Trong cung điện gia đình Hoàng Đế Bảo Đại ở Huế

Trong cung điện gia đình

Hoàng Đế Bảo Đại ở Huế

  • ▬▬▬▬۩ ۩▬▬▬▬

Hoàng Đế Bảo Đại

 

Cung điện được vua Khải Định cho xây năm 1917 là sự kết hợp độc đáo của ba phong cách kiến trúc Huế, Trung Quốc và Pháp.

Cung An Định nằm bên bờ sông An Cựu (TP Huế), được vua Khải Định cho xây dựng vào năm 1917. Đây là nơi vua Khải Định và bà phủ thiếp Hoàng Thị Cúc (1890-1980) sinh ra người con trai duy nhất là Nguyễn Phúc Vĩnh Thuỵ (tức vua Bảo Đại sau này). Ban đầu cung có khoảng 10 công trình, đến nay chỉ còn lại 3 công trình khá nguyên vẹn là Cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường.

Cổng chính theo lối tam quan,  gồm hai tầng, xây bằng vôi gạch và trang trí cầu kỳ bằng nghệ thuật đắp nổi sành sứ, thuỷ tinh màu. Cả hai mặt trong và ngoài của cổng đều có các hình ảnh rồng, phượng, lân, hoa lá… cùng một số văn tự và câu đối bằng chữ Hán.

Đình Trung Lập là công trình nằm giữa cổng vào và lầu Khải Tường. Ngôi đình có kết cấu nhỏ với mặt bằng hình bát giác và hai lớp mái làm theo dạng cổ lầu.

Lớp mái dưới của đình Trung Lập có 8 cạnh, lớp trên còn 4, đắp nổi 12 con rồng nhìn ra 4 phương 8 hướng. Chính giữa của đình đặt pho tượng của vua Khải Định, đúc bằng đồng với tỷ lệ như người thật.

Lầu Khải Tường được xây dựng từ năm 1917-1918 tại vị trí phủ An Định cũ. Đây là công trình kiến trúc quan trọng nhất của cung An Định với 3 tầng và 22 phòng, thiết kế chịu ảnh hưởng nhiều của văn hoá phương Tây.

Sau khi lên ngôi và sống trong hoàng cung từ năm 1916, vua Khải Định nghĩ đến việc cải tạo phủ An Định, mở rộng khuôn viên và xây dựng thêm một số công trình kiến trúc tại đây. Mục đích là tạo ra một cơ ngơi to lớn hơn để kỷ niệm nơi tiềm để (nơi ở của vua trước khi lên ngôi) và ban tặng cho hoàng tử Vĩnh Thụy làm của riêng sau này.

Vào thời điểm xây dựng lầu Khải Tường, nền văn hóa của Tây phương nói chung, nền mỹ thuật Pháp nói riêng đã ảnh hưởng đến Việt một cách mạnh mẽ. Điều này thể hiện rõ từ vật liệu xây dựng, phong cách kiến trúc đến nghệ thuật trang trí nội ngoại thất của tòa nhà.

Trong căn phòng chính giữa ngay lối vào, vua Khải Định cho vẽ 6 bức tranh tường mô tả những khu lăng tẩm của các vị vua nhà Nguyễn. Bức tượng đặt trong gian chính hiện nay là hoàng thái tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy trong lễ sắc phong và rước Đông cung thái tử từ Hoàng thành về cung An Định vào tháng 4/1922.

Căn phòng chính nhìn từ chiếu nghỉ trên cầu thang tầng một. Các trụ đỡ, tay vịn cầu thang và hoạ tiết trang trí đều mang đậm phong cách phương Tây.

Phía trên là phần nền móng còn lại của nhà hát Cửu Tư Đài. Toàn bộ công trình này đã bị phá huỷ trong chiến tranh. Trong thời gian tồn tại, nhà hát có hai tầng, diện tích 1.150 m2 và có thể chứa hơn 500 khán giả cùng lúc. Theo các tài liệu cổ, ngoại thất của Cửu Tư Đài gần giống Nhà hát Lớn ở Hà Nội.

Một hoạ tiết trang trí trên tường trong cung An Định. Quần thể kiến trúc này đánh dấu thời kỳ mỹ thuật Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng của phong cách phương Tây, thể hiện qua mọi công trình đều mang phong cách kết hợp giữa đề tài trang trí truyền thống của Việt Nam với các đề tài trang trí châu Âu, tạo nên bức tranh kiến trúc độc đáo.

Sáng 23-11, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã tổ chức khai mạc triển lãm với chủ đề “100 năm cung An Định” nhân dịp hưởng ứng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11) và kỷ niệm di tích cung An Định tròn 100 năm tuổi (1917-2017).

Nét cổ kính, tráng lệ bên trong cung An Định.

Cung An Định, nơi ghi dấu một giai đoạn gia đình cựu hoàng Bảo Đại sinh sống.

Triển lãm giới thiệu gần 100 tư liệu, hình ảnh, hiện vật gắn liền với giai đoạn cuối cùng của lịch sử triều Nguyễn, đặc biệt với hoàng đế Khải Định và gia đình hoàng đế Bảo Đại nhằm mang đến cho công chúng những khám phá mới về di tích cung An Định từ góc độ lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc và tạo hình trong bối cảnh giao lưu văn hóa Việt Nam và phương tây thời cận đại.

Nhiều cổ vật quý giá được trưng bày bên trong cung An Định.

Cung An Định được xây dựng từ năm 1917, còn là nơi gắn bó với

vị Hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn - Đức Từ Cung.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế cho biết, cung An Định được xây dựng vào năm 1917, là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của triều Nguyễn mang phong cách Châu Âu kết hợp trang trí truyền thống cung đình. 

Bộ ly uống cà phê bằng sứ Pháp (thế kỷ XIX) được dùng trong

cung đình triều Nguyễn được trưng bày tại cung An Định.

Dưới triều hoàng đế Khải Định (1916-1925) và hoàng đế Bảo Đại (1926-1945), cung An Định là nơi tổ chức các lễ tiếp tân, khánh hỷ của hoàng gia với sự tham dự của đình thần và các quân chức thuộc Chính Phủ bảo hộ Pháp.

 Bộ ấm trà là món quà tặng của ông Paul Reynard cho

hoàng hậu Nam Phương nhân lễ tấn phong (1934).

Đây còn là nơi ghi dấu một giai đoạn gia đình cựu hoàng Bảo Đại sinh sống sau khi nhà vua thoái vị (tháng 8-1945) và là nơi gắn bó nhiều kỷ niệm với Đức Từ Cung, vị Hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn.

Sau thời gian xuống cấp, Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã bỏ nhiều công sức trùng tu,

tôn tạo mang lại vẻ đẹp hiện có cho cung An Định.

Sập gụ làm bằng gỗ từ thời Nguyễn được trưng bày

tại một góc trên tầng 2 của cung An Định.

 

Sau gần nửa thế kỷ bị rơi vào quên lãng, dưới tác động của thời gian, chiến tranh, cung An Định bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng. Từ năm 2002, cung An Định được chuyển giao cho Trung tâm BTDT Cố đô Huế quản lý và trùng tu, tôn tạo để trả lại vẻ đẹp vốn có của tòa lâu đài tráng lệ đầu thế kỷ XX.

 

 

~~~~ Kim Quy sưu tầm ~~~~

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %AM, %29 %246 %2019 %00:%05
back to top