Những Tấm Chân Tình - Huy Văn

Những Tấm Chân Tình

HUY VĂN

Tôi choàng tỉnh khi xe dừng hẳn lại và mới biết là đã tới Mộ Đức. Thì ra giấc ngủ chập chờn, tưởng chỉ mới thoáng qua, không ngờ đã dài hơn 3 tiếng trên đoạn đường khoảng chừng 150 km, mà trước đây đơn vị chúng tôi xuôi ngược không biết bao nhiêu lần. Khi lên xe tại Miếu Bông thuộc ngoại ô Đà Nẵng, tôi hy vọng sẽ có dịp nhìn lại phố xá Tam Kỳ, mới hôm nào còn là tỉnh lỵ của Quảng Tín.
 
Nhưng không ngờ, chỉ một lúc sau thôi là tôi đã thiu thiu ngủ gà ngủ gật, nên không có cơ hội nhìn lại nơi Liên Đoàn 12 BĐQ và Trung Đoàn 5/ Sư Đoàn 2BB tất tả lui binh vào những ngày cuối tháng 3/1975. Tôi cũng không có cơ hội nhìn lại phố xưa Quảng Ngãi, để thả chút nhớ nhung về chiếc quán cà phê thật dễ thương mang tên Diễm Xưa, nằm ngay phố chính và cũng là nơi quốc lộ 1 chạy ngang qua.
 
Tài xế chiếc xe đò Thái Bình đã chọn xã Thạch Trụ của quận Mộ Đức, ngay tại ngã ba có tỉnh lộ 515 chạy lên quận Ba Tơ, để nghỉ máy và ăn trưa. Lòng tôi chùng xuống, để ngay sau đó tăng thêm nỗi bùi ngùi; khi nhìn lại khung cảnh ven đường, đặc biệt là ngôi nhà 3 tầng loang lỡ, hoang tàn vì chiến tranh ở ngay đầu chợ và con đường đất dẫn vào khu gia binh của căn cứ hỏa lực Thăng Long, vốn là nơi đồn trú của một đơn vị Địa Phương Quân, sau khi được một pháo đội của Hoa Kỳ bàn giao lại năm 1970.
 
Cảnh vật không có gì thay đổi nên nhớ càng thêm nhớ những ngày dưỡng quân, giữ an ninh quốc lộ, hoặc hành quân tảo thanh trong các làng mạc phía đông đường xe lửa xuyên Việt. Không thể quên hình ảnh một tà áo trắng mảnh khảnh gò lưng đạp xe trên con đê làng. Cô nữ sinh lớp 11, cũng là cô giáo của đám học trò bé nhỏ tại ngôi trường làng Tú Sơn, bây giờ đang làm gì?! Đã xong bậc trung học, hay phải chịu cảnh dở dang đèn sách, do có cha là một sĩ quan tùng sự tại Tiểu Khu Quảng Ngãi?!
 
 
Những gương mặt khác của ngôi làng hiền hòa ngay cạnh căn cứ Thăng Long, đặc biệt là tại Xóm Ao, trong đó có dì Tư hàng xén, ông Tám "say" và ông cụ chăm sóc đền thờ thánh tổ họ Trần- nơi những hậu duệ bao đời trong dòng tộc của Hương Đạo Vương, từng thết tiệc đãi đằng nguyên một đại đội BĐQ và làm đám cưới cho một người con gái trong làng với một chàng Mũ Nâu- bây giờ đã ra sao?
 
Tôi đang tần ngần dõi mắt nhìn theo hướng con đường, bây giờ chỉ còn trơ đất đá dẫn lên quận Ba Tơ, thì có một bàn tay vỗ nhẹ lên vai.
- Chú Bảy biểu tui kêu anh vô quán ăn cơm.
Người lơ xe ngồi kế bên tôi suốt mấy tiếng vừa qua vừa cười, vừa nói tiếp:
- Ổng nói anh đừng ngại. Mình với nhau mà!
Tôi cố nén ngạc nhiên và cảm động vì nghĩa cử bất ngờ này.
- Mấy anh ăn đi. Tôi có chút ít để ăn dọc đường rồi.
Vừa nói, tôi vừa lấy gói xôi từ trong ba lô ra ngay. Anh lơ thấy vậy nên quay lưng bước vào trong quán. Nhưng tôi chỉ vừa gặm vài miếng là đã thấy anh ta quay trở lại, trên tay là một ly cà phê đá.
- Chú Bảy mời anh uống cho vui.
 
Tôi đưa tay đón nhận sau khi nói tiếng cám ơn. " Mình với nhau mà! ". Anh bạn lơ xe vừa quay bước, vừa lập lại câu nói khi nãy, một câu nói đơn giản nhưng đầy tình nghĩa. Bấy nhiêu thôi, cũng đủ nói lên thạnh tình của những người dân còn nặng lòng với kẻ sa cơ thất thế của chế độ cũ. Mấy chàng lơ gọi tài xế bằng chú. Như vậy, trẻ lắm thì chú Bảy cũng đã trung niên. Ông là ai, làm gì trước đây? Câu trả lời đến từ chính chú Bảy.
Trước khi lên xe, ông đến bên tôi, mời một điếu thuốc Bastos đầu lọc, nhét vào tay tôi tờ giấy một đồng - tương đương với 500 đồng của thời Việt Nam Cộng Hòa- bắt tôi phải nhận lại và nói:
- Bất đắc dĩ mới phải lấy chút tiền của anh. Tôi biết anh là ai. Nếu không nhờ hoãn dịch vì đông con thì tôi cũng đi lính lâu rồi. Chúc may mắn nha.
Chỉ có thế, nhưng tấm lòng của Dân dành cho Lính đã được bày tỏ thật nồng nàn và thắm thiết làm sao! " Quân và Dân như cá với nước!" Câu nói nghe có vẻ như chỉ để trang điểm cho bộ máy Tâm Lý Chiến trước đây, đã trở thành một hiện thực rất đậm tình. Nhưng đã quá muộn màng khi nước đã mất, nhà đã tan và mọi biểu lộ tình cảm đều được bày tỏ ở mức gần như giới hạn nhứt, nếu không muốn nói là càng kín đáo càng tốt!...
 
Chiếc xe đò Thái Bình tiếp tục thâu ngắn quãng đường dài. Đám bộ đội- trông còn rất trẻ- cứ thế mà trầm trồ, suýt xoa và cười nói không ngớt. Với họ, mọi thứ đều lạ mắt. Với tôi, hành trình xuôi nam này là một dịp khơi dậy những kỷ niệm đã có với đồng đội, bạn bè và những người dân địa phương tại những nơi tôi đã đi qua.
Nếu không có những lá cờ của chế độ mới treo gắn đầy dẫy và sự xuất hiện của chiếc nón cối, cùng đôi dép Bình Trị Thiên ở khắp mọi nơi; thì quang cảnh ven đường từ Mộ Đức, Đức Phổ, Tam Quan, Hoài Nhơn, Bồng Sơn qua đèo Nhong về đến quận Phù Mỹ- cũng như tại khác nơi khác- không có gì thay đổi.
Dấu tích chiến tranh dọc theo quốc lộ và cảnh hoang tàn tại các làng mạc ven đường vẫn còn nguyên hiện trạng. Tôi thấy se lòng khi xe chạy qua ấp Diêm Tiêu của xã Mỹ Trinh, ngay phía bắc quận lỵ Phù Mỹ. Diêm Tiêu- ngôi làng tỵ nạn chiến tranh của đồng bào chạy loạn từ các xã miền biển Hưng Lạc, Trung Tường- trước đây vốn đìu hiu, bây giờ nằm trơ trọi ngay bên đường. Người dân tản cư đã trở về nhà cũ, làng xưa, hay đã lưu lạc đến phương trời nào?!...
 
 
Rồi cũng đến ngã ba An Nhơn, nơi có tỉnh lộ 441 dẫn vào Qui Nhơn và quốc lộ 19 chạy lên Pleiku. Xe dừng tại bãi đất trống bên đường để chỉ thả một mình tôi xuống. Lại thêm một lần bùi ngùi và cảm động khi chú Bảy- thay vì chạy ngay- đã cùng với các lơ xe của mình đến siết tay tôi nói lời khích lệ và chúc bình an.
Xe đi rồi mà lòng tôi còn rưng rưng với tấm lòng và thạnh tình của họ dành cho Lính. Hơn chín tiếng xuôi nam. Vậy là tôi đã vượt khoảng ba trăm cây số qua những vùng đất đầy ắp kỷ niệm của thời quân ngũ. Đến lúc này mới thấm thía nỗi cô đơn và những tâm tình ngổn ngang, khi tôi không biết phải làm gì ngoại trừ ngồi dưới gốc cây ven đường, nạp thuốc liên tục vào điếu cày để rít cho đỡ buồn và đảo mắt nhìn chung quanh, rồi dừng lại bên kia đường.
 
Nơi đó là một khoảng đất rộng, có trạm đổ nước làm nguội máy vào chiếc thùng phuy trên mui xe đò và một bến xe Lam dã chiến, đậu chờ khách vào An Nhơn, Bà Gi, hay xuống phố Qui Nhơn. Đây cũng là một nơi quen thuộc của những Sinh Viên Sĩ Quan từ quân trường Đồng Đế tăng cường cho Tiểu Khu Bình Định trong công tác Chiến Tranh Chính Trị, nhằm giải thích Hiệp Định Paris đầu năm 1973.
 
Đường xá vắng xe, cảnh vật thì như đang ngái ngủ. Thỉnh thoảng cơn gió nhẹ lùa ngang quốc lộ, dấy từng cơn bụi đất thành một bức màn nâu nhạt, lởn vởn hòa trong màu nắng cuối xuân lúc sắp về chiều. Ba năm trước, quân xa và mọi thứ xe cộ tấp nập ngược xuôi. Bây giờ mọi thứ im lắng đến tội nghiệp!
 
Thời gian trôi không biết đã bao lâu. Khi nhìn lại mới thấy bóng cây đang ngã dài trên mặt lộ và màu nắng đã không còn trong ngần như khi tôi mới xuống xe. Quay nhìn đồng hồ trong chiếc quán sau lưng, mới biết là đã đúng 5 giờ chiều. Hai tiếng chờ đợi một chiếc xe đường dài chưa đủ để làm tôi nản chí, nhưng vẫn còn gần 600km mới về tới nhà nên không thể không nao lòng. Cùng lắm thì vào Qui Nhơn. Biết đâu sẽ có xe đi vào các tỉnh duyên hải phía nam không chừng!
 
Tới đâu cũng được! Càng gần Sàigòn càng tốt. Tôi vừa lan man nghĩ ngợi đến đây, bỗng thấy có một chiếc xe đò rề rà tấp vào trạm đổ nước làm nguội. Vài người bước xuống đi loanh quanh, trong đó có vóc dáng quen thuộc của một bạn tù ở cùng "sam" (salle ), lúc chúng tôi bị họ gom vào trung tâm Huấn Luyện Hòa Cầm ở ngoại ô Đà Nẵng.
- Anh Ẩn!
Tôi vừa reo lên, vừa xách ba lô phóng vội qua đường. Đúng là Trung Úy Dược Sĩ Hoàng Ngọc Ẩn! Anh quay lại nhìn tôi, cười rạng rỡ. Duyên tao ngộ trở thành một hạnh phúc ấm lòng, khi hai bạn đồng cảnh ngộ gặp nhau lúc cô đơn nhứt trên hành trình tìm về mái ấm gia đình. Câu hỏi đầu tiên là chuyến xe của anh đi về tới đâu, mặc dù tôi đã thoáng thấy hàng chữ sơn trên thân xe. Ban Mê Thuột là câu trả lời.
- Càng gần Sàigòn càng tốt!
Anh Ẩn vừa kéo tôi đi tìm tài xế, vừa nói tiếp:
- Xe chở dân Hà Tĩnh, Ninh Bình và Nam Định đi lên đó nhận đất canh tác. Họ nói là đến vùng "kinh tế mới". Tới Ninh Hòa thì tụi mình xuống chờ xe vào Nha Trang.
Cũng như chú Bảy của chuyến xe trước, người tài xế của chiếc xe đò mang tên Thuận Lợi nói ngay khi biết ý định của tôi:
- Tui không lấy tiền của ông đâu. Chịu khó ngồi chật một chút nghe!
Không cho tôi có thể nói lời nào, anh quay lưng đi vội vào trong trạm bơm nước. Anh Ẩn lập tức khều vai tôi nói nhỏ:
- Ông hên lắm nha! Tui tốn hết ba tờ 1 đồng cho cái ghế ở băng sau cùng đó!
Nhưng anh Ẩn nói tiếp ngay:
- Tay này chơi vậy cũng đẹp lắm rồi! Từ Đà Nẵng về tới Ninh Hòa cũng hơn 400 cây số chứ đâu phải ít!
Tôi gật đầu, đưa ba lô nhờ anh Ẩn giữ, rồi bước vội qua bên kia đường. Khi trở lại, tôi giao gói thuốc Bastos đầu lọc cho người lơ xe đang đứng uống nước ngay trước cửa trạm bơm. Người thanh niên hiểu ý, cười và cầm gói thuốc bước nhanh vào trong...
 
Có bạn cùng đồng hành, chúng tôi tha hồ kể lể chuyện lúc quen nhau trong trại tập trung Hòa Cầm. Khi chuyển lên vùng rừng núi của quận Hiệp Đức, thì tôi về trại 2, anh Ẩn "trả nợ" trong trại 5. Cả hai trại đều thuộc Tổng Trại 1 của Quân Khu 5 CS. Chúng tôi được phóng thích cùng ngày. Cũng như tôi, anh Ẩn quay lại Đà Nẵng để tìm một người bạn đồng nghiệp, từng phục vụ trong Tổng Y Viện Duy Tân.
Anh cho biết là đã cố chờ xe nào càng vào xa trong Nam càng tốt và đã bỏ những chuyến xe đò liên tỉnh, hay chỉ chạy về tới Qui Nhơn.
- Tôi cũng tính như vậy, nhưng khi thấy có xe về Qui Nhơn là leo lên cho rồi!
- Nhờ ráng chờ như vậy, tôi mới bắt được chiếc này và...gặp ông! Đúng là mình có duyên và may là không uổng công chờ đợi suốt hai tiếng đồng hồ!
- Quyết định thật đúng đắn!
- Và cũng thật "thuận lợi"!
 
Chúng tôi cùng bật cười sau câu nói của Ẩn. Vui quá nên quên mất là ngay lúc xe rời ngã ba An Nhơn, chúng tôi có hẹn nhau cùng ngắm cảnh chiều tà lúc xe lên tới đỉnh đèo Cù Mông, là nơi phân chia ranh giới hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Thay vào đó là những câu chuyện buồn nhiều hơn vui trong thời gian "trả nợ quỉ thần", trong đó có những thương cảm khi nhắc tới một người bạn tù ở chung trại với anh Ẩn, bị chết đuối vì lũ lụt hồi tháng 10 năm ngoái.
Anh Ẩn rít qua kẽ răng:
- Bọn khốn kiếp đó thấy suối đã thành sông mà vẫn cố tình ép bọn tôi vượt suối đi rút mây. May là chỉ có một mình anh đó thiệt mạng thôi.
Tôi cũng thở dài, tiếp lời anh:
- Trại 4 của chúng tôi rất may mắn! Đó là nhờ mọi người kịp thời vọt qua ngọn đồi kế bên, nơi có kho gạo của toàn trại. Trên núi mà cũng bị lụt. Khó tin qua phải không?
Anh Ẩn chưa kịp đáp thì có tiếng của người lơ xe, từ phía trên nói vọng xuống:
- Xe yếu bình. Đèn không đủ sáng. Phải vào Tuy Hòa xạc điện nghe bà con!
Tôi và anh Ẩn nhìn nhau. Toàn là người từ phía bên kia vĩ tuyến 17. Có ai biết đâu là đâu mà họ phải thông báo! Khi nhìn nét mặt và nụ cười của người thanh niên dành cho chúng tôi, thì mới hiểu chuyện. "Bà Con " ở đây chính là hai "Người Về Từ Đỉnh Núi" chúng tôi! Nhìn ra ngoài thì đã nhá nhem tối và xe thì đã rẽ vào con đường độc đạo dẫn vào thị xã Tuy Hòa nên không thể thấy được núi Nhạn ngay bên bờ bắc của sông Đà Rằng.
 
 
Gọi là núi, nhưng cao độ chỉ vào khoảng 50 mét và có một tháp Chàm đã hoang phế nằm ngay trên đỉnh. Từ quốc lộ nhìn qua thì núi Nhạn trông giông như núi Bà Đen thu nhỏ. Nói theo dân gian, thì núi Nhạn chẳng khác gì một nốt ruồi duyên, điểm trên má của một giai nhân tại vùng hạ lưu của sông Đà Rằng là thành phố Tuy Hòa. Xe chạy vào hướng thị xã được một đoạn thì dừng lại ngay trước một ga ra chuyên sửa xe đò, xe vận tải và cũng là một trạm xạc bình ắc qui.
Phố vắng. Người thưa. Nhưng bên kia đường, dưới ánh điện vàng vọt của ngọn đèn đường, có một quán cà phê lộ thiên. Quán vĩa hè nên bàn ghế được kê trên lề, ngay trước cửa một ngôi nhà hai tầng có cửa sắt kéo ráp vào nhau. Cửa mở, cho thấy đây là ga ra xe của căn nhà, được bày biện qua loa thành một quán cà phê bình dân.
 
Giống như ngoài đường, đèn đóm bên trong căn nhà cũng mờ mờ chỉ với duy nhứt một ngọn néon. Ngay ngoài bậc thềm có tủ bán thuốc lá, với một ngọn đèn dầu đặt bên trên. Chủ quầy thuốc lá và quán cà phê là một phụ nữ đã đứng tuổi. Chào mời chúng tôi là một cô gái, có lẽ là con gái của người phụ nữ trung niên đó. Anh Ẩn gọi hai ly cà phê đen, rồi chúng tôi lại chìm đắm trong câu chuyện của núi rừng Hiệp Đức, còn bàn bên kia thì nhóm tài xế và lơ xe rôm rả kể lể về những gì họ cảm nhận sau chuyến đi dài ngày qua bên kia vĩ tuyến.
Không có nụ cười dòn tan của họ, không khí của ngã tư đường không khác gì cảnh lắng đọng của một phố khuya tịch mịch, vì đèn đóm thì mờ ảo, mà khách thì chỉ có mấy ngoe. Nếu không có chiếc xe đò đậu bên kia đường, không có mấy người thợ của ga ra sửa xe và nếu không có chúng tôi ngồi chờ cà phê, không hiểu sinh hoạt tại nơi này sẽ trầm lắng đến mức nào?!
- Mời hai chú dùng!
Người đàn bà trung niên vừa nói vừa bày hai ly cà phê xuống bàn và ngay tiếp sau đó thì cô gái cũng bày một chiếc dĩa nhôm đựng hai điếu thuốc lá ngay kế bên. Chúng tôi nhìn cà phê, nhìn hai điếu President đầu lọc, rồi nhìn bà chủ quán. Không để chúng tôi hỏi, bà mĩm cười:
- Là tôi mời hai chú mà!
Anh Ẩn và tôi nhìn nhau nghẹn lời. Chúng tôi chỉ gọi cà phê đen, nhưng lại được ưu ái bằng cà phê sữa, kèm theo hai điếu thuốc thơm thượng hạng. Thấy chúng tôi còn ngần ngại, người phụ nữ nói tiếp:
- Coi như quà mừng hai chú trở về với gia đình thôi mà! Xin đừng ngại.
Chưa kịp hỏi vì sao bà nhận ra được gốc tích của chúng tôi thì đã nhận ngay câu trả lời:
- Hai chú có phong thái không giống những người chủ mới của miền Nam. Ăn nói chừng mực, cứ như đang e dè chuyện gì đó. Nhưng cách gọi cà phê thì không thể lầm lẫn được. " Cho chú hai ly cà phê đen nha... Cám ơn cháu! " Cả năm nay rồi! Người ta không còn biết đến hai tiếng Cám Ơn này nữa! Chỉ cần bấy nhiêu đó thôi cũng đủ cho tôi đoán ra hai chú là ai.
 
Câu chuyện sau đó là một cuộc "phỏng vấn" bỏ túi, khi bà hỏi thăm về sinh hoạt trong trại "cải tạo", về đơn vị chúng tôi phục vụ trước đây. Sau đó, phần lớn câu chuyện là để nhắc thời vàng son của thuở cộng hòa và sự ta thán về những nhiễu nhương sau cuộc đổi đời nghiệt ngã.
"... Ông nhà tôi may mắn xin được về Tiểu Khu sau thời gian phục vụ tại một đơn vị tác chiến, nhưng chưa được bao lâu thì thời thế thay đổi. Trong mấy ngày sau cùng, anh ấy nhứt định không rời đơn vị, không bỏ đồng đội. Những ngày sắp mất Tuy Hòa, thì ở luôn trong Tiểu Khu và chỉ nhờ một người lính mang thư ra nhắn cả nhà tôi cứ theo dòng người chạy loạn mà đi lần vào Sài gòn rồi gặp nhau tại nhà Ba Má anh ấy. Chỉ có vậy thôi. Sau đó thì chúng tôi bặt tin nhau. Không có chồng bên cạnh tôi không biết phải làm sao. Tôi còn đủ cha mẹ, hai đứa con thì đứa lớn là con gái, thằng em nó còn nhỏ dại nên chúng tôi không dám mạo hiểm theo mọi người vào nam. Cả năm rồi không có chút tin tức nào cả. Hỏi đâu cũng đều nghe câu trả lời là anh ấy đã cùng đơn vị theo tàu Hải Quân di tản. Nhưng ba má chồng tôi trong Sài Gòn thì nói là anh ấy không có ghé qua nhà. Trông ngóng riết rồi cũng phải buông xuôi để còn lo cho nhà cửa và con cái. May là nhờ chúng tôi có dành dụm chút đỉnh nên cũng còn đắp đỗi qua ngày và cái quán này chỉ là cái cớ để chúng nó khỏi dòm ngó. Nhưng cũng căng lắm! Là vì chúng nó ngày một ngày hai cứ kêu đi họp về chuyện giản dân và kinh tế mới gì đó. Hai ông bà cụ của tôi nhứt định không đi đâu và đã không biết bao nhiêu lần, đám con nít của ủy ban quân quản cứ mời lên mời xuống để hỏi về chuyện của ông nhà tôi. Chúng nó làm như mình che dấu sự thật nên lúc nào cũng có những câu hù dọa đủ điều. Thật là nhức đầu với bọn này ghê nơi!... "
 
Câu chuyện lẽ ra còn kéo dài nhưng đèn xe đã sửa xong. Chúng tôi chỉ kịp chào từ giả người vợ lính tốt bụng chưa kịp hỏi tên là đã vội theo tài xế và mấy người lơ băng qua bên kia đường. Mặc dù được chủ quán mời một chầu cà phê mừng ngày hạnh ngộ, nhưng khi đứng dậy, anh Ẩn cũng khéo léo dúi một tờ giấy bạc vào dưới dĩa đựng thuốc lá, sau khi nói tiếng cám ơn.
Chúng tôi lại có thêm một đề tài để tạm quên đoạn đường dài xuôi nam. Dù chỉ mới hai ngày hội nhập trở lại vào xã hội, nhưng cũng đã thấy khá rõ những gì xảy ra trong cảnh tự do tạm bợ mà chúng tôi vừa được hưởng. Câu chuyện của người chủ quán cà phê, đã khơi mào cho những lo nghĩ khác trên suốt lộ trình từ Tuy Hòa về tận ngả ba Ninh Hòa và chỉ chấm dứt, khi chúng tôi nôn nao chờ xe vào Nha Trang.
 
Qúa nửa đêm, chúng tôi được tài xế một chiếc xe đò từ Ban Mê Thuột chạy về Nha Trang cho quá giang. Nhờ anh này, chúng tôi được xếp hàng đầu tiên ngay trước quầy bán vé về Sài Gòn, trong khi rất nhiều người đã mướn chiếu trải đầy sân. Khung cảnh quen thuộc của bến xe làm tôi làm tôi bồi hồi và nôn nao, mặc dù rất muốn nhắm mắt ngủ ngay. Anh Ẩn chắc cũng vậy, nhưng chúng tôi chỉ nằm yên lặng giữa những tiếng rù rì chung quanh mình.
Nhà tù có chòi canh và bộ đội đứng gát đã bỏ lại trên dãy Trường Sơn. Hiện nay là một nhà tù rộng lớn hơn và phức tạp hơn về mọi mặt. Tương lai rồi sẽ ra sao?! Với thân phận của một "phó thường dân" và lý lịch mang gốc Lính của chế độ cũ, chúng tôi sẽ làm được gì trong hoàn cảnh mới của cuộc đổi đời?! Câu trả lời hãy còn ở phía trước. Bây giờ là lúc dỗ giấc để lấy sức cho đoạn đường 450 km còn lại. "Trở về mái nhà xưa" cái đã! Tới đâu hay tới đó. Que sera sera!
 
Huy Văn
(Trên Đường Xuôi Nam/ Cuộc Hành Trình)
-----------------
Kim Oanh
Trang Long Hồ Vĩnh Long
 
Kim Quy sưu tầm
Hình internet
  

 

 

 

 

 

back to top