Tân Nhạc VN – Thơ Phổ Nhạc – “Hoa Học Trò”, “Tiếng Hát Đồi Sim” – Nhất Tuấn & Hoàng Lang

Tân Nhạc VN – Thơ Phổ Nhạc 

“Hoa Học Trò”, “Tiếng Hát Đồi Sim”

Nhất Tuấn & Hoàng Lang

Hoài niệm Tây Ninh: CHIA BUỒN : Thi Sĩ Nhất Tuấn Qua Đời 31/7/2021 )  vkp.Đạm Phương,Hồ Công Tâm,Hồ Nguyễn

Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn các thi khúc “Hoa Học Trò”, “Tiếng Hát Đồi Sim”, của Thi sĩ Nhất TuấnNhạc sĩ Hoàng Lang.

Thi sĩ Nhất Tuấn tên thật là Phạm Hậu. Quê ở Ninh Bình nhưng sinh trưởng tại Nam Định.

Năm 1954, ông cùng gia đình di cư vào miền Nam và định cư tại Đà Lạt. Ông gia nhập trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt năm 1955. Sau khi tốt nghiệp ra trường ông phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Miền Nam cho đến 30/4/1975.

Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng:

– Quản đốc Đài Phát Thanh Quân Đội Đông Hà & Huế (1962)
– Quản đốc Đài Phát Thanh Quân Đội Nha Trang (1966)
– Quản đốc Đài Phát Thanh Quân Đội Sài Gòn (1968)
– Giám đốc Nha Nghiên Cứu Kế Hoạch (1970)
– Giám đốc Nha Vô Tuyến Truyền Thanh (1971)
– Tổng Giám đốc Việt Nam Thông Tấn Xã (1974)

Thi sĩ Nhất Tuấn.
Thi sĩ Nhất Tuấn.

Các tác phẩm của ông đã xuất bản:

– “Truyện Chúng Mình” (gồm ba tập thơ, tự xuất bản 1959-1963)
– “Truyện Chúng Mình” (tái bản trọn bộ năm tập, Khai Trí, 1964)
– “Đời Lính I, II” (tập truyện, Khai Trí, 1965)

Hơn 40 bài thơ trong tập thơ “Truyện Chúng Mình” đã được nhiều nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc từ trước 1975 cho đến nay.

Hiện ông đang định cư tại Thành phố Seattle, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ.

nhattuan_NS Hoàng Lang

Nhạc sĩ Hoàng Lang tên thật là Phạm Phúc Hiển, sinh năm 1930 tại làng Tân Mỹ Ðông, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Ðịnh. Ông sinh trưởng trong một gia đình trung lưu có 3 người con mà ông là con trai trưởng với 2 người em gái.

Năm 1956, ông là giáo sư dạy nhạc tại trường Petrus Ký.

Từ 1954-1972, ông là trưởng ban nhạc đàn dây Hoàng Lang của Đài Phát Thanh Sài Gòn.

Trên Ðài Tiếng Nói Quân Ðội, ông phụ trách điều khiển chương trình nhạc Hương Xưa chuyên trình bày những nhạc phẩm tiền chiến, chương trình Thi Nhạc Giao Duyên với nhà thơ Vương Ðức Lệ (tức cựu quản đốc Ðài Phát Thanh Long An) và chương trình Nhạc Thiếu Nhi. Ngoài ra, nhạc sĩ Hoàng Lang còn cộng tác với Ðài Truyền Hình VN và các hãng dĩa nhạc trước 75 như Lê Văn Tài, Việt Nam, Asia và Sóng Nhạc.

Trong khoảng thời gian ngắn từ 1953 đến 1956, ông cũng đã cộng tác rất đắc lực với nhật báo Tiếng Chuông của Ðinh Văn Khai, viết về tin tức; với tuần báo của nhà văn Nguyễn Vỹ, viết những bài về cuộc đời các nhạc sĩ và những bài phê bình âm nhạc.

Năm 1972, ông sang Thụy Sĩ để bổ túc âm nhạc nhưng vì biến cố 30/4/1975, ông bị kẹt lại Thụy Sĩ cho đến khi qua đời. Ở Thụy Sĩ, ông mở một số lớp Việt Ngữ cho dân bản xứ. Năm 1980, chính phủ Thụy Sĩ đã chọn ông là thông dịch viên tiếng Việt chính thức của Tổng Cục Liên Bang Tỵ Nạn Thụy Sĩ, Hội Chữ Thập Đỏ, các Tòa án, các cơ sở chính quyền tại Geneve cũng như tại một số tỉnh lân cận thuộc nước Pháp.

Ông mất ngày 27 tháng 11 năm 2004 tại Genève, Thụy Sĩ.

nhattuan_ĐB2

Thi phẩm “Hoa Học Trò” (Thi sĩ Nhất Tuấn)

Bây giờ còn nhớ hay không
Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa
Ngây thơ em rủ anh ra
Bảo mình nhặt phượng về nhà chơi chung

Bây giờ còn nhớ hay không
Anh đem cánh phượng bôi hồng má em
– “Để cho em đẹp như Tiên !”
Em không chịu, sợ phải lên trên trời

– “Lên trời hai đứa đôi nơi
Thôi em chỉ muốn làm người trần gian”
Hôm nay phượng nở huy hoàng
Nhưng từ hai đứa lỡ làng duyên nhau

Rưng rưng phượng đỏ trên đầu
Tìm em, anh biết tìm đâu bây giờ
Bao nhiêu kỷ-niệm ngày xưa
Gửi vào đây một bài thơ cuối cùng

Bây giờ còn nhớ hay không
Đến người em nhận làm chồng? Mà thôi.

nhattuan_ĐB1

Thi khúc “Hoa Học Trò” (Nhạc sĩ Hoàng Lang)

Bây giờ còn nhớ hay không
Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa
Ngây thơ em rủ anh ra
Bảo mình nhặt phượng về nhà chơi chung

Bây giờ còn nhớ hay không
Anh đem cánh phượng anh bôi hồng má em
Để cho em đẹp như tiên
Nhưng em không chịu sợ phải lên trên trời
Lên trời hai đứa đôi nơi
Thôi, em chỉ muốn là người trần gian

Hôm nay phượng nở huy hoàng
Nhưng từ hai đứa lỡ làng duyên nhau
Rưng rưng phượng đỏ trên đầu
Tìm em, anh biết tìm đâu bây giờ
Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa
Gửi vào đây một bài thơ cuối cùng.

nhattuan_THĐS

Thi khúc “Tiếng Hát Đồi Sim” (Thi sĩ Nhất Tuấn và Nhạc sĩ Hoàng Lang)

Một đôi vòng tay nhỏ
Với đôi mắt nâu buồn
Cành hoa hồng nhung nở
Đỏ như màu nụ hôn
Nhiều đêm dài thức nhớ
Những hình ảnh vàng son
Giờ chỉ là dĩ vãng
Kỷ niệm trên đồi sim

Đà Lạt mờ sương khói
Một mình anh lặng im
Nghe hồn mình nức nở
Nghe buồn lẻn trong tim
Giá mình đừng gặp nhau
Giá mình đừng gặp nhau
Trên núi đồi Đà Lạt
Và tình yêu ban đầu
Đã tàn theo song nhạc
Vì tình yêu ban đầu
Đã tàn theo song nhạc

Người xưa người xưa đâu
Để lòng anh tan nát
Nơi bãi bể nương dâu
Cũng buồn như tiếng than
Em có chắc mai sau
Tình mình không nhạt phai
Em có chắc mai sau
Tình mình không nhạt phai

Ôi tiếng hát đồi sim
Xin em đừng hát nữa
Để cho anh lặng yên
Để cho anh lặng yên
Nghe hồn mình nức nở
Nghe buồn lén trong tim
Cả một trời nhung nhớ
Với mộng đẹp thần tiên
Của những ngày êm mơ
Bên người xưa diệu hiền
Ngồi bên hồ than thở
Ngồi bên hồ than thở
Với người xưa diệu hiền
Ngồi bên hồ thở than
Ngồi bên hồ than thở
Ngồi bên hồ thở than

Nếu để anh đừng nhớ
Nếu để anh đừng quên
Thì em đừng hát nữa
Bài hát đồi sim

Dưới đây mình có bài:

– Nhạc Sĩ Hoàng Lang

Cùng với 3 clips tổng hợp các thi khúc “Hoa Học Trò”, “Tiếng Hát Đồi Sim” do các ca sĩ xưa và nay diễn xướng để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn,

Túy Phượng

(Theo Wikipedia)

Nhạc sĩ Hoàng Lang.
Nhạc sĩ Hoàng Lang.

Nhạc Sĩ Hoàng Lang

(Lê Thái)

Mỗi khi cầm chiếc tây ban cầm tôi lại nhớ dến một người thầy cũ. Ðó là nhạc sĩ Hoàng Lang, một con người đôn hậu, một người viết nhạc và chơi nhuần nhuyễn các loại đàn dây, một nhạc sĩ tài ba mà gần như đã bị quên lãng trong sinh hoạt văn nghệ hải ngoại.

Sở dĩ, gần đây ít ai nhắc tới nhạc sĩ Hoàng Lang vì ông không định cư gần thủ đô của người Việt tị nạn và cũng ít tham gia hoạt động văn nghệ. Hiện ông dang sống tại Thụy sĩ. Tình cờ tôi được liên lạc lại với ông qua điện thoại và những kỷ niệm của thời niên thiếu lại kéo về. Tôi muốn ghi lại đây vài điều để làm quà với thầy và tặng những người bạn một thời là «đồng môn» văn nghệ của tôi.

Nhạc sĩ Hoàng Lang, sinh năm 1930 tại làng Tân Mỹ Ðông, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Ðịnh, địa danh nổi tiếng tiêu thổ kháng chiến chống thực dân trong những năm từ 1945 đến 1947. Ông sinh trưởng trong một gia đình trung lưu có 3 người con mà ông là trai trưởng với 2 người em gái. Thời thơ ấu ông theo học tại 2 trường tiểu học Trương Minh Ký và Tân Ðịnh. Lên trung học ông trúng tuyển vào trường Petrus Trương Vĩnh Ký (Saigon). Từ năm 1956, ông được Bộ Quốc Gia Giáo Dục bổ nhiệm làm giáo sư phụ trách dạy môn âm nhạc tại trường Pétrus Ký. Chính tại trường này, người viết cũng đã trở thành một trong những học trò của ông và biết ông từ đó.

Ở cấp trung học đệ nhứt cấp, học sinh thường chỉ dành thì giờ để học những môn học có hệ số cao trong kỳ thi như Toán, Lý, Hóa, Việt Văn… Còn lớp âm nhạc thường vắng học trò. Vì là trường công lập nam sinh lớn nhứt miền Nam, kỷ luật trường rất gắt gao, mỗi đầu giờ đều có điểm danh xem ai vắng mặt. Nếu nghỉ học, ngày hôm sau học sinh phải có giấy của phụ huynh ghi rõ lý do chính dáng. Tính thầy vui vẻ, xuề xòa và «thông cảm» cho nên thầy chẳng quan tâm đến chuyện điểm danh, trưởng lớp muốn ghi thế nào thì ghi. Lớp dạy nhạc của thầy thường diễn ra ở phòng thí nghiệm lý hóa nằm ở cạnh đáy hình chữ U của ngôi trường mang đầy vẻ uy nghiêm. Căn phòng này chứa đầy những dụng cụ, ống thí nghiệm và cả những bộ xương người, nhưng cũng dành cho giờ dạy nhạc với lý do theo tôi nghĩ là vì nó có kiến trúc tương tự như một rạp hát nhỏ, bàn ghế học sinh thì xếp từ thấp lên cao như khán đài sân banh. Lớp học lại có nhiều cửa sổ mà bên ngoài là khu thư viện và một sân thể thaọ Ðến giờ nhạc, một phần ba lớp thường phóng qua cửa sổ ra sân thể thao… đọc sách hoặc «gạo» những môn cần thiết cho kỳ thi sắp tớị Tôi thuộc nhóm 2/3 ở lại lớp với thầy Hoàng Lang một phần vì tôi có chút máu mê văn nghệ, một phần hơi nhát sợ phóng qua cửa sổ gặp thầy Tổng Giám Thị đón sẵn ở ngoài thì bị phạt phải vào trường ngày Chủ nhựt, mất một buổi hẹn đi chơi với đào – cô bé thường cột tóc đuôi gà với cái băng màu đỏ.

Năm đó, thầy Hoàng Lang dạy chúng tôi cách viết hợp âm cho bản nhạc, tôi thường viết đúng và nộp bài lên cho thầy nhanh nhứt, nên thay thường dành cho tôi những «ưu ái» đặc biệt như… cầm cây đàn của thầy đến lớp hoặc mang đàn lên phòng giáo sư. Tôi trở thành một trong những học trò cưng của thầy Hoàng Lang.

Khoảng năm 1958, khi những cánh hoa đỏ của 2 cây phượng trước sân trường bắt đầu nở, cũng là lúc thầy trò sắp chia tay, trong buổi học cuối cùng thầy bảo nhỏ với tôi với một nụ cưoi rất hiền hòa mà 40 năm rồi tôi vẫn còn nhớ:

– Nghỉ hè, em muốn học gì, đến nhà thầy chỉ cho.

Và thầy ghi cho tôi cái địa chỉ ở đường Hàng Sanh, Thị Nghè.

Học nhạc một mình cũng buồn, hè năm đó tôi rũ thêm mấy thằng bạn thân cùng lớp tới tìm thầỵ Tại nhà, thầy dạy nhiều lớp, nhưng tôi thì thầy bảo đến lúc nào cũng được. Tôi thì thầy lấy học phí tượng trưng, mấy thằng bạn tôi thì… sòng phẳng. Thầy dạy chúng tôi đủ thứ từ nhạc lý, soạn hòa âm, đến sử dụng các loại đàn giây như tây ban cam, măng cầm (mandoline), hạ uy cầm và cả vỗ trống. Thầy có biệt tài viết rất nhanh những nhạc phẩm phổ thông thành những bản nhạc độc tấu tây ban cầm thật giản dị, êm tai mà lúc đó chúng tôi rất thích. Một biệt tài khác của thầy là với chiếc tây ban cầm thầy có thể đàn một bản nhạc mà không cần đến những ngón tay phải để gảy dây đàn, chỉ cần dùng những ngón tay trái để bấm trên cần đàn.

Kể từ những năm sau đó, tôi và những đứa bạn đã trở thành một ban nhạc dã chiến giúp vui trong lớp vào những dịp Tết và dịp hè cuối niên học…

Những kỷ niệm đó chưa phai trong trí óc tôi thì tôi lại được dịp gần gủi thầy gắn bó hơn trong một môi trường khác khi tôi ra trường và làm việc tại Ðài Phát Thanh Saigon. Tại đây, từ năm 1954 thầy là người sáng lập và là trưởng ban nhạc «Ban Ðàn Dây» với những nhạc cụ có dâỵ Trong ban nhạc, có nhiều nhạc công, nhạc sĩ rất hay và những ca sĩ nổi tiếng nhưng thiếu người viết phần giới thiệu các bản nhạc trước khi ca sĩ hát (tiếng nhà nghề chúng tôi gọi là viết “chapeau”), thỉnh thoảng thầy nhờ tôi làm việc này. Trên nguyên tắc là có trả thù lao tương đương với một ca sĩ, nhưng tôi tự thấy mình «có nợ» với thầy khi học nhạc nên thưa là thỉnh thoảng hợp tác với thầy cho vui thôi.

Trên Ðài Phát Thanh Saigon, nhạc sĩ Hoàng Lang còn cộng tác sử dụng tây ban cầm, đại hồ cầm, dương cầm cho các ban nhạc của Võ Ðức Thu, Hoàng Trọng, Văn Phụng, Nhật Bằng, Dương Thiệu Tước, Ngọc Bích… Trên Ðài Tiếng Nói Quân Ðội, ông phụ trách điều khiển chương trình nhạc Hương Xưa, chuyên trình bày những nhạc phẩm tiền chiến, chương trình Thi Nhạc Giao Duyên với nhà thơ Vương Ðức Lệ (tức cựu quản đốc Ðài Phát Thanh Long An và biên tập viên Ðài Phát Thanh Saigon), chương trình nhạc Thiếu Nhi mà qua đó những sáng tác về tuổi thơ như Ðến Trường, Bé Ði Học, Ðêm Trung Thu, Ðàn Chim Non, Lửa Trại, Vũ Khúc Mừng Xuân, Công Cha Nghĩa Mẹ… đã được soạn thành tập. Ngoài ra, nhạc sĩ Hoàng Lang còn cộng tác với Ðài Truyền Hình VN và các hãng dĩa nhạc trước 75 như Lê Văn Tài, Việt Nam, Asia và Sóng Nhạc.

Cha mất sớm, chàng trai Phạm Phúc Hiển (tức nhạc sĩ Hoàng Lang) mới 20 tuổi đã phải vào đời sớm với chân dạy nhạc tại trường nữ trung học tư thục Huỳnh Thị Ngà ở Tân Ðịnh. Ngoài những sinh hoạt âm nhạc, dạy nhạc, nhạc sĩ Hoàng Lang còn phụ trách dạy các môn Việt Văn và Toán tại các trường tư thục Thủ Khoa, Phước Truyền, Les Lauriers, Lý Thường Kiệt. Ông cũng đưoc giao giữ chức vụ Giám Học kiêm Phó Giám Ðốc trường Trung Học Tư Thục Huỳnh Long, một trường sở nổi tiếng ở Chợ Lớn chuyên dạy chương trình Pháp và Việt cho học sinh gốc người Hoạ Trong một khoảng thời gian ngắn từ 1953 đến 1956, ông cũng đã cộng tác rất đắc lực với nhật báo Tiếng Chuông của ông Ðinh Văn Khai, viết về tin tức; với tuần báo của nhà văn Nguyễn Vỹ, viết những bài về cuộc đoi các nhạc sĩ và những bài phê bình âm nhạc.

Hơn 50 năm phục vụ âm nhạc, ông Hoàng Lang cho biết đã có hơn 150 sáng tác phẩm đủ loạị Khoảng 50 tác phẩm đã được in thành bản hoặc thành tập phổ biến trên thị trường cộng với trên 30 nhạc phẩm đã được thu thanh vào dĩa 45 hoặc 33 vòng, băng nhạc hoặc cassette, băng video và dĩa nhạc CD qua tiếng hát của Thái Thanh, Hà Thanh, Mai Hương, Hoàng Oanh, Quỳnh Dao, Thanh Thúy, Phương Dung, Nhật Trường, Anh Khoa …

Năm 1948, bản Tơ Lòng Nghệ Sĩ của nhạc sĩ Hoàng Lang được chào đời, ca sĩ Minh Trang đã trình diễn lan đầu tiên trên làn sóng của Ðài Phát Thanh Pháp Á. Về sau, kịch sĩ Anh Lân đã dùng bản Tơ Lòng Nghệ Sĩ (với giọng ca Kim Cương) làm nhạc mở đầu cho chương trình ban kịch Dân Nam trình diễn trên Ðài Phát Thanh Saigon.

Năm 1949, để tưởng niệm học sinh Trần Văn Ơn, một bạn đồng học tại trường Pétrus Ký, bị bắn chết, ông đã sáng tác bản nhạc «Máu Học Sinh». Bản nhạc này được hát 2 lần thì bị «kiểm duyệt».

Bản “Câu Hát Tâm Tình” hoàn thành vào năm 1953 để kỷ niệm mối tình đầu dang dở. Sau này, Thái Thanh đã hát «Câu Hát Tâm Tình» trong phần nhạc đệm của phim Ngả Rẻ Tâm Tình do Diễm Thúy đóng vai chính.

Nhạc sĩ Hoàng Lang sáng tác khá nhiều bản nhạc quê hương dân tộc như Tình Ðất, Nắng Thôn Chiều, Bên Dòng Ðồng Nai, Quê Tôi Miền Cái Sắn, Mùa Lúc Mới, Gặt Lúa, Trắng Miền Quê Ngoại, Ðẹp Giòng Hương Giang.

Mỗi sáng tác là một chặng đường trong cuộc đời của ông. Khi vác ba lô vào quân trường, ông đã viết những bài Khúc Ca Lên Ðường, Xông Pha, Lên Ðường, Vui Ra Ði, Hoa Cắm Trên Ðầu Súng….

Năm 1955, Phủ Tổng Ủy Dinh Ðiền tổ chức kỳ thi sáng tác tân nhạc với đề tài ca ngợi chính sách dinh điền, nhạc phẩm Bài Ca Dinh Ðiền của ông viết theo điệu nhạc cổ truyền dân tộc đã đoạt giải nhứt.

Năm 1956, Phủ Tổng Thống tổ chức kỳ thi văn nghệ toàn quốc gồm các bộ môn tân, cổ nhạc, kịch. Bài ca Khúc Hát Bình Minh của Hoàng Lang, cũng đưoc viết theo âm điệu ngũ cung nhạc cổ truyền.

Ông cũng viết trường ca mang tên Dòng Sông Hát cho ban hợp ca của trường Pétrus Ký trong chuyến lưu diễn tại Long Xuyên trong năm 1958 và ban hợp ca này đã đưoc tặng giải ưu hạng danh dự của tỉnh.

Nhạc phẩm Cao Sơn Lưu Thủy, một sáng tác mà ông đã viết cho ban Ðại Hòa Tấu cổ điển, hợp soạn chung với nhạc trưởng Võ Ðức Tuyết, đã được trình tấu trong ngày đại hội âm nhạc kỷ niệm Mozart tại Việt Nam.

Nhạc sĩ Hoàng Lang còn soạn một số nhạc Thánh Ca mà bản đại hợp xướng «Vinh Danh Ðức Mẹ Ma_ria» đã đưoc trình bày nhiều lần trên làn sóng Ðài Phát Thanh Saigon.

Lạy Chúa con là ngưoi ngoại dạo, nhưng tin có chúa ngự trên cao. Ðó cũng chính là tâm trạng của nhạc sĩ Hoàng Lang. Cho nên nhạc tình cảm của ông có nhiều đoạn phảng phất âm hưởng của những bản Thánh ca, nhứt là những nhạc phẩm của Schubert, Gounod viết về Ðức Mẹ.

Cả cuộc đời phục vụ cho âm nhạc, viết nhạc và dạy nhạc, nhạc sĩ Hoàng Lang đã có nhiều nhạc sinh. Một điều ít ai ngờ, nhạc sĩ Lam Phương là nhạc sinh sáng tác đầu tiên của ông. Trong thời gian «truyền nghề», Hoàng Lang đã hợp soạn với Lam Phương bản nhạc Lá Thư Xanh (do An Phú xuất bản và Asia thâu dĩa qua giọng ca Thái Thanh) và bản Chiều Thu Ấy (cũng do An Phú ấn hành, Thanh Thúy thu băng video qua giọng ca Anh Khoa). Sau Lam Phương là những nhạc sinh khác như :Văn Trí với những bản nhạc hop soạn như Hoài Thu, Bài Ca Sông Cữu, Ðẹp Hậu Giang, Thu Ði Cho Mắt Nai Buồn (riêng sáng tác này đã được viết lời Việt, Anh và Pháp); Thùy Linh với Miền Quê Tôi và Anh Về Giữa Mùa Hoa; Trương Văn Tuyên với Ðợi Chờ; Dương Quang Ðịnh (ban nhạc Hoa Thoi Ðại) với Lưu Luyến.

Ðặc biệt, nhạc sĩ Hoàng Lang rất thích hợp soạn với những bằng hữu văn nghệ sĩ với mục đích chính là để lưu niệm những phút vui buồn bên nhau: với nhà văn Ngọc Linh đã có Ðôi Mắt Người Xưa, với nhà văn Thanh Nam thì có Người Ơi Hát Làm Chi, với nhà thơ Huy Trâm có nhạc phẩm Mây Trôi Lòng Giạt Mãi Ðâu, cùng thi sĩ Vương Ðức Lệ là bài Thiên Thu, với nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có bản Ðồng Nội Ðêm Trăng và đặc biệt là ông đã cùng với thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà viết nhạc đệm cho tuồng cải lương nổi tiếng «Người Ðẹp Bình Dương».

Từ khi đưoc đọc tập thơ Chuyện Chúng Mình của thi sĩ Nhất Tuấn (tức Phạm Hậu, nguyên Hệ Thống Trưởng Hệ Thống Truyền Thanh VN), Hoàng Lang đã cảm hứng phổ rất nhiều bài thơ trong tập thơ này như Tiếng Hát Ðồi Sim và Xin Trả Lại Em (2 bản này đã được Hoàng Oanh thu thanh vào dĩa), Hoa Học Trò (Nhật Trường thu băng cassette), Bao Giờ Anh Quên (Mai Hương thu thanh vào băng cas_set_te). Trước năm 1972, hai bản Tiếng Hát Ðồi Sim và Hoa Học Trò với giọng ngâm thơ của Hoàng Oanh giao duyên cùng tiếng hát Hà Thanh đã được nhiều thính giả ưa thích. Với những hoạt động thật tích cực trong làng âm nhạc Việt Nam, nhưng hầu như thính giả đã lãng quên ông vì bỗng nhiên ông vắng bóng ở Saigon kể từ năm 1972. Năm đó, nhạc sĩ Hoàng Lang đưoc đi tu nghiệp về âm nhạc truyền thanh truyền hình giáo dục tại Thụy Sĩ. Ông đã được dịp trau dồi, học hỏi, hội thảo về truyền thanh, truyền hình giáo dục học đường tại Thụy Sĩ và Pháp. Ông đã đưoc dịp trao dổi, tiếp xúc với môi trưong âm nhạc rộng lớn mà ông hằng say mê, từ phương pháp vỡ lòng âm nhạc cho thiếu nhi cho đến nhiều ban Ðại Hòa Tấu nổi tiếng. Năm 1976, ông được một trường trung học ở Genève mời cộng tác phụ trách môn âm nhạc. Ông cũng mở những lớp dạy tây ban cầm tại đất người mà sau đó đã có một số nhạc sinh ra đời thành lập những ban nhạc trẻ trình diễn và thu dĩa nổi tiếng tại Thụy Sĩ và các vùng biên giới nước Pháp. Ông còn liên tiếp mở nhiều lớp Việt Ngữ cho dân bản xứ. Năm 1980, chính phủ Thụy Sĩ đã ký nghị định chính thức hóa chức vụ «Thông Dịch Viên tuyên thệ» của ông tại Genèvẹ

Hiện nay, ông là thông dịch viên chính thức của Tổng Cục Liên Bang Tị Nạn Thụy Sĩ, hội Hồng Thập Tự Quốc Tế, các Tòa Án, các cơ sở chính quyền tại Genève cũng như tại một số tỉnh lân cận thuộc nước Pháp.

Hơn một lần các thính giả đồng hương – và chính ông – đã xúc dộng khi nghe hòa tấu khúc thính phòng «Việt Nam, Quê Hương Tôi» của Hoàng Lang được trình diễn tại Genève và những tỉnh thuộc Pháp giáp giới.

Những kỷ niệm con tim gắn bó rất nhiều với nhạc hứng của nhạc sĩ Hoàng Lang. Ông cho biết, bản Câu Hát Tâm Tình(Mai Hương thu cassette và Thái Thanh thâu cho phim Ngã Rẽ Tâm Tình được viết năm 1953 kỷ niệm một mối tình đầu dang dỡ. Bài Dạ Khúc Hoài Cảm (Thái Thanh thâu cassette) viết năm 1958 kỷ niệm hôn lễ lần đầụ Hai mươi chín năm sau, duyên tình ngăn cách, đôi người đôi ngả, chia tay nhau sau khi đã có 3 người con. Nhạc phẩm Em Từ Ðâu Ðến và Tha Thiết viết tặng cho mối tình muộn nhưng cũng là mối tình tâm đầu ý hợp nhứt vì đôi tim đã rung cảm cùng một điệu nhạc, vì tiếng lòng phát xuất cùng một lời thơ… Lời tâm sự sau cùng của nhạc sĩ Hoàng Lang là… “Tôi xin cảm tạ những người đã yêu tôi và những người tôi đang yêu đã ban cho tôi nguồn nhạc hứng mênh mông vô tận… Dĩ vãng khép kín tâm tư, tương lai chưa hề hẹn ước, nhưng lòng đã dặn lòng: ta còn thở, ta còn yêu ta còn sáng tác…”.

oOo

Hoa Học Trò – Ca sĩ Hoàng Mai:

 

Tiếng Hát Đồi Sim – Ca sĩ Quỳnh Giao:

 

Tiếng Hát Đồi Sim – Ca sĩ Xuân Thanh:

 

Nhất Tuấn, Muôn Thuở “Truyện Chúng Mình”

*******

 

2015 SEP 22 LYCEE YERSIN 300

Tình như tóc rối, xin đừng gỡ ra
(“Tóc rối”, thơ Nhất Tuấn)

Ngày ấy tuổi học trò
sân trường đầy phượng đỏ…

Câu thơ Nhất Tuấn và mầu phượng thắm sân trường luôn gợi lại trong mỗi chúng ta nỗi tiếc nhớ xa xôi về những tháng năm tươi đẹp nhất của một đời người.

Mầu hoa phượng trong thơ Nhất Tuấn còn gọi là mầu hoa học trò, mầu hoa thắm tươi và đẹp như mối tình đầu vụng dại của những cô cậu học trò.

Tình đầu là nụ hoa vừa chớm nở, là những xao xuyến, những rung động của trái tim vừa chớm biết yêu.  Tình đầu là mộng ước, là giấc mơ tươi đẹp nhất của một thời tuổi trẻ.

Phượng Đỏ, Mimosa Vàng

Bây giờ còn nhớ hay không?
Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa

(Hoa Học Trò)

“Ngày xưa”, hai tiếng ấy nghe sao êm đềm quá! Chuyện “ngày xưa” ấy chỉ còn lại những tấm ảnh cũ đã nhạt mầu và những cánh hoa ép khô của một mùa kỷ niệm nằm im lìm trong những trang thơ Truyện Chúng Mình một thuở.

Sân trường phượng vỹ, tiếng ve gọi hè, và mối tình đầu thuở học trò ấy, làm sao quên được!

VTT ZZDEC 10 NHẤT TUẤN 2

Trong những giấc mộng nhỏ êm đềm đưa chúng ta về gặp lại một mùa nào “hoa bướm ngày xưa”, vẫn thấp thoáng những cánh phượng hồng và một sân trường kỷ niệm.

Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa
gửi vào đây một bài thơ cuối cùng

Bây giờ còn nhớ hay không
đến người em nhận làm chồng? Mà… thôi!

 (Hoa Học Trò)

Mà… thôi!”  Hai chữ ấy trong câu thơ cuối của Nhất Tuấn như lời trách cứ nhẹ nhàng, như tiếng thở dài thật nhẹ, mà vẫn nghe lòng chùng xuống, vẫn nghe tim thắt lại.

Rưng rưng phượng đỏ trên đầu
Tìm em, anh biết tìm đâu bây giờ!

(Hoa Học Trò)

Tôi yêu hai chữ “rưng rưng” trong câu thơ ấy.  Câu thơ đọc nghe… rưng rưng.

Tôi cũng yêu hai chữ “khắc khoải” trong thơ Nhất Tuấn.

Đêm nay Noel đây
Chuông nhà thờ khắc khoải

Gió đồi lang thang bay
Mưa buồn giăng ngõ tối

(Mimosa Thôi Nở)

Câu thơ nghe một nỗi gì… khắc khoải, nghe một không gian lạnh và buồn.   

Câu thơ cũng mang một khí hậu rất Đà Lạt, thành phố cao nguyên đầy mây trắng và sương mù, và cũng gợi nhớ những năm dài “chinh chiến điêu linh”.  Rồi cuộc đời lính chiến, rồi “mấy dặm sơn khê”, rồi “mưa rừng gió núi”…, đã khiến cho những lứa đôi yêu nhau phải “người ở một phương nhớ một phương” vì những cách ngăn, chia lìa của một mùa ly loạn.

Lại một Noel nữa
mấy mùa Giáng Sinh rồi
Anh ở đồn biên giới
thương về một khung trời

(Niềm Tin)

Khung trời nào đây? Thành phố nào đây? Nếu không phải là “thành phố cao nguyên đầy mây trắng và sương mù” ấy, thành phố suốt đời mây bay ấy.  

Rừng Ái Ân vẫn đó
Hồ Than Thở còn đây
Thông im buồn đợi gió
Mây đồi xa còn bay 

(Nhớ Về Đà Lạt)

Ðà Lạt như cô gái xuân thì, xinh tươi và mơ mộng.

Ðà Lạt, thành phố của những tên gọi khác nhau, thành phố ngàn thông, thành phố mù sương, thành phố của tình nhân.

Đà Lạt, trong những trang thơ Truyện Chúng Mình của Nhất Tuấn, còn là thành phố của từng cụm mây trắng lững lờ, thành phố của những hồ, những thác, những thung lũng, những ngọn đồi, những con đường dốc, những hàng thông xanh và những cánh đồng ngút ngàn hoa mimosa vàng…

Mimosa nở vàng cành
Thông reo, gió đuổi mây xanh cuối trời

(Truyện Cành Hoa Mimosa)

Đà Lạt, trong những trang thơ Truyện Chúng Mình của Nhất Tuấn, là “thành phố mimosa vàng”, thành phố của những câu thơ trữ tình nhuốm màu vàng tươi của sắc hoa.

Nhưng em không về nữa
đường khuya mưa bay bay
Mimosa thôi nở
trong hồn anh đêm nay

(Mimosa Thôi Nở)

Trong mưa bay anh thờ thẫn ra về
Mimosa tràn ngập lối anh đi

(Mưa Trong Kỷ Niệm)

Có từng sống ở thành phố của những cánh mimosa vàng rực ấy mới thấy được, mới cảm được và mới yêu được vẻ đẹp nên thơ của những cơn mưa phùn, mưa bụi ấy.  Những cơn mưa lất phất đánh thức những nhớ thương dịu dàng.  Những cơn mưa thật mỏng, thật nhẹ, những cơn mưa gọi là “chỉ-vừa-đủ-làm-ướt-tóc” của những đôi tình nhân.

Đà Lạt mờ sương khói
một mình anh lặng im

Giá mình đừng gặp nhau
trên núi đồi Đà Lạt
Vì tình yêu ban đầu
đã tan theo sóng nhạc

(Bài Hát Đồi Sim)

Có vẻ như thành phố “mờ sương khói” ấy, thành phố của những ngày vui mơ hồ trong trí tưởng ấy, vẫn luôn ở một góc nào trong trái tim chàng thi sĩ, như còn ở mãi trong những trang thơ Truyện Chúng Mình, ngày nào chàng còn ở với cuộc sống.

Có phải vì lẽ ấy, trong chuỗi ngày ly hương và trong buổi hoàng hôn của đời người, nhà thơ của chúng ta đã chọn về định cư ở Seattle, “Thành phố mưa bay”, hay “Thành phố ‘xanh hoài ngàn năm’” giữa miền đồi núi chập chùng ở vùng trời tây bắc Hoa Kỳ, để tưởng vọng về thành phố quê hương đầy ắp những kỷ niệm mà một phần đời của nhà thơ còn gửi lại nơi chốn ấy.

Tình Một Thuở, Tình Muôn Thuở

2015 SEP 22 NHAT TUAN 300

Nhất Tuấn và “Ái Khanh” (1971)

Không rõ đã có sự đồng cảm, đồng điệu nào giữa thi sĩ Nguyễn Bính và tác giả Truyện Chúng Mình, chỉ biết rằng hai tiếng “chúng mình” được hai nhà thơ này đưa vào thi ca sớm nhất.

Hình như họ biết chúng mình… với nhau
(“Chờ nhau”, Nguyễn Bính)

Kể từ sau các thi tập Truyện Chúng Mình của Nhất Tuấn, có khá nhiều “chúng mình” nở rộ trong thơ và nhạc, như “Ngày đó chúng mình” của Phạm Duy, như “Chuyện chúng mình” của Trúc Phương, như “Ngày mai chúng mình xa nhau rồi…” (“Mùa thu mây ngàn”, Từ Công Phụng), như “Chuyện chúng mình ngày xưa / anh ghi bằng nhiều thu vắng” (“Nhìn những mùa thu đi”, Trịnh Công Sơn)…

“Chúng mình” nghe thân mật hơn, thắm thiết hơn và cũng tình tứ hơn những “đôi mình”, “đôi ta”, “hai ta”… hoặc  bất kỳ tên gọi nào khác của “hai người gọi chung một tên”.

“Truyện chúng mình” của Nhất Tuấn là những chuyện vui chuyện buồn, chuyện vu vơ nắng mưa, chuyện thầm thì to nhỏ, chuyện tâm tình và hò hẹn, chuyện nhớ nhung và đợi chờ, chuyện ghen tuông và hờn trách, chuyện gặp gỡ và chia phôi, chuyện thủy chung và phụ phàng, chuyện… ngàn lẻ một chuyện của những lứa đôi trên đời này.

Thơ Nhất Tuấn là những dòng thơ hồi tưởng. Hồi tưởng về những mùa vui, tràn ngập hạnh phúc, tràn ngập thương yêu. Tâm hồn nhà thơ là tâm hồn nặng trĩu những hồi tưởng, nặng trĩu những hoài niệm quá khứ. Tuổi đời càng chất chồng, tình quê càng đậm đà. Càng xa quê lâu năm, nỗi nhớ càng thêm se sắt.

Tóc mây Hà Nội năm nào
Em đem từng sợi buộc vào đời anh
Bây giờ tóc bạc, tóc xanh
Tình xưa anh vẫn quẩn quanh tìm hoài

(Tóc Rối)

Những câu lục bát ấy ở trong bài “Tóc rối”, một trong những bài tôi yêu thích nhất của tác giả Truyện Chúng Mình.  “Bắt” được những câu thơ hay trong một bài thơ hay luôn luôn là điều thú vị.  Những câu thơ hay tựa những bông hoa đẹp.  Những người khác có thể yêu thích những câu thơ khác trong những bài thơ khác của Nhất Tuấn, tựa như người ta yêu những bông hoa, những vẻ đẹp khác nhau vậy. Ðiều này cũng cho thấy, mỗi người đều có thể tìm được trong những trang thơ Nhất Tuấn những bài thơ, những câu thơ mình yêu thích.  

Tôi hiểu được vì sao nhiều người yêu thơ Nhất Tuấn đến độ thuộc nằm lòng, hoặc từng nắn nót chép lại và cất giữ cẩn thận những bài thơ trên trang báo cũ, hoặc muốn đi tìm lại những bài thơ “Truyện chúng mình” từng yêu thích một thời.  Thật dễ hiểu, mỗi người đều ít nhiều bắt gặp mình, bắt gặp những câu chuyện lòng của mình trong những trang thơ ấy, và vẫn muốn tìm lại bài thơ cũ như tìm lại những “dấu chân kỷ niệm” của thuở ban đầu khó quên.

Bốn mươi năm, cuộc tình sầu
Bốn mươi năm, mối duyên đầu khó quên

(Tóc Rối)

“Tình một thuở” trong thơ Nhất Tuấn đã hóa thành “tình muôn thuở”. 

Nhất Tuấn, ông từng có một thời để yêu và một đời để ngồi kể lại “Truyện chúng mình”.

Nhất Tuấn, ông đã viết hộ những đôi tình nhân những trang nhật ký tình yêu thắm thiết.             

Truyện Chúng Mình của Nhất Tuấn, tưởng rằng chỉ là “chuyện hai người”, tưởng rằng chỉ có “hai người” biết với nhau thôi, vậy mà đã hóa thành “truyện chúng mình” của bao nhiêu là lứa đôi. 

Nhà thơ Nhất Tuấn
(1935 - 31.7.2021)

Nhất Tuấn, ông đã nhận được bao nhiêu lời cám ơn của bao nhiêu là lứa đôi nên vợ thành chồng nhờ vào mối duyên tơ đến từ những bài thơ “Truyện chúng mình” ấy?    

Những bài thơ tình không-bao-giờ-cũ của chàng thi sĩ ấy, ở bất cứ tuổi nào, bất cứ thời nào, đọc lên nghe cũng rưng rưng cảm xúc, vì là những bài thơ tình muôn thuở, kể về những câu chuyện chúng mình muôn thuở, muôn-đời-muôn-kiếp-không-phai.

Lê Hữu

Kim Phượng sưu tầm & tổng hợp

 

 

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %18 %873 %2021 %15:%08
back to top