Nữ hoạ sĩ dệt tranh từ vải

Nữ hoạ sĩ dệt tranh từ vải

~~~~~~~~

Nữ hoạ sĩ Nguyễn Thu Huyền

Mười năm trước, khi còn là sinh viên, Nguyễn Thu Huyền đã được biết đến bởi niềm đam mê tranh ghép vải. Bức tranh ghép vải ấn tượng về phụ nữ các dân tộc đã được nữ hoạ sĩ tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống nhưng niềm đam mê tranh ghép vải của họa sĩ Thu Huyền vẫn luôn nguyên vẹn.

Khác với những ngày đầu tiên khi mới đến với tranh vải, nữ hoạ sĩ Nguyễn Thu Huyền giờ đã trưởng thành, mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên có một điều không hề đổi khác, đó chính là niềm đam mê mãnh liệt với nghề, với những bức tranh  độc đáo, hiện thân cho giấc mơ được sống cùng nghệ thuật mà Thu Huyền đã miệt mài dệt nên từ vải, một chất liệu khá lạ trong nghệ thuật hội hoạ.

Thay vào những mảnh ghép giản đơn trước đây, tranh của Huyền bây giờ là những mảng miếng mạnh mẽ, hài hòa với nhịp điệu biến chuyển tài tình. Điểm độc đáo làm nên phong cách nghệ thuật của họa sĩ Thu Huyền là thể hiện bố cục chặt chẽ, màu sắc sống động và kỹ thuật đa dạng.

Tác phẩm "Những cô gái của mùa xuân", tranh ghép từ vải bò

Tác phẩm “Phố không mùa”

Thu Huyền chia sẻ, cá nhân cô có sự tìm tòi rất riêng trong chất liệu sáng tác. Vải voan, vải bò, kaki, len, dạ, nhung… với Huyền đều có thể biến thành những tác phẩm đặc sắc. Nữ họa sĩ trẻ tâm sự, cô đặt nhiều hy vọng và tình yêu của mình trong triển lãm tranh “Tôi vẽ giấc mơ”, bởi đây thực sự là một giấc mơ mà trước đây Huyền chưa từng nghĩ sẽ trở thành hiện thực.

Triển lãm trưng bày 20 tác phẩm độc đáo nhất mà cô đã dày công sáng tác và miệt mài trong 2 năm trở lại đây cùng với kinh nghiệm và sự trau dồi trong suốt 10 năm gắn bó với nghề.

Tác phẩm "Đoá hoa vô thường"

Tốt nghiệp Thạc sỹ Mỹ thuật Ứng dụng trường Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp, họa sĩ Thu Huyền trở thành giảng viên đại học với mong muốn truyền lại cho các thế hệ sau niềm đam mê cũng như kinh nghiệm về nghề. Cô cũng mở lớp dạy mỹ thuật, ươm mầm sáng tạo cho các thiếu nhi yêu hội họa.

“Với tôi đây không phải là một cuộc triển lãm để thử nghiệm hay để rong chơi, mà đó là những tác phẩm được làm bằng cả niềm đam mê mãnh liệt, là mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự nỗ lực không ngừng nghỉ mà tôi dành cho nghệ thuật tranh ghép vải trong suốt 10 năm qua”, Thu Huyền chia sẻ về cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của mình.

Tác phẩm "Dòng chảy"

Với 20 tác phẩm triển lãm, đề tài chính mà nữ hoạ sĩ hướng đến là hình ảnh của người phụ nữ, khi dịu dàng, sâu lắng, lúc mạnh mẽ, khát khao. Đó là người phụ nữ dưới góc nhìn đa chiều mà Huyền đã sáng tạo bằng con mắt và ngôn ngữ nghệ thuật của riêng mình. “Tôi vẽ như chưa bao giờ được vẽ, như thể ngày mai tôi sẽ không có cơ hội để làm những điều này. Và cứ thế, tôi kể những câu chuyện của cuộc đời mình, những thanh âm trong trẻo của cuộc sống, những cảm xúc mà tôi đã đi qua...”, nữ hoạ sĩ tâm sự.

Với những tác phẩm được làm bằng cả tâm huyết, kỹ thuật đa dạng cùng việc sử dụng chất liệu một cách khéo léo, cầu kỳ, nữ họa sĩ mong muốn tranh ghép vải sẽ được đông đảo mọi người biết đến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên đánh dấu chặng đường 10 năm gắn bó với nghệ thuật tranh ghép vải của cô.

Tác phẩm "Đưa con đi khắp thế gian"

Viết về những tác phẩm của Huyền, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến nói: “Hiện diện trước mắt Huyền là những mảnh vải nhỏ bé vô tri tồn tại trong dòng đời vô tận. Chỉ có cái nhìn một phẩm chất hiếm có của người nghệ sĩ mà Huyền đã may mắn có được, mới hiểu thấu đời sống vật chất của mảnh vải mà đi tìm tận cùng hơi thở của nó. Đi tìm ngôn ngữ hình ảnh độc đáo, đa sắc để tái hiện trên tranh của mình theo một chủ đề ấp ủ “Tôi vẽ giấc mơ”, Huyền đã thành công...”.

Tác phẩm"Hạnh phúc"

Họa sĩ Đỗ Hiệp (Chủ nhiệm CLB Họa sĩ trẻ Hà Nội) thì nói: Tôi "sợ" Huyền. Tôi sợ nghị lực của cô. Tôi sợ sự tự tin của cô.Tôi cũng sợ sự lầm lũi đầy bản năng của một người

phụ nữ trót vướng nghiệp tranh, khi mang trong mình thêm trọng trách người con, người vợ  và người mẹ. Cô không chọn lụa, không chọn Dó, chọn nước cho nhẹ nhàng, cho thảnh thơi. Phải chăng vải có ma lực gì đó?

Tác phẩm "Hồng hoa"

"Đúng vậy, xem tranh vải của Huyền thấy nó sáng, nó trong, nó mướt mải réo rắt. Với Huyền, nó vẫn là một nguyên liệu chuyển tải tốt, nếu không muốn nói là đầy biến ảo. Dưới nhát kéo, sợi chỉ của Huyền, nó vẫn sẽ làm người xem bị mê hoặc. Đúng thôi, nghệ thuật làthế mà, ta cứ đi thì ta lại càng thấy mênh mông rộng  lớn...", hoạ sĩ Đỗ Hiệp chia sẻ.

 

Hồng Vân sưu tầm

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %18 %941 %2019 %16:%01
back to top