Thẩm Thúy Hằng, huyền thoại điện ảnh Sài Gòn trước 1975, qua đời ở tuổi 83

Thẩm Thúy Hằng, huyền thoại điện ảnh Sài Gòn

trước 1975, qua đời ở tuổi 83 

Thẩm Thúy Hằng, giai nhân được săn đón hàng đầu của điện ảnh Sài Gòn trước năm 1975, vừa qua đời tại TPHCM, thọ 83 tuổi.

Thẩm Thúy Hằng, giai nhân được săn đón hàng đầu của điện ảnh Sài Gòn trước năm 1975, vừa qua đời tại Sài Gòn, thọ 83 tuổi.

Ngôi sao nổi tiếng hàng đầu của làng nghệ thuật miền Nam Việt Nam trước năm 1975, Thẩm Thúy Hằng, qua đời hôm 7/9 ở tuổi 83 tại Thành phố Sài Gòn theo các bản tin của báo chí trong nước.

Thông tin về sự ra đi của Thẩm Thúy Hằng, người từng là một trong ‘tứ đại mỹ nhân’ của Sài Gòn – cùng với Kiều Chinh, Thanh Nga và Kim Cương – trong những thập niên từ 1950 đến 1970, được Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy xác nhận với các báo mạng ở Việt Nam.

 Không hổ danh minh tinh màn bạc nức tiếng, đây là nhan sắc vang bóng một  thời của Thẩm Thúy Hằng

Sinh ra tại Hải Phòng năm 1940, Thẩm Thúy Hằng, tên thật là Nguyễn Kim Phụng, được gia đình đưa vào An Giang sinh sống và sau đó lên Sài Gòn lập nghiệp. Nổi lên từ vai Tam Nương trong phim “Người đẹp Bình Dương” cuối thập niên 1950, Thẩm Thúy Hằng sau đó nhanh chóng trở thành biểu tượng nhan sắc trong làng điện ảnh Sài Gòn nói riêng và miền Nam Việt Nam nói chung.

Vẻ diễm lệ của nữ minh tinh được trả cả cân vàng và kết bạc phận cho đời  hồng nhan-Ngôi sao

Được mệnh danh là “tuyệt đỉnh giai nhân”, Thẩm Thúy Hằng không những nổi tiếng tại miền Nam Việt Nam lúc đó mà còn được biết tiếng tại nhiều nước châu Á, theo Zing News. Ngoài các bộ phim Việt Nam, bà còn hợp tác với điện ảnh của Mỹ và một số nước trong khu vực như Hong Kong, Philippines và Nhật Bản.

Nữ minh tinh màn bạc Thẩm Thúy Hằng qua đời

Ở đỉnh cao của sự nghiệp, bà hai lần đoạt giải Diễn viên xuất sắc Á Châu tại Liên hoan phim Đài Bắc. Sắc đẹp của bà được công nhận cả ở ngoài Việt Nam khi bà đoạt giải Ảnh hậu Á châu tại LHP Á Châu ở Hong Hong và Đài Loan, lần lượt năm 1972 và 1974, và giải Nữ diễn viên khả ái nhất tại LHP Moscow và Tasken của Liên Xô đầu thập niên 1980.

Thẩm Thúy Hằng: Bi kịch cuộc đời nữ minh tinh nhan sắc tuyệt trần, cát xê  cao khủng khiếp | Tin tức Online

Thẩm Thúy Hằng tham gia diễn xuất trong khoảng 60 bộ phim. Bên cạnh đó, bà còn đóng kịch và hát cải lương. Bà là một trong số ít nghệ sĩ tham gia điện ảnh của cả hai thời kỳ trước và sau năm 1975. Với nhiều vai diễn trong các bộ phim của điện ảnh cách mạng, bà được nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú.

Tham Thuy Hang hien nay : Hình ảnh Thẩm Thúy Hằng mới

‘Trai tài, gái sắc’

Với sắc đẹp nổi bật, Thẩm Thúy Hằng đã vượt qua hơn 2.000 thí sinh để giành giải nhất cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh của hãng phim Mỹ Vân khi mới 16 tuổi. Nghệ danh Thẩm Thúy Hằng được ông chủ hãng phim Mỹ Vân đặt cho bà. Sau vai diễn đầu tiên trong “Người đẹp Bình Dương” của hãng phim này năm 1958, bà trở thành ngôi sao tỏa sáng của làng điện ảnh lúc bấy giờ với mức cát-xê lên đến một triệu đồng – tương đương 1kg vàng 9999 thời đó, theo Người Lao Động.

Thẩm Thúy Hằng: Bi kịch cuộc đời nữ minh tinh nhan sắc tuyệt trần, cát xê  cao khủng khiếp | Tin tức Online

“Thẩm Thúy Hằng sở hữu một nhan sắc lộng lẫy, kiều diễm,” nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm nhận định trên trang Facebook cá nhân hôm 7/9. “Bà được so sánh với Elizabeth Taylor – người đàn bà mắt tím của Hollywood, không phải là không có lý do.”

May be a closeup of 1 person

Không chỉ nổi tiếng trong làng điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng còn được biết tới khi là phu nhân của Phó Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Xuân Oánh, người được đào tạo về kinh tế tại Đại học Harvard và từng làm việc ở Mỹ trước khi trở về phục vụ chính quyền miền Nam Việt Nam.

Giật mình' nhan sắc minh tinh màn bạc Thẩm Thúy Hằng

Được xem là một cặp đôi “trai tài gái sắc”, giữa một nữ minh tinh điện ảnh khả ái và một chính khách đang nổi trên chính trường, bà và ông Oánh, người đảm nhận vai trò Thống đốc Ngân hàng quốc gia ngay sau khi về nước năm 1963 trước khi trở thành phó thủ tướng và từng có thời gian nắm quyền thủ tướng, kết hôn năm 1970 sau khi vượt qua tất cả những bàn tán của dư luận một thời.

May be a closeup of 1 person

Tiến sĩ Oánh được cho là người có ảnh hưởng tới quyết định ở lại Việt Nam sau ngày Sài Gòn sụp đổ năm 1975 của Thẩm Thúy Hằng. Người chồng hơn bà 20 tuổi đã không rời Sài Gòn như hầu hết những người từng phục vụ trong chính quyền miền Nam Việt Nam lúc đó. Ông Oánh ở lại và được tin tưởng trong vai trò cố vấn kinh tế của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng như được bầu vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là đại biểu quốc hội.

Thẩm Thúy Hằng là ai? Nghệ sĩ ưu tú lừng danh thập niên 1950

Trong khi đó, Thẩm Thúy Hằng tiếp tục đóng phim và tham gia trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của chính quyền cách mạng. Vai diễn cuối cùng của bà là Phồn Y trong vở “Lôi vũ” của đoàn kịch nói Kim Cương.

Theo phóng viên Peter R. Kann của Wall Street Journal trong một bài viết công bố vào tháng 4/1985 được BBC trích dẫn, Thẩm Thúy Hằng đang ở Bangkok, Thái Lan, để quay phim khi quân đội Cộng sản tiến vào Sài Gòn tháng 4/1975.

Nói với Wall Street Journal về lý do ở lại Việt Nam sau năm 1975, Thẩm Thúy Hằng cho biết bà “không biết gì về chính trị, mà chỉ biết đây là quê hương tôi.”

Cuộc đời minh tinh Thẩm Thúy Hằng qua loạt ảnh đẹp ngày xưa - Tuyệt sắc  giai nhân của Sài Gòn một thuở

Sống ẩn dật

Sau khi giã từ màn ảnh và đặc biệt là sau khi chồng mất vào năm 2003, Thẩm Thúy Hằng không còn xuất hiện trước công chúng mà chọn một cuộc sống ẩn mình. Bà tu tại gia, nghiên cứu thiền học, làm từ thiện cũng như ít tiếp xúc bên ngoài, theo Dân Trí.

Thẩm Thúy Hằng- Cuộc đời thăng trầm của một giai nhân tuyệt mỹ | Báo Dân trí

Một trong những lý do được cho là khiến giai nhân được săn đón hàng đầu một thời của điện ảnh Sài Gòn có cuộc sống khép kín là vì những biến chứng sau các cuộc phẫu thuật để duy trì sắc đẹp của bà.

Cuộc đời và sự nghiệp của “Minh Tinh Màn Bạc” Thẩm Thúy Hằng

Lần hiếm hoi duy nhất xuất hiện trước công chúng của Thẩm Thúy Hằng được báo chí đưa tin là hình ảnh của bà tại đám cưới con trai của nghệ sỹ Mỹ Chi, một người bạn thân của bà, năm 2013 tại TPHCM. Theo VnExpress, đây là lần bất ngờ lộ diện của bà sau nhiều năm ẩn cư.

Nghệ sỹ Kim Cương, người được biết là đồng nghiệp thân thiết với Thẩm Thúy Hằng hàng chục năm qua, được VnExpress trích lời nói rằng dù đã giải nghệ, ẩn cư từ lâu nhưng Thẩm Thúy Hằng "vẫn giữ đam mê với kịch nói, quan sát tình hình sân khấu đương đại."

Nói với Thanh Niên, nghệ sỹ Lê Thiện, người nhận tin Thẩm Thúy Hằng qua đời và chia sẻ với Hội Sân khấu, cho biết bà biết Thẩm Thúy Hằng bị “bệnh lâu rồi” và “xót xa, tiếc thương cho cuộc đời một nghệ sỹ tài năng nhưng lận đận ở tuổi xế chiều.”

Được biết Thẩm Thúy Hằng có 4 người con trai với ông Oánh và họ đều sống ở nước ngoài. Theo NSƯT Kim Cương họ hiện đang trở về Việt Nam để lo hậu sự cho bà.

Thẩm Thúy Hằng còn có một người con gái với người chồng đầu tiên trong cuộc hôn nhân ngắn ngủi vào cuối thập niên 1950 – đầu thập niên 1960 nhưng đã cho con đi khi sự nghiệp của bà đang thăng tiến. Theo Tri thức & Cuộc sống, con gái bà, được cho là đang sống ở Mỹ, đã không nhận bà là mẹ và từ chối mọi sự dính líu tới bà.

Cuộc đời của minh tinh điện ảnh Thẩm Thúy Hằng và người con gái bị bỏ rơi –  Miền Nam Việt Nam Trước 1975

“Có lẽ vị thế của một ngôi sao điện ảnh, một giai nhân kiều mị như Thẩm Thúy Hằng khiến bà luôn đứng giữa lằn ranh của sự ái mộ lẫn sự chỉ trích, giữa những hào quang rực rỡ lẫn những góc khuất, những cay nghiệt của miệng đời và cả một ‘đại lộ hoàng hôn’ nhiều cay đắng buồn tủi,” Lê Hồng Lâm viết.

Theo nhà phê bình điện ảnh này, nếu có một “Sunset Boulevard” của Việt Nam, thì “không ai khác để đóng vai chính ngoài Thẩm Thúy Hằng. Thế nhưng, tên tuổi của bà mãi vẫn là một huyền thoại của điện ảnh Sài Gòn trước 1975.”

 

VOA tiếng Việt

 ________________

Một thời rực rỡ điện ảnh miền Nam, với minh tinh Thẩm Thúy Hằng

Sự ra đi của minh tinh Thẩm Thúy Hằng có thể coi như là cột mốc khép lại ký ức di sản một thời vàng son của điện ảnh miền Nam...

Người đẹp Bình Dương

Trong giai đoạn đầu của điện ảnh Sài Gòn sau năm 1954, khác với Kim Cương, Thanh Nga, Mộng Tuyền, Kim Vui và nhiều tên tuổi xuất thân từ cải lương, thoại kịch hay tân nhạc, Thẩm Thúy Hằng bước vào điện ảnh từ một sự tình cờ qua một cuộc thi tuyển chọn diễn viên năm 1957. Thẩm Thúy Hằng là nghệ danh của cô gái có tên khai sinh là Nguyễn Kim Phụng, sinh năm 1940 tại Hải Phòng nhưng người gốc miền Nam. Thân phụ bà là một viên chức trong chính quyền Quốc gia Việt Nam ra Bắc công tác nên Thẩm Thúy Hằng được sinh ở Hải Phòng. Sau đó, gia đình trở về An Giang sinh sống. Bố mất năm 13 tuổi, sau khi học xong cấp một ở Long Xuyên, Thẩm Thúy Hằng lên Sài Gòn sống với chị và theo học trường Huỳnh Thị Ngà ở Tân Định cho đến hết năm đệ tứ (lớp 9 bây giờ).

Năm 1957, cô gái 16 tuổi Nguyễn Kim Phụng theo bạn dự cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh của hãng Mỹ Vân để đóng vai chính trong phim Người đẹp Bình Dương. Đây là một phim được dựng từ truyện Tàu và dự định được chiếu vào dịp Giáng sinh 1958. Hãng Mỹ Vân hứa rằng người đoạt giải sẽ được đưa sang Hong Kong học diễn xuất. Giữa hơn 2,000 thí sinh dự thi với nhiều gương mặt sau này cũng thành danh như Kim Vui, Khánh Ngọc, Trang Thiên Kim, Mộng Tuyền, Thu Trang…, cô gái 16 tuổi Kim Phụng – nhờ nhan sắc mộng mị với đôi mắt to tròn biết nói – đã đoạt giải nhất và chính thức được chọn đóng vai chính.

Cái tên Thẩm Thúy Hằng do chính cô nghĩ ra vì hãng Mỹ Vân muốn cô có một nghệ danh khác, để khỏi trùng với nghệ sĩ cải lương Kim Phụng. Kịch bản và đạo diễn Người đẹp Bình Dương là nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu. Phim đề cao lòng hiếu thảo của cô con gái út (Tam Nương, do Thẩm Thúy Hằng đóng), bị gia đình ghét bỏ vì sinh ra với ngoại hình xấu xí. Trải qua bao gian truân đầy ải, cô thoát xác thành một mỹ nhân, kết duyên cùng hoàng tử trẻ đẹp và tài ba…

Nhan sắc của "tứ đại mỹ nhân" Sài Gòn xưa qua bộ ảnh quý: Kiều Chinh -  Thanh Nga - Thẩm Thúy Hằng - Kim Cương

Không được đánh giá cao về mặt nghệ thuật nhưng phim gây tranh luận sôi nổi trên báo chí. Trên tờ Truyện Phim số Tết phát hành năm 1958, đạo diễn Lê Hoàng Hoa (lúc đó là ký giả) viết: “Người đẹp Bình Dương của hãng Mỹ Vân dàn cảnh ấu trĩ và ngai ngái mùi tuồng cổ cải lương.” Cho dù vậy, giới báo chí cũng thừa nhận bộ phim có công lớn với việc phát hiện một nhan sắc tuyệt mỹ cho điện ảnh miền Nam. Tên tuổi Thẩm Thúy Hằng gắn liền với biệt danh “Người đẹp Bình Dương” từ dạo ấy.

Sau Người đẹp Bình Dương, Thẩm Thúy Hằng tiếp tục đóng vai chính trong Áo dòng đẫm máu (1958), một phim về đề tài Công giáo, diễn cùng Vân Hùng và La Thoại Tân; Oan ơi ông địa (1961) và nhiều bộ phim khác… Hầu hết đều là những phim về đề tài đức tin hoặc cổ tích dân gian, vốn là xu hướng của điện ảnh Sài Gòn những năm cuối thập niên 1950, đầu 1960.

Khả năng của bà chỉ thật sự tỏa sáng với Tơ tình, phim do đạo diễn Lê Mộng Hoàng dựng từ kịch bản của Năm Châu, do hãng Mỹ Vân sản xuất năm 1963. Tơ tình có sự tham gia của La Thoại Tân, Mai Ly và ca sĩ Thanh Thúy. Đây là một phim về âm nhạc; Thẩm Thúy Hằng trong vai Lệ Trinh, một nữ ca sĩ có số phận truân chuyên. Sau thành công doanh thu của Tơ tình, hãng Mỹ Vân làm tiếp phim Bóng người đi (1964) do Năm Châu đạo diễn. Thẩm Thúy Hằng đóng chính bên cạnh hai tài tử cải lương Thành Được và Út Bạch Lan.

Thẩm Thúy Hằng: Nữ minh tinh đẹp nhất mọi thời đạiBộ sưu tập hình tuyệt đẹp của minh tinh Thẩm Thúy Hằng - Đệ nhất mỹ nhân  của làng nghệ thuật Sài Gòn xưa

 Một thập niên hoàng kim

Thời vàng son của Thẩm Thúy Hằng kéo dài suốt từ 1965-1975. Đó là giai đoạn mà bà đóng liên tiếp hàng chục bộ phim, có hãng phim riêng (Việt Nam Film) và cho ra đời nhiều phim tâm lý lãng mạn thành công lớn về doanh thu như Chiều kỷ niệm (một trong những phim ăn khách nhất của điện ảnh miền Nam), Từ Sài Gòn đến Điện Biên Phủ, Như hạt mưa sa, Nàng, Ngậm ngùi, Sóng tình, Tứ quái Sài Gòn, Năm vua hề về làng, Điệp vụ tìm vàng, Giỡn mặt tử thần (một trong những phim cuối cùng của điện ảnh miền Nam trước 1975).

Hai đạo diễn mà Thẩm Thúy Hằng hợp tác thành công nhất là Lê Mộng Hoàng và Bùi Sơn Duân với thể loại lãng mạn kể về những phụ nữ đẹp có cuộc đời phong ba bão táp. Với Bùi Sơn Duân, Thẩm Thúy Hằng cộng tác trong phim Như hạt mưa sa, chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Ngọc Linh, đóng chung với tài tử Trần Quang và Bạch Tuyết. Trong phim này, một mình Thẩm Thúy Hằng đóng hai vai chị em sinh đôi với tính cách trái ngược và dẫn đến nhầm lẫn cùng những bi kịch éo le với chàng họa sỹ Thuyên (Trần Quang đóng).

Còn với Lê Mộng Hoàng, đạo diễn người Huế được đào tạo điện ảnh bài bản tại Pháp, Thẩm Thúy Hằng đã có những bộ phim thành công nhất trong sự nghiệp của bà. Thẩm Thúy Hằng cũng là người bỏ vốn cho những bộ phim do hãng phim Việt Nam Film của bà sản xuất.

Xét về doanh thu, Chiều kỷ niệm là phim thành công nhất của bộ đôi Lê Mộng Hoàng-Thẩm Thúy Hằng. Cùng với Loan mắt nhung của đạo diễn Lê Dân, Chiều kỷ niệm là bộ phim làm vực dậy nền điện ảnh miền Nam. Theo đạo diễn Đỗ Tiến Đức, người giữ chức Giám đốc tại Nha Điện ảnh Sài Gòn từ năm 1969-1972 thì vào năm 1969, Chiều kỷ niệm đã đạt doanh thu kỷ lục, số tiền thu vào có thể lên đến hàng chục triệu đồng.

Với Thanh Nga (file photo)

Với Thanh Tú trong một bộ phim (file photo)

Nàng là bộ phim tâm lý xã hội thành công tiếp theo của đạo diễn Lê Mộng Hoàng và minh tinh Thẩm Thúy Hằng. Phim dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Bùi Hoàng Thư, kể về cuộc đời một cô gái mồ côi sống ở trại tế bần rồi sau đó đi làm người ở cho một gia đình giàu có. Khi bị ông chủ nhà sàm sỡ, nàng lại ra đi, gặp hết bi kịch này đến bi kịch khác nhưng cuối cùng cũng tìm được hạnh phúc… Phim này có sự góp mặt của La Thoại Tân, Trần Quang, Cao Huỳnh. Cho dù bị báo giới bấy giờ chỉ trích Thẩm Thúy Hằng “dành hết đất diễn”, Nàng vẫn thành công vang dội, được mang đi tranh giải tại Đại hội điện ảnh Á châu tại Đài Loan năm 1971 và mang về cho Thẩm Thúy Hằng giải Nữ diễn viên chính xuất sắc.

Trong một lần gặp tài tử Trần Quang tại Texas khi tôi thực hiện cuốn khảo cứu về điện ảnh Sài Gòn trước 1975, tôi nghe Trần Quang nói về Thẩm Thúy Hằng với những ký ức đẹp: “Nàng quá đẹp, một nhan sắc khiến người diễn cùng khó cầm được lòng mình. Lúc đóng vai họa sĩ Thuyên trong Như hạt mưa sa, Thẩm Thúy Hằng đã là một ngôi sao nổi tiếng, còn tôi mới chỉ bắt đầu bước vào điện ảnh; nhưng chúng tôi diễn rất ăn ý”. Còn kỳ nữ Kim Cương, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của tôi, cũng cho biết những hiểu lầm giữa bà và Thẩm Thúy Hằng một thời sóng gió dư luận trước 1975 đều do báo chí “giật dây” câu khách. Về sau, hai bà đều giữ mối thâm tình, ngay cả sau 1975 khi họ cùng làm việc trên sân khấu thoại kịch.

Kều Chinh thì đẹp kiểu sang trọng. Thanh Nga thì trẻ trung, phúc hậu. Nếu so trong tứ đại mỹ nhân thì tôi… xấu nhất.” – nghệ sĩ Kim Cương tự nhận.

Tương tự Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng cũng nhiều lần đại diện điện ảnh miền Nam dự các đại hội điện ảnh Á Châu tổ chức ở Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… Bà cũng là nữ tài tử đóng chung với nhiều ngôi sao ngoại quốc nhất. Nếu Kiều Chinh đóng chung với các ngôi sao Hollywood nhờ khả năng tiếng Anh thì Thẩm Thúy Hằng thường diễn xuất chung với các ngôi sao châu Á như Văn Đào (Đài Loan); Địch Long, Khương Đại Vệ, Lý Lệ Hoa, Trịnh Phối Phối (Hong Kong)…

Bộ phim hợp tác thành công nhất của Thẩm Thúy Hằng là Sóng tình (1972), đóng cạnh nam tài tử Văn Đào (Wen Tao) của Đài Loan. Thẩm Thúy Hằng đã hai lần đoạt giải Diễn viên xuất sắc tại Đại hội Điện ảnh Á châu tổ chức tại Đài Bắc, Ảnh hậu tại Đại hội Điện ảnh Á Châu tổ chức tại Hong Kong (1972, 1974)…

Sau 1975, cuộc đời và sự nghiệp của Tứ đại mỹ nhân mỗi người một phận số. Thanh Nga qua đời trong một vụ ám sát gây chấn động. Kiều Chinh tị nạn ở Canada rồi sang Mỹ làm lại sự nghiệp điện ảnh. Kim Cương và Thẩm Thúy Hằng ở lại Sài Gòn và tiếp tục hoạt động nghệ thuật, từ sân khấu đến điện ảnh. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, Thẩm Thúy Hằng lặng lẽ rời xa thế giới phù hoa và lui về ở ẩn, tu tập và ăn chay trường. Bà chỉ giữ mối quan hệ với vài người bạn thân thiết…

 

Lâm Lê (SGN)

 ------------



Kiều Chinh nhớ về Thẩm Thúy Hằng

Cả hai, là những phụ nữ nhan sắc và tài năng. Họ là hiện thân của cái đẹp và danh vọng, là biểu tượng của một thời văn hoá nghệ thuật rực rỡ. Từ California, người ở lại – Người Tình Không Chân Dung Kiều Chinh nhớ về người nay thành thiên cổ – Người Đẹp Bình Dương Thẩm Thuý Hằng.

_______________

_______________

Khi điện ảnh Việt Nam vẫn còn phôi thai, Kiều Chinh và Thẩm Thuý Hằng đã đi vào thế giới màn ảnh rộng, trở thành những tên tuổi lớn của nghệ thuật miền Nam và châu Á. Một người của điện ảnh, một người của điện ảnh và kịch nghệ. Tình bạn của họ bắt đầu từ đó. Cả hai có nhiều cơ hội gặp nhau, và khi gặp nhau thì rất chân tình vì “Thẩm Thuý Hằng là người rất cởi mở, rất dễ thương, lúc nào cũng nở nụ cười” – theo lời nữ tài tử Kiều Chinh kể lại, vài giờ sau khi bà nhận được tin Thẩm Thuý Hằng qua đời tại nhà riêng ở Sài Gòn, ngày 7 Tháng Chín năm 2022.

Thẩm Thuý Hằng (trái) và Kiều Chinh. Hình: Kiều Chinh

Một trong những vở kịch cuối cùng minh tinh Thẩm Thuý Hằng diễn trên sân khấu kịch Kim Cương là vở Lôi Vũ, chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà soạn kịch Tào Ngu. Trong đó, như định mệnh đã định sẵn cho cuộc đời một giai nhân, bà vào vai Phồn Y – một người đàn bà nhan sắc nhưng bạc số (không phải bạc mệnh.)

Chính nhờ tính cách thật thà, chân chất mà Thẩm Thuý Hằng đã xây dựng một Phồn Y “mang đậm chất Sài Gòn” – theo lời nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc. “Đó là một Phồn Y cam chịu, Phồn Y nạn nhân, Phồn Y không dùng mưu mô để từ vai trò người vợ nhỏ đã yêu con trai riêng của chồng. Đó là một Phồn Y nằm ngoài hình dung của Tào Ngu nhưng lại rất Sài Gòn,” đạo diễn Minh Ngọc nói khi vừa trở về từ Ohio, cũng trong ngày nhận được tin Thẩm Thuý Hằng qua đời.

Không như những diễn viên khác phần lớn sợ nhận vai “đào độc” hay “đào lẳng”, cho dù là vai chính của vở diễn như nhân vật Phồn Y, Thẩm Thuý Hằng đã không từ chối. Bà đã cùng với đạo diễn Minh Ngọc gặp bà Bảy Phùng Há để được chỉ dạy thêm cách thể hiện Phồn Y.

Nữ đạo diễn Minh Ngọc nhớ rất rõ, cái chân chất của minh tinh Thẩm Thuý Hằng là cái chân chất thật sự của người miền Nam, không mưu mô, tính toán , trời cho mình đẹp, mình cứ đẹp. Từ đó, cứ để những thăng trầm, oan khiên, tự nhiên rơi vào vai diễn, và khán giả đã thương yêu, nhớ đến bà.

Từ đây, có hiểu hình dung được vì sao trong ký ức của nữ tài tử Kiều Chinh,“Thẩm Thuý Hằng là người rất cởi mở, rất dễ thương, lúc nào cũng nở nụ cười”

_______________

Không cần phải suy nghĩ, cứ như sự việc mới ngày hôm qua, Kiều Chinh nói ngay khi tôi hỏi về một kỷ niệm khó quên của hai người phụ nữ đẹp, đó là Liên hoan phim Á châu lần thứ 11 tổ chức tại Đài Bắc vào Tháng Sáu năm 1964. Thời đó, có hai hãng phim lớn của Sài Gòn là Alpha Phim của ông Thái Thúc Nha và hãng phim của ông bà Mỹ Vân – Lưu Trạch Hưng. Alpha Phim làm việc với Kiều Chinh. Ông bà Mỹ Vân – Lưu Trạch Hưng làm việc với Thẩm Thuý Hằng. Mỗi lần có đại hội điện ảnh, hai hãng phim lớn tham dự cùng với hai cô tài tử của mình. Chưa có cơ hội làm việc cùng nhau trong phim ảnh trước đó, tình bạn của Kiều Chinh và Thẩm Thuý Hằng chỉ bắt đầu từ Liên hoan phim Á châu lần thứ 11, nhưng theo lời Kiều Chinh, là “tình thân nảy nở rất hồn nhiên và tốt đẹp.”

Sau đó, họ mới dịp đóng phim cùng nhau. Cuốn phim mà Kiều Chinh nhớ nhất là “Từ Sài Gòn đến Điện Biên Phủ”. Phim đó của hãng Mỹ Vân, gần như hội tụ đủ những gương mặt của điện ảnh Sài Gòn lúc bấy giờ. Không những quay phim ở Sài Gòn mà còn quay ở Đài Loan.

“Những chuyến đi xa như thế thì hai chị em chúng tôi rất gần nhau. Hằng rất hay cười, cứ luôn miệng ‘Chinh…Chinh… Hằng… Hằng…” Chị em chúng tôi gọi nhau bằng tên như thế” – nữ tài tử kể lại kỷ niệm ngày cũ bằng giọng nói của “những ngày vui bất tận”.

Thế rồi biến cố 1975 ập đến. Người Tình Không Chân Dung trở thành nghệ sĩ lưu vong. Người Đẹp Bình Dương chọn con đường ở lại. Họ không gặp nhau cho đến tận 20 năm. Năm 1995, Kiều Chinh về thăm quê hương, gặp lại Thẩm Thuý Hằng. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng cho đến ngày Thẩm Thuý Hằng ra người thiên cổ.

Lúc đó, Thẩm Thuý Hằng gần như đã lui về ở ẩn, rời xa đèn sân khấu. Kiều Chinh nhớ lại, ra phi trường đón bà khi đó là Kim Cương, đạo diễn Lê Dân, đạo diễn Lê Mộng Hoàng, nhưng không có Thẩm Thuý Hằng. Câu đầu tiên Kiều Chinh hỏi là “Hằng đâu?”

“Lát nữa Chinh sẽ gặp Hằng ở nhà Kim” – nghệ sĩ Kim Cương trả lời.

Lúc đó, Kiều Chinh biết bạn của mình sẽ không xuất hiện ở đám đông nữa.

Sự vắng mặt của biểu tượng nhan sắc Thẩm Thuý Hằng trong xã hội cũng đồng nghĩa với sự xuất hiện nhiều “drama” về cuộc đời của bà. Báo chí từ lúc đó cho đến mạng xã hội bây giờ vẫn tìm cách khai thác cuộc đời và hình ảnh của bà bất cứ khi nào có thể. Những danh từ như “bi kịch”, “hậu quả”, “nỗi đau” được trao quyền thay bà nói lên cảm xúc của một người đã chọn pháp danh nhà Phật thay cho cái tên Thẩm Thuý Hằng trong những năm tháng cuối đời.

“Cái mà tôi nhìn lại, tôi thấy cái thời của chúng tôi đẹp lắm. Đối xử với nhau tử tế, quí mến, thành thật…Không biết nói làm sao, chỉ biết là khi nhìn lại dĩ vãng đó, mình thấy đẹp quá.”

Kiều Chinh có thể nhắc, kể nhiều kỷ niệm với Thẩm Thuý Hằng, nhưng tuyệt nhiên bà hoàn toàn không nói đến những nỗi niềm đó. Nó như lời nguyện tâm giao, tôn kính của hai người bạn nghệ sĩ. Bà nói, “những gì xảy ra là một điều không may cho bạn của tôi, tôi không bao giờ muốn nói đến. Tôi chỉ nhớ về những kỷ niệm tốt đẹp của chúng tôi.”

 

__________

Bà đặt câu hỏi, “nếu những điều không may đó xảy đến với chúng ta, chúng ta có muốn người đời, xã hội nhắc đến không? Hằng đã ở ẩn rồi, hãy để Hằng được yên.”

Năm đó, khi gặp lại Kiều Chinh sau 20 năm xa cách, khi được hỏi cuộc sống hiện tại, Thẩm Thuý Hằng đã nói bà chọn không xuất hiện trước công chúng nữa, thay vào đó là rút vào bóng tối cầu kinh niệm Phật. Kiều Chinh nhớ lại điều cuối cùng bà nói với Thẩm Thuý Hằng trước khi chia tay, đó là, “rất mừng vì Hằng có một niềm tin. Tất cả chúng ta, nhất là ở tuổi này, cần vô cùng phải có một niềm tin để dựa vào, cầu nguyện, hoặc để quên đi những gì không tốt đẹp trong cuộc sống

Nhan sắc và cuộc đời thăng trầm của tứ đại mỹ nhân Sài Gòn

Trong tứ đại mỹ nhơn của Sài Gòn vàng son thuở đó, Thanh Nga là một tên tuổi lừng lẫy trong nghệ thuật cải lương. Kim Cương “cháy vé” trong làng kịch nghệ. Thẩm Thuý Hằng và Kiều Chinh là hai minh tinh màn bạc mà tên tuổi của họ, đặc biệt là tài tử Kiều Chinh, đã lan toả ở tầm vóc quốc tế. Nhưng, trên tất cả, giữa họ là một tình bạn chân thành và sâu lắng.

Như Kiều Chinh nói, “cái mà tôi nhìn lại, tôi thấy cái thời của chúng tôi đẹp lắm. Đối xử với nhau tử tế, quí mến, thành thật… Không biết nói làm sao, chỉ biết là khi nhìn lại dĩ vãng đó, mình thấy đẹp quá.”

Nếu tài năng và nhan sắc của họ vượt ra khỏi bản đồ nước Việt, thì những gì đẹp đẽ họ có với nhau, đã vượt không gian và thời gian, vượt cả cánh cửa của tuyền đài và trần thế.

“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng

Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu” từ ngàn xưa vốn là thế.

 

 BB Ngô (SGN)

 

Kim Phượng sưu tầm & tổng hợp

 Vẻ diễm lệ của nữ minh tinh được trả cả cân vàng và kết bạc phận cho đời  hồng nhan-Ngôi sao

 

 

 

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %08 %899 %2022 %16:%09
back to top