Đi thăm Texas - Nguyễn Giụ Hùng

 Đi thăm Texas

nguyễn Giụ Hùng

~~<><><><>~~

Thành phố Dallas

 

dallas

Chúng tôi lại có dịp về Shreveport, một thành phố hiền hòa ở miền Bắc tiểu bang Louisiana để thăm gia đình và ông bà bảo trợ, những người đã giúp đỡ cho chúng tôi trong những ngày đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ. Khi tôi trở lại đây lần này so với ngày mới tới, mọi cảnh vật vẫn cứ như xưa, riêng “người xưa” thì đã có ít nhiều thay đổi. “Cô bé” Mỹ choai choai hàng xóm năm xưa, nay đã trở thành một thiếu phụ “tay bồng tay bế”, “tay xách nách mang” rồi. Thời gian sao đi nhanh quá! Tôi ở chơi vài ngày thì được vợ chồng cô em nhà tôi đề nghị “đãi” chúng tôi một chuyến du lịch Texas để “thăm dân cho biết sự tình”. Chúng tôi hăm hở nhận ngay món quà quý báu ấy.

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi dậy thật sớm để chuẩn bị cho chuyến đi chơi xa. Tôi ngồi nhâm nhi tách cà phê nhìn ra ngoài trời. Màn trời vẫn còn phủ lớp sương mai mờ nhạt, khung cảnh thật thanh bình khác hẳn với San Jose náo nhiệt, nơi tôi đang sống.

Giờ khởi hành đã đến, từ Shreveport chúng tôi “lấy” xa lộ HWY 20 thẳng tiến về hướng Dallas, Texas. Triều, tên người em cột chèo lái xe, tôi ngồi bên cạnh, và tất nhiên hai bà ngồi ở hàng ghế sau để rồi đây tha hồ ngủ, ngủ gà ngủ gật cũng được mà ngủ say cũng được hay có thể ngủ nhiều hơn thức trên suốt cuộc hành trình dài trên xa lộ. Tôi và Triều sẽ được tha hồ nói chuyện với nhau.

Dọc theo xa lộ từ Shreveport đến biên giới Texas, rừng thông mọc hai bên đường đã dần hiện ra xanh ngắt một mầu dưới ánh sáng ban mai, thỉnh thoảng mới có một vài loại cây khác lạc loài xen kẽ vào một cách hiếm hoi. Nhìn thông mãi cũng chán, một hình ảnh đơn điệu như thế kéo đến cả trăm dặm nên hai chúng tôi ngồi cạnh nhau cứ phải nói chuyện với nhau liên tục để phòng khi buồn ngủ trong lúc lái xe. Thế rồi, sau hơn hai giờ kể từ lúc khởi hành, chúng tôi cũng tới được biên giới của hai tiểu bang Louisiana và Texas khi trời còn sớm. Càng vào sâu nội địa Texas, những cánh rừng thông bạt ngàn dọc theo xa lộ cũng bớt đi để nhường chỗ cho những vùng đất phẳng hay đồi thấp xanh tươi càng ngày càng được mở rộng ra.

Để khởi đầu câu chuyện về Texas, Triều cho biết không thể không kể cho tôi nghe về cao nguyên Great Plains. Tôi xin nhắc lại ở đây như tạm mở một dấu ngoặc.

Vùng cao nguyên Great Plains

Picture

Great Plains zone.

 Nếu muốn biết rõ về Texas ta cần phải nhìn nó trong cùng một khung cảnh tổng thể, nghĩa là nhìn nó qua cùng chung một vùng đất rộng lớn và cùng mang một số tính chất đặc thù giống nhau thuộc cao nguyên tên gọi Great Plains.

Great Plains được giới hạn bởi một dải đất chạy theo hướng bắc-nam có chiều dài 1600 dặm (khoảng 2600 cây số) từ phía bắc, bắt đầu từ biên giới Canada, chạy xuôi nam tới vịnh Mễ Tây Cơ, và theo hướng đông-tây có chiều ngang là 400 dặm (khoảng 650 cây số), trong đó gồm sáu tiểu bang North Dakota, South Dakota, Nebraska, Kansas, Oklahoma và Texas.

Dải cao nguyên này có những nét đặc thù khác biệt hẳn với những vùng đất khác của Hoa Kỳ như đất tuy màu mỡ nhưng khô, không có nhiều cây xanh hay rừng. Điều kiện khí hậu khắc nghiệt, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế vào thời kỳ những di dân đầu tiên mới đến đây lập nghiệp. Vì Great Plains là vùng đất trống, ít cây và rừng, nên khó có thể bảo vệ được đất đai mỗi khi giông bão hay sự thay đổi thời tiết bất ngờ. Vào mùa đông, có nơi tuyết phủ dầy tới 15 hay 20 inches. Vào mùa hè, cũng chính những nơi ấy, mùa màng hay gia súc có thể chết vì nóng cháy. Một số vùng mưa rất ít, nước trở nên vô cùng khan hiếm, đôi khi nước còn quý hơn cả đất đai. Hàng nghìn nông trại, chỉ cần có thêm hay ít đi vài inch nước mưa một năm là có thể làm thay đổi cục diện mùa màng năm đó, hoặc rất thành công hoặc thất bại hoàn toàn. Đấy là chưa kể tới những năm hạn hán, không một giọt mưa, đất trở thành bụi, để rồi những trận “bão bụi” (dust storm) thổi mạnh tàn phá nông trại hay thị xã nhỏ, có khi tưởng chừng như chúng biến mất.

Thành phố Dallas

Dallas Texas Thành Phố Các - Ảnh miễn phí trên Pixabay

 Xe chúng tôi tiến dần vào thành phố Dallas. Trái với dự đoán ban đầu, Dallas có nhiều cây xanh và những bãi cỏ xanh tươi tốt trải rộng ngút tầm mắt chứ không phải chỉ được xây dựng trên một mảnh đất khô cằn thuộc cao nguyên Great Plains như đã được kể ở trên. Xa lộ, đường phố mở rộng thênh thang, nhiều chỗ có tới 5 làn xe mỗi chiều. Xe cộ chạy như mắc cửi trên mạng lưới giao thông, chỉ cần lơ đãng một chút là có thể lạc đường. Nghe nói, từ mấy năm nay, nhiều hãng xưởng mới được xây dựng lên, lại thêm những hãng xưởng ở những tiểu bang khác dọn về đây toàn bộ hay một phần, làm kinh tế Dallas trở nên phồn thịnh một cách đột ngột. Nơi đây đang có một nền kinh tế nở rộ. Nối theo sự phát triển kinh tế ấy, số nhà cửa được xây dựng lên ào ạt để đáp ứng nhu cầu của những người về đây làm việc. Những khu nhà mới xây mọc lên như nấm. Khác với vùng San Jose tôi ở, đất chật người đông không còn chỗ phát triển. Trong khi đó, Dallas có nhiều đất trống nên ngành địa ốc tha hồ phát triển mạnh. Tuy vậy, giá nhà cũng đã tăng cao hơn so với những năm trước đây. Và cũng nghe nói, Dallas đã từng chịu ảnh hưởng bởi sự suy thoái kinh tế của thế giới và nước Mỹ trong vài năm thuộc thập niên trước (2008-2010), nhưng không nhiều.

Chúng tôi lái xe vào khu trung tâm thành phố. Những cao ốc chọc trời san sát vươn lên trời cao. Sau khi đi một vòng khu trung tâm thành phố, tôi nhận ra ngay Dallas có nhiều người Việt Nam sinh sống. Nhìn những khu thương mại của người Việt buôn bán sầm uất ta cũng có thể đoán được phần nào sự thành công về mặt kinh tế của “thuyền nhân” ta. Khác với San Jose ở miền Bắc và Orange County ở miền Nam California, các khu chợ Việt Nam ở đây thường nằm rải rác chứ không tập trung thành một khu đông đảo. Những mặt hàng hay sinh hoạt thì đâu cũng giống nhau, có khác chăng là cái bề thế của nó. Đó là cái nhìn thoáng qua của một du khách, một người “cưỡi ngựa xem hoa” như tôi. Chúng tôi có dịp tới một khu thương mại Việt Nam nằm hơi xa trung tâm thành phố một tý mang tên Bến Thành Plaza, khá khang trang với kiến trúc bên ngoài trông như một ngôi chùa lớn, để ăn trưa dù bữa ăn có hơi sớm hơn so với thường lệ.

viajes a dallas texas baratos Gran venta - OFF 70%

Sau bữa ăn trưa, chúng tôi trở lại khu trung tâm thành phố Dallas để đến thăm “khu di tích lịch sử” nơi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát ngày 22 tháng 11 năm 1963. Tại đây, tôi tưởng như được chứng kiến tận mắt hình ảnh vị Tổng thống Hoa Kỳ này ngồi trên xe mui trần và đang được dân chúng hai bên đường hoan hô nồng nhiệt thì bỗng nhiên ông bị bắn gục ngay trên cánh tay người vợ khi chiếc xe của ông vừa đi vào đúng tầm ngắm của tên sát nhân bắn tỉa từ cửa sổ của ngôi building màu gạch đỏ đằng kia, cách đó không xa. Từ nơi cửa sổ ấy, một viên đạn oan nghiệt đã chấm dứt cuộc đời một vị Tổng thống can đảm và đầy quyền uy của một siêu cường quốc mà quyền uy ấy có thể khuynh đảo cả thế giới, trong đó có Việt Nam ta, một đất nước gánh chịu ảnh hưởng trực tiếp không nhỏ gây nên bởi viên đạn đó. Tôi chợt thở dài. Một giai đoạn lịch sử trôi qua đã lâu nhưng người dân Dallas vẫn còn cảm thấy có cái gì chua xót và đáng xấu hổ vì biến cố đó đã xảy ra ngay trên thành phố họ. Đối với tôi, có nhìn lại biến cố đó đi chăng nữa thì tôi cũng chỉ coi nó như mọi dòng lịch sử khác của dân tộc Hoa Kỳ đang tiếp tục trôi chảy đến vô cùng.

https://vietbao.com/images/file/CHBLT-TU2ggBANBs/hung.jpghttps://vietbao.com/images/file/CHBLT-TU2ggBANBs/hung.jpg

Sau đó, chúng tôi đi bộ đến một công viên nhỏ cách “khu di tích lịch sử” không xa. Một đàn bò “sừng dài” độ ba mươi con, với kích thước như thật, bằng đồng, được dựng trên miếng đất trống trong công viên. Tôi chụp vài tấm ảnh với đàn bò rồi tiếp tục đi bộ lang thang thêm vài khu phố buôn bán sang trọng thuộc cùng khu vực.

Chúng tôi lại lên xe, theo chỉ dẫn trên bản đồ, đến “Bảo tàng viện nghệ thuật” (The Dallas Museum of Art). Đây là một tòa nhà lớn có kiểu kiến trúc tân kỳ chứ không giống như những nhà triển lãm hay bảo tàng viện cổ kính ở Châu Âu. Bên trong nhà triển lãm được trưng bày nhiều tác phẩm hội họa và điêu khắc “hiện đại" rất mới, rất sáng tạo, rất lạ lùng, đã đánh mạnh vào cảm xúc một cách hoàn toàn mới lạ cho người thưởng ngoạn. Có khi tưởng như thật đơn giản thôi, nhưng nó vẫn không kém phần sinh động, đó chính là cái hay mà cá nhân tôi cảm nhận được từ những tác phẩm nghệ thuật ở đây. Cái cảm nhận ấy hoàn toàn khác với những cảm nhận tôi có được từ những bảo tàng viện tôi đã có dịp đi thăm ở vài nước bên Á châu, Âu châu, Trung Đông hay Nam Mỹ. Tôi tự hỏi, nghệ thuật của người Mỹ, nói thu hẹp ở đây, qua những tác phẩm này, có phải chăng là biểu hiện cho một nền nghệ thuật trẻ trung của một dân tộc trẻ trung đầy sức sống và đầy sáng tạo, hay đúng ra, đó là nghệ thuật của môt kỷ nguyên high-tech? Và cũng phải chăng, nói chung, những tác phẩm nghệ thuật luôn luôn phản ánh những suy tư, nhận thức của thời đại mà chúng đã được tạo ra?

Rời bảo tàng viện, chúng tôi tiếp tục đi thăm vài nơi khác nữa, và đã có dịp thưởng thức món gà rán “fried chicken” tại một tiệm chỉ bán một món ăn duy nhất này. Tiệm ăn có từ năm 1898, tất nhiên là rất đông khách dù nhà hàng có tới vài chục bàn mà chúng tôi vẫn phải đứng bên ngoài chờ đến lượt. Một điều lạ, thực khách có thể đem món gà ăn dư về chứ không được mang nước “sauce” loại đặc biệt của họ ra khỏi tiệm. Vào nhà hàng Mỹ, dù thức ăn ngon dở thế nào, cách phục vụ thì không thể chê được.

Nói đến Dallas không thể không nhắc sơ qua một chút tới tên đội banh “bầu dục” (football) “Dallas Cowboys” nổi tiếng. Chúng tôi có cơ hội đến thăm sân chơi của đội “Cowboys”, sân đó mang tên “AT&T Stadium”, phải mất 3 năm xây cất từ 2006 đến 2009. Trong ba năm đó, năm đầu tiên chỉ để đào sâu xuống lòng đất so với mặt đường, đó chính là “lòng chảo” sân chơi và khán đài. Chúng tôi được hướng dẫn viên của Stadium dẫn đi một “tour” thăm thú và phải mất 2 giờ đồng hồ lội bộ mớt hết những phần chính. Chiếc TV tại stadium này, hiện nay được đánh giá là lớn nhất thế giới. Giá vé “tour” là 30$ cho một người lớn.

Dallas đã lên đèn. Chúng tôi đến khách sạn Hyatt, một khách sạn tọa lạc tại trung tâm thành phố Dallas, khá sang trọng. Ngay gần khách sạn có một tháp rất cao, mang tên Reunion Tower. Trên đỉnh tháp là nhà hàng ăn được bao bọc bởi “lồng hình cầu” gắn đèn màu, ta có thể nhìn thấy nó từ xa vào ban đêm. Nhà hàng quay 360 độ quanh trục thẳng đứng của tháp. Từ nhà hàng quay, ta có thể quan sát được một phần lớn vòng quanh thành phố. Vừa ngồi ăn vừa được nhìn ngắm thành phố rực rỡ ánh đèn tỏa rộng bốn phương phía dưới, thật thú vị làm sao. Tôi nhớ lại, có những lần tôi cũng được hưởng cái thú ngắm nhìn thành phố rực ánh đèn dưới chân từ những tháp tương tự như ở thành phố San Francisco, CA, tháp Space Needle Tower ở thành phố Seattle; tháp CN Tower ở thành phố Toronto, tháp Lookout Tower ở thành phố Vancouver, cả hai thuộc Canada; tháp Oriental Pearl Tower ở thành phố Thượng Hải thuộc Trung Quốc; tháp Sky Tower ở thành phố Auckland thuộc New Zealand.

VÀI NÉT VỀ THIỀN VIỆN QUANG... - Thien Vien Quang Chieu | Facebook

Thiền viện Quang Chiếu.

 Sáng sớm hôm sau, sau khi ăn điểm tâm ở khách sạn, chúng tôi lại lên xe thẳng tiến về thành phố Fort Worth cách trung tâm Dallas khoảng 45 phút lái xe để ghé thăm một thiền viện Phật giáo. Thiền viện Quang Chiếu tọa lạc trên một ngọn đồi thấp, do một ni sư thuộc Thiền phái Trúc Lâm xây dựng và trụ trì được khoảng 30 năm nay. Ta cũng nên nhớ Thiền phái Trúc Lâm được khai sáng bởi vua Trần Nhân Tông. Sau khi đánh tan quân Mông Cổ vào thế kỷ 13, ngài đã từ bỏ ngôi vua rồi lên núi Yên Tử tu hành và lập nên thiền phái này.

Thiền viện Quang Chiếu có kiến trúc Đông phương rất uy nghi và thoát tục. Trong khuôn viên có hồ sen, núi non bộ và rất nhiều cây cối trông như một khu rừng nhỏ. Ngoài chính điện ra còn có một số nhà nhỏ dành cho các ni sư ở. Được nghe, vào những ngày lễ Phật đản, Vu lan, Tết Nguyên đán... hay những buổi thuyết pháp đặc biệt, thiền viện thu hút rất đông đảo người đến tham dự. Chúng tôi đi quanh chùa thưởng ngoạn, hưởng cảnh yên tĩnh, vào chính điện lễ Phật rồi ra xe.

Vừa rời Thiền viện Quang Chiếu, chúng tôi lái xe thẳng tiến về thành phố San Antonio, một thành phố đẹp, mang nhiều dấu tích lịch sử oai hùng của người dân Texas chống lại người Mexico từ những ngày đầu định cư và mang lại nền độc lập cho vùng tiểu bang Texas khi vừa được hình thành. Thành phố này đang chờ đợi chúng tôi phía trước.

Chúng tôi vẫy tay chào tạm biệt Dallas, một thành phố lớn, một trong những trung tâm kỹ nghệ, kinh tế, tài chính với những cơ sở nghệ thuật và giải trí quan trọng của tiểu bang Texas. Vẫy chào đội football “Dallas Cowboys” mà tôi là một “fan” hâm mộ. Vẫy chào cộng đồng Việt Nam nơi đây.

___________________

 

 Thành phố San Antonio

 

san anto

Thành phố San Antonio, Texas.

 Sau khi đi thăm thành phố Dallas, chúng tôi lái xe thẳng tiến về hướng thành phố San Antonio của Texas để thăm thú thành phố này.

Ngược dòng lịch sử, vào năm 1820, Moses Austin, kỹ sư mỏ, rất thích thú với vùng đất mới Texas dù lúc đó còn thuộc Mễ Tây Cơ. Ông đã xin chính quyền Mễ cho phép 300 gia đình đến định cư ở đây. Một năm sau, Moses Austin mất, con trai của ông là Stephen Fuller Austin thay cha tiếp tục hoàn tất công việc định cư này. Sự thành công của nhóm di dân đầu tiên đã lôi kéo theo số người định cư mới lên tới 30 nghìn người. Chính quyền Mễ nhận thấy số người định cư đông đảo này có thể sẽ tạo nên những vấn đề rắc rối về sau nên đã tìm cách giới hạn sự di dân bằng những luật định mới đầy khắt khe và bất công. Những nhóm di dân nhận thấy có nhiều bất công trong luật lệ mới của chính quyền Mễ nên họ phản ứng lại bằng cách cùng nhau đồng lòng tuyên bố mảnh đất họ đang định cư trở thành vùng đất tự trị” nhưng không phải là một quốc gia độc lập mà vẫn nằm trong sự cai trị của chính quyền Mễ Tây Cơ. Chính quyền Mễ đáp lại bằng cách gửi quân đội sang để dễ bề kiểm soát và khống chế đám di dân và bắt buộc họ phải tuân thủ việc thi hành những luật lệ do chính phủ vừa mới ban ra.

Cuối cùng chiến tranh giữa những người Mỹ định cư ở Texas và chính quyền Mễ đã bùng phát. Trận chiến đầy bi hùng và nổi tiếng trong lịch sử đầu tiên của Texas là trận "Battle of the Alamo" diễn ra ở San Antonio đã làm 187 dân quân (rebel) Mỹ bị hy sinh, không một người sống sót. Trong số những anh hùng hy sinh trong trận chiến này phải kể đến một người mang tên Davy Crockett, người thợ săn nổi tiếng đã từ tiểu bang Tennessee đến Texas. Davy đã cùng dân quân chống lại quân đội Mễ một cách quyết liệt. Câu chuyện về trận đánh ở thành Alamo, nhân vật Davy Crockett đã trở thành huyền thoại.

Trên đường tới San Antonio, tiện đường chúng tôi đi ngang qua thủ phủ Austin. Austin cũng khá to, không những đó là thành phố hành chính, có những trường đại học lớn nổi tiếng, mà còn là thành phố kinh tế đang phát triển không kém gì Dallas vài năm trước. Nay có thêm chi nhánh hãng xe chạy điện Tesla và các hãng xưởng lớn khác được di chuyển về đây tạo nhiều công ăn việc làm thêm cho cư dân tỉnh này và tạo điều kiện cho ngành địa ốc phát triển. Nhiều khu nhà mới và thương xá mọc lên.

Austin có tòa nhà Quốc hội Tiểu bang lớn nhất so với những tiểu bang khác trên toàn quốc. Tòa nhà này được xây bên bờ sông Colorado River. Chúng tôi dừng xe chụp vài tấm hình kỷ niệm rồi tiếp tục hướng về thành phố San Antonio.

Chúng tôi càng tiến gần vào trung tâm thành phố, số lượng xe cộ càng tăng dần lên một cách nhanh chóng. San Antonio là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng của Texas nên đường sá sạch sẽ, mọi khu phố buôn bán được trưng bày một cách mỹ thuật và ngăn nắp. Người đi bộ rất đông đảo và trật tự, có lẽ phần đông là du khách, càng lúc càng trở nên đông đúc hơn khi tiến gần vào khu “di tích lịch sử Alamo” hay những khu thắng cảnh nên thơ chạy dọc theo bờ sông nhỏ nổi tiếng với cái tên River Walk gần đấy. Chúng tôi tìm chỗ đậu xe, tạt vào nhà hàng Mc Donald ăn lót bụng rồi sau đó tới thẳng khu vực thành Alamo.

alamoThành Alamo.

Thành Alamo tọa lạc trên một khu đất rộng. Đó chính là nhà thờ có kiến trúc Tây Ban Nha (Spanish church) do dân quân Texas năm xưa chiếm giữ làm thành trì. Ngày nay, nó vẫn còn giữ được hình dáng nguyên thủy của ngày mới xây. Du khách xen lẫn với đám người bán hàng lưu niệm trước cửa thành. Kẻ rao người bán ồn ào cả một khu phố, đa số là người gốc Mễ. Du khách chụp hình quay phim vội vã rồi tuần tự xếp hàng bước vào trong thành. Khi chúng tôi vào bên trong, kiến trúc các phòng ốc của nhà thờ vẫn còn giữ nguyên vẹn, có phòng dùng làm nơi chiếu phim giới thiệu trận đánh, phim dài khoảng 15 phút. Có vài phòng trưng bày hình ảnh cuộc chiến đấu cùng với chân dung của những vị sĩ quan và dân quân trong thành.

Càng đi sâu vào bên trong, lòng nhà thờ càng được mở rộng ra. Băng qua một cái sân rộng, tới gian nhà ngang, ở đó là “viện bảo tàng” trưng bày các loại vũ khí được sử dụng trong trận đánh gồm cả vật dụng cá nhân. Có cả loại dao găm và khẩu súng trường của Davy Crockett dùng trong chiến đấu được để trong tủ kính trưng bày ở đây. Nhiều thứ đáng xem và đáng ghi nhớ lắm. Tôi bị xúc động khi nghe những lời giảng giải của hướng dẫn viên “bảo tàng” mô tả lại trận đánh một cách tỉ mỉ.

Tôi đứng lặng trong vườn nhà thờ, quan sát mọi cảnh vật chung quanh và cố gắng hình dung lại diễn tiến trận đánh mà tôi vừa được nghe qua. Mỗi nơi, từ chân cột đến góc nhà, từ bức tường nhỏ đến bồn hoa đều hiện lên hình ảnh của dân quân anh hùng đang chiến đấu anh dũng đến giọt máu cuối cùng. Tôi đứng khá lâu chiêm ngưỡng hình ảnh và tưởng nhớ đến những chiến sĩ đã ngã xuống để mang lại sự sinh tồn, phát triển và phồn vinh cho thế hệ đi sau. Bất cứ thời đại nào và bất cứ ở đâu, sự hy sinh của những người yêu nước đều đáng được tôn vinh.

Trận chiến tại Thành Alamo như đang diễn ra trước mắt tôi theo từng lời kể của “hướng dẫn viên” trước đó và với những “tài liệu lịch sử” được cung cấp ở đây.

Tôi rời khỏi thành Alamo với tâm trạng bùi ngùi thương xót cho những người đã trải thân mình cho sự tồn vong của mảnh đất Texas mà nhiều người di dân ban đầu đã từng bỏ công khai phá và xây dựng nên nó. Đó là sự hy sinh cao cả mà toàn dân Hoa Kỳ ngày nay không thể quên. Tôi cũng cảm thấy bùi ngùi cho những quân nhân Mễ Tây Cơ đã nằm xuống để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ của quê hương mình.

river walkRiver Walk.

Chúng tôi đi bộ tới khu River Walk, nơi đây có khúc sông nằm sâu xuống dưới lòng đất so với mặt đường thành phố. Khu này được chính quyền thành phố San Antonio khai thác như một thắng cảnh du lịch. Con sông nhỏ thôi, với chiều ngang của nó có chỗ chỉ đủ cho hai chiếc thuyền “tam bản” nhỏ chở chừng mươi du khách chạy ngược chiều nhau. Dòng nước chảy thật êm đềm nên ta có thể coi nó như một con suối hơn là một dòng sông. Hai bên bờ sông là các quán cà phê, cửa hàng bán đồ lưu niệm, nhà hàng ăn và khách sạn nhỏ. Khung cảnh nơi đây thật nên thơ và tình tứ. Ta có thể tản bộ bên bờ sông (như với cái tên River Walk) một đoạn dài khoảng đôi ba dặm dưới tàn cây rợp bóng mát của hàng cây cổ thụ. Ta cũng có thể ngồi nhâm nhi tách cà phê bên vỉa hè hay ven bờ sông như ta thường thấy ở Châu Âu để hoặc nhìn người qua lại và thả hồn mình theo tiếng mái chèo khua nước của vài chiếc thuyền "tam bản" xen lẫn trong tiếng nhạc êm dịu từ nhà hàng vọng ra; hoặc ngắm nhìn bóng tàn cây to vươn ra sông soi bóng lung linh trên mặt nước dưới ánh nắng xuyên cành. Bắc ngang qua sông là vài chiếc cầu gạch được xây theo kiến trúc cổ. Du khách có thể đứng trên cầu soi bóng mình trên mặt nước trong đang êm đềm chảy phía dưới.

Chúng tôi đi bộ không biết mệt trên con đường lát gạch chạy dọc theo sát bên bờ sông. Có một vài khu nhà nhỏ xen kẽ vào khu buôn bán được xây theo kiến trúc “nhà ở” thật xinh xắn và trang trí bên ngoài cũng mỹ thuật là bao. Tôi lẩn thẩn tự hỏi những ngôi nhà ấy được xây lên, thật sự để ở hay chỉ để làm đẹp, làm “duyên” với du khách, hay chỉ để mang sắc thái đa dạng cho khu du lịch này. Chúng tôi chụp vài tấm ảnh kỷ niệm tại một vườn hoa con con xinh xắn nên thơ.

Tôi tưởng tượng, vào những buổi chiều tối, ánh đèn điện vàng hai bên bờ sông hắt xuống mặt nước sẽ làm cho dòng sông trở nên thơ mộng và huyền ảo; hay vào những hôm trời mưa nhẹ, dòng sông như được phủ lớp sương mờ, và tưởng như đâu đó vang vọng vài làn điệu dân ca “câu hò mái đẩy” sẽ làm tôi thương nhớ quê hương mình biết chừng nào.
mex restChúng tôi rời khu River Walk trong nuối tiếc để đến khu ăn uống “người Mễ” Sinh hoạt ở đây thật ồn ào náo nhiệt. Tiếng nhạc Mễ vui nhộn, sinh động ùa đến từ khắp nơi, khắp nẻo làm chân tôi cũng như muốn nhún nhảy theo trên từng bước đi. Có dãy nhà hàng hai tầng lầu, kiến trúc theo kiểu Pháp với trang trí giống hệt như ở khu French Quarter thuộc thành phố New Orleans (Louisiana) làm tôi ngạc nhiên.

Chúng tôi chưa biết chọn nhà hàng nào, bỗng Triều người em cột chèo của tôi, bấm vào tay tôi ra dấu, đồng thời kéo tôi về phía có hai cô chiêu đãi viên người Mễ xinh xắn, mặc y phục cổ truyền sặc sỡ đang thập thò ngoài cửa mời chào. Tôi theo chân Triều ngay. Nhà tôi và cô em theo phía sau cùng nói “Biết ngay mà!”  Bên trong nhà hàng được trang trí đầy màu sắc rực rỡ, thực khách khá đông và tất nhiên là rất ồn ào theo đúng truyển thống Mễ. Triều biết nói bập bẹ ít tiếng Mễ nên được cả hai “nàng” chiếu cố một cách đặc biệt, còn tôi ra rìa. Chúng tôi chụp hình lưu niệm với hai cô. Hai cô sung sướng ra mặt, khúc khích cười tít cả mắt nhưng không quên thỉnh thoảng liếc nhìn ông chủ lấy điểm. Tới khi tôi đứng lên trả tiền và cho tiền “tip”, hai “ả” lúc đó mới dành cho tôi sự ân cần vớt vát, muộn màng.

Triều cho tôi biết San Antonio còn dính dáng thêm một chút ít với lịch sử Hoa Kỳ trong thời kỳ chiến tranh giữa người Mỹ và Tây Ban Nha vào năm 1898 trên đất Cuba. Mỹ giúp Cuba giành lại độc lập từ tay người Tây Ban Nha. Cuộc chiến tranh giải phóng của Cuba thành công, trong đó có sự đóng góp của quân đội Mỹ và cũng nhờ một phần vào đội quân Rough Riders không giống ai do Theodore Roosevelt chiêu binh, gồm tập hợp toàn thành phần “hỗn tạp” mà đa số là những anh chàng cowboys Texas. Đội quân Rough Riders chưa bao giờ là chiến binh thật sự và cũng chưa bao giờ có thói quen sống chung với người khác. Theodore Roosevelt đã huấn luyện đoàn quân này ở San Antonio, sau đó được gửi sang Cuba chiến đấu bên cạnh quân đội Mỹ. Trong chiến đấu, họ tỏ ra can trường nhưng hỗn tạp đã mang đến nhiều câu chuyện nực cười trong chiến trận. Họ đã tham gia vào trận đánh quyết định và lừng danh trên ngọn đồi San Juan Hill gần thành phố Santiago của Cuba. Sự đóng góp của đoàn quân do Theodore Roosevelt thành lập đã đưa tên tuổi ông lên và đã đóng góp vào việc ông trở thành tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ sau này. Câu chuyện Triều kể còn dài, nhưng tôi chỉ lưu ý vào một điểm là đoàn quân Rough Riders kỳ lạ vì tính chất hỗn tạp của nó đã được huấn huyện ở thành phố San Antonio, nơi có biến cố lịch sử “thành Alamo” nổi tiếng.

Tạm biệt thành phố San Antonio! Thành phố biển Galveston đang chờ đợi chúng tôi.

_________________

 

 Thành phố Galveston và Corpus Christi

 

hung 1 Thành phố Galveston

Galveston là một địa danh nổi tiếng trong cộng đồng Việt Nam ở Texas vì tại đây có một đội ngũ đông đảo "thuyền nhân" ta đến đây lập nghiệp bằng nghề đánh cá từ những năm khởi đầu có cuộc định cư của người Việt trên đất Mỹ.

Sự hội nhập và thành công của người Việt ở Galveston đã lôi kéo “ông bà bảo trợ” cho gia đình tôi từ trại tị nạn Kuku ở Nam Dương đến Mỹ vào đầu thập niên 1980. Có điều buồn cười là sự thành công của cộng đồng người Việt Nam ở Galveston lại không phải là sự thành công của ông bà bảo trợ người Mỹ của chúng tôi. Ông đã từng là “manager” của hãng điện thoại Pacific Bell ở Shreveport, Louisiana và cũng đã từng đứng ra bảo trợ cho trên mười gia đình Việt Nam từ trại tị nạn trong vùng Missouri lạnh lẽo về Shreveport vào mùa đông năm 1975, và cũng đã từng đưa họ vào làm việc trong hãng với ông. Mọi người Việt Nam ở đây vẫn nhớ ơn ông bà cho tới ngày nay và chúng tôi vẫn về thăm khi có dịp. Trong thời gian đó, có vài ba gia đình Việt Nam, đã bỏ việc ở Pacific Bell để di chuyển về Galveston làm nghề đánh cá. Sự thành công của các gia đình này đã làm ông bà bảo trợ của chúng tôi quyết định về hưu sớm trước vài năm, đồng thời bán nhà, sắm tàu bè, theo chân người Việt Nam đi Galveston đánh cá. Sau vài năm làm ăn thất bại, ông bà bán tàu, quay trở lại Shreveport mua một cái “trailer” (một loại “mobile home” nhỏ) rẻ tiền để ở. Có một hình ảnh thật trái ngược và trớ trêu là trước đó, hai ông bà bảo trợ ở nhà (house) còn đám tị nạn người Việt đều ở “trailer”. Sau khi đi “lập nghiệp” thất bại ở Galveston trở về lại Shreverport thì mọi người Việt đã đều ở nhà, còn ông bà lại ở “trailer” Tôi thấy ông bà bảo trợ của tôi vẫn có đời sống yên vui và hạnh phúc, sung sướng với hoàn cảnh mới và xem ra còn coi sự thất bại đó làm một điều hãnh diện mỗi khi nhắc đến. Tinh thần lạc quan trong cuộc sống của người Mỹ như thế đấy, chúng tôi coi đó là một bài học tốt.

Chúng tôi đã tới Galveston. Hôm nay thời tiết thật đẹp, cái đẹp của tháng năm. Trời không lạnh mà cũng không nóng, mây trắng bay trên bầu trời cao xanh biếc. Ta cũng nên biết, vào những năm 1800, Galveston là thành phố lớn nhất của Texas. Vào năm 1900, Galveston bị một trận bão tàn phá với số người chết lên tới 6.000 người, một thiên tai khốc hại nhất thời bấy giờ. Sau đó, thành phố cho xây một bức tường dọc theo bờ biển để bảo vệ khỏi “sóng thần” Bây giờ người ta có thể chạy bộ hay đi “skate” trên con đường chạy dọc theo bức tường đó.

Chúng tôi đi phà băng qua vịnh Galveston. Bên kia vịnh có một thành phố nhỏ, cổ kính vì nhà cửa được xây theo kiến trúc cũ, nhà nhỏ thôi nhưng rất xinh xắn, cửa hàng đâu đó ngăn nắp và đường xá thật sạch sẽ. Chúng tôi lang thang đến xế chiều mới đi phà quay trở về lại Galveston. Từng đàn chim hải âu trắng bay theo phà xin ăn. Gió biển thổi lồng lộng làm đàn chim có lúc như muốn chao đi, bay khựng lại và bị đẩy lùi về phía đuôi phà.

Chúng tôi may mắn thuê được căn “duplex” ngay trên bãi biển với “ocean view” thoáng mát để hưởng gió biển và sự êm đềm về đêm nằm nghe sóng vỗ. Bãi biển Galveston không đẹp vì cát màu nâu sậm, trông như bùn. Có một điều đáng được kể lại ở đây là chiều tối hôm đó, chúng tôi đang đi tản bộ trên bãi biển không đèn thì bất chợt nhận ra, sau những đợt sóng đánh vào bờ, mỗi khi rút ra đã để lại những con cua biển to bằng bàn tay bò lổm ngổm trên bãi cát. Chúng tôi vội chạy về lấy thùng đựng đá để đựng cua và cứ lấy dép mà hất chúng vào thùng. Cái thích thú thứ hai là khi chúng tôi lội xuống nước, chưa tới đầu gối, đàn cá ở đâu bơi ngang qua, cá to bằng cổ tay giống như cá lóc của mình cứ quấn vào chân. Không có vợt nên phải dùng bao rác để hớt cá, ấy thế mà cũng được một số lớn. Sau độ một tiếng đồng hồ, chiến lợi phẩm là một “thùng đá” lớn đầy cua và cá được khệ nệ mang về. Ngày hôm sau chúng tôi đi sắm vợt để vớt cá, nhưng tiếc thay, đêm đó đàn cá đã không trở lại.

Một điều đáng kể nữa là bãi biển Galveston có rất nhiều muỗi, chúng tấn công đến sưng cả người mặc dù chúng tôi đã có sáng kiến dùng bao rác, chọc thủng lỗ để choàng qua đầu làm “áo giáp” Muỗi Galveston đốt đau lắm, đau ngang muỗi Florida. Ấy thế mà chúng tôi vẫn bắt gặp những cặp trai gái ngồi tâm tình khuất trong bóng tối trên bãi biển dù bãi biển cũng đã không đèn. Họ giỏi chịu đựng thật. Kể ra, đó cũng là điều lạ đáng nói của bãi biển Galveston về đêm. Những cặp đôi ấy có mấy tay để đủ đập muỗi nhỉ? Hay muỗi chỉ tấn công du khách? Hay da thịt người Á Châu thơm ngon và lạ hơn? Tôi mỉm cười với ý nghĩ ấy.

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi từ giã Galveston để tiếp tục đi thăm những thành phố khác của Texas. Giã từ Galveston với niềm thân thương vì đã để lại cho chúng tôi vài kỷ niệm đáng ghi nhớ.

Vài sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ liên quan tới vùng đất Galveston

Tại Galveston có nhiều thắng cảnh để xem. Đáng chú ý nhất là “Bảo tàng lịch sử của thành phố. Ta cũng nên biết thêm, Galveston đã xảy ra hai trận chiến: một là trận chiến của người dân Texas mới định cư với người Mễ giữa Houston và Santa Ana, và hai là trận chiến đẫm máu trong thời kỳ Nam Bắc chiến tranh (1861-1865) đã diễn ra tại đây vào ngày tết Dương lịch năm 1863. Sự chiến thắng thuộc về quân đội miền Bắc.

Trận chiến giữa người di dân Hoa Kỳ và người Mễ Tây Cơ trong những ngày đầu thành lập Texas.

hung 2             Về phía người Mễ Tây Cơ, vào năm 1835, sau một năm giành được độc lập từ tay người Tây Ban Nha (Spanish), tướng Antonio López de Santa Ana tự nhận mình là “Napoleon của miền Tây đã trở thành tổng thống của Mễ Tây Cơ. Santa Ana mang vài ngàn quân đi chinh phạt dân Texas vì đòi tự trị. Cuộc tấn công đầu tiên diễn ra tại “thành Alamo” và 187 dân quân Texas đã bỏ mình trong trận chiến này, không một người sống sót, trong đó có Davy Crocket. Quân đội của Santa lên tới vài ngàn, ông ta chia đoàn quân của mình thành 4 nhóm nhỏ để lùng tìm dân quân của Houston vừa được thành lập. Santa Ana mang theo mình 1600 quân.

Về phía người dân Texas, ảnh hưởng để lại của trận đánh tại thành Alamo là rất lớn. Chính quyền non trẻ Texas vừa được thành lập sau cuộc họp ở thành phố Washington-on-the-Brazo ở vùng đông nam Texas. Dân số ở đây chỉ vỏn vẹn có từ 25 tới 30 người sinh sống và do đó chính quyền mới không thể giúp đỡ hay giải cứu gì được cho thành Alamo. Chính quyền mới tuyên bố độc lập cho Texas. Houston được giao trách nhiệm thống lĩnh quân đội. Thật buồn cười khi Houston nhận lãnh trách nhiệm vì quân đội trong tay ông chỉ có năm ba người, trong đó có người bạn của ông được phong làm trung úy. Nhóm người này di chuyển ngay đến Gonzalez vì ở đây có 375 dân tình nguyện xin gia nhập quân đội đang chờ đợi ông ở bên bờ sông Guadalupe. Họ chỉ là thường dân chưa được huấn luyện và chưa có kiến thức gì về quân sự. Ông đã đích thân huấn luyện gấp rút ngày đêm và tổ chức thành đội ngũ.

Quân đội của Houston ngày càng đông thêm. Quân số nay đã tăng lên được 783 người. Súng ống và đạn dược đã được tiếp viện khá đầy đủ. Hai khẩu súng đại bác loại "6 pounds" (sức nặng của viên đạn) đã được nhân dân thành phố Cincinnati của tiểu bang Ohio tặng. Trong khi xây dựng lưc lượng, Houston vẫn phải tránh sự đối diện trực tiếp với quân Mễ.

Lực lượng đôi bên quá chênh lệch nhưng Houston quyết chặn đứng chiến dịch quân sự truy lùng của Santa Ana.

Ngày 15 tháng 4 năm 1836, Houston cho tiến quân từ phía đông của sông Brazos, và mọi người vui mừng vì đoàn quân nay đã tiến về hướng trực diện với quân đội Santa Ana chứ không phải liên tục lẩn tránh nữa. Lúc này, vị trí đóng quân của Santa Ana, phía nam là vịnh Galveston Bay, phía đông là sông San Jacinto, phía bắc là Buffalo Bayou hướng mà quân đội Houston đang băng qua và tiến tới. Santa Ana đã rơi vào cái bẫy do chính ông ta tự chọn. Nếu ông ta muốn lui binh, chỉ còn một con đường duy nhất là dùng phà băng qua sông San Jacinto River, mà điều đó thật nguy hiểm hay có thể nói là không thể thực hiện được.

Sau khi vượt qua Buffalo Bayou, Houston triệu tập binh sĩ để ra huấn lệnh và trình bày kế hoạch tấn công. Ông hỏi có ai muốn rời khỏi trận đánh này không vì ông cho phép họ được chọn lựa trước khi lâm trận, nhưng mọi người đều quyết tâm ở lại chiến đấu. Binh sĩ ông cùng ông hô to “Hãy nhớ tới Alamo”, “Chiến thắng hay là chết”, “Không rút lui, không đầu hàng.”

Ngay ngày hôm sau, hai bên cùng dàn trận trên cánh đồng lớn phía bắc Galveston, không xa nơi đóng quân của mỗi bên. Houston dùng điểm tâm sáng với một miếng bánh ngô khô, và suốt sáng hôm đó ngồi nghiên cứu bản đồ hành quân. Theo kế hoạch, ông sẽ ra lệnh tấn công vào buổi xế trưa vì vào giờ đó quân đội Mễ thường ngủ trưa.

Vào 3 giờ rưỡi trưa, ông ra lệnh tấn công. Đoàn quân tiến gần đến mục tiêu, hai khẩu súng ca-nông khai hỏa vào phòng tuyến địch, quân Mễ bắn trả bằng súng trường một cách mạnh mẽ. Khi tới gần tầm bắn, Houston ra lệnh khai hỏa. Binh sĩ của ông vừa bắn vừa chạy nhào tới quân địch để đánh cận chiến vừa hét to “Hãy nhớ tới Alamo! Hãy nhớ tới Alamo!” Câu hét này đã đi vào lịch sử. Quân Mễ không kịp trở tay và không quen đánh cận chiến nên cánh quân tiền vệ đã phải tháo lui, tiền tuyến bị chọc thủng. Người chết, kẻ bị thương hay đầu hàng rất nhiều.

Nói về Santa Ana, ông ta đang ngủ trưa khi trận chiến bắt đầu. Với cặp mắt chưa tỉnh ngủ hẳn, ông chỉ kịp mặc vội chiếc áo với cầu vai màu đỏ, chạy vội ra khỏi lều bạt. Quân lính của ông chạy tán loạn, ông không còn chỉ huy được ai nữa, Santa Ana chỉ còn biết nhảy lên con ngựa đen, cao lớn, phóng chạy thoát thân ra khỏi chiến trường càng sớm càng tốt.

Sáng hôm sau, cách đấy vài dặm, một người bé nhỏ, mặc chiếc áo nhà binh có cầu vai đỏ đang ngồi buồn bã bên dòng suối. Người đó chính là tướng Santa Ana. Ông ta đã bị bắt và được dẫn độ tới trước mặt Houston. Tất cả tù binh Mễ khi thấy viên tướng chỉ huy của mình thì đồng thanh hô to lên “Tổng thống muôn năm! Tổng thống muôn năm!” Đúng vậy, Santa Ana là Tổng thống Mễ Tây Cơ và cũng kiêm nhiệm chức vụ thống lãnh quân đội. Sau đó Santa Ana và toàn thể tù binh Mễ được thả ra với điều kiện được thỏa thuận trước tiên là tất cả phải trở về nước Mễ

Chiến tranh Nam-Bắc

Texas hưởng thanh bình kéo dài chẳng được bao lâu thì cuộc nội chiến Nam Bắc (1861-1865) xảy ra. Đã nhiều năm, những tiểu bang miền Bắc và miền Nam đã không đồng ý với nhau về chế độ nô lệ người da đen. Người miền Bắc muốn giải phóng người nô lệ, người miền Nam thì không. Miền Bắc lúc này đã trở thành vùng kỹ nghệ, miền Nam vẫn còn là vùng nông nghiệp nên rất cần nô lệ trong việc canh nông. Năm 1861, 11 tiểu bang miền Nam liên kết với nhau và đồng tách khỏi những tiểu bang miền Bắc được gọi là Union, để trở thành nước độc lập được gọi là Confederate States.

Ngay khởi đầu, Thống đốc Texas là Sam Houston đã chống lại việc Texas tách rời ra khỏi Hoa Kỳ. Ông tuyên bố “Nếu Texas tách ra khỏi Hoa Kỳ thì chiến tranh sẽ xảy ra” Và ông tiếp “Nếu chúng ta không chết vì bom đạn thì chúng ta cũng chết vì đói khát” Quốc hội tiểu bang Texas liền cách chức Houston và thiết lập ngay một chính phủ mới liên minh với lực lượng miền Nam thuộc Confederate States ngày mùng 1 tháng 2 năm 1861. Vài trận đánh đã xảy ra trên đất Texas, trong đó có trận xảy ra tại Galveston vào ngày tết Dương lịch năm 1863. Texas đã đóng góp 70.000 quân cùng quân lương quân dụng cho lực lượng miền Nam. Cuối cùng, vào tháng 4 năm 1865, quân đội miền Nam đầu hàng. Chiến tranh Nam Bắc đã chấm dứt, nhưng tin tức đến chậm, một tháng sau, trận chiến ở Palmito Ranch thuộc Texas mới thật sự kết thúc. Đó là trận chiến cuối cùng của Nam Bắc chiến tranh. Sau gần một tháng chiến tranh chấm dứt, ngày 19 tháng 6 năm 1865, tướng Gordon Granger thuộc quân đội miền Bắc đã đến Galveston. Ông tuyên bố “Kể từ hôm nay, tất cả những người nô lệ được giải phóng” Những người nô lệ da đen vui mừng và biến ngày hôm đó thành ngày lễ hội "Juneteenth" (June nineteenth) của Texas ngày nay.

Thành phố Corpus Christi

Chúng tôi ở lại Galveston hai đêm. Rạng sáng ngày thứ ba chúng tôi rời Galveston để tới bãi biển Corpus Christi (Corp of Chist). Đây là bãi biển đẹp đã thu hút hàng trăm nghìn du khách hàng năm. Thời tiết ấm áp nên thích hợp cho việc tắm biển hay phơi nắng. Có nhiều khu cắm trại. Một địa danh của thành phố mang tên Padre Island National Seashore, đó là bãi biển cát trắng và có nhiều vỏ trai ốc đẹp. Và nên nhớ một điều là nếu ta muốn hưởng sự yên tĩnh trên bờ biển để nghe sóng vỗ thì chớ bao giờ tới Padre Island vào mùa xuân vì hàng nghìn học sinh sẽ đổ về đó tụ tập vui chơi trong những ngày “nghỉ mùa xuân” (spring break). Thành phố cũng còn có “Bảo tàng Văn hóa Á châu” (The Asian Cultures Museum) hay “Hồ nuôi cá” (The Texas State Aquarium). Chúng tôi cứ tiếp tục lái xe trên xa lộ dọc theo bờ biển của vịnh Mễ Tây Cơ xuôi về hướng cực Nam, gần ranh giới Hoa Kỳ và Mễ.

Chúng tôi từ giã Galveston, rồi Corpus Christi để đến thành phố Houston, một trong những thành phố có đông đảo người Việt định cư nhất ở Hoa Kỳ.

 

________________

 

 Những chàng cao bồi và ngành dầu hỏa 

 

texas

Trên đường lái xe từ Corpus Christi đến thành phố Houston, để “đốt” thời gian dài buồn chán trên xe, chúng tôi kể cho nhau nghe vài kỷ niệm ngày xưa, trong đó phải kể đến một thời tuổi trẻ đã từng lê lết trong những rạp “chớp bóng” ở Sài Gòn ngày nào. Hào hứng nhất vẫn là nhắc lại những phim “cao bồi” nổi tiếng. Hình ảnh những chàng cao-bồi sống trên yên ngựa xua từng đàn bò lớn băng qua những cánh đồng cỏ rộng lớn, hay qua những vùng sa mạc, núi non đã để lại biết bao nhiêu hình ảnh hào hùng, phóng khoáng lẫn thơ mộng của họ trong ký ức của các cậu học trò Sài Gòn tuổi choai choai vào thập niên 60-70. Thêm vào đó là những phim ảnh của những người đi khai thác dầu thô (oil) mà đại đại diện nhất thời bấy giờ là phim Giant do những tài tử gạo cội thủ vai chính gồm James Dean đóng cùng với nữ hoàng điện ảnh một thời Elizabeth Taylor mà tôi còn nhớ được.

Những chàng cao-bồi Texas

hung 1 Những chàng “chăn bò” hay “cao-bồi” là một biểu tượng đặc thù rất nổi tiếng của Texas. Thời hưng thịnh của các anh chàng này được bắt đầu kể từ thời hậu chiến tranh Nam Bắc. Nói về Texas mà không nhắc tới “cao-bồi Texas” thì quả thật là một thiếu sót lớn.

Năm 1870 sau khi chiến tranh Nam-Bắc chấm dứt, người Texas chấp nhận quay trở lại với chính quyền Liên bang Hoa Kỳ. Các nông trại không còn một xu dính túi, nhưng họ nhận ra rằng trong tay họ còn có từng đàn bò hoang, loại sừng dài, sống đông đúc trên cánh đồng cỏ xanh rộng lớn thuộc miền tây Texas. Những đàn bò hoang vô chủ sẽ thuộc về những ai có thể bắt được chúng. Hình ảnh của các chàng “cao-bồi” như ta thấy qua phim ảnh của Hollywood đã được phát sinh. Họ xua từng đàn bò từ vùng đồng cỏ Texas theo đường mòn (trail) qua San Antonio, Austin và Fort Worth, rồi băng qua tiểu bang Oklahoma để đến Abilene thuộc tiểu bang Kansas. Con đường di chuyển này được gọi là Chisholm Trail.

Năm 1871, lộ trình di chuyển trên trở nên rất nhộn nhịp, có tới 600 nghìn con bò đã được di chuyển trên tuyến đường này. Cũng nên nói rõ thêm là bò hoang đã đến đây từ thời các nhà thám hiểm Tây Ban Nha mang tới. Một số bò trốn thoát và chúng sinh sôi rất nhanh trên cánh đồng cỏ xanh tươi thuộc miền tây Texas.

Không phải Texas chỉ đem bán bò “sừng dài” được đánh bắt trên cánh đồng cỏ hoang mà còn phải kể đến cả bò “sừng ngắn” do các nông trại đã nuôi trước khi cuộc chiến tranh Nam-Bắc xảy ra. Cách nuôi và di chuyển bò, ngay cả “y phục cao-bồi” với nón rộng vành, quần áo ngoài bằng da cũng đều bắt chước từ “cao-bồi người Mễ” thời đó. Trong chiến tranh, mọi thanh niên Texas đều phải gia nhập quân ngũ, gia súc không người chăn nuôi, nhưng bò vẫn sinh sôi một cách nhanh chóng mà thịt chúng không được cung ứng cho thị trường.

Texas thuộc lực lượng miền Nam (Confederate States) nhưng phần sông Mississippi thuộc lãnh thổ của lực lượng miền Nam đã bị quân đội miền Bắc (Union) kiểm soát. Do đó, trong khi quân đội miền Nam ở Virginia chết đói mà lương thực của Texas lại không thể chuyển vận lên tiếp tế cho Virginia được. Trận chiến khốc liệt lừng danh trong quân sử Mỹ của tướng Ulysses S. Grant, tổng tư lệnh của quân đội miền Bắc (Union), chính là trận chiến giành lấy sự kiểm soát dòng sông Mississippi mang tầm chiến lược. (Sẽ được trình bày trận chiến này trong một bài viết khác)

Khi chiến tranh Nam-Bắc kết thúc, 6 triệu con bò nuôi ở Texas không được sử dụng tới. Trong chiến tranh, mọi nguồn thịt đều dùng phục vụ cho quân đội. Nay hòa bình, hàng triệu người dân miền Bắc đang có nhu cầu rất cao về thịt, nhưng sự cung ứng tại chỗ thì không có bao nhiêu. Giá thịt bò tăng rất cao mà trong khi đó ở Texas, giá một con bò chỉ có một đô la. Do đó, nhiều đàn bò được chuyển lên hướng Bắc.

Cũng nên biết thêm, hệ thống đường sắt mới chỉ được xây dựng tới miền tây của Kansas. Vấn đề đặt ra là làm sao di chuyển được những đàn bò tới Kansas. Thị trấn Abilene của Kansas đã trở thành “chợ bò” quan trọng cho thị trường bò Texas. Thành phố Dodge, Kansas, sau đó trở nên quan trọng hơn Abilene và được mệnh danh là “kinh đô” của các chàng cao-bồi. Bò được chuyển đến những tỉnh thuộc Kansas, và sau đó, người ta chuyển chúng thẳng tới Chicago bằng xe lửa.

Cuộc buôn bán bò hưng thịnh kéo dài được 15 năm. Hàng chục triệu con bò đã liên tục băng ngang qua cao nguyên Great Plains. Trên con đường dài này, đàn bò chỉ có thể di chuyển một cách chậm chạp, có khi vài tháng, có khi cả năm mới tới nơi bán, và các chàng cao-bồi phải bảo vệ bò suốt 24 giờ một ngày.

Rồi tới năm 1880, tình hình thị trường thịt bò thay đổi. Đôi khi bò tới nơi mà không bán được ngay, chúng phải được nuôi dưỡng trên những cánh đồng cỏ để béo tốt trở lại sau cuộc di chuyển dài ngày. Do đó hàng trăm trại bò được thành lập dọc theo đường di chuyển để nuôi dưỡng chúng chờ ngày mang ra chợ bán. Số trại bò đã nhanh chóng tăng trưởng cả về số lượng lẫn kích thước. Có trại rất lớn, do người giầu mua lại đất của các trại nhỏ, có diện tích lớn hơn diện tích của tiểu bang Rhode Island, đó là trại The King Ranch còn hoạt động tới ngày nay.

Xin mở dấu ngoặc ở đây, vào năm 1862, để khuyến khích dân chúng đến định cư ở các vùng miền Tây xa xôi (tính từ sông Mississippi), Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua dự luật "Homstead Act". Luật này cho phép công dân Mỹ trên 21 tuổi đến đây lập nghiệp được cấp 160 mẫu tây đất (acres) để khai khẩn. Một làn sóng di dân tràn vào vùng này. Theo đạo luật mới, họ có quyền thiết lập nông trại riêng cho mình trong phạm vi đất được sở hữu. Ban đầu, các chàng cao-bồi Texas không quan tâm đến những nông trại tư nhân mới thiết lập này đã ngang nhiên dẫn từng đàn bò của mình băng qua ngay cả phần đất đã có chủ ấy. Nhưng tới năm 1875, “dây kẽm gai” được phát minh. Những trại chủ đã dùng dây kẽm gai để làm hàng rào cho khu đất của mình. Các chàng cao-bồi đã đáp ứng lại bằng hành động rất ư là “cao-bồi”, xây dựng hàng rào lớn hơn bao quanh luôn hàng rào của các trại chủ, đồng thời lấp nguồn nước, ngăn chặn đường mòn và ngay cả trục lộ giao thông chính. Cuộc chiến tranh “cắt dây kẽm gai” bộc phát.

Trong khi đó, quyền lợi của những trại chủ được pháp luật bảo vệ. Và cuối cùng, tình hình công việc chung của các chàng cao-bồi cũng đã bị giới hạn dần bởi sự đòi hỏi gia tăng phẩm chất của thịt bò, hệ thống đường sắt được nối dài thêm ra, việc đánh bắt bò hoang không còn xảy ra nữa và cuộc chiến tranh “cắt dây kẽm gai” đã đi vào dĩ vãng.

Đến năm 1885, là năm chấm dứt thời kỳ oai hùng trên lưng ngựa hay thời kỳ “thơ mộng” của các chàng cao-bồi cùng nhau ngồi đánh đàn banjo, thổi khẩu cầm dưới ánh trăng giữa lòng sa mạc hoang vắng. Ngày nay, chính các chàng cao- bồi này hay con cháu của họ đã đổi nghề và đang hăng say làm việc trong những công xưởng kỹ nghệ dầu hỏa hay ngành kỹ nghệ tân tiến khác và ngay cả trong lãnh vực kỹ thuật cao (high tech).

Ngành dầu hỏa

hung 2

Nói về Houston nói riêng, hay Texas nói chung mà ta không nhắc sơ qua ngành dầu hỏa ở vùng này thì quả thật cũng là một thiếu sót lớn, cũng như nếu không nhắc tới những chàng “cao-bồi Texas” như đã nói ở trên vậy. Khởi thủy, vào thời kỳ “cao-bồi Texas” chấm dứt, một biến cố mới khác được phát sinh. Năm 1894, những người thợ đang đào giếng nước thì bất chợt, thay vì nước lại là dầu thô, một thứ được thời đó mệnh danh là “vàng đen” đã từ lòng đất phun lên. Dầu thô được khai thác sau đó. Khởi đầu, có 5 giếng dầu nhỏ với khả năng khai thác 150 nghìn thùng một năm. Trong sáu năm sau, giếng dầu Corsicana, với trữ lượng trong lòng đất có chiều dài 5 dặm (8 cây số), có chiều ngang 2 dặm (3.2 cây số), đã sản xuất được 850 nghìn thùng dầu thô một năm.

Một thương gia tên J.S. Cullinan, đến từ Pennsylvania, xây dựng những nhà máy lọc dầu (refinery) để biến dầu thô thành dầu xăng tinh lọc và những phó sản. Cullinan cũng áp dụng vào xe lửa, dùng dầu thay vì dùng than. Ông ta bắt đầu kỹ nghệ dầu ở Texas với cái tên Texas Fuel Company, và sau này người ta biết đến nó qua tên Texaco Inc., một trong những hãng dầu lớn nhất thế giới.

Rồi vào ngày 10 tháng 1 năm 1901, dầu phun lên từ giếng dầu Spindletop gần tỉnh Beaumont. Giếng dầu này đã sản xuất được 17 triệu thùng trong năm 1901. Chỉ trong vòng một năm sau đó, hơn 100 giếng dầu lớn nhỏ đã được khai thác ở cùng một khu vực của Spindletop. Điều đó chứng tỏ khai thác những giếng dầu không còn là chuyện tình cờ nữa. Tìm kiếm, khai thác dầu đã lan rộng trên toàn Texas, bắt đầu mở một kỷ nguyên mới cho tiểu bang với kỹ nghệ dầu hỏa và kéo dài cho tới ngày nay.

 _________________

Thành phố Houston

hung 1

Sau khi viếng thăm Corpus Christi chúng tôi trở lại thành phố Houston, thành phố lớn nhất của Texas. Trong những ngày đầu lập quốc, thành phố Houston đã từng là thủ đô tạm thời của “nước Texas”, sau đó thủ đô chính thức được dời sang thành phố Austin.

Vậy Houston là ai mà được vinh danh mang tên của thành phố này? Thêm nữa, hiểu biết về Sam Houston thật là điều cần thiết nếu ta muốn biết tường tận sự lý thú về lịch sử hình thành của tiểu bang Texas.

hung 2                                                            Sam Houston

Sam Houston sinh trưởng ở Virginia nhưng theo gia đình di chuyển về tiểu bang Tennessee lúc còn là một cậu bé con. Ông không thích đến trường nhưng lại thích đọc sách nên có kiến thức rất rộng. Khi đủ tuổi trưởng thành ông gia nhập quân đội, trở thành sĩ quan theo đoàn quân của tướng Andrew Jackson đánh dẹp quân da đỏ Creek Indians. Houston giải ngũ, hành nghề luật sư ở Tennessee, bắt đầu tham gia chính trường năm 30 tuổi và đắc cử dân biểu liên bang đại diện cho tiểu bang Tennessee trong quốc hội ở Washington D.C. và sau đó làm thống đốc tiểu bang Tennessee. Ông có diện mạo cao khỏe, đặc biệt có nhiều điểm giống người bạn thân tức Tổng thống Andrew Jackson (1) (vị tổng thống thứ 7 của Hoa Kỳ) rất năng động, có tài lôi cuốn quần chúng. Người ta tin rằng ông có thể trở thành tổng thống tương lai của Hoa Kỳ.

Năm 1833, Sam Houston đến Texas để thương lượng về một số vấn đề của người da đỏ. Ông tỏ ra rất thích thú về vùng đất mới này và đã quyết định định cư ở đây, để rồi bắt đầu vận động cho một Texas tự trị vì lúc này Texas còn thuộc Mễ Tây Cơ. Đó cũng là nguyện vọng chung của toàn thể di dân đã đến đây sinh sống, nhưng chính quyền Mễ Tây Cơ từ chối mọi đề nghị của dân Texas.

ヒューストンのおすすめ観光スポッ29選 | TABIPPO.NET

Texas trở thành Tiểu bang của Hoa Kỳ

Trận chiến San Jacinto (vùng Galveston như đã kể) đã chiến thắng hoàn toàn và một nước Cộng hòa Texas độc lập đã được thiết lập. Sự độc lập của Texas kéo dài từ 1836 tới 1845 và Houston trở thành Tổng thống đầu tiên của “nuớc Texas” và Stephen Austin làm Bộ trưởng Ngoại giao.       Sau đó, Texas trở thành tiểu bang thứ 28 của nước Mỹ. Houston được bầu vào chức vụ Thượng nghị sĩ của Texas trong Quốc hội liên bang tại Washington trong vòng 13 năm. Houston đã phục vụ đất nước trong suốt 50 năm. Ngày nay người Texas vinh danh ông như một anh hùng vĩ đại và là cha đẻ của nước “Cộng hòa Texas” độc lập.

Sự xin gia nhập của nước Cộng hòa Texas để trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ cũng không phải là chuyện đơn giản. Trở lại năm 1836, dân Texas chưa dứt khoát được sự lựa chọn đường hướng chính trị và ngoại giao của mình. Quốc hội Texas chia làm hai phe, một phe muốn Texas trở thành một nước độc lập nhưng liên minh với Hoa Kỳ thay vì Âu Châu; một phe trong đó có Houston muốn trở thành tiểu bang của Hoa Kỳ, vì như vậy Texas có thể buôn bán với những tiểu bang khác, lại được Hoa Kỳ bảo vệ. Cuối cùng Quốc hội Texas đồng thuận muốn Texas trở thành tiểu bang của Hoa Kỳ. Nhưng Quốc hội Hoa Kỳ đã phải tranh cãi nhiều năm mà vẫn chưa ngã ngũ ra sao. Hoa Kỳ chưa muốn nhận Texas làm tiểu bang của mình vì ngại rằng nguy cơ chiến tranh với Mễ Tây Cơ sẽ xảy ra và Texas hiện đang theo đuổi chính sách dùng nô lệ. Houston dọa Texas sẽ liên minh với Âu châu thay vì Hoa Kỳ. Lời dọa này khiến Quốc hội Hoa Kỳ phải đi đến quyết định chấp nhận Texas trở thành tiểu bang của mình với điều kiện Texas phải tự thanh toán hết những món nợ đang có, nhưng ngược lại đất đai của Texas sẽ thuộc về người Texas chứ không thuộc về Hoa Kỳ. Người dân Texas đã sửa đổi hiến pháp của mình vào ngày 4 tháng 7 năm 1845 và Quốc hội Texas đã biểu quyết để trở thành tiểu bang của Hoa Kỳ. Và Hoa Kỳ ký quyết định Texas trở thành tiểu bang của Hoa Kỳ ngày 29 tháng 12 năm 1845.

Chúng tôi đã bắt đầu tiến vào ranh giới của thành phố Houston. Thành phố Houston mang đủ tính chất của một thành phố lớn của nước Mỹ. Hệ thống xa lộ chằng chịt, xe cộ tấp nập và những cao ốc vươn cao. Có nhiều công nghiệp nặng, kể cả ngành hàng không lẫn y khoa ... kỹ thuật cao (high tech.), nhưng nổi bật nhất vẫn là “công nghiệp năng lượng” đứng hàng đầu thế giới, đặc biệt là “kỹ nghệ dầu hỏa” và những phó sản của nó, hoặc những kỹ nghệ khác có liên quan đến những trang thiết bị, tầu chuyên chở phục vụ cho kỹ nghệ này.  

Sinh hoạt của cộng đồng người Việt ta rất sầm uất, đặc biệt là những sinh hoạt về thương mại, chính trị, văn hóa và nghệ thuật khá nhộn nhịp. Tất nhiên là Houston có những khu chợ Việt Nam với “thứ gì cũng có”, nhưng không tập trung vào một chỗ mà lại chia ra nhiều khu, có lẽ vì bị ảnh hưởng bởi sự chia thành năm khu vực kinh doanh cách xa nhau vốn có sẵn của thành phố Houson.

Thú thực, chúng tôi chỉ ghé thành phố Houston trong một thời gian hai ngày ngắn ngủi, lại dành quá nhiều thời giờ cho người thân trong gia đình và bạn bè sinh sống ở đây nên sự hiểu biết về thành phố này thật chẳng là bao. Trọng tâm chuyến ghé thăm Houston kỳ này của chúng tôi, có thể nói, tập trung cả vào chuyện ăn uống và rong chơi “thăm dân cho biết sự tình” trong các khu chợ của người Việt mà phần lớn nằm dọc theo hai bên đại lộ Bellaire, còn mang tên là đại lộ Sài Gòn. Lác đác vài con phố cắt ngang với đại lộ Bellaire ở khu vực này, tôi còn bắt gặp vài con phố mang tên Việt như phố Lê Nguyên Vỹ, phố Hồ Ngọc Cẩn, chắc còn thêm nữa.

Với sự đãi ngộ của người thân và bạn bè, chúng tôi được hưởng nào sáng phở, trưa cơm nhà hàng, chiều tối cũng lại nhà hàng, chưa kể la cà quán uống cà phê ăn bánh “bầy nhầy” (beignet) trong tiệm Chez Beignets hay một vài tiệm để thưởng thức “mấy món ăn chơi”. Cái bụng không có dịp để đói.

hung 3

Khu Hong Kong Plaza

Khu Hồng Kông Plaza là khu thương mại lớn nhất của người Việt Nam ở thành phố này. Trước mặt tiền của Plaza là tượng đài chiến sĩ to lớn, uy nghi để vinh danh người lính Mỹ lẫn Việt Nam trong trận chiến Việt Nam vừa qua, họ đã cùng sát cánh bảo vệ nền tự do, dân chủ ở quê nhà khi xưa. Và với cả tượng đài thuyền nhân dành cho người vượt biển. Tôi vào một tiệm sách Việt bên trong khu chợ Hồng Kông mua mang về một ít sách. Sách ở đây có nhiều và rẻ hơn ở California như Westminster hay San Jose mà tôi được biết.

Chúng tôi được nghe, thành phố Houston có nhiều chỗ để đi thăm thú và nhiều thắng cảnh đẹp thu hút du khách, như ta có thể đi thăm Bảo tàng viện lịch sử Texas (The Museum of Texas History), Bảo tàng Nghệ thuật (Museum of Fine Art) trưng bầy những tác phẩm nghệ thuật của Ai Cập, Hy Lạp, La Mã và Châu Âu, được mở cửa từ năm 1924, và nó cũng là Bảo tàng nghệ thuật đầu tiên của Texas. Ta cũng có thể đi thăm “Khu chợ cổ” (Old Market Square) hay “Sở thú” (The Houston’s zoo) và nhất là, thật thích thú biết bao khi ta tới thăm “Trung tâm Không gian Houston” để xem những phi thuyền và hiểu biết phương cách làm sao những phi hành gia có thể sống và làm việc trên không gian. Nhiều và còn nhiều lắm những nơi chốn để ta tới xem trong thành phố Houston. Xin hẹn chuyến đi sau.

Chúng tôi từ giã Texas để trở lại thành phồ Shreverport, Louisiana. Và từ đó chúng tôi đáp máy bay về lại San Jose nơi chúng tôi đang sinh sống. Khi đặt chân tới San Jose, cảm giác đầu tiên của tôi là được trở về nhà để tiếp tục mọi sinh hoạt hàng ngày một cách thoải mái hơn sau những ngày lang thang dù cuộc đi chơi xa nhà nào cũng mang cho tôi nhiều thích thú.

Houston is the future; higher ed is stuck in past (opinion)

Nói chung, Texas là nơi đất lành chim đậu, đặc biệt đối với người Việt tị nạn chúng ta. Vội ghi lại vài hàng những kỷ niệm nhớ nhớ quên quên của tuổi “chớm già”. Thương nhớ Texas nhiều.

 

 Nguyễn Giụ Hùng

Post by Kim Phượng

5 Best Road Trips to Take in the Spring in Texas 

 

Đi thăm Texas: Những chàng cao bồi và ngành dầu hỏa

Vé máy bay đi Texas Vietnam Airlines giá rẻ

Chỉnh sửa lần cuối vào %AM, %21 %641 %2023 %10:%04
back to top