khó nằm dài trên chiếc thuyền câu của mình và lim lim mơ màng ngủ. Một du khách ăn mặc sang trọng lắp một cuốn phim mầu mới vào máy ảnh để chụp cảnh thơ mộng: trời xanh, biển đậm với những đợt sóng hiền lành trắng như tuyết, với chiếc thuyền đen xậm và chiếc mũ đỏ của người đánh cá.

"Tách", và vì chuyện gì tốt cũng phải ba lần mà cũng để chắc ăn, "tách", thêm một lần thứ ba nữa. Những tiếng động khô cứng và gần như đáng ghét đó đánh thức bác chài đang ngủ mơ màng. Bác ngái ngủ đứng dậy, ngái ngủ lấy tay với bao thuốc, nhưng trước khi bác tìm thấy, du khách đã săn đón chìa trước mặt bác  một bao, không đưa tận miệng, nhưng rút ra đặt một điếu thuốc vào tay bác chài, rồi một tiếng "tách" thứ tư của chiếc bật lửa chấm dứt sự lễ phép săn đón đó. Một nỗi bối rối căng thẳng gây nên do sự lễ phép quá nhiều nhưng khó đo lường và khó có chứng cớ rõ rệt khiến du khách vì hiểu tiếng địa phương tìm cách bắt chuyện cho đỡ trống trải.

- "Chắc rồi hôm nay bác sẽ đánh được một mẻ cá lớn?".

Bác chài gật đầu.

- "Chả là người ta bảo hôm nay tốt trời".

Bác chài lại gật đầu.

- "Vậy mà bác không ra khơi?".

Bác chài lắc đầu, người khách nóng nẩy thêm. Rõ ràng khách bận tâm về tình cảnh của bác chài ăn mặc nghèo khó khi khách buồn bã nghĩ đến dịp may bị lỡ của bác.

- "Ơ hay, bác thấy trong người không được khoẻ?"

Lúc này bác chài mới bỏ cách nói bằng cử chỉ để nói thành lời.

- "Tôi thấy dễ chịu hết cỡ", bác nói, "chưa lúc nào tôi thấy dễ chịu như bây giờ." Bác đứng dậy vươn mình như muốn chứng tỏ mình lực lưỡng thế nào.

- "Tôi thấy khỏe «số dách»".

Nét mặt người khách du lịch trở nên băn khoăn khổ sở hơn, chừng như không thể nín được câu hỏi muốn làm vỡ tung lồng ngực mình:

- "Chứ tại sao bác không ra khơi?".

Câu trả lời đến tức thì, cộc lốc: "Vì sáng nay tôi đã ra rồi".

- "Mẻ lưới khá chứ?".

- "Khá lắm đến nỗi tôi chẳng cần đi một lần nữa, tôi đã đánh được bốn con tôm hùm trong một giọ, và gần 20 con cá".

Bác chài lúc này tỉnh như sáo, vỗ vai trấn tĩnh người du khách. Vẻ mặt của người này biểu lộ một cảm giác tuy không thích hợp với bác, nhưng bầy tỏ một sự xúc động. Bác nói để du khách được nhẹ nhõm trong lòng:

- "Cho ngày mai và cả ngày mốt tôi cũng đánh đủ cả rồi. Ông hút với tôi một điếu?".

- "Vâng, cám ơn bác".

Những điếu thuốc được đưa lên miệng, "tách" một cái lần thứ năm, người khách lạ ngồi xuống bên mép thuyền lắc đầu, bỏ máy ảnh xuống vì bây giờ hắn cần dùng cả hai tay để nhấn mạnh thêm cho lời mình nói.

- "Tôi không muốn xía vô chuyện của bác, khách nói, nhưng bác thử nghĩ xem. Bác ra khơi hôm nay hai lần, ba lần, hay bốn lần, rồi bác sẽ đánh được ba, bốn hay năm chục, có khi cả trăm con cá. Bác nghĩ coi".

Bác chài gật đầu.

- "Không những hôm nay mà cả ngày mai, ngày mốt, du khách nói, ờ, vào bất cứ ngày nào tốt trời bác ra khơi hai, ba, bốn lần, bác biết sự gì xẩy ra không?"

Bác chài lắc đầu.

- "Chậm lắm chỉ một năm bác sẽ mua được một cái "mô-tơ" cho thuyền đánh cá, chỉ hai năm bác mua được cái thuyền thứ hai, chỉ ba hay bốn năm có thể bác sẽ có một cái thuyền buồm nhỏ, với hai cái thuyền và một cái thuyền buồm dĩ nhiên bác sẽ đánh được nhiều cá hơn, bác sẽ...". Sự hứng khởi làm tiếng nói của du khách bị đứt quãng, "bác sẽ xây một nhà ướp lạnh nhỏ, có lẽ cả một nhà nướng cá, rồi sau đó một nhà máy làm cá. Bác sẽ bay bằng trực thăng để tìm luồng cá và sẽ chỉ huy các thuyền buồm của bác bằng vô tuyến điện. Bác có thể xin được quyền đánh cá mập, mở một quán ăn đặc biệt về đồ biển, xuất cảng tôm hùm sang Paris không cần người trung gian, rồi...". Sự hứng khởi làm tiếng người khách du lịch đứt quãng.

Lòng buồn rười rợi, thú vui nghỉ hè hầu như biến mất, du khách lắc đầu nhìn sóng êm ả cuốn vào bờ, giữa đợt sóng lũ cá hầu như không biết sợ hãi là gì, nhẩy lên choi choi. "Rồi thì, du khách nói tiếp, sự kích thích lại làm cho tiếng bị ngắt quãng nữa.

Bác chài đập nhẹ vào lưng du khách như người ta thường làm với một đứa trẻ nhỏ khi nó bị nghẹn

- "Rồi thì làm sao?" Bác chài khẽ hỏi.

- "Rồi bác có thể yêm tâm ngồi ở bến tầu này mơ màng ngủ trong nắng và ngắm vẻ đẹp tuyệt vời của biển". Người khách đáp với sự hứng khởi mà trầm tĩnh.

Bác chài nói:

- "Nhưng, chính điều dó tôi đang làm đây thôi, tôi ngồi yên ổn ở bến tầu và ngủ mơ màng, chỉ bị tiếng chụp ảnh của ông làm rộn ".

Người khách du lịch bỗng nhiên tỉnh ngộ bởi lời nói của bác chài, bỏ đi trong suy nghĩ về câu nói đó. Bởi vì trước kia cũng có lần du khách cho rằng mình làm việc để rồi một ngày nào đó không phải làm gì nữa... Và niềm thương hại bác chài ăn mặc nghèo khó không còn lưu lại một dấu vết nào trong lòng du khách, có chăng chỉ còn một chút ganh tị thèm muốn.

 

Heinrich Böll

Nguyễn-Khắc Tiến-Tùng (dịch)

 

Kim Kỳ sưu tầm

 

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %06 %043 %2018 %20:%10
back to top