Tưởng nhớ Thầy Lưu Như Hải

Tưởng nhớ Thầy Lưu Như Hải

(1941-2018)

 Giáo Sư Lưu Như Hải

Thầy Hải theo học Trường Chu Văn An Hà Nội

Thầy Lưu Như Hải sinh năm 1941 tại Kiến An tỉnh Hải Phòng di cư vào nam 1954 ngày xưa học trường Chu Văn An Hà Nội.
Vào Nam dạy trường Sao Mai Đà Nẵng, Trường Trần Quý Cáp Hội An, Trường Nữ trung học Hồng Đức, Trường Kỹ thuật, Phan Chu Trinh, Nguyễn Công Trứ (tại Rạch Giá). Sau khi định cư tại Hoa Kỳ và làm trong bộ ngoại giao. 
 
Giáo Sư Lưu Như Hải dạy môn Sinh ngữ Anh Văn tại Trường Trung Tiểu Học Sao Mai Đà Nẵng là môn sinh ngữ chính của ban C từ lớp: 10C, 11C và 12C cho đến năm cuối cùng 1975 của thời VNCH .
 
Sau năm 1990 định cư, Thầy thường tham gia những buổi họp mặt của Trường Sao Mai và Thầy cũng về thăm lại những người bạn giáo sư tại Đà Nẵng một thời cùng giảng dạy tại trường SM. 
Dưới đây là những hình ảnh Thầy trò hội ngộ mừng vui bên xứ người:
 
 
 Thầy trò Sao Mai hội ngộ tại California
 
 
Thầy trò hội ngộ tại Houston, TX (2013)
 
 
Chị Dư Ngọc Hạnh, Thanh Hương, Thầy Hải và Bố Mẹ chị Thanh Hương
 
  
 
Chị HV sang thăm Hoa Kỳ được gặp Thầy tại nhà anh chị Khôi & Kim Phượng
 
Thầy đánh đàn Accordion tại tư gia anh Khôi và KP
 
 
Hội ngộ Thầy Hải và Cô Phương tại Houston, Texas Oct. 2018
 
Hình nhận từ anh Kim Tiến ( HS Sao Mai ĐN)
 
Sau đây là những hình ảnh Thầy về VN thăm những Giáo Sư đồng môn và các học trò tại Đà Nẵng: (saomaidanang.com)

Kính thưa quý thầy cô và quý anh chị: Thầy Lưu Như Hải sau một thời gian gần hai mươi năm định cư ở Mỹ, đã trở về quê hương thăm gia đình ở Đà Nẵng đã có buổi gặp mặt với quý thầy cô và một số cựu học sinh Trung Học Sao Mai Đà Nẵng.

Đến dự buổi gặp mặt gồm có: 

-Thầy Nguyễn Đắc Lợi và phu nhân 
-Thầy Phan Thanh Kế và phu nhân 
-Thầy Nguyễn Văn Pháp và phu nhân 
-Thầy Ngô Khôn Liêu 
-Thầy Lê Văn Ngãi 
-Thầy Lê Nhưt Sanh 
-Thầy Tôn Thất Chân Tu 
-Thầy Phạm Xuân Tú 
-Thầy Lê Văn Thôi 
-Thầy Võ Văn Thông 
-Thầy Nguyễn Thanh Ngọc 

Ngoài ra anh chị Phạm Phú Thương từ Mỹ, chị Huỳnh Thị Tuyết Nhung ở Sài Gòn về thăm gia đình cũng đến tham dự buổi gặp mặt.

Trân trọng kính báo 
Phan Gia Hiền

 
(July 29, 2010)
 
 
 
 
 
 
  Anh Phan Gia Hiền và Thầy Hải   
 
                         Chị Khánh Hòa ( bên trái) và Thầy Hải
 
Sau những năm tháng Thầy sinh hoạt với trang web Góc Nhỏ Sân Trường, Thầy đã chia sẻ những bài viết mang nhiều kiến thức giáo dục dạy bảo cùng tâm tình của Thầy trò thật đáng kính mến. Trang GNST đăng nhiều bài của Thầy :
 

Nhân dịp Lễ Tạ Ơn (năm 2015), tôi hân hạnh gởi bài "Lời Cảm Ơn" đến Góc Nhỏ Sân Trường thân thương.

Cảm ơn tất cả quý anh chị em về tấm hảo tình đã dành cho tôi, một dư ảnh từ thời hoàng kim xa xưa ở các trường Sao Mai, Hồng Đức, Trần Quý Cáp, Ngô Đình Khôi (Đại Lộc), Nguyễn Dục (Tam Kỳ), và ĐHCĐ Quảng Đà...

Lưu Như Hải..." 

"Lời cảm ơn như một phép màu; người nói ra bày tỏ được lòng tri ân, người tiếp nhận cảm thấy vui hơn cả người nói ra; như vậy cuộc đời chẳng tươi đẹp hơn sao?"

 -Tiếng Việt tuyệt vời. Thầy Lưu Như Hải http://gocnhosantruong.com/doi-song-xa-hoi/vui-cuoi/1891-tieng-viet-tuyet-voi-tha%CC%80y-luu-nhu-ha%CC%89i

"..Thành ngữ "Chơi đẹp." Những nhóm chữ tương ứng (chưa hẳn là tương đương) trong tiếng Pháp "franc jeu" và tiếng Anh "fair play".

-Hồi ức: QUẢNG NAM ─ ĐÀ NẴNG: MỘT TRỜI HOA MỘNG  http://gocnhosantruong.com/chia-se/chia-vui/3428-chuc-mung-sinh-nhat-thay-luu-nhu-hai

"....Bây giờ Rewind cuốn phim đang xem, ngược dòng thời gian về mùa hè năm 1953 khi tôi được song thân cho về thăm Đà Nẵng lần đầu tiên bằng đường thủy. Từ Hà Nội chúng tôi đi xe taxi về Hải Phòng để đáp thương thuyền Ville de Hai Phong của hãng Pháp Denis Frères chạy tuyến Hải Phòng - Sài Gòn có ghé qua Đà Nẵng. Tàu thủy lớn nên không vào sông Hàn mà đậu ở phía ngoài cửa biển. Hành khách đi ca-nô vào, đậu ở bờ sông. Suốt chuyến hải hành đầu đời và trong thời gian nghỉ hè ở quê nội, chú bé tuổi choai-choai là tôi cứ như là đang nằm mơ trong một câu chuyện thần-tiên.

Đà Nẵng - Quảng Nam hiện ra trước mắt với cảnh sắc sơn thủy hữu tình. Nhìn ra khơi là đại dương trong xanh điểm xuyết bằng đôi ba con tàu sắt đang mê-man trên đường viễn-xứ; rải rác đó đây là những chiếc thuyền * với cánh buồm mê-hoặc gợi ra chuyện tình ngang trái Tristan và Iseult (Isolta). Đảo mắt vào đất liền thì không khỏi sững-sờ trước đỉnh núi Tiên Sa với huyền- thoại tiên giáng trần. Ngược dòng Hàn Giang với hậu cảnh Ngũ Hành Sơn, người đa cảm sẽ tưởng mình là đang trên đường đi vào chốn Thiên Thai!

 Nhờ vậy mà tôi được cả ba vị Hiệu-trưởng thâu-nhận, cho phụ-trách môn Toán ở một số lớp từ lớp Đệ Lục đến lớp Đệ Tứ. Vì ba ngôi trường ở ba địa-phương xa nhau cho nên tôi phải "chạy" quanh mà dạy ở mỗi nơi hơn hai ngày (kể cả ngày thứ bảy trong tuần), gần giống như các ca-sĩ "chạy show" sau này. Từ Đà Nẵng lên Đại Lộc tôi đi bằng xe gắn máy Goebel, và từ Đà Nẵng đi Tam Kỳ bằng xe lửa. Bắt đầu niên-khóa 1959-1960, trước hết tôi đến trình diện LM Hiệu-trưởng rồi Thầy Giám-học Phạm Ngọc Vinh ở trường Sao Mai. Thầy Giám-học đưa tôi đến lớp và ân-cần giới-thiệu với học-sinh.


Vào thời đó thì học-sinh chỉ thua các thầy cô trẻ vài ba tuổi cho nên tôi bị khớp sân-khấu (stage fright) mất mươi phút, mặc dù là đêm hôm trước tôi đã tập dượt kỹ-càng trước tấm gương soi để điều-chỉnh dung nhan mùa thu. Về phần môn-đệ thì trong "thủa ban đầu" các em quan-sát và lắng nghe rất kỹ để xem ông thầy "mới ra lò" biểu-diễn ra làm sao. Nếu theo đúng lời một vị giáo-sư đại-học mà tôi không nhớ qúy danh "Một thầy/cô giáo được coi là thành-công nếu trong suốt giờ học không có môn-sinh nào ngủ gục" thì tôi có thể tạm được coi là thành-công. May mắn là ở Đà Nẵng - Quảng Nam tôi chưa phát-hiện ra em nào ngủ gục trong giờ học của tôi cả. Một lần nữa tôi lại phục tôi quá.

Sau đó tôi đi Đại Lộc đến trường Bán công Ngô Đình Khôi trình-diện Thầy Hiệu-trưởng Trần Thuyên.  Thầy tiếp-đãi niềm-nở với tình-cảm đặc-biệt và cho tôi trú ngụ ngay tại trường sau giờ tan học. Ở gần trường là một quán cơm nhỏ mà bà chủ dáng nông-dân chân-chất, phúc- hậu, có một cô con gái học trong lớp tôi phụ-trách. Nghe con gái chào tôi là Thầy, bà dọn bữa cơm tươm tất, tính giá rất bình-dân so với gía cả ở Đà Nẵng. Tôi tế-nhị đưa thêm gọi là phụ tiền chợ, nhưng bà nhất định không nhận, mà còn nói rằng: “Các thầy cô từ xa về miền nông-thôn là quý rồi, đáng lẽ tôi không tính tiền mới phải. Cô con gái cũng nói thêm: “Thầy đừng ngại, gà và rau là nuôi, trồng trong vườn, lúa thì gặt ngoài ruộng đem về nhà xay, giã thành gạo, chỉ phải mua thịt heo ngoài chợ thôi.”
 

Tôi rất biết ơn gia-đình này cho nên thỉnh-thoảng mua vài thứ qùa ở Đà Nẵng đem lên tặng ông bà chủ. Tết Nguyên Đán năm đó, một cậu học-sinh lớp Đệ Tứ mà tôi biết rõ gia-cảnh rất khó-khăn, từ quê trên Đại Lộc về Đà Nẵng đến thăm tôi, đem theo một món quà rất đặc-biệt, ít ai có thể đoán ra: Đó là một ổ gà mái đẻ với con gà mẹ và mươi cái trứng con so!
 

Ôi, dân Quảng Nam chân-tình qúy-trọng thầy cô giáo theo một cách riêng rất độc-đáo!
 

Sau trường Đại Lộc, tôi đi vào Tam Kỳ trình-diện tại trường Bán-công Nguyễn Dục, nhưng rất tiếc không được diện kiến Thầy Hiệu-trưởng Lê Ấm vì Thầy ở Đà Nẵng, ít khi vào Tam Kỳ với lý do sức khỏe ở tuổi cao-niên. Ông Giám-học trung-niên tiếp tôi vui-vẻ rồi bàn giao ngay trong lớp Toán Đệ Tứ mà ông đang dạy cho tôi. Tôi còn nhớ bài học hôm đó là Đường Tròn Lượng Giác với Sin, Cosin, Tang, Cotang… Ông lịch-sự cáo lui để đi lo việc hành-chánh, sau khi nói nhỏ cho tôi biết lớp này có một trò quậy lắm, tên của cậu ta là …Sau khi vào lớp, tôi nhờ đúng trò quậy đó lên văn-phòng mượn giùm tôi cái com-pa to bằng gỗ để vẽ đường tròn trên bảng đen (hồi đó bảng còn sơn màu đen). Một lát sau, cậu ta về lớp cho tôi biết là không tìm ra cái com-pa. Tôi vẫn cảm ơn theo phép lịch-sự, rồi bắt đầu giờ Toán theo đúng trình-tự trong sách giáo-khoa.

Điều gay-go bây giờ là phải vẽ trên bảng đen một vòng tròn sao cho thật … tròn! Nghe qua có vẻ dễ vì ai cũng vẽ được vòng tròn huống hồ là thầy giáo dạy Toán. Có lẽ nhờ Tổ đãi, hoặc là ngáp phải ruồi cho nên tôi đột xuất (lại đột xuất) vẽ được một vòng tròn thiệt tròn hết ý đến nỗi chính tôi cũng phải phục tôi huống chi là các em học-sinh! Nhưng có một điều bí-mật mà các em không hiểu tại sao là suốt trong giờ học hôm đó tôi chỉ vẽ độc nhất có một đường tròn và chỉ một mà thôi:

Anh chỉ vẽ một đường tròn lượng giác
Anh cho em nên đã … thác rồi!   (Đã thác rồi làm sao mà vẽ thêm được nữa.)

 Vì qúa tin tưởng vào “thiên-tài” của sư-phụ cho nên các đệ-tử quên rằng nếu vẽ thêm thì thầy sẽ chỉ vẽ ra được hình qủa trứng gà!

Bây giờ Fast Forward đến thời-gian 1965-1975  khi tôi theo thứ-tự phục-vụ ở các trường Trung-học Trần Qúy Cáp, Hội An, đồng thời làm thêm ở trường Sao Mai (65-67), Nguyễn Trung Trực, Rạch Giá (67-68), Hòa Vang và Sao Mai (69-74), Hồng Đức, Sao Mai và ĐHCĐ Quảng Đà (74-3/75) với một thời-gian gián-đoạn là đi lính (nói cho oai là Binh 2/Khóa-sinh Dự-bị Sĩ Quan [Trừ-bị] Khóa 8/68.) Trích trong :http://gocnhosantruong.com/chia-se/chia-vui/3428-chuc-mung-sinh-nhat-thay-luu-nhu-hai  (Hồi ức: QUẢNG NAM ─ ĐÀ NẴNG: MỘT TRỜI HOA MỘNG -Lưu Như Hải)"

-Thầy đã hoàn thành tác phẩm : CUỘC TÌNH THỜI CHIẾN TRANH đã được bán trên amazaon.com <http://amazaon.com> 
      
 http://www.amazon.com/Wartime-Love-Story-Lou-High/dp/1462639364

-Thầy cũng sáng tác nhiều nhạc phẩm:

-Ode to the Morning star. Sao Mai,Em và Tôi. Mùa Thu Năm Xưa và Dạ Khúc Trường Xưa.

 

  • ●▬▬▬▬▬▬▬▬▬●

 

 Ngày 31 tháng 12 năm 2018 Trang Góc Nhỏ Sân Trường đã nhận được hung tin :

Thầy Lưu Như Hải đã từ giã bạn bè đồng môn và các học trò thân thương để trở về cõi vĩnh hằng  

 

THÔNG BÁO TIN BUỒN:

GNST rất đau buồn nhận được hung tin Thầy Lưu Như Hải cựu Giáo Sư Trường Trung học Sao Mai Đà Nẵng vừa đột ngột từ trần. Theo em Hằng, thứ nữ của Thầy Lưu Như Hải tại Houston cho biết, Thầy và Cô dịp cuối năm tới Florida thăm gia đình trưởng nữ, tối ngày 31/12/2018 Thầy chợt lên cơn đau tim, xe cứu thương của 911 đưa gấp vào bệnh viện nhưng không kịp. Thầy đã qua đời tại bệnh viện. Linh cửu sẽ được chuyển về Houston trong vài ngày tới.

Xin hiệp lời cầu nguyện cho Thầy mau về chốn vĩnh hằng.
Mọi chi tiết BCH sẽ thông báo sau.

BCH-GNST

 

 ĐỒNG THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

Trước sự mất mát lớn lao nầy chúng tôi BBT-GNST xin thành kính chia buồn cùng Tang Quyến Thầy Lưu Như Hải. Nguyện hương linh Thầy Lưu Như Hải sớm vãng sanh Phật Quốc.

Kính thưa Thầy Yêu Thương của chúng em - Trang Góc Nhỏ Sân Trường

Thế là chúng em phải xa Thầy mãi mãi rồi.Thầy ra đi bất ngờ làm chúng em cảm thấy hụt hẫng như mất đi một người thân yêu kính mến mà chúng em rất ngưỡng mộ.
Trong những năm qua,Thầy đã luôn đồng hành cùng trang Góc Nhỏ Sân Trường với những bài vở thú vị,những bài thơ dịch nhiều cảm xúc , những bản nhạc hay ...Một số anh chị GNST cũng có dịp được gặp gỡ Thầy với nhiều niềm vui thắm thiết nghĩa tình Thầy Trò.

Giờ đây chúng em chỉ còn biết thương nhớ , tìm lại những kỷ niệm với Thầy qua những chia sẻ yêu thương và từng tấm ảnh Thầy với học trò Sao Mai xưa.
Chúng em xin chân thành tri ân và cám ơn những đóng góp của Thầy cho trang GNST thêm phong phú.Chúng em cũng luôn nhớ về Người Thầy hiền lành,dễ mến,tài giỏi - Người Nghệ sĩ tài hoa với nụ cười ấm áp đàn giỏi hát hay của một thời ...

Thầy nghỉ ngơi thanh thản bình yên nhé!
Chúng em nguyện cầu Hương Linh Thầy được an nghỉ nơi Cõi Vĩnh Hằng.

VĨNH BIỆT THẦY
Góc Nhỏ Sân Trường

 

Trang Góc Nhỏ Sân Trường đã nhận những lời chia buồn từ trang web saomaidanang

cùng các anh chị học sinh Sao Mai và Thầy Tạ Quốc Bảo đồng thành kính phân ưu:

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
Được tin buồn, Thầy Lưu Như Hải, Giáo Sư Anh Văn trường trung học Sao Mai Đà Nẵng đã từ trần ngày 31 tháng 12 năm 2018 tại Florida.

-GĐSM Thành Kính Phân Ưu cùng tang quyến! Nguyện xin cho Hương Hồn Thầy được an nghĩ nơi Cỏi Vĩnh Hằng.
GĐSM Đà Nẵng 

-Xin cho tôi gửi lời chia buồn này trong GNST; Đột ngột hay tin bạn ra đi, tôi rất buồn lại mất thêm một người bạn thân,vừa là đồng nghiệp, vừa là đồng môn ĐHSP . Chúc bạn sớm siêu thăng về Cõi Vĩnh Hằng .
Tạ Quốc Bảo (Cali.)


---------------

-Tin buồn đầu năm và cũng là tin quá bất ngờ đối với các học trò của Thầy Lưu Như Hải.
Xin nguyện cầu linh hồn Thầy sớm về chốn Vĩnh Hằng

Cám ơn BCH GNST đã đưa tin.
TuongVy (VN)


--------------------


-Thành kính phân ưu đển cùng gia quyến...thầy Lưu Như Hải.
Cảm tạ đã thông báo.
Lê Văn Phương (TX)

 

 Dưới đây là những hình ảnh ngày tang lễ Thầy Lưu Như Hải:

 

 Anh Trần Đào Khôi đang đọc bài Điếu văn

Bài Điếu văn của anh Trần Đào Khôi đại diện cho GNST:

Kính thưa quý Chư Tăng, kính thưa Cô Phương cùng tang quyến và kính thưa chư liệt vị,

Đại diện cho BCH và toàn thể 220 thành viên của Diễn Đàn GNST, tôi xin được gởi lời thành kính phân ưu tới tang quyến trước sự ra đi của thầy Lưu Như Hải.

Diễn Đàn GNST được thành lập vào tháng 12 năm 2012 tại Hoa Kỳ do một nhóm cựu học sinh Trường Trung Học Sao Mai Đà Nẵng. Theo thời gian DĐ được mở rộng với sự tham gia của các Thầy Cô và các cựu học sinh từ nhiều trường, nhiều quốc gia khắp nơi trên thế giới. DĐ GNST đã được sự ưu ái đặc biệt với lòng thương mến và sự quan tâm nhiệt tình của người thầy kính yêu Lưu Như Hải từ những ngày đầu thành lập. Qua hơn 6 năm sinh hoạt, với những chia sẻ yêu thương của Thầy qua những bài viết mang tính giáo dục, nghệ thuật lẫn kiến thức, cũng như những tâm tình thầy trò, đã để lại nhiều dấu ấn và lòng cảm kích kính yêu nơi tất cả các thành viên,dù rằng có rất nhiều thành viên chưa từng được diễm phúc làm học trò của Thày.

Nhận được tin buồn Thầy đột ngột ra đi, cả DĐ đều bàng hoàng , đau xót.Thật là một mất mát lớn cho Cô Phương và tang quyến, cũng là mất mát lớn cho gia đình GNST chúng tôi. Xin được chia sẻ nỗi đau buồn thương tiếc của Cô và tang quyến.

Kính thưa thầy Lưu Như Hải,

Trước linh cửu của Thầy, đại diện cho tất cả các Thầy Cô và anh chị em của Gia Đình GNST, chúng em xin kính cẩn chào Thầy lần cuối. Từ đây chúng em không còn nhận được những lời dạy dỗ, những tâm tình thương mến từ Thầy trong DĐ, nhưng hình ảnh và tấm gương sáng ngời Thầy để lại sẽ luôn sống mãi trong chúng em.

Hợp ý cùng tang quyến và tất cả bằng hữu của Thầy kính mến, chúng em dâng lời nguyện cầu cho Hương Linh Thầy được an nghỉ nơi Cõi Vĩnh Hằng.

Xin Ơn Trên luôn an ủi , nâng đỡ cô Phương và tang quyến trước sự mất mát lớn lao này.

Kính chào vĩnh biệt Thầy kính yêu.

Thành Kính Phân Ưu cùng Cô Phương và tang quyến. 

 

Các học trò Sao Mai tiễn Thầy lần cuối

Học trò Sao Mai thắp nén nhang cầu nguyện Thầy an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng

Chị Thanh Hương và KP đưa tiễn Thầy 

 

Bài điếu văn của anh Phan Xuân Sinh : Anh Nguyễn Văn Ba đại diện cho Trường Sao Mai

Kính Thầy,

Chúng em là những môn sinh trường Sao Mai của Thầy từ ngày Thầy mới đỗ tú tài, môn dạy đầu tiên lúc đó là toán học, niên khoa đầu tiên cũng là năm trường mới bắt đầu khai giảng 1959, nghĩa là vừa đúng 60 năm. Sau vài năm Thầy mới vào trường đại học sư phạm Huế. Rồi Thầy trở lại trường với môn Anh văn. Nói thế để biết rằng 60 năm một chu kỳ của cuộc đời, dài thăm thẳm, biết bao nhiêu vật đổi sao dời, biết bao nhiêu thế hệ khác ra đời, và cũng biết bao nhiêu thế hệ khác ra đi nhưng hình ảnh người Thầy đáng kính của chúng em vẫn mãi mãi in sâu trong lòng chúng em.

Sau ngày 30.4.1975 học trò và Thầy có người gặp nhau ở trại cải tạo. Thầy vẫn là người đáng kính dù phải nhọc nhằn, khổ sở trước bạo quyền. Chúng ta nhìn nhau nhưng không giúp gì nhau được.

Sau năm 1990. Tại Hoa Kỳ Thầy trò gặp lại nhau lúc đó mái tóc của Thầy trò mình đã bạc trắng như nhau, Thầy vẫn còn phong cách chững chạc. Mỗi lần có dịp gặp nhau thày trò kể lại cho nhau nghe bao nhiêu chuyện cũ. Ở Đà Nẵng Thầy còn dậy các trường Nữ trung học Hồng Đức, Phan Chu Trinh, Nguyễn Công Trứ v..v.. Và ngoài Đà Nẵng Thầy còn dậy Trần Quý Cáp Hội An, Nguyễn Trung Trực Rạch giá các môn sinh của Thầy khá nhiều khá đông, biết tin Thầy ra đi hôm nay mọi người phải cúi đầu tưởng nhớ tới Thầy. Một người Thầy đáng kính và đáng trân trọng.

Một lần nữa trong giờ phút thiêng liêng này, chúng em đại diện cho học sinh của Thầy nói chung và trường Sao Mai nói riêng hân hạnh được chia tay với Thầy lần cuối. Kính chúc Thầy ra đi với lòng thanh thản nơi Chín Suối, được sự phù trợ của Chư Phật, được yên giấc trong vóng tay thương yêu của gia đình và người thân. Thầy vẫn sống mãi trong lòng các em.

Thay mặt cho những môn sinh của Thầy khắp nơi không có dịp chia tay Thầy. Thay mặt cho các chị học sinh trường Sao Mai kính cẩn nghiêng mình trước Linh cửu Thầy, nguyện cầu sự ra đi của Thầy được thanh thản, sớm tiêu diêu nơi miền Cực Lạc.

Nam mô A Di Đà Phật.

Vẫy tay vĩnh biệt Thầy

Các cựu học sinh Sao Mai

 

 ~~~~~~~

 

 Cám ơn chị Hồng Vân đã thực hiện một video cho Thầy Lưu Như Hải,

một tác phẩm giá trị cho tất cả học sinh Sao Mai

Lời nhạc hay, cảm động và hình ảnh người Thầy kính yêu. 

 

 

THƯƠNG NHỚ NGƯỜI THẦY KÍNH MẾN

LƯU NHƯ HẢI 

▬▬▬▬ BCH - GNST ▬▬▬▬

  Đồng Thành Kính Phân Ưu 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %13 %190 %2019 %22:%01
back to top